Giải Thích Lời Minh Thệ & Nhập Môn Cầu Đạo - 12/24 (TTTN)


LƯỢC SỬ THÀNH LẬP
Đạo Cao Đài
Trong chương nầy, chúng tôi ghi lại một cách tóm tắt các sự kiện quan trọng theo niên biểu (từ năm 1925 đến 1941) để bạn đạo có một nhận định tổng quát về sự thành lập Đạo Cao Đài của Đức Chí Tôn Thượng Đế. 
Bạn đạo muốn biết thêm các chi tiết thì đọc các quyển sách về Lịch Sử Đạo Cao Đài.

Năm Ất Sửu  (1925)

Thứ sáu, 4-6-Ất Sửu (dl 24-7-1925), lúc 9 giờ tối.
Bốn ông : Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Diêu họp nhau tại nhà ông Sang ở phố hàng dừa, Sài Gòn, để thí nghiệm xây bàn theo lối Thần Linh học Tây phương.
Bốn ông ngồi quanh một cái bàn tròn một trụ ba chân đặt nơi hàng ba, một chân bàn kê lên cho gập ghình, hai bàn tay đều xòe ra úp lên mặt bàn, im lặng định thần. Lát sau, cái bàn rung động, nghiêng qua lại gõ nhẹ lên gạch. Các ông biết là có vong linh nhập vào bàn, tuy nhiên khi ghi lại các tín hiệu nhận được thì không đọc được ra câu gì hết, có chữ Việt, có chữ Pháp lộn xộn, dường như các vong linh tranh nhau nói. Đến quá khuya mà chưa có được kết quả cụ thể nào, các ông mệt quá, đành dọn dẹp đi nghỉ, hẹn đêm mai thử nữa.

Thứ bảy, 5-6-Ất Sửu (dl  25-7-1925), khoảng 9 giờ tối.
Bốn ông vẫn bày bố y như hôm qua, nhưng chưng hoa quả và nhang đèn tươm tất hơn. Vừa tịnh thần một lát thì có vong linh nhập bàn, liền nhịp chân bàn gõ thành tiếng rõ ràng, không lộn xộn như đêm qua, quí ông ráp lại được 3 chữ : CAO QUỲNH LƯỢNG.

Bốn ông rất vui mừng, vì Cao Quỳnh Lượng là con của ông Cao Quỳnh Diêu, chết đã mấy năm rồi. Ông Cư thử xem có thiệt là Cao Quỳnh Lượng không, liền nói : - Nếu phải là Cao Quỳnh Lượng thì gõ bàn cho biết tên của những người đang ngồi xây bàn nơi đây. Cao Quỳnh Lượng liền gõ bàn đúng tên các vị. Ông Diêu biểu Lượng đi mời ông Nội đến. Chờ một lúc thì chơn linh ông CAO QUỲNH TUÂN (thân phụ của hai ông Diêu và Cư) nhập bàn, gõ cho bài thi : “ Ly trần tuổi đã quá năm mươi, . . . . . “

Kết quả buổi xây bàn nầy thật là mỹ mãn, làm cho bốn ông suy nghĩ rất nhiều, tin tưởng là có thế giới vô hình và có thể nói chuyện với những vong linh đã khuất.

Ngày 10-6-Ất Sửu (dl  30-7-1925), lúc 9 giờ tối.
Bốn ông lại tổ chức xây bàn tại nhà ông Sang. Tối nay, chiếc bàn chuyển động khoan thai nhẹ nhàng, gõ bàn cho một bài thi, tựa là “Thác vì tình” : “Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai, . . . “, xưng tên là : Đoàn Ngọc Quế, con gái.
Quí ông yêu cầu Cô cho biết phần mộ của Cô ở đâu đặng đến viếng. Cô cho biết, mộ của Cô ở trong vườn Bà Lớn, gần Ngã Bảy và tên thiệt của Cô là Vương Thị Lễ.
Mấy hôm sau, ba ông Cư, Tắc, Sang đem đèn nhang đi viếng mộ Cô Lễ thì đúng y như lời cô chỉ dẫn.

Thứ bảy, 19-6-Ất Sửu (dl  8-8-1925), khoảng 8 giờ tối.
Ba ông Cư Tắc Sang xây bàn, Cô Lễ giáng bàn, kết
nghĩa anh em với ba ông : Cô gọi ông Cư là Trưởng Ca, ông Tắc là Nhị Ca, ông Sang là Tam Ca, còn Cô là Tứ muội. Cô Lễ gọi bà Hiếu (vợ của ông Cư) là Đại tỷ. Tình cảm thân thiết của quí vị như trong một gia đình.

Quí ông cứ tiếp tục xây bàn, có nhiều chơn linh đến xướng họa thi phú để cho quí ông có thêm đức tin về các chơn linh nơi cõi vô hình.

Thứ sáu, 10-7-Ất Sửu (dl  28-8-1925), tối.
Tại nhà ông Cư, ba ông Cư, Tắc, Sang xây bàn như thường lệ.  Khi tay vừa đặt vào bàn, bàn liền chuyển động, cho bốn câu thi “ Ớt cay cay ớt gẫm mà cay, . . .“ và xưng danh là “ A Ă Â “

Mùng 1-8-Ất Sửu (dl  18-9-1925), tối.
Cô Vương Thị Lễ nhập bàn tiết lộ cho ba ông biết, Cô là Thất Nương của Diêu Trì Cung nơi cõi thiêng liêng, trên có Cửu Thiên Nương Nương cai quản, còn Cô Hớn Liên Bạch là Bát Nương. Ba ông xin Cô dạy cách cầu Cửu Thiên Nương Nương. Thất Nương bảo ba ông phải ăn chay trước 3 ngày và phải có ngọc cơ mới cầu Nương Nương đặng. Thất Nương chỉ vẽ cho 3 ông cách cầu bằng ngọc cơ.

Mùng 8-8-Ất Sửu (dl  25-9-1925), tối.
Đấng A Ă Â giáng bàn, dạy ba ông nhân đó mà làm một cái tiệc chay vào đêm Trung Thu để đãi Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu vị Tiên Nương.

Đêm 15-8-Ất Sửu (dl  2-10-1925) : HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG.
Ba ông Cư, Tắc, Sang thiết lễ Hội Yến DTC tại tư gia của ông Cư (134 đường Bourdais, Sài Gòn). Quí ông lập bàn hương án, chưng những thứ hoa thơm, xông trầm trọn ngày (nhà không tiếp khách). Sắp đặt tiệc ấy do bà Hiếu vâng lịnh lập thành. Trên là bàn thờ Đức Phật Mẫu, dưới đặt một bàn dài, sắp 9 cái ghế như có người ngồi vậy, chén, đũa, muỗng, ly, tách, đều giống y như đãi người hữu hình. Đến giờ Tý, quí vị lên nhang đèn, quì lạy thành kỉnh, rồi đem ngọc cơ ra cầu. Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương giáng chào mừng.

Ba ông, mỗi người đều có chuẩn bị sẵn một bài thi mừng do Thất Nương dặn trước, lần lượt ngâm lên để hiến lễ Nương Nương. Đức Phật Mẫu và 9 Cô an vị lắng nghe.

Chừng nhập tiệc, Thất Nương mời ba ông ngồi chung vào tiệc cho vui. Ba ông thấy không thể chối từ nên sắp sau lưng 9 Cô ba cái ghế, ba ông xá rồi ngồi xuống.

Cách chừng nửa giờ sau, như là mãn tiệc, ba ông phò cơ tái cầu. Lịnh Nương Nương và 9 Cô để lời cảm tạ, mỗi vị cho một bài thi bốn câu, lại hứa rằng : “ Từ đây có ngọc cơ rồi thì tiện cho DTC Cửu Cô đến dạy việc.”

 Kể từ ngày nầy, quí ông sử dụng ngọc cơ cầu các Đấng theo lối Cầu Tiên của Đạo gia, nhận các Thánh giáo rất nhanh so với lối Xây Bàn của Thần Linh học.

Đêm  3-9-Ất Sửu (dl  20-10-1925).
Đấng AĂÂ giáng, nói với ba ông : “ Tôi nói lộ Thiên cơ, trên Ngọc Hư bắt tội, xin tam vị Đạo hữu cầu Ngọc Hư Cung tha tội cho tôi. Nếu không lo cầu giùm thì tôi bị phạt.” Ba ông liền đặt một bài thi khẩn cầu, rồi lập bàn hương án cầu DTC xin Ngọc Hư tha tội cho ông AĂÂ.

Đêm  27-10-Ất Sửu (dl  12-12-1925).
Đấng Cửu Thiên Huyền Nữ giáng đàn truyền lịnh : “ Mùng 1 nầy, tam vị đạo hữu vọng Thiên cầu Đạo.”
Ba ông không biết Vọng Thiên cầu Đạo là làm gì, bèn cầu hỏi Thất Nương. Thất Nương trả lời : Không phải phận sự của em, xin hỏi ông AĂÂ. Ba ông không thỏa mãn, bèn cầu hỏi các Đấng khác, nhưng các Đấng ấy cũng trả lời tương tự như Thất Nương.

Đêm  30-10-Ất Sửu (dl  15-12-1925).
Ba ông cầu Đấng AĂÂ, Ngài giáng dạy : “ Ngày mùng 1 tháng 11 nầy, tam vị phải vọng Thiên cầu Đạo, tắm gội cho tinh khiết, ra quì giữa trời, mỗi người cầm 9 cây nhang mà vái rằng : “ Ba tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang vọng bái Cao Đài Thượng Đế ban ơn đủ phước lành cho ba tôi cải tà qui chánh.”

Đêm mùng 1-11-Ất Sửu (dl  16-12-1925) : VỌNG THIÊN CẦU ĐẠO.
Ba vị Cư, Tắc, Sang mặc quốc phục nghiêm chỉnh, lập bàn hương án trước sân nhà ông Cư, cạnh lề đường, mỗi ông cầm 9 cây nhang quì giữa trời cầu nguyện y như Đấng AĂÂ dạy. Lúc đó khoảng 10 giờ đêm, người hiếu kỳ bu lại xem ba ông cầu cúng gì mà lạ vậy.

Sau khi tàn 9 cây nhang, ba ông trở vô nhà, đem ngọc cơ ra cầu. Đấng Cao Đài Thượng Đế giáng, viết chữ nho, ba không không hiểu. Khi Đấng Cao Đài thăng rồi, ba ông liền cầu Đấng AĂÂ. Ngài giáng dạy : Đức Cao Đài Thượng Đế nói, tam vị chưa đủ đức tin về Ngài nên hỏi gạn lại, tam vị phải nghĩ cho thấu. Rồi Ngài cho bài thi bốn câu : " Cứ níu theo phan Đức Thượng Hoàng, . . . . "

Đêm mùng 4-11-Ất Sửu (dl  19-12-1925).
Ba ngày sau khi Vọng Thiên Cầu Đạo, Đấng AĂÂ giáng cho ba ông bài thi :
Mừng thay gặp gỡ  Đạo Cao Đài,
Bởi  đức  ngày  xưa    buổi  nay.
Rộng mở cửa răn năng cứu chuộc,
Gìn  lòng  tu  tánh,  chớ  đơn  sai.

Như vậy là Đấng Thượng Đế đã chấp nhận lời vọng Thiên cầu Đạo của ba ông Cư, Tắc, Sang, và sẽ mở ra một mối đạo mới gọi là Đạo Cao Đài để cứu độ nhơn sanh.

Đêm mùng 9-11-Ất Sửu (dl  24-12-1925) : Đêm NOEL 1925.
Nhân Lễ Chúa Giáng Sinh, ba ông tập hợp lại nhà ông Cư để cầu cơ. Đấng AĂÂ giáng cơ xác nhận : AĂÂ chính là Cao Đài Thượng Đế, tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát để dạy đạo tại nước Việt Nam, và Đức Chí Tôn ban lịnh cho ba ông : " Chẳng bao lâu đây, các con phải ra giúp Thầy khai đạo."

Đêm  18-11-Ất Sửu (dl  2-1-1926) : Thầy bắt đầu dạy Đạo.
Đức Chí Tôn khởi sự dạy đạo cho ba ông Cư, Tắc, Sang và căn dặn hai ông Cư, Tắc mỗi việc chi đều phải triệt để tuân lịnh Thầy.

Ngày 27-11-Ất Sửu (dl  11-1-1926).
Ông Lê Văn Trung đến hầu đàn tại nhà ông Cư, được Đức Chí Tôn ban cho bốn câu thi.
( Ông Trung trước đó được ông Nguyễn Hữu Đắc hướng dẫn đến hầu đàn Chợ Gạo ở Phú Lâm (nhà của ông Lê Thành Vạn), tại đây Đức Lý Thái Bạch giáng đàn, độ ông Trung, làm cho cặp mắt của ông hết bịnh, sáng trở lại ).

Ngày 3-12-Ất Sửu (dl  16-1-1926).
Ông Quí Cao giáng cơ cho bài thi “ Tu như cỏ úa gặp mù sương “ và sau đó ông giải thích về Ngũ kỵ, tức là Ngũ vị tân mà Phật giáo cấm dùng.

Ngày 5-12-Ất Sửu (dl  18-1-1926).
Hai ông Cư và Tắc vâng lịnh Đức Chí Tôn đến nhà ông Lê Văn Trung ở Chợ Lớn để lập đàn. Đức Chí Tôn dạy ông Trung : “ Trung, nhứt tâm nghe con. Sống cũng nơi Thầy, thác cũng nơi Thầy, thành cũng nơi Thầy mà đọa cũng nơi Thầy. Con lấy sự sáng của con mà suy lấy.”
Trong dịp nầy, Đức Chí Tôn dạy ông Trung phải hiệp với hai ông Cư và Tắc lo việc mở Đạo.

Ngày 14-12-Ất Sửu (dl  27-1-1926).
Quí ông bạch hỏi Đức Chí Tôn về cách thờ phượng. Đức Chí Tôn dạy quí ông đến gặp ông Ngô Văn Chiêu để xem cách thức. (Ông Chiêu lúc đó ngụ tại lầu 2, số nhà 110 đường Bonard, nay là đại lộ Lê Lợi, Sài Gòn).

Nói riêng về Ngài Ngô Văn Chiêu :
- Mùng 1 Tết Tân Dậu (dl 8-2-1921), Đức Chí Tôn giáng bảo ông Chiêu ăn chay 3 năm (Chiêu ! Tam niên trường trai), xem như ông Chiêu được Đức Chí Tôn thâu làm môn đệ đầu tiên, trong lúc đó ông Chiêu đang làm Quận trưởng quận Phú Quốc.
- Ngày 13-3-Tân Dậu (dl 20-4-1921), ông Chiêu đang ngồi sau dinh Quận nhìn ra biển, chợt thấy hiện ra một con mắt lớn, chói lọi hào quang. Ông Chiêu sợ hãi, vái : Như phải Tiên Ông bảo thờ Thiên Nhãn thì xin cho biến mất tức thì.
- Vài ngày sau, ông Chiêu lại thấy Thiên Nhãn hiện ra lần nữa, Ngài lại khấn xin vẽ Thiên Nhãn như thế để thờ, thì Thiên Nhãn từ từ  biến mất.
- Sau đó, ông Ngô Văn Chiêu được nhà cầm quyền Pháp đổi về làm việc tại Sài Gòn. Ngài rời đảo Phú Quốc ngày 28-6-Giáp Tý (dl 29-7-1924), về tới Sài Gòn ngay ngày hôm sau, thuê nhà tại 110 đường Bonard để cư ngụ, còn gia đình của Ngài vẫn ở tại Thị xã Tân An.

Ngày 18-12-Ất Sửu (dl  31-1-1926).
Ông Lê Văn Trung lập bàn thờ Thầy rất long trọng và tổ chức lễ Khai đàn Thượng tượng. Đức Chí Tôn giáng dạy ông Trung cách sắp đặt thờ Tam Trấn Oai Nghiêm.

Ngày 30-12-Ất Sửu (dl  12-2-1926) : Đêm giao thừa.
Đức Chí Tôn dạy Ngài Chiêu hiệp với quí ông lập phái đoàn đi viếng thăm nhà các môn đệ của Đức Chí Tôn trong dịp giao thừa cuối năm Ất Sửu.

Ngài Chiêu làm pháp đàn, hai Ngài Cư và Tắc phò loan, ông Nguyễn Trung Hậu làm độc giả và ông Tuyết Tân Thành làm điển ký.

Phái đoàn lần lượt đi đến từng nhà của các môn đệ, đến mỗi nhà thì phò loan cho Đức Chí Tôn giáng dạy.
Khi phái đoàn đến nhà Ngài Lê Văn Trung thì vừa kịp đón lễ Giao thừa.

Đúng giờ Tý năm mới Bính Dần, Đức Chí Tôn giáng ban Thánh giáo đầu tiên rất quan trọng :
" Chư đệ tử  nghe,
CHIÊU buổi trước hứa lời truyền Đạo cứu vớt chúng sanh, nay phải y lời mà làm chủ, dìu dắt cả môn đệ Ta vào đường đạo đức, đến buổi chúng nó lập thành, chẳng nên tháo trút. Phải thay mặt Ta mà dạy dỗ chúng nó.
TRUNG, KỲ, HOÀI, ba con phải lo thay mặt cho CHIÊU mà đi độ người. Nghe và tuân theo.
BẢN, SANG, GIẢNG, QUÍ lo dọn mình đạo đức đặng truyền bá cho chúng sanh. Nghe và tuân theo.
ĐỨC tập cơ, HẬU tập cơ, sau theo mấy anh đặng độ người. Nghe và tuân theo".
Ấy là lời Thánh giáo đầu tiên.
Đây là ngày giờ mà Đức Chí Tôn khởi lập Đạo Cao Đài : giờ Tý  mùng 1 Tết  năm Bính Dần.

*  *  *
Đạo lịch 1 - Năm Bính Dần (1926)

Mùng  8-1-Bính Dần (dl  20-2-1926) : Lễ Vía Đức Chí Tôn.
Lễ Vía Đức Chí Tôn được tổ chức tại nhà ông Vương Quan Kỳ, Sài Gòn. Sau phần cúng lễ, quí vị lập đàn cầu Đức Chí Tôn. Ngài Chiêu làm pháp đàn, 2 Ngài Cư - Tắc phò cơ. Đức Chí Tôn giáng dạy. Nhân dịp nầy, Ngài Chiêu bạch xin Đức Chí Tôn lấy tên các môn đệ hiện diện hầu đàn kết thành bài thi để kỷ niệm. Đức Chí Tôn ban cho 4 câu thi : “ Chiêu Kỳ Trung độ dẫn Hoài sanh, vv. . .” trong đó có đủ tên của 12 môn đệ đầu tiên của Đức Chí Tôn.

Ngày  13-1-Bính Dần (dl  25-2-1926).
Tại nhà ông Cư, Đức Chí Tôn giáng dạy về ý nghĩa của Thiên Nhãn, cách niệm danh Cao Đài, cách bắt ấn Tý, cách lạy, cách dâng Tam bửu (bông, rượu, trà). Bà Hiếu được dạy cách may Thiên phục Đầu Sư phái Thượng.

Ngày 6-3-Bính Dần (dl  17-4-1926).
Đức Chí Tôn dạy 3 ông : Trung, Cư, Tắc lên nhà ông Chiêu bảo ông may Thiên phục Giáo Tông. Bà Hiếu lãnh may và làm mão. Đức Chí Tôn giáng dạy bà Hiếu từng chi tiết, dự bị phong ông Chiêu chức Giáo Tông.

Ngày 11-3-Bính Dần (dl  22-4-1926).
Đức Chí Tôn cho biết : ông Chiêu không lãnh chức Giáo Tông được. Sau nầy, Đức Chí Tôn tiết lộ : Khi Đức Chí Tôn dự bị phong ông Chiêu chức Giáo Tông thì Quỉ vương đòi thử thách ông Chiêu. Vì luật công bình, Đức Chí Tôn phải cho thử thách. Sau 5 ngày thử thách, ông Chiêu thua Quỉ vương nên đành chịu mất ngôi Giáo Tông.

Ngày 14-3-Bính Dần (dl  25-4-1926).
Ông Ngô Văn Chiêu tự ý tách riêng ra khỏi nhóm của quí ông : Trung, Cư, Tắc, Sang, Hậu, Đức . . . Đồng ý với ông Chiêu có : Nguyễn Văn Hoài, Võ Văn Sang, Lý Trọng Quí.

Ông Chiêu hiệp cùng bốn ông : Trung, Cư, Tắc, Sang từ ngày 14-12-Ất Sửu đến ngày 14-3-Bính Dần thì ông Chiêu tách ra, sự hội hiệp chỉ được 3 tháng tròn.

Ngày 15-3-Bính Dần (dl  26-4-1926).
Lễ Thiên phong Chức sắc đầu tiên tổ chức tại nhà Ngài Lê Văn Trung ở Chợ Lớn, khởi đúng giờ Tý ngày rằm. Đức Chí Tôn giáng phong :
- Đức và Hậu : phong vi Tiên Đạo Phò Cơ Đạo Sĩ.
- Cư : phong vi Tá Cơ Tiên Hạc Đạo Sĩ.
- Tắc : phong vi Hộ Giá Tiên Đồng Tá Cơ Đạo Sĩ.
- Trung, Lịch đã thọ sắc, cứ tước vị mà theo sắc mạng Ta. (Hai vị nầy đã được Đức Chí Tôn phong Đầu Sư).
- Kỳ : phong vi Tiên Sắc Lang Quân Nhậm Thuyết Đạo Giáo Sư.
Bản : phong vi Tiên Đạo Công Thần Thuyết Đạo Sư.
Đặc biệt trong cuộc lễ Thiên phong nầy, Đức Chí Tôn trục thần của Phạm Công Tắc để đưa chơn linh Vi Hộ Pháp nhập vào xác thân của Phạm Công Tắc.

Từ cuối tháng 3 năm Bính Dần (1926).
Đức Chí Tôn cho thiết lập nhiều đàn cơ phổ độ để thâu nhận tín đồ gia nhập Đạo Cao Đài. Trong vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định có 6 đàn cơ phổ độ, kể ra :
1 . Đàn Cầu Kho tại nhà ông Đoàn Văn Bản, ông Vương Quang Kỳ chứng đàn, phò cơ : Hậu - Đức.
2 . Đàn Chợ Lớn tại nhà Ngài Lê Văn Trung, Ngài Trung chứng đàn, phò cơ : Cao Q. Diêu - Cao Hoài Sang.
3 . Đàn Tân Kim, Cần Giuộc tại nhà ông Nguyễn
Văn Lai, ông Nguyễn Ngọc Tương và Lê Văn Lịch chứng đàn, phò cơ :  Ca Minh Chương - Phạm Văn Tươi.
4 . Đàn Lộc Giang, Chợ Lớn, tại chùa Phước Long của Yết Ma Giống, chứng đàn là ông Mạc Văn Nghĩa và Yết Ma Giống, phò cơ : Trần D. Nghĩa - Trương V. Tràng.
5 . Đàn Tân Định tại nhà ông Nguyễn Ngọc Thơ, phò cơ : Cao Quỳnh Cư - Phạm Công Tắc.
6 . Đàn Thủ Đức tại nhà ông Ngô Văn Điều, ông Điều chứng đàn, phò cơ : Huỳnh Văn Mai - Võ V. Nguyên.

Ngày 2-7-Bính Dần (dl  9-8-1926).
Tại Vĩnh Nguyên Tự Cần Giuộc, Đức Chí Tôn giáng cơ ban Tịch đạo Chức sắc nam phái : “ Thanh Đạo tam khai thất ức niên, …” và phong chức cho quí ông :
- Nguyễn Ngọc Tương : Phối Sư Thg Tương Thanh.
- Nguyễn Ngọc Thơ :    Phối Sư Thái Thơ Thanh.
- Lê Bá Trang :           Phối Sư Ngọc Trang Thanh.
- Ngô Văn Kim :          Giáo Sư Thượng Kim Thanh.

Ngày 24-7-Bính Dần (dl  31-8-1926).
Đức Chí Tôn phong Ngài Nguyễn Văn Tương (Minh Sư) ở làng Hữu Đạo, Cai Lậy, chức Thượng Chưởng Pháp.

Ngày  29-7-Bính Dần (dl  5-9-1926).
Đức Chí Tôn phong Hòa Thượng Như Nhãn làm Thái Chưởng Pháp và dạy Hòa Thượng xem lại kinh sách xưa mà lập thành Tân Luật của Đạo Cao Đài.

Đức Chí Tôn cũng phong Hòa Thượng Thiện Minh, học trò của Ngài Như Nhãn, chức Đầu Sư Thái Minh Tinh.

Ngày 11-8-Bính Dần (dl  17-9-1926).
Đ. Chí Tôn dạy Giáo Hữu Thg Kiệt Thanh (Nguyễn Văn Kiệt) làm 7 cái ngai; Giáo Sư Thái Bính Thanh làm Trái Càn Khôn.

Ngày 23-8-Bính Dần (dl  29-9-1926) : LẬP TỜ KHAI ĐẠO.
Đức Chí Tôn ra lịnh cho Ngài Đầu Sư Lê Văn Trung, họp các môn đệ tại nhà ông Nguyễn Văn Tường ở hẽm 237bis đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) để lập Tờ Khai Đạo gởi lên nhà cầm quyền Pháp.
Có tất cả 247 môn đệ ký tên trong buổi họp, nhưng khi ký vào Tờ Khai Đạo thì chỉ ký tên 28 vị làm đại diện.
Tờ Khai Đạo nầy không phải là Đơn xin Khai Đạo, mà là Tuyên Ngôn chánh thức thành lập Đạo Cao Đài.
Vài ngày sau, lập đàn tại nhà Ngài Cư, Ngài Trung dâng Tờ Khai Đạo lên Đức Chí Tôn duyệt xét.
Đức Chí Tôn chấp thuận và căn dặn Ngài Lê Văn Trung : “ Thầy dặn con Trung, nội thứ năm tuần tới phải đến Le Fol mà khai cho kịp nghe.”

Ngày 28-8-Bính Dần (dl  4-10-1926).
Đức Chí Tôn giáng cơ cho biết : Lập ĐĐTKPĐ, Thầy chọn : Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam thập lục Thánh, Thất thập nhị Hiền và Tam thiên đồ đệ.
Thứ năm, 1-9-Bính Dần (dl 7-10-1926) : Nạp Tờ Khai Đạo.
Ngài Lê Văn Trung vâng lịnh Đức Chí Tôn, sáng thứ năm 7-10-1926 (âl  1-9-Bính Dần) đến dinh Thống Đốc Nam Kỳ nạp Tờ Khai Đạo cho Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol, được Le Fol vui vẻ tiếp nhận.

Ngày 7-9-Bính Dần (dl  13-10-1926).
Ngài Cư dâng tập “Phổ Cáo Chúng Sanh“ lên Đức Chí Tôn duyệt xét, được chấp thuận và cho phép ấn hành.

Ngày 10-9-Bính Dần (dl  16-10-1926).
Đức Chí Tôn phong Ngài Thái Lão Sư Trần Văn Thụ  ở Vĩnh Nguyên Tự chức : Ngọc Chưởng Pháp.
Ngày 23-9-Bính Dần (dl  29-10-1926).
Đức Chí Tôn giao quyền thưởng phạt các Chức sắc cho Đức Lý Thái Bạch. Ngày nầy được xem là ngày Đức Chí Tôn giao Đức Lý Thái Bạch làm Giáo Tông ĐĐTKPĐ.

Ngày 12-10-Bính Dần (dl  16-11-1926) : trước Lễ Khai Đạo 3 ngày.
Đức Chí Tôn dạy lập Lễ Khai Đạo nơi Thánh Thất Gò Kén trong 3 ngày : 14, 15 và 16-10-Bính Dần.

Đức Chí Tôn phong thưởng 3 vị : Trang, Tương, Thơ lên làm Chánh Phối Sư ba phái.
Ngày 14-10-Bính Dần (dl  18-11-1926) :  ĐẠI LỄ KHAI ĐẠO.
Đức Chí Tôn lập Tịch đạo nữ phái và phong :
- Bà Lâm Thị Thanh : phong vi Giáo Sư Hương Thanh.
- Bà Ca Thị Thế : phong vi Giáo Hữu Hương Thế.
*  Đêm nay giờ Tý, 15-10-BD,  khởi  ĐẠI LỄ KHAI ĐẠO.

Ngày 16-10-Bính Dần (dl  20-11-1926), đêm.
Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền CTĐ.
Ngày 5-11-Bính Dần (dl  9-12-1926).
Ngài Thượng Chưởng Pháp Tương qui vị tại làng Hữu Đạo, quận Cại Lậy, Mỹ Tho, lúc đó Ngài được 48 tuổi.

Ngày 12-12-Bính Dần (dl 15-1-1927).
Đức Chí Tôn phong :
- Ngài Trần Đạo Quang : Quyền Thượng Chưởng Pháp.
- Ngài Dương Văn Nương: Đầu Sư Thái Nương Tinh. (Còn Ngài Đầu Sư Thái Minh Tinh bị Đức Lý cách chức).

Ngày 13-12-Bính Dần (dl 16-1-1927).
Tân Luật lập xong, 3 Chánh Phối Sư thay mặt Hội Thánh, đủ 6 bàn tay cầm bộ luật dâng lên 3 Đầu Sư, 3  Đầu Sư cũng đủ 6 bàn tay tiếp luật rồi dâng lên 3 Chưởng Pháp, 3 Chưởng Pháp tiếp luật dâng lên Đức Lý Giáo Tông, đặt tại tượng của Ngài.

Ngày 14-12-Bính Dần (dl 17-1-1927).
Đức Lý Giáo Tông mượn hai vị Đầu Sư lên đại điện cầm bộ luật nơi tượng của Ngài, đem giao cho Hộ Pháp. Đức Hộ Pháp khi đưa Luật thì nói : Kỳ một tháng nạp lại.

Cũng ngày nầy, Đức Chí Tôn tiết lộ cho biết :
“ - Ông Nguyễn Ngọc Thơ là chơn linh Từ Hàng Bồ Tát giáng trần. - Ông Dương Văn Nương là chơn linh của Văn Thù Bồ Tát giáng trần”.

Đạo lịch 2 - Năm Đinh Mão (1927)

Ngày mùng 1-1-Đinh Mão (dl 2-2-1927) : Tết Đinh Mão.
* Đức Chí Tôn kiểm điểm một năm truyền đạo, độ được 4 muôn môn đệ (40 000 tín đồ).
* Đức Lý Giáo Tông lập Pháp Chánh Truyền nữ phái Cửu Trùng Đài.
* Ngài Thượng Chưởng Pháp Tương giáng cơ un đúc tinh thần của chư Chức sắc Thiên phong.
Ngày 12-1-Đinh Mão (dl  13-2-1927).
Đức Chí Tôn giáng cơ lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài, phong chức cho Thập nhị Thời Quân.

Ngày 18-1-Đinh Mão (dl 19-2-1927).
Đức Lý quyết định trả chùa Gò Kén cho HT Như Nhãn, dạy Hội Thánh mua đất cất Tòa Thánh. Chỉ mua đất ở Tây Ninh vì Tây Ninh là Thánh địa. Đức Chí Tôn cũng định quyết : Chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi. Đức Lý gợi ý chỉ chỗ, Hội Thánh đi xem đất để mua.

Đức Lý dạy làm con dấu cho 3 Chg Pháp và 3 Đầu Sư.
Ngày 23-1-Đinh Mão (dl 24-2-1927).
Hội Thánh xem đất xong, tối lại cầu Đức Lý. Đức Lý khen, nói đất ấy là Thánh địa vì có Lục Long Phò Ấn.
Ngày 27-1-Đinh Mão (dl 28-2-1927).
Đức Lý Giáo Tông dạy kích thước xây cất Tòa Thánh, và phải mua Bàu Cà Na để làm Động Đình Hồ.
Ngày 20-2-Đinh Mão (dl 23-3-1927).
Hội Thánh trả chùa Gò Kén cho H.T. Như Nhãn, thỉnh cốt Phật Tổ và ông Sa Nặc về đất mới mua. Công cuộc nầy, Đức Cao Thượng Phẩm gánh vác, đứng ra chỉ huy. Đức Cao Thượng Phẩm nhờ số công quả người Miên phá rừng, đốn cây, xây cất Tòa Thánh tạm, Hậu điện, Đông lang, Tây lang, trù phòng, đào giếng, vv . . .
Ngày 2-5-Đinh Mão (dl 1-6-1927).
Đức Chí Tôn báo cho biết : “Cuối kỳ tháng 6 đây thì Thầy phải ngưng hết cơ bút truyền đạo.” Tất cả các đàn cơ phổ độ đều bế lại, chỉ còn cơ bút tại Tòa Thánh mà thôi.
Ngày 14-5-Đinh Mão  (dl 13-6-1927).
Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ đăng Tiên.
Ngày 29-6-Đinh Mão  (dl 27-7-1927).
Đức Phạm Hộ Pháp sang Nam Vang mở đạo. Ngài ngụ tại nhà ông Cao Đức Trọng, lập đàn cơ, Đức Chí Tôn giáng thâu nhận môn đệ, phong Chức sắc cho nhiều vị :
- Lê Văn Bảy, Giáo Hữu phái Thượng, vv. . .
- Trần Kim Phụng, Nữ Giáo Hữu Hương Phụng, vv...
Nhờ số Chức sắc nam nữ đầu tiên nầy, Đức Hộ Pháp
lập “Cơ quan Truyền giáo Hải ngoại”, thường gọi là Hội Thánh Ngoại Giáo, cử Giáo Hữu Thượng Bảy Thanh làm Chủ Trưởng, trụ sở đặt tại Nam Vang, dưới quyền chưởng quản của Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn.
Đạo lịch 3 - Năm Mậu Thìn (1928)

Ngày 19-10-Mậu Thìn  (dl 30-11-1928).
Ngài Bảo Đạo Ca Minh Chương đăng Tiên.
Đây là vị Thời Quân của HTĐ đã qui vị đầu tiên.
Đạo lịch 4 - Năm Kỷ Tỵ (1929)

Ngày 1-3-Kỷ Tỵ  (dl 10-4-1929).
Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư  đăng Tiên, lúc 11 giờ trưa, Ngài được 42 tuổi.
Ngày 8-3-Kỷ Tỵ  (dl 17-4-1929).
Đức Lý Giáo Tông thăng bà Phối Sư Hương Thanh lên phẩm Nữ Chánh Phối Sư.
Ngày 15-5-Kỷ Tỵ  (dl 21-6-1929).
Đức Chí Tôn duyệt và chấp thuận cuốn “Đại Đàn Nghi Tiết” và 3 bài Dâng Tam Bửu mới do Tiếp Lễ Nhạc Quân Cao Quỳnh Diêu đặt ra, nhưng đến ngày 17-6-Canh Ngọ (dl 12-7-1930), Ngài Thượng Đầu Sư mới ban hành.
Ngày 12-12-Kỷ Tỵ  (dl 11-1-1930).
Đức Chí Tôn thăng phẩm cho Ngài Cao Quỳnh Diêu vào chánh vị Bảo Văn Pháp Quân.
Đạo lịch 5 - Năm Canh Ngọ (1930)

Ngày 3-10-Canh Ngọ  (dl 22-11-1930).
Đức Lý Giáo Tông hiệp cùng Đức Phạm Hộ Pháp lập 6 Đạo Nghị Định, từ Đạo Nghị Định 1 đến 6.
Đặc biệt trong Đạo Nghị Định 2, Đức Lý ban cho Đầu Sư Thượng Trung Nhựt cầm quyền Giáo Tông tại thế.
Ngày 30-11-Canh Ngọ  (dl 18-1-1930).
Đức Lý Giáo Tông ban cho Thập Hình để Tòa Đạo xử phạt Chức sắc và Đạo hữu vi phạm luật pháp của Đạo.
Đạo lịch 7 - Năm Nhâm Thân (1932)

Ngày 13-3-Nhâm Thân  (dl 18-4-1932).
Ngài Ngô Văn Chiêu qui liễu khi ngồi xe du lịch qua phà Cần Thơ, định đi về Tân An. Năm đó, Ngài 55 tuổi. Đám tang của Ngài tổ chức rất long trọng tại Cần Thơ.
Ngày 18-5-Nhâm Thân  (dl 21-6-1932).
Ngài Bảo Văn Pháp Quân theo lịnh của Đức Hộ Pháp, viết bài Kinh “Tán Tụng Công Đức DTKM” lấy ý từ bài thi của Phật Mẫu “ Từ Hỗn độn, Chí Tôn hạ chỉ,..”
Đạo lịch 8 - Năm Quí Dậu (1933)

Ngày 26-2-Quí Dậu  (dl 21-3-1933).
Bà Đoàn Thị Điểm giáng cơ bắt đầu viết Nữ Trung Tùng Phận. Đức Hộ Pháp và Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh phò loan. Về sau, Ngài Cao Tiếp Đạo thế Ngài Tiếp Thế  phò loan.
Ngày 1-10-Quí Dậu  (dl 18-11-1933).
Ông Phạm Văn Màng, Cai sở Bàu Sen thuộc Phạm Môn, mất tại Sở Quảng nghệ do bịnh nặng, hưởng được 46 tuổi. Thần Hoàng làng Long Thành báo cho biết ông Màng đắc Thánh vị, gọi là Phối Thánh Phạm Văn Màng.
Ngày 29-12-Quí Dậu  (dl 12-2-1934).
Bát Nương và Lục Nương giáng cơ báo cho biết Ngọc Hư Cung trở pháp, truất quyền của CTĐ, giao cho HTĐ cầm quyền nền Đạo, bởi vì : “Cửu Trùng không kế an thiên hạ, phải để Hiệp Thiên đứng trị vì.” Đức Quyền Giáo Tông biết rằng nhiệm vụ của Đức Ngài sắp chấm dứt.
Đạo lịch 9 - Năm Giáp Tuất (1934)

Ngày 16-7-Giáp Tuất  (dl  25-8-1934).
Đức Lý Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp hợp nhau lập thành hai Đạo Nghị Định 7 và 8.
Đạo Nghị Định 8 : “Những Chi phái nào do bởi ĐĐTKPĐ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng lịnh của Hội Thánh thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải định quyết là Bàng môn Tả đạo.”
Ngày 13-10-Giáp Tuất  (dl 19-11-1934).
Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung đăng Tiên tại Giáo Tông Đường,  lúc đó Đức Ngài được 59 tuổi.

Sau đó, Đức Lý Giáo Tông giao quyền Giáo Tông hữu hình cho Đức Phạm Hộ Pháp, nên Đức Hộ Pháp xưng là : Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài, Hiệp Thiên và Cửu Trùng.
Đạo lịch 10 - Năm Ất Hợi (1935)

Ngày 16-2-Ất Hợi  (dl 20-3-1935).
Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (Victor Hugo) vâng lịnh Đức Chí Tôn giáng cơ lập 7 phẩm Chức sắc HTĐ từ Sĩ Tải đến Tiếp Dẫn Đạo Nhơn, dưới Thập nhị Thời Quân, để giúp chư vị Thời Quân cầm quyền Tư  Pháp của Đạo.
Ngày 23-7-Ất Hợi  (dl 21-8-1935).
Đức Phật Mẫu, Cửu vị Tiên Nương DTC, Đức Quan Âm Bồ Tát, Đức Phật Thích Ca, Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho Kinh Tận Độ (Tân Kinh), từ ngày nầy đến mùng 4 tháng 8 Ất Hợi mới chấm dứt.
Đạo lịch 11 - Năm Bính Tý (1936)

Ngày 1-11-Bính Tý  (dl  14-2-1936).
Đức Hộ Pháp tiếp nối công việc xây cất Tòa Thánh.
Đức Ngài huy động 500 công quả hiến thân Phạm Môn làm lực lượng công thợ nồng cốt, các Đầu Họ PT trong 21 tỉnh Nam phần VN lo lương thực chở về Tòa Thánh, các Khâm Châu và Đầu Tộc Đạo lo quyên góp tiền bạc của bổn đạo đưa về mua vật liệu xây dựng. Đức Hộ Pháp nói : Chỉ cần mỗi Đạo hữu góp 1 đồng thì Hội Thánh đủ tiền cất Tòa Thánh và nhứt định kỳ nầy thành công.
Đạo lịch 13 - Năm Mậu Dần (1938)

Ngày 16-1-Mậu Dần  (dl  16-2-1938).
Hội Thánh lập Đạo Luật năm Mậu Dần, Đức Hộ Pháp phê chuẩn, và giao trở lại cho Hội Thánh ban hành.
Ngày 19-10-Mậu Dần  (dl  10-12-1938).
Đức Phạm Hộ Pháp hợp với Đức Lý Giáo Tông lập Đạo Nghị Định số 48 thành lập Cơ Quan Phước Thiện.

Đạo lịch 16 - Năm Tân Tỵ (1941)
Ngày 4-6-Tân Tỵ  (dl 28-6-1941).
Lính mật thám Pháp vào Tòa Thánh bắt Đức Hộ Pháp.
Ngày 17-6-Tân Tỵ (dl 11-7-1941), lính mật thám Pháp lại vào Tòa Thánh bắt thêm 4 vị Chức sắc nữa là : Phối Sư Ngọc Trọng Thanh, Giáo Sư Thái Gấm Thanh, Giáo Sư Thái Phấn Thanh, Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển, đồng thời ở Sài Gòn, chúng đến bắt Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa.
Ngày 4-6 nhuần-Tân Tỵ (dl 27-7-1941), nhà cầm quyền Pháp đưa Đức Phạm Hộ Pháp và 5 vị Chức sắc lưu đày sang đảo Madagascar ở Phi Châu.  . . . . . . . . . . . . . . .
Home        1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ]  [ 19 ]  [ 20 ]  [ 21 ]  [ 22 ]  [ 23 ]  [ 24 ]