NHƠN SANH QUAN
Nhơn sanh quan (Nhân sinh
quan) là một hệ thống tư tưởng triết học xem xét về nguồn gốc của con người, sự
sống sự chết, mục đích và ý nghĩa của đời sống con người.
Nhân sinh quan của Đạo Cao
Đài thuộc về triết học Duy Linh Duy Nhất, vượt lên trên triết học Duy Tâm và
Duy Vật, mà còn dung hợp được hai quan niệm nầy.
Nhân sinh quan của Đạo Cao
Đài sẽ giải đáp một cách minh bạch các vấn đề sau đây :
- Nguồn gốc của loài
người. Con người từ đâu tới ?
- Con người có Linh hồn
không ? Linh hồn là gì ?
Khi thể xác chết đi, Linh hồn xuất ra đi đâu
?
- Con người đầu thai xuống
cõi trần bằng cách nào ?
- Thượng Đế là ai ? Thượng Đế và con người.
- Quỉ vương là ai ? Thiên đàng và Địa ngục.
Mục đích cuộc sống của con người.
I .
Nguồn gốc của loài người.
Đạo Cao Đài xác nhận rằng,
loài người nguyên thủy có được là do sự tiến hoá của loài khỉ vượn thuộc lớp
động vật cao cấp mà thành. Điều nầy được chứng minh bằng Định luật Tiến hóa của
chúng sanh và của Bát hồn.
1 - Luật Tiến hóa của chúng sanh.
Chúng sanh là các loài
sanh vật, tức là các loài vật có sự sống được sanh ra trên mặt Địa cầu nầy, gồm
: Vật chất Kim thạch, Thảo mộc, Thú cầm và Nhơn loại.
Khởi thủy, quả Địa cầu của
chúng ta chỉ là một khối lửa văng ra từ Mặt Trời. Theo thời gian, khối lửa ấy
nguội dần, tạo ra một lớp vỏ đất đá bao bọc bên ngoài. Đến lúc nhiệt độ hạ
xuống khá thấp, lớp hơi nước được tạo thành bao bọc chung quanh Địa cầu, gây ra
những đám mưa lớn rơi xuống, tạo nên các sông ngòi và biển cả.
Nước của sông và biển làm
ổn định nhiệt độ của Địa cầu, nên sanh vật bắt đầu xuất hiện trong nước.
Sanh vật đầu tiên là loài
Thảo mộc đơn giản chỉ có một tế bào (đơn bào). Dần dần nó sanh sản thêm bằng
cách phân bào, rồi tiến hóa lên thành các loại nấm, rong rêu, tiến hóa tiếp
thành cây cỏ và cây cối. Càng tiến hóa, Thảo mộc càng to lớn, rắn chắc và phức tạp.
Một thời gian dài tiếp
theo, loài động vật bắt đầu xuất hiện.
Động vật đầu tiên xuất hiện trong nước, có cơ cấu đơn giản chỉ một tế bào (đơn
bào). Dần dần nó sanh sản và tiến hóa lên thành các loài sứa, loài cá, rồi tiến
hóa thành các loài động vật sống trên cạn có chân, tiến hóa lên nữa thành loài
thú chạy, thú bay. Loài động vật có trình độ tiến hóa cao nhất là giả nhân
thuộc loài khỉ vượn.
Trong loài khỉ vượn, ở cấp
thấp chúng có thân hình nhỏ và có đuôi. Chúng tiến hóa lên thành loài khỉ vượn
cao cấp gọi là giả nhơn, có thân hình to lớn không đuôi.
Một thời gian dài tiếp
theo, loài giả nhơn tiến hóa lên thành loài người nguyên thủy. Giả nhơn còn di
chuyển bằng bốn chi, tiến hóa lên thành người nguyên thủy thì đi bằng hai chân
sau, hai chi trước trở thành hai tay để cầm bắt và hái lượm trái cây. Hình vóc
cũng lần lần biến đổi, tướng đi đứng
thẳng, lông trên thân thể rụng dần, cái đầu nở to, bộ óc phát triển lớn dần.
Chúng ta có thể tóm tắt sự
tiến hóa của chúng sanh bằng hình vẽ sau đây :
( hình vẽ sự tiến
hóa của chúng sanh với 3 nguyên hồn )
- Loài Kim thạch có sự
sống chưa thể hiện rõ rệt, nó chỉ là sự liên kết của các tế bào tạo thành tinh
thể rắn chắc. Loài kim thạch hoàn toàn không có tri giác.
- Loài Thảo mộc, được
Thượng Đế ban cho một điểm nguyên hồn để làm Sanh hồn, tạo nên sự sống. Điểm
nguyên hồn nầy được Đấng Thượng Đế rút ra từ khối Đại hồn (Đại Linh Quang) của
Ngài.
Loài Thảo mộc chỉ có sự
sống mà chưa có tri giác.
Loài Thảo mộc cấp cao thì
lá biết khép lại khi đêm xuống hay khi bị đụng chạm, như cây su đủa, cây mắc
cở; vài loại Thảo mộc có cánh hoa phát ra mùi thơm để dụ côn trùng bay đến rồi
khép các cánh hoa ấy lại đặng bắt côn trùng mà hút thịt và máu. Như thế, chúng
đã có chút ít tri giác nhưng rất thô sơ, gần như chỉ là những phản xạ tự nhiên.
- Tiến lên là loài Động
vật, được Thượng Đế ban thêm cho một điểm nguyên hồn nữa để làm Giác hồn, tạo
ra sự hiểu biết, như đau đớn biết la, sợ hãi biết chạy trốn, biết đi tìm thức
ăn thích hợp, biết tìm chỗ ẩn trú an toàn, biết nuôi con, có chút ít trí nhớ
nhưng rất sơ sài.
- Tiến lên đến phẩm Nhơn
loại, là đẳng cấp cao nhứt của chúng sanh, được Thượng Đế ban thêm cho một điểm
nguyên hồn nữa để làm Linh hồn, lúc đó sự hiểu biết mới được hoàn toàn.
Nhờ linh hồn, con người có
được sự hiểu biết, sự suy nghĩ, phán đoán, biết được lẽ phải trái và có tánh
linh.
Đến đây, con người có đủ
Tam Hồn : Sanh hồn, Giác hồn và Linh hồn.
Những con thú mới tiến hóa
lên làm người thì còn khờ khạo ngu ngây, độc hiểm, hình dáng thô kệt xấu xí,
nếu chịu học hỏi tiến hóa thì chuyển kiếp đôi ba chục lần cũng đặng minh mẫn
khôn ngoan và có thân hình tốt đẹp.
2 - Luật
Tiến hóa của Bát hồn :
Tất cả chơn linh trong
CKVT, gọi là Vạn linh, được chia làm 8 bực tiến hóa cao thấp khác nhau, gọi là
Bát hồn hay Bát phẩm Chơn hồn, kể từ thấp lên cao :
1 . Kim thạch hồn. 5. Thần hồn.
2 . Thảo mộc hồn. 6. Thánh hồn.
3 . Thú cầm hồn. 7. Tiên hồn.
4 . Nhơn hồn. 8. Phật hồn.
- Sự Tiến hóa trong giai
đoạn đầu từ Kim thạch hồn lên Nhơn hồn là sự Tiến hóa tự nhiên, do sự thúc đẩy
Luật Tiến hóa, và sự tiến hoá đi lên dần dần theo từng cấp bực, không có sự
nhảy cấp và cũng không có sự thoái cấp.
- Sự Tiến hóa trong giai
đoạn tiếp theo, từ Nhơn hồn lên đến Phật hồn là do sự tu luyện của Nhơn hồn,
nên Nhơn hồn có thể tiến hóa rất nhanh, một kiếp tu có thể vượt lên hai cấp, ba
cấp hay bốn cấp, để đến Phật hồn; nhưng cũng có thể thoái hóa xuống loài Cầm
thú khi Nhơn hồn không tu mà lại phạm vào tội đại ác.
* Con người nhờ có trí não khôn ngoan hiểu
biết, phân biệt được điều hay lẽ dở, thiện ác, chánh tà, có lương tâm kềm chế,
có lục dục thất tình xúi giục. Nếu biết bỏ ác theo lành, cải tà qui chánh, chế
ngự lục dục thất tình và chuyển hóa chúng theo đường Thiên lý thì con người sẽ
tiến hóa đi lên, tùy theo công đức nhiều ít mà đạt được các phẩm : Thần hồn,
Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn.
Luật tiến hóa của Bát hồn
* Nếu ngược lại, con người
bỏ chánh theo tà, bỏ lành làm ác theo vật dục thấp hèn thì Nhơn hồn bị thoái
hóa xuống Cầm thú, mang lông đội sừng mà đền tội lỗi.
Sự Tiến hóa đi lên của
Nhơn hồn, khi đã đến Phật hồn rồi thì chưa phải là đến mức tối cao của nấc
thang tiến hóa. Phật hồn còn phải tiếp tục tu luyện để tiến hóa lên mức tối cao
là Thiên hồn, tức Đại hồn của Thượng Đế.
Tới đây là đi giáp một chu
trình tiến hóa của Bát hồn, bởi vì Bát hồn xuất phát từ Thiên hồn (Đại hồn, Đại
Linh Quang), đi chu du giáp một vòng tiến hóa, nay trở về hiệp nhập vào Đại
hồn.
Sự tiến hóa từ loài khỉ
vượn cao cấp (giả nhơn) lên phẩm người, phù hợp với sự khám phá của các nhà
khoa học và khảo cổ với chứng tích là các bộ xương hóa thạch của vượn-người,
rồi người-vượn, và sau cùng tiến hóa thành người nguyên thủy, thủy tổ của nhơn
loại.
Nhiều người phủ nhận nguồn
gốc con người là sự tiến hóa từ loài vượn cao cấp, cho rằng như vậy là hạ thấp
phẩm giá của con người, nhưng đây là sự thật đúng theo luật Tiến hóa của Càn
Khôn, đúng theo Luật Tiến Hóa của Bát Hồn.
3 - Con người từ đâu tới ? Ba hạng người.
Nhơn loại được chia làm ba
hạng người, căn cứ theo nguồn gốc : đó là Nguyên nhơn, Hóa nhơn, Quỉ nhơn.
a. Hóa nhơn :
Hóa nhơn là những người do
sự tiến hóa đi lên từ loài Thú cầm. Đa số trong nhơn loại đều là Hóa nhơn. Tuy
Hóa nhơn có đủ Tam hồn, nhưng ý thức còn rất ngu khờ, lại mới thoát ra từ Thú
cầm, nên tánh tình còn hung dữ thô lỗ, hình dáng còn thô kệch xấu xí, chưa đủ
khôn ngoan và kinh nghiệm để xây dựng đời sống tiện nghi tốt đẹp.
Đó là loài người nguyên
thủy, còn trong tình trạng ăn lông ở lỗ. Thời gian nầy kéo dài khá lâu.
ThượngĐế thấy vậy mới cho
các Nguyên nhơn khôn ngoan và tốt đẹp giáng trần để khai hóa các Hóa nhơn.
b. Nguyên nhơn :
Thượng Đế cho các Nguyên nhơn
đầu kiếp xuống trần, nhập vào bào thai của các Nữ Hóa nhơn, để được sanh ra làm người, gọi là Nguyên nhơn.
Các Nguyên nhơn lớn lên có
hình dáng tốt đẹp, giữ được Thiên tánh, chưa nhiễm trược trần, trí não
thông minh sáng suốt, đứng ra lãnh đạo
và giáo hóa các Hóa nhơn cho được hiểu biết, tiến bộ, thoát khỏi đời sống dã
man ăn lông ở lỗ, xây dựng một xã hội trật tự
tiến bộ.
Theo sử sách xưa để lại,
chúng ta biết :
- Hữu Sào dạy dân kết cây
làm tổ để ở, tránh nguy hiểm do thú dữ gây ra.
- Toại Nhân dạy dân khoan
cây lấy lửa, dùng lửa nấu chín thức ăn.
- Phục Hy dạy dân nuôi thú
vật để sai khiến làm lụng, chế ra lưới để bắt cá bắt chim, chế đàn cầm đàn sắt
để dạy dân lễ nghĩa, qui định phép gả cưới để tạo thành gia tộc, chế ra Bát
Quái để chỉ cái lẽ Âm Dương biến hóa của Trời Đất cho dân biết thuận tùng Thiên
lý.
- Thần Nông dạy dân làm
cày bừa, phát triển nghề nông, gieo trồng Ngũ cốc, tổ chức chợ búa để dân hội
họp trao đổi hàng hóa, chế ra lịch để dân biết năm tháng mà gieo cấy, nếm thử
các thứ cây cỏ để chế thuốc trị bệnh.
- Huỳnh Đế (Hoàng Đế) chế
ra xe thuyền để đi lại và vận chuyển hàng hóa, chế ra áo mão để phân định tôn
ti trật tự, chế ra văn tự để ghi chép.
Những vị kể trên chỉ là
điển hình của các Nguyên nhơn có công giáo hóa dân chúng, đem lại nhiều lợi ích
cho nhơn sanh, nên được nhơn sanh biết ơn, tôn lên làm vua.
Theo Thánh giáo thì Thượng
Đế cho tất cả 100 ức Nguyên nhơn giáng trần ở khắp nơi trên thế giới, trong đủ
các sắc dân. Đã có 8 ức Nguyên nhơn làm xong nhiệm vụ, giữ được bổn tánh thiên
lương, nên đã trở về cùng Đức Chí Tôn, còn lại 92 ức Nguyên nhơn bị nhiễm nhiều
thứ ô trược nên vẫn còn trầm luân nơi cõi trần.
(1 ức = 100 ngàn; 92 ức = 9 triệu 200 ngàn)
c .
Quỉ nhơn :
Những Hóa nhơn và những
Nguyên nhơn ác hành, phạm Thiên điều, linh hồn bị đọa vào Quỉ vị, thành ra các
Quỉ hồn. Các Quỉ hồn đầu kiếp lên làm người nơi cõi trần để trả quả, được gọi là Quỉ nhơn.
Vậy, nhơn loại đến Địa cầu
nầy có 2 nguồn gốc :
- Một là Thú cầm tiến hóa
lên làm Người, gọi là Hóa nhơn, đó là người nguyên thủy, Thủy tổ loài người.
- Hai là từ cõi Trời, được
Thượng Đế cho giáng sanh xuống làm Người nơi cõi trần, gọi là Nguyên nhơn.
Phần lớn trong nhơn loại
đều là Hóa nhơn. Số Nguyên nhơn hiện nay còn lại nơi cõi trần là 92 ức. Số Quỉ
nhơn trong nhơn loại cũng khá nhiều, vì đây là thời Mạt Kiếp sắp chấm
dứt để bước vào Đại Hội Long Hoa, nên Đức Chí Tôn cho tất cả các Quỉ hồn đầu
kiếp để thực hiện sự trả quả gấp rút và rốt ráo.
* * *
II . Con người
có linh hồn không ?
Ba Thể của con người :
Con người khi mới được
sanh ra, hài nhi biết tìm vú mẹ để bảo tồn sự sống, khi đau biết khóc, khi đói
biết la, khi khát biết uống; lớn lên một chút thì khi vui biết cười, khi giận
biết la hét. Cái hiểu biết tự nhiên đó, không ai dạy mà biết, là do linh hồn
của đứa bé mà Thượng Đế đã ban cho. Nếu phủ nhận linh hồn thì cái hiểu biết tự
nhiên đó của hài nhi do đâu mà có ?
Khi lớn lên hơn nữa, đứa
trẻ nhờ sự thông minh sáng suốt mà biết được lẽ phải quấy, lẽ thiện ác; khi làm
điều thiện thì nó vui vẻ, khi làm điều ác thì nó bị lương tâm cắn rứt. Cái
lương tâm ấy do đâu mà có ? Nó chính là sự thể hiện của linh hồn đứa trẻ và cái
sự thông minh sáng suốt ấy cũng là do linh hồn của nó mà ra.
Khi đứa trẻ vào trường,
học những điều khôn ngoan của người xưa truyền lại, nhờ có trí nhớ, nó thu thập
được các điều đó để trở nên khôn ngoan hiểu biết thêm, trí não mở mang. Cái
hiểu biết do học tập mà có là của trí não, thuộc về Chơn thần, một thể trung
gian giữa Thể xác và Linh hồn.
Mặt khác, Đức Chí Tôn Ngọc
Hoàng Thượng Đế mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nầy bằng cách dùng huyền diệu cơ bút
để thông công giữa Ngài và nhơn loại ở thế giới hữu hình. Ngài muốn cho nhơn
loại thấy rằng, ngoài thế
giới vật chất hữu hình, còn có một thế giới siêu tuyệt hơn, thuộc về vô
hình của các Đấng Thần Thánh Tiên Phật.
Hiện tượng Thông Linh học
đã được nhơn loại khám phá từ giữa thế
kỷ 19 với việc xây bàn nói chuyện với các Vong linh người chết của văn hào
Victor Hugo tại đảo Jersey của nước Anh.
Ở Việt Nam, trong giới
bình dân, người ta biết dùng một mảnh ván hòm để xây cơ ma, nói chuyện với các
vong linh người đã chết. Việc làm nầy rất dễ dàng, ai nghi ngờ không có Linh
hồn, đều có thể thử nghiệm được.
Nhưng một số người vẫn
ngoan cố nói rằng Linh hồn ở đâu mà họ không thấy ?
Vậy, chúng ta cũng hỏi lại
rằng : Chúng ta có thấy được nguyên tử không ? Có thấy con vi khuẩn không ?
Chắc là chưa ai thấy được, nhưng chúng ta tin chắc rằng có nguyên tử, có vi
khuẩn, bởi vì các nhà bác học đã nghiên cứu tìm ra được nó, với những hệ quả rõ
rệt của nó và công bố lên cho mọi người đều biết.
Tương tự như thế, vấn đề
Linh hồn cũng không ai thấy được, nhưng các nhà khoa học về Thông Linh đã
nghiên cứu phát hiện ra với các hệ quả rõ rệt, và các nhà tu luyện có huệ nhãn
đã thấy biết được rõ ràng, nên công bố lên cho mọi người đều biết, thì đương
nhiên chúng ta phải tin đó là sự thật.
Trong Giáo lý của Đạo Cao
Đài, Đức Chí Tôn dạy chúng ta biết rằng, con người có ba Thể :
- Thể xác, thuộc về vật
chất hữu hình.
- Linh hồn, thuộc về vô vi
vô hình.
- Chơn thần, thuộc về bán hữu hình, làm trung
gian cho Linh hồn và Thể xác.
1 . Thể xác : Đệ nhứt xác thân, Xác thân phàm.
Thể xác con người được gọi
là Đệ nhứt xác thân, hay Xác thân phàm, do tinh huyết của cha mẹ phàm trần tạo
nên, lớn lên và được nuôi dưỡng bằng thực phẩm vật chất. Đến khi già nua, tế
bào không còn hoạt động được nữa thì chết, thể xác thúi rã biến thành vật chất
trở lại.
Như thế, thể xác phàm
không bền, chỉ sống được một khoảng thời gian rồi chết, nên gọi nó là Giả thân,
xác thân giả tạm. Phật giáo cho rằng, xác thân phàm do Tứ đại giả hiệp, nên nó
là huyễn, chỉ tồn tại một thời gian rồi phải rã tan để trở về cát bụi.
2 .
Chơn thần : Đệ nhị xác thân,
Xác thân thiêng liêng.
“ Chơn thần là gì ?
Là Nhị xác thân (Périsprit), là xác thân thiêng liêng. Khi còn ở nơi xác phàm thì rất khó xuất riêng ra đặng, bị
xác phàm níu kéo.
Cái Chơn thần ấy của các Thánh, Tiên, Phật, là huyền diệu vô
cùng, bất tiêu bất diệt. Bậc chơn tu, khi còn xác phàm nơi mình, như đắc đạo,
có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du Thiên ngoại. Cái Chơn thần ấy mới đặng phép đến trước mặt Thầy. “ (TNHT 1-2 hợp
nhứt, B 2)
“ Mỗi kẻ phàm dưới thế nầy đều có hai xác thân : Một
phàm gọi là Corporel, còn một thiêng liêng gọi là Spirituel, mà cái thiêng
liêng do nơi cái phàm mà ra, nên gọi nó là bán hữu hình, vì có thể thấy đặng mà
cũng có thể không thấy đặng.... Khi nơi xác phàm xuất ra thì lấy hình ảnh của
xác phàm như khuôn in rập.” (TNHT 1-2, B 20)
Cái Chơn thần của mỗi
người có được là do Đức Phật Mẫu lấy hai nguyên khí Âm quang và Dương quang nơi
Diêu Trì Cung, kết hợp tạo thành.
Còn Linh hồn là điểm Linh
quang do Đức Chí Tôn ban cho. Đức Phật Mẫu thâu điểm Linh quang nầy, rồi tạo ra
cho nó một Chơn thần (Xác thân thiêng liêng) bao bọc Linh hồn, tạo thành một
con người nơi cõi thiêng liêng. Như vậy, một người nơi cõi thiêng liêng có hai
thể : Linh hồn và Chơn thần.
Khi một người nơi cõi
thiêng liêng được phép đầu kiếp xuống cõi trần thì Chơn thần và Linh hồn đi
xuống nhập vào hình hài đứa bé vừa lọt khỏi lòng mẹ, làm cho đứa bé giựt mình
phát ra tiếng khóc chào đời. Chơn thần sẽ làm khuôn viên cho thể xác đứa bé lớn
lên, còn Linh hồn tạo ra sự hiểu biết và bảo tồn sự sống cho đứa bé.
Do đó, hình ảnh của thể
xác đứa bé là hình ảnh của Chơn thần đứa bé, từ khi ấu thơ đến khi trưởng thành
hay đến lúc già.
Khi thể xác chết thì Chơn
thần và Linh hồn xuất ra khỏi thể xác, bay trở về cõi thiêng liêng. Chơn thần
mang lấy hình ảnh của thể xác như
khuôn in rập.
Cái Chơn thần của người
chết có khi hiện hình cho người phàm thấy được, thường gọi đó là Ma hay Hồn Ma,
khi thì biến mất, nên Chơn thần thuộc về bán hữu hình, nghĩa là có thể thấy
được và có thể không thấy được.
Chơn thần được Đức Phật
Mẫu tạo ra bằng hai nguyên khí Âm quang và Dương quang, nên Chơn thần có thể đi
xuyên qua vật chất, không có gì cản trở được nó. Ánh sáng còn bị vật chất cản
trở, nhưng Chơn thần thì giống như từ trường, đi xuyên suốt qua vật chất dễ
dàng.
Đối với người sống, Chơn
thần ẩn trong thể xác phàm, trung tâm của nó là óc (não bộ), và cửa xuất nhập
của nó là mỏ ác, tức là Nê Huờn Cung.
Chơn thần liên hệ thể xác
qua 7 dòng từ điện. Nhờ 7 dòng từ điện nầy, Chơn thần ra lịnh điều khiển thể
xác, cũng do nơi đó, thể xác đòi hỏi Chơn thần làm cho nó thỏa mãn, khiến nên
thể xác gây ra nhiều mối oan nghiệt, nên 7 dòng điện từ nầy được gọi là 7 Dây
Oan nghiệt.
Đức Chí Tôn ban cho phép
Đoạn căn là để cắt đứt 7 Dây Oan nghiệt nầy, để Chơn thần bứt ra khỏi thể xác,
không còn bị thể xác níu kéo, mà trở về cõi thiêng liêng.
3 .
Chơn linh : Linh hồn, điểm Linh quang.
“ Thầy đã nói rằng, nơi thân phàm các con, mỗi đứa
Thầy đều cho một Chơn linh gìn giữ cái chơn mạng sanh tồn. Thầy tưởng chẳng cần nói, các con cũng hiểu
rõ rằng : Đấng Chơn linh ấy vốn vô tư, mà lại đặng phép giao thông cùng cả chư
Thần Thánh Tiên Phật và các Đấng Trọn Lành nơi Ngọc Hư Cung, nhứt nhứt điều
lành và việc dữ đều ghi chép không sai, đặng dâng vào Tòa Phán xét. Bởi vậy,
một mảy không qua, dữ lành đều có trả; lại nữa, cái Chơn linh ấy có tánh Thánh
nơi mình, đã chẳng phải gìn giữ các con mà thôi, mà còn dạy dỗ các con, thường
nghe đời gọi lộn là Lương tâm đó .” (TNHT 1-2 hợp nhứt, B144)
“ Các con đừng vì tư lợi mà làm mất nhơn cách thì rất
uổng cái điểm Linh quang của Thầy để vào Xác thân của các con lắm. Các con nghe
à ! “ (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 108)
Chơn linh, tức là Linh
hồn, là điểm Linh quang của Thượng Đế chiết ra từ khối Đại Linh quang của Ngài,
ban cho mỗi người để tạo nên sự sống, gìn giữ sự sống, tạo ra sự hiểu biết và
tánh linh.
Con người có đủ Tam hồn :
Sanh hồn, Giác hồn, Linh hồn. Cái Linh hồn ấy mới quan trọng hơn cả, vì nhờ nó
mà phân biệt con người với thú cầm.
Chơn linh (Linh hồn), ngự
trong Chơn thần, Chơn thần ở trong Xác phàm và rập khuôn theo Xác phàm.
Đối với một người đang
sống nơi cõi trần, Chơn linh ngự tại Tim (Tâm), bởi vì trái tim là nơi điều
hành và ban phát sự sống cho toàn cơ thể. Do đó, Chơn linh được gọi là Lương
tâm, Phật giáo gọi Chơn linh là Tâm, cũng do đó.
Khi Chơn linh và Chơn thần
xuất ra khỏi thể xác thì trái tim ngưng đập, thể xác chết.
Khi đó, Chơn thần và Chơn
linh bay trở về cõi thiêng liêng, trở thành một người nơi cõi thiêng liêng.
Vậy, một người nơi cõi
thiêng liêng chỉ có 2 thể :
* Một là Chơn thần, tức là Xác thân thiêng
liêng.
* Hai là Chơn linh, ngự trong Chơn thần điều
khiển Chơn thần.
Còn đối với một người sống
nơi cõi phàm thì ngoài hai thể trên, còn có một thể nữa là : Xác thân phàm.
Vậy một người nơi cõi phàm
trần có 3 thể :
- Thể xác phàm, Đệ nhứt
xác thân, do cha mẹ phàm sanh ra, được nuôi dưỡng bằng thực phẩm vật chất phàm
trần.
- Chơn thần, Đệ nhị xác
thân, Xác thân thiêng liêng do Đức Phật Mẫu tạo nên. Do đó, Đức Phật Mẫu là Mẹ
Chơn thần của toàn nhơn loại, nên gọi Đức Phật Mẫu là Đại Từ Mẫu.
- Chơn linh, Linh hồn,
điểm Linh quang, do Đức Chí Tôn ban cho để tạo sự sống, sự khôn ngoan hiểu
biết. Do đó, Đức Chí Tôn là Cha Chơn linh của nhơn loại nên gọi là Đại Từ Phụ.
Tóm lại, Chơn linh ngự trị
trong Chơn thần, Chơn thần ẩn trong thể xác và làm khuôn cho thể xác.
Chơn linh điều khiển Chơn
thần, Chơn thần điều khiển thể xác qua 7 dòng điện từ gọi là 7 Dây Oan nghiệt.
Thể xác thường hay đòi hỏi Chơn thần làm cho nó thỏa mãn và xúi giục Chơn thần
đi vào đường vật chất, cũng do theo 7 Dây Oan nghiệt nầy.
Chơn linh thường ngăn cản
không cho Chơn thần chiều theo các đòi hỏi của Thể xác, nhưng nếu Chơn linh yếu
đuối không đủ sức kềm chế Chơn thần, để Chơn thần nghe theo sự lôi cuốn của Thể
xác, lúc đó con người đi vào vòng vật dục tội lỗi. Khi Thể xác chết, Chơn linh
và Chơn thần phải bị đày đọa theo Luật Nhân Quả.
* * *
III .
Con người khi chết đi về đâu ?
Như phần II vừa trình bày,
con người chết không phải là hết, chỉ có thể xác chết, còn Linh hồn và Chơn
thần thì bất tiêu bất diệt, xuất ra khỏi thể xác trở về cõi thiêng liêng, vì
nơi đây là cõi chơn thật của Linh hồn.
Để giải đáp vấn đề : Con
người khi chết đi về đâu ?
Chúng ta phân ra 3 trường
hợp với 3 nhóm người :
- Người không có tín ngưỡng tôn giáo.
- Người tín đồ Cao Đài giữ đúng Luật Đạo
- Người tín đồ của các tôn giáo khác.
1. Đối với người không tín ngưỡng :
Trong TNHT, Đức Chí Tôn
dạy như sau :
“ Các con đã sanh tại thế
nầy, ở tại thế nầy, chịu khổ não tại thế nầy, rồi chết cũng tại thế nầy. Thầy
hỏi : Các con chết rồi, các con ra thế nào ? Các con đi đâu ? Chẳng một đứa nào
hiểu đặng cơ mầu nhiệm ấy.
Thầy dạy : Cả kiếp luân
hồi thay đổi từ trong vật chất mà ra thảo mộc, từ thảo mộc đến thú cầm, loài
người, phải chịu chuyển kiếp ngàn ngàn năm, muôn muôn lần mới đến địa vị nhơn
phẩm.
Nhơn phẩm nơi thế nầy lại
còn chia ra phẩm giá mỗi hạng. Đứng bực
Đế Vương nơi trái Địa cầu nầy, chưa đặng vào hạng chót của Địa cầu 67. Trong
Địa cầu 67, nhơn loại cũng phân ra đẳng cấp dường ấy.
Cái quí trọng của mỗi Địa
cầu càng tăng thêm hoài, cho tới Đệ nhứt cầu, Tam thiên Thế giới thì mới đến Tứ Đại Bộ Châu, qua Tứ Đại Bộ
Châu mới vào đặng Tam thập lục Thiên; vào Tam thập lục Thiên rồi phải chuyển
kiếp tu hành nữa, mới đặng đến Bạch Ngọc Kinh, là nơi đạo Phật gọi là Niết Bàn đó vậy.
Các con coi đó thì đủ
hiểu, các phẩm trật của các con nó nhiều là dường nào, song ấy là phẩm trật
Thiên vị.
Vậy Thầy lại dặn các con :
Nếu kẻ không tu, làm đủ bổn phận người, công bình chánh trực, khi hồn xuất ra
khỏi xác thì cứ theo đẳng cấp gần trên mà luân hồi lại nữa, thì biết chừng nào
đặng hội hiệp cùng Thầy.
Nên Thầy cho một quyền
rộng rãi cho cả nhơn loại Càn khôn Thế giới, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ
trở về cùng Thầy đặng.” (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 65)
Những người không có tín
ngưỡng tôn giáo, khi chết đi, Linh hồn và Chơn thần chưa thể xuất ra khỏi thể
xác được vì bị 7 Dây Oan nghiệt ràng buộc níu kéo, phải chờ đợi một thời gian
để cho thể xác tan rã, Chơn thần mới bứt rời các sợi Dây Oan nghiệt, để cùng
Linh hồn bay lên cõi Trung giới. Tại đây có Minh Cảnh Đài hay Đài Chiếu Giám để
Linh hồn và Chơn thần nhìn vào tấm kiếng huyền diệu, xem lại tất cả hành vi lời
nói của mình trong suốt kiếp sanh nơi cõi trần, để định rõ tội và phước, có cây
Cân Công bình thiêng liêng và các Đấng cân phân tội phước cho mỗi Linh hồn.
- Nếu phước nhiều tội ít thì được chuyển kiếp
lần lượt theo các nấc thang tiến hóa mà Đấng Thượng Đế đã dạy trong bài Thánh
ngôn nêu trên, tức là tiến hóa theo Thất thập nhị Địa, lên Tam thiên Thế giới,
rồi Tam thập lục Thiên, vv...
- Nếu phước ít tội nhiều
thì Chơn thần và Linh hồn được đưa đến cõi Âm Quang để tịnh tâm xét mình, thấy
được các tội lỗi mà mình đã gây ra để ăn năn sám hối.
Cõi Âm Quang mới được lập
ra trong thời ĐĐTKPĐ thay thế cõi Địa ngục, bởi vì cõi Địa ngục trước đây là
nơi giam giữ và hành phạt các tội hồn, nay
Đức Chí Tôn thể lòng từ bi ra lịnh đóng Địa ngục, ân xá các tội hồn,
không cho hành phạt các tội hồn nữa, mà đưa đến cõi Âm Quang để học đạo. Nơi
đây, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giáo hóa các nam tội hồn, và Thất Nương Diêu Trì
Cung giáo hóa các nữ tội hồn. (Xem : Cõi Âm Quang).
Những tín đồ Cao Đài thất
thệ, không giữ tròn Luật Đạo, hoặc những tín đồ của các tôn giáo khác mà không
giữ giới luật tu hành thì cũng được đưa đến cõi Âm Quang để học đạo, tịnh tâm
xét mình. Khi đã biết ăn năn sám hối, các Đấng sẽ cho đầu kiếp trở lại cõi trần
để trả quả và cũng để lo tu hành, lập công bồi đức mà trừ tội lỗi.
2 .
Đối với các tín đồ Cao Đài :
Đối với các tín đồ Cao Đài
giữ tròn lời Minh Thệ, gìn giữ Luật Đạo, ăn chay được 10 ngày mỗi tháng, sau khi
chết, Linh hồn và Chơn thần được hưởng ơn huệ của Đức Chí Tôn trong Đại Ân Xá
kỳ ba nầy.
Linh hồn và Chơn thần
hưởng được các phép Bí tích
như : phép Xác và phép
Đoạn căn cắt đứt 7 dây Oan nghiệt. Do đó, Chơn thần và Linh hồn xuất ra khỏi
thể xác dễ dàng, được hướng dẫn đi vào Cửu Trùng Thiên, từ từng Trời thứ nhứt
lên đến từng Trời thứ chín, do Cửu vị Tiên Nương DTC hướng dẫn đưa đi, đúng y
theo 9 bài kinh Tuần Cửu. Ở mỗi từng Trời đều có các Đấng đón tiếp, giảng giải
đạo lý.
Khi đến từng Trời thứ 9 là
Tạo Hóa Thiên thì được vào DTC bái kiến Bà MẸ thiêng liêng là Đức Phật Mẫu.
Đến Tiểu Tường thì Chơn
thần và Linh hồn được đưa lên từng Trời thứ 10 là Hư Vô Thiên, vào Ngọc Hư Cung
bái kiến Đức Chí Tôn, rồi đến Tòa Tam Giáo thiêng liêng để cây Cân Công bình
cân tội phước. Nếu phước đức nhiều thì được Đức Chí Tôn ban cho phẩm vị Thần
Thánh Tiên Phật tương xứng, nếu tội nhiều thì cầu xin Đức Chí Tôn cứu vớt để ở
lại cõi thiêng liêng tu luyện thêm, hoặc cho tái kiếp xuống trần để trả cho xong
nghiệp quả.
“ Nói cho cùng, nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội tình mà
phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi, thì cũng lánh xa khỏi
cửa Âm Quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của Chí Tôn, là các chơn hồn đặng
tự hối hay đặng giáo hóa mà hiểu trọn chơn truyền lập phương tự độ, hay là con
cái của các chơn hồn cầu rỗi.” (TNHT 1-2 B 165)
3 . Đối với tín đồ các tôn giáo khác :
Đối với các tín đồ của các
tôn giáo khác thuộc Nhị Kỳ Phổ Độ, con đường tiến hóa do các vị Giáo chủ thời
đó đặt ra nay đã bị bế lại, vì đã chuyển qua thời ĐĐTKPĐ.
Đối với các tín đồ nầy, họ
sẽ đi theo con đường tiến hóa qua Thất thập nhị Địa và Tam thiên Thế giới. Công
đức tu hành của họ đạt được mức nào thì họ sẽ được đưa thẳng lên đẳng cấp tiến
hóa tương xứng. Vì họ có công tu luyện nên họ được vượt cấp tiến hóa, chớ không
phải đi từ từ lên từng cấp bực như những người không có tín ngưỡng và tu hành.
Tóm lại, dù Linh hồn đi
theo con đường tiến hóa nào, qua Cửu Trùng Thiên hay qua Thất thập nhị Địa,
điểm cốt yếu vẫn là công đức lập được trong suốt kiếp sanh nơi cõi trần, chính
cái công đức nầy mới định đoạt phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật cho Linh hồn.
Các Linh hồn tội lỗi chất
chồng, dù đi trên đường tiến hóa nào, dù được hưởng nhiều ân huệ, được cầu siêu
nhiều lần, dù có được làm đám tang lớn lao, ngôi mộ xinh đẹp to lớn bao nhiêu
đi nữa, rốt cuộc cũng phải đến cõi Âm Quang mà thôi.
Chỉ có tu hành chơn thật, trau tâm sửa tánh,
lập đức bồi công, thì mới có thể vượt đẳng cấp tiến hóa, sớm trở về cùng Đức
Chí Tôn.
Đặc biệt trong thời Đại Ân
Xá kỳ ba nầy, Đức Chí Tôn cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn loại, nếu biết ngộ
kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Đức Chí Tôn đặng.
* * *
IV .
Đầu thai và Chuyển kiếp
1 . Sự
giáng trần của Nguyên nhơn :
Một điểm nguyên hồn do Đức
Chí Tôn chiết ra từ Đại hồn của Ngài, chưa phải là một Nguyên nhơn, vì chưa có
xác thân thiêng liêng (chơn thần). Điểm nguyên hồn nầy phải được Đức Phật Mẫu
thâu nhận, rồi Phật Mẫu dùng hai nguyên khí Âm quang và Dương quang nơi DTC tạo
ra cho nó một chơn thần bao bọc nguyên hồn thì mới trở thành một Nguyên nhơn
nơi cõi thiêng liêng.
Như thế, một Nguyên nhơn
nơi cõi thiêng liêng phải có hai thể : Linh hồn và Chơn thần.
Khi Nguyên nhơn được lịnh
giáng sanh xuống cõi trần, Nguyên nhơn được hướng dẫn đi xuống, qua các từng
trời thấp dần. Ở mỗi từng trời, Nguyên nhơn dùng tinh khí của từng trời đó làm
một lớp bao bọc thêm bên ngoài Chơn thần để Chơn thần nặng hơn thì mới đi tiếp xuống các cõi thấp hơn được.
Khi đến cõi trần, Nguyên
nhơn sẽ đến với một bà mẹ đang mang thai và chờ đợi ở đó. Sự đến của Nguyên
nhơn với bà mẹ theo luật hấp dẫn Đồng Khí tương cầu, nghĩa là bà mẹ đạo đức thì
mới hấp dẫn được các Chơn linh đạo đức.
Khi bà mẹ vừa sanh hài nhi
lọt khỏi lòng mẹ, Linh hồn và Chơn thần của Nguyên nhơn liền nhập vào thể xác
hài nhi, làm cho hài nhi rung động mạnh, phát ra tiếng khóc và bắt đầu hít thở
không khí. Chơn thần sẽ làm khuôn viên định hình hài cho đứa bé và cùng lớn lên
với hình hài ấy, còn Linh hồn thì tạo sự sống cho hài nhi, và những hiểu biết để
hài nhi bảo tồn sự sống.
2 .
Chuyển kiếp đầu thai :
Một người nơi cõi trần,
khi thể xác chết thì Linh hồn và Chơn thần xuất ra, rời bỏ thể xác, đi trở về
cõi thiêng liêng. Nơi đây, Linh hồn và Chơn thần được xem xét tội phước và định
phận.
Nếu được cho chuyển kiếp
đầu thai trở lại cõi trần thì diễn tiến
như sau :
Trước hết, các vị Phật nơi
từng Trời Tạo Hóa Thiên như : Quảng Sanh Phật, Dưỡng Dục Phật, Chưởng Hậu Phật,
Thủ Luân Phật, vv . . . lãnh nhiệm vụ nơi Đức Phật Mẫu, dùng Chơn thần cũ của
người đó làm chất liệu để nắn đúc ra một Chơn thần mới với hình ảnh tốt đẹp hay
xấu xí tùy theo cái nghiệp của Chơn thần cũ và trình độ tiến hóa của Linh hồn.
Nếu Linh hồn đã tiến hóa cao thì hình ảnh của Chơn thần mới tốt đẹp, trái lại,
nếu Linh hồn kém tiến hóa thì hình ảnh của Chơn thần mới xấu xí.
Chúng ta lưu ý rằng, Linh
hồn chỉ là một điểm Linh quang nên không thay đổi, còn Chơn thần thì có hình
ảnh thay đổi tùy theo trình độ tiến hóa của Linh hồn.
Linh hồn và Chơn thần được
đưa xuống cõi trần, đến với một bà mẹ đang mang thai theo luật hấp dẫn đồng khí
tương cầu. Khi hài nhi vừa được sanh ra khỏi lòng mẹ, Linh hồn và Chơn thần
liền nhập vào thể xác hài nhi qua cái cửa Nê Huờn Cung, nơi mỏ ác, làm cho thể
xác của hài nhi rung động, bật ra tiếng khóc, bắt đầu hít thở không khí, và
cũng bắt đầu một kiếp sống mới nơi cõi trần.
Kể từ đó, Thể xác, Chơn
thần và Linh hồn đứa bé có đời sống độc lập đối với bà mẹ và lớn lên dưới sự
điều khiển của Linh hồn.
Trong Thuyết đạo, Đức Phạm
Hộ Pháp giảng về Bí Pháp, có nói :
“ Con dương trùng (tinh trùng) của cha nhập vô ôm khít
với âm trùng (noãn châu) của mẹ, dương trùng của cha tạo biến hình hài xương
cốt chúng ta, còn âm trùng của mẹ biến ra máu thịt của chúng ta đó vậy. Hai con
vi trùng ấy ôm khít lại với nhau thành tượng biến hình hài. Hai tinh trùng hiệp
lại khác hẳn với cái hình tướng tinh trùng đơn sơ, khi nhập vào, hai con làm
thành một.
Buổi tượng hình chúng ta thì Chơn thần của chúng ta
còn ở ngoài thân, ngoài cốt hài của chúng ta. Nó vơ vẩn hoặc là quanh theo bà
mẹ, ở dựa bên, nhứt là bà mẹ đi nơi nào, nó đều theo nơi đó. Chơn thần theo
người mẹ có chửa. Nếu người mẹ có đạo đức, dám chắc đi đâu chưa có sự gì rủi ro
đến thiệt hại. Bởi cớ cho nên đứa con theo mãi, theo cho đến khi tượng hình
chúng ta ra khỏi lòng bà mẹ, Chơn thần
ấy mới nhập vô ảnh hài đó, làm khuôn
viên cho ảnh hài đó.”
“Ngộ nghĩnh thay, nếu chúng ta ngó thấy tinh thần
chúng ta đầy đủ đạo đức chừng nào thì Chơn thần ảnh hài càng ngày càng đẹp,
càng tăng tiến.”
Một vấn đề đặt ra là khi
đứa bé lớn lên, tại sao nó không nhớ được các việc trong tiền kiếp của nó ?
Việc ghi nhớ các việc đã
qua trong kiếp sống là do nơi trí não thuộc về Chơn thần.
Như đã trình bày ở trên,
chư Phật nơi Tạo Hóa Thiên dùng cái “Chơn thần cũ” nắn đúc lại thành cái “Chơn
thần mới”, rồi phủ lên đó một tấm màn bí
mật che lấp hết các ký ức cũ. Các ký ức cũ vẫn còn đầy đủ, không bao giờ mất,
rút vào trong bộ nhớ ở trong Chơn thần, nhưng bị che kín bởi một màn bí mật,
làm cho đứa bé không thể nhớ được tiền kiếp của nó. “Chơn thần mới” chỉ là biến
tướng của “Chơn thần cũ” do phép huyền diệu của Phật Mẫu tạo ra để che giấu
những sự việc trong tiền kiếp, đồng thời định ra hình ảnh mới cho thể xác trong
kiếp sống mới thích hợp với trình độ tiến hóa của Linh hồn.
Khi đứa bé trưởng thành,
nếu biết cách công phu tu luyện thì nó có thể mở được tấm màn bí mật nói trên,
sẽ biết rõ tiền kiếp của mình. Được như thế gọi là đạt được trí huệ, tức nhiên đắc đạo tại thế.
* * *
V . Địa vị của con người trong vũ tru
Thượng Đế đã
tạo ra con người với một hình ảnh tốt đẹp thiêng liêng. Cho nên, mỗi một con người nơi cõi trần nầy đều là một Tiểu Thượng Đế.
Trời có gì thì con người
có nấy. Trời là Đại Vũ trụ thì người là Tiểu Vũ trụ, Trời là Đại Thiên Địa thì
người là Tiểu Thiên Địa, Trời là Đại Hồn thì người là Tiểu Hồn, Trời là Đại
Linh quang thì người là Tiểu Linh quang. Cho nên, con người đứng vào hàng Tam
Tài (Thiên, Địa, Nhơn) cùng với Trời Đất.
Địa vị của con người rất
quan trọng trong vũ trụ. Nếu vũ trụ không có con người thì vũ trụ không hoàn
toàn, bởi vì vũ trụ là một đại hòa điệu của Thiên Địa Nhơn, nếu thiếu một yếu
tố thì sự hòa điệu không còn nữa.
Tam Tài là gốc của muôn
vật : Trời sanh ra, Đất nuôi dưỡng, Người làm nên.
Một Nhất Nguyên sinh thành
là Trời, là Thượng Đế, nhưng Tam Tài đồng nhất thể. Như thế đủ thấy địa vị con
người trong CKVT rất là trọng đại, rất là cao cả.
“ Khai Thiên Địa là Thầy,
sanh Tiên Phật cũng Thầy. Thầy đã nói, một Chơn thần mà biến ra càn khôn thế
giới và cả nhơn loại.
Thầy là chư Phật, chư Phật
là Thầy.
Các con là chư Phật, chư
Phật là các con.
Có Thầy rồi mới có các con, có các con rồi mới có chư
Thần Thánh Tiên Phật. “ (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 44)
Con người cần phải biết rõ
địa vị quan trọng và cao cả của mình trong CKVT, để xây dựng một đời sống cao
thượng xứng đáng với phẩm vị mình, thuận tùng Thiên lý để được tiến hóa nhanh.
* * *
VI . Quan niệm về Thượng Đế
Dù phủ nhận
hay nhìn nhận sự hiện hữu của Thượng Đế, thì Thượng Đế vẫn là
Chơn lý tuyệt đối, tối thượng, hằng hữu, là nguyên lý độc nhất tạo dựng CKVT và
vạn vật. Ngài là Đấng Chí Tôn tối cao tối đại, toàn tri toàn năng, toàn giác,
toàn thiện toàn mỹ.
* Thượng Đế là vua của Nhựt, Nguyệt, Tinh, là Đấng sáng
tạo ra càn khôn vũ trụ và vạn vật, nên gọi Ngài là Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế.
* Thượng Đế là chủ của chư Thần Thánh Tiên
Phật. Ngài là vị Phật lớn nhứt trong các vị Phật, là vị Tiên lớn nhứt trong các
vị Tiên, là vị Thánh lớn nhứt trong các vị Thánh, là vị Thần lớn nhứt trong các
vị Thần, nên gọi Ngài là Đấng Đại Thiên
Tôn.
* Thượng Đế là CHA của vạn linh, tức là Cha của
Bát hồn. Do đó, vạn linh gọi Thượng Đế là Đại Từ Phụ; còn Phật Mẫu là MẸ của
chơn thần vạn linh, nên vạn linh gọi Đức Phật Mẫu là Đại Từ Mẫu.
* Thượng Đế là Chơn lý tối
thượng vì “Khí Hư Vô sanh ra có MỘT
Thầy”. Chỉ có 1
Thượng Đế, chỉ có 1 ngôi Thái Cực, nên gọi là tuyệt đối.
Do đó, trong CKVT nầy,
không ai lớn hơn Thượng Đế, tất cả đều do Thượng Đế hóa sanh, nên Thượng Đế là
Đấng tối thượng, hay tối cao tối đại.
CKVT chịu luật thành trụ
hoại không, và khi vũ trụ bị diệt thì Thượng Đế sẽ tái tạo một CKVT mới tiến
hóa và tốt đẹp hơn. Nói là CKVT bị diệt chớ thực sự nó không tiêu mất, mà Đấng
Thượng Đế chỉ biến đổi hình thể của nó để thích hợp với sự tiến hóa mới.
Toàn tri là biết tất cả,
biết đến cùng tận, đủ các phương diện. Toàn năng là làm được tất cả và làm giỏi
hơn tất cả.
1 .
Con người là một Tiểu Thượng Đế :
Con người là một chiết
linh của Thượng Đế, là một Tiểu Linh quang của khối Đại Linh quang. Như vậy,
con người chính là một Tiểu Thượng Đế, hay nói nôm na, mỗi người chúng ta là
một Ông Trời Con.
Thượng Đế cho chúng ta
xuống trần là để nương theo xác thân phàm mà học hỏi và tiến hóa. Nếu chúng ta
tiến hóa nhanh, tức là thi đậu sớm thì sẽ trở về sớm; còn nếu chúng ta
tiến hóa chậm, hoặc thoái hóa, tức là chúng ta thi rớt, phải học lại để thi
lại, thì phải trở về chậm.
Như thế, con người là một
Linh tử trong CKVT, có một đời sống miên
viễn bất tận, luôn luôn thay đổi để tiến hóa, tức là chuyển luân qua các cõi
giới để học hỏi đủ các thứ bài học mà tiến hóa, và mức tiến hóa cuối cùng là
trở thành Thượng Đế để hòa nhập vào Thượng Đế.
2 . Sự bình đẳng giữa Nam và Nữ :
Đức Chí Tôn có triều chánh
uy nghi, nên khi chầu lễ Đức Chí Tôn, chúng ta phải mặc phẩm phục áo mão như
chốn triều đình. Còn đối với Đức Phật Mẫu là Bà Mẹ thiêng liêng, nên tất cả con
cái, dù phẩm tước lớn nhỏ thế nào, cũng đều là con của Mẹ, nên chỉ đến với Mẹ
với tư cách là một đứa con mà thôi.
Do đó, khi chầu lễ Đức
Phật Mẫu, tất cả Chức sắc
nam nữ đều không mặc phẩm
phục, chỉ mặc áo dài trắng bình thường, vì ai cũng như ai, đều là con của Phật
Mẫu, và chúng ta thấy ở đây có một sự bình đẳng hoàn toàn.
Trong Đạo Cao Đài, sự bình
đẳng giữa nam và nữ được thể hiện rất rõ rệt mà không có một nền tôn giáo nào
từ trước tới nay có được.
Đối với CTĐ và CQPT, hễ
Nam phái có phẩm tước nào thì Nữ phái cũng có phẩm tước đó, quyền hành ngang
bằng nhau. Chức sắc Nữ phái chỉ điều hành tín đồ Nữ phái; Chức sắc Nam phái thì
điều hành đồ Nam phái. Quyền hành Nam Nữ riêng biệt, không xen lấn nhau.
“ Bao nhiêu Nam tức bao nhiêu Nữ. Nam biết thành Tiên
Phật, chớ Nữ lại không sao ? Thầy đã nói : Bạch Ngọc Kinh có cả Nam lẫn Nữ, mà
phần nhiều Nữ lấn quyền thế hơn Nam nhiều.” (Trích trong PCT)
* * *
VII .
Quan niệm về Quỉ vương
Quỉ vương, hay Ma vương, là
vua của loài ma quỉ.
Các linh hồn quỉ vị đều
thuộc quyền của Quỉ vương. Những người mà khi sống làm điều đại nghịch, đại ác,
phạm Thiên điều thì khi chết, linh hồn bị đọa vào quỉ vị, làm Quỉ hồn, tức là
làm tay chưn cho Quỉ vương. Quỉ hồn đầu kiếp lên cõi trần làm người thì gọi là
Quỉ nhân.
Quỉ vương còn được gọi là
: Kim Quang Sứ, Lucifer phản nghịch; Thiên Chúa giáo gọi là Satan.
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết
đạo Con đường TLHS, Ngài giải rõ căn cộïi của Kim Quang Sứ, chép ra sau đây:
“ Khi ở Ngọc Hư Cung, Linh
Tiêu Điện, Bần đạo đặng Thánh lịnh của Đức Chí Tôn sai qua mở cửa CLTG. Buổi
ban sơ ấy, tinh thần của Bần đạo còn hoang mang, không biết sao lại còn có bổn
phận đi mở CLTG nữa. CLTG là gì ? Sao lại phải đi mở ? Bần đạo tự hỏi. Tới
chừng đi rồi mới biết tình trạng các đẳng chơn linh đã đoạt vị trong CKVT chịu
nạn khảo thí do Kim Quang Sứ.
Kim Quang Sứ đã đặng Đức
Chí Tôn cho làm Giám khảo kỳ thi Hạ nguơn Tam chuyển, qua Thượng nguơn Tứ
chuyển nầy. Kim Quang Sứ là ai ?
Bên Thánh giáo Gia Tô gọi
là Quỉ vương đó vậy.
Kim Quang Sứ là một vị Đại
Tiên có quyền hành đem ánh sáng thiêng liêng Đức Chí Tôn chiếu diệu trong CKVT.
Vị Đại Tiên ấy đã gấm ghé bước vào Phật vị.......
Vì người hám vọng, tự tôn
tự đại, muốn cầm quyền lực để điều khiển CKVT, chưa đoạt đặng, mà Ngọc Hư Cung
đã biết tinh thần của Kim Quang Sứ muốn phản phúc, dám đối diện cùng Đức Chí
Tôn, mà Ngọc Hư Cung đã biết, cho làm Thống Đốc một thế giới của chúng ta đương
thời bây giờ, thế giới địa hoàn nầy, nếu như người không có tự kiêu tự đại, cái
chức tước làm Thống Đốc một thế giới cũng không phải là hèn gì, nhưng người
không vừa lòng, phản lại, mới bị đọa vào Quỉ vị.
Ngày giờ nầy, Kim Quang Sứ
đã đặng ân xá, cũng như các đẳng chơn linh được ân xá, trong Quỉ vị cũng được
hưởng hồng ân của Đức Chí Tôn ân xá. Vì cớ cho nên vị Quỉ Chúa ấy lãnh một phận
sự tối trọng tối yếu là làm giám khảo, duợt chư Tiên đoạt phẩm vị Phật.
Vì cớ cho nên, người có
giáng cơ buổi Đạo đương bình tịnh, cả Thánh Thể Đức Chí Tôn đương hòa ái với
nhau, không có tâm tánh gì phản động, chưa có một mảy may gì gọi là loạn, họ
còn giữ theo nề nếp chơn truyền của Đức Chí Tôn, mà thinh không Kim Quang Sứ
giáng cơ cho một bài thi, chẳng khác nào như
tìm đến Thánh Thể của Chí Tôn mà liệng một tối hậu thơ.
Bài thơ ấy như vầy :
Cửu phẩm Thần
Tiên nể mặt
Ta,
Thích Ca dầu
trọng khó giao
hòa.
Cửa Kinh Bạch Ngọc
năng lui tới,
Đường Đạo Tây phương thử chánh tà.
Chỉ đá hóa
vàng đon miệng
thế,
Treo gươm trí
huệ giục phồn hoa.
Lấy chơn thay
giả tô Thiên
vị,
Thắng bại phàm
tâm liệu thế à
!
KIM QUANG SỨ
Ngó thấy quyền của người
ta như thế đó.
Hại thay, đường đi từ Ngọc
Hư Cung qua CLTG buổi nọ bị Kim Quang Sứ ngăn đường không cho đi qua. . . .
Đấng mà dám đưa tay cho kẻ
thù định phận, quyền năng dường ấy, để khảo duợt toàn con cái của Người, tức
nhiên khảo duợt Người, mà Người không có nao không có sợ, thì chúng ta đủ biết
quyền phép của Đức Chí Tôn hơn quyền phép của Kim Quang Sứ nhiều lắm.
Đối với tinh thần nhơn
loại đương nhiên bây giờ, đáng lẽ Đức Chí Tôn gìn giữ kỹ càng lắm, nhưng Người
không cần để tâm gìn giữ cho kỹ lưỡng điều đó mà chớ.
Bởi cớ cho nên khi mở Đạo
tại Từ Lâm Tự, Ngài đến, cầm cơ viết tên của Ngài, rồi Ngài liền thăng. Ngài
cho Quỉ đến đặng phá, phá cho tiêu nền chơn giáo của Ngài. Ngài đã cho phép nó
làm, nó vẫn thi hành chớ không sợ sệt e lệ gì cả.
Kim Quang Sứ đã thi hành
trong hai mươi mấy năm, cả Thánh Thể Đức Chí Tôn và toàn con cái của Ngài nam
nữ đang bị tay Kim Quang Sứ tàn hại, đủ mưu chước, đặng hại cho thất đạo, không
có một điều gì, một mưu chước gì mà nó không dùng, đặng tàn phá Thánh thể Đức
Chí Tôn, nhưng không phải dễ, dầu quyền lực của Kim Quang Sứ bao nhiêu đi nữa cũng chưa qua khỏi cái mức
mà Đức Chí Tôn đã gạch sẵn cho con cái của Ngài đi, thì chúng ta ngó thấy đủ
bằng cớ đoạt đặng.
Ngộ nghỉnh thay, tuy biết
hay là không biết, Đức Chí Tôn cho Kim Quang Sứ
thử con cái của Ngài đặng bỏ cái phàm lấy cái Thánh. . . . . . .
Đức Chí Tôn có thể định
được cho mình, mà chính mình phải lập quyền do tài đức của mình; Đức Chí Tôn có
thể định vị cho mình, mà mình phải lấy đạo đức của mình mà lập phẩm vị, tức
nhiên mình phải chịu khảo duợt, phải thi thố cho đậu mới đoạt phẩm vị cao siêu
của mình, rớt phải chịu đọa lạc, không thể chối cãi được. Giám khảo ấy rất khó.
Huống chi Kim Quang Sứ tự tôn tự đại, không có một chơn hồn nào tới lo lót Kim
Quang Sứ đặng cho tôi đoạt được đâu ! “
Trên đây là lời thuyết đạo
của Đức Phạm Hộ Pháp cho biết lai lịch của Kim Quang Sứ, và vì sao Kim Quang
Sứ bị đọa vào Quỉ vị để làm Chúa Quỉ.
Theo Thiên Chúa Giáo thì
Quỉ vương được gọi là Satan. Satan xuất hiện ngay sau khi Thiên Chúa tạo ra
Ađam và Êva, mà hình ảnh của nó là con Rắn rất khôn ngoan quỉ quyệt, nhiều mưu
chước, nói dối, cám dỗ con người làm điều tội lỗi, chống lại Thiên Chúa. Bà Êva
đã bị Satan cám dỗ, hái trái cấm để ăn, rồi chia cho Ađam cùng ăn, nên bị tội
đối với Thiên Chúa. Đó là tội Tổ tông.
Đức Jésus, sau khi chịu
phép Giải oan với Thánh Jean rồi, Thiên Chúa khiến Ngài đến nơi đồng vắng đặng
chịu cho Ma quỉ cám dỗ. Ngài đã kiêng ăn 40 ngày đêm.
Quỉ Satan cám dỗ đến gần
Ngài, nói :
Nếu ngươi phải là con của
Thiên Chúa thì hãy
khiến đá nầy trở nên bánh
đi. Đức Jésus đáp : Có lời chép rằng, người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà
thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Thiên Chúa.
Ma quỉ bèn đem Ngài vào
nơi Đền Thánh, đặt Ngài trên nóc đền thờ rồi nói : Nếu ngươi phải là con của
Thiên Chúa thì gieo mình xuống đi, vì Chúa sẽ truyền các Thiên sứ đến gìn giữ
ngươi và đỡ ngươi trên tay. Đức Jésus nói : Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa
Trời ngươi.
Ma quỉ lại đem Ngài lên
núi cao, chỉ cho Ngài thấy các nước thế gian cùng sự vinh hiển của các nước ấy
và nói : Nếu ngươi quì xuống trước mặt ta mà thờ lạy ta thì ta sẽ cho ngươi hết
thảy mọi sự nầy. Ngài liền nói với Ma quỉ : Hỡi Quỉ Satan, ngươi hãy lui ra, vì
có lời chép rằng, ngươi phải thờ phượng Thiên Chúa là Đức Chúa Trời của ngươi
và chỉ hầu việc một mình Thiên Chúa mà thôi.
Ma quỉ bèn bỏ đi. Thế là Đức chúa Jésus đã
thắng mọi cám dỗ của Quỉ vương Satan. Liền đó có các Thiên Thần đến hầu việc
Ngài.
Sau đó, Đức chúa Jésus
khởi làm nhiệm vụ của Ngài là đi rao truyền Đạo Thánh và thâu nhận 12 Thánh
Tông Đồ, phổ độ và giảng dạy giáo lý của Đạo Thánh.
Thật ra, Kim Quang Sứ,
Satan hay Quỉ vương cũng do nguơn linh của Đức Chí Tôn mà xuất hiện ra, nhưng
vì phản phúc, tự tôn tự đại và ác hành mà bị đọa vào Quỉ vị.
Tài phép của Quỉ vương cao
cường lắm, chỉ kém hơn chút ít quyền năng của các Đấng Tiên, Phật mà thôi.
Đức Chí Tôn có Tam thập
lục Thiên thì Quỉ vương lập thành Tam thập lục Động, rồi nó biến Tam thập lục
Động giả làm Tam thập lục Thiên để dối gạt người tu, các danh hiệu Thần, Thánh,
Tiên, Phật, cả đến danh hiệu của Đức Chí Tôn, Quỉ vương đều mạo nhận hết, duy
chỉ có cái ngai của Đức Chí Tôn là nó không dám lên ngồi mà thôi.
Sở dĩ Quỉ vương được như
thế là vì Đức Chí Tôn ban cho nó cái quyền to tát ấy để nó làm Giám khảo, khảo
duợt và thử thách tất cả chơn linh đang đi trên con đường tu hành tiến hóa, để
chấm thi đậu rớt. Như vậy người thi đậu mới vẻ vang, xứng đáng được ban thưởng
các phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật, còn nếu rớt thì phải tái kiếp luân hồi, học
lại các bài học ấy, tới chừng nào thi đậu mới thôi.
Quỉ vương thuộc khối ác
trược, còn Tiên Phật thuộc khối thiện thanh, cả hai khối đối nghịch nhau, cũng
như Âm với Dương, một bên có khuynh hướng trì xuống, một bên có khuynh hướng
kéo lên, cả hai bên tạo thành hai lực đối kháng rất cần thiết để thúc đẩy sự
tiến hóa của CKVT.
Hai khối đó sẽ hiện hữu
mãi mãi, miên viễn bất tận với Định luật Tiến hóa của Càn Khôn, vì nếu một
trong hai khối mất đi, sự cân bằng lực không còn nữa thì Luật Tiến hóa không
thể hoạt động được, thì đó là sự sụp đổ và hủy diệt của CKVT.
* * *
VIII .
Thiên Đàng - Địa Ngục - Cõi Âm quang
- Thiên đàng hay Thiên
đường là cõi Trời, cõi có đầy đủ các sự tốt đẹp và an lạc, hạnh phúc, nơi đó
con người sống vui vẻ đời đời, không có sự chết, không có sự lo âu phiền não,
nên cũng gọi là cõi Thiêng liêng Hằng sống.
Đây là cõi để cho các Linh
hồn mà trong kiếp sống nơi cõi trần đã lập được nhiều công đức, trở về nơi đó
để an nghỉ và vui hưởng.
Cõi TLHS có rất nhiều từng
lớp từ thấp lên cao, càng lên cao thì càng thanh nhẹ và tốt đẹp.
Trong cõi TLHS, bên dưới
là Cửu Trùng Thiên gồm 9 từng Trời dành cho Cửu phẩm Thần Tiên, tiếp lên trên
là từng Trời thứ 10 : Hư Vô Thiên, từng Trời thứ 11 : Hội Nguơn Thiên, từng
Trời thứ 12 : Hỗn Nguơn Thiên.
Ba từng Trời nầy gọi chung
là cõi Phật, cõi Niết Bàn, nơi đó có CLTG mà thời Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Phật
A-Di-Đà làm Giáo chủ. Lên cao tiếp tục, ta có Tam thập lục Thiên, tức là 36
từng Trời và cao nhất là Bạch Ngọc Kinh, nơi thường ngự của Đức Chí Tôn Ngọc
Hoàng Thượng Đế. (Xem chi tiết trong phần Vũ trụ quan nối tiếp phía sau).
- Địa Ngục, theo quan niệm
xưa, là nhà ngục ở dưới đất để giam giữ và trừng phạt các tội hồn. (Tội hồn là
những linh hồn của những người mà trong kiếp sanh nơi cõi trần đã phạm nhiều tội ác). Nơi cõi Địa ngục có
những hình phạt rất ghê gớm, đọc trong Kinh Sám Hối thì rõ.
Nhưng hễ có thưởng thì
phải có phạt, luật công bình định vậy. Hễ có Thiên đường thì phải có Địa ngục.
Thiên đường và Địa ngục là thể hiện sự thưởng phạt công bình trong Luật Nhân
Quả.
Có công đức thiện lành thì
được thưởng bằng những phẩm vị cao trọng nơi cõi Thiên đường, còn tội lỗi gian
ác thì bị phạt tù đày nơi cõi Địa ngục.
Thiên đường và Địa ngục là
hai đối trọng cần thiết trong cán cân công bình thiêng liêng của Tạo hóa và
cũng là hai thế lực cần thiết, giống như hai khối ác trược của Quỉ vương và
khối thiện thanh của Tiên Phật, để thúc đẩy sự tiến hóa của vạn vật trong CKVT.
Nhưng từ khi mở Đạo Cao
Đài, Đức Chí Tôn đại khai Ân Xá, Đức Chí Tôn cho đóng cửa Địa ngục, không cho
hành phạt các tội hồn, lại mở rộng cửa Trời để đón tiếp những người đầy đủ công
đức đắc đạo trở về.
Đối với các tội hồn thì
Đức Chí Tôn lập ra cõi Âm Quang ở giữa Thiên đường và Địa ngục để đưa các tội
hồn đến cõi Âm Quang học đạo, định tâm tỉnh trí xét mình, nhìn lại những hành
động sai trái lỗi lầm của mình trong lúc sống nơi cõi trần mà ăn năn sám hối.
Nơi cõi Âm Quang có các
Đấng Phật Tiên đến đây để giáo hóa, an ủi các tội hồn, giảng giải cho biết rõ
hai đường thiện ác, chánh tà. Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát lãnh phần giáo hóa các
nam tội hồn, Thất Nương Diêu Trì Cung
lãnh phần giáo hóa các nữ tội hồn.
Tại cõi Âm Quang chỉ có
giáo hóa chớ không có trừng phạt, khác hẳn cõi Địa ngục trước đây, vì hưởng
được thời kỳ Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn.
Thất Nương giảng giải về
cõi Âm Quang như sau :
“ Em nên nói rõ Âm Quang
là gì trước đã, rồi thì mấy chị mới hiểu đặng. (Em là tiếng tự xưng của Thất
Nương)
Âm Quang là nơi Thần Linh
Học gọi là Trường Đình của chư hồn giải thể hay nhập thể. Đại Từ Phụ đã định
nơi ấy cho Phật gọi là “Tịnh Tâm Xá”, nghĩa là nơi của chư hồn đến đó đặng tịnh
tâm xét mình coi trong kiếp sanh có bao nhiêu phước tội. Vậy nơi ấy là nơi xét
mình. Chớ chi cả nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác thì tự nhiên tránh khỏi Âm Quang.
Nói cho cùng, nếu trọn
kiếp, dầu gây lắm tội tình, mà phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn
độ rỗi, thì cũng lánh xa khỏi cửa Âm Quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của
Chí Tôn, là các chơn hồn đặng tự hối hay là đặng giáo hóa mà hiểu trọn chơn
truyền lập phương tự độ hay là con cái của các chơn hồn cầu rỗi.
Ôi ! Tuy vân, hồng ân của
Đại Từ Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn hồn sa đọa hằng hà, mỗi ngày xem chẳng
ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy. Đó là mấy đạo hữu
tín đồ thất thệ. Em trông thấy bắt đau lòng, phái Nữ lại là phần đông hơn hết.”
“ Thưa cùng mấy chị, Em
xin nhắc nhở điều nầy :
Ngày Hội Ngọc Hư đặng lo
tiếp pháp của Tây phương Cực Lạc, Em đã đặng nghe thấy những lời của Địa Tạng
Vương Bồ Tát than thở rằng : Ngài là Phật, nên khó gần gũi các hồn Nữ phái mà
khuyến giáo cơ giải thoát mê đồ. Bởi cớ, nơi Âm Quang, Nữ hồn còn bị luyện tội
nhiều hơn Nam phái bội phần.
Em lại nghe Người ước rằng
: Chớ chi có một Đấng Nữ Tiên dám đảm
đương đến phổ tế mới mong tận độ chư vong linh của Phong Đô thoát kiếp.
Em mới để dạ lo lường, cả lòng lân ái đến đó.
Em đã chán thấy nhiều tội
tình chẳng trọng hệ, song có hồn chịu sầu thảm lạ thường. Em đã liệu nhiều
phương thế cho từ đây mấy chơn hồn có bề dễ tránh khỏi cửa Âm Quang hãm tội.”
(TNHT 1-2 hợp nhứt, B 165)
Nói tóm lại, khi Đức Chí
Tôn mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vào năm Bính Dần (1926) thì Đức Chí Tôn Đại khai
Ân Xá, cho đóng cửa Địa ngục, giải phóng hết các tội hồn nơi đó, cho đi đầu
kiếp nơi cõi trần để trả quả, đồng thời Đức Chí Tôn cho mở riêng một cõi giữa
Thiên đường và Địa ngục, gọi là cõi Âm Quang thuộc DTC, để cho các linh hồn tội
lỗi đến đó định tâm định trí, xét nét lỗi lầm của mình, mà ăn năn sám hối, cầu
xin Đức Chí Tôn độ rỗi. Nơi đây chỉ có giáo hóa chớ không có hình phạt, để các
chơn hồn giác ngộ, thấy rõ thiện ác,
chánh tà.
Nơi cõi Âm Quang, các chơn
hồn nào biết ăn năn sám hối tội tình, biết lẽ thiện ác, chánh tà thì được cho
đi đầu kiếp để trả cho xong nghiệp quả và lo tu hành để lập công trừ tội.
* * *
IX . Quan niệm đúng đắn về cuộc sống
Một con
người nơi cõi thiêng liêng có một điểm Linh quang gọi là Chơn linh hay Linh
hồn do Đức Chí Tôn ban cho và một Xác thân thiêng liêng gọi là Chơn thần, do
Đức Phật Mẫu tạo thành. Do đó, nguồn gốc căn bản của con người là ở nơi cõi
thiêng liêng, và cõi thiêng liêng nầy mới chính là cõi sống chơn thật của con
người.
Khi con người được phép
đầu thai xuống cõi trần thì có thêm một xác thân phàm do cha mẹ phàm trần tạo
ra để có một đời sống nơi cõi phàm trần.
Như vậy, cuộc sống toàn
thể của một con người trong CKVT gồm có hai giai đoạn nối tiếp luân phiên mãi
mãi với nhau cho đến bất tận :
- Thời gian đầu, con người
sống nơi cõi thiêng liêng an nhàn tự tại, tiêu diêu cực lạc. Nhưng vì nhu cầu
học hỏi tiến hóa, người đó làm một chuyến du học xuống cõi trần.
- Người đó sẽ được cha mẹ
phàm trần tạo ra một xác thân phàm để được sống nơi cõi phàm trần mà học hỏi,
làm việc, chứng nghiệm, tiến hóa.
Nơi cõi phàm trần, các nền
tôn giáo là những trường Đại học đạo đức, cõi đời là trường thi công quả, giải
khổ và thoát khổ là đề tài luận án của Phật Tiên.
Khi xác phàm đã già nua,
không hoạt động được nữa, đến lúc sắp hư hoại thì người đó (Chơn thần và Linh
hồn) rời bỏ xác phàm, trở về cõi thiêng liêng là nơi quê cũ, chấm dứt một
chuyến đi du học xa đầy hấp dẫn.
- Linh hồn và Chơn thần
trở về, đến trình diện với hai Đấng CHA MẸ thiêng liêng, để báo cáo thành quả
đạt được trong chuyến du học, trình ra những cấp bằng đạt được. Đức Chí Tôn sẽ
khen thưởng bằng cách ban cho những phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật tương xứng.
Còn nếu Linh hồn và Chơn
thần thi rớt, không đạt được bằng cấp nào, lại còn mắc nhiều món nợ nơi cõi
trần thì Linh hồn và Chơn thần được lưu
lại cõi thiêng liêng một thời gian để quán xét, suy nghiệm những việc thất bại
đã qua, rút kinh nghiệm, để rồi được trở xuống cõi trần một chuyến du học nữa,
học lại các bài học cũ, thi cho đậu, và lo trả xong các món nợ đã vay trong
chuyến trước.
Đời sống của con người nơi
cõi thiêng liêng mới thật là đời sống chánh thức, thiệt thọ, còn đời sống nơi
cõi trần chỉ là một giai đoạn ngắn (để du học, công tác) trong toàn thể cuộc
sống bất tận của con người.
Đó mới thật là một quan
niệm đúng đắn duy nhứt về cuộc sống của con người trong CKVT, vì nó đứng trên
cái nhìn toàn diện, sinh động và rốt ráo.
* Đời sống nơi cõi thiêng
liêng là để nghỉ ngơi, an hưởng, hay để suy nghĩ, và sắp đặt kế hoạch cho một
chuyến công tác hay du học mới sắp tới.
* Đời sống nơi cõi phàm
trần là để học hỏi, làm việc, kinh nghiệm, thử thách và tiến hóa.
Tại sao con người cần phải
xuống cõi phàm trần nầy để học hỏi và tiến hóa ? Không thể ở cõi thiêng liêng
học hỏi và tiến hóa được sao ?
Bởi vì nơi cõi trần nầy có
đủ các bài học từ trược đến thanh, từ ác đến thiện, từ tà mị gian dối đến chánh
trực chơn thật, con người sẽ được học đầy đủ và chiêm nghiệm. Vả lại, nơi cõi
trần, khí ô trược có đến hai phần, còn
khí thanh khiết chỉ có một phần, nên xu hướng vật chất mạnh gấp đôi xu hướng
tinh thần, mà nếu con người biết đè nén lòng vật dục để lo phụng sự nhơn sanh
thì sẽ đoạt được công quả rất lớn, nhứt định sẽ tiến hóa vượt bực mau chóng.
Do đó, đời sống của con
người nơi cõi phàm trần có bốn mục đích chánh yếu sau đây :
1 . Học hỏi : Học sao cho thông hiểu
tất cả những gì mà Đức Chí Tôn đã bày ra nơi cõi trần để làm nấc thang tiến hóa cho các đẳng chơn
hồn.
2 .
Lập Công quả : Nhìn thấy các bạn đồng sanh đang sống lạc hướng, lặn ngụp trong sông mê
bể khổ, chìm đắm trong chốn danh lợi quyền, mải miết đi trên đường vật dục, thì
ta phải làm thế nào để giúp cho các bạn ấy thức tỉnh và giác ngộ, hiểu biết như
ta, để trở lại con đường chơn chánh, đi đúng mục tiêu tiến hóa. Ta phải đem hết
khả năng của mình ra để giúp đỡ và dẫn
dắt họ.
3. Trả nợ : Nếu trong kỳ du học trước, ta đã gây ra nhiều nợ
nần oan trái, thì trong kỳ du học nầy, nhứt định ta phải trả cho xong các nợ cũ
dù phải đau khổ hy sinh.
4 .
Không gây nợ mới : Kinh nghiệm về sự trả nợ rất đau khổ, ta không nên
gây thêm một món nợ oan nghiệt nào hết. Các điều răn cấm, các giới luật tu hành
là những rào chắn rất hiệu quả để ngăn chận không gây thêm nợ.
Thực hiện được bốn điều
trên đây, thì chuyến du học nầy chắc chắn đạt được thành công mỹ mãn.
Hai Đấng CHA MẸ thiêng
liêng chắc chắn sẽ rất hài lòng và các bạn thiêng liêng sẽ đón tiếp ngày trở về
của ta thật vinh hiển huy hoàng.
* * *
X. Phần kết
Nhơn sanh quan của
Đạo Cao Đài đã giải quyết được các điểm chánh yếu mà từ xưa tới nay, các phái Triết
học Duy Tâm và Duy Vật đã tốn nhiều thời giờ và giấy mực bàn cãi rất nhiều mà
chưa
đạt được một kết luận dứt khoát hợp lý nào
thỏa mãn được các phái.
* Về nguồn
gốc của loài người, con người từ đâu tới?
Người nguyên thủy (Thủy tổ
loài người) là các Hóa nhân do loài vượn cao cấp (vượn-người) tiến hóa mà
thành.
Cái nguồn gốc nầy không có
gì để làm cho chúng ta xấu hổ, vì mọi vật
từ cõi thiêng liêng đến cõi
phàm trần đều nằm trong Luật Tiến hóa của Thượng Đế.
Chính Đức Phật Thích Ca mà
ai ai cũng đều sùng bái, có những kiếp là Hóa nhân. Đức Phật có thuật lại, tiền
thân của Đức Phật trong nhiều kiếp là loài cầm thú.
Hóa nhân xuất hiện trước,
lần lần đông đảo rồi Thượng Đế cho một số Nguyên nhân đầu kiếp xuống trần, do
các Nữ Hóa nhân sanh ra, để khai hóa các Hóa nhân.
Nguyên nhân là những người
được Đức Thượng Đế và Đức Phật Mẫu tạo ra từ lúc Khai Thiên, được Đức Chí Tôn
cho đầu kiếp xuống trần, ngoài nhiệm vụ khai hóa các Hóa nhân, Nguyên nhân còn
phải lo học hỏi và tiến hóa.
* Con người có Linh hồn không ?
Điều nầy không còn gì để
nghi ngờ nữa, bởi vì khoa Thần Linh học hiện nay trên thế giới đã chứng minh sự
hiện hữu của Linh hồn trong mỗi con
người.
Hiện tượng xây cơ ma trong
giới bình dân cũng chứng tỏ được người chết không phải là hết, mà Linh hồn người
chết vẫn tồn tại, nên người chết có thể nói chuyện được với người sống qua
trung gian của cây cơ.
Trong Đạo Cao Đài, hiện
tượng Cơ Bút chứng tỏ rằng có Đấng Thượng Đế, có các Đấng Thần Thánh Tiên Phật,
có thế giới vô hình rất huyền diệu mà
trí não phàm tục của con người không thể
hiểu thấu được.
Con người có ba thể : Thể
xác (hữu hình), Chơn thần (bán hữu hình) và Linh hồn (vô hình). Chơn thần làm
trung gian cho Thể xác và Linh hồn.
Đấng Thượng Đế đã dạy cho
chúng ta biết rõ về Chơn thần. Đây là điểm rất mới trong Giáo lý của Đạo Cao
Đài, nhờ đó có thể giải rõ các hiện tượng của con người từ vật chất đến tinh
thần, từ hữu hình qua vô hình.
Con người nơi cõi thiêng
liêng (vô hình) chỉ có hai thể : Linh hồn và Chơn thần.
* Con người khi chết đi về đâu ?
Khi Thể xác chết, nó sẽ
thúi rã và lâu ngày sẽ trở thành đất, còn Chơn thần và Linh hồn sẽ xuất ra khỏi
thể xác để đi về cõi thiêng liêng, đến trình diện với hai Đấng Phụ Mẫu thiêng
liêng là Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.
Đức Chí Tôn xem xét các
việc làm phước và tội mà Linh hồn và Chơn thần đã gây ra trong kiếp sống nơi
cõi trần để khen thưởng hay bắt đi đầu kiếp mà trả quả.
Chừng nào Linh hồn và Chơn
thần làm được những việc hoàn toàn tốt đẹp nơi cõi trần, xứng đáng là một Tiểu
Thượng Đế thì khi trở về, Đức Chí Tôn sẽ khen thưởng xứng đáng và được hội hiệp
cùng Đức Chí Tôn.
Con người là một Linh tử trong CKVT, có một đời
sống miên viễn bất tận. Đời sống nầy bao gồm hai giai đoạn nối tiếp luân phiên
nhau mãi mãi đến vô cùng :
- Đời sống nơi cõi thiêng liêng để nghỉ ngơi,
an hưởng và suy nghiệm.
- Đời sống nơi cõi phàm trần là để học hỏi, lập
công quả, tu luyện, để được tiến hóa nhanh.
Như thế thì mục đích của đời sống con người là
để học hỏi và tiến hóa, tiến hóa mãi không ngừng, để cho Càn khôn cùng tiến hóa
mãi mãi như các sự vận chuyển của các tinh cầu trong CKVT.
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ]