Giải Thích Lời Minh Thệ & Nhập Môn Cầu Đạo - 14/24 (TTTN)


NHO TÔNG CHUYỂN THẾ
I . Nho tông chuyển thế.
Nho tông là Nho giáo, đạo Nho. (Tông là tôn giáo).

Chuyển thế là làm cho cuộc đời thay đổi từ xấu ra tốt, từ loạn ra trị, từ hung dữ ra hiền lành đạo đức.
Nho Tông Chuyển Thế là một chủ trương lớn của Đạo Cao Đài, đối với cuộc thế, đối với nhơn quần xã hội.

Chủ trương nầy là dùng tinh hoa của học thuyết Nho giáo để cải tạo cuộc thế trong buổi Hạ nguơn mạt kiếp, phong hóa suy đồi, nền nếp gia đình đổ vỡ, xã hội vì danh lợi mà tranh giành sát phạt nhau dữ dội, làm cho mạnh được yếu thua, khôn còn dại mất.

Với chủ trương Nho Tông Chuyển Thế, Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài thành một cơ quan chuyển thế.

Đức Hộ Pháp trong bài thuyết đạo tại Đền Thánh đêm 1-9-Đinh Hợi (1947) giải thích Nho tông chuyển thế như sau :
“ Bần đạo nhớ buổi Chí Tôn mới đến tỏ danh hiệu Người, Người hứa với các môn đệ của Người buổi đầu tiên về Cơ quan chuyển thế, làm phân vân biết bao nhiêu nhà trí thức tìm hiểu hai chữ Chuyển thế nghĩa là gì ?

Theo triết lý học, định nghĩa hai chữ Chuyển thế là : xoay đổi thời đại hiển nhiên ra thời đại khác, hoặc không phù hạp, hoặc quá khuôn khổ nề nếp nên quyết đoán thay đổi lập trường thiêng liêng vì thời đại nầy đã định.

Chuyển nghĩa là sửa đổi cũ ra mới. Lấy nghĩa lý đã định hẳn ra, tức nhiên chúng ta nhận thấy các khuôn luật đạo đức từ trước đến giờ để lại đều bị biếm cả, bởi vì đời quá hung tàn bạo ngược, vô nhơn luân, tinh thần đạo đức không qui định, tâm lý loài người không tương quan cùng nhau, mất cả luật đồng sanh làm căn bản cho loài người, luật đồng sanh gần như bị hủy bỏ, bởi thấy tấn tuồng trước mắt, nào giặc giã chiến tranh giành sống mà giết hại lẫn nhau, oán kết thâm thù, loài người do nơi ấy mà biến sanh tàn ác, cái phương sanh sống đến một giai đoạn rất khó khăn và chúng ta thử xét đoán trong các kinh điển Đạo giáo đã để lại là “mưa dầu nắng lửa”. Trận mưa dầu nắng lửa sẽ có hiện tượng y như trong kinh đã nói. Cũng vì sự sanh hoạt khó khăn mà loài người giết hại lẫn nhau. . . . .

Đời sống đến giai đoạn khó khăn hơn nữa, những phẩm vật nuôi sống loài người càng giảm bớt thì nhơn loại còn quyết liệt chiến đấu hơn nữa.

“ Nền Đạo Cao Đài là Nho Tông Chuyển Thế thì tức nhiên của toàn xã hội nhơn quần tại mặt địa cầu nầy, nhờ đạo Nho sửa đương chỉnh đốn thiên hạ lại. Chúng ta thấy xã hội tinh túy đạo đức của họ dường như đảo ngược lại, khủng hoảng tinh thần mà ra vậy.”

Đạo Cao Đài chủ trương Nho Tông Chuyển thế, không có nghĩa là đem toàn cả học thuyết của Nho giáo ra áp dụng một cách máy móc khắt khe, vì xã hội hiện tại là dân chủ, nam nữ bình quyền, trình độ tiến hóa về khoa học kỹ thuật cũng như tinh thần rất cao so với thời kỳ của Đức Khổng Tử cách đây hơn 2500 năm.

Hơn nữa, tại sao không dùng Phật giáo hay Lão giáo, hoặc Thiên Chúa giáo để làm căn bản chuyển thế ? mà phải dùng Nho giáo ? Bởi vì không có học thuyết nào dạy Nhơn đạo kỹ bằng Nho giáo. Muốn cải tạo xã hội thì phải dạy Nhơn đạo, vì Nhơn đạo là căn bản, chớ không thể dạy Thánh đạo, Tiên đạo hay Phật đạo. Nhưng chỉ lấy những điểm tinh hoa của Nho giáo làm căn bản giáo dục mà thôi, bởi vì toàn cả giáo lý Nho giáo có nhiều điểm không còn thích hợp với xã hội ngày nay.

Những tinh hoa của giáo lý Nho giáo được áp dụng ngày nay, có thể kể ra sau đây :

* Phần chung :  - Thiên Địa vạn vật đồng nhứt thể.
- Nhơn Nghĩa, Trung Dung.

* Phần riêng :  Nam thì Tam cang, Ngũ thường.
. Nữ  thì Tam Tùng, Tứ đức.

* Phương pháp thực hành chủ trương Nho Tông Chuyển Thế, trước hết thi hành ba điểm :
- Tôn trọng  Nhơn luân.
- Sùng kính Nhơn Nghĩa.
- Phục hưng Lễ Nhạc

* * *
II . Quốc Đạo - Nam phong

Quốc đạo tức là Quốc giáo, là nền tôn giáo chánh thức của một nước.
Đạo Cao Đài là quốc đạo của VN, vì Đạo Cao Đài được Đức ChíTôn mở ra trên đất nước VN, cho dân tộc VN.
TNHT :   Từ thử nước Nam chẳng đạo nhà,
Nên Ta gầy dựng lập nên  ra.

Đó là lời xác nhận của Đức Chí Tôn Thượng Đế.
Trên đất nước VN hiện nay có rất nhiều tôn giáo như : Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo, Thiên Chúa giáo, đạo Tin Lành, đạo Bà La Môn, vv . . . Những tôn giáo nầy đều được mở ra ở các nước ngoại quốc rồi truyền vào VN, được người VN chấp nhận và tôn sùng.

Nhưng, riêng nước VN, kể từ khi lập quốc đến nay, chưa có một tôn giáo được khai mở trên đất nước VN, cho dân tộc VN. Ngày nay, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế đến ban thưởng cho dân tộc VN, bằng cách mở ra trên đất nước VN, cho người VN một nền Đại Đạo gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hay nói vắn tắt là Đạo Cao Đài, do Đấng Thượng Đế tá danh Cao Đài làm Giáo Chủ.

Thật là vinh hạnh cho dân tộc Việt Nam !
TNHT: " Thầy đã lập Đạo nơi cõi Nam nầy là cốt để ban thưởng một nước từ thử đến giờ hằng bị lắm cơn thạnh nộ của Thầy. Thầy lại tha thứ, lại còn đến ban thưởng một cách vinh diệu. Từ tạo Thiên lập Địa, chưa nước nào dưới quả địa cầu 68 nầy đặng vậy. Cốt để ban thưởng các con thì các con hưởng phần hơn đã đáng, lẽ nào Thầy đã để phần nhiều cho các nước khác sao ? "

" Thầy có hội chư Tiên Phật lại mà thương nghị về sự lập Đạo tại Đại Nam Việt quốc. Các con khá nghe lời Thầy dặn, chớ khá nghịch lẫn nhau, phải đồng một lòng một dạ mà lo chấn hưng đạo đức."

" Vốn Thầy tạo lập nền Chánh giáo cho dân Nam Việt chẳng phải là việc nhỏ đâu. Các con ví biết Đạo là quí thì phải ân cần thận trọng, đợi đến ngày thành tựu các con mới thấy rõ Thiên cơ thì chừng ấy các con muốn lập công bằng buổi nầy sao đặng, vì mỗi việc khó khăn trắc trở là lúc sơ khai."  " Từ đây trong nước Nam duy có một Đạo chơn thật là Đạo Thầy đã đến lập cho các con, gọi là Quốc Đạo, hiểu à ! ”

Đức Chí Tôn giáng cho bài thi và bảo chép lại bằng Hán văn để gởi cho vua Bảo Đại lúc đó, trong đó có 2 câu :
Quốc Đạo  kim triêu thành Đại Đạo,
Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong.

Nghĩa là : - Nền Quốc Đạo Cao Đài ngày nay biến thành nền Đại Đạo cho cả hoàn cầu,
     - Nền phong hóa của nước Việt Nam ngày ấy sẽ biến thành nền phong hóa của nhơn loại.

Nam phong là nền phong hóa của dân tộc Việt Nam. Nhờ thi hành chủ trương Nho tông chuyển thế của Đạo Cao Đài, nền phong hóa của Việt Nam sẽ trở nên vô cùng tốt đẹp, được dùng làm gương mẫu cho các nước trên toàn thế giới noi theo.

" Nơi dãy đất VN chúng ta đã tám mươi mấy năm khổ nạn, dân sanh sống dưới quyền lệ thuộc, hầu hết đã gần quên tinh thần cổ truyền của tổ phụ để lại.

May thay cho nòi giống Lạc Hồng, là không đến nỗi phải chịu mất tinh thần cố hữu ấy, nên được Đức Chí Tôn dùng dãy đất nầy làm Thánh Địa và định cho dân tộc Việt Thường hưởng hồng ân của Ngài trước nhứt, rồi mới cho nhơn loại trên mặt địa cầu nầy hưởng sau.

Theo Thánh ý của Đức Chí Tôn là muốn dùng dân tộc VN làm gương mẫu cho toàn cầu, là chỗ mà thiên hạ cho là thấp hèn, bạc nhược, lại được Đức Chí Tôn đem lên ngang hàng cùng vạn bang, mà còn cho trổi hơn mặt tinh thần, do đó mới kêu là Quốc Đạo." (Trích Thánh giáo của Đức Cao Thượng Phẩm tại Báo Ân Từ ngày 1-10-Canh Dần)

Đức Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh đêm 30-9-Đ.Hợi 1937 :
" Hai chữ Quốc Đạo, lần đầu Chí Tôn viết ra làm cho Bần đạo mờ mịt. Cũng vì hai chữ Quốc Đạo mà Phạm Công Tắc chết năm 35 tuổi, thí thân đeo đuổi làm cho ra thiệt tướng. Ôi ! Hai chữ Quốc Đạo là một vật mà Bần đạo tiềm tàng rồi mới hiểu. Khởi điểm biết thương nòi giống, biết thương tổ quốc, đeo đuổi mất còn với cái điều khát khao từ buổi thanh xuân đó vậy. Tự biết khôn dĩ chí gặp Đạo năm 35 tuổi, Bần đạo thấy sao mà phải khao khát thèm lạt, tại làm sao Chí Tôn biết thiếu thốn nơi tinh thần điều ấy mà cho Bần đạo.

Bần đạo ban sơ nghi hoặc, có lẽ một Đấng có quyền năng thiêng liêng biết tâm lý đang nồng nàn ao ước, đương thèm lạt khao khát, đương tiềm tàng mà đem ra cám dỗ. Hại thay ! Yếu ớt đức tin, ngày nay Bần đạo ăn năn quá lẽ, 15 năm đã đặng thấy gì ?

Cả toàn thiên hạ nói rằng : Nòi giống VN không có Đạo. Lạ lùng thay ! chúng ta tự hỏi có thật vậy chăng ? Thật quả có chớ, có nhiều Đạo quá mà thành ra không Đạo, chỉ mượn Đạo, xin Đạo của thiên hạ mà thôi. . . Thành thử VN có nhiều Đạo quá mà thành ra không Đạo.

Ngày Chí Tôn tình cờ đến, vì ham thi văn nên ban sơ Diêu Trì Cung đến dụ bằng thi văn tuyệt bút làm cho mê mẩn tinh thần. Hại thay ! Nếu chẳng phải là nhà thi sĩ, ắt chưa bị bắt một cách dễ dàng như thế. Vì ham văn chương thi phú nên Ngài ráng dạy. Chí Tôn đến ban đầu làm bạn thân, rồi dạy đạo, kế bảo Vọng Thiên cầu Đạo, rồi Ngài dạy lập Đạo.

Khi ấy, Bần đạo chưa tín ngưỡng, bởi lẽ nòi giống nước Nam còn tín ngưỡng tạp nhạp lắm, không chưn đứng, không căn bản, nói rõ là không tín ngưỡng gì hết. Bần đạo mới trả lời với Đức Chí Tôn, ngày nay Bần đạo nghĩ lại rất sợ sệt. Nếu không phải gặp Đấng Đại Từ Bi thì tội tình biết chừng nào mà kể.

" Thưa Thầy, Thầy biểu con làm Lão Tử hay Jésus, con làm cũng không đặng; Thích Ca, con làm cũng không đặng, con chỉ làm đặng Phạm Công Tắc thôi. Con lại nghĩ con bất tài vô đạo đức nầy quyết theo Thầy không bỏ, nhưng tưởng cũng chẳng ích chi cho Thầy."

Đấng ấy trả lời : - Tắc, thảng Thầy lấy tánh đức của Phạm Công Tắc mà lập giáo, con mới nghĩ sao ?
Bần đạo liền trả lời : - Nếu đặng vậy . . . .
Ngài liền nói : - Thầy đến lập cho nước Việt Nam nầy một nền Quốc Đạo.
Nghe xong, Bần đạo từ đấy hình như phiêu phiêu lên giữa không trung, mơ màng như giấc mộng. Được nghe nói cái điều mà mình thèm ước nên Bần đạo không từ chối đặng. Ôi ! Quốc Đạo là thế nào ? Quốc là nước, vậy nòi giống tín ngưỡng lập Quốc Đạo, Bần đạo theo tới cùng coi lập nó ra thế nào, hình tướng nào cho biết. Vì đó mà lần mò theo đuổi đến ngày nay, thấy hiện hữu cái hình trạng là Đạo Cao Đài, rồi lại đoán xét coi nó biến hình Quốc Đạo Việt Nam ra sao ?

Ngài cho một bài thi, dám chắc không ai thấu đáo nổi, người coi cái gốc thì không thấy ngọn, người coi cái ngọn thì không thấy gốc, tứ văn thiệt thà hay ho cho tới các đảng phái quốc sự ngày nay cũng lợi dụng.
Từ đây nòi giống chẳng chia ba.
Tức nhiên không chia 3 Đạo, chớ khá phải chia 3 Kỳ !
Thầy hiệp các con lại một nhà.

Thầy nắm chủ quyền hiệp Tam giáo, nếu nói riêng nòi giống hiệp Nam, Trung, Bắc thì vô vị lắm.

Nam, Bắc cùng rồi ra ngoại quốc.
Tức nhiên nền chơn giáo Quốc Đạo không phải của ta thôi, mà lại của toàn nhơn loại, truyền giáo Nam Bắc thành tướng rồi ra ngoại quốc, tức là tôn giáo toàn cầu.

Chủ quyền chơn đạo một mình Ta.
Tam giáo, Ngài vi chủ, nắm cả tín ngưỡng và tinh thần của loài người, chính Đức Chí Tôn là Chúa tể Càn khôn thế giới, làm chúa nền Chánh giáo tại nước Nam,  tức đủ quyền năng lập Quốc Đạo. . . . . .
Chí Tôn nói rằng : Quốc Đạo nầy, Ngài qui tụ tinh thần đạo đức trí thức toàn nhơn loại cho đặc biệt, có cao có thấp, có hàng ngũ có phẩm giá; còn về phần xác thịt của loài người, mạng sống trước mặt Ngài không ai hơn ai, cả thảy sống đồng sống, chết đồng chết, đặng đem Quốc Đạo làm môi giới cả đại đồng đặng tạo tương lai loài người cho có địa vị oai quyền cao thượng.”

Nếu hiểu đặng thì Thánh thể cũng vậy, Hội Thánh chư Chức sắc Thiên phong nam nữ hay toàn thể tín đồ cũng vậy, lãnh Thiên mạng đảm nhiệm trách vụ thiêng liêng Chí Tôn phú thác lập giáo, tức nhiên phải có phẩm giá, trật tự đẳng cấp. Nếu hiểu thêm ý của Ngài, khi cổi áo nầy ra khỏi đại điện rồi hết thảy đồng là anh em, không ai hơn ai, không ai thua ai, không khinh không trọng, đầy đủ tình yêu ái trong lòng Mẹ đem ra mà thôi. Nam nữ  cũng thế. Ngày giờ nào nhơn loại cả thế gian ở mặt địa cầu nầy hiểu được lý lẽ chí hướng cao thượng ấy là ngày Đạo Cao Đài sẽ ra thiệt tướng."

Nước Việt Nam trong buổi Hạ nguơn, được hồng ân của Đức Chí Tôn ban cho một nền Quốc Đạo Cao Đài. Người VN không nên ích kỷ, bo bo giữ lấy mối Đạo cao thượng của mình, mà phải truyền bá ra khắp năm châu để toàn cả nhơn loại đều được hưởng ân điển của Đấng Chí Tôn, Đại Từ Phụ của toàn nhơn loại, làm cho nền Quốc Đạo VN trở thành nền Đại Đạo của toàn nhơn loại.
"  Lo lường thấu đáo đạo huyền vi,
Ngàn tuổi chưa ai dám sánh bì.
Một nước nhỏ nhen trong vạn quốc,
Ngày sau làm chủ mới là kỳ ! "
(Đức Chí Tôn)

Nhờ nền Quốc Đạo Cao Đài mà dân tộc Việt Nam sẽ làm chủ tinh thần của nhơn loại, và nền phong hóa Việt Nam sẽ làm gương mẫu cho các dân tộc trên thế giới.
Home        1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ]  [ 19 ]  [ 20 ]  [ 21 ]  [ 22 ]  [ 23 ]  [ 24 ]