Giải Thích Lời Minh Thệ & Nhập Môn Cầu Đạo - 3/24 (TTTN)


ĂN CHAY. Định nghĩa - Trai kỳ - Trường trai.
1. Định nghĩa :
Ăn chay là ăn các loại thực phẩm phát xuất từ thảo mộc hay được chế biến từ thảo mộc.
Thí dụ : Ăn các loại rau cải, hoa quả, củ đậu, tàu hủ, tương chao, các loại nấm, vv . . .
Trái với Ăn chay là Ăn mặn.
Ăn mặn là ăn các loại thực phẩm phát xuất từ động vật hay được chế biến từ động vật. Động vật là nói chung các loài vật cử động : bò, bay, máy, cựa.
Thí dụ : Ăn thịt heo, gà vịt, bò, cá, tôm, cua, ba tê, lạp xưởng, hột vịt lộn, cá mòi hộp, vv . .

.2 . Trai kỳ :
Chữ “chay” do chữ Hán là “trai” nói trại ra. Trai có nghĩa là trong sạch, thanh tịnh.
Trai kỳ là ăn chay kỳ, tức là ăn chay một số ngày nhứt định trong mỗi tháng âm lịch, những ngày còn lại thì được ăn mặn.

Có hai loại trai kỳ : Lục trai và Thập trai.
- Lục trai là ăn chay mỗi tháng 6 ngày, đạo Tiên gọi là Nguơn Thủy Lục trai, do Đức Nguơn Thủy lập ra.
Sáu ngày chay qui định trong tháng âm lịch là :
1,  8,  14,  15,  23,  30.

Nếu tháng âm lịch thiếu, không có ngày 30 thì ăn chay ngày 29 thế vào cho đủ 6 ngày chay.
- Thập trai là ăn chay mỗi tháng 10 ngày, đạo Phật gọi là Chuẩn Đề Thập trai, do Đức Phật Chuẩn Đề lập ra.
Mười ngày chay qui định trong tháng âm lịch là :
1,  8,  14,  15,  18,  23,  24,  28,  29,  30.

Nếu tháng âm lịch thiếu, không có ngày 30 thì ăn chay ngày 27 thế vào cho đủ số 10 ngày chay.

3 . Trường trai :
Trường trai là ăn chay trường, tức là ăn chay hoài từ ngày nầy qua ngày khác (không có ngày nào ăn mặn).

Theo Tân Luật, các tín đồ còn trong cấp Hạ thừa thì ăn chay kỳ tức là ăn 6 ngày hoặc 10 ngày trong tháng; còn các tín đồ trong bực Thượng thừa thì ăn chay trường.

Trong bực Hạ thừa, ăn chay 6 ngày trong một tháng là giai đoạn tập sự để cho quen dần với việc ăn chay, không nên giữ hoài như vậy, mà sau đó phải ráng tiến lên ăn chay 10 ngày trong một tháng thì mới được nhìn nhận là tín đồ thiệt thọ chánh thức của Đạo Cao Đài, mới thọ hưởng được các bửu pháp khi qui liễu, tức là các phép bí tích độ hồn trong cơ tận độ của Đức Chí Tôn; nếu còn ăn chay 6 ngày trong một tháng thì không hưởng được những điều nầy và tang lễ chỉ làm bạt tiến mà thôi.

(Làm bạt tiến là làm lễ đề cử dâng lên các Đấng thiêng liêng xin cứu giúp vong hồn cho được siêu thăng). (Xem Chương chót : Tang lễ)

Hai bực tín đồ : 10 ngày chay và 6 ngày chay trong một tháng, chỉ khác nhau có 4 ngày chay, mà quyền lợi trong Đạo rất khác biệt nhau. Chúng ta rất nên lưu ý.

Ăn chay nửa năm : Đối với người ăn chay 10 ngày trong một tháng, nếu ăn chay thêm 3 tháng có rằm lớn trong 1 năm (tức là tháng giêng, tháng 7 và tháng 10) thì tổng cộng ăn chay được nửa năm trong một năm.

(Ăn chay luôn 3 tháng thì được 90 ngày, còn lại 9 tháng, ăn chay mỗi tháng 10 ngày thì được 90 ngày. Tổng cộng ăn chay được : 90 ngày + 90 ngày = 180 ngày, tức là nửa năm).

4 . Ngũ vị tân còn gọi là Ngũ huân :
Ngũ vị tân là 5 thứ có vị cay nồng và mùi hôi. (Tân là cay). Ngũ vị tân gồm : hành, hẹ, tỏi, kiệu, nén.
Bên Phật giáo, khi ăn chay thì cữ Ngũ vị tân.
Tu theo Tiên giáo, khi ăn chay, không kiêng cữ các thứ nầy, hễ là thảo mộc thì được ăn.

Trong Thánh Ngôn Sưu Tập, Quyển 1, đàn cơ ngày 16-1-1926, ông Quí Cao giáng cơ gọi Ngũ vị tân là Ngũ kỵ, tức là 5 thứ cấm kỵ không cho ăn đối với Phật giáo.

Ông Quí Cao viết rằng :
“ Ngũ kỵ là : hành, tỏi, sả, ớt, tiêu.
Theo Phật giáo thì kỵ, Tiên giáo thì không.
Phật vì tích Mục Liên Thanh Đề  gọi là uế vật, là phi.
Tiên đạo cho dùng các thảo mộc, chẳng kỵ vật chi.”

Trong quyển sách Thiên Đạo của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu có viết về việc nầy như sau :
“ Trong Trời Đất không có chi là tuyệt đối, thì sự ăn chay tất nhiên cũng không nên tuyệt đối.
Cái nguyên tắc của sự ăn chay là ăn toàn những chất thuộc thảo mộc, thì năm thứ : hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu, gọi là Ngũ huân, vẫn là thảo mộc.
Có cữ chăng là những bậc công cao quả dày, tham thiền nhập định, vì nó có tính cách kích thích và thương tổn tinh thần.
Người mới học đạo cần phải lao động trong trường công quả thì chưa buộc phải kiêng cữ, nhưng ai kiêng cữ được cũng nên.

Vậy, việc ăn chay cũng như việc tu hành, không nên thái quá mà cũng không nên bất cập.”

5 . Người ăn chay trường có phải cữ trầu thuốc không ?
Để giải đáp vấn đề nầy, chúng ta phân bực tu Thượng thừa ra hai nhóm :
1 - Các Chức sắc còn nhiệm vụ phổ độ nhơn sanh.
Nhóm nầy hoạt động gần gũi với nhơn sanh, đi đứng nhiều, giao tiếp nhiều, nên Tân Luật không bắt buộc phải cữ Ngũ vị tân và không cấm ăn trầu hút thuốc. Tuy nhiên, nên cữ Ngũ vị tân vì cái hại của nó là làm cho tánh của mình thêm nóng nảy, cũng như cần phải cữ ăn trầu và hút thuốc vì nó gây thêm phiền toái và làm hại sức khỏe. Đã là Chức sắc của Hội Thánh thì nên kiêng cữ các thứ kể trên để làm gương tốt cho nhơn sanh.

2 - Nhóm tu thượng thừa luyện đạo trong Tịnh Thất.
Trong Tân Luật, phần Tịnh Thất, điều thứ 6 có ghi:
“ Nhập Tịnh Thất rồi phải tuyệt trầu thuốc và không được ăn vật chi ngoài mấy bữa cơm.”

Ngũ vị tân làm cho linh hồn yếu ớt; ăn trầu, hút thuốc thì hại kim đơn. Hành giả tu thiền định, luyện đạo cần phải kiêng cữ tuyệt đối các thứ kể trên.

II . Ích lợi của việc ăn chay :

1. Ăn chay thì giữ được Ngũ Giới Cấm dễ dàng.
Ngũ Giới Cấm là giới luật rất quan trọng đối với người tu ở bực thượng thừa. Không giữ tròn Ngũ Giới Cấm thì không thể đắc đạo được.

Người ăn chay trường thì giữ được Ngũ Giới Cấm dễ dàng, vì :
- Ăn chay trường thì tránh được sát sanh trong sự ăn uống. Đã không nỡ giết hại sanh vật để ăn thịt thì cũng đâu nỡ giết chúng để làm trò chơi. (Bất sát sanh)
- Hễ không ăn thịt thì cũng dễ cữ rượu, vì rượu thịt luôn luôn đi kèm nhau như bóng với hình. (Bất tửu nhục)
- Không ăn thịt uống rượu thì lòng dục lắng xuống, nên không nghĩ đến tà dâm, phá hại gia cang của người. (Bất tà dâm)
- Nhờ ăn chay trường mà lòng tham vật chất không có cơ hội nẩy nở. Đã tu rồi thì còn cầu chi tiền tài, của cải, vì khi chết, linh hồn đâu có đem theo được các thứ đó, chỉ đem theo công đức và tội lỗi mà thôi. Do đó việc trộm cướp hay gian lận tài vật rất ít khi xảy ra. (Bất du đạo)
- Nhờ ăn chay trường mà tâm hồn trở nên thanh cao, tránh được việc nói dối lường gạt người, gây đau khổ cho người mà đem lợi lộc về cho mình. (Bất vọng ngữ)

2 . Ăn chay để thanh lọc bản thể, tinh khiết chơn thần:
Những thức ăn mặn là huyết nhục của các loài động vật nên chỉ bổ dưỡng cho thể xác con người, vì thể xác con người cũng là huyết nhục.

Các thức ăn chay là rau đậu, trái cây, ngũ cốc; các thứ nầy nhờ hấp thụ trực tiếp ánh sáng mặt trời, dưỡng khí, đạm khí của không khí, lại hấp thụ các chất khoáng trong lòng đất, nên các thức ăn chay có hai tác dụng bổ dưỡng :

- Bổ dưỡng xác thân nhờ những chất khoáng hấp thu trong đất và đạm khí  trong không khí.
- Bổ dưỡng chơn thần nhờ hấp thu ánh sáng và dưỡng khí.

Như thế, chúng ta phải nhận rằng, với chế độ ăn chay đầy đủ gồm nhiều rau đậu và trái cây, ăn chay rất tốt so với ăn mặn, vì nó bổ dưỡng cả thể xác và chơn thần.

Người ăn chay trường lâu năm tạo được vừng hào quang trong sáng nơi đỉnh đầu, chơn thần cũng được trong sáng, tinh tấn, nên nhẹ nhàng hơn không khí. Đến kỳ thoát xác, chơn thần xuất ra khỏi thể xác một cách dễ dàng và bay khỏi bầu không khí đến các cõi thiêng liêng.

Người ăn mặn thì chơn thần mờ tối, trọng trược, vì ăn huyết nhục của thú cầm, nên nặng nề, không thể bay thoát khỏi bầu khí quyển được.

Thánh ngôn của Đức Chí Tôn dạy rõ rằng :
“ Nó (chơn thần) vẫn là chất tức hiệp với không khí Tiên Thiên, mà trong khí Tiên Thiên thì hằng có điển quang. Cái chơn thần buộc phải tinh tấn, trong sạch, mới nhẹ hơn không khí, ra khỏi ngoài càn khôn đặng.
Nó phải có bổn nguyên chí Thánh, chí Tiên, chí Phật, mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng.
Phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất chơn thần tinh khiết.

Nếu như các con còn ăn mặn, luyện đạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng. Như rủi bị huờn thì đến khi đắc đạo, cái trược khí ấy vẫn còn, mà trược khí thì lại là vật chất tiếp điển, thì chưa ra khỏi lằn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt.

Còn như biết khôn thì ẩn núp tại thế mà làm một bậc Nhơn Tiên  thì kiếp đọa trần cũng còn chưa mãn.
Vì vậy mà Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo.”  (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 20)
Bát Nương giáng cơ giải về cõi Âm Quang, cho biết : Muốn qua khỏi cửa Âm Quang thì phải ăn chay trường.

“ Ấy là một cái quan ải, các chơn hồn khi qui Thiên, phải đi ngang qua đó. Sự khó khăn bước khỏi qua đó là đệ nhứt sợ của các chơn hồn. Nhưng tâm tu còn lại chút nào nơi xác thịt con người, cũng nhờ cái sợ ấy mà lo tu niệm. Có nhiều hồn chưa qua khỏi đặng, phải chịu ít nữa đôi trăm năm, tùy chơn thần thanh trược. Chí Tôn buộc trường trai cũng vì cái quan ải ấy.” (TNHT1-2 hợp nhứt, B 159)

3 . Ăn chay là luyện tập Bi, Trí, Dũng :
- Loài vật nào cũng biết ham sống sợ chết như người, biết chỗ nguy hiểm thì tránh né hay trốn chạy để bảo tồn sự sống. Khi sắp bị giết chết, chúng biết sợ sệt và rên la đau đớn. Không giết hại chúng nó để ăn thịt là thể hiện lòng thương yêu, đức tánh từ bi. Do vậy, việc ăn chay là để tập cho tánh  BI  càng ngày càng phát triển.

- Khi ăn chay, chúng ta mới sáng suốt nhận định rằng, loài thú vật cũng được Thượng Đế ban cho nó sự sống như con người, nó chỉ là đàn em kém tiến hóa hơn con người mà thôi. Sau nhiều lần chuyển kiếp, chúng nó cũng sẽ tiến hóa lên thành người như chúng ta. Do đó, không giết hại chúng là để phát triển đức tánh sáng suốt trong con người chúng ta, tức là phát triển thể  TRÍ.

- Trước sự hấp dẫn của các món rượu thịt thơm ngon, cũng như sự mời mọc nài ép của bạn bè, ta can đảm từ khước, tức là ta có hùng tâm dũng chí, không để dục vọng thấp kém lôi kéo. Như vậy, ta có được cái  DŨNG.

Vậy, sự ăn chay là để phát triển ba đức tánh : BI, TRÍ, DŨNG trong con người chúng ta, để cuối cùng, ba đức tánh ấy phát triển rực rỡ cao tột thì đắc thành Tiên Phật.

4 .  Ăn chay là để tránh quả báo luân hồi :
Việc giết hại mạng sống của con vật tạo thành một ác nghiệp. Sau nầy, hồn của con vật ấy sẽ đòi chúng ta phải trả món nợ sát mạng đó, và theo luật công bình thiêng liêng, chúng ta phải luân hồi tái kiếp để đền trả mối nợ oan nghiệt ấy.

Còn  việc  ăn  chay, tuy cũng có giết hại mạng sống loài thảo mộc, nhưng tội nầy nhẹ hơn nhiều so với việc giết hại thú vật, vì loài thảo mộc kém tiến hóa rất nhiều so với thú cầm.

Hơn nữa, việc sát hại thảo mộc để nuôi sống xác thân của chúng ta, được chúng ta đền trả lại bằng xác thân của chúng ta khi chết.  Khi chết, xác thân của chúng ta được vùi chôn trong lòng đất, rồi dần dần sẽ tan rã thành những chất bổ dưỡng nuôi sống thảo mộc. Khi sống thì ta ăn thảo mộc, khi chết thì thảo mộc ăn lại xác thân ta. Thế là hòa, không ai nợ ai. Như vậy, việc ăn chay giúp chúng ta không mắc nợ oan nghiệt, mà không mắc nợ oan nghiệt thì thoát khỏi luân hồi.

5 . Ăn chay để kềm chế Lục dục Thất tình :
Ăn chay, ăn những thức ăn thanh đạm, không chứa máu thịt của loài động vật, nên làm dịu bớt bầu máu nóng trong người, dục vọng nhờ đó cũng giảm bớt cường điệu.

Lục dục Thất tình lúc nào cũng đòi hỏi xác thân làm cho nó thỏa mãn, nhưng nhờ ăn chay, chúng ta  kềm chế được nó, rèn luyện nó hướng tới mục đích thanh cao.

Thay vì chúng ta muốn giết một con gà để làm thành món ăn khoái khẩu, chúng ta nên lấy thức ăn thích hợp của gà rải cho nó ăn, để chúng ta nhìn nó đang sung sướng vui vẻ vì khoái khẩu. Chúng ta nhìn cái vui và cái sung sướng của con gà để chúng ta có được cái vui mừng cao thượng của kẻ ban ơn.

III . Giải đáp một số câu hỏi về ăn chay.

1.-)  Ăn tôm, cua, sò, ốc được kể là ăn chay không ?
Ăn tôm cua sò ốc, tức là ăn thịt các loài động vật. Chúng nó cũng có sanh mạng và sự sống. Phải bắt giết chúng nó thì mới ăn thịt được, rõ ràng ta phạm tội sát sanh, nên ăn tôm cua sò ốc dứt khoát không phải là ăn chay, mà đó là ăn mặn. Có người còn ngụy biện nói rằng vì chúng nó có máu trắng. Dù máu trắng nhưng chúng nó là loài động vật có tri giác, biết tìm thức ăn, biết chống cự hay trốn chạy ẩn núp khi mạng sống của chúng bị đe dọa.

2.-) Ăn chay có được dùng bơ, sữa, mật ong, trứng gà không?
Về bơ (beurre) và phô-ma (fromage), ta phân biệt hai loại : Bơ thực vật (beurre végétale) và Bơ động vật (beurre animale).
- Bơ thực vật làm bằng các chất béo của thực vật như đậu phộng, dừa, trái bơ; sữa thực vật như sữa đậu nành, sữa đậu phọng . . . Bơ và sữa thực vật là thức ăn chay hoàn toàn, người ăn chay trường dùng rất tốt.
- Bơ động vật và phô-ma là hai loại được chế tạo từ sữa bò, sữa trâu. Dùng các thứ nầy không mang tội sát sanh, nên người ăn chay trường có thể dùng các thứ đó làm thức ăn chay. Tuy nhiên về phương diện thanh và trược thì bơ, phô-ma và sữa động vật có tính chất trược hơn các thức ăn thảo mộc.

Do đó, bên Phật giáo vẫn cho phép dùng bơ và sữa động vật làm món ăn chay.

Nó có nguyên nhân xa xưa là lúc Thái tử Sĩ-Đạt-Ta từ bỏ lối tu khổ hạnh, chuyển qua lối tu trung đạo, Ngài kiệt sức, bất tỉnh, nằm chết giấc dựa cội cây bồ đề. Có một thiện nữ được báo mộng trước, hôm ấy chuẩn bị bình bát sữa tìm đến cội bồ đề, cúng dường cho Phật. Khi Phật tỉnh lại, Phật cầm bình bát sữa uống cạn, nhờ vậy, Phật dần dần phục hồi sức khỏe.

Về mật ong :
Mật ong do các con ong hút mật hoa hay hút chất đường rồi dùng nước miếng của nó tạo thành. Mật ong là thực phẩm hoàn toàn chay, rất bổ dưỡng, dùng cho người ăn chay trường rất tốt.

-  Về trứng  gà, trứng vịt, trứng cút :
Nếu các loại trứng có trống, tức là có chứa sẵn một mầm sống trong đó, để theo thời gian sẽ phát triển thành một sinh vật mới, khi dùng chúng làm thức ăn, tức là chúng ta sát hại mầm sống ấy, ắt phạm tội sát sanh.

Nếu trứng không trống, khi ta dùng thì không phạm tội sát sanh. Tuy vậy, trứng vẫn là chất trược, không làm cho chơn thần chúng ta trong sáng và thanh nhẹ, nên cần phải cẩn thận, không nên lạm dụng, tốt nhứt là không nên dùng.

Đối với những vị đang lập công trong trường thi công quả, việc ăn chay trường không nên quá bảo thủ khắt khe, nhứt là những khi đau ốm, cần phải phục hồi sức khỏe mau chóng để lo làm công quả, thì việc dùng thêm các loại bơ, sữa động vật, hay các loại trứng không trống, là một điều có thể thông cảm được vì không phạm giới sát sanh, nhưng chúng ta vẫn nhớ rằng các thức ăn ấy có chất trược, không tốt cho chơn thần.

Một điều mà chúng ta cần lưu ý là việc ăn chay là hành động tự giác tự nguyện vì lợi ích cho bản thân của chúng ta, chớ không phải lợi ích cho Đức Chí Tôn hay Phật Mẫu.

3)  Ăn chay trường có thành Tiên, Phật không ?
Nếu chỉ có ăn chay trường mà không làm công quả thì không thể thành Tiên, Phật đặng. Người ăn chay trường ấy, khi chết, chơn thần và linh hồn được trong sạch nhẹ nhàng, được siêu thăng lên các cõi Trời, hưởng sự an nhàn, nhưng không có ngôi vị là Tiên, hay Phật.

Muốn thành Tiên, Phật thì buộc phải có công quả.
“ Người dưới thế nầy muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật, muốn cho đắc đạo phải có công quả. Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo.” (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 17)

Muốn có công đức thì phải làm công quả.
Việc ăn chay trường chỉ tạo được chơn thần trong sáng, làm công quả mới đắc thành Tiên,  Phật.
Nhưng ngược lại, nếu có đầy đủ công quả mà không ăn chay trường thì cũng không thể thành Tiên, Phật được, vì chơn thần trọng trược không thể bay khỏi bầu khí quyển mà lên cõi thiêng liêng. Hơn nữa, vì ăn mặn nên còn bị linh hồn các con vật đòi các món nợ oan nghiệt, nên chúng nó buộc chặt chơn thần người đó không cho bay lên cõi TLHS.

Cho nên, muốn đắc thành Tiên Phật thì phải có đủ hai điều kiện : 1.- Đầy đủ công quả.  2.- Ăn chay trường.

4)  Ăn chay thì thanh, ăn mặn thì trược, tại sao ?
Có nhiều nguyên do, kể ra sau đây :
a.- Về cấp tiến hóa : Thảo mộc ở cấp tiến hóa thấp hơn động vật, chỉ có Sanh hồn; còn động vật thì ở cấp tiến hóa cao hơn, có được hai phần hồn là : Sanh hồn và Giác hồn. Do đó, loài động vật khi đau đớn biết rên la, khi sợ hãi biết chạy trốn.

b.- Về sự sinh sản và di truyền nòi giống : Loài thảo mộc có nhị đực và nhị cái ở trong cùng một cái hoa hay trên cùng một thân cây, nhờ ong bướm hay gió thổi mà nhị đực rơi vào nhị cái, kết thành trái và hột để di truyền nòi giống.

Loài động vật thì con đực và con cái là hai thân thể khác nhau, chúng có lòng dục nên tìm gặp nhau  giao phối, để sanh sản. Khi sanh sản thì máu huyết tiết ra dơ dáy.

Do đó, loài động vật thuộc Hậu Thiên Cơ ngẫu nên trọng trược, còn loài thảo mộc thuộc Tiên Thiên Cơ ngẫu nên thanh nhẹ.

c - Về sự sinh sống : Loài thảo mộc sống nhờ hấp thu ánh sáng mặt trời và hấp thu các tinh chất của không khí và của đất, nên thảo mộc chứa nhiều sinh tố và khoáng chất.

Loài động vật sống nhờ ăn thảo mộc hay ăn thịt lẫn nhau, nên thịt của nó chứa ít sinh tố và có chất độc.

Do đó, chúng ta ăn loài thảo mộc thì vừa bổ dưỡng chơn thần vừa bổ dưỡng thể xác, còn ăn thịt thú cầm thì chỉ bổ dưỡng thể xác mà lại làm cho chơn thần  ô trược.

d - Về tính dẫn điện :
Khi thoát xác, chơn thần của người ăn chay trường thì trong sáng, nhẹ nhàng, bay lên thoát qua lớp không khí dễ dàng; còn chơn thần người ăn mặn thì trọng trược mờ tối, nên không thể bay lên cao được, lại nữa, vì chơn thần trọng trược nên có tính dẫn điện tốt, dễ bị sét đánh tiêu tan khi bay lên cao.

5)  Thảo mộc có mạng sống, nên ăn chay cũng sát sanh, thì hơn ăn mặn chỗ nào ?
Thảo mộc là một loài trong chúng sanh, nó cũng có mạng sống, nhưng mạng sống của nó nhỏ bé hơn mạng sống của thú cầm, vì nó chỉ có một phần hồn là  Sanh hồn, và ở cấp tiến hóa thấp hơn thú cầm. Do đó, việc sát hại thảo mộc ít tội tình oan nghiệt hơn sát hại thú cầm.

Vả lại, muôn loài vạn vật phải ăn mà sống. Để giải quyết cái ăn nầy, Thượng Đế dùng “ Vạn linh phụng sự Vạn linh”, tức là dùng loài sanh vật nầy làm thực phẩm nuôi sống loài sanh vật kia, và loài sanh vật nào bị hy sinh nhiều nhất thì lại sanh hóa nhiều nhất để quân bình cuộc sống trong CKVT.

Thảo mộc và ngũ cốc là hai thứ sanh vật mà Thượng Đế dành để nuôi sống con người, nên cấu tạo cơ thể của con người không có móng vuốt và không có răng bén nhọn chơm chởm. Nếu con người ăn thịt thú cầm là do dục vọng muốn tìm khẩu vị khác lạ mà thôi.

Vậy con người ăn thảo mộc là thuận Thiên ý, nhờ đó con người mới tiến hóa nhanh. Còn ăn thịt động vật là do dục vọng của con người bày đặt thêm ra, trái với Thiên ý, nên nó trì kéo con người chậm bước tiến hóa.

Việc sát hại sanh mạng của con thú để làm thức ăn nuôi sống thân ta tạo thành một oan nghiệt. Hồn con thú ấy chờ khi ta chết, sẽ đến đòi mạng và kéo níu chơn thần chúng ta không cho siêu thăng về cõi thiêng liêng.

Còn việc sát hại loài thảo mộc để làm thức ăn nuôi sống thân ta, thì ta sẽ lấy xác thân ta khi chết để làm thức ăn cho thảo mộc, sự vay trả như thế là đồng đều, nên không tạo ra oan nghiệt.

6) Ăn chay có được phép ăn bù vào ngày khác không?
Hôm nay là ngày mùng 8 nhằm ngày ăn chay, nhưng vì tiệc tùng với người đời hay vì bạn bè nài ép, nên ăn mặn, rồi qua ngày hôm sau, ăn chay bù trở lại.  Việc đó thế nào ?

Chúng ta thấy rõ người ấy có tinh thần muốn ăn chay cho đúng các ngày theo luật định, nhưng vì một lý do vui vẻ nên không ăn được.

Như vậy là mình quá dễ dãi với sự đòi hỏi của xác thân, xem những lời nài ép của bè bạn quan trọng hơn lời Minh thệ giữ gìn Luật Đạo của mình. Đó là một sai lầm.

Việc ăn chay bù là để vớt vát lại nhưng nó chứng tỏ lương tâm mình không thắng nổi sự lôi cuốn của dục vọng thể xác. Thể xác thì thúc đẩy mình ăn uống rượu thịt vui say, mình chiều theo nó là mình yếu kém hơn nó, đầu hàng nó.  Từ sự thua nhỏ dần dần dẫn tới thua lớn, và vật dục sẽ làm trì trệ bước đường tiến hóa của mình, khiến chúng ta phải bị kẹt lại trong thời kỳ Chuyển thế, không kịp bước vào Nguơn Thánh đức.

9) Nhiều người ăn chay mà lời nói còn hung dữ quá ! Hành động còn thâm độc quá ! Tôi không cần ăn chay, miễn tôi làm lành làm phước là đủ rồi.

- Quả đúng như vậy. Nhưng đâu phải vì họ ăn chay mà họ trở nên hung dữ và thâm độc. Chúng ta nên nghĩ rằng : Nếu họ không ăn chay thì họ còn hung dữ và thâm độc hơn gấp bội. Nhờ ăn chay mà họ đã bớt tánh hung dữ nhiều lắm rồi đó.

Họ là người mới tập tễnh bước vào đường tu, hoặc là kẻ giả tu không chừng. Nhưng ta so sánh với họ làm gì ! So sánh với người kém hơn ta thì có ích lợi gì cho sự tiến hóa của ta, của linh hồn ta ? Hay chỉ để thỏa mãn tánh ích kỷ, cống cao ngã mạn của ta ?  Chúng ta muốn dừng lại ở mức tiến hóa nầy, hay muốn tiến hóa cao hơn nữa ?

Tại sao chúng ta không nhìn lên các bậc chơn tu có đầy đủ đức hạnh ? Chúng ta cần phải học hỏi và bắt chước các vị ấy thì chúng ta mới tiến hóa nhanh được.

10)  Ăn chay thì lòng phải chay là sao ?
Chay, chữ Hán là “trai” nghĩa là trong sạch. Lòng chay là lòng trong sạch. Đó là lòng biết quí trọng đạo đức, bác ái và công bình. Nếu ăn chay mà lòng không chay, tức là không biết ý nghĩa của việc ăn chay, hay biết mà không tin tưởng, thì không khác chi người không tiền mua cá thịt, đành phải ăn tương rau dưa muối vậy thôi, đâu có ích lợi gì cho đường đạo đức !
IV. Giải thích vài từ ngữ đã dùng.

1. Sự tích Ngũ vị tân theo Phật giáo :
Bà Thanh Đề là mẹ của ông Mục Kiều Liên, khi đến chùa lễ Phật, không mang theo cúng phẩm nên các vị tăng tiếp khách đón tiếp lạnh nhạt. Trong lúc đó, những vị mang nhiều phẩm vật đến cúng chùa thì được các tăng đón tiếp niềm nở, trà nước đầy đủ. Bà Thanh Đề đem lòng oán giận, nên sau đó, bà làm một mâm bánh bao nhưn thịt mang đến cúng dường thì các tăng thấy vậy ra tiếp đón rất niềm nở, trà nước đầy đủ.

Khi các tăng báo cáo lên Hòa Thượng trụ trì, Hòa Thượng biết rõ sự việc nên cấm nhặt chư tăng không được dùng các bánh bao nầy và phải đem đổ bỏ sau chùa.

Thời gian sau, nơi chỗ đổ các bánh bao nhưn thịtù, mọc lên 5 thứ cây có vị cay nồng và hôi hám. Đó là 5 thứ cây : hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu. Hòa Thượng trụ trì cho đó là uế vật, cấm chư tăng không được dùng làm thức ăn vì chúng kích thích lòng dục và tánh nóng nảy của con người.

2 . Tam hồn :
Theo luật tiến hóa của chúng sanh thì :
- Vật chất gồm đất, đá, nước, không khí được Thượng Đế tạo ra trước tiên, sau đó, vật chất tiến hóa lên thành loài thảo mộc, được Thượng Đế ban cho một phần

hồn gọi là Sanh hồn, làm cho thảo mộc có sự sống.

- Kế đó, thảo mộc tiến hóa lên thành loài thú cầm thì Thượng Đế ban thêm cho nó một phần hồn nữa gọi là Giác hồn để tạo cho nó sự hiểu biết và bảo vệ sự sống.

Vậy loài thú cầm đã có được hai phần hồn là : Sanh hồn và Giác hồn.
- Sau cùng, loài thú cầm tiến hóa lên thành người nguyên thủy và được Thượng Đế ban thêm cho một phần hồn nữa gọi là Linh hồn để con người có sự sống, có sự hiểu biết, có sự suy nghĩ và có tánh linh.

Như vậy con người có được Tam hồn gồm : Sanh hồn, Giác hồn và Linh hồn. Linh hồn là quan trọng nhứt vì nhờ nó mà con người linh hơn vạn vật.

3 . Tam thể xác thân.
Về phương diện tu hành, trong thân thể của con người có ba thể gọi là Tam thể xác thân.
- Thứ nhứt là thể xác, do cha mẹ phàm trần sanh ra và được nuôi dưỡng bằng thực phẩm phàm trần.
- Thứ nhì là chơn thần, tức là xác thân thiêng liêng, do Đức Phật Mẫu lấy nguyên khí nơi Diêu Trì Cung tạo thành. Chơn thần nầy làm khuôn mẫu cho thể xác và khi xuất ra khỏi thể xác thì lấy hình ảnh của thể xác. Trung tâm của chơn thần là não bộ và cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, đạo gia gọi là Nê hoàn cung.
- Thứ ba là chơn linh hay linh hồn, do Đức Chí Tôn lấy một điểm linh quang của Thái Cực ban cho.
Chơn linh điều khiển chơn thần, chơn thần điều khiển thể xác. Chơn linh không trực tiếp điều khiển thể xác. 
Home        1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ]  [ 19 ]  [ 20 ]  [ 21 ]  [ 22 ]  [ 23 ]  [ 24 ]