Giải Thích Lời Minh Thệ & Nhập Môn Cầu Đạo - 13/24 (TTTN)


TÔN CHỈ
của ĐẠO CAO ĐÀI
I . Định nghĩa

Tôn chỉ là nguyên tắc chánh yếu để một đoàn thể theo đó hoạt động. Tôn chỉ của Đạo Cao Đài là : Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt. Câu nầy thường thấy nơi phần đầu của bài Sớ văn thượng tấu.

Tam giáo qui nguyên là ba nền tôn giáo trở về gốc. Cái gốc đó là chơn lý tuyệt đối hằng hữu, thường gọi là Thượng Đế.  Tam giáo gồm : Nho, Thích, Đạo, tức là Nho giáo hay Khổng giáo, Thích giáo hay Phật giáo, Đạo giáo hay Lão giáo hay Tiên giáo.
Ngũ Chi phục nhứt là năm nhánh đạo trở lại thành một. Một đó là Đại Đạo, Một đó cũng là Thái Cực. Ngũ Chi tức là Ngũ Chi Đại Đạo, năm nhánh của nền Đại Đạo, gồm : Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo.

Chữ  NGUYÊN là gốc và chữ NHỨT là một, đều chỉ Đấng Thượng Đế, vì Ngài là gốc của các nền tôn giáo và là  một  ngôi Thái Cực tuyệt đối.

Nói Tam giáo qui nguyên là nói trong phạm vi Á Đông, nơi mà Tam giáo (Nho, Thích, Đạo) mở ra để giáo hóa nhơn sanh trong vùng Á Đông nầy.

Nói Ngũ Chi phục nhứt là nói toàn thể thế giới, gồm tất cả các tôn giáo (Vạn giáo), trong đó có Tam giáo.

Tôn chỉ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài là : Tam giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt, nghĩa là : nơi cõi Á Đông thì đem ba nền tôn giáo (Nho, Thích, Đạo) trở về nguồn gốc của nó và trên toàn thế giới thì đem năm nhánh đạo hợp lại thành một nền Đại Đạo duy nhứt.

Đây là một công cuộc vĩ đại của Đức Chí Tôn, phục hưng toàn bộ chơn truyền của tất cả tôn giáo, qui hiệp tất cả giáo lý và triết lý của tất cả  tôn giáo vào một mối duy nhứt lập thành một hệ thống giáo lý mới và triết lý mới phù hợp mức tiến hóa cao của nhơn sanh và dung hợp được tất cả các giáo lý cũ và các triết lý cũ.

* * *
II . Tam giáo qui nguyên

Các tôn giáo đã lập ra từ trước tới nay đã thất chơn truyền và lỗi thời, không còn thích hợp với mức tiến hóa cao của nhơn sanh ngày nay. Vả lại, có một số tôn giáo qui phàm rõ rệt, bị những nhà lãnh đạo tôn giáo hiếu chiến lợi dụng, gây thành những cuộc chiến tranh tàn khốc, giết hại nhiều người, được ngụy trang dưới dạng Thánh chiến.

Đức Chí Tôn đến qui nguyên Tam giáo như thế nào?

Ngày nay, Đức Chí Tôn đến đem ba tôn giáo hiệp nhứt, tạo một tòa lớn lao vĩnh viễn cho nhơn sanh nương vào đó mà lánh cơn khổ nạn sầu. Ba nhà tôn giáo ấy tuy đổ sập nhưng Đức Chí Tôn vì lòng từ bi, chọn lựa cái nào còn dùng đặng thì lấy, cái nào hư nát thì bỏ ra, như cột, kèo, xuyên, trính, ngói, gạch, cái nào còn nguyên thì dùng, cái nào bể nát hư hao, bị mối ăn thì bỏ ra, cây nào cong vạy thì uốn lại, trừ ra uốn không nổi mới bỏ. Đức Chí Tôn lấy các vật ấy ráp lại thành một Tòa Đại Đạo cho nhơn sanh sùng bái tu hành, là tòa nhà ngày nay đó.

Chúng ta đều biết rằng, tất cả các tôn giáo, các chi phái đạo hiện hữu đều là những phương tiện để thực hiện mục tiêu là dẫn dắt nhơn sanh tiến hóa đi đến chỗ Chân Thiện Mỹ. Nhưng con người vì vô minh, mê chấp, nên phân biệt đạo ta đạo người, đạo của ta cao, đạo người thấp, chỉ có đạo ta mới là chánh đạo.

Còn các vị Giáo chủ đều là những Đấng Tiên, Phật cao trọng, lãnh lịnh Đức Chí Tôn giáng trần mở đạo, vào các thời kỳ khác nhau, ở các địa phương khác nhau, để mở trí khai tâm cho nhơn loại, hầu lo tu tâm sửa tánh, tiến hóa lần lần để trở về cùng Đức Chí Tôn và Phật Mẫu.

Các mối đạo đó chỉ là những phương tiện, như cái thang bắc lên mây xanh, để con người biết lối trèo lên từ từ mà trở về quê xưa cảnh cũ. Con người còn nhiều mê muội, chưa hiểu chơn lý, nên sanh đố kỵ tỵ hiềm, chấp ta ngã mạn, đi đến chỗ chia rẽ phân biệt giữa các tôn giáo, không thực thi đúng tinh thần Bác ái và Công bình, và những điều giảng dạy chơn chánh  của  các Đấng Giáo chủ, làm cho các mối đạo qui phàm và hỗn loạn.

Đạo không còn hướng dẫn được người đời, khiến cho đời càng thêm hỗn loạn, mất hết đạo đức, nên luôn luôn xảy ra chiến tranh giết chóc lẫn nhau, chỉ vì tham vọng.

* * *

III. Ngũ Chi phục nhứt
Đức Chí Tôn dạy :
“ Vốn từ trước, Thầy lập ra Ngũ Chi Đại Đạo là : Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo. Tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy Chánh giáo, là vì khi trước Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi. Còn nay, nhơn loại đã hiệp đồng, Càn khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau, nên Thầy mới nhứt định qui nguyên phục nhứt.”  (TNHT)

Theo lời Thánh ngôn trên đây của Đức Chí Tôn thì ngày nay, Đức Chí Tôn phục nhứt năm nhánh đạo, lập thành nền Đại Đạo do Đức Chí Tôn đích thân chưởng quản, vì  3 lý do sau đây:
1 . Ngày xưa, nhơn loại chưa văn minh, việc đi lại từ nơi nầy đến nơi khác rất khó khăn và mất nhiều thời gian, sự thông tin liên lạc giữa dân tộc nầy với dân tộc khác cũng rất khó khăn. Do đó, Đức Chí Tôn mở ra cho mỗi địa phương một mối đạo để độ rỗi nhơn sanh vùng đó. Vì vậy mà có nhiều mối đạo khác nhau trên thế giới. Đó là thời Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ, là giai đoạn Nhứt bổn tán vạn thù (Một gốc phân ra muôn sai biệt).

2 . Ngày nay, nhơn loại rất văn minh, chế tạo được những phương tiện đi lại rất nhanh như máy bay, xe hơi, tàu thủy, và chế tạo được một hệ thống thông tin liên lạc rất nhanh chóng, lại chế tạo được các máy điện tử có thể dịch tiếng nói của nước nầy sang tiếng nói của nước khác.

Cho nên Đức Chí Tôn nói rằng, ngày nay Càn Khôn dĩ tận thức, Đức Chí Tôn không cần mở nhiều mối đạo như xưa mà chỉ cần mở một nền Đại Đạo duy nhứt, bằng cách qui hiệp các đạo đã lập từ trước, thống nhứt tín ngưỡng, rồi nhờ hệ thống thông tin liện lạc của thời đại văn minh hiện nay mà truyền bá nền Đại Đạo ấy ra khắp hoàn cầu.

Đức Chí Tôn có tiên trị rằng : Ngày sau, người Trung hoa sẽ thờ phụng Đạo Cao Đài đáo để và người Mỹ sẽ truyền bá Đạo Cao Đài khắp hoàn cầu.

Đây là thời Tam Kỳ Phổ Độ, là giai đoạn Vạn thù qui nhứt bổn (Muôn sai biệt trở về một gốc).

3 . Thời xưa, mỗi mối Đạo thì có một Giáo chủ, khi vị Giáo chủ ấy thoát xác trở về cõi thiêng liêng thì mối đạo ấy lần lần bị người phàm canh cải, trở nên phàm giáo. Các phàm giáo chống báng nhau, đạo mình chánh, đạo kia tà, gây ra nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo tàn khốc.

Ngày nay Đức Chí Tôn qui hiệp tất cả tôn giáo trong Ngũ Chi vào một nền Đại Đạo duy nhứt, do Đức Chí Tôn làm Giáo chủ, lập thành năm nấc thang tiến hóa cho nhơn sanh đắc đạo. Năm nấc thang tiến hóa đó là : Nhơn, Thần, Thánh, Tiên, Phật. Người tu có công đức ngang bằng với nấc tiến hóa nào thì sẽ được Đức Chí Tôn ban cho phẩm vị tương ứng trong nấc ấy.

Lại nữa, kỳ nầy, Đức Chí Tôn không đầu thai xuống phàm để mang xác phàm, mà Đức Chí Tôn vẫn ngự trên Bạch Ngọc Kinh, dùng huyền diệu cơ bút, giáng điển xuống trần mở đạo và nắm giữ mối đạo. Nhờ vậy, nền Đại Đạo sẽ mãi mãi là Chánh truyền, không bao giờ bị phàm hóa.

Đức Hộ Pháp đọc diễn văn tại Tòa Thánh ngày 14-2-Mậu Thìn (dl 5-3-1928), thuyết giảng về Ngũ Chi phục nhứt :
“ Với các nguyên nhân thì Ngũ Chi tỉ như một cái thang năm nấc bắc cho mình leo lên địa vị ngang bực cùng Thầy, tức là Phật phẩm đó vậy. Chưa ai nhảy một nhảy mà lên cho tới tầng lầu 5 thước bề cao, mà như ai để sẵn một cái thang năm nấc, mình có thể lần lần mà leo lên đặng. Thầy hiệp Ngũ Chi đặng làm một trường học năm lớp cho mình tu luyện, chẳng khác một trường học phàm kia vậy, lần lần bước đến đặng đoạt thủ địa vị của mình. Hễ ngồi đặng phẩm nào thì địa vị mình nơi ấy, chẳng ai còn tranh giành ngược ngạo không nhìn nhận cho được.

- Mình là người tức có sẵn Nhơn phẩm, mình mới luyện Nhơn hồn theo gương của chư Thần mà chúng ta thờ phụng đó, thì tức nhiên cũng đoạt đặng đức tánh của chư Thần mà làm Thần vị của mình.
- Đặng Thần vị rồi, lại xem gương của các Thánh mà tu luyện Thần hồn của mình cho đặng Thánh đức, tức nhiên cũng đoạt được Thánh vị vậy.

- Đặng Thánh vị rồi, cũng luyện Thánh hồn mình theo tánh đức của chư  Tiên mà đoạt đặng Tiên vị.
- Khi biết mình đã vững nơi Tiên vị rồi thì mình cũng cứ đào luyện Tiên hồn của mình theo gương chư Phật mà gấm ghé vào Phật vị.

Tưởng như có kẻ hỏi : Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật xa cách với người như Trời với Đất, khác nhau kẻ tục người thanh thì thế nào người phàm mong mỏi leo lên phẩm vị ấy cho xứng đáng ?  Ta lại đáp như vầy :

. Những Vật chất có một điểm Thảo mộc hồn. Như cây bông đá đó vậy.
. Thảo mộc có một điểm Thú hồn, như cây mắc cở.
. Thú hồn có một điểm Nhơn hồn, như loài cầm điểu thì có : két, cưởng, nhồng; tẩu thú thí có : chó, ngựa, khỉ; còn ngư thú có : cá ông đó vậy.
. Nhơn hồn có Thần hồn đã đành, chẳng cần phải giải.
. Thần hồn có Thánh hồn, Thánh hồn có Tiên hồn, Tiên hồn có Phật hồn.

Ấy vậy, nơi mình chúng ta đã có sẵn một điểm Thần, Thánh, Tiên, Phật hồn. Nếu ta biết làm cho chơn hồn tăng tiến lên hoài cho tới phẩm vị Tiên, Phật thì phải tập luyện tu hành và đắc kỳ truyền mới đặng.”

Ngũ Chi Đại Đạo lập thành năm nấc thang tiến hóa từ thấp lên cao, nghĩa là một chương trình học tập năm cấp lớp (Nhơn, Thần, Thánh, Tiên, Phật), có mục đích đưa người tu lần lần tiến lên đến tột đỉnh phẩm vị thiêng liêng, hiệp nhập vào khối Đại Linh Quang của Thượng Đế. Chương trình năm cấp lớp nầy thể hiện giáo lý thuần nhứt của Đại Đạo mà bất cứ người tu nào muốn phản bổn hoàn nguyên đều phải trải qua năm cấp học ấy.

Ngũ Chi Đại Đạo cũng biểu tượng năm phương thức hành đạo là : Tùng khổ, Thắng khổ, Thọ khổ, Thoát khổ và Giải khổ, của năm bậc : Hiền, Thần, Thánh, Tiên, Phật, để lập thành đường lối hành đạo đi đến "Tuyệt khổ”.

Như thế, Ngũ Chi Đại Đạo là năm trình độ chuyển hóa liên hợp nhứt quán trên cứu cánh giải thoát con người khỏi sự đau khỗ phiền não một cách toàn diện.

Ba Chi đầu là : Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo để tạo lập cảnh thế giới đại đồng, lập đời thượng nguơn Thánh đức, để cho các bậc Hiền nhân, Thánh triết tạm dừng chân trong hành trình tu tiến. Hai Chi sau là Tiên đạo và Phật đạo để các bậc ấy tiếp tục tu tiến, đắc thành chánh quả, vào bực trọn lành, thoát khỏi luân hồi, hiệp nhập vào Thượng Đế. Đó chính là cứu cánh của Đại Đạo.

* * *
IV. Kết luận

Tôn chỉ của Đạo Cao Đài quá cao siêu vĩ đại, không một người phàm nào có thể thực hiện được, chỉ có Đức Chí Tôn mới thực hiện được mà thôi.

Đức Chí Tôn ủy quyền cho Đức Phật Di-Lạc thực hiện cơ qui nhứt trong Đại Hội Long Hoa mà Ngài là Giáo chủ. Đó là cơ vạn giáo qui nhứt, không riêng gì Tam giáo, để lập đời Thánh đức, đại đồng huynh đệ. Đức Phật Di-Lạc sẽ thâu các đạo hữu hình làm một mối. Những người nào không đủ trình độ vào đời Thánh đức sẽ bị loại bỏ trong công cuộc qui hiệp và phán xét vĩ đại nầy.

Đức Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh ngày 1-7-Mậu Dần (1938) nói về Đức Chí Tôn qui nguyên Tam giáo, phục nhứt Ngũ Chi:
" Tại sao Đức Chí Tôn không giáng bằng xác thân, lại giáng bằng huyền diệu cơ bút ?

Tại thời kỳ chuyển đạo vô vi, chấn hưng Tam giáo, phục nhứt Ngũ Chi, nên Đức Chí Tôn giáng bằng huyền diệu cơ bút, mới qui đặng cả đại đồng Tam giáo. Bởi Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ, Phật Thánh Tiên giáng trần mở Tam giáo, trong buổi nhơn loại chưa hiệp đồng, ba vị Giáo chủ phải thọ sanh riêng địa phận, nên hai kỳ khai đạo ấy chỉ phổ độ trở về cựu vị có 8 ức nguyên nhân; còn buổi Hạ nguơn Tam Kỳ Phổ Độ là thời kỳ ân xá tội tình cho toàn thể chúng sanh, lại nhơn buổi văn minh nhơn loại thông đồng, Càn Khôn dĩ tận thức, nên Đức Chí Tôn dùng huyền diệu giáng cơ khai đạo, chủ nghĩa là tận độ 92 ức nguyên nhân qui hồi cựu vị nên gọi là cơ quan cứu thế.

Nếu Đức Chí Tôn chia chơn linh giáng thế như buổi trước, thì phải tá mẫu đầu thai, mang hình thể hữu vi, lại nữa là đạo khai trong nước Việt Nam thì phải thọ sanh làm người Việt Nam thì có thế nào chuyển ba mối đạo khắp ngũ châu và toàn thế giới đặng.

Lại nữa, các dân tộc trong vạn quốc không thể hiệp đồng sự tín ngưỡng làm một thì khó mà độ tận chúng sanh, cho nên Đức Chí Tôn giáng bằng huyền diệu cơ bút đặng làm cho các nước để trọn đức tin rằng một Đấng Chí Linh giáng thế cứu đời, qui tụ cả khối tinh thần của nhơn loại duy nhứt, chỉ rõ bằng cớ như kỳ hội các tôn giáo tại Luân Đôn, các nước đều công nhận Đạo Cao Đài là chơn thật, có thể qui nguyên đại đồng tôn giáo.

Đức Chí Tôn tuy chẳng giáng bằng xác thân, mà lại qui tụ lương sanh lập Hội Thánh thay hình thể hữu vi cho Đức Chí Tôn và lập Quyền Vạn linh bằng quyền Chí Linh. Kỳ Hạ nguơn nầy, dầu chúng sanh có tàn bạo hung ác thế nào cũng không làm hại xác thân của Đức Chí Tôn như các vị Giáo chủ buổi trước. Bởi quyền Vạn linh có đủ nghị lực tinh thần lập khuôn viên luật pháp, xây chuyển cơ đạo và cơ đời cho thuận theo lẽ tuần hoàn của Tạo hóa.

Đức Chí Tôn khai đạo kỳ thứ ba nầy giáng bằng huyền diệu cơ bút, là do Thiên thơ tiền định, chuyển đạo vô vi, hiệp Tam giáo Ngũ Chi làm một."
Home        1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ]  [ 19 ]  [ 20 ]  [ 21 ]  [ 22 ]  [ 23 ]  [ 24 ]