VŨ
TRỤ QUAN
Vũ trụ hay Võ trụ có nghĩa bao gồm cả không
gian và thời gian. Thường nói : Càn khôn vũ trụ (CKVT) nghĩa là khắp Trời
Đất, khắp không gian và thời gian suốt từ xưa đến nay.
Mỗi vũ trụ gồm nhiều thế
giới, mỗi thế giới là một địa cầu. Địa cầu của nhơn loại chúng ta đang ở chỉ là
một phần rất bé nhỏ trong toàn cả CKVT bao la của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng
Đế.
Vũ trụ quan là một hệ
thống tư tưởng trình bày về sự hình thành của vũ trụ, và những biến đổi của nó.
Vũ trụ quan của Đạo Cao
Đài giải đáp một cách minh bạch các vấn đề về vũ trụ sau đây :
- Sự hình thành của vũ trụ
hiện hữu như thế nào ?
- Vũ trụ hiện hữu có giới
hạn không ? Gồm có bao nhiêu ngôi sao ?
- Vũ trụ có vô thỉ vô
chung không ?
- Những khám phá của khoa
học ngày nay có phù hạp với Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài không ?
- Địa vị của Địa cầu nhơn
loại chúng ta trong CKVT.
Đó là những vấn đề then
chốt về Vũ trụ mà Triết lý Cao Đài sẽ đề cập đến với nhiều mới lạ chưa từng
thấy.
Theo Vũ trụ quan của Đạo
Cao Đài thì Vũ trụ hiện hữu của chúng ta có hai phần :
- Phần Hữu hình thấy được.
- Phần Vô hình không thấy
được.
Phần HỮU HÌNH của VŨ TRỤ
1. Sự hình thành Vũ trụ
Sự hình hành Vũ trụ được
Đức Chí Tôn giảng dạy, tóm gọn trong hai đoạn Thánh Ngôn sau đây :
“ Thầy đã nói với các con rằng : Khi chưa có chi trong
Càn khôn Thế giới thì Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái
Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng
biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng, mới lập ra Càn khôn Thế giới. Thầy
lại phân Tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là : Vật chất, Thảo mộc, Côn trùng, Thú
cầm, gọi là chúng sanh.” (TNHT hợp nhứt, B 140)
“ Nếu không có Thầy thì không có chi trong Càn khôn
Thế giới nầy, mà nếu không có Hư Vô chi Khí thì không có Thầy.” (TNHT 1-2 hợp
nhứt, B 22)
Khởi thủy của CKVT là
khoảng không gian mịt mịt mờ mờ với khí Hông Mông hỗn độn, gọi là thời kỳ Hỗn
Nguyên. Không gian ấy là Vô Cực và khí Hồng Mông ấy là Hư Vô chi khí hay khí Hư
Vô.
Trong Vô Cực ấy có một cái
Lý thiên nhiên vô cùng huyền diệu, rồi lại có thêm một cái Khí tự nhiên nữa. Lý
với Khí ấy như là âm với dương trong buổi Hồng Mông.
Lý Khí ấy lần lần ngưng
kết với nhau mà đông tụ lâu đời nhiều kiếp, thành ra một khối tinh quang rất
đầy đủ các sự tốt đẹp. Chừng đúng ngày giờ, khối ấy nổ tung ra một tiếng vang
lừng dữ dội, rúng động cả không gian, liền có một khối Đại Linh Quang từ trong
tiếng nổ ấy sanh ra lăn lộn quây quần giữa chốn không trung, bắn tủa hào quang
chiếu diệu rạng ngời, trùng trùng điệp điệp, rực rỡ chói lòa khắp cả mọi nơi.
Khối Đại Linh Quang ấy
chính là Chúa Tể của CKVT đã được biến hóa ra và ngôi của Ngài là Thái Cực.
Vũ trụ từ đây mới bắt đầu
có Thái Cực, trọn lành trọn tốt, toàn tri toàn năng, thiên biến vạn hóa, vô tận
vô cùng, nắm trọn quyền hành thống chưởng cả CKVT, lấy cơ thể âm dương mà phân
thanh lóng trược, làm máy động tịnh để gom tụ khí Hư Vô, hóa sanh muôn loài vạn
vật. Máy âm dương ấy cứ vần vần xoay chuyển, không ngưng nghỉ, để dưỡng dục
chúng sanh, bảo tồn Thiên Địa.
Khắp trong Vũ trụ, có biết
bao là quả tinh cầu, có quả trược, có quả thanh, có bực cao bực thấp, cái sáng
cái tối, thảy đều tuân theo máy Thiên Cơ mà chuyển xoay trật tự : cái lại cái
qua, cái lên cái xuống, không bao giờ ngưng nghỉ đặng. Tinh cầu nào cao thanh
khinh phù thì vượt qua mấy cõi khác mà lên ngất trên thượng từng không khí.
Địa Cầu của nhơn loại là
Địa Cầu vật chất hữu hình
trọng trược, nhưng cũng
còn thuộc bực khá, vì bên dưới còn có nhiều Địa Cầu trọng trược hơn nữa. Những
Địa Cầu nầy nặng chìm xuống đáy sâu của Vũ trụ, nên rất tối tăm mờ mịt, âm khí
nặng nề, thảm sầu buồn bã gớm ghê !
1 - Hư
Vô chi Khí :
Thời nguyên thủy, cả không
gian có một chất khí Hồng Mông hỗn độn, mờ mờ mịt mịt, hiện hữu mà không biết
được nguồn gốc có từ hồi nào và do đâu. Khí ấy được gọi là Hư Vô chi Khí tức
là Khí Hư Vô.
Khí Hư Vô ấy còn được gọi
bằng nhiều danh từ khác nữa : Khí Hồng Mông, Khí Vô Vi, Khí Tiên Thiên, Khí Hạo
Nhiên.
Phật giáo gọi Khí Hư Vô là
Chơn Như.
Lão giáo gọi khí ấy là
Đạo.
Nho giáo gọi khí ấy là Vô
Cực.
2 - Thái
Cực :
Khí Hư Vô lần lần ngưng kết, đông tụ lại với nhau lâu
đời nhiều kiếp, chừng đúng ngày giờ thì nổ ra một tiếng lớn rúng động cả không
gian, sanh ra một khối Đại Linh Quang phát ra hào quang chiếu diệu.
Khối Đại Linh Quang ấy là
Đại Hồn của Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, trọn lành trọn tốt, toàn tri toàn năng,
tuyệt diệu tuyệt huyền, biến hóa vô cùng, nắm trọn quyền hành tạo hóa. Khối Đại
Linh quang ấy cũng được gọi là Thái Cực. Vũ trụ từ đây mới bắt đầu có ngôi Thái
Cực, tuyệt đối, duy nhất.
3 - Lưỡng
Nghi - Tứ Tượng - Bát Quái :
Ngôi Thái Cực lấy cơ thể
của mình mà phân định ra Lưỡng Nghi : Nghi Âm và Nghi Dương. Hai Nghi ấy chính
là Khí Dương quang và Khí Âm quang, là hai khối năng lượng vĩ đại vô cùng vô
tận mang hai tánh chất đối nghịch nhau, nhưng lại có ái lực với nhau.
Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế
chưởng quản khí Dương quang, còn khí Âm quang chưa có ai chưởng quản, vì lúc
bấy giờ chỉ có duy nhứt một Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế được hóa sanh ra trước
tiên mà thôi.
Ngài liền hóa thân ra Đức
Phật Mẫu và giao cho Đức Phật Mẫu chưởng quản khí Âm quang.
Vũ trụ từ đây bắt đầu có
hai khí : Dương quang và Âm quang do hai Đấng đầu tiên chưởng quản là Đức
Thượng Đế và Đức Phật Mẫu. (Đức Phật Mẫu chỉ là một hóa thân của Đức Thượng
Đế).
Trong công cuộc sáng tạo
ra CKVT, Đấng Thượng Đế làm tới đâu và cần người chưởng quản thì Ngài dùng
quyền pháp vô biên của Ngài mà hóa thân ra người ấy để làm nhiệm vụ do Ngài sắp
đặt.
Hai khí Dương quang và Âm
quang xoay chuyển không ngừng, đun đẩy cho rộng lớn thêm ra mãi để tạo thành Tứ
Tượng. Tứ Tượng là bốn tượng : Thái Dương, Thái Âm, Thiếu Dương, Thiếu Âm.
Tứ Tượng tiếp tục xoay
chuyển, càng rộng ra thì tốc độ xoay chuyển càng lớn, tạo thành Bát Quái gồm :
Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.
Bát Quái tiếp tục xoay
chuyển, càng rộng thêm ra, tốc độ quay càng lúc càng lớn, để rồi đun đẩy va
chạm nhau, phát sanh nhiệt độ rất lớn, hàng triệu độ, tạo nên một áp lực bên
trong vô cùng to lớn, càng lúc càng tăng, rồi phát ra tiếng nổ dữ dội, bắn phá
ra chung quanh các quả cầu lửa to lớn bay khắp không gian, quay cuồng dữ dội,
tạo ra các Mặt Trời.
4 - Mặt Trời - Địa Cầu - Mặt Trăng :
Các quả cầu lửa là các Mặt
Trời tiếp tục cháy sáng và quay tròn dữ dội, rồi tiếp tục bắn phá ra chung
quanh các quả cầu lửa nhỏ hơn, quay quanh Mặt Trời, để rồi nguội dần, tạo thành
các Địa cầu. Các Địa cầu nầy là những Hành tinh của Mặt Trời.
Có những Địa cầu lớn, lúc
chưa nguội, lại quay nhanh, văng ra các quả cầu nhỏ hơn nữa, rất mau nguội, tạo
thành các Vệ tinh hay còn gọi là Mặt Trăng, quay chung quanh Địa cầu.
Tóm lại :
- Các Mặt Trăng quay quanh Địa cầu, tức là Vệ
tinh quay quanh Hành tinh.
- Hệ thống Địa cầu và Mặt Trăng (Hành tinh và
Vệ tinh) cùng quay chung quanh Mặt Trời.
- Hệ thống gồm Mặt Trời, các Địa cầu, các Mặt
trăng được gọi là Thái Dương Hệ. Các Thái Dương Hệ đều quay quanh một Tâm điểm,
gọi là Tâm của Vũ trụ.
Theo Khoa Học Thiên Văn,
Thái Dương Hệ của chúng ta gồm có 9 Hành tinh quay chung quanh Mặt Trời. (Khi
Hành tinh quay thì nó vẫn mang theo các Vệ tinh quay theo).
Sau đây là thứ tự và
khoảng cách của Hành tinh với Mặt Trời từ gần đến xa :
(Khoảng cách từ Mặt Trời
đến Địa cầu của chúng ta là 150 triệu kilômét, được dùng làm đơn vị Thiên văn,
viết tắt đvtv, để đo khoảng cách từ các Hành tinh khác đến Mặt Trời : 1 đvtv =
150 triệu km)
Theo tài liệu trong quyển " Tìm hiểu Hệ Mặt Trời " ,
chúng ta có bảng sau đây :
* * *
2 . Vũ trụ của Đức Thượng Đế
Trong khoảng
không gian bao la vô cùng tận, có rất nhiều vũ trụ được hình thành, mà Vũ trụ
của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế chỉ là một phần tử.
Vũ trụ nầy được tượng
trưng bằng Trái Càn Khôn thờ nơi BQĐ của TTTN, mà Đức Thượng Đế dạy Ngài Giáo
Sư Thái Bính Thanh làm, trong bài Thánh Ngôn sau đây :
“ Bính ! Thầy giao cho con
lo một Trái Càn Khôn, con hiểu nghĩa gì không ? Cười . . . Một trái như Trái
Đất tròn quay, hiểu không ? Bề kính
tâm 3 thước 3 tấc, nghe con, lớn quá, mà phải vậy mới đặng, vì là cơ mầu
nhiệm Tạo Hóa trong ấy, sơn màu xanh da trời, cung Bắc Đẩu và Tinh tú vẽ lên
Càn khôn ấy.
Thầy kể Tam thập lục
Thiên, Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí, tức là không phải Tinh tú,
còn lại Thất thập nhị Địa và Tam thiên Thế giới đều là Tinh tú. Tính lại 3072
ngôi sao. Con phải biểu vẽ lên đó cho đủ.
Con giở sách Thiên văn tây
ra coi mà bắt chước. Tại ngôi Bắc Đẩu, con phải vẽ hai cái bánh lái cho đủ và
sao Bắc Đẩu cho rõ ràng. Trên vì sao Bắc
Đẩu, vẽ Con Mắt Thầy, hiểu chăng ?
Đáng lẽ trái ấy phải bằng
chai, đút trong một ngọn đèn cho nó thường sáng. Ấy là lời cầu nguyện rất quí
báu cho cả nhơn loại Càn khôn Thế giới đó, nhưng mà làm chẳng kịp thì con tùy
tiện làm thế nào cho kịp Đại Hội, nghe à !”
(TNHT 1-2 hợp nhứt, B 33)
Theo bài Thánh Ngôn trên
đây, Vũ trụ của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế gồm có hai phần : phần Vô hình và phần
Hữu hình.
- Phần Vô hình gồm : Tam thập lục Thiên (36
từng Trời) và Tứ Đại Bộ Châu (4 Bộ Châu lớn) ở không không trên thượng từng
không khí. (Xem chi tiết nơi phần sau)
- Phần Hữu hình gồm : Thất thập nhị Địa (72 Địa cầu) và Tam thiên Thế
giới (3000 Thế giới), tổng cộng là 3072 ngôi sao. (Bởi vì khi chúng ta nhìn lên
bầu trời thấy các Hành tinh, Vệ tinh và các thế giới đều là những ngôi sao)
Địa cầu mà nhơn loại chúng
ta đang ở là Địa cầu số 68 trong Thất thập nhị Địa.
Mặt khác, các nhà Thiên
văn trên thế giới đã dùng các kính Viễn vọng, kính Thiên văn quang phổ, . . .
đã tìm thấy hàng triệu ngôi sao ở trong nhiều dãy Thiên hà.
Vậy, Vũ trụ của Đức Ngọc
Hoàng Thượng Đế có 3072 ngôi sao thì chỉ là một phần tử trong khoảng không gian
bao la vô tận mà khoa Thiên văn đã khám phá được.
Như thế thì bên ngoài Vũ
trụ của chúng ta còn có biết bao Vũ trụ khác, có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn so
với vũ trụ của chúng ta.
* * *
3 . Vũ
trụ có Vô thỉ Vô chung không ?
Vô thỉ hay Vô thủy là
không có chỗ bắt đầu, tức là không có nguồn gốc. Vô chung là không có chỗ tận
cùng.
Vũ trụ là một thực thể nên
cũng phải nằm trong Định luật : thành, trụ, hoại, không, giống y như các thực thể
khác. Hễ có sanh thành ắt phải có lúc hoại diệt trở về không, để rồi sau đó
được tái tạo trở lại, rồi sau một thời gian thì bị hủy diệt, và cứ thế tiếp
diễn mãi trên con đường tiến hóa vô cùng tận. Nhưng trong khoảng thời gian từ
lúc sanh thành cho đến lúc bị hoại diệt, lâu hay mau là tùy theo thực thể.
Đối với một Vũ trụ thì
khoảng thời gian ấy rất dài, có thể đến hằng tỷ năm, khó có thể tưởng tượng
nổi, nên có nhiều người cho rằng Vũ trụ
nầy là Vô thỉ Vô chung.
Thật ra, như trong phần
trình bày trên, Vũ trụ có khởi đầu, và mức khởi đầu đó là Đấng Ngọc Hoàng
Thượng Đế, tức là Thái Cực, bởi vì chính Đấng Thượng Đế ấy đã tạo hóa ra CKVT
và vạn vật hiện hữu.
Lại hỏi : Ai sanh ra Đấng
Ngọc Hoàng Thượng Đế ?
Đáp : Khí Hư Vô sanh ra
Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Đến đây, sự tìm hiểu của
chúng ta phải dừng lại, vì nếu tiếp tục hỏi nữa thì không có cách nào giải đáp
được.
Chúng ta, cả Vũ trụ của
chúng ta đang đi trên con đường tiến hóa, tiến hóa mãi cho đến vô tận vô biên,
chớ không phải chúng ta đi trên con
đường tròn, không có điểm đầu tiên và không có điểm cuối cùng, vì khi đi trên
vòng tròn thì không phải là tiến hóa, mà chỉ là sự biến hóa tuần hoàn theo một
chu kỳ nhứt định.
Khác nhau ở chỗ Tiến hóa chớ không
phải Biến hóa.
SỰ HỦY DIỆT VŨ TRỤ :
Trong Vũ trụ, ánh sáng
phát ra từ các Mặt Trời do các phản ứng nhiệt hạch của vật chất trong Mặt Trời
bức xạ ra ngoài. Ánh sáng nầy sưởi ấm các Hành tinh, được các Hành tinh, các Vệ
tinh chung quanh và vạn vật hấp thụ, tạo ra các phản ứng sinh hóa duy trì sự sống.
Sự phát xạ ánh sáng liên
tục của Mặt Trời làm khối lượng Mặt Trời giảm dần theo thời gian, đến lúc nào
đó, hàng tỷ năm sau, Mặt Trời cũng phải tắt. Nhiệt độ trong Thái Dương Hệ sẽ
giảm xuống rất nhanh đến Không độ tuyệt đối (O o K) tức là 273 độ âm dưới Không
độ bách phân.
(O o K = - 273 o C)
Các Thái Dương Hệ khác
cũng ở trường hợp tương tự, sẽ lần lần
tắt hẳn. Cả bầu Vũ trụ chìm trong cảnh vô cùng tối tăm và lạnh lẽo, nhiệt độ hạ
xuống rất nhanh, tất cả sinh vật đều chết hết, biến thành vật chất đông lại
thành những khối cứng. Đó là một cuộc Đại Tận thế của Vũ trụ. Nó nằm trong Định
luật tự nhiên, hễ có tạo thành thì ắt phải có lúc bị hủy diệt.
Sau khi nó bị hủy diệt thì
nó lại bắt đầu hình thành một Vũ trụ
mới, đó là sự tái tạo Vũ trụ.
Đời sống của một Vũ trụ
rất lâu dài, kể từ lúc nó được hình thành cho đến khi nó bị hủy diệt, kéo dài
đến hàng tỷ năm, trong lúc đó, đời sống của một đời người nơi cõi trần lấy 100
năm làm kỳ hạn thì chẳng đáng kể gì.
SỰ TÁI TẠO VŨ TRỤ :
Khi các Mặt Trời của Vũ
trụ tắt hẳn, nhiệt độ hạ xuống đến Không độ tuyệt đối hay thấp hơn nữa, vạn vật
đông cứng và co lại làm cho trường hấp dẫn vạn vật giữa các hệ thống vật chất
tăng lên gấp nhiều lần, khiến cho chúng hút nhau rất mạnh.
Các Vệ tinh bị hút rơi vào
Hành tinh, các Hành tinh bị hút mạnh rơi vào Mặt Trời, các Mặt Trời đã tắt bị
hút mạnh rơi vào Tâm Vũ trụ. Càng đến gần, lực hút trở nên rất mạnh, (vì lực
hút tỷ lệ nghịch với bình phương của khoảng cách), làm cho vận tốc rơi càng lúc
càng tăng, lớn đến mức khủng khiếp, bằng vận tốc của ánh sáng (300 ngàn cây số
trong 1 giây).
Các Hệ thống va chạm vào
nhau vô cùng mãnh liệt, tạo ra một sức nóng khủng khiếp, nhiệt độ tại trung tâm
vũ trụ tăng lên đến hằng triệu độ, mọi thứ vật chất đều bị đốt cháy biến thành
hơi tức là biến thành chất khí, chúng quay cuồng hỗn độn, tạo ra một áp lực vô
cùng lớn, đến một lúc nào đó thì gây ra tiếng nổ ghê gớm, làm bắn phá từ trung
tâm vũ trụ ra chung quanh những quả cầu
lửa to lớn, để tạo thành các Mặt Trời mới. Các Mặt Trời mới lại tiếp tục bắn
phá ra chung quanh, tạo ra các Hành tinh mới quay quanh Mặt Trời mới. Các Hành
tinh lớn lại bắn phá ra tạo nên các Vệ tinh quay quanh Hành tinh.
Thế là một Vũ trụ mới được
thành hình và bắt đầu hoạt động trong
một vận hội mới với trình độ tiến hóa mới, một đời sống mới.
Các Vệ tinh có kích thước
nhỏ thì nguội trước, kế đó là các Hành tinh nguội dần, vật chất bên ngoài đông
tụ lại thành lớp vỏ cứng bao bọc hành tinh. Khi nhiệt độ hạ xuống đến mức thích
hợp, hơi nước bao quanh hành tinh tạo ra các trận mưa dữ dội, nước mưa rơi
xuống thành sông ngòi và chảy vào những chỗ trũng thấp tạo thành biển.
Trên Hành tinh Địa cầu,
khi có nước và ánh sáng Mặt Trời rọi đến thì xuất hiện sự sống, các sinh vật
bắt đầu nảy sanh. Đầu tiên là các sinh vật đơn giản chỉ có một tế bào xuất hiện
trong nước, lần lần tiến hóa lên cấp cao hơn và phức tạp hơn, theo Định luật
Tiến hóa của Vũ trụ : Vật chất Kim thạch tiến hóa lên loài Thảo mộc, Thảo mộc
tiến hóa lên Thú cầm, Thú cầm tiến hóa lên nhơn loại. Rồi loài người lo tu
hành, giúp người giúp đời, lần lần tiến hóa lên các phẩm Thần Thánh Tiên Phật.
Tóm lại, Vũ trụ quan của
Đạo Cao Đài quan niệm rằng Vũ trụ không phải là Vô thỉ, vì nó có khởi đầu. Điểm
khởi đầu đó là Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì Đấng ấy đã tạo dựng ra CKVT và vạn
vật.
Vũ trụ cũng không phải là
Vô chung (không có mức cuối cùng), vì Vũ trụ có lúc tự hủy diệt và mức cuối
cùng của nó là cuộc Đại Tận thế, để rồi sau đó được tái tạo, khởi đầu hình
thành một Vũ trụ mới tiến hóa hơn, và cứ thế tiếp diễn mãi trên con đường Tiến
hóa vô cùng tận.
* * *
4. Địa vị Địa cầu chúng ta trong CKVT
Vũ trụ Hữu
hình gồm có : Tam thiên Thế giới (3000 Thế giới ) và Thất thập nhị Địa (72 Địa
cầu).
Tam thiên
Thế giới thanh nhẹ hơn Thất thập nhị Địa, nên chiếm phần trên của Vũ trụ,
Thất thập nhị Địa trọng trược hơn nên ở phần dưới của Vũ trụ.
Trong Tam thiên Thế giới
cũng như trong Thất thập nhị Địa, các quả tinh cầu thanh nhẹ thì ở bên trên,
các quả nặng trược thì ở bên dưới. Càng lên cao thì càng thanh nhẹ trong sáng,
càng xuống thấp thì càng nặng trược tối tăm.
Các Địa cầu trong dãy Thất
thập nhị Địa được đánh số từ 1 đến 72, số 1 thì thanh nhẹ nhứt và số 72 thì
nặng trược nhứt. Điïa cầu của nhơn loại chúng ta là Địa cầu 68.
Phía dưới Địa cầu 68 của
chúng ta có 4 quả Địa cầu : 69, 70, 71, 72
rất trọng trược, chìm đắm trong cảnh tối
tăm nên được gọi là U Minh
Địa. Trình độ tiến hóa của 4 Địa cầu nầy còn rất kém so với Địa cầu 68 của
chúng ta.
Nhưng trình độ tiến hóa
của Địa cầu 68 lại kém xa so với Địa cầu 67.
Càng đi lên thì càng tiến hóa.
“ Đứng bực Đế Vương nơi
trái Địa cầu 68 nầy, chưa đặng vào bực chót của Địa cầu 67. Trong Địa cầu 67,
nhơn loại cũng phân ra đẳng cấp dường ấy. Cái quí trọng của mỗi Địa cầu càng tăng thêm hoài, cho tới Đệ
nhứt cầu (Địa cầu số 1), Tam thiên thế
giới, vv...” (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 65)
Sự tiến hóa đi lên hết dãy
Thất thập nhị Địa thì lên Tam thiên Thế giới, và cũng tiến hóa dần từ thấp lên
cao.
Địa cầu 68 của chúng ta
chỉ có 1 phần thanh, mà lại có 2 phần trược, nên Phật giáo gọi Địa cầu 68 là
cõi Ta-bà, vì cõi nầy có nhiều ác trược, người tu phải nhẫn nhịn tối đa, nhưng
nếu tu hành được thì rất mau đắc quả.
Trong Vô Lượng Thọ Kinh,
Đức Phật nói rằng :
“Ở cõi Ta-bà nầy mà làm
lành một ngày đêm, hơn làm lành một trăm năm nơi cõi của Phật A-Di-Đà. Tại sao
vậy ? Vì cõi Phật A-Di-Đà là vô vi tự nhiên, chứa đủ sự lành, không có một sự
dữ nào dù nhỏ xíu như mảy lông sợi tóc.”
* * *
Phần VÔ HÌNH của VŨ TRỤ
Như trong các phần
vừa trình bày trên, Phần Hữu hình của Vũ trụ Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế gồm có :
bên trên là Tam thiên thế giới (3000 thế giới), bên dưới là Thất thập nhị Địa
(72 địa cầu). Tổng cộng có tất cả là : 3072 ngôi sao.
Vũ trụ Hữu hình được tượng
trưng bằng Trái Càn khôn thờ nơi Bát Quái Đài của Tòa Thánh Tây Ninh.
Sự xoay chuyển của Tam
thiên thế giới và Thất thập nhị Địa luôn luôn được đều hòa, không ngừng nghỉ,
cái lên cái xuống, cái qua cái lại, không bao giờ va chạm nhau. Có được như thế
là do sự điều khiển của các Đấng vô hình.
Các tinh cầu và các quả
Địa cầu luôn luôn được Đấng Thượng Đế ban cho thần lực (tức là năng lượng
thiêng liêng) vừa đủ để giúp cho sự chuyển động duy trì điều hòa, ổn định và
không ngừng nghỉ.
Cũng giống như một cái
đồng hồ điện tử, cục pin cung cấp năng lượng điện cho nó chạy đều hòa và không
ngừng nghỉ. Nếu pin còn điện quá yếu hay hết điện thì nó không đủ cung cấp cho
đồng hồ thì đồng hồ phải chạy chậm lại hay ngừng hẳn. Cho nên, nếu Đấng Thượng
Đế cung cấp thần lực cho các tinh cầu và các Địa cầu một cách không đều hòa và
liên tục thì các quả cầu ấy sẽ chuyển động rối loạn hay ngừng quay, đó cũng là
một cuộc Đại hủy diệt vậy.
Để điều khiển sự vận
chuyển của các tinh cầu và Địa cầu chuyển động điều hòa, cũng như điều khiển
cuộc tiến hóa của cả Càn khôn, Đức Thượng Đế phải lập ra một guồng máy vô hình,
gồm nhiều cơ quan là các từng Trời và các Đấng Thần Thánh Tiên Phật để giúp tay
Thượng Đế.
Phần Vô hình của CKVT
không thấy được mà chúng ta biết là do Đức Thượng Đế giảng dạy qua cơ bút, gồm
có :
- Tam thập lục Thiên.
- Cửu Trùng Thiên và Thập
nhị Thiên.
- Tứ Đại
Bộ Châu.
1 .
Tam thập lục Thiên :
Tam thập lục Thiên là 36
từng Trời.
Ngôi Thái Cực ở tại Bạch
Ngọc Kinh, nơi ấy là trung tâm của CKVT. Thái Cực biến hóa ra Lưỡng Nghi : Âm
quang và Dương quang.
Thái Cực và Lưỡng Nghi hợp
thành 3 Ngôi Trời, gọi là Tam Thiên Vị, chiếm 3 từng Trời tại trung tâm CKVT.
Dưới Tam Thiên Vị là 33
từng Trời (Tam thập tam Thiên). Nhập chung lại thì đủ 36 từng Trời.
Nơi Tam thập lục Thiên là
ngôi vị của chư Thần Thánh Tiên Phật..
* * *
2 .
Cửu Trùng Thiên - Thập nhị Thiên :
Thập nhị Thiên là 12 từng
Trời.
Cửu Trùng Thiên là 9 từng
Trời.
Dưới Tam thập lục Thiên là
Thập nhị Thiên.
Trong Thập nhị Thiên, bên
trên có 3 từng Trời, là :
- Hỗn Nguơn Thiên
- Hội Nguơn Thiên
- Hư Vô Thiên.
Hai từng Trời Hỗn Nguơn
Thiên và Hội Nguơn Thiên do Đức Phật Di-Lạc chưởng quản.
Hư Vô Thiên do Đức Phật
Nhiên Đăng chưởng quản.
Trong từng Trời Hư Vô
Thiên có Ngọc Hư Cung, là nơi họp triều đình của Đức Chí Tôn, để điều hành toàn
cả các hoạt động trong CKVT. Tại đây, các Đấng Thần Thánh Tiên Phật họp Đại Hội
để lập Thiên Điều cai quản CKVT.
Dưới 3 từng Trời nầy là
Cửu Trùng Thiên, kể ra :
- Từng Trời thứ 9 : Tạo
Hóa Thiên
- Từng Trời thứ 8 : Phi
Tưởng Thiên
- Từng Trời thứ 7 : Hạo
Nhiên Thiên
- Từng Trời thứ 6 : Kim
Thiên,
- Từng Trời thứ 5 : Xích
Thiên,
- Từng Trời thứ 4 : Huỳnh
Thiên,
- Từng Trời thứ 3 : Thanh
Thiên,
- Từng Trời thứ 2 có Vườn Đào Tiên,
- Từng Trời thứ 1 có Vườn Ngạn Uyển.
Từng Trời thứ 9 do Đức
Phật Mẫu chưởng quản.
Từng Trời thứ 8 do Đức Từ
Hàng Bồ Tát chưởng quản.
Từng Trời thứ 7 do Đức
Chuẩn Đề Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát chưởng quản.
Thập nhị Thiên gồm : 3
từng Trời bên trên và Cửu Trùng Thiên bên dưới, là nơi làm việc của chư Đấng
Thần Thánh Tiên Phật, có nhiệm vụ cai quản và điều hành tất cả các hoạt động
của CKVT và sự tiến hóa của Vạn linh.
* * *
3 . Tứ
Đại Bộ Châu :
Có 2 Tứ Đại Bộ Châu : trên
và dưới.
- Tứ Đại Bộ Châu Trên cai quản Tam thiên Thế
giới, gọi là Tứ Đại Bộ Châu Thượng, gồm :
. Bắc Đại Bộ Châu
. Đông Đại Bộ Châu
. Nam Đại Bộ Châu
. Tây Đại Bộ Châu.
- Tứ Đại Bộ Châu Dưới cai quản Thất thập nhị
Địa, gọi là Tứ Đại Bộ Châu Hạ, gồm :
. Bắc Cu Lư Châu
. Đông Thắng Thần Châu
. Nam Thiệm Bộ Châu
. Tây Ngưu Hóa Châu.
Địa cầu 68 của nhơn loại
chúng ta ở trong Nam Thiệm Bộ Châu.
* * *
TỔNG KẾT về Vũ trụ quan
Vũ trụ của Đức Chí Tôn
Ngọc Hoàng Thượng Đế gồm có hai phần : Hữu hình và Vô hình.
- Phần Vô hình rất quan
trọng vì nó điều khiển toàn bộ các hoạt động của Phần Hữu hình.
Phần Vô hình ở tại Trung
tâm của Vũ trụ.
- Phần Hữu hình nằm bên ngoài
Phần Vô hình, luôn luôn chuyển động xoay
tròn đều hòa và liên tục, không bao giờ ngừng nghỉ.
Phần Vô hình gồm :
- Tam thập lục Thiên (36
Từng Trời),
- Thập nhị Thiên (12 Từng
Trời),
- 2 Tứ Đại Bộ Châu Thượng
và Hạ.
Phần Hữu hình gồm 3072
ngôi sao, chia ra :
- Tam thiên thế giới (3000
Thế giới) ở bên trên,
- Thất thập nhị Địa (72
Địa cầu) ở bên dưới.
Trong khoảng không gian
bao la không cùng tận, Càn khôn Vũ trụ của Đức Chí Tôn là một khối cầu vĩ đại,
trong đó có chứa 3072 ngôi sao.
Để có thể hình dung được
các thành phần của Vũ trụ nầy, chúng ta tưởng tượng và so sánh với cái hột gà:
- Cái ngòi giữa tròng đỏ
hột gà là Trung tâm Vũ trụ.
- Phần tròng đỏ hột gà là
Phần Vô hình của Vũ trụ.
- Phần tròng trắng hột gà là Phần Hữu hình Vũ
trụ.
- Vỏ của hột gà là biên giới của Vũ trụ.
Sau đây là Bảng Tóm tắt cơ cấu thành phần của Càn
khôn Vũ trụ của Đức Chí Tôn, Hữu hình và Vô hình, kể từ Trung tâm Vũ trụ ra đến bên ngoài, biên của Vũ trụ :