Giải Thích Lời Minh Thệ & Nhập Môn Cầu Đạo - 17/24 (TTTN)


THIÊN ĐẠO & NHƠN ĐẠO
I . Thiên đạo

Thiên là Trời, là Thượng Đế, Đức Chí Tôn. Đạo là tôn giáo. Thiên đạo dịch ra tiếng Việt là đạo Trời.
Chữ Thiên đạo, tùy theo trường hợp mà chúng ta hiểu nghĩa. Chúng ta có thể gặp 3 trường hợp sau đây :
1 . Thiên đạo là đạo do Đấng Thượng Đế lập ra và làm Giáo chủ.
Đạo Cao Đài là Thiên đạo vì do Đức Chí Tôn dùng cơ bút lập ra và Đức Chí Tôn làm Giáo chủ.
Cũng như Thích giáo, là đạo do Đức Phật Thích Ca lập ra và làm Giáo chủ.
2 . Thiên đạo là nói bao gồm các đạo tu hành để giải thoát linh hồn con người ra khỏi luân hồi, đưa linh hồn đến cảnh Cực Lạc Niết Bàn hay cõi TLHS.


Như vậy, Thiên đạo bao gồm Tiên đạo và Phật đạo.
Muốn đạt đến Tiên đạo và Phật đạo thì phải trải qua : Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo. Nhưng Nhơn đạo  là căn bản, bởi vì làm tròn được Nhơn đạo thì mới đạt được Thần vị hay Thánh vị tùy theo mức độ cao thấp.
TNHT : " Rằng ở đời thì Nhơn đạo trọn,
Trọn rồi, Thiên đạo mới hoàn toàn."

3 . Thiên đạo là đạo Trời, đứng trên Phật đạo.
Đó là nấc thang tiến hóa cuối cùng để chư Phật tu hành tiến hóa lên thành Thượng Đế và nhập vào khối Đại linh quang của Thượng Đế.

* * *
II . Nhơn đạo

Nhơn đạo là đạo làm người, đạo ở đời, nên nó cũng được gọi là Thế đạo.
Đó là những nguyên tắc và bổn phận mà con người phải tuân theo trong đời sống đối với gia đình và đối với quốc gia, xã hội. Nhờ Nhơn đạo, con người mới xứng đáng phẩm người, mới có giá trị là thượng đẳng chúng sanh.

Nếu nói chung cho cả nam và nữ thì Nhơn đạo gồm Bát đức, tức 8 điều : hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ.

Đó chính là Bát bửu trong cái túi Bát bửu nang mà Đức Phật Mẫu giao cho 100 ức nguyên nhân đem theo khi đầu thai xuống cõi trần, và căn dặn rằng : Nếu nguyên nhân nào làm mất một món báu thì không thể trở về với Đức Phật Mẫu đặng.

Nhưng đối với Nho giáo thì phân ra : Nhơn đạo của người nam khác Nhơn đạo của người nữ :
- Nam thì Tam Cang và Ngũ Thường.
- Nữ thì Tam Tùng và Tứ Đức.

Không có tôn giáo nào dạy về Nhơn đạo kỹ lưỡng và chi tiết bằng Nho giáo.
Người là Tiểu linh quang, Trời hay Thượng Đế là Đại linh quang; nên con người là một phần tử nhỏ của Thượng Đế. Thượng Đế cho con người đầu kiếp xuống cõi trần là để học hỏi và tiến hóa, học hỏi mãi mãi và tiến hóa mãi mãi, tới mức cùng tột thì trở thành Thượng Đế và hiệp nhứt vào Thượng Đế.

Muốn đạt được như thế, con người phải trải qua năm cấp tiến hóa :
       - Cấp tiến hóa thứ 1 là Nhơn đạo tiến lên Thần đạo,
       - Cấp tiến hóa thứ 2 là Thần đạo   -      -  Thánh đạo,
       - Cấp tiến hóa thứ 3 là Thánh đạo -      -  Tiên đạo,
       - Cấp tiến hóa thứ 4 là Tiên đạo    -      -  Phật đạo,
       - Cấp tiến hóa thứ 5 là Phật đạo    -      -  Thiên đạo.

Trong năm cấp tiến hóa đó, Nhơn đạo là căn bản. Không hoàn thành Nhơn đạo thì không mong chi bước lên các cấp tiến hóa cao hơn.

Thánh nhơn khi xưa có nói rằng : Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhơn đạo, Nhơn đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỹ. Nghĩa là : Muốn tu Tiên đạo, trước tu Nhơn đạo, Nhơn đạo không tu, Tiên đạo xa vời lắm vậy.

ĐĐTKPĐ mở ra kỳ nầy là Đức Chí Tôn dựng lên một cái thang 5 nấc để cho người tu từ từ tiến lên mà đoạt vị. Hễ công đức tu hành đạt đến mức nào thì Đức Chí Tôn chấm cho mức ấy với những phẩm vị cao trọng tương xứng.

TNHT : " Thầy dạy Nữ phái biết trọng Tam tùng Tứ đức, Nam phái Tam cang Ngũ thường. Hễ Nhơn đạo thành là phù hạp Thiên đạo, nghe à !  (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 104)

TNHT : "Buông trôi ví chẳng tròn Nhơn đạo,
Còn có mong chi đến  đạo Trời."

* * *
III. Thánh ngôn dạy về Thiên đạo - Nhơn đạo

Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ đêm 25 và 28 tháng giêng năm Nhâm Thìn (dl 20 và 23-2-1952) dạy về Nhơn đạo (tức Thế đạo) và Thiên đạo, trích trong Luật Tam Thể, chép ra như sau : (Xem TNST 3, Bài 107 -108)
“ Đêm nay, Bần đạo giải về Thế đạo là gì ?

Hẳn mấy em đã rõ đại cương về Thế đạo là :
- Nam thì Tam cang, Ngũ thường,
- Nữ  thì Tam tùng, Tứ đức.

Song đó chỉ là thể của Nhơn đạo hữu hình mà thôi.
Nếu mấy em hằng ngày tâm niệm có bấy nhiêu đó thôi thì làm sao trọn vẹn được.

Trong Thế đạo phải phân tách ra làm hai pháp lý :
- Một là Thể pháp Thế đạo,
- Hai là  Bí pháp  Thế đạo.
Tam cang Ngũ thường, Tam tùng Tứ đức là thể đặng làm sở hành cho mặt Thể pháp Thế đạo mà thôi, lấy đó làm chánh đề mà đi.

Bây giờ muốn giữ TAM CANG, NGŨ THƯỜNG thì phải làm thế nào ?
- Quân Thần cang : Vua là kẻ chăn dân. Vậy bổn phận ấy là phải lập trên những hành tàng để cứu giúp dân cho khỏi điều thống khổ. Ấy là công việc của Cơ Quan Phước Thiện bây giờ đó. Tôi thì phải tỏ dạ trung thành đặng vùa giúp vua mà làm cho bá tánh an cư lạc nghiệp, tức là bổn phận của hàng Thánh thể đó vậy.
- Phụ tử cang : Cha là người thay quyền Chí Tôn trong một tiểu gia đình, tức nhiên là phải biết mình có bổn phận giáo hóa, dưỡng dục, tức nhiên là một Hội Thánh nhỏ trong một gia đình. Vậy con phải trọn hiếu, tức nhiên không làm điều nhục tổ hổ tông, tức là bổn phận của một tín đồ, hay nói đúng hơn là một môn đệ xứng đáng của Đức Chí Tôn đó vậy.
- Phu phụ cang : Chồng là người cầm lèo giữ lái đặng đưa một tiểu gia đình đến chỗ đạo đức thanh bạch, tức nhiên là bổn phận của cơ quan Hành Chánh đó vậy. Vợ là người tùng theo chồng để giúp an sự nghiệp, tạo nên hạnh phúc gia đình, tức là bổn phận của Bảo Cô đó vậy.

Về NGŨ THƯỜNG thì :
- Nhơn : là phải biết nghĩa đồng sanh, biết tình  đồng hưởng ÂmDương chi khí, chẳng để lòng sái loạn chơn truyền, tức phải trọn vâng theo luật Công bình Bác ái.
- Nghĩa : là phải biết trọn phận người để tạo nên danh trọng giá cao, tức là phải giữ phẩm hạnh mà nhìn rõ của chung đồng hưởng.
- Lễ : là giữ hạnh nết đúng đắn để tạo nên một nhơn phẩm, biết nhường biết nhịn, tức nhiên là phải giữ  trọn hạnh đạo đó vậy.
- Trí : là phải thông hiểu việc thế mà đi, không để tên tuổi phải bị lời chê tiếng nhẻ, tức nhiên là phải trọn vâng Luật pháp Chơn truyền đó vậy.
- Tín : là phải đúng lời đúng hẹn, tức là phải danh chánh ngôn thuận, thuyết hành phải được giống in nhau, tức là phải trọn thệ đó vậy.

Đó là mặt Thể pháp Thế đạo.
Còn mặt Bí pháp Thế đạo là phương tầm ra định hướng để vẹn giữ Tam cang Ngũ thường, tức nhiên là trọn phần Nhơn đạo. Ấy là kết quả do Thể pháp mà nên.
Nói chung về Bí pháp Thế đạo, tức nhiên là phương giúp đời an nhàn đạo đức đó vậy.

Về Tam tùng Tứ đức là phận của Nữ phái :
- Tùng phụ : như người con phải trọn giữ tiết trinh, cũng như kẻ tín đồ phải giữ tròn danh đạo.
- Tùng phu : như bóng tùy hình, tức nhiên là phải ví mình như một trong Thánh thể, tùng Hội Thánh vậy.
- Tùng tử : là phải vì đám hậu sanh mà quên mình đặng tạo thành sự nghiệp tương lai cho chúng, tức nhiên là bổn phận của Chức sắc vậy.
- Công, Dung, Ngôn, Hạnh : tức là việc làm cho nhơn sanh thoát khổ, lời nói để đưa đường giáo hóa, hành vi cử chỉ đáng treo gương mặt thế, phải biết nâng cao giá trị của Thánh thể Chí Tôn, nết na đầm thấm, giữ trọn thương yêu, tức nhiên là làm nền móng cho Đại đồng thế giới.

Đó là Thể pháp.
Kẻ đã trọn về mặt Thể pháp, tức nhiên hiểu biết Bí pháp, vì Bí pháp không chi lạ hơn là phương pháp bí yếu để nâng cao giá trị cho Thế đạo. Nói rõ hơn nữa là phương làm cho đời trở nên tận thiện tận mỹ. Nói theo Nhơn sanh Triết lý thì Bí pháp là kế hoạch nâng cao đời sống trong Nhơn Nghĩa đó vậy."
 " Đêm nay, Bần đạo giải về Thiên đạo.
Trong Thiên đạo cũng có Thể pháp và Bí pháp của Thiên đạo.

Về Thể pháp của Thiên đạo, tức nhiên là những nơi để học hỏi, để un đúc tinh thần trong khuôn viên Chánh pháp.  Trong Thể pháp của Thiên đạo có ba thời kỳ :
- Thứ nhứt là thời kỳ khai thác
- Thứ nhì là thời kỳ luyện tập
- Thứ ba là thời kỳ thi hành.

Trong thời kỳ sau nầy mới thường gặp những cơ khảo đảo đặng thử thách tinh thần.

Về thời kỳ thứ nhứt, là những tạo tác, nơi qui hợp đức tin cho con cái Chí Tôn, tức là các Đền thờ đó vậy. Khi một môn đệ đã nhập môn tùng giáo thì phải do nơi các Đền thờ đặng tụ hiệp đức tin. Đó là bước đầu tiên của Thể pháp Thiên đạo. Do đó, sự cúng kiếng niệm kinh là điều trọng yếu vậy.

Qua thời kỳ thứ nhì, là đem đức tin đã trụ được đặng tập luyện tâm tánh và khởi lập công trừ quả, đặng tự giải khổ cho mình và giúp phương cứu khổ cho toàn nhơn loại. Ấy là phương luyện tánh  thành tâm niệm đó vậy.

Qua thời kỳ thứ ba, là thi thố những đức tin hầu lấy phương giải khổ mà đem gieo truyền hột giống thương yêu. Ấy là phương cứu khổ đó vậy.

Trong lúc nầy, tinh thần hay gặp những chướng ngại, hoặc làm cho nao núng tan rã đức tin, hoặc theo đường quỉ mị, chia phe phân phái mà gầy nên Tả đạo Bàng môn, như  đã xảy ra đó.

Trong ba thời kỳ : thứ nhứt là Lập Ngôn, thứ nhì   Lập Công, thứ ba Lập Đức. Đó là Thể pháp của Thiên đạo.

Khi đã trọn phần Thể pháp rồi, liền bước qua mặt Bí pháp, là phương tu tâm sửa tánh, hầu lập thành chơn khí thanh khiết mà hiệp với chơn thần, đặng tiếp chơn linh, để giải phương cứu khổ thêm bề siêu lý diệu chơn.

Ấy là phương tầm hiểu chơn truyền chánh pháp đó vậy. Khi đã vẹn sạch Tinh, Khí, Thần thì là đắc Pháp đó vậy.

Mấy em đã học về khoa Bí pháp khẩu tụng, vậy khá để tâm học hỏi cho được tâm truyền thì công phu của mấy em đã được phần thưởng vô giá đó.

Nói về Thiên đạo tức là luận về vũ trụ triết lý, tức là nói về Không gian. Còn Thế đạo là luận về nhơn sanh triết lý, tức là nói về Thời gian đó.
Mấy em khá hiểu cho lắm mới được. Phải để tâm suy nghiệm đó nghe !  "
Home        1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ]  [ 19 ]  [ 20 ]  [ 21 ]  [ 22 ]  [ 23 ]  [ 24 ]