Giải Thích Lời Minh Thệ & Nhập Môn Cầu Đạo - 2/24 (TTTN)


CÁCH LẠY
Ấn Tý - Cách bắt Ấn Tý.
1 . Ấn Tý là gì ?
Ấn là dấu hiệu đặc biệt về mặt đạo có tác dụng huyền bí do hai bàn tay kết lại tạo ra. Tý là chi đầu tiên trong Thập nhị Địa chi : Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, vv . . . .

Trên bàn tay trái, vị trí của Tý ở tại chân ngón áp út, Sửu ở chân ngón giữa và Dần ở chân ngón trỏ.

Ấn Tý là cái ấn mà ngón tay cái của bàn tay trái co lại chỉ vào chi Tý rồi nắm lại, bàn tay mặt ốp bên ngoài mà ngón cái chỉ vào chi Dần của bàn tay trái.

2 . Cách bắt Ấn Tý :


Ấn Tý là cái ấn đặc biệt của Đạo Cao Đài, cách bắt như sau : (Xem hình vẽ 1,2,3,4,5)
- Hình 1 : vị trí của ba Địa chi : Tý, Sửu, Dần trong thập nhị Địa chi nơi bàn tay trái.
- Hình 2 : ngón cái co lại đặt tại chi Tý, ý nghĩa là : Thiên khai ư Tý (Trời mở ra ở hội Tý).
- Hình 3 : nắm bốn ngón tay trái lại, bên trong có ngón cái làm như cái hột ở giữa.
- Hình 4 : bàn tay mặt ốp bên ngoài nắm tay trái ấy, ngón cái của bàn tay mặt đặt vào vị trí chi Dần của tay trái, ý nghĩa : Nhơn sanh ư Dần (Người sanh ra ở hội Dần).
- Hình 5: Khi lạy úp đôi bàn tay xuống và xoè ra, nhưng ngón tay Trái để dưới và ngói tay Phải gác lên trên. Ý nghĩa: Âm Dương hòa hợp, vạn vật đồng chuyển sinh tồn, trong vũ trụ tám phương, mười hướng cộng hưởng hòa bình tự do dân chủ Mục Quyền.
Hai tay bắt như vậy gọi là Ấn Tý.
Cách bắt Ấn Tý có ý nghĩa về sự tạo thành Trời Đất và Nhơn loại, theo quan niệm của người xưa ở đông phương : Thời gian tạo thành càn khôn vũ trụ và vạn vật được chia làm 12 khoảng, mỗi khoảng thời gian được gọi là Hội và đặt tên theo Thập nhị Địa chi : Hội Tý là Hội đầu tiên, kế đến Hội Sửu, sau đó là Hội Dần, vv. . . .

* Thiên khai ư Tý : Trời mở ra ở hội Tý.
* Địa tịch ư Sửu :  Đất mở ra ở hội Sửu (tịch là mở).
* Nhơn sanh ư Dần : Người sanh ra  ở hội Dần.
* Các hội tiếp theo là sự tiến hóa của trời, đất, người và vạn  vật đến chỗ hoàn hảo.
Ấn Tý là ấn đặc biệt của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà Đức Chí Tôn đặt ra. Cho nên trong thời ĐĐTKPĐ, mỗi khi lạy, chúng ta đều phải bắt Ấn Tý, trong tất cả các trường hợp, dù đó là lạy Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu, lạy các Đấng Thần Thánh Tiên Phật, hay lạy Cửu Huyền Thất Tổ, lạy Vong phàm.

II . Cách lạy và xá :

Lạy là gì ? Lạy là tỏ ra bề ngoài lễ kỉnh trong lòng.
Tay trái tượng trưng Dương, tay mặt tượng trưng Âm, hai tay chấp lại tượng trưng Âm Dương hiệp nhứt phát khởi càn khôn, hóa sanh vạn vật.

Hai tay chấp lại bắt theo Ấn Tý tạo hình như một trái cây, tượng trưng sự kết quả của hai thời kỳ Phổ Độ trước là : Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ.

- Thời Nhứt Kỳ Phổ Độ : Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy cách bắt tay : Bàn tay trái nắm lại, ngón cái để ngoài, bàn tay mặt ốp vào bên ngoài, hai ngón cái đặt song song sát nhau, giống như cái bông búp. Khi lạy thì đứng chấp tay nơi ngực, cúi người xuống thấp, hai bàn tay chống lên đất, hai đầu gối lần lượt quì xuống, cúi đầu gần sát đất. Xong rồi rút hai tay lên, kế chống một gối, đặt hai tay lên gối rồi đứng dậy. Lạy như vậy gọi là phủ phục.

- Thời Nhị Kỳ Phổ Độ : Đức Phật Thích Ca dạy cách bắt tay và lạy như sau : Hai bàn tay xòe ra và chấp lại cho hai lòng bàn tay ốp sát vào nhau, giống như cái hoa sắp nở, khi lạy thì cúi người xuống thấp, mở hai bàn tay ra đặt ngửa trên mặt đất, giống như cái hoa nở (gọi là hoa khai), cúi đầu xuống cho trán chạm vào lòng hai bàn tay, xong rút tay lên chấp lại như cũ và đứng dậy.

- Thời Tam Kỳ Phổ Độ : Đức Chí Tôn dạy chúng ta chấp hai tay bắt Ấn Tý, giống như trái cây có cái hột bên trong (gọi là kết quả), quì xuống, cúi đầu và mở hai bàn tay ra đặt úp lên mặt đất, hai ngón tay cái gác tréo nhau (Hình 5), giống như chúng ta gieo hột giống xuống đất, trán cúi xuống chạm nhẹ lên mô bàn tay, rồi cất người lên.

Tóm lại, Ấn Tý của Đạo Cao Đài có hai ý nghĩa :
* Một là biểu thị ba thời kỳ đầu tiên tạo dựng CKVT (gồm Trời, Đất, Người) của Đức Chí Tôn Thượng Đế.
* Hai là tượng trưng sự kết quả của hai thời kỳ Phổ Độ trước (Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ).

Cách xá : 
Khi đứng xá, hai tay bắt Ấn Tý, đưa lên trán, ý nghĩa là kỉnh Thiên (Trời), xá sâu xuống, ý nghĩa là kỉnh Địa (Đất), rồi rút Ấn Tý lên đặt nơi ngực, ý nghĩa là kỉnh Nhơn (Người). Xá như vậy nhắc chúng ta kính Tam Tài : Thiên, Địa, Nhơn.

Chỉ xá trước khi lạy và sau khi lạy xong, phải xá sâu xuống. Lưu ý là giữa hai lạy, không có xá nhỏ xen vào.

1. - Cách lạy Đức Chí Tôn :
- Đứng thẳng người, mặt hướng vào Thiên bàn, tay bắt Ấn Tý, xá sâu 3 xá, quì xuống (chân trái bước tới, chân phải quì xuống, chân trái quì theo), đặt ấn Tý trước ngực.

- Lấy dấu Phật Pháp Tăng :
* Đưa ấn Tý lên giữa trán niệm : Nam mô Phật.
* Đưa qua màng tang trái, niệm : Nam mô Pháp.
* Đưa qua màng tang mặt, niệm : Nam mô Tăng.

(Khi đưa ấn Tý qua Pháp hay qua Tăng, nhớ giữ cái đầu luôn luôn thẳng đứng, đừng nghiêng đầu qua nghiêng đầu lại)

- Đưa ấn Tý xuống đặt giữa ngực, cúi đầu và niệm :
. Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
. Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.
. Nam mô Lý Đại Tiên Trưởng kiêm Giáo Tông ĐĐTKPĐ
. Nam mô Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân.
. Nam mô chư Phật chư Tiên chư Thánh chư Thần.


- Đưa ấn Tý lên giữa trán cầu nguyện Đức Chí Tôn.
- Lạy xuống lần thứ nhứt, nhớ hai bàn tay mở ra úp xuống, hai ngón cái gác tréo nhau (Hình 5), đầu gật xuống :

* gật thứ 1 niệm :
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
- gật thứ 2 : cũng niệm y như vậy.
- gật thứ 3 : cũng niệm y như vậy.
- gật thứ 4 : cũng niệm y như vậy.
Xong rồi cất mình lên, vẫn quì.

- Lạy xuống lần thứ nhì, lần lượt gật 4 gật, mỗi gật cũng niệm câu Chú của Thầy y như vậy.
- Lạy xuống lần thứ ba, làm y như lần lạy thứ nhì.

Như vậy, có 3 lần lạy (tức là lạy 3 lạy), mỗi lạy gật đầu 4 gật, mỗi gật niệm “Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát”. Câu niệm đó gọi là câu Chú của Thầy. Tổng cộng lạy 3 lạy, 12 gật, 12 lần niệm.

Lạy xong, đứng dậy, xá sâu xuống 3 xá.
Nếu nơi Thánh Thất thì có bàn thờ Đức Hộ Pháp, phải quay lại, xá chữ KHÍ 1 xá.
Nếu không phải nơi Thánh Thất, không có bàn thờ Đức Hộ Pháp và chữ KHÍ thì khỏi quay lại xá. Xong lui ra.

Thật ra, phải lạy Đức Chí Tôn 12 lạy, nhưng Đức Chí Tôn ân xá, chỉ cho lạy 3 lạy và 12 gật, mỗi gật thay thế một lạy.  Số 12 là số riêng đặc biệt của Đức Chí Tôn.

Lưu ý : Nhận thấy có một vài vị, khi lạy xong, cất mình lên, rút tay bắt ấn Tý đặt lên ngực, lại xá nhỏ xuống một cái. Cái xá nhỏ nầy thừa.

2 - Cách lạy Đức Phật Mẫu :
Khi đến Điện Thờ Phật Mẫu, chúng ta vào chánh điện, đứng thẳng người hướng vào bàn thờ Đức Phật Mẫu, tay bắt ấn Tý, xá sâu 3 xá vừa cúi đầu, rồi quì xuống.

Đưa ấn Tý lên trán, xá sâu xuống một xá, vừa xá  vừa niệm : Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.

Rút ấn Tý đặt trở lên ngực, rồi đưa lên trán, xá sâu xuống lần thứ nhì, vừa xá vừa niệm :
Nam mô Cửu vị Tiên Nương.
Xá sâu xuống lần thứ ba, vừa xá vừa niệm :
Nam mô Bạch Vân Động chư Thánh.

. Đưa ấn Tý lên trán cầu nguyện với Đức Phật Mẫu. . Lạy xuống 3 lạy, mỗi lạy 3 gật, mỗi gật niệm :
Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.
Như vậy, lạy 3 lạy, 9 gật, 9 lần niệm danh hiệu của Đức Phật Mẫu.

Lạy xong đứng dậy, xá 3 xá, day ngược ra sau, xá cái phông màu trắng 1 xá. Cái phông ấy tượng trưng Khí Sanh quang mà Đức Phật Mẫu dùng để nuôi sống chúng ta. Xá xong lui ra.

3 - Cách lạy Tiên, Phật :
Trước khi lạy, vào đứng, bắt ấn Tý, xá 3 xá, rồi quì xuống, nếu có cầu nguyện chi thì đưa ấn Tý lên trán cầu nguyện, xong lạy xuống 3 lạy, mỗi lạy gật 3 gật, mỗi gật niệm danh hiệu của Đấng ấy.
Thí dụ : Lạy Đức Phật Thích Ca thì niệm : Nam mô Tây Phương Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn.
Lạy Cửu vị Tiên Nương thì niệm : Nam mô Cửu vị Tiên Nương.

4 - Cách lạy Thần, Thánh :
Trước khi lạy, vào đứng, bắt ấn Tý, xá 3 xá, rồi quì xuống, nếu có cầu nguyện chi thì đưa ấn Tý lên trán cầu nguyện, xong lạy xuống 3 lạy trơn (không gật), mỗi lạy  niệm danh hiệu của Đấng ấy.
Thí dụ : Lạy Bạch Vân Động chư Thánh thì mỗi lạy  niệm : Nam mô Bạch Vân Động chư Thánh.
Lạy Thần Hoàng Bổn Cảnh thì mỗi lạy niệm : Nam mô Thần Hoàng Bổn Cảnh.

5 - Cách lạy Cửu Huyền Thất Tổ :
Giống y như lạy Thần, Thánh, nghĩa là 3 lạy trơn, mỗi lạy niệm : Nam mô Cửu Huyền Thất Tổ.

6 - Cách lạy Vong phàm :
Vong phàm là vong linh của người phàm tục.
Người phàm tục là người chưa giác ngộ lẽ đạo, chưa có tín ngưỡng Trời Phật hay tôn giáo, chưa tin tưởng con người có một linh hồn bất diệt.

Trong PCT Chú Giải, phần Quyền hành của Chánh Phối Sư, người phàm tục được định nghĩa như sau :
PCT : “ Kẻ ngoại giáo, Tả đạo Bàng môn, người vô đạo, riêng nắm quyền hành thế tục, nghịch cùng chơn lý chánh truyền, mượn thế lực phàm tục mà diệt lành dưỡng dữ, mê hoặc nhơn sanh, lưu luyến trần thế, trên không biết Trời, dưới không kỉnh Đất, lấy người làm lợi khí đặng vụ tất công danh, quyền quyền thế thế, chẳng kiêng nể luân hồi, ham vật chất hơn tinh thần, lấy vinh hoa của kiếp sanh làm sở nguyện, như thú vật, cây cỏ, sắt đá, chỉ biết sống mà không biết sống làm gì, còn không hay, mà mất cũng không biết. Ấy là hạng phàm, gọi là đời đó vậy. “

Lạy Vong phàm gồm 4 lạy : 2 lạy quì và 2 lạy đứng, thực hành như sau :
Trước khi lạy, vào đứng, hai tay bắt ấn Tý, xá 3 xá.
Quì xuống, nếu có cầu nguyện chi thì đưa ấn Tý lên trán cầu nguyện, xong lạy xuống 2 lạy trơn (không gật).

Hai lạy quì  ý nghĩa là 1 lạy kính Thiên và 1 lạy kính Địa.
Xong rồi đứng lên, tay vẫn bắt ấn Tý, cúi mình lạy xuống theo lối phủ phục, chống đầu gối đứng dậy, rồi lạy xuống như vậy một lần nữa. Đó là 2 lạy đứng dành cho phần người, ý nghĩa là 1 lạy Âm và 1 lạy Dương. Xong thì xá 1 xá rồi  lui ra.

7 - Cách lạy Chức sắc, Chức việc, Đạo hữu đã qui liễu :
Cách lạy tùy theo phẩm tước của vị Chức sắc ấy đối phẩm với hàng nào trong Cửu phẩm Thần Tiên.
a) Chức sắc đối phẩm Phật vị và Tiên vị : gồm  Đức Giáo Tông, Đức Chưởng Pháp, Nam Đầu Sư, Nữ Đầu Sư, Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh, Thập nhị Thời Quân.

Lạy theo cách lạy Tiên, Phật, nghĩa là 3 lạy 9 gật, mỗi gật niệm danh của Chức sắc ấy.
Thí dụ : Lạy Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung thì niệm : Nam mô Đức Quyền Giáo Tông.
(Ở đây không dùng Thánh danh Thượng Trung Nhựt vì Thánh danh nầy là của phẩm Đầu Sư).

Lạy Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu thì niệm : Nam mô Nữ Đầu Sư Hương Hiếu.
Lạy Đức Phạm Hộ Pháp thì niệm : Nam mô Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn.
Lạy Đức Cao Thượng Phẩm thì niệm : Nam mô Đức Cao Thượng Phẩm.
Lạy Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa thì niệm : Nam mô Trần Khai Pháp Chơn Quân. . . . . vv . . .
b) Chức sắc đối phẩm Thánh vị :
Đối phẩm hàng Thánh vị gồm các phẩm Chức sắc :
- Bên Cửu Trùng Đài, từ Chánh Phối Sư đổ xuống tới hàng Giáo Hữu,
- Bên Hiệp Thiên Đài, từ phẩm Tiếp Dẫn Đạo Nhơn đổ xuống tới Truyền Trạng,
- Bên Cơ Quan Phước Thiện thì từ phẩm Thánh Nhơn đổ xuống tới phẩm Chí Thiện,
- Và các phẩm Chức sắc tương đương trong các cơ quan khác của Đạo như : Bộ Nhạc, Ban Kiến Trúc, Ban Nhà Thuyền, Ban Thế Đạo, vv . . .  (Xem Bảng Đối phẩm nơi cuối Chương Phước Thiện)

Cách lạy giống y như lạy Thánh, nghĩa là 3 lạy trơn, mỗi lạy niệm phẩm tước và Thánh danh của vị ấy, nếu không có Thánh danh thì niệm Thế danh.

c) Lễ Sanh, Chức việc Bàn Trị Sự và Đạo hữu :
- Lễ Sanh và các phẩm Chức sắc tương đương được đối phẩm Thiên Thần, nên khi qui liễu, được lạy theo hàng Thần vị, nghĩa là 3 lạy trơn.

- Chức việc BTS gồm : Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự làm tròn nhiệm vụ thì được đối phẩm Nhơn Thần; Đạo hữu giữ tròn bổn phận và ăn đủ 10 ngày chay mỗi tháng được đối phẩm Địa Thần; các phẩm nầy và các phẩm tương đương khi qui liễu thì được lạy theo hàng Thần vị : 3 lạy trơn.

Điều nầy rất hợp lý, vì theo PCT : Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự đối phẩm Nhơn Thần; Đạo hữu đối phẩm Địa Thần, nên các phẩm nầy đều thuộc Thần vị.

Nếu cho rằng các phẩm nầy khi qui liễu là Vong phàm thì trái với PCT, hơn nữa 3 phẩm Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự là Hội Thánh Em (Đầu Sư Em, Giáo Tông Em, Hộ Pháp Em), thay mặt Hội Thánh Anh, cầm quyền hành đạo nơi hương đạo thì không thể xem là Vong phàm được.

PCT : (Đoạn nầy trích trong Quyền hành Chánh Phối Sư)
“ Trong Cửu Trùng Đài có Đầu Sư thì đối với phẩm Địa Tiên; Chưởng Pháp thì đối với phẩm Nhơn Tiên; Giáo Tông thì đối với phẩm Thiên Tiên; Tam Trấn Oai Nghiêm thay quyền Phật vị tại thế nầy. Ấy vậy, các Đấng ấy đối phẩm cùng các Đấng Trọn lành của Bát Quái Đài.

Giáo Tông giao quyền cho Đầu Sư, Đầu Sư lại phân quyền cho Chánh Phối Sư (Hay !) lập Đạo đặng độ rỗi nhơn sanh; cũng như Hộ Pháp giao quyền cho Thượng Sanh và Thượng Phẩm.
Còn Chánh Phối Sư và Phối Sư đối phẩm Thiên Thánh;  Giáo Sư đối phẩm Nhơn Thánh; Giáo Hữu đối phẩm Địa Thánh; Lễ Sanh đối phẩm Thiên Thần; Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự đối phẩm Nhơn Thần, chư Tín đồ đối phẩm Địa Thần. (Hay !)
Ấy vậy, các vị  ấy đối phẩm vào hàng Thánh của Bát Quái Đài là cầm quyền lập Đạo.”

d) Chức sắc và Đạo hữu thất thệ, làm đám tang theo cách Bạt tiến :
Trong trường hợp nầy, dầu ở phẩm cấp nào, chúng ta  cũng lạy theo hàng Vong phàm, nghĩa là 2 lạy quì và 2 lạy đứng.

8 -  Lạy người sống :
Khi con cháu lạy cha mẹ hoặc ông bà còn sống, hay trò lạy thầy còn sống, thì đứng hướng vào vị đó, chấp hai tay ấn Tý, xá 1 xá, rồi lạy 2 lạy đứng theo lối phủ phục, lạy xong xá 1 xá.

Chúng ta nhớ, trong tất cả cách lạy thời ĐĐTKPĐ, hai tay phải bắt ấn Tý, vì ấn Tý là ấn của ĐĐTKPĐ.

III . Giải thích các từ ngữ đã dùng :

Tại sao có 3 thời kỳ phổ độ ?
Bởi vì từ khi xuất hiện loài người trên mặt địa cầu nầy, Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu cho 100 ức nguyên nhân giáng trần để khai hóa nhơn loại. (1 ức = 100 000)

Số nguyên nhân ấy khi sống nơi cõi trần, ăn thực phẩm của cõi trần nên bị qui phàm, không thể trở về được với Chí Tôn và Phật Mẫu. Đức Chí Tôn thương xót, mở ra Nhứt Kỳ Phổ Độ để cứu độ các nguyên nhân nầy.

* Các tôn giáo lớn thuộc Nhứt Kỳ Phổ Độ mở ra vào thời thái cổ gồm :
- Nhiên Đăng Cổ Phật mở Phật giáo ở Ấn Độ.
- Brahma Phật mở đạo Bà La Môn ở Ấn Độ.
- Thái Thượng Đạo Tổ mở Tiên giáo ở Trung hoa.
- Vua Phục Hy khởi đầu Nho giáo ở Trung hoa.
- Thánh Moïse mở Do Thái giáo ở nước Do Thái.

Các tôn giáo nầy chỉ cứu độ được 6 ức nguyên nhân, nên vẫn còn 94 ức nguyên nhân bị đọa trần.

Đức Chí Tôn lại thương xót, nên mở ra Nhị Kỳ Phổ Độ để tiếp tục cứu độ các nguyên nhân còn lại.
* Các tôn giáo lớn thuộc Nhị Kỳ Phổ Độ mở ra vào thời thượng cổ, gồm :
- Phật Thích Ca mở Phật giáo ở Ấn Độ.
- Lão Tử mở Tiên giáo ở Trung hoa.
- Khổng Tử chấn hưng Nho giáo ở Trung hoa.
- Chúa Jésus mở Thiên Chúa giáo ở Do Thái.
Các tôn giáo kỳ nầy cứu độ được 2 ức nguyên nhân.
Như vậy, số nguyên nhân còn bị đọa trần là 92 ức.

* Đức Chí Tôn mở lòng đại từ đại bi lần chót, khai Tam Kỳ Phổ Độ tại nước Việt Nam, gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài, kéo dài 700 ngàn năm, để tận độ  92 ức nguyên nhân còn bị đọa trần.

Đây là lần cứu độ chót, nếu các nguyên nhân không giác ngộ tu hành, không trở về được cõi TLHS thì không còn kêu ca hay trách móc vào đâu được nữa.
Home        1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ]  [ 19 ]  [ 20 ]  [ 21 ]  [ 22 ]  [ 23 ]  [ 24 ]