LUẬT
CÔNG BÌNH
I .
Nhân Quả : Luật công bình thiêng liêng
Nhân hay Nhơn là cái nguyên do, cái
cớ; Quả là cái trái, kết quả. Nhơn Quả là Nhân nào thì Quả nấy.
Nhân ví như cái hột, Quả
ví như cái trái. Hễ gieo hột dưa thì mọc lên cây dưa, cho ra trái dưa; gieo hột
đậu thì mọc lên cây đậu chớ không thể mọc lên cây dưa, rồi cây đậu sanh ra trái
đậu.
Cho nên sách Nho nói :
Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu (Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu).
Luật ấy không bao giờ sai chạy, đó là Luật Nhân Quả.
Một cái nhân tạo ra cái
quả, quả nầy tạo ra nhân mới, nhân mới lại tạo ra quả mới, cứ thế tiếp diễn
mãi. Nếu như muốn không có quả thì đừng tạo nhân.
Luật Nhân Quả thể hiện sự
công bình của Trời Đất.
Đấng Thượng Đế chí công vô
tư, không vì thương mà thưởng, không vì ghét mà phạt. Đấng ấy lập ra Luật Nhân
Quả và cầm cây cân Công bình thiêng liêng để cho Luật Nhân Quả tác động một
cách chính xác công bình.
Trong sách Minh Tâm Bửu
Giám có viết : “ Thiên địa vô tư, Thần minh thì sát, bất vị tế hưởng nhi giáng
phúc, bất vị thất lễ nhi giáng họa.”
Nghĩa là : Trời Đất không riêng (công bình), chư Thần sáng suốt thường
xem xét, chẳng vì hưởng tế lễ mà ban cho điều tốt lành, chẳng vì thất lễ mà
gieo xuống tai họa.
Thượng Đế và các Đấng
thiêng liêng là những Đấng chí công vô tư, không đem phước đến cho ai, cũng
không đem họa đến cho ai. Các Đấng ấy chỉ giữ Luật Nhân Quả làm Luật công bình
thiêng liêng, cho thể hiện một cách đúng lẽ công bình đi từ Nhân tới Quả.
Tất cả những sự chi đưa
đến cho mình, dầu việc ấy có xấu có tốt, vui buồn, lành dữ, đều là Quả do cái
Nhân mà mình đã tạo ra trong quá khứ hoặc xa hoặc gần. Mỗi việc mình làm là
Nhân, Nhân lành hay Nhân dữ, trong đó bao gồm cả lời nói, ý nghĩ và hành động,
thì cái Quả liền tượng hình ra theo cái Nhân ấy, để đến lúc đúng hạn kỳ thì nó
báo đáp phát ra.
Trong Luật Nhân Quả, thời
gian đi từ Nhân tới Quả không nhất thiết phải xảy ra ngay, có thể xảy ra một
thời gian sau trong một kiếp sống hay có thể xảy ra trong nhiều kiếp, nhưng
nhứt định phải xảy ra, Quả luôn luôn tương xứng với Nhân, không bao giờ sai
chạy.
- Nếu Nhân và Quả xảy ra
ngay trong một kiếp sống thì gọi là : Hiện kiếp Nhơn quả, cũng gọi Báo ứng nhãn
tiền.
Một người lúc trẻ làm
nhiều việc gian ác, đến khi trở về già thì phải chịu cảnh khốn cùng, tủi nhục,
đau đớn ê chề, rồi mới chết. Đó là Báo ứng nhãn tiền xảy ra trong một kiếp.
- Nếu Nhân ở kiếp trước mà
Quả báo ứng xảy ra trong kiếp hiện tại thì gọi là Tiền kiếp Nhân quả.
- Nếu Nhân trong kiếp hiện
tại mà Quả báo sẽ xảy ra trong kiếp sau thì gọi là Hậu kiếp Nhân quả.
Có Luật Nhơn quả mới có sự
Luân hồi, hay nói cách khác, Luân hồi là hệ quả của Luật Nhân quả. Vì gieo nhân
trong kiếp trước mà chưa trả được nên phải chịu luân hồi, đầu kiếp trở lại để
trả quả.
Trong xã hội, chúng ta vẫn
thường thấy có nhiều người giàu sang danh vọng, nhưng họ lại nghinh ngang hống
hách, chỉ biết mưu lợi hại người, làm điều gian ác, dối trên lừa dưới, thế mà
họ vẫn lên chức đều đều, giàu có thêm lên, mặc cho người đời nguyền rủa.
Đừng nghĩ rằng Luật Nhơn
quả sai ! Những người đó được vậy là vì cái Quả lành của họ đã tạo ra từ nhiều
kiếp trước vẫn còn để họ hưởng, nhưng họ không biết tô bồi cái Quả lành đó
trong kiếp nầy, đến chừng hưởng hết Quả lành thì sẽ bắt đầu trả quả, và sự trả
quả đó có thể xảy ra trong những ngày cuối đời của họ hay trong kiếp sau, nhưng
nhứt định là phải trả, không trốn tránh vào đâu cho được.
KSH : Người làm phước có khi mắc nạn,
Kẻ lăng loàn đặng mạng giàu sang.
Ấy là nợ trước còn mang,
Duyên
kia chưa dứt còn
đang thưởng đền.
TNHT : Ức lòng
dễ tỏ đặng cùng
ai !
Hiền
đức mà sao chịu khổ hoài.
Lão nói
tỏ tường cho đó hiểu,
Cũng là vay trả
luật xưa nay.
Các ngoại đạo tà kiến thấy
người làm điều thiện mà lại sanh vào đường ác, kẻ làm ác lại sanh vào nẻo
thiện, liền cho rằng Nhân Quả đều không, thậm chí còn bài bác và cho rằng tất
cả đều không.
Người làm thiện mà phải
sanh vào nẻo ác là vì ác quả của đời trước vẫn còn dây dưa chưa dứt nên phải
chịu nốt, Nhân thiện hiện tại sẽ sanh Quả thiện tương lai. Đây là đạo lý Tam
thế Nhân quả mà Đức Phật đã nói trong kinh Thiện Ác Nghiệp Báo.
Trong kinh Nhơn Quả cũng
có viết rằng : Muốn biết cái Nhân đã qua, hãy xem cái Quả hiện tại; muốn biết
cái Quả tương lai, hãy xem cái Nhân hiện tại.
Nhơn nào Quả nấy, chắc
chắn không bao giờ sai, chỉ có thời gian báo ứng lâu hay mau mà thôi.
Chúng ta là người phàm
không bao giờ biết được thời gian báo ứng đó lúc nào xảy ra, cho nên đừng nên
lộng ngôn mà phê phán sai lầm, than Trời trách Đất, mà mang trọng tội cùng các
Đấng thiêng liêng.
Khi đã biết rõ Luật Nhân
Quả rồi, mỗi người muốn cho đời mình được may mắn tốt lành, thì ngay từ bây giờ
phải tạo ra cái Nhân lành : Thân làm điều lành, Khẩu nói điều lành, Ý nghĩ
trong sạch. Thấy thì dễ nhưng luôn luôn chúng ta bị Tam độc (Tham, Sân, Si)
phản kháng, rồi dụ dỗ lôi cuốn chúng ta theo nó để tạo ra Nhân xấu :
- Lòng tham làm giảm giá
trị con người, làm tinh thần lụn bại, như tham lam của cải tiền tài, tham công
danh sự nghiệp bất chánh, tham mê tửu sắc tài khí. Cái lòng tham ấy mỗi khi dấy
động, nó tạo ra lớp mây mù che lấp lương tri, làm cho ta không còn phân biệt phải
trái, liêm sỉ, miễn làm sao cho thoả mãn lòng tham dục.
- Tánh sân giận nổi lên
thì sanh ra si mê ám muội, xúi giục con người hành động theo lục dục thất tình
thấp hèn, tạo ra biết bao nhiêu điều ác.
Cho nên, Đạo Cao Đài đưa
ra các giới luật như : Ngũ giới cấm, Tứ đại điều qui, vv... là để ngăn chận
không cho Tham Sân Si dấy lên xúi giục ác hành.
Hiểu biết rõ Luật Nhân
quả, chúng ta có được những lợi ích sau đây :
* Không còn mê tín dị
đoan, không cầu cúng xin xỏ Thần quyền.
* Tin tưởng mình là tác
nhân chủ động tạo ra số phận của mình.
Không chán nãn, trên không
trách Trời, dưới không trách người, chỉ nên trách mình.
* * *
II . Luân hồi
Luân là cái
bánh xe, hồi là quay trở lại. Luân hồi, nghĩa đen là xoay tròn như cái bánh xe,
quay đi rồi trở lại, mãi mãi như thế.
Luân hồi là một tín thuyết
đã có từ thời thái cổ của nước Ấn Độ, với đạo Bà-La-Môn, cho rằng linh hồn của
một sinh vật, sau khi sinh vật chết, linh hồn trở lại đầu thai vào một sinh vật
khác và cứ thế tiếp diễn mãi.
Đức Phật Thích Ca mở đạo
Phật thời Nhị Kỳ Phổ Độ, lấy thuyết Luân hồi làm giáo lý căn bản.
Đức Phật nói : Kiếp sống
của con người sanh ra rồi chết, chết rồi đầu thai trở lại, tức là sanh sanh tử
tử cứ thế nối tiếp nhau, như cái bánh xe quay tròn không bao giờ ngừng nghỉ.
Sự Luân hồi chỉ là thể
hiện của Luật Nhân quả, có Nhơn thì phải có Quả, hết Nhơn thì hết Quả, dứt luân
hồi.
Con người sống nơi cõi
trần có ba thể gọi là Tam thể xác thân :
- Xác thân phàm bằng vật
chất (thể xác) : Giả thân.
- Xác thân thiêng liêng :
Chơn thần hay Chơn thân.
- Một điểm linh quang do
Đức Chí Tôn ban cho gọi là Linh hồn để điều khiển chơn thần và thể xác.
Khi một con người nơi cõi
trần chết đi, thể xác sẽ tan rã biến trở lại thành đất, còn chơn thần và linh
hồn thoát ra khỏi thể xác, trở về cõi thiêng liêng,
mang theo :
- Những điều học hỏi và
kinh nghiệm.
- Những công đức và tội
lỗi đã gây ra.
Nơi cõi thiêng liêng, chơn
thần và linh hồn được đưa đến trước Minh Cảnh Đài xem lại khúc phim của cuộc
đời mình, từ lúc mới sanh cho đến lúc chết, các hành vi thiện ác cùng lời nói
đều hiện lên đủ cả, không sót một thứ gì, để nơi đây, cây Cân Công bình thiêng
liêng cân tội phước và định phận :
- Nếu công đức nhiều hơn
tội lỗi thì linh hồn và chơn thần sẽ được ban thưởng bằng những phẩm vị Thần,
Thánh, Tiên, Phật tương xứng.
- Nếu công đức ít mà tội
lỗi nhiều thì linh hồn và chơn thần bị đưa trở lại cõi trần để đầu kiếp mà trả
quả, và cũng để lập công chuộc tội.
Những công đức, tội lỗi và
kinh nghiệm học hỏi được trong kiếp sống tạo thành hột giống luân hồi rút vào
trong chơn thần, tạo thành cái Nhân, quyết định kiếp tái sinh có đời sống sang
hèn, hạnh phúc hay khổ đau, làm quan hay dân, vv... ấy là cái Quả do Nhân tạo
ra.
Linh hồn và chơn thần cứ
mãi luân chuyển như thế, lên lên xuống xuống, không bao giờ dứt. Đó là Luân
hồi.
Muốn thoát khỏi Luân hồi
thì phải làm sao ?
- Phải tu, tu để dứt Nhân
xấu, tạo Nhân lành : Nhân xấu thì Quả xấu tức là phải Luân hồi, Nhân lành thì
hưởng Quả lành tức là đạt được phẩm vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng, ấy là
thoát khỏi Luân hồi.
Giáo lý về luật Nhân quả
và Luân hồi cho chúng ta lòng tự tin, tự thấy mình là chủ nhân của đời mình,
mình làm ra cái gì thì mình hưởng thụ cái đó, không ai giành giựt với mình,
mình tạo ra Nhân gì thì mình hưởng Quả nấy, chớ không ai đem họa hay phước đến
cho mình.
Chúng ta phải cố gắng kềm
hãm lục dục thất tình, xa lìa tam độc, để cho tư tưởng, lời nói, hành động của
mình được chơn chánh, thiện lương, tức là mình gieo Nhân lành, thì nhứt định
tương lai của mình sẽ hưởng được Quả lành, trái ngọt, đời mình sẽ được sung
sướng hạnh phúc.
Còn muốn thoát khỏi luân
hồi, chúng ta phải rửa sạch các Nhân xấu từ các tiền kiếp lưu lại, bằng cách
chịu đựng các sự trả quả, rồi lo lập công phụng sự nhơn sanh lấy công chuộc tội, các Nhân xấu lần lần tiêu
hết, mà khi Nhân hết thì không có Quả, tức nhiên thoát khỏi luân hồi.
* * *
III . Quả báo
Quả báo là
cam nhận chịu cái kết quả đau khổ báo đáp lại để đền trả cái Nhân xấu mà mình
đã gây ra lúc trước hay trong kiếp trước.
Quả báo còn được gọi là
Nghiệp báo.
Nghiệp là cái lực vô hình
do cái Nhân sanh ra, để nó thúc đẩy tạo thành cái Quả.
Chúng ta là người phàm nên
vô minh, không biết kiếp trước đã tạo ra những Nhân gì, thiện hay ác, nhưng
ngày nay trong kiếp sống nầy, khi chúng ta tự nhiên gặp được một việc may mắn
bất ngờ, như đang hoạn nạn gặp quí nhân đến giúp đỡ; hoặc là đang sống yên lành
bỗng nhiên bị người vu oan giá họa, thì chúng ta phải hiểu rằng : đó là Nghiệp
báo từ cái Nhân thiện hay Nhân ác của mình ở trong kiếp trước.
Kinh Cảm Ứng cũng có viết
rằng : “ Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu, thiện ác chi báo, như ảnh tùy
hình.” Nghĩa là : Họa và phúc không có
cửa, tự nơi người rước lấy, cái quả báo của thiện và ác như bóng theo hình.
Khi gặp Quả báo xấu, chúng
ta phải gồng mình chịu đựng, chớ nên than van, vì nó do chính mình tạo ra cái
Nhân xấu mà có. Đó là Trả quả.
Sự trả quả nầy hoàn toàn
nằm trong Luật Nhân quả, là Luật Công bình thiêng liêng, gieo nhân nào thì gặt
quả nấy.
Đức Lý Giáo Tông giáng cơ
dạy về Trả quả như sau:
LÝ GIÁO TÔNG
Trái oan
chưa dứt thuở nào thôi,
Muốn đặng phi thăng, ráng trả rồi.
Cượng lý tu hành cho thoát tục,
Tiền vay nợ
hỏi, sổ ai bôi ?
Đây Lão nhắc về lời của
Đức Chí Tôn dạy về cách Trả quả như vầy :
“ Các con ôi ! Phải ráng vui lòng mà chịu điều cực
khổ. Hễ Thầy thương các con chừng nào thì hành hạ các con chừng nấy. Bởi vậy
khi các con hiến thân hành đạo với Thầy, đã lịnh cho Thần Thánh bắt các con trả
quả cho đủ kiếp đặng trừ cho kịp kỳ nầy. Bởi các con phải chịu luật luân hồi,
vì cớ mà phải chịu điều khổ sở như vậy, các con chớ than phiền, chính theo lời
thề của các con thì Thầy hành các con cho đúng lẽ, vậy mới xứng đáng là môn đệ
của Thầy. Có nhiều đứa vì không rõ luật Thiên điều, cứ than van mãi.”
Vậy, chư hiền hữu hiền
muội nghe Ơn Trên dạy đành rành, nợ thì phải trả, chớ không chạy đâu được. Dầu
cho một vị Đại La mà phạm luật Thiên điều thì cũng phải tái kiếp mà đền bù cuộc
trả vay.
* Thế nào gọi là Trả quả ?
- Là nhận chịu cái nợ tiền
khiên đã kết nạp nhiều kiếp, chí quyết trả cho xong mà không vay thêm nữa.
* Có hai cách Trả quả :
- Một là quả báo về tinh
thần, ở phạm vi tư tưởng, buồn bã, âu sầu.
- Hai là quả báo về xác
thịt : tật bịnh, đói rét, khốn nàn.
* Quả lại chia ra ba ảnh hưởng :
- Một là quả báo các nhân
do mình tạo ra.
- Hai là quả báo của chủng
tộc do nòi giống tạo ra.
- Ba là quả báo do quần
chúng của mỗi người trong xã hội gây ra.
Vậy muốn dứt các dĩ vãng
là kết quả của hiện tại âu sầu thống khổ thì phải lấy cái hiện tại mà tạo cái
tương lai cho được rực rỡ vẻ vang, rồi lấy cái tương lai đó mà tạo một cơ sở vững vàng muôn kiếp, tức là đi tới
chỗ trường sanh bất tử đó vậy.
* * *
IV .
Nhồi qua
Nhồi là nhét thêm vô rồi
dồi lên dập xuống nhiều lần. Quả ở đây là ý nói cái quả xấu báo đáp lại cái
nhân xấu đã gây ra từ nhiều kiếp trước.
Nhồi quả là những nhân xấu
nghiệp xấu từ nhiều kiếp trước dồn lại báo đáp trong một kiếp nầy mà thôi.
Đối với người tu hành chơn
chánh, lo lập công bồi đức để trả cho dứt các nghiệp xấu cũ của nhiều kiếp
trước, lại phải cố gắng giữ mình không gây ra các oan nghiệt mới thì Đức Chí
Tôn sẽ cho dồn các nghiệp xấu lại để trả dứt trong kiếp nầy thì mới có thể
thoát khỏi cõi trần để trở về cùng Đức Chí Tôn. Cách trả dứt các nghiệp trong
một kiếp như vậy gọi là Nhồi quả.
Như trong bài Thánh Ngôn
của Đức Lý Giáo Tông, Đức Lý có nhắc lại lời của Đức Chí Tôn : “ bắt các con
trả quả cho đủ kiếp đặng trừ cho kịp kỳ nầy”, đó là Đức Chí Tôn cho chúng ta
Nhồi quả.
Nhồi quả là một cách trả
quả rất nặng nề, nhưng là phương giải thoát. Cho nên người biết đạo nên luôn
luôn vui chịu những hoạn nạn tai ương dồn dập đến cho mình.
Nếu thấy một bậc chơn tu
nào mà bị hoạn nạn tai ương dồn dập liên tiếp xảy ra rất khổ sở thì chúng ta
chẳng nên lấy làm lạ mà phàn nàn, bởi vì người ấy đang chịu nhồi quả để có thể
đắc đạo trong một kiếp tu.
Đây là một đặc ân của Đức
Chí Tôn trong kỳ Đại Ân Xá nầy, cho nhồi quả đặng mau hết nghiệp để có thể trở
về cùng Đức Chí Tôn.
Nếu Đức Chí Tôn không cho
nhồi quả trong một kiếp tu thì biết đến bao giờ các môn đệ của Ngài mới trả hết
nghiệp, bởi vì nếu để trả quả từ từ thì mỗi kiếp trả quả lại tạo thêm nghiệp
mới, thì phải mang nghiệp trần triền miên mà chịu luân hồi mãi mãi.
Chính vì thế mà chúng ta
thấy nhiều Chức sắc Thiên phong, càng tu, càng lập công quả thì bản thân và gia
đình càng gặp nhiều nỗi éo le ngang trái, điêu đứng khổ sở, hết đau bịnh tới
tai nạn, khiến cho người đời biếm nhẻ rằng càng tu càng bị hoạn nạn tai ương.
Nếu tâm đạo vững vàng, một
lòng tin tưởng Đức Chí Tôn, cắn răng gánh chịu những quả báo tiền khiên, cầu
nguyện Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu ban cho ơn huệ để đủ sức chịu đựng nghịch
cảnh, thì dần dần tại nạn cũng giảm bớt, tâm tu tăng tiến và cuối cùng thì trả
hết nghiệp, được đắc đạo, trở về cùng Đức Chí Tôn.
TNHT : " Ví muốn tu thân nhồi quả trước,
Gắng công
sau sẽ đến cùng Ta."
Chúng ta biết có hai
trường hợp nhồi quả sau đây :
1 . Trường hợp Ngài Bảo Đạo Ca Minh Chương.
Đức Chí Tôn cho nhồi quả
theo bài thi sau đây của Đức Chí Tôn ban
cho Ngài Ca Bảo Đạo :
Thấy con gia
đạo tợ tơ
cuồn,
Chạnh đến lòng
Thầy dạ
ướm tuôn.
Ngặt nỗi vợ
nhà đau dã
dượi,
Khật khùng con
trẻ nói luông tuồng.
Khiến nên mai đảnh khơi màu trắng,
Cho đến tòng
lâm trổ sắc buồn.
Công quả đã
đành công quả
đủ,
Nay đem ba
kiếp dập dồn luôn.
Qua bài Thánh ngôn trên,
Đức Chí Tôn cho Ngài Ca Minh Chương nhồi quả ba kiếp khiến Ngài bị bịnh, vợ
đau, con gái khật khùng, dồn vào một kiếp nầy đặng trả xong quả, sạch nợ tiền
khiên, hầu trở về ngôi vị thiêng liêng.
2 . Chánh Trị Sự Miên, quê ở Phú Mỹ, Mỹ Tho.
Ông Miên làm Hương Cả ở
làng Phú Mỹ, nhập môn vào Đạo Cao Đài, lập công bồi đức, lên được phẩm Chánh
Trị Sự. Ông rất hiền, nhưng sau đó, ông bị điên khùng luôn, không ai chữa trị
được.
Vợ của ông đưa ông về Tòa
Thánh, vô Hộ Pháp Đường cầu xin Đức Phạm Hộ Pháp giải bịnh, được Đức Ngài nhận
lời.
Đức Ngài hành pháp giải
oan, bệnh ông Miên giảm dần và gần như hết bịnh. Đức Phạm Hộ Pháp dặn ông Miên
không được ra ngoài, chỉ ở quanh quẩn trong Hộ Pháp Đường mà thôi.
Vợ ông Miên cũng là một Nữ
Chánh Trị Sự, thấy ông Miên hết bịnh, cả mừng, xin cho rước ông Miên về gia
đình ở Phú Mỹ để an dưỡng và dễ bề săn sóc.
Đức Phạm Hộ Pháp nói :
- Coi vậy chớ ảnh chưa
mạnh đâu, chị có về thì về, cứ để ảnh ở đây một thời gian nữa.
Bà vợ cứ năn nỉ hoài để rước
ông Miên về, buộc lòng Đức Ngài phải cho. Bà đưa ông Miên trở về xứ.
Lạ lùng thay, về nhà ở Phú
Mỹ một thời gian ngắn thì bệnh của ông Miên tái phát trầm trọng và chết, không
thầy thuốc nào trị được.
Gia đình báo tin cho Đức
Hộ Pháp. Đức Phạm Hộ Pháp nói với các anh em Phạm Môn :
- Anh Miên trả quả ba kiếp
nhồi một đó. Lúc bị bệnh, ảnh thường diễn đạt ba hình thức, mỗi hình thức là
một kiếp :
Kiếp thứ nhứt : ông đang
đi thì đứng lại, lấy thế rồi cung tay xoay người từ trái qua phải, rồi buông
hai tay, giống như là quăng lưới chài cá. Đó là kiếp chài lưới.
Kiếp thứ nhì : một tay như
cầm mõ, một tay như cầm dùi, miệng niệm Nam mô, tay làm bộ điệu gõ mõ. Ấy là
kiếp thứ nhì làm thầy chùa.
Kiếp thứ ba : ông hay lượm
lá cây, giấy, ngồi vẽ vẽ lên đó, ấy là kiếp làm đồ nho viết liễn.
Nay gặp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ
Độ, may duyên làm môn đệ Đức Chí Tôn, Đức Chí Tôn cho nhồi quả để trả cho dứt
nghiệp mà về, nên mừng cho ổng được giải thoát.
(Viết theo lời kể của ông Chơn Nhơn Phạm Duy
Hoai).
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ]