PHƯỚC THIỆN
I . Quá trình thành lập CQPT
Khởi đầu là Minh Thiện Đàn
do Đức Lý Giáo Tông lập ra tại làng Phú Mỹ tỉnh Mỹ Tho vào năm 1927 để Đức Lý
thu nhận các tín đồ tu chơn.
Năm 1929, Đức Lý Giáo Tông
giao Minh Thiện Đàn cho Đức Hộ Pháp cai quản. Đức Hộ Pháp đến Phú Mỹ hai lần để
cân thần, lựa chọn được tất cả 72 vị công quả.
Năm 1930, Đức Phạm Hộ Pháp
mua một sở đất tại xã Trường Hòa, lập ra Phạm Nghiệp là cơ sở đầu tiên của Phạm
Môn tại Tây Ninh. Tất cả 72 vị công quả nơi Minh Thiện Đàn được nhập về Phạm
Môn.
Các tu sĩ trong Phạm Môn
gọi Đức Hộ Pháp là Sư phụ và xưng mình là đệ tử. Tại Trường Hòa, Đức Hộ Pháp
cân thần chọn được 72 vị công quả Phạm môn.
Năm Quí Dậu (1933), một số
người ganh ghét, vu cáo Phạm Môn chống đối nhà cầm quyền Pháp, nên Pháp ra lịnh
đóng cửa các cơ sở lương điền, công nghệ của Phạm Môn. Đức Hộ Pháp phải cho
phân tán các vị nầy đi xuống các tỉnh Nam Kỳ khai mở các cơ sở lương điền, công
nghệ và thương mãi.
Đến năm Ất Hợi (1935), Đức
Hộ Pháp biến Phạm Môn thành Cơ Quan Phước Thiện với đầy đủ cơ sở lương điền
công nghệ và thương mãi ở khắp các tỉnh Nam Kỳ.
Năm Mậu Dần (1938), Cơ
Quan Phước Thiện (CQPT) được hợp thức hóa bằng Đạo Luật Mậu Dần, chánh thức là
một cơ quan của Đạo Cao Đài.
Cũng trong năm nầy, Đức Lý
Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp đồng ký tên lập Đạo Nghị Định số 48/PT ngày
19-10-Mậu Dần (dl 10-12-1938) xác nhận sự thành lập CQPT và Thập nhị đẳng cấp
thiêng liêng của CQPT.
Nền Đại Đạo đang phát
triển thì tình hình chánh trị của Việt Nam và thế giới biến chuyển, chánh quyền
Pháp cấm đạo, đóng cửa Tòa Thánh, bắt Đức Hộ Pháp và một số Chức sắc cao cấp
đày đi Madagascar vào giữa năm 1941. Sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, Nhựt
Bổn đầu hàng, Pháp trở lại Việt Nam, chánh quyền Pháp trả tự do cho Đức Hộ
Pháp, và đưa Đức Ngài trở về Tòa Thánh, vào ngày 4-8-Bính Tuất (dl 30-8-1946).
Đức Hộ Pháp tái thủ phận
sự, củng cố trở lại nền Đạo sau nhiều năm bị đàn áp điêu tàn.
Cuối năm Bính Tuất (1946),
Đức Hộ Pháp triệu tập Đại Hội Phước Thiện, thăng thưởng nhiều Chức sắc PT, rồi
Đức Hộ Pháp thành lập Hội Thánh Phước Thiện có Cửu Viện giống như bên Hội Thánh
Cửu Trùng Đài.
* * *
II .
Các phẩm Chức sắc Phước Thiện
Đạo Nghị Định 48 của Đức
Lý Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp thành lập Cơ Quan Phước Thiện, qui định 12
phẩm cấp Chức sắc Phước Thiện gọi là Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của CQPT,
với Đạo phục và dây sắc lịnh, kể ra như sau đây :
1 .
Phật Tử, (Đạo phục do Đức Chí Tôn định sau)
2 .
Tiên Tử, áo tràng trắng, khăn đóng vàng 9 lớp chữ nhứt,
DSL vàng có gắn lịnh bài,
chân mang giày trắng.
3 .
Thánh Nhơn, - như trên-
4 .
Hiền Nhơn, - như trên-
5 .
Chơn Nhơn, áo tràng trắng, khăn đóng trắng 7 lớp chữ nhơn,
DSL xanh có gắn lịnh bài,
không mang giày.
6 .
Đạo Nhơn, - như trên-
7 . Chí Thiện, như trên nhưng đội khăn
đen 7 lớp chữ nhơn.
8 . Giáo Thiện, áo tràng trắng, khăn
đen, DSL đỏ có lịnh bài.
9 .
Hành Thiện, - như trên-
10 .
Thính Thiện, - như trên-
11 . Tân Dân, áo dài trắng, quần
trắng, khăn đen.
12 . Minh Đức, - như trên-
(Viết tắt : DSL : dây sắc
lịnh).
Phẩm Hiền Nhơn trở lên
không còn phận sự trong CQPT, mà qua HTĐ giúp Hội Thánh HTĐ giữ gìn chơn pháp.
Dây sắc lịnh trong bộ Đạo
phục của Chức sắc Phước Thiện luôn luôn choàng từ vai trái xuống hông mặt, ý
nghĩa là thuộc về Chi Đạo của HTĐ.
Chức sắc CQPT chỉ có một
bộ Đạo phục, không có đại phục và tiểu phục như Chức sắc CTĐ hay HTĐ.
Chức sắc nữ phái Phước
Thiện có Đạo phục giống y như Chức sắc nam phái PT, nhưng đầu để trần, không
đội khăn, phẩm nào cũng vậy.
Người muốn gia nhập vào
CQPT thì trước hết phải là một Đạo hữu của Đạo Cao Đài, sau đó đến Đầu Tộc Đạo
xin giấy chứng hạnh kiểm và làm giấy hiến thân trọn đời cho CQPT. Khi có đủ hồ
sơ rồi thì đem nạp vào cơ sở PT mà mình muốn làm công quả tại đó, vị Chủ sở sẽ
chấp hồ sơ ấy gởi lên Bàn Cai Quản và vị Quản Tộc Đạo PT.
Đạo hữu khởi đầu làm công
quả nơi cơ sở PT, chưa chánh thức là người của CQPT, nên được gọi là Đạo sở.
Sau thời gian 6 tháng công quả, vị Đạo sở mới được chánh thức nhập vào CQPT với
phẩm khởi đầu là Minh Đức.
* * *
III . Tổ
chức Cơ Quan Phước Thiện
Tổ chức của CQPT có những
nét giống như Hành Chánh Đạo của Cửu Trùng Đài, nghĩa là cũng phân làm 2 phái :
nam phái và nữ phái. Hai phái nầy có quyền hành riêng biệt và chỉ điều hành bên
phái mình mà thôi.
Đứng đầu CQPT bao gồm cảø
2 phái nam và nữ là một vị Thời Quân chi Đạo của Hiệp Thiên Đài, gọi là Thống
Quản CQPT.
Dưới Thống Quản CQPT là 2
vị Chưởng Quản nam phái và nữ phái PT, phẩm Chơn Nhơn.
(Xem Sơ đồ tổ chức của
CQPT)
Dưới mỗi vị Chưởng Quản là
2 vị Phó Chưởng Quản : Đệ I và Đệ II.
Dưới Phó Chưởng Quản là
Cửu Viện PT : Cửu Viện PT nam phái giống y như Cửu Viện PT nữ phái, gồm 9 Viện,
có tên và nhiệm vụ giống y như bên Cửu Trùng Đài : Hòa Viện, Lại Viện, Lễ Viện,
Học Viện, Y Viện, Nông Viện, Hộ Viện, Lương Viện, Công Viện.
CQPT thì lo tạo tác Điện
Thờ Phật Mẫu để thờ phượng Đức Phật Mẫu, còn bên Hành Chánh Đạo CTĐ thì lo xây
dựng các Thánh Thất để thờ Đức Chí Tôn.
Hai tổ chức Hành Chánh và
Phước Thiện song hành nhau, các chức vụ tương ứng nhau, phận sự thờ phượng
tương đương nhau, do đó mà các Chức sắc CQPT đôi khi xem nhẹ mục tiêu chánh yếu
của Phước Thiện là cơ quan bảo tồn, cứu khổ ban vui cho chúng sanh, làm ra thật
nhiều của cải vật chất để thực hiện mục tiêu nầy.
So sánh tổ chức CQPT ở địa
phương với tổ chức Hành Chánh Đạo CTĐ ở địa phương :
Sơ đồ tổ chức Cơ Quang Phước Thiện
* * *
IV . Đại hội Phước Thiện
Đại Hội PT
là một hội nghị mà các hội viên gồm đủ đại diện của các thành phần Chức sắc
trong CQPT, kể ra :
- Các Phái
viên : đại diện cho các vị trong 3 phẩm : Minh Đức, Tân Dân, Thính Thiện.
- Các Nghị
Viên : đại diện cho các vị Hành Thiện.
- Các Chức
sắc PT từ Giáo Thiện đến Chơn Nhơn.
(Xem chi
tiết trong Đạo Luật Mậu Dần, phần Phước Thiện)
Phận sự của
Đại Hội Phước Thiện là :
1 . Kiểm
soát công việc hành đạo trong năm vừa qua, nhận định các ưu khuyết điểm.
2 . Chương
trình hành đạo trong năm tới, dự kiến mở rộng các cơ sở Phước Thiện.
3 . Kiểm
soát tài chánh và phỏng định số thâu xuất.
4 . Ý kiến
về cầu phong cầu thăng của Chức sắc PT.
Đại hội
Phước Thiện mỗi năm họp một lần ngay sau ngày Ba Hội lập Quyền Vạn linh họp
xong
* * *
V . Chơn
truyền của Phước Thiện
"
Phước Thiện là cơ quan bảo
tồn sanh chúng trên đường sanh hoạt nuôi sống thi hài, tức là cơ quan giải khổ
cho chúng sanh, tầm phương bảo bọc những kẻ tật nguyền, cô độc, dốt nát ít oi,
hoặc giúp tay cho bên Hành Chánh thi hành luật pháp cho đặng dễ dàng trọn vẹn.” (ĐLMD)
" Phước Thiện là cơ
quan tận độ, cốt để mở đường Thánh đức cho toàn sanh chúng có đủ phương thế
nhập vào Thánh thể, người ngoại giáo có thể nhờ nơi cửa Phước Thiện mà hiệp
cùng Hội Thánh.
Phước Thiện là phương bảo
tồn sanh chúng, tế khổn phò nguy, vì trong đời người không có sự khổ nào bằng
sanh, lão, bệnh, tử. Muốn thi hành cơ tận độ, những con cái của Đức Chí Tôn sẵn
có tài tình học thức, đã được lập công nơi cơ quan khác, còn sót lại những kẻ
dốt, kém, thật thà thì do nơi đâu mà lập công đoạt vị ? Chỉ có CQPT mới có đủ
phương thâu nhập toàn thể con cái Chí Tôn qui về cửa Đạo, nên gọi là cơ Bảo
tồn.
Muốn thật hành chánh nghĩa
Phước Thiện, con cái Chí Tôn đói phải nuôi, rách cho mặc, tật nguyền phải bảo
dưỡng, cô thế phải chở che, châu cấp người già cả, săn sóc kẻ bịnh hoạn, vv. .
. . nói tóm lại là phải gánh mọi sự khổ trên đời nầy.
Vả lại, đời là một trường
tranh đấu vì miếng ăn chỗ ở. Muốn sống phải no, ấm, mạnh.
Phước Thiện cứu kẻ khổ,
giúp kẻ nguy, dìu dắt cho có phương sanh sống, tuy không giàu mà tự toại, không
sang mà thung dung, mới có thể tránh được sự tranh đấu vì lẽ sống, tức là nâng
đỡ, bảo sanh cho hạng Tam dân (nông, công, thương) hưởng đủ quyền lợi mà mỗi
người được quyền sống hưởng theo luật tự nhiên của Tạo hóa.
Phước Thiện là phương pháp
làm cho bình đẳng giữa hai hạng người : vô sản và tư sản, hay nói cho đúng là
dung hòa quyền lợi chung hưởng chánh đáng, bất phân giai cấp sang hèn, tức là
huờn thuốc tự do bình đẳng bác ái.
Chơn truyền của Phước
Thiện lại còn phải thay thế cho Chí Tôn và Phật Mẫu thật hành cơ cứu khổ bằng
phương pháp là : làm cha những kẻ không cha, làm mẹ những kẻ không mẹ, làm anh
những kẻ không anh, làm bạn những kẻ thiếu bạn, làm chồng làm vợ những kẻ không
chồng không vợ, trong sự thương yêu cao quí và trong sự giúp đỡ chơn thành. Như
thế mới có thể thực hành cơ quan cứu khổ để nơi mặt thế.
Nếu CQPT bảo đảm được con
cái Chí Tôn dường ấy thì ân đức của Đại Đạo có thể sánh cùng Trời Đất, làm cho
đời khổ trở nên đời hạnh phúc, đời loạn trở nên đời an cư lạc nghiệp thì sự hòa
bình của đại đồng thế giới mới mong thành tựu đặng. “ (Trích Chánh Trị Đạo của
Trần Khai Pháp)
" Phải cho cơm những kẻ thiếu cơm, cho thuốc
những kẻ thiếu thuốc, cho hàn những kẻ không hàn chôn, chở che những kẻ bị đàn
áp bất công, binh vực những kẻ bị chúng hiếp, an ủi những kẻ buồn rầu, khuyến
khích những kẻ toan thối bước, độ những kẻ khổ tâm, lau chùi nước mắt những kẻ
cô độc đang khóc trước mặt mình.
“ Tóm lại, là phải tự hiến mảnh thân làm tế vật cho
Đức Chí Tôn để làm tôi đòi cho con cái của Người sử dụng trong công việc đem
hạnh phúc đến cho họ, để thực hành trọn vẹn cơ quan giải khổ của Đại Từ Phụ." (TNST-Q2-B 67)
* * *