Giải Thích Lời Minh Thệ & Nhập Môn Cầu Đạo - 9/24 (TTTN)


PHÁP CHÁNH
I . Thành lập Bộ Pháp Chánh

Khi Đức Chí Tôn lập pháp Hiệp Thiên Đài, Đức Chí Tôn giao cho HTĐ hai nhiệm vụ :
- Nhiệm vụ thiêng liêng : phò cơ cho Đức Giáo Tông thông công với các Đấng Tiên Phật nơi cõi thiêng liêng.
- Nhiệm vụ phàm trần : cầm quyền luật lệ của Đạo.

Lúc đó, HTĐ chỉ có 15 vị : Đức Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, và 12 Thời Quân.
Sau đó, ngày 16-2-Ất Hợi (dl 20-3-1935) Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn vâng lịnh Đức Chí Tôn, giáng cơ lập 7 phẩm Chức sắc dưới Thập nhị Thời Quân, kể ra :

- Tiếp Dẫn Đạo Nhơn (Instructeur)
- Chưởng Ấn (Chancelier)
- Cải Trạng  (Avocat)
- Giám Đạo  (Inspecteur)
- Thừa Sử (Commissaire de justice)
- Truyền Trạng (Greffier)
- Sĩ Tãi (Secretaire Archviste)

Đức Hộ Pháp lập thêm một phẩm Luật Sự (Agent judiciaire) theo Sắc lịnh số 34 ngày 23-5-Bính Tý (dl 11-7-1936), và muốn vào phẩm nầy phải thi tuyển.

Chúng ta nhận thấy tên của các phẩm Chức sắc nầy đều có ý nghĩa về luật pháp.

Nhờ số Chức sắc dưới Thập nhị Thời Quân, Hội Thánh HTĐ thành lập Tòa Đạo để cầm quyền Tư Pháp của Đạo vào năm Mậu Dần (1938), lập ra các Tòa Đạo để xử trị các Chức sắc và Đạo hữu vi phạm luật pháp của Đạo.

(Tư pháp có nghĩa là quản lý luật pháp, lập ra các Tòa án để xét xử những người vi phạm luật pháp)

Ngày 15-10-Đinh Hợi (dl 27-11-1947), Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa đang đảm nhận nhiệm vụ Chưởng Quản Tòa Đạo, lập ra cách Tổ Chức và Nội Luật của Bộ Pháp Chánh, thì danh từ Bộ Pháp Chánh mới được sử dụng, và ngày 15-10-Đinh Hợi được xem là ngày thành lập Bộ Pháp Chánh, thay thế Tòa Đạo.

Bộ Pháp Chánh là cơ quan Trung ương tại Tòa Thánh coi về Tư Pháp của Đạo, dưới quyền Chưởng quản của một vị Thời Quân chi Pháp HTĐ. (Nếu không có  Thời Quân chi Pháp thì Thời Quân chi Đạo hay chi Thế đều có thể nắm quyền chưởng quản Bộ Pháp Chánh)

* * *
II . Nhiệm vụ và quyền hành

Bộ Pháp Chánh là cơ quan để bảo thủ luật pháp chơn truyền, dìu dẫn và lập vị cho nhơn sanh trong khuôn viên đạo pháp, gìn giữ cân công bình thể Thiên hành hóa, không ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài không biết.

Bộ Pháp Chánh lập ra các Tòa đạo cốt yếu là để binh vực những người bị uất ức, trừng phạt những người phạm luật pháp, gìn giữ quyền hành phân minh, đẳng cấp trật tự cho nền Hành Chánh Đạo.

Lập Tòa đạo là để răn trị kẻ phạm pháp luật, hầu tránh khỏi Thiên điều trừng trị, nếu bị thế trị thì mới mong giảm tội thiêng liêng, bằng không bị thế trị thì bị Thiên điều, có mong chi cứu rỗi.

Vậy, Pháp Chánh rất cần thiết để gìn giữ phẩm trật, địa vị của mỗi con cái Đức Chí Tôn và quyền hành phân minh trong các cơ quan của nền Đại Đạo.

Trách nhiệm trọng hệ hơn hết của Bộ Pháp Chánh là công bình, vô tư, vô vị.

Ngoài phận sự bảo vệ luật pháp chơn truyền giống như chư vị Thời Quân HTĐ, chư vị cầm quyền Pháp Chánh còn có phận sự chăm nom cả hành vi của toàn thể Chức sắc và Đạo hữu trong các cơ quan Hành Chánh Đạo và Phước Thiện trong phạm vi hành sự của mình, thị chứng các cuộc nhóm họp để giữ cho được hợp pháp.

Ngoài ra, Bộ Pháp Chánh còn được giao nhiệm vụ : Minh tra công nghiệp cầu phong và cầu thăng của tất cả Chức sắc Cửu Trùng Đài hay Phước Thiện nam nữ.

Nếu Bộ Pháp Chánh chứng nhận Chức sắc CTĐ hay PT có đầy đủ công nghiệp thì mới được đem tên vào sổ cầu phong hay cầu thăng phẩm cấp.

" Trong trường hợp điều tra, khi một Chức sắc phạm tội, Bộ Pháp Chánh có quyền tạm bãi miễn, tức là tạm thâu quyền và chức của vị ấy, để đưa bị cáo nhân ra Tòa Pháp Chánh điều tra hay thẩm phán, sau khi ấy, nếu trắng án, vô tội sẽ được phục quyền chức như cũ."
 (Trích trong quyển Chánh Trị Đạo của Ngài Trần Khai Pháp)

Do đó, Bộ Pháp Chánh có quyền hành rất rộng lớn, chi phối tất cả các Chức sắc CTĐ và CQPT.

Tóm tắt quyền hành rộng lớn của Bộ Pháp Chánh :
1 . Bảo thủ Luật pháp Chơn truyền của Đạo :
- Luật thì có Tân Luật, Đạo luật, Luật Hội Thánh.
- Pháp thì có PCT và Đạo Nghị Định.

2 . Lập các Tòa Đạo để xử trị những người vi phạm Luật pháp Đạo, từ hàng Đạo hữu đến các Chức sắc của CTĐ và Phước Thiện. (Riêng Chức sắc HTĐ vi phạm Luật Pháp thì có Ban Kỷ Luật HTĐ sửa trị).

3. Minh tra công nghiệp của Chức sắc CTĐ và Phước Thiện. Việc thăng phẩm Chức sắc hoàn toàn tùy thuộc vào sự minh tra nầy.
* * *
III . Tổ chức của Bộ Pháp Chánh

Bộ Pháp Chánh tổ chức các Tòa Đạo từ Trung ương đến địa phương.
Bộ Pháp Chánh bổ nhiệm các Chức sắc HTĐ (dưới Thập nhị Thời Quân) đi hành đạo về Pháp Chánh nơi các địa phương, từ  Tộc Đạo đến Châu Đạo và Trấn Đạo.
* Pháp Chánh tại Tộc Đạo là một vị Luật Sự (đối phẩm Chánh Trị Sự).

(Theo Hiến pháp của Chức sắc HTĐ thì phẩm Luật Sự chưa được bổ nhiệm làm Pháp Chánh Tộc Đạo, nhưng vì  số lượng Chức sắc Pháp Chánh quá thiếu nên phải bổ nhiệm Luật Sự làm Pháp Chánh Tộc Đạo).
            * Pháp Chánh tại Châu Đạo là một vị Sĩ Tải (đối phẩm Lễ Sanh).
            * Pháp Chánh tại Trấn Đạo là một vị Truyền Trạng (đối phẩm Giáo Hữu).
Đạo Lịnh số 16 ngày 13-giêng-Kỷ Hợi (dl 20-2-1959) qui định Bộ Pháp Chánh có 3 Văn phòng như sau :

1 .  Phòng Luận Án :
Vả lại phận sự xử đoán người phạm luật Đạo vốn do Hội Thánh CTĐ đảm nhận, nhưng trước khi xử đoán, hồ sơ phải gởi đến Bộ Pháp Chánh để Bộ nầy định phải giao nội vụ đến : Hội Công Đồng, hoặc Ban Kỷ Luật phân xử.

Và sau khi phân xử rồi, Hội Công Đồng hay Ban Kỷ Luật cũng phải gởi hồ sơ đến Bộ Pháp Chánh xem lại coi có đúng theo tinh thần luật pháp chăng.

Ấy là Pháp Chánh HTĐ giúp cho Hội Thánh CTĐ áp dụng luật pháp để giữ trật tự của Hội Thánh.

2. Phòng Kiểm soát công quả  hay
Minh Tra Công nghiệp (MTCN) hành đạo :
Mỗi năm có một lần phong thưởng những vị dày công phụng sự chúng sanh mà chẳng vi phạm pháp luật của Đạo và quốc pháp của Đời. Pháp Chánh HTĐ có phận sự kiểm soát hồ sơ công quả của Chức sắc, Chức việc hầu làm cho sự phong thưởng được công minh.

Hai phận sự giúp cho CTĐ thưởng người có công và răn kẻ có tội đã kể ở trên, đại ý là khuyến khích người đạo đức mau thành công trên đường Đạo và cảnh tỉnh kẻ sai lầm sớm giác ngộ ăn năn.

3 . Phòng Kiểm duyệt Kinh Luật (KDKL) :
Ngoài PCT và Tân Luật, Hội Thánh cũng tùy trình độ tấn hóa của nhơn sanh mà ban hành những thể lệ bổ túc, hầu nâng đỡ tinh thần đạo đức của bổn đạo. Dĩ nhiên, những thể lệ ấy tạm hữu dụng trong một thời hạn, rồi có ngày nó sẽ trở nên lỗi thời.

Pháp Chánh HTĐ có phận sự kiểm duyệt thể lệ ấy và đề nghị với Hội Thánh lập thể lệ khác thích ứng hơn.

Còn những kinh sách nào có tính cách tổn thương tinh thần đạo đức, Pháp Chánh HTĐ cũng được phép đề nghị hủy bỏ.

Ngoài các Phòng kể trên, Bộ Pháp Chánh còn tổ chức thêm 2 Phòng khác nữa là :
- Phòng Thẩm vấn.
- Phòng Nhân viên.


Trong Bộ Pháp Chánh, không có phân ra hai tổ chức : nam phái và nữ phái, như trong các cơ quan khác của Đạo. Chức sắc nam nữ của Bộ Pháp Chánh đều mặc đạo phục với áo mão đều giống hệt nhau, nhưng số lượng Chức sắc nữ phái rất ít so với nam phái.

Khi Bộ Pháp Chánh có nhu cầu tuyển dụng phẩm Luật Sự, Bộ Pháp Chánh dâng tờ lên Đức Hộ Pháp chưởng quản HTĐ để Đức Ngài ra Thánh lịnh mở khóa thi tuyển Luật Sự, ấn định thời gian, các môn thi, ban Giám khảo.

Hồ sơ dự thi nạp tại Bộ Pháp Chánh.
Những người thi đậu kỳ thi tuyển nầy được gọi là Luật Sự tập sự. Sau thời gian 1 năm huấn luyện và làm việc, các vị nầy mới được công nhận là Luật Sự chánh vị.

* * *
IV . Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy về Pháp Chánh

Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy Pháp Chánh :
“ Pháp luật vốn vô tư, đứng trong chánh giới chơn truyền, nó là Bác ái, Công bình. Thi hành luật pháp đại khái là làm cho cả chúng sanh biết tương thân tương ái trên đường  sanh sống và tấn hóa.

Vậy phận sự của Pháp Chánh HTĐ là gieo rắc sự thương yêu trong toàn sanh chúng : không tư chẳng vị và giúp chúng sanh một cách cận kề, kẻ hung người bạo, kẻ tham người tà, rồi tìm phương nâng đỡ tinh thần họ trở về với chơn lý. Đó là áp dụng Luật Bác ái.

Còn như kẻ dữ nào còn muốn giở lối    mị,  không  thể sửa cải được, chừng ấy mới đem pháp luật thi hành một cách công minh, chẳng vì thương mà trọng, không vì ghét mà khinh, chẳng vì trung trực mà binh, không vì tà vạy mà bỏ. Như thế thì cân tội phước mới chói rạng.

Ấy là phương bảo tồn trật tự trước Luật Công bình.

Vậy, thực hành cái thuyết Bác ái - Công bình là phận sự của Pháp Chánh HTĐ. Thành thử có khi dùng đức để cảm hóa, có khi dùng pháp luật để khuyên răn, cầu cho kẻ sai lầm giác ngộ chơn lý.

Nhưng chúng ta cũng chẳng khá quên rằng, ngoài pháp luật của Đạo, kẻ tu hành còn phải chịu dưới hệ  thống  thưởng  phạt  của Luật Nhơn Quả : Lành thì thăng, dữ thì đọa. Sự báo ứng chẳng hề sai chạy mảy may. Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu. Đó là một điều mà người hành đạo nên lưu tâm cho lắm.” (Hạnh Đường 1973)

Đức Cao Thượng Phẩm dạy Chức sắc CTĐ về Pháp Chánh :
" Cũng vì lẽ ấy mà nay Đức Chí Tôn giáng trần lập Đạo, lại chia hình thể của Ngài ra hai phần để có phương kềm thúc nhau trên bước đường lập vị.

Phần CTĐ chuyên về mặt giáo hóa nhơn sanh, còn phần của HTĐ thì lo về mặt luật pháp để bảo thủ chơn truyền của Đạo. Nhờ đó nền Thánh giáo của Đức Chí Tôn khỏi phải qui thành phàm giáo.

Cũng vì lẽ quyền hành riêng biệt ấy mà khiến cho hai bên thường có phản khắc đạo quyền, bởi tánh phàm thường hay có phạm những lỗi lầm mà chẳng chịu phục thiện, đặng cải sửa cho trở nên tận thiện.

Các em đâu hiểu rằng, Chí Tôn giao quyền sửa trị Chức sắc, Chức việc và toàn đạo nam nữ cho bên HTĐ là Thánh ý của Đức Chí Tôn muốn dùng hình phàm đặng  làm cho giảm bớt tội vô hình.

Nếu ai chẳng thận trọng để cho phạm vào luật pháp mà chẳng chịu pháp sửa trị của HTĐ thì rất uổng cho một kiếp tu mà không trọn phận, và đến khi rời bỏ xác phàm rồi, làm sao có cơ hội lập công nữa !  Mà một khi không lập công quả được nữa thì tội án đã phạm làm sao chuộc được, rồi mãi bị trầm luân khổ hải đời đời kiếp kiếp.

Vậy các em khá nhớ lời Bần đạo dặn mà giữ mình cho trọn phận trong lúc Tam Kỳ Phổ Độ nầy.

Thêm nữa, các em nên nhớ : Hễ khi các em đã vô tình hay cố ý mà phạm vào luật pháp thì hãy vui vẻ để cho luật pháp sửa trị đặng khỏi vướng tội vô hình.

Còn những người được lịnh HTĐ để sửa trị các em là những người ơn của các em, chớ không phải người thù theo tánh phàm của nhơn sanh đã tưởng." (TNST-Q2-B 50)

" Chơn truyền là gốc, luật pháp là chuẩn thằng, từ bi bác ái là đạo pháp.
Mỗi việc các em phải khá suy nghiệm cho kỹ lưỡng, phải luôn luôn nhớ rằng : Mình là người của chúng sanh, chớ chẳng phải chúng sanh là người của mình.

Mảnh thân phàm đã làm con vật hy sinh đặng Đức Chí Tôn dùng để sửa đời lầm lạc ra thuần phong mỹ tục, thì phải biết nó ra thế nào rồi, giá trị hay chăng là được trọn cùng không đó. Lại nữa, khi đã làm con vật hy sinh thì con vật ấy phải tùng theo sự điều khiển của chủ nó, nếu chẳng tuân thì sự hình phạt không tránh khỏi.

Các em có biết hữu hình là sao ? vô hình là sao ?  Hai đàng chỉ khác nhau như hình với bóng, hình thế nào thì bóng cũng thế ấy. " (TNST-Q2- B 64)
Home        1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ]  [ 19 ]  [ 20 ]  [ 21 ]  [ 22 ]  [ 23 ]  [ 24 ]