Giải Thích Lời Minh Thệ & Nhập Môn Cầu Đạo - 1/24 (TTTN)

Lời của Hội Thánh.
" Phàm con người phải biết có chi trên đầu. Cái không trung trên đầu ta đó là Trời. Đấng cầm quyền trên ấy là Đấng Tạo Hóa, là Ngọc Hoàng Thượng Đế, là Chúa Tể cả càn khôn thế giới.
Nay Đấng Tạo Hóa lấy danh lập Đạo là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, dùng huyền diệu Tiên gia đến dựng nơi nước Nam ta một nền Chơn Đạo rất cao thượng mà độ rỗi nhơn sanh khỏi luân hồi, gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Đức Thượng Đế, vì thương yêu nhơn loại, đến độ rỗi chúng ta, lại còn gọi mình là Thầy, kêu chúng ta là môn đệ. Vậy nên chúng ta phải hết lòng kính mến và sùng bái Đấng Tạo Hóa và hết dạ tín ngưỡng cái Đạo rất huyền vi mầu nhiệm của Đấng Chí Tôn."  - (Trích phần đầu Tiểu Tự của Tân Luật)

I . Câu chuyện Nhập môn cầu Đạo :

Trong một xóm nghèo ở ngoại ô Thị Xã VL có vợ chồng ông Hai Thiệt đều theo Đạo Cao Đài, căn nhà của hai ông bà đang ở là nhà xưa, lợp ngói âm dương, cột gỗ và vách ván đều hư mục gần hết, cửa nẻo xệch xạc, trong nhà không có gì quí giá ngoài hai bàn thờ : bàn thờ giữa nhà để thờ Đức Chí Tôn, bàn thờ bên cạnh để thờ Tổ Tiên. Hai ông bà đều già, gần 70 tuổi, không còn sức lao động, sống được là nhờ vợ chồng đứa con gái làm nghề bán gạo lẻ tại chợ nhỏ CL, cung cấp lương thực tạm đủ để nuôi sống ông bà, vợ chồng đứa con gái ấy không khá giả chi, chỉ đủ tay làm hàm nhai. Vả lại ông bà Hai Thiệt đều ăn chay trường, cũng ít tốn kém. Hai ông bà đều siêng năng cúng kiếng tại nhà, hàng xóm thường nghe tiếng chuông mõ nhẹ nhàng phát ra từ ngôi nhà cũ kỹ ấy. Khi đến ngày mùng 1 hay rằm, ông bà Hai Thiệt thường tới Thánh Thất hay Điện Thờ Phật Mẫu để chầu lễ Đức Chí Tôn hay Đức Phật Mẫu, cách nhà của ông bà khoảng hai ngàn thước.

Những người trong xóm đều rất cảm mến ông bà Hai Thiệt, vì tánh nết hiền hậu và thật thà.
Trong số láng giềng có ông Út Mô thường qua nhà nói chuyện chơi. Gia đình Út Mô không có Đạo, chỉ thờ ông bà, rất có cảm tình với ông bà Hai Thiệt, nên cũng có cảm tình với Đạo Cao Đài.
Thình lình ông Hai Thiệt bị cảm nặng, nằm một chỗ không dậy nổi. Ông Út Mô thấy có nhiều vị Đạo Cao Đài mặc áo trắng quần trắng đến thăm ông Hai Thiệt bịnh, có xách theo đường sữa và trái cây tặng cho người bịnh. Vài ngày sau, bịnh ông Hai Thiệt trở nặng hơn, khó bề thang thuốc.
Ông Út Mô thấy có vài vị Đạo Cao Đài mặc đạo phục nghiêm chỉnh, đem theo mấy đứa con gái nhỏ tuổi làm đồng nhi đến nhà ông Hai Thiệt để tụng Kinh Hấp Hối cho ông. Chừng một lúc sau, ông Hai Thiệt thở hơi cuối cùng. Mọi người đều không cầm giọt lệ.

Ông Út Mô cảm thấy thương xót ông Hai Thiệt, nghĩ rằng gia đình ông rất nghèo, bà Hai thì già, không còn sức lao động, đứa con gái làm chỉ đủ ăn, làm sao lo hòm rương và làm đám tang cho ông Hai Thiệt. Ông Út Mô đang lo lắng nghĩ cách giúp đỡ thì bỗng nhiên Út Mô thấy nhiều người Đạo Cao Đài chở đến nhà ông Hai Thiệt một cái hòm, thấy cũng khá tốt, có đủ đồ tẫn liệm, có vài ông mặc áo đạo tỳ đi theo lo việc tẫn liệm. Mấy ông cúng vái nơi bàn thờ giữa, rồi đến chỗ xác ông Hai Thiệt nằm, đồng nhi tụng kinh rồi mấy ông đạo tỳ liệm xác ông Hai Thiệt vào quan tài.

Một nhóm người đạo khác, đủ cả nam nữ, chở tới bàn ghế, chén dĩa, son nồi nấu nướng, rồi phân công ra, người đi chợ mua rau cải củ đậu, người lo chẻ củi đun bếp, người lo dựng rạp, trải bàn, sắp ghế. Còn các vị trong ban nhạc thì chở nhạc cụ tới gồm : cặp trống, đờn cò, đờn kìm, kèn, mõ, vv... rồi có người đi mua đồ cúng gồm : nhang, đèn sáp, bông, trái cây, rượu, trà cũng vừa mang tới.

Những người đạo đến giúp đám tang làm việc rất trật tự, mỗi người một việc rất ăn khớp nhau, làm rất quen tay, không nghe một tiếng nói lớn, không một tiếng chửi thề, không một tiếng cười giỡn, mọi người đều tỏ dấu bi ai.
Hôm sau, ông Út Mô thấy một nhóm thanh niên của Đạo Cao Đài đến đám tang, vào nhà thay quần áo lễ sĩ màu xanh đậm, đội mão lễ sĩ trắng có thêu hoa thị đen phía trước, để làm lễ cúng tế. Ban nhạc đánh trống và đờn, đồng nhi tụng kinh, lễ sĩ hiến lễ, hai tay cung tròn ngang mày, cầm dĩa cúng phẩm, chân bước đi rập ràng theo tiếng trống, bước tới, rồi đi xen qua lộn lại hay xây vòng theo bài bản rất trật tự, tập luyện rất công phu, đem cúng phẩm dâng lên bàn vong.
Các người đạo đi đám thì mặc toàn áo dài trắng, quần trắng, nữ để đầu trần, nam thì đội khăn đóng đen, đứng hầu xung quanh nghiêm trang, trật tự, đồng nhi tụng kinh giọng trầm bổng bi ai, lúc nhanh lúc chậm, tạo thành một khung cảnh tôn nghiêm, huyền bí.

Đặc biệt vào buổi sáng hôm sau, ông Út Mô thấy một vị Chức sắc mặc áo rộng đỏ, đầu đội mão tròn cũng màu đỏ, giữa mão có thêu một con mắt, đến làm phép cho người chết. Đồng đạo đến dự rất đông, đứng vào hai bên phía trước quan tài, nam bên trái, nữ bên phải. Vị Chức sắc cúng nơi bàn thờ giữa xong thì đến đứng trước quan tài, ra hiệu lịnh cho đồng nhi tụng kinh. Út Mô để ý thấy vị Chức sắc ấy đi rất chậm quanh quan tài, bước đi chắc chắn, nghiêm nghị, tay mặt cầm cành dương rẩy nước làm phép, sau đó đi vòng thứ nhì, tay trái cầm cây kéo như lựa chỗ rồi cầm kéo cắt khơi khơi trong không khí, đi giáp vòng rồi trở lại đứng trước quan tài, kế đó có người phụ lễ đưa cho ông bó nhang đang cháy để ông tiếp tục làm phép.

Khi ông làm phép xong thì đồng nhi tụng kinh vừa dứt. 
Ông Út Mô hỏi một người đạo, ông Chức sắc mặc áo đỏ ấy làm phép gì vậy ?  Vị ấy trả lời : Đó là ông Giáo Hữu đến làm phép xác, phép cắt dây oan nghiệt và phép độ thăng cho ông Hai Thiệt, để linh hồn của ông sớm được siêu thăng lên cõi thiêng liêng. Buổi lễ diễn ra rất trật tự, trang nghiêm, đầy vẻ thiêng liêng.

Buổi lễ làm phép vừa xong, ông Út Mô thấy một chiếc xe có hình dáng là một con rồng, đầu xe làm hình đầu rồng, cuối xe làm hình đuôi rồng, mình xe làm nhà vàng, trước và sau xe đều có cắm cờ đạo 3 màu : vàng, xanh, đỏ. Chiếc xe nầy sơn và vẽ hình con rồng màu vàng rất đẹp, đậu trước nhà ông Hai Thiệt. Ông Út Mô hỏi một người đạo thì được biết đây là tượng trưng chiếc thuyền Bát Nhã chở xác người chết đem chôn nơi nghĩa địa.

Trong nhà lúc đó, đồng nhi tụng kinh, hết bài kinh nầy tới bài kinh khác, sau đó đứng dạt ra hai bên để ban đạo tỳ vào đứng trước quan tài làm lễ, có người chỉ huy cầm nhịp gõ lớn làm hiệu lịnh, các đạo tỳ đi vòng qua lộn lại rồi đi xen kẻ rất trật tự, có tập luyện thuần thục. Bàn vong được dẹp bỏ, các đạo tỳ vào đứng quanh quan tài, chuẩn bị khiêng quan tài ra đặt lên thuyền Bát Nhã.

Đoàn đưa đám tang khởi hành, đi đầu là tấm bảng lớn bằng vải đen có thêu 6 chữ lớn màu trắng “ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”, tiếp theo là một người cầm phướn 3 màu vàng xanh đỏ, trên phướn có hai chữ nho, đi tiếp theo là bàn vong, hai bên có hai hàng đồng nhi vừa đi vừa tụng kinh, kế đó là thuyền Bát Nhã đặt trên 4 bánh xe chạy chậm chậm nối theo, tang gia đi tiếp theo và sau cùng là các đồng đạo nam nữ đi tiễn đưa. Ông Út Mô để ý thấy không có việc rải giấy tiền vàng bạc khi đám tang đi dọc đường. . . . . .  (Nghi thức của đám tang sẽ được trình bày đầy đủ chi tiết trong Chương 24 sau cùng)

Út Mô quan sát đám tang của Hai Thiệt do Đạo Cao Đài tổ chức, đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, không ngờ Hai Thiệt nghèo như vậy mà Đạo Cao Đài tổ chức cho ông một đám tang rất long trọng, đầy đủ nghi lễ, trật tự trang nghiêm, bi ai, trong sự trợ giúp hết sức nhiệt tình của đồng đạo, với tính cách là làm công quả. Dù gia đình giàu có ở ngoài đời, chịu tốn nhiều tiền, cũng không thể tổ chức được một đám tang tốt đẹp như vậy.

Ông Út Mô cảm thấy rất khâm phục Đạo Cao Đài và trong trí ông lóe lên tư tưởng : hay là mình xin gia nhập vào Đạo Cao Đài.

Ông Út Mô suy nghĩ mấy ngày, rồi quyết định xin nhập môn vào Đạo Cao Đài. Ông liền tìm đến Thánh Thất, nói rõ ý muốn của mình, được người đạo đưa vào gặp vị Lễ Sanh Cai Quản Thánh Thất.

Ông Út Mô nói :
- Xin ông Lễ Sanh cho tôi theo Đạo Cao Đài.

Ông Lễ Sanh hỏi :
- Bạn vui lòng có thể cho biết lý do nào khiến bạn muốn nhập môn vào Đạo Cao Đài ?

Út Mô thành thật trình bày :
- Thưa ông Lễ Sanh, tôi tên là Nguyễn Văn Mô, ở kế cận nhà ông Hai Thiệt vừa mới mất đó, tôi thấy ông Hai Thiệt là người Đạo Cao Đài, rất hiền lành nhưng rất nghèo, được Đạo Cao Đài tổ chức cho một đám tang rất long trọng, lại giúp đỡ tiền bạc vật chất đủ hết, làm cho tôi rất kính phục Đạo Cao Đài, nên tôi muốn xin nhập vào Đạo Cao Đài.

Ông Lễ Sanh nói :
- Tu theo Đạo Cao Đài phải cúng kiếng hằng ngày, như bạn đã thấy ông Hai Thiệt đó, phải ăn chay và đi làm công quả cực lắm ! Bạn chịu nổi không ?

Út Mô mạnh dạn đáp :
- Người ta làm nổi thì nhứt định tôi cũng làm nổi.

Ông Lễ Sanh gọi một em công quả đến, bảo em đạp xe gấp, gọi ông Chánh Trị Sự và Thông Sự nơi hương đạo của ông Út Mô đến Thánh Thất vì ông Út Mô đến xin nhập môn cầu đạo.

Vị Lễ Sanh nói tiếp :
- Trong lễ nhập môn cầu đạo, bạn phải lập minh thệ trước Thiên bàn thờ Đức Chí Tôn. Lập minh thệ là nói lên lời thề nguyện của mình quyết tâm theo đạo.

Ông Lễ Sanh liền lấy ra một tờ giấy nhỏ, trên đó có in sẵn lời Minh Thệ, đưa cho Út Mô xem, rồi nói tiếp :

- Bạn phải đem sanh mạng của bạn ra mà thề với Đức Chí Tôn, quyết tâm theo Đức Chí Tôn tu hành, không lui lại đường đời hay tẽ qua ngả khác, bạn có chịu không ?

- Thề với Đức Chí Tôn thì tôi chịu thề liền.
- Tôi đọc lời Minh Thệ, bạn nhìn vào giấy dò theo : “ Tên họ của bạn, tuổi của bạn, thề rằng : từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục.”

Thiên tru Địa lục là Trời Đất giết chết đó. Bạn dám thề không ?
- Thề với người khác thì tôi sợ, còn thề với ông Trời thì tôi bằng lòng.

Lúc đó, ông Chánh Trị Sự và Thông Sự của Hương đạo ông Út Mô ở cũng vừa tới Thánh Thất. Ông Lễ Sanh nhờ hai vị nầy tiến dẫn Út Mô nhập Đạo. Sau đó ông vào phòng thay đạo phục rồi cùng Út Mô lên Chánh điện của Thánh Thất. Ông Chánh Trị Sự chỉ cho Út Mô thấy Thiên bàn thờ bức họa vẽ Thiên Nhãn tượng trưng Đức Chí Tôn Thượng Đế, ý nghĩa là Trời thấy hết biết hết mọi việc của con người, không có gì mà giấu giếm được Trời.

Ông Chánh Trị Sự hướng dẫn Út Mô cách bắt Ấn Tý và cách lạy Đức Chí Tôn. Ông Thông Sự thì giúp việc lên đèn, đốt nhang trên Thiên bàn và hầu chuông, vì người phụ trách lễ vụ vắng mặt.

Kế ông Lễ Sanh mặc đạo phục vàng, mão trắng có thêu Thiên Nhãn phía trước, bước vào Chánh điện, làm lễ Đức Chí Tôn, cầu nguyện, lạy xong thì đứng dậy, xá rồi bước ra nói :
- Ông Chánh Trị Sự hướng dẫn Anh Út vào làm lễ.
Ông Chánh Trị Sự nói :
- Anh Út vào đứng trước Chánh điện, mặt hướng lên Thiên bàn, hai tay bắt Ấn Tý, xá 3 xá, quì xuống :
* đưa Ấn Tý lên giữa trán, niệm : Nam mô Phật,
* đưa ấn Tý qua màng tang trái niệm : Nam mô Pháp,
* rồi đưa qua bên phải, niệm : Nam mô Tăng,
* đem Ấn Tý xuống đặt giữa ngực, niệm :
  Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát,

* cúi đầu, niệm tiếp :  (mỗi niệm mỗi cúi đầu)
Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát,
Nam mô Lý Đại Tiên Trưởng kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,
Nam mô Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân,
Nam mô chư Phật chư Tiên chư Thánh chư Thần.

Ông Chánh Trị Sự bảo Út Mô đưa Ấn Tý lên trán cầu nguyện : “ Tôi tên Nguyễn Văn Mô, … tuổi, hôm nay tự nguyện xin nhập môn vào Đạo tu hành.”

Kế đó bảo Anh Út Mô lạy Đức Chí Tôn 3 lạy, mỗi lạy 4 gật, mỗi gật niệm : Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Phải gật chậm chậm để kịp câu niệm.

Ông Lễ Sanh bảo Anh Út Mô cầm tờ giấy có in câu Minh Thệ, đọc lớn lên : Tôi tên . . . . . . . tuổi . . . . . vv . . .

Xong đặt tờ giấy xuống, tay bắt Ấn Tý trở lại, lạy Đức Chí Tôn 3 lạy 12 gật như đã hướng dẫn, đứng dậy, xá Đức Chí Tôn 3 xá, quay lại xá chữ Khí 1 xá rồi lui ra.

Ông Út Mô mới làm lễ lần đầu nên rất lọng cọng, vị Chánh Trị Sự phải sửa tới sửa lui, nhưng ai cũng vậy, vì chưa quen.  Thế là buổi lễ Nhập môn vào Đạo Cao Đài của ông Út Mô đã xong.

Ông Chánh Trị Sự đưa Út Mô trở lại văn phòng, đến bàn viết, lấy sổ bộ ra ghi tên Nguyễn Văn Mô vào,  cấp cho ông Út Mô một giấy Sớ Cầu Đạo Tạm, rồi nói :

- Bây giờ, Anh Út là tín đồ của Đạo Cao Đài, anh cần tập cúng lạy cho quen, bắt đầu tập ăn chay mỗi tháng 6 ngày, rồi học thuộc Kinh Cúng Tứ thời. Anh phải may một bộ đạo phục : áo dài trắng, quần trắng, khăn đóng đen. Sau thời gian 6 tháng, anh làm tròn bổn phận Đạo hữu thì anh sẽ được cấp Sớ Cầu Đạo Thiệt Thọ, dùng cho đến mãn đời, khi chết cũng phải đốt đem theo.  Anh nên sở hữu 4 quyển sách căn bản để học đạo buổi đầu :

* Kinh Thiên Đạo - Thế Đạo,
* Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I-II,
* Pháp Chánh Truyền.
* Tân Luật.

Tôi sẽ cung cấp cho anh các sách nầy. Anh là Đạo hữu trong Hương đạo của tôi, có việc gì thì anh liên lạc với tôi, hoặc với hai ông Phó Trị Sự và Thông Sự nơi ấp đạo của anh, chúng tôi sẽ giúp cho.        . . . . . . . . . . . .

II . Giải thích lời Minh Thệ :

Lời Minh Thệ nầy do Đức Chí Tôn giáng cơ lập ra, chớ không phải do một người phàm nào đặt để, nên có tính cách thiêng liêng huyền bí.

Câu Minh Thệ gồm 36 chữ, số 36 là bội số của 12, mà số 12 là số riêng của Đức Chí Tôn.
Tên họ  . . . . . . .  Tuổi . . . . . . . .
Thề rằng : từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi  dạ đổi lòng, hiệp đồng chư  môn đệ, gìn  luật  lệ  Cao  Đài,  như  sau    lòng  hai  thì  Thiên tru  Địa  lục.

1 * Biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế :
“ Là trọn nhìn một Đạo Cao Đài của Đức Chí Tôn, ngoài ra không đặng xu hướng theo ngoại giáo, tà quyền, lập nên phe đảng, chia rẽ tâm lý, gây nên sự rắc rối chia ly  làm mất đức  tin  trong cửa Đạo.

2 * Hiệp đồng chư môn đệ  gìn luật lệ Cao Đài :
“ Tín đồ nhập môn rồi phải tuân hành luật pháp chơn truyền của Đại Đạo là : Tân Luật, Đạo Luật, Pháp Chánh Truyền, vv... và thi hành các qui điều giáo huấn của Hội Thánh để làm tròn phận sự mình. Ấy là phương hiệp đồng nhứt trí của toàn đạo, tín đồ, Chức việc, Chức sắc Hội Thánh để nhặt gìn luật lệ Cao Đài của Đấng Chí Tôn.

3 * Như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục :
“ Ăn ở hai lòng, bất trung bất chánh, dối Thầy phản bạn và làm những việc trái với luật lệ của Đại Đạo, cùng hành động vô nhân vô nghĩa, mất sự thương yêu, mất điều tín nhiệm, gieo rắc những điều ngờ vực hiềm khích giữa tình đồng đạo và manh tâm bội nghịch cùng Hội Thánh, sẽ chịu luật công bình của Trời Đất tru diệt (giết phạt).

“ Minh Thệ đối với luật vô vi tức là Thiên điều của Chí Tôn và các Đấng Phật Tiên Thánh Thần cầm quyền trị thế là một ân huệ được chọn làm môn đệ của Đấng Chí Tôn.

“ Khi giữ tròn lời Minh Thệ sẽ được các Đấng hộ trì, ban ân lành, đạo tâm sáng suốt, trọn vẹn đức tin, đến ngày thành công đắc đạo, được ghi tên vào Tiên tịch (Bộ Tiên).

“ Minh Thệ đối với luật hữu hình của Hội Thánh là một giá trị uy tín đối với Đạo và Hội Thánh. Khi giữ tròn lời Minh Thệ sẽ được tín nhiệm kính nể, bảo trợ hưởng mọi đặc ân với luật công bình của Hội Thánh.

“ Lời Minh Thệ nhập môn cầu Đạo là một điều rất quan hệ của người giữ Đạo và là một lời hứa trọn vẹn tín thành với Hội Thánh cùng các Đấng thiêng liêng.

“ Một kiếp sanh ở hiện tại và tương lai, phước hay tội, cũng do nơi lời Minh Thệ nầy".

“ Vậy, toàn đạo nam nữ nên trân trọng gìn theo lời Minh Thệ.” (Trích văn thư của Hội Thánh : Dẫn giải lời Minh Thệ nhập môn cầu Đạo ngày 27-1-Tân Mão, dl 4-3-1951)

III . Tại sao phải Minh thệ ? Có ích lợi gì ?

" Bần đạo nói thật, buổi Đức Chí Tôn đến tạo Quốc Đạo cho nòi giống Rồng Tiên nầy, chính Ngài cầm cơ đi đến các tỉnh kêu từ nhà, gọi từ đứa con, cho không biết bao nhiêu bài khuyến dạy, tạo thành một nền tôn giáo Cao Đài là Quốc Đạo. Bần đạo tưởng chưa có người nào đem cả tinh thần tâm đức mà thi ân cho dường ấy, Đức Chí Tôn đến độ rỗi, lập giáo, rồi lại bắt Minh thệ.

Hỏi tại sao Ngài lại bắt Minh thệ ? Là buộc con cái phải hiệp đồng cùng nhau. Mỗi người có một chút đức tin. Thầy bảo qui đức tin ấy lại, phải có tâm đức tin tưởng, yêu ái lẫn nhau, phải nhìn nhận có Thầy, có đức tin nơi Thầy. Hại thay ! Có nhiều đứa con của Ngài cũng nghe, cũng tìm Đạo, cũng thọ giáo, cũng Minh thệ đủ phép tắc, biết bao nhiêu khi mới đến cùng Thầy, quì dưới chơn Thầy, mà hễ ra khỏi chơn Ngài rồi thì lại phản phúc Ngài và con cái của Ngài.”  (Trích Thuyết Đạo của Đức Phạm Hộ Pháp)

Mục đích của Minh thệ là gì ?
- Về phần người : Minh thệ cốt để người tín đồ dứt khoát tư tưởng mà thủ tín với lời thề, không dám làm điều gì trái với lời thề tức là trái với luật đạo, để hết lòng lo lập công bồi đức, trau tâm luyện tánh mà đạt đến phẩm vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.

- Về phần thiêng liêng :  Người có lập Minh thệ thì các Đấng thiêng liêng mới nhìn nhận là môn đệ của Đức Chí Tôn, tức là tín đồ của Đại Đạo, mới hộ trì không cho tà ma khuấy phá, gây trở ngại bước đường tu tiến.

Minh thệ có ích lợi gì ?
Khi lập Minh thệ rồi mới được làm môn đệ của Đức Chí Tôn, mới hưởng được hồng ân của Chí Tôn ban cho :
* Thứ nhứt, môn đệ giữ tròn luật đạo, ăn chay 10 ngày trong một tháng thì vào hàng Đạo hữu, đối phẩm Địa Thần trong Cửu phẩm Thần Tiên.

* Thứ nhì, môn đệ giữ tròn luật đạo, ăn chay 10 ngày mỗi tháng thì khi qui liễu được làm Phép Xác, Phép Đoạn Căn, Độ Thăng, làm Tuần Cửu, Đại Tường, Tiểu Tường, để đưa chơn hồn đi lên qua 12 từng Trời, bái kiến các Đấng Tiên Phật, bái kiến Đức Phật Mẫu và Đức Chí Tôn, sau đó được Tòa Tam Giáo Ngọc Hư Cung định phận.

Ngoài ra, từ xưa tới nay, muốn đạt những thành công vĩ đại thì bổn thân người đó phải có chí khí kiên cường bất khuất vượt qua các trở ngại lâm nguy; còn muốn đạt đến phẩm vị Tiên, Phật thì phải có lời Đại nguyện, giống y lời Minh thệ :
- Trước khi thành Phật A-Di-Đà, Ngài có 49 điều Đại nguyện.
- Thái Tử Sĩ Đạt Ta lúc mới xuất gia, có phát ra 4 điều Đại nguyện.

Vậy, việc Minh thệ là một việc làm rất có ích và rất có ý nghĩa đối với mỗi tín đồ Cao Đài, về phương diện phàm trần cũng như về phương diện thiêng liêng.

IV . Lập Minh thệ
có trái với tự do tín ngưỡng không ?

Từ ngày lập đạo, Đức Chí Tôn chưa hề bắt buộc người nào theo Đạo cả. Đức Chí Tôn chỉ vạch ra cho nhơn sanh thấy con đường nào chánh, con đường nào tà, con đường nào chơn thật đưa đến giải thoát khỏi luân hồi, con đường nào quanh co đưa đến tội tình sa đọa. Nhơn sanh hiểu biết rõ như thế để giác ngộ, rồi đi con đường nào hay không đi là tùy  ý  nhơn sanh lựa chọn và định đoạt.

TNHT : Nếu kẻ nào biết hiểu Thánh Ngôn của Thầy nơi miệng các con mà tỉnh ngộ thì số hằng sống của nó vốn còn, còn chẳng thì thôi, để chúng nó theo Tà quái.
Rõ ràng Đức Chí Tôn để nhơn sanh tự định đoạt đời mình, Chí Tôn chỉ đem lòng thương yêu hướng dẫn.
TNHT : Đạo là quí, của quí chẳng bán nài, các con đừng thối chí.
Như vậy nhơn sanh tự do chọn lựa tín ngưỡng, hoặc không tín ngưỡng tùy ý, không bắt ép hay nài nỉ ai cả.

Nhưng lập Minh thệ là sự biểu lộ quyết tâm theo Đạo tu hành đến trọn đời. Đừng bao giờ nghĩ rằng, theo Đạo Cao Đài để thử nghiệm hay có mục đích vụ lợi, mượn danh Đạo tạo danh đời.

Theo Đạo là một đại sự trong cuộc đời mình, nhập môn cầu Đạo và lập Minh thệ là một khúc quanh vô cùng quan trọng trong cuộc đời mình, nên cần phải cân nhắc cẩn thận, tìm hiểu cho kỹ lưỡng, xét nét cho thật nghiêm chỉnh các phương diện.

Đạo Cao Đài không bắt buộc ai theo Đạo, nhưng khi đã giác ngộ theo Đạo thì buộc phải theo trọn đời bằng việc lập Minh thệ, không cho người tín đồ Cao Đài thối lui trở lại đường đời, mà phải tiến mãi trên con đường Đạo, để được trúng tuyển vào Đại Hội Long Hoa trước khi xảy ra cuộc Tận Thế thay đổi cuộc diện nơi Địa cầu 68 nầy.

Tại sao khi ở ngoài vòng thì không buộc, mà khi đã vào cửa Đạo rồi thì lại buộc ?

Bởi vì thời kỳ nầy là mạt kiếp của Hạ Nguơn Tam Chuyển, bước qua Thượng Nguơn Tứ Chuyển lập đời Thánh đức, nhơn loại phải trải qua một cuộc Đại Phán Xét cuối cùng, để chấm dứt một chu kỳ tiến hóa cũ, bắt đầu một chu trình tiến hóa mới. Do đó, Đức Chí Tôn đại khai ân xá cho các đẳng chơn hồn, nếu ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về ngôi vị cũ. Thời kỳ nầy cần phải tu gấp, tu rút, không còn thời giờ để chần chờ nữa. Bởi vậy Đức Chí Tôn buộc Minh thệ là thể lòng thương yêu vô lượng của Đấng Cha Lành, buộc con cái phải gấp rút tu hành để kịp trở về cùng Ngài.

Địa cầu nầy sắp phải chịu một lần đổi thay, nhơn loại bị nạn chết chóc đủ cách sầu thảm, 10 phần chỉ còn sống có 1 phần mà thôi. Số nhơn loại sống sót là những người đủ trình độ đạo đức, đủ bác ái công bình, để các Đấng lập đời Thánh đức, tạo lập một xã hội đại đồng.

Cho nên việc lập Minh thệ là một quyền lợi tất yếu của người tín đồ Đạo Cao Đài.
Đương nhiên luật công bình thiêng liêng mở ra có thưởng ắt có phạt. Nếu thực thi đúng theo lời Minh thệ thì chắc chắn sẽ được thiêng liêng ân thưởng như đã trình bày

bên trên, còn nếu không giữ đúng lời Minh thệ hay làm ngược lại lời Minh thệ thì ắt bị phạt.

Cho nên, theo Đạo là để chí cốt tu hành, còn nếu cảm thấy không thể giữ được lời Minh thệ thì chưa nên theo Đạo. (Trích trong Cao Đài Từ Điển của Đức Nguyên)

V . Thất Thệ thì sao ?

Thế nào là Thất Thệ ?  Thất Thệ là làm mất lời thề, tức là không giữ được lời thề, không thực thi đúng lời thề, là vi phạm lời thề.

Trong phần II của bài nầy (đã trình bày ở các trang trước) : “Giải thích lời Minh Thệ” của Hội Thánh có ba mục : 1*, 2*, 3*, nếu không giữ đúng theo ba mục nầy thì phạm vào tội Thất Thệ.

Như Thất Thệ có bị Thiên tru Địa lục không ?
Đáp : Theo nguyên tắc thì phải bị Thiên tru Địa lục đúng theo lời thề, nhưng đối với một ông Cha hiền từ là Đại Từ Phụ, chỉ biết hăm he phạt nặng cho con cái sợ sệt mà lo tu hành, chớ có bao giờ Ngài giết chết con cái của Ngài. Những người thất thệ chỉ bị đọa vào Phong Đô, tức Cõi Âm Quang, để học đạo, nơi đó có Thất Nương DTC giáo hóa nữ phái và Địa Tạng Vương Bồ Tát dạy nam phái cho biết rõ lẽ đạo, đâu là phước, đâu là tội. Khi đã thức tỉnh biết rõ thì các Đấng nơi ấy cho đi đầu thai chuyển kiếp để trả quả theo đúng luật công bình thiêng liêng, đồng thời lo tu hành để được Đức Chí Tôn cứu vớt.

TNHT :  Hồng ân của Đại Từ Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn hồn sa đọa hằng hà, mỗi ngày xem chẳng ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy, đó là mấy Đạo hữu tín đồ thất theä.(TNHT 1-2 hợp nhứt, B 165)

Sau đây là kết quả việc Thất thệ của một tín đồ, tại Hương đạo Bá Hữu, Phận đạo đệ nhứt, có Phúc Trình dâng lên Hội Thánh.

Nội dung Phúc Trình, xin chép ra sau đây :
“ Chúng tôi là Bàn Trị Sự đương quyền Hành Chánh Hương đạo Bá Hữu thuộc Đệ I Phận đạo, đồng kính phúc trình một việc như sau :

Kính bạch Hội Thánh,
Nguyên trong Hương đạo chúng tôi có vị Đạo hữu Lê Văn Lòng 60 tuổi, qui vị ngày 17-giêng-Đinh Mùi, nhưng vị nầy trước kia còn sống thì có tánh hiền lương chơn thật, biết lập công bồi đức cùng Đạo, nhưng ông còn thiếu sự chay lạt và cúng kiếng. Ông không biết nên ngày qui vị của ông, Bàn Trị Sự chúng tôi hành lễ theo Châu Tri số 61 của Hội Thánh, thì có người con trai lớn của ông là Lê Văn Sen 29 tuổi, thợ hồ, yêu cầu Bàn Trị Sự chúng tôi hành lễ đủ kinh cho thân phụ người rồi thì sẽ ăn chay trong 81 ngày và tụng kinh trong Tuần Cửu, nhưng nói mà thông qua chớ không ăn chay, nên 10 giờ đêm ngày 17-3-Đinh Mùi, ông Lê Văn Lòng về nhập xác cho con về việc nói trên và cung khai các việc như sau :

Do sự chứng kiến của Liên gia trưởng và nhiều người lân cận nói lại, ông về mách bảo vợ con biết là ông thất thệ, hồi còn sống không ăn chay, nên bị tội ở Khách Đình của Hội Thánh, để chờ ngày thưởng phạt  của các Đấng.

Ông nói với vợ con rằng : Yêu cầu Bàn Trị Sự tụng kinh cho ông 3 đêm Sám Hối xin tội giùm ông, ông mới đặng siêu thăng, và ông đính chánh ông có hai tên : Nguyễn Văn Lòng tự là Lê Văn Bộ, mới đúng trong Bộ thiêng liêng và khi dâng sớ cầu nguyện cũng viết y như vậy.

Ông còn nói : Linh hồn ông hiện giờ còn ở lưng chừng, muốn đi đâu phải xin phép mới có người hướng dẫn, và muốn vô nhà nào cũng không được vì nơi gia đình tư nhân có thờ Chí Tôn thì không dám vô vì ở đó có Thần Thánh, mà ông là người có tội, vì ông không giữ đúng lời Minh Thệ khi  nhập môn  cầu đạo.

Ông Trưởng liên gia hỏi thêm ông : Hiện giờ ở Khách Đình có một mình ông hay có ai nữa không ?

Ông trả lời : Trùng trùng điệp điệp, những người thất thệ lưng chừng như ông còn ở đó mấy chục năm nay.

Ông nói đến đây rồi khóc òa lên và nói cho vợ con tin làm bằng chứng là cái mả của ông, mưa lở một phía bên trái, gần đầu. Việc nầy cũng đúng sự thật.

Đến đây ông xuất đi luôn.
Bá Hữu, ngày 18 tháng 3 năm Đinh Mùi (1967).
 (Bàn Trị Sự ký tên)

VI . Phần kết :

Những người đến nhập môn vào Đạo Cao Đài phần lớn không phải do hiểu biết giáo lý của Đạo, hay có đức tin Thượng Đế, mà là do cảm phục sự linh hiển hay sự cao cả của Đạo trong việc phụng sự bất vụ lợi giúp ích nhơn sanh.

Như trường hợp của ông Út Mô đã kể nơi phần I, ông cảm phục Đạo Cao Đài tổ chức một đám tang cho người đạo nghèo với đầy đủ nghi lễ, trong trật tự trang nghiêm và huyền bí, với tinh thần làm công quả bất vụ lợi, khiến cho người nghèo được làm đám cũng long trọng như người giàu. Ông cảm phục lẽ đó mà nhập môn vào Đạo.

Ông Út Mô chưa có đức tin tôn giáo, chưa có tín ngưỡng Trời Phật, chỉ thấy một mặt thể hiện tốt đẹp về nghi thức đám tang mà ông theo Đạo.

Nhưng đó là cái duyên rất cần thiết cho một người đến với Đạo. Nếu chưa có cái duyên nầy thì ông Út Mô chưa đến với Đạo.

Do đó, các Chức sắc trong cơ Phổ Độ của Đạo Cao Đài cần phải thuyết minh giáo lý cho các tín đồ hiểu rõ, để chuyển từ cái mê tín (là cái duyên) thành chánh tín thực  sự, hoàn toàn tin tưởng Đạo Cao Đài là chánh đạo có một giáo lý chơn thật đủ sức giải thoát con người ra khỏi biển khổ luân hồi, tin tưởng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu là hai Đấng Cha Mẹ chung của toàn cả chúng sanh, luôn luôn thương yêu và tìm cách cứu độ chúng sanh.

Riêng bản thân của người Đạo hữu Cao Đài, ngoài việc cúng kiếng và làm công quả, phải dành nhiều thời giờ để học luật pháp và giáo lý của Đạo có in trong các kinh sách thì mới hiểu rõ chơn truyền của Đạo, mới có đức tin vững chắc và mới không bao giờ xa Đạo hay bỏ Đạo mà thất thệ với Đức Chí Tôn.

*  Giải nghĩa vài từ ngữ đã dùng :
1 . Tại sao tín đồ Đạo Cao Đài gọi Đức Chí Tôn là Thầy ?
Đức Chí Tôn là từ mà tín đồ Đạo Cao Đài thường gọi Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, hay vắn tắt là Thượng Đế, Ông Trời, là Đấng Chúa tể CKVT và vạn vật.

Đức Chí Tôn giáng cơ dạy đạo, xưng mình là Thầy, gọi các người nhập môn vào đạo là các con, là chư môn đệ.

Vì thế, các tín đồ Cao Đài đều là môn đệ của Đức Chí Tôn và gọi Đức Chí Tôn là Thầy.

Đức Chí Tôn là cha của linh hồn, Đức Phật Mẫu là mẹ của chơn thần, nên chúng ta gọi Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ và Đức Phật Mẫu là Đại Từ Mẫu, là hai Đấng Cha Mẹ chung thiêng liêng của toàn cả chúng sanh.

2 . Cõi Âm quang là gì ? ở đâu ?
Trong TNHT I-II hợp nhứt, bài Thánh Ngôn số 159 và 165, Bát Nương và Thất Nương có giải rõ về Âm quang. Đây là cõi giữa Thiên đường và Địa ngục, được Đức Chí Tôn lập ra, sau khi đóng Địa Ngục mở tầng Thiên vào thời ĐĐTKPĐ trong Đại Ân Xá của Ngài.

Thời trước, các linh hồn phạm tội bị giam vào Địa ngục để quỉ sứ hành hình như đã nói trong Kinh Sám Hối, nhưng khi Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài cũng là Đại Ân Xá kỳ ba, Đức Chí Tôn phế bỏ Địa ngục, lập ra một cảnh mới là cõi Âm quang, để đưa các linh hồn tội lỗi đến đó  học đạo.

Thất Nương DTC dạy dỗ các nữ tội hồn, Địa Tạng Vương Bồ Tát giáo hóa các nam tội hồn. Ở cõi Âm quang chỉ có giáo hóa chớ không có trừng phạt.

Khi các tội hồn thức tỉnh, biết lẽ thiện ác thì được cho đi đầu kiếp nơi cõi trần để trả quả và tu hành, để được siêu thăng về cõi thiêng liêng.

3 . Chánh tín và mê tín là gì ?
Chánh tín là tin tưởng đúng đắn, chơn chánh.
Mê tín là tin tưởng mù quáng, quàng xiên, lầm lẫn.
Chánh tín thì chánh niệm, mê tín thì vọng niệm.

Chánh tín là tin tưởng tuyệt đối lời giáo huấn của Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Tiên, Phật là chơn thật, tin tưởng luật công bình thiêng liêng của Trời Đất.

Mê tín thì không tin luật công bình, luôn luôn vụ lợi, cầu cúng nhiều để Thần Thánh ban phước cho mình và gia đình mình. Thần Thánh công bình đâu bao giờ ăn hối lộ mà cầu cúng như vậy.

Muốn chuyển Mê tín qua Chánh tín thì chỉ có một cách là học đạo cho thấu đáo mà thôi.

4 . Cửu phẩm Thần Tiên :
Cửu phẩm Thần Tiên là 9 phẩm vị từ Thần đến Tiên, kể ra : Địa Thần,   Nhơn Thần,   Thiên Thần,
         Địa Thánh, Nhơn Thánh, Thiên Thánh,
         Địa Tiên, Nhơn Tiên, Thiên Tiên.

Theo PCT :
* Đạo hữu giữ tròn Minh Thệ và Tân Luật thì được đối phẩm Địa Thần.
* Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự, làm tròn phận sự thì được đối phẩm Nhơn Thần.
* Lễ Sanh đối phẩm Thiên Thần.
* Giáo Hữu đối phẩm Địa Thánh. vv . . . .

Home        [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ]  [ 19 ]  [ 20 ]  [ 21 ]  [ 22 ]  [ 23 ]  [ 24 ]