CÚNG
TỨ THỜI
I .
Tứ Thời là gì ?
Tứ Thời là 4 giờ đặc biệt trong một ngày mà tại
4 thời điểm đó, hai nguyên khí Âm và Dương của Trời Đất, hoặc là khởi sanh hoặc là cân
bằng nhau.
Theo Tây phương thì một
ngày đêm có 24 giờ, nhưng theo âm lịch của Đông phương thì một ngày đêm có 12
giờ và đặt tên giờ theo Thập nhị Địa chi.
Sự tương quan như sau :
* Giờ Tý : từ 0 giờ đến
trước 2 giờ.
Giờ Sửu : từ 2 giờ đến trước 4 giờ.
Giờ Dần : từ 4 giờ đến trước 6 giờ.
* Giờ Mẹo : từ 6 giờ đến trước 8 giờ.
Giờ Thìn : từ 8 giờ đến trước 10 giờ.
Giờ Tỵ : từ 10 giờ đến
trước 12 giờ.
* Giờ Ngọ : từ 12 giờ đến trước
14 giờ.
Giờ Mùi : từ 14 giờ đến
trước 16 giờ.
Giờ Thân: từ 16 giờ đến
trước 18 giờ.
* Giờ Dậu : từ 18 giờ đến trước 20 giờ.
Giờ Hợi : từ 22 giờ đến trước 24 giờ (tức 0 giờ ngày
kế)
- Chánh Tý là đầu giờ Tý,
tức là lúc 0 giờ.
- Chánh Ngọ là đầu giờ
Ngọ, tức là lúc 12 giờ trưa.
(Chánh : nghĩa là đứng đầu).
Tại sao có việc sụt lại 1 giờ ?
Thí dụ : *- giờ Mẹo : thay
vì là 6 - 8 giờ, thì phải sụt lại 1 giờ, tức là 5 - 7 giờ; *- giờ Ngọ : thay vì là 12 - 14 giơ,ø thì
phải sụt lại 1 giờ, tức là 11 - 13 giờ;
vv ….
Đó là khi xem ngày giờ tốt
xấu trong việc gả cưới, động thổ cất nhà, gác đòn dông, khai trương cửa hàng,
vv…
Việc coi giờ tốt xấu thì
phải dùng các sách coi ngày giờ của Tàu, mà người Tàu khi làm sách thì căn cứ
vào giờ của Tàu tại Bắc Kinh (BK), nên khi VN dùng các sách nầy thì phải áp
dụng giờ BK, tức là phải đổi giờ VN ra giờ BK.
Giờ BK trước VN 1 giờ, ta
có bảng tương ứng :
- Giờ Bắc Kinh : 6
8 10 12 14 16
18 20
- Giờ VN : 5
7 9 11
13 15 17
19
Đổi giờ BK ra giờ VN :
- Giờ Mẹo BK : 6g -
8g tương ứng VN 5g - 7g.
- Giờ Ngọ BK : 12g -
14g -
VN 11g - 13g.
Do đó, khi coi giờ tốt xấu
thì phải dùng giờ BK tức là sụt giờ VN lại 1 giờ. Việc sụt lại 1 giờ chỉ đúng ở
VN, nơi các nước khác không còn đúng nữa.
Như vậy, ngoài việc coi
ngày giờ tốt xấu, trong tất cả trường hợp khác ở VN thì chúng ta phải dùng giờ
VN.
Giờ của VN cũng là giờ tại
Tòa Thánh Tây Ninh. Đức Chí Tôn nhận Tây Ninh là Thánh địa, Tòa Thánh Tây Ninh
là Đền Thờ của Ngài nên ngày giờ tại TTTN cũng là ngày và giờ của Thiên đình.
Sự biến đổi cường độ hai
khí Âm Dương trong một ngày được biểu diễn trong đồ thị sau đây :
Biểu diễn bằng đồ thị
- Đường liền : biểu diễn
sự biến đổi của khí Dương theo giờ.
- Đường đứt đoạn : biểu
diễn sự biến đổi của khí Âm theo giờ.
1. - Thời Tý, lúc 0 giờ, khí Âm cực
thạnh rồi giảm dần, khí Dương khởi sanh và cường độ tăng dần.
2. - Thời Mẹo, lúc 6 gờ sáng, khí Âm và
khí Dương cân bằng nhau. Sau đó khí Dương tiếp tục tăng và khí Âm tiếp tục
giảm.
3. - Thời Ngọ, lúc 12 giờ trưa, khí
Dương cực thạnh, khí Âm giảm đến mức triệt tiêu và khởi sanh trở lại với cường
độ tăng dần. Lúc đó, sách Nho gọi là Dương cực Âm hồi, nghĩa là: Dương cực đại
thì Âm khởi sanh trở lại.
4. - Thời Dậu, lúc 18 giờ tức 6 giờ
chiều, khí Âm và khí Dương cân bằng nhau.
Sau đó khí Dương tiếp tục
giảm và khí Âm tiếp tục tăng, để đến lúc 24 giờ thì khí Dương giảm đến mức
triệt tiêu và khởi sanh trở lại, còn khí Âm lúc đó cực thạnh.
Do đó, sách Nho gọi là :
Âm cực Dương hồi, nghĩa là : Âm cực đại thì Dương khởi sanh trở lại.
Vào 4 thời điểm trên, hai
nguyên khí Âm Dương của Trời Đất có sự biến đổi đặc biệt như thế nên gọi là giờ
linh, sự cúng kiếng và cầu nguyện trong các giờ nầy được các Đấng tiếp nhận dễ
dàng hơn vào các thời điểm khác.
* * *
II .
Nghi thức cúng Tứ Thời tại tư gia
1 .
Các bài kinh cúng Tứ Thời tại tư gia :
Tại Thiên bàn nơi tư gia,
chỉ có cúng Đức Chí Tôn, không cúng Đức Phật Mẫu, nên các bài kinh cúng Tứ Thời
tại tư gia gồm có 8 bài, kể ra :
- Niệm Hương
- Khai Kinh
- Kinh Ngọc Hoàng Thượng
Đế
- Kinh Phật giáo.
- Kinh Tiên giáo.
- Kinh Nho giáo.
- Bài Dâng Rượu hay Dâng
Trà.
- Ngũ Nguyện.
Việc tổ chức cúng Tứ Thời
tại tư gia, giống như cúng Thượng tượng, nhưng không có Dâng Sớ và không thài
hết 3 bài Dâng Tam bửu, chỉ thài bài Dâng Rượu nếu cúng lúc 12 giờ trưa hay lúc
12 giờ khuya, và thài bài Dâng Trà nếu cúng lúc 6 giờ sáng hay 6 giờ chiều.
(Còn việc tụng Kinh Di-Lạc, Kinh Cứu Khổ, Kinh Sám Hối thì tùy nghi).
2 . Nên cúng Tứ Thời đúng giờ.
Nên cúng Tứ Thời đúng giờ,
chỉ được xê xích trong vòng 15 phút. Mỗi thời cúng tại tư gia kéo dài chừng 20
phút và thời cúng tại Thánh Thất kéo dài chừng 30 phút vì có dộng chuông trước
và sau khi cúng.
Nên cúng đúng giờ qui định
vì ngày giờ tại TTTN (tức là giờ VN) cũng là giờ ở Thiên đình. Vào giờ Tý, khi
chúng ta cúng tại Tòa Thánh, Thánh Thất hay tư gia thì lúc ấy các Đấng thiêng
liêng cũng đang chầu lễ Đức Chí Tôn ở Thiên đình. Cúng đúng giờ để tất cả tín
đồ Cao Đài trên khắp nước VN đồng dâng lời cầu nguyện lên Chí Tôn và Phật Mẫu
thì sức cầu nguyện tổng cộng ấy rất vĩ đại, chắc chắn hai Đấng Cha Mẹ thiêng
liêng ấy rất hài lòng và ban rải hồng ân cho toàn cả chúng ta rất nên tốt đẹp.
Nhớ lại khi xưa, Đức Lý
Giáo Tông muốn xin Đức Chí Tôn thêm điều mật yếu vào Tân Luật, nên Ngài yêu cầu
toàn cả tín đồ cố gắng cùng với Ngài cầu nguyện Đức Chí Tôn thì mới kết quả.
Ngài viết trong TNHT như sau :
“ Lão tâu cùng Đại Từ Đại Bi xin thêm vào Luật những
điều bí mật yếu trọng ấy. Vậy chư hiền hữu cũng phải cầu khẩn với Lão, nội hạ
tuần tháng nầy thì khởi nguyện, dặn các Thánh Thất, các Đạo hữu phải để lòng
thành khẩn, hiệp sức làm một với Lão mà nài xin Thánh Luật, nghe à ! " (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 77)
3 . Nghi thức cúng Tứ Thời tại tư gia :
Thí dụ : Cúng thời Mẹo lúc
6 giờ sáng.
Nam thì mặc quần trắng, áo dài trắng, khăn đen.
Nữ thì mặc toàn trắng giống như nam, đầu để trần.
Chăm sóc Thiên bàn cho tinh khiết, đủ bông trái.
Rót nước thiên nhiên vào
chung nước trắng, đủ 8 phân; rót nước trà vào chung nước trà, 8 phân. Thời Mẹo
chỉ cúng nước Âm Dương. (Nếu thời Tý hay Ngọ thì không rót nước Âm Dương, chỉ
rót 3 phân Rượu vào mỗi ly).
Đốt 5 cây nhang, cầm hai
tay, đứng ngay thẳng trước Thiên bàn, xá sâu xuống 3 xá, cắm nhang vào lư
hương, hàng trong 3 cây, hàng ngoài 2 cây, nhìn vào thấy đủ 5 cây hương, không
cây nào bị che khuất.
1 . Gõ 3 tiếng chuông khởi đầu thời cúng.
2 . Xá
1 xá nhập đàn. Bước vào đứng trước Thiên bàn, hai tay bắt ấn Tý, xá 3 xá, quì xuống, đưa
ấn Tý lên trán lấy dấu Phật Pháp Tăng, rồi đặt giữa ngực, vừa cúi đầu vừa niệm
:
- Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
- Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.
- Nam mô Lý Đại Tiên Trưởng kiêm Giáo Tông ĐĐTKPĐ.
- Nam mô Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân.
- Nam mô chư Phật chư Tiên chư Thánh chư Thần.
3 . Tụng kinh Niệm Hương.
Khi tụng kinh, mắt nhìn
lên Thiên Nhãn.
Khi tụng đến danh hiệu các
Đấng thì cúi đầu.
Tụng xong, lạy Đức Chí Tôn
3 lạy 12 gật, mỗi gật niệm câu chú của Thầy (gật chậm để đủ câu niệm).
4 .
Tụng Khai Kinh.
Dứt bài kinh thì cúi đầu,
không xá, không lạy.
5 .
Tụng Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Tụng xong thì lạy Đức Chí
Tôn như mục 3.
6 .
Tụng Kinh Phật giáo.
Lạy 3 lạy, mỗi lạy 3 gật,
mỗi gật niệm : Nam mô Nhiên Đăng Cổ Phật Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
7 . Tụng Kinh Tiên giáo.
Lạy 3 lạy 9 gật, mỗi gật
niệm : Nam mô Thái Thượng Đạo Tổ Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn.
8 .
Tụng Kinh Nho giáo.
Lạy 3 lạy 9 gật, mỗi gật
niệm : Nam mô Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn.
9 .
Thài bài Dâng Trà.
Thài xong bài Dâng Trà thì
cầu nguyện hiến dâng linh hồn của mình cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng.
Nhưng, Đức Phạm Hộ Pháp
thuyết đạo cho biết trong Dâng Tam bửu có Bí pháp giải thoát, nên chúng ta dầu
trong thời cúng nào cũng nên cầu nguyện dâng hết Tam bửu lên Đức Chí Tôn. (Xem
phần III tiếp theo)
Chúng ta có thể nói lời
cầu nguyện như sau :
" Nam mô
Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát,
Nam mô Tam Trấn Oai Nghiêm,
Nam mô chư Phật chư Tiên chư Thánh chư Thần.
Con xin dâng thể xác của con, chơn thần và linh hồn
của con lên Đức Chí Tôn tùy phương sử dụng. Cầu xin các Đấng thiêng liêng chứng
minh."
Cầu nguyện xong, lạy Đức
Chí Tôn 3 lạy 12 gật, mỗi gật niệm câu chú của Thầy.
10 .
Tụng Ngũ Nguyện.
Lạy Đức Chí Tôn 3 lạy 12
gật, niệm chú đầy đủ.
11 . Đứng dậy, xá Thiên bàn 3 xá, lui
ra, nam tả nữ hữu.
12 . Gõ
3 tiếng chuông, xá đàn, chấm dứt thời cúng.
Trong hai thời Mẹo và Dậu,
tức 6 giờ sáng và 6 giờ chiều, sau khi cúng xong, chúng ta nên lấy một cái tách
(hoặc cái ly), rồi thỉnh hai chung nước Âm Dương trên Thiên bàn, kề hai miệng
chung lại rồi cùng đổ vào cái tách (hoặc cái ly), đứng trước Thiên bàn, đưa
tách nước Âm Dương ấy lên trán cầu nguyện . . . (Xin cho con uống tách nước Âm
Dương nầy để thân thể con được khỏe mạnh, trí não được thông minh sáng suốt lo lập công quả phụng sự nhơn sanh) . . . , xong rồi thì uống
cạn tách nước nầy.
Ích lợi : Hai chung nước
Âm Dương sau khi cúng xong, Đức Chí Tôn đã ban thanh khí vào đó nên nước ấy
khác hẳn với nước thường, khi uống là đem thanh khí vào cơ thể của chúng ta, nó
sẽ lần lần hóa giải trược khí trong cơ thể mỗi ngày một ít, đến lúc nào đó,
trược khí tiêu mất hết, thân thể chúng ta chỉ còn thanh khí, nên dứt hết các
thứ bịnh kinh niên, làm ta khỏe mạnh. Khi thực hành lâu dài, chúng ta sẽ thấy
được tác dụng huyền diệu nầy.
Các nhà khoa học đã thí
nghiệm như sau :
- Với một ly nước thường,
họ quan sát bằng kính hiển vi điện tử, thấy các phân tử nước di chuyển lộn xộn,
không có trật tự chi cả.
- Đặt ly nước ấy vào một
chỗ mà chung quanh có nhiều người chú nguyện vào ly nước, sau thời gian chừng
15 phút, các nhà khoa học đem ly nước ấy quan sát thì thấy các phân tử nước
trong ly nước bây giờ có vị trí trật tự, kết lại có dạng giống như hoa sen, hay
như hoa mai.
Cho nên, hai tách nước Âm
Dương sau khi cúng xong, chúng ta không nên đổ bỏ, rất uổng.
* * *
III . Bí
pháp giải thoát khi Dâng Tam bửu
1 .
Cách cầu nguyện khi Dâng Tam bửu :
Về cách thức cầu nguyện
khi Dâng Tam Bửu, Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo
dạy như sau :
- Hễ đưa Bông lên là dâng
cái hình thể của chúng ta, ta cúi đầu cầu nguyện Đức Chí Tôn :
" Con xin dâng mảnh hình hài của con cho Đức Chí
Tôn dùng phương nào thì dùng."
- Khi dâng Rượu thì cầu
nguyện :
" Con xin dâng cả trí thức tinh thần của con cho
Đức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng."
(Trí thức Tinh thần của con người là thuộc
Chơn thần).
- Khi dâng Trà cầu nguyện
:
" Con xin dâng cả linh hồn của con cho Đức Chí
Tôn dùng phương nào thì dùng.”
+ Câu chót, chúng ta nên nguyện gồm chung lại như vầy
:
" Cả Linh hồn, cả Trí não, cả Hình hài con, do Thầy
đào tạo, đó là của Thầy thì do nơi quyền hành độc đoán của Thầy định."
Khi dâng Tam Bửu lên Đức
Chí Tôn, hễ dâng Bửu nào thì cầu nguyện theo Bửu nấy, dâng xong một Bửu thì lạy
1 lạy 4 gật, mỗi gật niệm câu chú của Thầy : Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát
Ma Ha Tát.
Dâng Tam Bửu cúng Đức Phật
Mẫu tại Điện Thờ Phật Mẫu thì cầu nguyện với Đức Phật Mẫu, dâng Bửu nào thì cầu
nguyện theo Bửu nấy, lời cầu nguyện giống y như lời cầu nguyện đối với Đức Chí
Tôn, nhưng thay chữ Chí Tôn bằng chữ Phật Mẫu, xong mỗi Bửu thì lạy Phật Mẫu 3
lạy, mỗi lạy 3 gật, mỗi gật niệm : Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.
2 . Bí pháp dâng Tam bửu :
Tại sao Đức Chí Tôn buộc
tín đồ dâng Tam Bửu ?
Tại sao trong mỗi thời
cúng, Đức Chí Tôn buộc các tín đồ nam nữ đều phải dâng Tam bửu lên Đức Chí Tôn
và Đức Phật Mẫu ? Điều nầy có phải vì
lợi ích cho Đức Chí Tôn hay cho Đức Phật Mẫu không ?
Trả lời : Không, mà trái
lại là hoàn toàn vì lợi ích cho tín đồ, bởi vì đây là Bí Pháp giải thoát cho
mỗi tín đồ.
Bí Pháp thì phải bí mật,
nhưng thời ĐĐTKPĐ nầy, Đức Chí Tôn ban cho ơn huệ là Đại Ân Xá, nên Đức Chí Tôn
không giấu giếm Bí Pháp nữa, Đức Chí Tôn bày ra trước mắt nhơn sanh, để nhơn
sanh thấy rõ mà thực hành.
Đức Chí Tôn nhấn mạnh : " Gặp Tam Kỳ Phổ Độ nầy mà không tu thì
không còn trông mong siêu rỗi được."
Bí Pháp đó là : Đức Chí
Tôn biểu chúng ta dâng Tam bửu của chúng ta (thể xác, chơn thần, linh hồn) lên
cho Đức Chí Tôn để Đức Chí Tôn lấy ba thứ đó làm phương tiện PHỤNG SỰ VẠN LINH.
Tại sao gọi đó là Bí Pháp
?
Bởi vì chính nó là phương
cách giải thoát chúng ta khỏi luân hồi để linh hồn sau khi thoát xác, trở về
hiệp nhứt với Đức Chí Tôn, tức là đắc đạo vậy.
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết
đạo giải thích như sau :
" Ấy vậy, mỗi ngày, từ mơi tới trưa, đến chiều,
từ chiều đến khuya, từ khuya đến sáng, mình vô Đền Thánh kêu Đức Chí Tôn, kêu
Tam Giáo và các Đấng Thiêng liêng mà phân chứng trước : Thân tôi không còn là của tôi nữa, tôi đã
hiến cho Đức Chí Tôn, làm tôi tớ cho vạn linh, thay thế cho Đức Chí Tôn.
Giờ phút đó, chúng ta không biết tội nào chúng ta đã
làm, dầu có tội mà chúng ta không làm điều gì thêm nữa thì quả kiếp ấy tiêu
diệt, cơ quan giải thoát chúng ta đoạt, không thế gì định tội được.
Đức Chí Tôn biểu chúng ta không phải là chúng ta, mà
chúng ta không phải là chúng ta thì quả kiếp ấy không phải là của chúng ta, tức
nhiên ta đã đoạt cơ giải thoát."
Như vậy, mỗi ngày chúng ta
cúng Đức Chí Tôn, chúng ta đều cầu nguyện dâng Tam bửu (thể xác, chơn thần,
linh hồn, tượng trưng bằng Bông, Rượu, Trà) là dâng toàn thể con người chúng ta
cho Đức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng, tức là chúng ta hoàn toàn tùy thuộc
vào Chí Tôn sai khiến định liệu trong công cuộc Phụng Sự Vạn Linh. Chúng ta
không còn điều gì để lo lắng ngoài sự lo lắng làm thế nào thực hiện cho hoàn
tất mệnh lệnh của Đức Chí Tôn giao phó.
Bí Pháp Giải thoát ấy, Đức
Chí Tôn để hiển hiện ngay trước mắt nhơn sanh mà ít ai để ý suy nghĩ.
Nhưng việc thực hiện Bí
Pháp nầy được trọn vẹn thì cũng khó khăn vô cùng. Nhưng càng khó khăn thì càng
có giá trị xứng đáng. Đâu có dễ gì ! Nhưng không phải là quá khó khăn để chúng
ta không thể thực hiện được.
Nếu chúng ta có một Đức
Tin mạnh mẽ nơi Đức Chí Tôn và có một tấm lòng hy sinh, quên mình thì mọi việc
đều trở nên dễ dàng.
Cái tấm thân của ta đây,
cả chơn thần và linh hồn nữa, chúng ta đã giao hết cho Chí Tôn, giao thật sự
với đầy đủ ý nghĩa của nó, thì ta không còn gì là của ta nữa, đừng nói chi là
của cha mẹ ta hay vợ con ta.
Như vậy, cái TA tức là cái
NGÃ không còn nữa, thì đâu còn gì để CHẤP NGÃ. Đây là một phương pháp PHÁ CHẤP
triệt để, hiệu quả hơn tất cả phương pháp khác.
Sự dâng hiến nầy là để
Phụng Sự Vạn linh, nếu chúng ta thi hành một cách chí thành thì đủ đem chúng ta
trở về cùng Đức Chí Tôn, mà không cần làm thêm một điều gì khác nữa. Trong TNHT, Đức Chí Tôn có dạy rằng :
" Trong các con có nhiều đứa lầm tưởng, hễ vào
Đạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất
thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn
thân luyện đạo. Thầy nói cho các con biết, nếu công quả chưa đủ, nhân sự chưa
xong, thì không thể nào các con luyện thành đặng đâu mà mong.
Vậy muốn đắc quả, thì chỉ có một điều phổ độ chúng
sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy thì tìm cách khác mà làm âm chất, thì
cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng
có thể đạt địa vị tối cao." (TNHT1-2 hợpnhứt,
B108)
Trong Đạo Cao Đài, Đức Chí
Tôn cấm hẳn lối tu "Độc thiện kỳ thân" một lối tu ích kỷ, chỉ biết lo riêng
mình.
Thể pháp và Bí pháp của
Đạo Cao Đài đều đặt việc PHỤNG SỰ VAÏN LINH là trên hết.
Tóm lại, Đức Chí Tôn buộc
chúng ta dâng Tam bửu cho Ngài là vì Ngài muốn chúng ta thay thế Ngài mà lo
“Hoằng khai Đại Đạo, Phổ độ chúng sanh”, tức là lo Phụng Sự Vạn Linh, bởi vì đó
là Bí pháp đắc đạo để chúng ta trở về hội hiệp cùng Đức Chí Tôn và Phật Mẫu.
(Trích trong Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo)
* * *
IV . Ích lợi của việc cúng kiếng
1. - Đức Chí Tôn có dạy rằng :
“ Luôn dịp, Thầy nói cho các con biết :
Cúng Tứ Thời có ích cho các con lắm, chớ không
phải ích chi cho Thầy. Nếu cúng được thường thì lòng dạ nở nang, tứ chi luân
chuyển, có nhiều khi tật bịnh tiêu diệt." (TNST. Q1 B 39)
2. - Đức Quan Âm Bồ Tát cũng giáng cơ dạy rằng :
“ Các em phải cúng kiếng thường.
1 . Một là
tập cho chơn thần được gần gũi các Đấng thiêng liêng cho đặng sáng lạn.
2 . Hai là cầu khẩn với Đức Đại Từ Bi tha thứ tội
tình cho các em và cả chúng sanh.
3 . Ba là có tế lễ thì tâm phải có cảm, cảm rồi mới
ứng, ứng là lẽ tự nhiên.
4 . Bốn là tâm có cảm thì
lòng bác ái mới mở rộng, mà nhứt là khiếu lương tri lương năng của các em cũng
nhờ đó mà lần hồi thành ra mẫn huệ. Các em nhớ à ! "
(TNHT 1-2 hợp nhứt, B 162)
3. - Thất Nương DTC cũng có nói rằng :
" Lễ bái thường hành tâm đạo khởi."
" Sự thờ phượng hiến dâng cũng là hình thức để thể hiện lòng tôn kính,
chớ không phải vì sự thờ phượng hiến dâng ấy mà được độ rỗi an bài và siêu
thoát.
Nếu trong nếp sống thường nhựt, bản thân mình không
được trong sạch, lương thiện, hành động mình thất đức, lời nói bất nhơn, các
đối xử mình tàn ác, thì dầu chay lạt suốt đời, cúng lạy Tứ thời hiến dâng lễ
vật đầy chùa thất cũng không được sự hộ trì và cứu rỗi. . . . . . .
- Sự lễ bái cúng lạy quì
mọp, ngoài ý nghĩa trịnh trọng thi lễ với Phật Trời, lại còn có ý nghĩa câu
thúc thân mình trong sự khó khăn để trừ bớt nghiệp thân.
- Tịnh khẩu hoặc niệm Phật
tụng kinh để trừ bớt nghiệp khẩu.
- Nhắm mắt tham thiền,
hoặc ngó ngay vào Thiên Nhãn, hoặc ngọn nhang, ngọn đèn lưu ly là để trừ lần
nghiệp nhãn.
- Tham thiền định ý, khép
chặt tư tưởng suy nghĩ vẩn vơ phóng túng là để trừ lần nghiệp ý.
- Thiền định không chấp
nhận mọi tiếng động vào tai là để trừ lần nghiệp nhĩ.
Tóm lại, tất cả những điều
ấy là những phương pháp trợ giúp cho người tu hành được yên ổn trả dứt nghiệp
cũ, không gây nghiệp mới và tạo thêm âm chất để làm vốn liếng sản nghiệp vô
hình cho kiếp lai sanh hoặc cho bên kia thế giới.”
Chúng ta cúng lạy Đấng
Thượng Đế là để nhớ tưởng và biết ơn Đấng đã sanh ra linh hồn ta và dùng khí
sanh quang nuôi nấng linh hồn và chơn thần của chúng ta.
Chúng ta cúng lạy các Đấng
Tiên Phật là để nhớ tưởng tấm gương cao cả của các Đấng ấy đã hy sinh trọn đời
lo cứu độ chúng sanh.
Chúng ta không nên cúng
lạy với tinh thần vị kỷ, cầu lợi cho mình : cúng Phật để cầu Phật ban ơn cho
mình, cúng Tiên để cầu Tiên ban phước cho mình, mà nên cúng lạy với tinh thần
tôn kính các bậc phi thường và nguyện noi gương các Đấng ấy.
Có người ngoại đạo cho
rằng : Chúng ta thờ phượng và cúng lạy một tấm giấy. Nói như thế thật là ngu
muội đáng trách ! Bởi vì mỗi ngày các
nhân viên của cơ quan nhà nước chào quốc kỳ, cái chào đó không phải là chào một
miếng vải màu, mà là chào cái tinh thần của tổ quốc, cái hồn nước của chúng ta,
mà có biết bao người qua bao nhiêu thế hệ đã hy sinh để bảo vệ cái tinh thần
ấy, cái linh hồn của tổ quốc, của dân tộc.
Khi cúng Đức Chí Tôn,
chúng ta nhìn Thiên Nhãn
vẽ trên tờ giấy, chúng ta
không còn thấy tờ giấy nữa, mà chúng ta chỉ thấy một Đấng vô cùng cao cả, Đấng
Cha lành thiêng liêng đầy tình thương yêu nhơn sanh và lúc nào cũng muốn cứu
vớt nhơn sanh ra khỏi biển khổ trầm luân để trở về ở trong lòng Ngài.
Khi cúng Tứ Thời, chúng ta
tụng kinh thì cần phải học hỏi để hiểu ý nghĩa lời kinh. Với tấm lòng kính
thành, hợp với sự hiểu biết ý nghĩa lời kinh, làm cho tâm hồn ta yên lặng, bớt
vọng động, bớt phóng tâm nghĩ quấy, để lần lần chúng ta kềm giữ cái tâm, cái ý,
để sau cùng đạt được trạng thái định ý định tâm. Tụng kinh cũng là để cho lời
kinh dạy cái tâm của ta, vì các kinh tụng đều là tâm kinh.
Mặt khác, khi chúng ta
tụng kinh thì những vong linh vô hình ở chung quanh chúng ta cũng được nghe
kinh, nhờ đó họ có thể sớm giác ngộ mà hưởng được ân huệ của các Đấng thiêng
liêng, sớm cho đi tái kiếp.
* * *
V .
Giải nghĩa các từ ngữ đã dùng
Tam bửu :
Tinh Khí Thần :
Có hai trường hợp : Tam bửu
dâng lên Đức Chí Tôn và Tam bửu trong phép luyện đạo.
- Tam bửu dâng lên Đức Chí
Tôn :
Tinh là thể xác, tượng trưng bằng cái Hoa.
Khí là chơn thần, tượng trưng bằng Rượu.
Thần là linh hồn, tượng trưng bằng Trà.
- Tam bửu trong phép luyện
đạo : luyện Tinh hoá Khí, luyện Khí hiệp Thần, luyện Thần hoàn Hư.
Tinh là chất tinh túy nhứt
trong thân thể để di truyền nói giống. Đối với người nam, Tinh là chất tinh
trùng; đối với người nữ, Tinh là noãn châu.
Khí là chất bổ dưỡng cao
cấp, theo máu đi nuôi dưỡng các cơ quan trong thân thể cho được cường tráng,
nhứt là nuôi bộ não cho được minh mẫn sáng suốt.
Thần là chơn thần của mỗi
người. Thể xác cường tráng tinh anh thì chơn thần thanh nhẹ và mạnh mẽ.
Tinh của con người là do
máu thanh lọc và tích tụ chất tinh túy tạo thành. Theo lẽ tự nhiên thì chất
Tinh nầy tiết ra khỏi cơ thể theo đường tình dục để kết hợp với noãn châu của
người nữ, tạo thành thai nhi, lưu truyền nòi giống. Đó là thuận chuyển. Bây giờ
nghịch chuyển, luyện cho chất Tinh nầy đi ngược lại, biến hóa trở lại thành
chất bổ dưỡng cao cấp, gọi là Khí. Luyện được như vậy gọi là Luyện Tinh hóa Khí.
Luyện cho chất Khí ấy theo
máu nuôi dưỡng cơ thể cho được cường tráng, nhứt là đem lên bồi bổ não bộ cho
sung mãn, làm cho não bộ trở nên sáng suốt tinh anh. Não bộ là trung tâm hoạt
động của chơn thần, nên chơn thần người luyện đạo nhờ vậy mà được trong sáng,
mạnh mẽ, ấy là do được nuôi dưỡng bởi cái Tinh của người ăn chay trường rất
thanh, nên Khí cũng rất thanh. Luyện đặng như vậy gọi là Luyện Khí hiệp Thần.
Dùng chữ “hiệp” là vì mỗi người đều có sẵn một chơn thần (xác thân thiêng
liêng), chớ không phải do luyện đạo mới có chơn thần.
Cái chơn thần của người
chưa luyện đạo thì tầm thường yếu ớt mờ tối. Nhờ luyện đạo mà chơn thần của
hành giả được trong sáng, nhẹ nhàng, mạnh mẽ, hào quang ẩn ẩn muốn lòa, nhưng
chưa huyền diệu vì chưa thể xuất ra khỏi thể xác mà vân du thiên ngoại.
Phải luyện cho cái chơn
thần ấy được huyền diệu, có thể xuất ra hoặc nhập vào thể xác theo cái cửa là
Nê hoàn cung, tùy theo ý muốn của hành giả. Luyện được như vậy gọi là Luyện Thần hoàn Hư, đắc đạo tại thế.
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ]