Giải Thích Lời Minh Thệ & Nhập Môn Cầu Đạo - 18/24 (TTTN)


TU THÂN
I . Tu thân theo Nho giáo
Tu là sửa, Thân là thân mình. Tu thân là sửa chữa bản thân mình cho được ngay chánh, hợp theo đạo đức.
Muốn Tu thân thì trước hết phải giữ cái tâm mình cho được ngay chính. Tâm không ngay chính thì làm sao sửa mình cho ngay chánh được.
Trong Bát điều mục của Nho giáo thì Tu thân là trung tâm điểm, nên quan trọng hơn tất cả.
Muốn Tu thân, phải : Cách vật, Trí tri, Thành ý và Chánh tâm. Tu thân được rồi thì mới có thể : Tề gia, Trị quốc và Bình thiên hạ. Bốn điều mục trước là điều kiện để Tu thân, và ba điều mục sau là hệ quả của việc Tu thân.

“ Người quân tử cần phải có học, mà sự học của mọi người là cốt ở sự sửa mình (Tu thân), cho nên sách Đại Học nói rằng :
“ Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ Tu thân vi bổn ”. Nghĩa là : Từ vua cho đến dân, ai cũng phải lấy sự Tu thân làm gốc. Muốn sửa mình cho thành người có đức hạnh hoàn toàn thì trước hết phải giữ cái tâm của mình cho chánh (Chánh tâm), cái ý của mình cho thành (Thành ý), rồi mới Cách vật Trí tri được, nghĩa là hiểu rõ các sự vật và biết đến cùng cực cái biết.

Giữ cái tâm của mình cho chánh, là đừng để cho sự tức giận, sợ hãi, sự vui say, ưu hoạn, làm cho cái tâm của mình chếch lệch, làm cho mình không hiểu rõ cái nghĩa lý ngay thẳng. Khi đã bị những sự ấy làm loạn cái tâm của mình thì mắt trông không thấy, tai nghe không hiểu, ăn không biết mùi, bởi thế cho nên bao giờ ta cũng phải giữ cái tâm cho chánh.

Giữ cái ý của mình cho thành tức là mình không dối mình, đối với việc gì cũng cứ thành thật, như ghét mùi thối, yêu sắc đẹp, nghĩa là ý mình thế nào thì cứ thực bày tỏ ra như thế, chớ không dối trá chút nào. Được như thế mới là khoái túc. Bởi thế người quân tử phải giữ cẩn thận tư tưởng của mình trong khi ngồi một mình đối với mình.

Tâm đã chánh, ý đã thành thì tự nhiên cái lương tri lương năng của mình tức là cái Minh đức trở nên mẫn huệ, xem xét điều gì cũng hiểu rõ chỗ sâu xa, làm điều gì hay là đối phó với cảnh huống nào cũng đắc kỳ trung, cũng có điều hòa, có bình hành, rất hợp đạo lý.

Trong việc Tu thân, Khổng giáo lấy sự Thành ý làm trọng yếu hơn cả. Nên Tăng Tử nói : “ Phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng thể bàn, cố quân tử tất thành kỳ ý.”  Nghĩa là : Giàu thì hiển hiện ra ở nhà, có đức tốt thì hiển hiện ra ở người, trong bụng rộng rãi thì thân thể có vẻ ung dung thơ thới. Bởi thế người quân tử phải giữ cái ý của mình cho thành thật. Cái ý ở trong mà thành thật thì cái đức hiển hiện ra ngoài thân thể.

Việc Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ đều bởi đó mà ra cả.” (Theo Nho giáo của Trần Trọng Kim)
*  *  *
II . Tu thân phải làm gì ?

Trong công việc Tu Thân, nên ghi nhớ các điều :
* Thấy người làm thiện thì xem xét lại mình có thiện không ?  Thấy người làm ác thì cũng phải xem xét lại mình có ác không ?
* Mình không sửa mình để dạy người là nghịch; còn sửa mình cho ngay chính để dạy người là thuận.
* Có lỗi mà không sửa, ấy là người lỗi vậy.
* Vui thấy người thiện, vui nghe sự thiện; vui nói lời thiện, vui làm điều thiện.
* Người nói những điều xấu của ta là thầy ta; kẻ nói những điều hay của ta là hại ta.
* Thuốc hay đắng miệng, lời ngay thật ích lợi cho việc sửa mình.
* Có cha mẹ mà không báo đáp, lại muốn con cái phải hiếu thảo với mình, là không biết lượng xét.

Có anh mà không biết kính trọng, lại đòi em phải vâng lời mình, là không biết lượng xét.
* Muốn xét người, trước phải xét mình; mình nói xấu người tức là mình tự xấu.
* Tự mãn là hỏng, tự kiêu là khờ, tự hại ấy    nhẫn.
* Người không phải chớ giao thiệp, vật không phải nghĩa chớ lấy, giận không phải chỗ chớ nên, việc không phải lễ chớ nói.
* Cẩn thận thì không lo, nhường nhịn thì không nhục, bình tỉnh thì thường yên, tiết kiệm thì thường đủ.

Muốn sửa mình thì phải giữ theo Đạo. Muốn giữ theo Đạo thì phải có lòng Nhân. Nhân là đức căn bản sanh ra các đức tốt khác, là đầu của các điều thiện.

Vào đạo Tu thân, phải xem kinh đọc sách đạo, học tập Thánh ngôn Thánh giáo để thanh lọc tư tưởng, gội rửa tánh xấu, hầu xa lần những ngôn ngữ tổn đức thất nhơn tâm, tránh không làm những điều tội lỗi, tập làm những điều nhân việc thiện, ban đầu hơi ngỡ ngàng đối với người đã quen tánh cũ, nhưng phải cố gắng bền chí thanh lọc ngày ngày tháng tháng trong câu : Nhựt tụ nguyệt tăng, hay Nhựt nhu ngoạt nhiễm.

Dòng nước sông múc vào trong chậu, để yên sẽ được lóng trong phần trên, thải hồi phần cặn cáu. Người tu hành siêng năng bền chí thanh lọc trau sửa bổn tâm bổn tánh, lần hồi sẽ trở nên thuần lương thánh thiện.

Phật Tiên Thần Thánh ngày nay, ngày xưa được trọn lành trọn tốt đều phải trải qua những giai đoạn thanh lọc ấy. Có nhiều bậc Phật Tiên Thần Thánh trước kia cũng mang thể xác làm người, cũng lâm vấp những thói hư tật xấu như ai, nhưng nhờ biết khiêm tốn học hỏi, biết phục thiện để chừa lỗi, thâu nhận lời lành, ý hay, lẽ tốt để trau sửa bổn tâm, rèn luyện bổn tánh, mới có thể tiến hóa lần lần từ kiếp người đến hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Đức tánh khiêm tốn, tinh thần phục thiện là món bửu bối quí giá để giúp người tu thân hành đạo có được những cử chỉ khả ái, tác phong dễ thương, tư cách đức độ, việc làm nhân từ khả dĩ gây được bầu không khí hiền hòa với những người đối diện. Đó là TU vậy.

Tu là sửa đổi từ dữ ra hiền, từ hư được nên, sửa đổi từ xấu thành tốt, từ phàm nhân ra Thánh nhân.
Tu cũng là tu bổ những chỗ hư hỏng thiếu sót để được hoàn mỹ chí thiện chí nhân vậy.
Nếu không sửa đổi cải thiện, nếu không khiêm tốn học hỏi điều lành, nếu không phục thiện để nhận chỗ sai hầu chừa cải thì dầu tu trọn đời mãn kiếp, phàm nhân vẫn là phàm nhân, luân hồi chuyển kiếp vẫn trong vòng chuyển kiếp luân hồi.

* * *
III. Đức Chí Tôn dạy về Tu thân

Đức Chí Tôn giáng cơ dạy về Tu thân, phải thực hành hằng ngày hằng bữa và liên tục :
“ Phải thường hỏi lấy mình, khi đem mình vào lạy Thầy buổi tối, coi phận sự ngày ấy đã xong chưa và lương tâm có điều chi cắn rứt chăng. Nếu phận sự còn nét chưa rồi, lương tâm chưa được yên tịnh thì phải biết cải hóa, ráng sức chuộc lấy lỗi lầm đã làm thì các con có lo chi chẳng bì bực Chí Thánh.

Thầy mong mỗi đứa đều lưu ý đến sự sửa mình thì lấy làm may mắn cho nền Đạo, rồi các con sẽ được thong dong treo gương cho kẻ khác.”  (TNHT 1-2 hợp nhứt,B 69)

Hạnh Đường Huấn Luyện Lễ Sanh đặt ra 10 câu tự hỏi sau đây để giúp cho việc Tu Thân :
" Vậy mỗi buổi tối, chúng ta nên kiểm điểm sự hành động của ta trong ngày và tự hỏi :
1 . Ta có ích kỷ không ?
2 . Ta có phạm Ngũ giới cấm không ?
3 . Ta có làm việc chểnh mảng không ?
4 . Ta có làm ngơ trước một điều thiện nhỏ nào không?
5 . Ta có làm điều gì phạm danh giá người không ?
6 . Ta có làm hại ai không ?
7 . Ta có xúi giục người làm quấy không ?
8 . Ta có làm gì trái luật nước không ?
9 . Ta có làm gì trái thuần phong mỹ tục không ?
10 . Ta có làm điều gì bất công không ?

Mỗi ngày cứ tập xét mình như vậy mãi, hễ nhận thấy mình đã làm điều chi thuộc 10 câu tự vấn ấy, tức khắc phải lo chừa cải, mỗi ngày cải tiến một ít, lần lần ta sẽ hoàn toàn quay về với lẽ phải.

Ngoài những phương pháp tu dưỡng cao siêu riêng dành cho bực thượng thừa, những qui tắc vừa kể trên đây rất hạp với chư thiện tín, mà vấn đề không có điều chi bó buộc khó khăn và cũng không một mảy may nào gọi là yếm thế, dị đoan, mê tín."
Home        1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ]  [ 19 ]  [ 20 ]  [ 21 ]  [ 22 ]  [ 23 ]  [ 24 ]