Ðức Tin (Thuần Ðức)


LỜI TỰA;
Ðức Tin là cái làm sao,
Ðức Tin là cái đắp cao Ðạo Trời.
Ðức Tin chở núi như chơi,
Mới hay thần lực muôn người khó đương.
Ðức Tin bày rõ Thiên đường,
Phân rành Ðịa ngục đôi đường khác xa.
Ðức Tin gầy dựng Ðạo nhà,
Ðường ngay chỉ tới, nẻo tà chỉ dang.
Ðức Tin đánh đổ dị đoan,
Khỏi điều lãng phí tiền ngàn bạc muôn.
Ðức Tin kềm chế trẻ con,
Giữ gìn Thánh chất, linh hồn sạch trong.
Ðức Tin quí hóa vô cùng,
Ai ơi ghi tạc vào lòng đừng sai.
Ðức Tin chớ để long lay,
Một phen lâm vấp, ngàn ngày ăn năn.
Mồng 8 tháng Chạp năm Ðinh Mão
Thuần Ðức;

Các Tôn giáo đều lấy Ðức tin làm gốc. Ðức tin rất cần ích cho người giữ Ðạo. Có Ðức tin lòng mới vững vàng, không Ðức tin sớm chầy phải ngã. Vì Ðức tin làm cho trí lực ta thêm hăng hái, tinh thần ta thêm sốt sắng, mà nếu ta dụng cả trí lực hăng hái, đem cả tinh thần sốt sắng mà giữ Ðạo, trí ta tin như vậy, bụng ta chắc vậy, thì thế nào không lo tròn phận sự? Có câu phương ngôn Langsa như vầy: "La foi transporte les montagnes", nghĩa là "Ðức tin chở đặng núi non".

Ðức tin tỉ như vật chi đựng nước, còn cơ cảm ứng đối với Ðức tin tỉ như nước đem chứa vào trong đó. Hễ vật đựng lớn, thì chứa nước nhiều, vật nhỏ thì chứa ít, mà hễ vật đựng nứt bể đi (là khi mất Ðức tin) thì chứa nước vào đâu đặng nữa?

Ðức tin của người nào đều do theo sở kiến của người nấy. Ai rõ thấu cơ huyền diệu Ðạo Trời rồi, Ðức tin vẫn đặc đong thành khối, cứng khư như sắt đá, đập chẳng nát, đốt không tiêu.

Ðức tin của kẻ cạn nghe, hẹp thấy tỉ như bèo nổi mây bay, trên dưới đều không dựa vào đâu cả, một lượn sóng thị phi cũng đủ bủa tan, một trận dông kích bác cũng hay quét sạch. Kẻ ấy chỉ thấy người tin cũng bắt chước tin theo, rồi nghe ai kích bác lại vội vã "ngã" liền. Cái nhẹ tính ấy lấy làm nguy hiểm, vẫn là một điều đại tội đối với Ðấng Chí Tôn, lại là một mối đại hại đối với nền Ðạo mà mình đương lo bồi đắp.

Cho nên, trước khi tin tưởng điều chi, ta nên tìm kiếm, xét suy tột lý coi việc ấy đáng tin cùng chăng. Ðến khi ta cho là chánh lý rồi, ta phải làm sao để nuôi nấng Ðức tin một ngày một cao thêm nữa, dầu phải gặp cơn khổ hạnh khó khăn, ta cũng chẳng ngã lòng thối chí.

Vả lại, Ðức tin thuộc về quyền tự do của ta, miễn ta chẳng phạm tới phép nước, luật đời, thì không một ai trên thế gian nầy chuyên chế quyền tự do tín ngưỡng của ta đặng.

Song Ðức tin của ta phải xu hướng về lẽ chánh, điều lành mới được. Chớ tưởng rằng ta có quyền tự do tín ngưỡng rồi bạ đâu tin đó, nghe đâu tin đó, không biết phân biệt chánh tà, thì nguy hiểm lắm. Kẻ không biết phân biệt chánh tà tốt hơn là đừng tin chi hết.

Thói dị đoan đã triêm nhiễm lâu đời vào trí não của bực thường nhơn hạ tiện.

Nay Ðạo Trời rộng mở lần ba, đem ánh sáng thiêng liêng chơn chánh mà chói rọi nẻo tối đường tà. Thế thì thói dị đoan như phù thủy, bóng chàng, vân vân…, từ đây phải dần dần tiêu diệt.

Xưa có thầy pháp hay chuyên môn "phản ác" (*1) mà cứu chữa bịnh tà, song cũng là Tả đạo, Bàng môn, không nên tin tưởng vì không chơn chánh. Mãi ra đến ngày nay, lại có nhiều tay dối trá lợi dụng đức tin của bực thường nhơn mà làm kế sanh nhai, cũng sai Thần, khiển Tướng hò hét om sòm, song xét ra thì vẫn là một phường gạt gẫm.

Về việc bóng chàng, tôi không dám đề quyết rằng họ lên giả luôn luôn. Có khi cũng lên thiệt vậy, song thiệt là thiệt nơi đồng cốt, còn giả là giả nơi tà mị ứng vào, rồi dối xưng ông nọ, bà kia (ông lên bà xuống) cho dễ phục lòng người. Ai nhẹ tánh, tin tưởng đến rồi, tất phải mê muội tối tăm, nhơ bợn chơn linh, lu lờ Thánh chất.

Về cúng vật, ta sở dĩ thắp đèn là để cho sáng tỏ, cho có vẻ huy hoàng, ta sở dĩ đốt nhang là để khử trược và cầu lấy mùi thơm, ta sở dĩ dâng cúng phẩm là để tỏ dấu kỉnh thành, chớ Thần, Thánh, Tiên, Phật nào lại hưởng đồ trần tục?

(*1) Phản ác là làm ác trở lại, nghĩa là dụng Quỉ mà trừ Quỉ, cũng trong một bọn, mà lại trở lại hại nhau, như ăn cướp trở lại bắt ăn cướp cũng gọi là phản ác.

I . TA TIN CÓ ÐẤNG TẠO HÓA.
Tại sao ta tin có Ðấng Tạo Hóa? Tuy trí phàm ta không thể tưởng tượng Ðấng Tạo Hóa, mắt phàm ta không thấy đặng Ðấng Tạo Hóa, chớ đem cuộc tạo lập Càn khôn, Thế giái ra mà suy nghĩ, thì ta tin chắc rằng phải có một Ðấng biến hóa vô cùng mới gầy dựng ra được. Ðấng gầy dựng ấy gọi là Ðấng Tạo Hóa (Le Créateur).

Ví dụ ta thấy một vật chi chạm trổ khéo léo, tuy ta chẳng thấy tên thợ làm, chớ ta đã đoán chắc rằng phải có một tay thợ tinh xảo mới làm ra vật đó. Ta thấy một con chim bị tên sa xuống, tuy ta không thấy ai bắn, chớ ta đã đoán chắc rằng phải có một tay bắn giỏi mới làm cho con chim ấy bị tên. Chí như điển khí, ta chán biết rằng nhờ điển khí mà đèn điển chiếu sáng, xe điển chạy mau, thậm chí nếu ta rờ tới dây điển thì tê cả thân mình, khó chịu, thế mà thuở nay ta có thấy hình dạng điển khí thế nào chưa?

Kìa đôi vầng Nhựt, Nguyệt làu làu ánh sáng, nọ hằng hà sa số đẩu tinh, đêm thanh nhấp nháng giữa bầu trời hình như nhận ngọc, nào là nhơn loại thông minh tinh xảo, nào là tẩu thú, phi cầm, nào là thắng cảnh danh sơn, kỳ hoa dị thảo, luân phiên theo thời tiết đổi thay, hạ nồng, đông lạnh chẳng sai chẳng dời, nếu chẳng ai gầy dựng thì lẽ đâu tự nhiên mà có? Chỉ xem cơ tạo thì đủ đoán chắc rằng phải có một ông Tạo Hóa.

Việc nhỏ mọn mà còn như vậy, huống là cuộc đại tạo của Càn khôn, Thế giái?

Ta tin có Ðấng Tạo Hóa là Chúa tể Càn khôn, Thế giái, thì tự nhiên ta sùng bái Ngài hơn hết. Vậy thì không giây phút nào ta dám quên Ngài cho được, ấy là Ðạo, mà Ðạo quí chăng là tại nơi đó. Cho nên trong Tứ Thơ có câu: "Ðạo giả dã, bất khả tu du lỵ dã". Nghĩa là: "Ðạo phải có luôn luôn trong lòng, chẳng khá lìa ra trong giây phút nào".

Ta tin tưởng Ngài biến hóa vô cùng, thì mọi việc hành động gì của ta, đều có Ngài xem xét cả. Nhờ vậy ta mới biết sợ mà chẳng dám làm điều chi sai quấy. (*1)

Ta tin tưởng Ngài là Ðấng cầm quyền thưởng phạt, nên chi điều hạnh phúc nào ta đương hưởng là một phần thưởng quí hóa của Ngài ban cho, còn điều tai họa xảy đến cho ta vốn là hình sửa phạt của Ngài xuống vậy. Cho nên, hễ ta được hạnh phúc chừng nào, ta lại càng phấn chí lo tu công bồi đức chừng nấy. Ðến như ta gặp điều tai nạn, khốn cùng thì ta lại càng sợ sệt mà lánh dữ, chừa hung, lại thêm gắng công trì chí mà chống chịu với mạng phần, để đền trả cho phu tội lỗi.

Ta tin tưởng Ngài là một ông Cha đại từ, đại bi, đại hỉ xả cho con cái nào có lỗi mà biết ăn năn chừa cải. Vậy nên trong khi hoạn nạn cùng gặp lúc ốm đau, ta cứ khẩn nguyện nơi Ngài cho chí thành, chí kỉnh, may ra nạn khỏi bịnh thuyên. Dầu không đặng như lời khẩn nguyện đi nữa, ta cũng nên tin rằng đó là do nơi nghiệt trước, căn xưa hãy còn vương vấn mà luật công bình thưởng phạt thiêng liêng của Tạo Hóa không vì khẩn cầu mà tư vị.

Nhưng nếu tội lỗi ta làm nội kiếp nầy, mà ta biết ăn năn tự hối, lập đức bồi công và hết lòng cầu khẩn, thì lòng từ bi của Ðấng Chí Tôn cũng có khi dung thứ. Còn nếu nghiệp oan tự nơi kiếp trước, thì khó mà khẩn cầu cho đặng. Ấy cũng do nhiều cớ: Một là tại kiếp trước ta đã gây ra tội tình oan nghiệt mà ta chẳng biết ăn năn tu niệm, hai là kiếp nầy buộc ta đền trả cho rồi oan trái, hầu thân sau hưởng phước thanh nhàn. Còn như cầu khẩn mà có cảm ứng đi nữa, thì chỉ được giảm bớt vài phân mà thôi, tỉ như tội nhơn mà được ân xá, thì cũng đã chịu nhiều hình phạt đi rồi.

Vả lại, khi ta mắc phải tai nàn, bịnh hoạn, trí phàm ta làm sao biết chắc được nguyên nhân bởi đâu mà ra? Vậy nên hễ lâm việc, cứ khẩn cầu nơi Thượng Ðế, dầu được không cũng do nơi Thiên ý.

(*1) Kẻ phản đối với cái thuyết về "Ðức tin" sao cũng hô lên rằng: "Con người sở dĩ ưa làm lành sợ dữ là nhờ có Lương tâm thưởng phạt mà thôi". Tôi xin đáp: "Phải, Lương tâm là tòa án thưởng phạt điều lành dữ của ta làm. Song những kẻ đã quen điều hung ác rồi, thường xem điều tàn bạo của họ làm như ăn cơm bữa, đối với hạng người ấy thì Lương tâm đã chết rồi. Vả lại Lương tâm chỉ đợi cho người làm lành dữ rồi mới thưởng phạt sau. Còn Ðức tin lại làm cho người ta sợ sệt mà ngừa trước việc hung bạo. Thế thì cái thuyết về Lương tâm không hay cao thượng bằng cái thuyết về Ðức tin vậy.

II . TA TIN CÓ LINH HỒN CÒN MÃI.
Ta tin có Linh hồn không tiêu, không diệt, vẫn còn mãi đời đời kiếp kiếp. (*1)
Vậy thì khi hồn lìa khỏi xác rồi, thế phải đi đâu? Linh hồn ấy hoặc thăng, hoặc giáng. Thăng thì được hưởng điều tiêu diêu khoái lạc nơi Bồng Ðảo (Cảnh Tiên), Niết Bàn (Cõi Phật). Còn rủi giáng, thì phải đọa sa vào chốn U minh Ðịa ngục, mà đền tội lỗi xưa, rồi phải chuyển kiếp lại nữa để trả xong oan nghiệp. (*2)

Hình phạt nơi Diêm cung là hình phạt thiêng liêng (peines morales) buộc về tội không giữ luật Trời. Còn chuyển kiếp lại mà chịu điều khổ sở nơi trần thế nầy (*3) là hình phạt về phần xác thịt (peines matérielles) buộc về tội đối với nhơn quần xã hội.

Kiếp luân hồi là một hình phạt mà cũng là một cơ huyền diệu cho linh hồn lợi dụng để đào luyện cho trong sạch, nhẹ nhàng thêm mãi, cho đến ngày trở về ngôi cũ, hiệp làm một với Ðấng Tạo Hóa, gọi là đắc đạo (xin xem sách "Châu Thân Giải", đương sắp in).

Ta tin có luân hồi chuyển kiếp, vì nếu không có vậy thì lấy đâu mà cắt nghĩa những trình độ, đẳng cấp bất đồng của nhơn quần, xã hội. Người cũng là người mà sao lại kẻ khôn ngoan, người khờ dại, kẻ giàu sang, người hạ tiện?

Ðấng Tạo Hóa sanh ra nhiều hạng người như vậy chẳng là bất công lắm sao? Giải đặng vấn đề ấy chỉ nhờ có cái thuyết luân hồi chuyển kiếp mà thôi. (Xin xem bài luận về số mạng).

Ta tin có luân hồi quả báo thì mọi việc chi ở đời ta ít hay lầm lỗi. Nghèo nàn ta chẳng than thân, khổ hạnh ta không trách phận, vì ta tin chắc rằng đó là do nơi cơ cảm ứng của kiếp tiền thân ta, nên ngày nay phải cam gánh vác. Ðức tin ấy làm cho ta đủ thần lực mà chống chỏi với cuộc đời cùng khổ. Ta tin có kiếp tương lai, thì kiếp nầy ta rán tu nhơn, bồi đức hầu hưởng phước về sau và để lại cho con cháu, vì kiếp chết là kiếp mất thì ở đời ai tu nhơn tích đức làm chi? Việc ác nào lại chẳng dám làm, miễn được của nhiều, vợ ấm con no, ai lo phận nấy, vui sướng cho qua một kiếp, rồi chung cuộc ai cũng ra tro. Thế thì còn chi là cang thường luân lý, tương ái tương thân?

(*1) Ðạo Phật tin có Thiên đàng, Ðịa ngục, chuyển kiếp luân hồi. Ðạo Thiên Chúa tin có Thiên đàng, Ðịa ngục mà không tin có luân hồi. Ðạo Thần linh bên Âu châu tin có luân hồi chuyển kiếp mà không tin có địa ngục hữu hình. Tin tưởng tuy có chỗ khác nhau mà cũng đồng một lẽ là: Tin có linh hồn đời đời, kiếp kiếp.
Tôi đặt quyển sách nhỏ nầy chỉ do nơi Ðức tin của tôi mà thôi, chẳng dám phản đối tôn giáo nào khác cả.
(*2) Nghiệp báo tự nơi kiếp trước gây ra.
(*3) Cõi trần nầy là chốn "Luyện hình" (purgatoire terrestre). Song linh hồn người hiền lương nhơn đức sở dĩ phải chuyển kiếp lại thì không phải để chịu điều hình phạt, vì được tái kiếp lại làm người giàu sang, quyền tước mà hưởng điều hồng phước. Nhưng đã gọi trần là chốn "Luyện hình" thì trong cái hồng phước ấy vẫn có bốn điều khổ là: Sanh khổ, bịnh khổ, lão khổ, tử khổ … Phải chi kẻ ấy sanh tiền biết tu luyện thì đã ra ngoài kiếp luân hồi. Cho nên con người ở đời cần phải có đủ đạo đức mới hoàn toàn. Có Ðạo nghĩa là biết phương tu luyện (Thiên Ðạo). Có Ðức nghĩa là trau giồi tánh đức (nhơn lành) cho toàn vẹn (Nhơn Ðạo).

III . ÐỨC TIN ÐỐI VỚI GIA ÐÌNH.
Muốn cho gia đình hạnh đức, ta cần nuôi nấng đức tin trọn cả gia tiểu, nhứt là của trẻ con. Trẻ con còn nhỏ chưa biết điều tội lỗi, chưa nhiễm thói dị đoan, ấy là lúc ta nên un đúc đức tin của chúng nó. Ðó là một phương châm đặc biệt để ngăn ngừa oan nghiệt.

Nếu chẳng sớm toan, đợi cho con trẻ lớn khôn gây nên nghiệp báo rồi mới lo ngăn đón thì chẳng khác nào đợi cho mất của rồi mới lo phòng kẻ trộm. Vả lại, con người từ nhỏ chí lớn có sẵn đức tin, ngày giờ nuôi nấng đã lâu thì đức tin đã mạnh, mà hễ đức tin đặng mạnh, thì đủ thần lực mà cự đương với tục tình tội ác.

Phải làm thế nào để nuôi nấng đức tin cho con trẻ?
Trước hết cha, mẹ phải có một đức tin cho chánh lý. Ðức tin ấy phải cho thiệt vững vàng, phải gồm đủ tinh thần mãnh lực.

Ðức tin ấy lại phải lộ ra cho con cháu thấy mà bắt chước. Phàm con cháu hay bắt chước ông bà cha mẹ về phương cử chỉ hành tàng. Nếu cha mẹ dạy con bảo phải kính Trời, trọng Phật, mà chính mình, mình không chủ ý đến, thì có ảnh hưởng vào đâu? Làm như thế chẳng khác nào mấy tấm bảng chỉ đường (poteau indiateur) dựng nơi ngã ba, ngã tư vậy. Mấy tấm bảng ấy chỉ rằng đường nầy đi..., đường kia đi..., mà bảng thì vẫn ở yên một chỗ. Hành khách do theo bảng ấy, có khi phải lạc đường, sao bằng có người dẫn dắt.

Cha mẹ biểu con cái tin kính Phật, Trời mà mình thì không lộ ra một cái đức tin cho chánh đáng, biểu sao trẻ con không tin lầm tưởng sái?

Phần nhiều người mình hễ con khóc thì nhát rằng: "Nín đi kẻo ông Kẹ bắt a".
Lời nhát ấy làm hại cho con trẻ biết bao nhiêu, vì cái tiếng "Ông Kẹ" ấy triêm nhiễm vào đức tin của chúng nó, làm cho chúng nó tưởng tượng rằng có một "Ông Kẹ" rất hung ác bạo tàn hay bắt con nít mà ăn thịt. Ðó là một bước đầu dị đoan của cha mẹ mở ra cho con vậy.

Con nít thường hay rắn mắt, cha mẹ nghiêm cấm điều chi, tuy trước mặt ít dám cãi lời, chớ sau lưng thường hay làm lỗi. Thay vì nhát "Ông Kẹ", phải chi cha mẹ dặn con như sau đây thì còn chi tốt bằng:

"Con ngước mặt lên mà coi, khỏi trên xanh xanh đó có ông Trời rất hiển linh, ổng lập ra trời đất, mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, người ta, thú vật, cây cỏ vân vân... Con mắt ổng lại sáng lắm: Ðiều chi mình làm, ổng thấy hết. Mình làm lành, ổng ban ơn, mình làm dữ, ổng răn phạt". (*1)

Dặn như vậy, trẻ con tất phải tin sợ hoài hoài, rồi ra việc chi nghiêm cấm, dầu trước mặt, dầu sau lưng, nó không dám phạm đến. Vì tự nó nghĩ rằng: "Tuy cha mẹ mình không thấy, chớ ông Trời thấy hết".

Ấy có phải là một phương châm đặc biệt để nuôi nấng đức tin trẻ con không?
Lớn khôn, trẻ con vừa kỉnh Ðấng Tạo Hóa, vừa triêm nhiễm điều lành, có phải là giữ được vừa Nhơn Ðạo vừa Thiên Ðạo chăng?
Vậy thì còn chi quí bằng!

(*1) Tuy trẻ con chưa đủ trí khôn mà biệt phân điều quấy phải, dữ lành, chớ điều gì mà cha mẹ cấm răn, tất nhiên nó cũng hiểu là việc chẳng nên làm.

IV . TA TIN CÓ SỐ MẠNG.
Nếu con người có số mạng thì lẽ công bình của Tạo Hóa ở đâu? Ðấng Tạo Hóa là bực chí công, sao lại sanh ra kẻ giàu người nghèo, kẻ khôn người dại, kẻ sống lâu, người chết yểu?

Ấy là câu hỏi thường tình của người thuộc về phái "Duy vật luận" (Matérialisme). Con người vẫn có số mạng, song cái số phú bần, quí tiện, thọ yểu ấy đều do nơi tiền kiếp mình gây ra. Kiếp trước ta nhơn từ, đức hạnh, kiếp nầy ta được hưởng phước giàu sang. Kiếp trước ở bất nhơn độc ác, kiếp nầy phải chịu khổ cùng mà đền tội trước.(*1)

Sự thông minh ám muội của con người do nơi duyên cớ sau nầy:
Cõi trần là một chốn học đường cho linh hồn học tập. Ai học được lâu năm, lên được nhiều lớp thì vẫn thông minh hơn kẻ học sau. Trí thức tên Xoài trổi hơn trí thức tên Ổi là vì tên Xoài đã luân chuyển nhiều kiếp hơn tên Ổi.

Sự thọ, yểu của con người cốt do nơi hai cớ: Một là tại nơi người, hai là vì mạng số.
Tại nơi mình không biết giữ vệ sanh.
Tại nơi khí bẩm mẹ cha yếu ớt rồi sanh con yếu ớt, lại thêm dưỡng nuôi không đặng kỹ càng cho nên trẻ con phải cam phần yểu tử.

Tại nơi mình say mê mùi tục làm cho hao tán tinh thần mà phải chết sớm. Tỉ như một thếp đèn chứa được hai chiêm dầu. Nếu thắp vừa vừa, không lu không tỏ, đèn ấy chong (sống) được trọn đêm. Mà nếu mình khêu tim lên cho thật tỏ, dầu phải chóng hao, rồi tự nhiên thếp đèn phải tắt (chết) trong canh hai, canh ba vậy.

Luận thế sao cũng có người hỏi rằng: "Có người cũng biết giữ vệ sanh, biết bảo tồn thân thể, mà sao cũng chết yểu vậy?"

Kẻ ấy kiếp trước vì mấy duyên cớ mới giải trên đây mà phải yểu mạng (hoặc là bất đắc kỳ tử) nghĩa là chết trước ngày tiền định, vì lỗi tại nơi mình, nên kiếp nầy phải tái thế, mà chỉ sống thêm cho đủ số phần đã định nơi kiếp trước vậy thôi, nên số không trường thọ. Tỉ như tội nhơn kia bị án một năm tù, ở được tám tháng lại vượt ngục thoát thân. Nay bắt buộc phải ở tù thêm bốn tháng nữa cho đúng kỳ mãn hạn. (Có khi còn phạt thêm về tội đào tị là khác).

Bất đắc kỳ tử có phải là tại số mạng chăng?
Bất đắc kỳ tử là gì? Là chết không nhằm (đặng) chỗ. Ðã gọi không nhằm chỗ thì tưởng lại không phải là do nơi số mạng.

Bất đắc kỳ tử do nơi hai cớ:
Một là tại tự vận (đâm họng), tự ái (thắt cổ), tự phần (thiêu mình), tự độc (uống thuốc độc), tự nịch (trầm mình).

Hai là chết vì rủi ro như: té sông, chết ngợp, chết đâm, chết chém, bị xe cán, vân vân…
1/. Kẻ hủy mình là vì bị cảnh tình sở bức, hết mong sống sót là vui, nên chi quyết chí liều thân để sớm dứt rồi oan trái. Thác như vậy là muốn trốn lánh điều khổ hạnh của đời người mà ai ai cũng phải chịu một phần gánh vác. Kẻ hủy mình chẳng khác nào tội nhơn vượt ngục, vì không đủ sức chống chịu với khổ hình cho đến kỳ mãn hạn. Mấy kẻ ấy không những phạm tội trốn lánh mạng Trời mà lại còn đáng cho người đời khinh bỉ. Trừ ra kẻ nào tử tiết (*2) thì mới được chế châm.

2/. Chết về rủi ro (*3) là tại mình không trọn cẩn phòng như té cây, bị xe cán, tại mình đem thân vào nơi nguy hiểm (rừng núi, biển sông), như bị hùm tha, sấu nuốt, tại mình gây thù, kết dữ với người, như bị chết đâm, chết chém, v.v…

Nếu ra đường biết quan phòng sau trước, thì có đâu đến cho xe cán? Nếu mình không leo cây thì thế nào té cây đặng? Kẻ không biết đề phòng cẩn thận, có rủi ro lại đổ cho mạng số thì rất sai lầm. Cho nên, thầy Mạnh Tử có nói rằng: "Thị tri mạng giả, bất lập nham tường chi hạ". Nghĩa là: "Kẻ biết mạng mình thì không khi nào dám đứng dưới vách tường hầu đổ".

Nếu mình không lên rừng, xuống biển, thì thế nào bị hùm tha, sấu nuốt? Tại mình chuyên lấy nghề nguy hiểm thì chác lấy nguy hiểm đã đành, nếu đổ cho mạng số thì rất sai lầm lắm đó. Cho nên Ðức Khổng Tử có nói rằng: "Bạo hổ, bằng hà tử nhi vô hối". Nghĩa là: "Bắt cọp, lội sông, chết không đáng tiếc".

Không gây thù kết oán với ai, không cướp giựt của ai, có lẽ nào mình lại bị chết đâm, chết chém? Ðức Thái Thượng có nói: "Họa phước vô môn, duy nhơn tự triệu". Nghĩa là: "Họa phước không nhứt định cửa nào, tại mình dời mới đến". Thầy Mạnh Tử lại nói: "Trất cốc nhi tử, phi chánh mạng dã". Nghĩa là: "Chết vì trăng cùm là không phải tại nơi mạng chánh vậy".

Tóm lại, làm người phải tin có số mạng, song chẳng nên tin thái quá mà phải sai lầm, nếu mỗi việc chi cứ đổ cho mạng số rồi chẳng hết sức lo, thì thiệt hại cho mình lắm. Phàm việc gì mình rán hết sức mà làm không đặng thì mới đổ cho là mạng số. Cho nên có câu: "Tận nhơn lực, dĩ tri Thiên mạng".

Vả lại, Trời định số cho ta là do nơi căn quả tiền kiếp của ta. Ấy là cơ báo ứng thiên nhiên, chớ chẳng phải Trời thương ai mà định cho số mạng giàu sang, chẳng phải Trời ghét ai mà định cho căn phần bần tiện. Ðã biết rằng Trời định mạng cho ta, song có khi ta cũng sửa đặng vậy. Cho nên mới có câu: "Tạo mạng giả Thiên, lập mạng giả ngã". Nghĩa là: "Ðịnh số mạng là Trời, sửa số mạng là ta".

Làm sao gọi là lập mạng?
Tỉ như mạng ta nghèo khổ, mà ta cứ tu nhơn tích đức, thì ta chuộc được tội lỗi tiền khiên, rồi Trời cũng xót thương mà sửa số mạng ta lại khá được.

Còn kẻ có số mạng giàu sang mà tham lam tàn bạo, thì phải bị Trời giảm phước mà mang điều tai họa. Lẽ báo ứng ấy chỉ trong chóng chầy mà thôi, chớ không chạy đâu cho khỏi. Vì vậy mới có câu: "Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lai tảo dữ lai trì". Nghĩa là: "Họa phước cuối cùng đều có trả, chỉ trong hai lẽ chóng cùng chầy". Lại có câu: "Vi thiện giả Thiên báo chi dĩ phước, vi bất thiện giả Thiên báo chi dĩ họa". Nghĩa là: "Người làm lành, Trời ban phước, kẻ làm dữ Trời xuống họa".

(*1) Tuy sự khổ cùng là hình phạt, song cũng nhờ đó mà con người đào luyện linh hồn. Nhờ khổ cùng mới biết đủ mùi cay đắng, có khó mới có khôn, có khôn linh hồn mới trong nhẹ. (Xin xem qua chương giải về khổ hạnh).
(*2) Tử tiết như là gặp điều sở bức, tôi liều thác đặng giữ trung với chúa, gái liều thác để trọn tiết với chồng.
(*3) Chết về rủi ro mà chẳng phải lỗi nơi mình, thì có lẽ mới đổ cho mạng số được, tỉ như bị giết lầm, bị cây ngã đè chết, v.v. …

V . TA TIN PHẢI CẦN KHỔ HẠNH MỚI MONG THÀNH ÐẠO.
Tu hành chia nhiều bực: Có người tuy đã nhập môn cầu Ðạo rồi, chớ cũng lo bề ấm lạnh làm ăn như thường, song phải giữ theo luật Ðạo mà trau giồi đức hạnh. Ấy là kẻ giữ Ðạo mà thôi, còn đứng vào bực hạ thừa.

Còn người nào thiệt gọi là tu, thì phải phế hết nhơn tình thế sự, trường trai giữ giới mới đứng vào bực thượng thừa.

Ðến địa vị người tu rồi, cần phải đem mình vào nơi khổ hạnh, nhiều khổ hạnh chừng nào, thì công quả càng cao chừng nấy, mà hễ công quả càng cao bao nhiêu, thì phẩm vị sau rồi lại rỡ ràng bấy nhiêu. Tỉ như một khúc cây đem ra chạm trổ: Hễ khúc cây chịu đẽo đục chừng nào thì nét chạm trổ lại nổi cao chừng nấy. Khổ hạnh là một viên đá thử vàng. Mà vàng đây là gì? Tức là đạo đức. Kẻ khổ hạnh mà lòng chẳng đổi dời, cứ khư khư dạ sắt gan đồng, không than thân trách phận, cứ vui đạo an nghèo, kẻ ấy mới đáng làm tôi Thượng Ðế.

Sự khổ hạnh cũng là một phương châm tuyệt diệu để cự đương với tình dục. Người thường cam khổ hạnh không còn luyến đến việc trần, tâm tục diệt lần thì lửa lòng phải dập. Tỉ thí: Muốn cho thịt tươi để lâu khỏi thúi, ta cần phải muối đi, còn muốn cho linh hồn khỏi nhiễm điều tình dục, ta cần phải cam khổ hạnh. Khổ hạnh là muối để ướp cho linh hồn khỏi hôi thúi vậy.

Sách có câu: "Xả thân cầu đạo, xả phú cầu bần". Nghĩa là: "Bỏ thân để cầu mối đạo, bỏ giàu để cầu nghèo khổ".

Bỏ thân là sao và tại sao mà bỏ đi?
Bỏ thân nghĩa là không kể đến thân phàm mình nữa, vì nó là xác thịt không hay bền bỉ. Nhưng chớ lầm tưởng rằng xả thân là phải đem thân ra mà hủy hoại cho mau tiêu diệt, hoặc dùng cách ép xác (như tịch cốc) cho hình vóc hao gầy. Nghĩ vậy rất sai lầm, là vì muốn tận tâm hành đạo, ta cần phải giữ gìn thân hình cho tráng kiện mới có thể gánh vác điều cực nhọc. Ðó là điều cần yếu để bảo tồn sự sống, có sống rồi mới có thế tu hành được.

Thế thì phải làm sao gọi là xả thân?
Xả thân nghĩa là:
1/. Thân hình chẳng nên trau chuốt, như gọt chơn mày, cạo lông mặt cho sắc xảo, hớt tóc sửa râu cho vén khéo, xông hương ướp xạ cho thơm tho. Cách trang điểm ấy chẳng qua là phương chưng diện của kẻ thường tình tục thế để cầu huê mỹ mà chác chuộng mua yêu. Nói thế chắc có người phản đối rằng: "Ðể tóc râu cho u xù làm sao giữ sạch được? Mà nếu không giữ sạch thì thế nào cho tráng kiện?"

Tôi xin đáp: "Sự tráng kiện cốt do nơi người biết cùng không biết giữ vệ sanh đó thôi. Tóc dài râu rậm mà năng tắm gội thì lo chi không sạch. Chớ như cạo râu hớt tóc mà một tháng chưa tắm gội một lần thì trông gì sạch đặng?"

Thơm tho về tinh thần, danh giá mới được trường tồn. Kìa như ông Nguyễn Hiền, ông Trạng Trình, vân vân, là bực tài ba xuất chúng, đã trải bao tuế nguyệt tinh sương mà danh thơm hãy còn ràng ràng trong thanh sử, nọ như bà Triệu Ẩu, bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, ông Trần Hưng Ðạo, quan Tả quân Lê Văn Duyệt, vân vân, đã mấy phen thỏ lặn, ác tà, mà nơi linh tự hãy còn khói hương nghi ngút.

Cái thơm tho về xạ ướp hương xông chẳng qua là lợi dụng bề ngoài, chỉ mượn hương vị ướp tẩm vào mình, cầu thơm trong giây giờ rồi hết, tức là điều giả dối vậy.

2/. Thân chẳng cần mặc áo lụa quần hàng để lòa mắt chúng, để mê mặt người. Kẻ tu hành cần chi việc ấy? Quần vải áo bô, miễn cho sạch sẽ và kín đáo là đủ che thân ấm cật, đã vẹn bề tiết kiệm lại phải đạo tu hành. Ấy là xả thân cầu đạo.

Cho nên trong Tân Luật, chương thứ hai, điều lệ thứ 15, buộc bực thượng thừa phải để râu tóc, mặc toàn đồ bô vải.

Xả phú cầu bần là sao?
Chúa Cứu Thế (Jésus Christ) có dạy rằng: "Nếu con muốn đặng hoàn toàn, hãy bán hết gia tài rồi phân phát cho người nghèo khổ". (Si vous voulez être parfait, allez, vendez tout ce que vous avez, et distribuez-le aux pauvres.)

Lời châu ngọc ấy đáng cho ta bái phục. Vì tiền bạc hay xui giục người vào nẻo quấy đường tà. Kẻ có của thường dễ sa vào bốn vách (tửu, sắc, tài, khí) rồi miệt mài trong cuộc truy hoan mà quên bề đạo đức. Chi bằng mình tự ép mình vào cảnh khổ nghèo thì tránh xa mấy điều tội lỗi ấy được.

Ta có chắc phế hết của tiền mà cầu đạo được chăng? Hễ quyết chí thì được chẳng sai. Tỉ thí như mình gởi tiền phương xa mua vật chi quí báu, tuy chưa gởi đến chớ tự mình chắc rằng mình đã có vật ấy rồi, vì mình đã xuất tiền mua lấy.

Nếu mình phế hết tiền để yêu cầu mối đạo, tuy nhiên mình chưa đắc đạo, chớ tự mình đã chắc trước rồi, vì tự mình đã xuất tiền mà cầu vậy.

Vả lại, Ðấng Tạo Hóa cho mình nghèo khổ là muốn cho mình dễ tránh tội tình tục thế. Tạo Hóa cho mình hèn hạ là muốn cho mình khỏi truyền nhiễm đến cuộc giả lợi dối danh. Nên chi, cái khổ hạnh là cái quí báu cho người làm đạo, sợ khổ hạnh là chưa biết đạo vậy.

Luận đến đây, tôi bắt nhớ đến sự tích ông Chung Ly Quyền đời Hớn, trước buổi Ngài đăng Tiên. Sự tích sơ lược như vầy:

Ông Chung Ly Quyền là tướng đại tài đời Hớn. Ngày kia đánh đuổi binh giặc. Lý Thiết Quả Tiên Ông thấy vậy than rằng: "Chung Ly vốn có căn tu, nếu để va trọn thắng, về trại được gia tăng quyền tước, chi cho khỏi sa mê danh lợi mà chẳng khứng tu hành. Chi bằng phá va thất trận cho ngã lòng thì mới dễ bề độ rỗi". Ðoạn Ngài mới đốt trại Chung Ly để giúp cho nghịch binh thủ thắng. Nhờ vậy mà ông Chung Ly ngã lòng về thế sự, an thân tu luyện, sau đắc đạo gọi là Hớn Chung Ly.

Sự tích nầy là phương thuốc giải lòng cho chư đạo hữu nào thường mắc phải hồi lao đao lận đận.
Còn ông Tào Hữu, vốn là một vị Quốc Cựu Tống trào, Ngài chán ngán việc trần, bèn xuất hết gia sản bố thí cho dân nghèo, ly gia, cát ái, lên núi tu trì, sau rồi cũng đắc đạo. Nếu Ngài tiếc của thương nhà, thì thế nào đăng Tiên cho đặng?
CHUNG
Home