CÁCH
XƯNG HÔ
I . Cách xưng hô
Trong Đạo Cao Đài, cách
xưng hô giữa Chức sắc và tín đồ cần phải có tánh cách khiêm tốn và có vẻ đạo,
nên Hội Thánh ban hành Huấn Lịnh dạy rõ
sau đây :
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Nhị thập thất
niên)
Tòa Thánh Tây Ninh
Số : 211/CV : HUẤN LỊNH
THÁI, THƯỢNG, và
NGỌC CHÁNH PHỐI SƯ
Gởi cho chư vị Thiên phong
Chức sắc, toàn đạo.
Chư Hiền huynh, Hiền tỷ,
Nhận thấy công văn về mặt
Đạo, có một phần ít Chức sắc không mấy rành cách xưng hô cùng nhau cho y một
khuôn khổ.
Muốn bổ khuyết điều ấy và
do nơi sự đề nghị của Hội Thánh, Đức Hộ Pháp đã phê chuẩn Huấn Lịnh nầy, xin
chư Hiền huynh, Hiền tỷ do theo các danh từ xưng hô cùng nhau kể dưới đây mà
dùng trong các công văn của Đạo.
1 . Giáo Tông và Hộ Pháp
xưng : Bần đạo.
2 . Chưởng Pháp và Đầu Sư xưng : Tinh tế.
Tinh là tinh vi, thuần
túy, Tế là tế độ chúng sanh.
3 . Chánh Phối Sư và Phối Sư xưng là : Tiện minh.
Tiện là tiếng khiêm tốn,
ám chỉ là còn thiếu kém tài đức.
Minh là sáng, minh mẫn,
lấy trí khôn mà xét đoán việc hành sự.
4 . Giáo Sư xưng là Tiện hiền.
Chữ Tiện, như đã giải ở
trên. Chữ Hiền, là hiền đức, hiền lành. Đức Chí Tôn đã ban cho 72 Giáo Sư là Thất thập nhị Hiền thì tính cách xưng hô
của Giáo Sư có chữ Hiền, hiểu nghĩa
trắng, thiết tưởng cũng không quá đáng.
5 . Giáo Hữu xưng là Tiện đệ.
Chữ Tiện, như đã giải ở trên.
Chữ Đệ là em, mà có nghĩa trong số Tam thiên Đồ đệ của Đức Chí Tôn ban cho.
6 . Lễ Sanh xưng là Thiểu phẩm.
Thiểu là ít, là nhỏ, xưng
là chức nhỏ một cách khiêm cung. Lễ Sanh là người có hạnh đức hơn hết trong chư
môn đệ của Đức Chí Tôn mà dùng chữ khiêm tốn xưng mình thì giá trị càng cao.
Luận một cách tổng quát,
Chức sắc nhỏ đối với Chức sắc lớn hơn, có thể gọi là Hiền huynh, còn mình tự
xưng là Tiện đệ, còn bề trên xưng với cấp dưới thì tự gọi là Tiện huynh,
kêu em là Hiền đệ.
Luận về hai tiếng : Ông và Ngài hay dùng thường thức trong Đạo :
- Từ Tín đồ đến Giáo Hữu thì dùng chữ ÔNG.
- Từ Giáo Sư
trở lên mới dùng chữ NGÀI.
- Trong việc liên quan
giữa gia đình thân thuộc thì cứ giữ
tiếng xưng hô như xưa nay : cô, bác, cậu, dì, anh, chị, em, cháu, . . . .
Đặc biệt, riêng về Đức
Giáo Tông và Đức Hộ Pháp thì phải để trên các văn kiện :
Bạch Đức Giáo Tông hay
Bạch Đức Hộ Pháp,
Kế đó là : Bạch Đức Ngài,
dài theo câu chuyện nếu lập đi lập lại thì đề
Bạch Đức Ngài luôn.
Trên văn kiện chánh thức
gởi cho Chức sắc cấp trên thì phải để chức phẩm.
Thí dụ như : Giáo Hữu mà
gởi cho Quyền Ngọc Chánh Phối Sư thì đề :
Giáo Hữu Thượng Vinh Thanh, Khâm Châu Đạo Cần Thơ,
Kính gởi : Ngài Quyền Ngọc Chánh Phối Sư.
Hàng dưới cách khoảng thì
đề :
Kính Ngài Quyền Ngọc Chánh Phối Sư,
Rồi trong văn kiện thì
xưng hô như cách đã chỉ trên, hoặc dùng tiếng chung mà gọi người là Hiền huynh,
xưng là Tiện đệ.
Bên nữ phái, trên đối với
dưới thì xưng là Tiện tỷ, gọi em là Hiền muội, dưới đối với trên thì gọi bề
trên là Hiền tỷ, xưng mình là Tiện muội.
Vậy, từ đây, xin chư vị
Chức sắc nam nữ tuân theo Huấn Lịnh nầy, tùy giai cấp mà xưng hô cùng nhau và
ban hành cho toàn Đạo đặng rõ.
Tòa Thánh Tây
Ninh, ngày 15-7-Nhâm Thìn (dl 3-9-1952).
Nữ Chánh Phối Sư
Q.Thái CPS Q.Thượng CPS
Q. Ngọc CPS
(ấn ký) (ấn
ký) (ấn ký) (ấn ký)
Hương
Hiếu
Thái Khí Thanh Thượng Sáng
Thanh Ngọc Non Thanh
* * *
II .
Hạnh khiêm nhượng
“ Khiêm nhượng là hạ mình
để nhường người, để tặng người trên mình.
Kẻ tài sơ mà biết khiêm
nhượng, người tài giỏi mới vui dạ dắt dìu chỉ bảo. Người học giỏi biết khiêm
nhượng, kẻ tài sơ mới đem lòng mến phục. Nên biết rằng dầu mình tài cao trí
sáng bực nào cũng có người khác giỏi hơn mình.
Vả lại, nếu đem cái học lực
hữu hạn của ta mà so sánh với biển Thánh mênh mông, rừng nhu thăm thẳm thì có
thấm tháp vào đâu mà hòng tự đắc ?
Vì vậy mà Thánh hiền xưa
đã nói : Học chừng nào càng thấy mình dốt chừng nấy.
Thánh hiền xưa thì vậy,
còn người đời nay phần nhiều hễ mở miệng ra là khoe mình giỏi, không đợi ai
khen. Cái tánh tự kiêu ấy làm cho con người như mù quáng, nên hễ việc chi của
mình làm, lời chi của mình nói, đều cho là phải cả, rồi hiu hiu tự đắc. Người
như vậy không bao giờ thấy chỗ lỗi của mình mà sửa đổi, hoặc chỗ dở của mình mà
học hỏi cho hay.
Người tài giỏi chẳng cần
khoe khoang, người ta cũng biết; kẻ dở mà cố khoe khoang, người ta đã không mến
phục lại còn khinh bỉ là khác.” (Trích B 12 Huấn Luyện Lễ Sanh)
“ Đức Chí Tôn hằng dạy môn
đệ của Ngài qua một đoạn Thánh giáo như sau :
Các con coi bực Chí Tôn
như Thầy mà hạ mình đặng độ rỗi nhơn sanh là thế nào, phải xưng là một vị Tiên
Ông và Bồ Tát, hai phẩm chót của Tiên Phật. Đáng lẽ thế thường phải để mình vào
phẩm tối cao tối trọng, còn Thầy thì khiêm nhượng là thế nào ! Vì vậy mà nhiều kẻ môn đệ cho Thầy là nhỏ.
Hạnh khiêm nhượng là hạnh
của mỗi đứa phải noi theo gương Thầy, mới độ rỗi thiên hạ đặng. Các con phải
khiêm nhượng sao cho bằng Thầy.
Đức Khổng Thánh hằng dạy
chư môn đệ :
Dầu mình có thông minh đến
bực nào cũng phải xem mình như ngu dốt; dầu mình có công cao hơn thiên hạ cũng
phải nhường người; dầu mình có sức mạnh hơn đời cũng coi mình như mềm yếu; dầu
mình giàu có đầy bốn biển cũng coi mình như nghèo nàn vậy.
Ấy là hạnh khiêm nhượng
của các bậc cổ nhân như thế là phương hay để giữ gìn thực lực của mình, không
để cho tánh kiêu sa phóng túng, tính tự đắc tự kiêu là cái nhược điểm của tâm
lý thường tình xô đẩy vào nẻo quấy, có hại cho tinh thần đạo đức.
Phàm làm người có tài năng
là nhờ có tâm đức trước hết, nếu không khéo giữ gìn được tâm đức mà tự đắc tự
kiêu thì tài năng quán thế cũng trở nên tối tăm tiêu tán, lắm khi còn đưa mình
đến nơi hoạn nạn là khác. . . . . . .
Chỉ có tinh thần đạo đức
là đáng cho chúng ta trông cậy mà khỏi sợ bị lầm lạc. Tinh thần đạo đức lấy nhỏ
nhoi, khiêm nhượng làm cốt yếu.
Thế nên qua các giáo điều
của Thánh nhân lưu truyền giác thế đều khuyên dạy nên học tánh khiêm cung hòa
nhã để làm phương hay xử thế, tiếp vật cho được ôn nhu dè dặt, mới tránh khỏi
sai lầm.
Ví bằng tự kiêu tự đắc,
tức là buông trôi theo mặt sóng của thế tình, sao cho khỏi vùi dập mảnh thân
phàm mà nhiều phen khốn đốn.
Hạnh khiêm nhượng là hạnh
bảo vệ thân tâm quí báu nhứt, vì hễ làm người bắt đầu tự kiêu là bắt đầu bước
trên đường nguy vong đó vậy.
Đời sống khiêm tốn là đời
sống thanh cao khoáng đạt nhứt, có thể bảo tồn được thân tâm dù trải qua bao
nhiêu sự tàn phá của thời gian. . . . . . .
Vì vậy, đức tánh khiêm
nhượng là đáng cho ta quan tâm hơn hết.” (Trích Hạnh đường Huấn luyện Lễ Sanh)
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ]