Luân Hồi Quả Báo - 3/3 (Nguyễn Trung Hậu & Phạm Tấn Ðãi)


Ý nghĩa về luân hồi của Đạo Cao Đài
Nhơn quả: Có luân hồi tất có nhơn quả, hai việc ấy vốn liên tục nhau.

Ðiểm linh quang (hồn) thác sanh xuống cõi phàm, mục đích để học hỏi kinh nghiệm mà tấn hóa. Chuyển sanh xuống cõi sắc giới, tất phải mượn sắc thân mà hành động. Càng hành động, càng tạo nhơn. Tạo nhơn, linh hồn tái sanh phải trả quả, theo phép công bình Thiên đạo.

Từ xưa đến nay, dầu trình độ trí thức thấp hay cao, nhơn loại phần nhiều đã tin có cơ báo ứng, tức là cơ nhơn quả.
Ðạo Phật dạy: "Cha làm điều chẳng lành, con không chịu thế được, con làm điều chẳng lành, cha không chịu thế được. Làm lành tự được phước, làm dữ tự mang họa" (Phụ tác bất thiện, tử bất đại thọ, tử tác bất thiện, phụ bất đại thọ. Thiện tự hoạch phước, ác tự thọ ương).

Ðạo Lão dạy Cảm Ứng có câu: "Ðiều lành, điều dữ đều có trả, như bóng với hình" (Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình).
Ðạo Nho dạy: "Trồng đậu được đậu, trồng dưa được dưa" (Chưởng đậu đắc đậu, chưởng qua đắc qua).

Lại có câu: "Ðiều lành dữ cuối cùng đều có trả, khác nhau chỉ đến chóng hay chầy thôi" (Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lai tảo dữ lai trì).
Chúa Giêsu dạy: "Ai sử dụng đao kiếm sẽ chết về đao kiếm" (Qui manie l'épée périra par l'épée).
Tục ngữ Pháp có câu: "Ai gieo gió thì gặt bão" (Qui sème le vent, récolte la tempête).
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Ðời xưa quả báo thì chầy, đời nay quả báo một giây nhãn tiền".

* * *
Những câu trên đây đều biểu lộ rõ rệt cái quan niệm Nhơn quả vậy.
Ðấng Tạo Hóa chí công, không vì thương mà thưởng, cũng không gì ghét mà phạt. Ngài chỉ lập ra Luật nhơn quả, cũng gọi là Luật báo ứng, là cái qui tắc định rằng hễ nguyên nhơn như thế nào, thì kết quả như thế ấy.

Ta thử nhìn vào một tấm gương, mặt ta sạch (Nhơn), gương rọi ra sạch (Quả), trái lại, mặt ta dơ, gương rọi ra dơ.

Và ta thử ném vào vách tường một quả banh cao su, ném nhẹ (Nhơn), tức banh dội lại nhẹ (Quả), trái lại, ném mạnh thì banh dội mạnh, Nhơn quả đại khái là thế.

Vậy, ai tạo nhơn lành (duyên lành), sẽ hưởng quả lành (nghiệp lành). Ai tạo nhơn dữ, tất rước quả dữ, chẳng sai.

Cái quả hay nghiệp vốn là kết quả cái nhơn hay duyên của chúng ta tạo ra trong kiếp trước hoặc kiếp nầy. Rồi cái quả ấy lại làm nhơn cho cái quả khác sẽ báo ứng về sau. Nhơn và Quả cứ tiếp tục tương ứng như vậy mãi như bóng tùy hình mà buộc trói con người trong vòng oan nghiệp, mới có cuộc trả vay, vay trả của kiếp luân hồi.

Vậy muốn biết nhơn quả kiếp trước của ai, cứ xem cái địa vị sang hèn của người ấy ở kiếp đương sanh. Muốn biết nhơn quả đời sau của họ thế nào, cứ xem tâm tánh và hành động của họ ở ngay kiếp nầy vậy.
* * *


Gương nhân qu

Nhơn quả hay nghiệp báo vốn có hai thứ: Biệt nghiệp (Karma individuel) và Cộng nghiệp (Karma collectif).

1 /. Biệt nghiệp là quả báo riêng từng người, ai tạo nhơn là nấy thọ quả. Biệt nghiệp lại ứng quả có hai cách: Ðịnh nghiệp và Bất định nghiệp.

a) Ðịnh nghiệp là quả báo định trước. Nhơn hồn nào tấn hóa khá rồi, khi được hoàn tỉnh sau cái trạng thái hỗn độn gây ra trong lúc thoát xác phàm, lần hồi thấy rõ tội lỗi đã làm (*1) rồi biết ăn năn đau khổ, tự quyết khi chuyển kiếp sẽ trả quả bằng cách nào, trong lúc nào, hoặc trong một thời gian nào nhứt định. Nhơn hồn được tự do lựa chỗ thác sanh. Nếu phải chuyển kiếp để thọ khổ mà đền tội trước, nhơn hồn thường lựa gia đình nào bần hàn hoặc hung độc mà đầu thai cốt để có dịp cho mình trả quả.

b) Bất định nghiệp là quả báo không nhứt định trước. Những nhơn hồn thấp thỏi, hôn mê ám muội đã tạo ác duyên mà không tỉnh ngộ, cho nên quả ứng lúc nào hay lúc nấy, không biết tự mình quyết định.

2 /. Cộng nghiệp là quả báo chung cho nhiều người phải chịu. Như nhiều kẻ đồng phạm một ác nhân, khi đền tội, phải chịu chung một ác quả.
Cũng có nhiều kẻ, tuy tạo nhơn khác nhau, song tội đồng nhứt thể, đến khi trả quả vẫn chung chịu với nhau một lượt.
Lại có khi một người làm ác mà nhiều người chung hưởng lợi, tất cũng phải thọ quả đồng thể.

Tất cả nạn nhơn một tai họa lớn như động đất, bão lụt, chìm tàu, hỏa hoạn, dịch khí, chiến tranh,v.v… đều là những kẻ chịu một quả báo chung vì họ đã đồng tạo một ác nhơn.

Mặc dầu xa lạ nhau, mặc dầu kẻ Nam người Bắc, Thiên cơ xui khiến thế nào cho họ hiệp nhau một chỗ đặng đền tội chung một lượt.

(*1) Ở cõi phàm, con người hành động thế nào, sự hành động ấy dầu hiền hay dữ, dầu thấp hèn hay cao thượng, cái ấn tượng của nó in gắn vào tinh chất (matière astrale) của cõi Thần (Plan astral). Ðến khi hồn lên cõi Thần, cái ấn tượng ấy hiện ra có thứ lớp rõ ràng, hồn người trông thấy chẳng khác nào mục kích một phim chớp bóng. Nhà Phật gọi là "Nghiệt cảnh đài" (psyché astrale).

Thời gian báo ứng
Phàm bất câu một nguyên nhơn nào cũng có cái tánh cách đem lại kết quả cấp kỳ. Nhưng lại thường có một nguyên nhơn khác xen vào phản ứng (Cause contradictoire), khiến cho cái kết quả ấy phải hoãn lại một thời gian.

Tỉ như chúng ta để ngón tay vào lửa (nguyên nhơn), chúng ta bị phổng liền (kết quả cấp kỳ). Nhưng nếu chúng ta dè dặt, bao ngón tay bằng một chất thuốc gì có công hiệu che chở, ngón tay ắt không bị phổng liền. Lửa cần phải đốt hết chất ấy rồi mới bắt qua ngón tay.

Lớp thuốc ấy là nguyên nhơn phản ứng.

Lại ở các nước miền ôn đới như Việt Nam chẳng hạn, phàm giống lúa hễ gieo xuống là nứt mộng lên mau. Nhưng ở các xứ lạnh, lúa lại chậm lên là tại tuyết giá cản ngăn. Tuyết giá vốn là nguyên nhơn phản ứng đó vậy.

Một đứa bé chơi nghịch bị cha nó bắt nằm xuống phạt răn. Trong lúc người cha đưa roi lên sắp đánh, lại có một người khách đến thăm. Ông cha phải buông roi hoãn sự răn trừng để tiếp khách. Sự khách đến thăm ấy cũng là nguyên nhơn phản ứng.

Cũng vì "Luật phản ứng" mà cái quả của một thiện nhơn hay một ác nhơn có khi không báo ứng ngay trong kiếp tạo nhơn. Nên chúng ta thấy nhiều kẻ bạo tàn ác đức mà được giàu sang sung sướng nghinh ngang hống hách với đời. Ấy bởi họ đương hưởng cái quả của thiện nhơn họ đã tạo ra trong kiếp trước. Nhưng một khi đã tận hưởng quả lành thì ngay trong kiếp đương sanh hoặc trong kiếp tái sanh, họ sẽ chịu khổ quả của cái ác nhơn mà họ đương tạo.

Chúng ta cũng thấy có người hiền lương đạo đức mà lận đận lao đao, ấy là họ đương trả quả của cái ác nhơn họ đã tạo ra trong tiền kiếp. Trả quả xong, họ sẽ được hưởng ngay trong kiếp nầy hay trong kiếp sau, cái quả của thiện nhơn mà họ đương tạo.

Vậy, đối với thời gian, sự báo ứng có ba cách:
1 /. Báo ứng ngay trong kiếp tạo nhơn, gọi đương kiếp nhơn quả.
2 /. Báo ứng theo cái nhơn kiếp trước, gọi tiền kiếp nhơn quả.
3 /. Báo ứng ở kiếp sau do cái nhơn hiện tại, gọi hậu kiếp nhơn quả.

Chuyện kể của Edgar Cayce về sự luân hồi’ của bác sĩ Gina Cerminara (Ảnh từ Edgarcaycebooks.org)

Chuyện Nhơn Quả
Kéo cày trả nợ
Chuyện nầy trích ở "Chuyện cổ nước Nam". Dầu rằng, người ta có thể bảo chuyện cổ là chuyện bịa đặt, nhưng thấy tác giả tin tưởng Luật Nhơn Quả và có dụng ý khuyến thiện, chúng tôi mượn chép ra đây:
Xưa có một người tên Châu Văn Ðịch, làm ăn vất vả, cửa nhà đói kém, nhưng tánh khí hiền lành, ăn ở thật thà có nhơn, có đức.

Trong hạt có một nhà giàu thường cho người ấy vay nợ, năm nào cũng vậy, vay vay, trả trả đã nhiều.

Gặp năm mất mùa, người ấy không trả được nợ, mà ông nhà giàu cũng không hỏi đến. Mấy năm sau, người ấy chết đi, nợ vẫn còn lại. Nên lúc hấp hối còn trối với con rằng:
"Nợ nần chưa trả cho ai,
Hồn nầy thác xuống tuyền đài chưa yên".

Một đêm, ông nhà giàu kia nằm mơ, nghe có tiếng người nói ở bên tai rằng:
"Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai".

Sáng ra ông thấy con trâu đẻ ra được con nghé trên lưng có hai chữ "Văn Ðịch".
Con nghé mỗi ngày một lớn, khôn ngoan dễ bảo, cày bừa rất khỏe. Người biết chuyện, ai cũng bảo rằng:
"Người ăn thì còn,
Con ăn thì hết.
Ðã đến lúc chết,
Hãy còn nhớ ơn".

Cách ít năm, hai đứa con Văn Ðịch khôn lớn lên, làm ăn nhờ Trời cũng khá. Một hôm đang cày ngoài đồng, nghe thấy ở thửa ruộng gần đấy có người bảo con trâu rằng:
- Văn Ðịch! Văn Ðịch! Nhanh chơn, mau bước, kẻo đã trưa rồi.

Hai đứa con nghe kêu tên cha, ngạc nhiên chạy sang bên ruộng hỏi thì người kia nói rằng:
- Con trâu nầy từ lúc sanh ra, trên lưng có hai chữ "Văn Ðịch", mà có gọi đúng tên nó như thế, thì nó mới chịu làm.

Lúc về hai đứa con vội vàng sang nhà ông nhà giàu hỏi chuyện tỏ ý muốn mua con trâu, thì ông ấy bảo rằng:
- Trước tên "Châu Văn Ðịch" có vay nợ ta, không trả được ta cũng không đòi? Có lẽ gì vậy, mà phải hóa kiếp làm con trâu nầy trả nghĩa cho ta. Ðã mấy năm nay nó làm ăn chịu khó, trong nhà ta đây cũng được thạnh vượng. Nó trả như thế, ta cho cũng là đủ rồi. Vậy hai người có phải là con, muốn mua chuộc về thì ta để lại cho. Ta lại trả cả văn khế cũ đem về mà hóa kiếp cho yên hồn cha.

Khi hai đứa con chuộc được con trâu về, vừa đem tờ văn khế ra đốt, thì nó lăn ra chết. Thế là nó đã trả sạch được nợ kiếp trước rồi.
Thấy chuyện nầy, người ta mới đặt câu "Kéo cày trả nợ" thành câu tục ngữ.

Tiền kiếp Nhơn quả
Chuyện nầy trích ở quyển sách "Vấn đề con người và số phận" của Léon Denis, trang 289 "Le problème de l'être et de la destinée".

Năm 1862, ông hoàng Galitzin cùng với Hầu tước B… và Bá Tước R… đi nghỉ hè tại bờ suối nóng ở thành Hambourg. Một buổi chiều, ăn uống xong, có hơi trễ, ba người cùng đi dạo trong vườn một hí viện. Bỗng ba người bắt gặp một mụ bần hàn ngủ trên một chiếc "băng". Ba người liền đánh thức mụ và sau khi hỏi thăm tình cảnh cơ hàn lại dẫn mụ về khách sạn cho ăn uống no nê. Nguyên ông hoàng Galitzin vốn là một nhà biết thuật "thâu thần" nên nảy ra ý định thôi miên mụ ấy. Lạ một điều là bình thường mụ ấy chỉ bập bẹ một thứ thổ ngữ nước Ðức, thế mà lúc ngủ mê trong giấc thôi miên mụ lại nói tiếng Pháp đúng đắn và rành rẽ. Mụ bảo kiếp trước vào thế kỷ 18, mụ là một thiếu nữ giàu sang ở một biệt thự tại xứ Bretagne. Vì tư tình với kẻ khác, mụ nhẫn tâm xô chồng từ một tảng đá xuống biển chết tươi. Cho nên kiếp nầy mụ phải chịu bần cùng khốn khổ để đền tội kiếp trước. Mụ còn cho biết rành mạch nơi đã xãy ra án mạng ấy.

Về sau, ông hoàng Galitzin cùng Hầu tước B… dò theo lời mụ chỉ, đến xứ Bretagne tìm được nơi ấy, rồi hai người chia ra hai ngả để điều tra riêng nhau cho chắc ý. Lúc đầu hỏi không ai biết, sau gặp nhiều ông lão hỏi thăm thì mấy ông ấy bảo rằng có nghe cha mẹ thuật lại chuyện một thiếu nữ kiều diễm và giàu sang ở một biệt thự nọ, vì ngoại tình, đành nhẫn tâm xô chồng xuống biển. Thế là lời mụ kia thú tội trong giấc ngủ thôi miên đã được xác nhận.

Khi ông hoàng về ngang qua Hambourg, ông ghé hỏi thăm viên cảnh sát trưởng nơi đây về lai lịch của mụ ấy, thì được biết mụ chỉ biết bập bẹ được ba tiếng Ðức và sống bằng nghề đưa rước quân nhơn.
*  *  *
Chuyện Nhơn quả dưới đây viết theo tài liệu rút trong bản phúc trình của Hội Khảo Cứu Thần Linh Học thành Huesce, nước Tây Ban Nha (Espagne) mà tờ Tạp chí Khoa học và Luân lý Thần Linh Học năm 1912 có đăng tải (Revue scientifique et morale du spiritisme).

Từ năm 1881 tới năm 1884, người ta vẫn thấy đi lang thang trên đường thành Huesca một người điên tên Suciac. Chàng ăn vận một cách hì hợm, cứ nói lầm thầm một mình, ai hỏi điều chi cũng chẳng trả lời. Về sau, vì thấy hắn trở nên nguy hiểm, người ta buộc phải xem chừng từng hành động của hắn.

Cũng tại thành nầy có một Hội Khảo Cứu Thần Linh Học (Groupe d'Etudes spirites) của một nhóm người học thức trung bình, mà Hội Trưởng là ông Domingo Montréal và đồng tử là Sanchez Antonio. Ðồng tử nầy vốn không biết chữ, nhưng lại có cái đặc biệt là "chấp bút" viết ra không hề chấm câu, nhưng cũng có khi viết được nhiều bài dài thậm thượt và đúng theo văn phạm.

Khi Suciac chết, hồn anh giáng bút do Antonio viết ra cho biết kiếp trước anh là vị lãnh chúa (Seigneur) thành Sangarren, vì gây nhiều tội lỗi nên chuyển sanh phải thọ khổ mà trả quả. Suciac còn quả quyết rằng nếu muốn tin chắc nên quan sát những tài liệu trong văn khố còn giữ tại đền đài của anh ta ở trong kiếp trước tại Sangarren.

Nghe vậy nhóm người trong Hội Khảo Cứu Thần Linh Học gồm có quí ông Domingo Montréal, Severo Lain, và Marvallo Bakkestar đích thân đến cái đền cổ ấy để quan sát nhưng người nơi đó bảo rằng đền ấy không chứa một dấu vết gì về văn khố cả.

Mấy ông ấy thất vọng trở về bảo Antonio chấp bút hỏi lại thì hồn anh Suciac về cho biết những tài liệu ấy giấu kín bên cạnh lò lửa trong nhà bếp.

Ðoàn quan sát bèn đến Sangarren một lần nữa và được người ta cho phép dò xét trong nhà bếp, thì lạ làm sao, họ tìm được một mớ tài liệu viết trên da mỏng và giấu trong một chỗ kín vách tường.

Những tài liệu ấy được đem về thành Huesca, nhờ giáo sư Oscariz dịch ra tiếng Tây Ban Nha thì đúng theo lời của hồn anh Suciac đã cho biết.

Trả nợ tín thí
Ðức Ca-na-đề-bà (Kanadeva) Tổ sư thứ 15 của Phật giáo bên Ấn Ðộ, có lần sang truyền đạo tại nước Tila. Thuở ấy, vườn ông trưởng giả Phạm Ma Tín Ðức có một cây đại thọ sanh ra một thứ nấm rất thơm, thường bữa ông cùng con thứ hai là La Hầu La Ða nhổ nấm ấy ăn rất ngon, mà hễ nhổ sớm mai thì chiều thấy nấm khác mọc ra.

Tổ sư vốn biết rõ nguyên nhơn việc ấy, nên đến viếng trưởng giả và giải cho ông ấy biết việc lạ ấy vốn như vầy:
"Nguyên trong một tiền kiếp, ông và con ông thành tâm cúng dường cho một thầy tì khưu. Nhưng thầy ấy đạo hạnh chưa hoàn toàn, quanh năm suốt tháng cứ ngửa tay thọ lãnh của hai người mà ăn tiêu, nhưng chẳng lập được một đạo nghiệp nào đáng kể. Cho nên kiếp nầy tỳ khưu ấy phải đọa sanh làm nấm đặng trả món nợ tín thí ở kiếp trước đó vậy".

Nghe thuật rõ có báo ứng, ông trưởng giả liền thưa:
- Bạch Tôn sư, tôi vô phước không sớm được gặp Ngài, nay tôi đã già nua, sức yếu tiếc không thể theo hầu hạ Ngài, nay tôi tình nguyện cho con tôi đây là La Hầu La Ða theo thọ giáo, xin Ngài từ bi thâu nạp.

Tổ sư vui vẻ đáp:
- Kiếp trước con ông đã có duyên lành được Ðức Như Lai Thế Tôn thọ ký, sau nầy sẽ là một vị Giáo chủ trong Phật đạo. Vậy, sự hội ngộ hôm nay không phải ngẫu nhiên, mà là do duyên từ trước vậy.
(Viết theo tài liệu rút trong "Sự tích 33 vị Tổ sư " của Phật giáo).

Ðức Cưu-ma-la-đa giảng cơ báo ứng
Chuyện nầy viết theo tài liệu rút trong "Sự tích 33 vị Tổ sư" do Phật học Tạp chí "Từ bi âm" xuất bản.
Ðức Cưu-ma-la-đa (Kumarata) là Tổ sư thứ 19 của Ðạo Phật bên Ấn Ðộ. Sau khi đắc đạo, Ngài sang thuyết pháp bên miền Trung Ấn Ðộ. Thuở ấy có đại sĩ Xá-dạ-đa hỏi Ngài:
- Bạch Ngài, song thân tôi vốn hiền lương, rất tin sùng Phật giáo, song thường bị đau ốm và bất câu làm việc gì cũng thất bại; còn người bên cạnh, chuyên nghề hàng thịt sát hại chẳng biết bao sanh mạng. Ấy vậy mà hắn vẫn khỏe mạnh và làm ăn ngày thêm phát đạt. Thật tôi không rõ thế nào là cơ báo ứng, cúi xin Ngài từ bi chỉ giáo.

Tổ sư giảng giải:
- Cơ báo ứng vốn có ba thời kỳ, không nên lấy lẽ thạnh suy, bĩ thới hiện tại mà đoán được căn phần hiện tại. Phải biết cái lý nhơn quả không bao giờ sai chạy. Nhơn với quả cũng như bóng với hình, hình thẳng tức bóng ngay, hình chinh tức bóng lịch. Người đời không rõ cái lý ấy mới dám ngờ vực khi thấy bực hiền lương mà hoạn nạn, kẻ bạo tàn lại được vinh quang, chớ họ biết đâu rằng sở dĩ kẻ tích ác mà đặng giàu sang là nhờ hưởng cái duyên kiếp trước, cũng như kẻ hiền từ mà chịu nghèo khổ là tại cái oan nghiệt tự mình đã tạo ra kiếp xưa, nên kiếp nầy phải trả. Ðến như cái nhơn hiện tại là mầm móng cái quả tương lai đó vậy.

Ðành rằng có ba nghiệp, nhưng mỗi nghiệp cũng do vọng mà sanh, vọng hoặc lại do thức tình mà dấy, thức tình sở dĩ có vì tánh bất giác, mà tánh bất giác lại ở nơi tâm. Nhưng bổn thể của tâm vốn là thanh tịnh, không sanh, không diệt, không tạo tác mà cũng không báo ứng. Con người thấu được chỗ diệu lý ấy, thì đối với họ, tất cả những pháp hữu vi và vô vi đều là mộng ảnh, không cần phải quan tâm đến.
Người như vậy tức đồng bực với Phật đó.

IV . Làm phước gặp phước
Thuở xưa có hai vợ chồng Kế-la-di, tuy nghèo nhưng mà biết an thân thủ phận, vui sống cuộc đời thanh bạch, tâm tánh từ hòa và hay nhịn nhục. Một hôm, vợ chồng thức dậy sớm, chia nhau một người một ngả đi làm mướn kiếm tiền đặng độ nhựt.

Dọc đường, Kế-la-di gặp nhiều ông trưởng giả ăn mặc chỉnh tề hội nhau trong một ngôi chùa để tổ chức một cuộc bố thí. Thấy vậy, chàng thầm trách mình nghèo khổ chẳng có phương tiện bố thí như người ta, nên lòng càng buồn bực.

Tối lại, chàng về nhà không ngủ được, cứ nằm lăn qua trở lại thở dài. Chàng thầm nghĩ vì kiếp trước không làm điều thiện, nên kiếp nầy phải chịu bần cùng khổ sở, còn mấy ông trưởng giả kiếp trước có tu nhơn tích đức, nên kiếp nầy được giàu có hơn người. Chàng lại nghĩ nếu kiếp nầy không sớm lo lập âm đức, kiếp sau ắt còn khổ sở hơn nữa.

Người vợ thấy chàng buồn bực liền hỏi duyên do, thì chàng đáp:
- Nầy hiền thê! Anh sở dĩ ưu phiền là vì kiếp trước không vun cội phước nên ngày nay phải chịu cực khổ cơ hàn, muốn làm âm chất ngặt nỗi không tiền.
- Anh chẳng nên buồn bực, mà than dài thở vắn cũng chẳng ích chi. Tốt hơn là đem bán em cho nhà giàu lấy tiền bố thí có phải ích lợi xác thực hơn không?

Kế-la-di nghe vợ nói hết sức thương tình, rồi đáp:
- Chúng ta vốn cùng chung một số phận, cùng chia nồng sớt lạnh, lẽ nào anh làm được điều vô nhơn đạo ấy?
- Thôi thì chúng ta đồng bán thân lấy tiền làm công đức, anh nghĩ sao?

Kế-la-di vui chịu, rồi sáng ra cùng nhau đến nhà một ông phú hộ và thưa:
- Thưa ông, vợ chồng chúng tôi đến xin ông cho chúng tôi bán thân lấy ít đồng vàng đem về cúng Phật và làm phước.

Ông phú hộ ngạc nhiên hỏi:
- Hai vợ chồng muốn bao nhiêu?

- Thưa, lối 10 đồng vàng thôi.
- Thôi, ta cho hai ngươi mượn 10 đồng vàng, với điều kiện là trong bảy ngày phải lo huờn lại. Nếu quá kỳ hạn mà không trả, chừng đó hai người phải ở làm công cho ta mà trừ nợ.

Hai vợ chồng mừng rỡ, liền làm giấy nợ rồi lãnh tiền đi đến một ngôi chùa ra mắt chủ tăng, xin nạp 10 đồng vàng, nhờ chủ tăng qua ngày thứ 6 làm chạy bố thí giùm, rồi ngày thứ 7 sẽ huờn kinh cúng ngọ.

Chủ tăng vui lòng chấp thuận, lúc ấy hai vợ chồng ở tại chùa, vợ lo giã gạo xây bột, chồng bửa củi, gánh nước, bao hàm tất cả công việc cực nhọc về việc làm chay.
Lúc ấy lại có một vị quốc vương đến chùa cậy chủ tăng lập đàn cầu siêu cho tiên vong và bố thí kẻ nghèo, nhưng trớ trêu làm sao, quốc vương cũng định ngày cầu siêu cùng một lúc với vợ chồng Kế-la-di.
Chủ tăng liền tâu ông đã định lo bữa ấy làm chay cho vợ chồng Kế-la-di rồi, xin nhà vua dời qua ngày khác.

Quốc vương bất bình và phán:
- Trẩm đây là bực quân vương, còn kẻ kia là hạng thần dân, lẽ nào không nhường ngày ấy cho trẩm sao?
Nói đoạn, quốc vương sai người đến bảo La-di nhường ngày ấy cho Ngài làm chay trước.
Vua sai người đi điều đình như vậy đến ba lần, nhưng La-di vẫn khăng khăng không chịu nhường.

Quốc vương lấy làm lạ liền cho đòi La-di đến giáp mặt hỏi nguyên do, thì chàng tâu rằng:
- Tâu Thánh thượng, kẻ mạt dân nầy chỉ được tự do trong hai ngày ấy thôi, chớ qua ngày sau thân nầy phải làm nô lệ cho người khác, không còn tự do cúng Phật trai Tăng được nữa. Vì lẽ ấy, mạt dân không thể làm vừa lòng Thánh thượng.

Quốc vương gạn hỏi đuôi đầu, biết rõ ngọn ngành, lấy làm khen ngợi La-di, nên vui lòng nhường cho vợ chồng khai pháp hội trước mình. Ngài truyền lịnh xuất bạc vàng châu báu ban thưởng hai người, lại xuống chiếu dạy quan địa phương cắt đất cho hai vợ chồng chung hưởng huê lợi suốt đời.

Nhờ vậy, Kế-la-di có tiền đem trả ông phú hộ để chuộc lại tự do.
(Tóm tắt theo tài liệu "Tục tạng kinh")

KẾT LUẬN
"LUÂN HỒI" là cơ mầu nhiệm cũng như "QUẢ BÁO" là luật thưởng phạt công bình của Thiên Ðạo.

Là cơ mầu nhiệm, sự "Luân hồi" không thể đem phô diễn hằng ngày trước mắt muôn người. Tuy nhiên, vì đức từ bi, nên thỉnh thoảng Tạo Hóa cũng hé màn bí mật cho người đời chiêm nghiệm, cũng để nhắc chừng cho biết "Chết không phải là hết" và linh hồn, điểm linh quang bất diệt ấy, phải trải qua muôn muôn ngàn ngàn kiếp tái sanh đặng học hỏi, kinh nghiệm mà tấn hóa.

Những chuyện "Luân hồi""Quả báo" chúng tôi đã trình bày cũng đủ chứng minh điều ấy. Chúng tôi không bịa đặt, chỉ ra công sưu tập tài liệu trích trong kinh điển và báo chí mà đăng ra, có xuất xứ rõ ràng, có bằng chứng hiển nhiên.

"Luân hồi" tức có tạo nhơn, tạo nhơn, linh hồn chuyển kìếp, phải trả quả là lẽ đương nhiên. Không cần nói đến "Luật thiêng liêng", ngay "Luật đời" cũng không bao giờ để yên cho người tạo ác. Song "Luật đời" phạm nhơn còn phương trốn, chí ư "Luật thiêng liêng" thì một mảy không qua, dữ lành đều báo ứng. Trong mấy năm qua, chúng ta đau lòng mục kích chẳng biết bao nhiêu tang tóc, bao nhiêu tàn phá, giàu sang trở nên nghèo khổ, nghèo khổ hóa thành giàu sang, hầu hết những kẻ lưu manh tàn ác phải đền tội bằng cách nầy hoặc cách khác. Rõ ràng là "Cơ báo ứng nhãn tiền" của công bình Thiên Ðạo.

Họa phúc do con người tự tạo, bằng chứng rõ ràng, chúng ta có quyền lựa chọn giữa hai con đường SIÊU và ÐỌA.

Phải chăng Hội Long Hoa, tức Hội Ðại Ðồng Phán Ðoán (Grand Jugement Général) đã bắt đầu khai diễn vào thời kỳ mạt pháp nầy, để rồi mở ra một Ngươn mới, Ngươn Thánh Ðức, cho những tâm hồn trong sạch chung sống cảnh HÒA BÌNH và HẠNH PHÚC của một đời mới?
HẾT
Home                                                     [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]