LỜI NÓI ÐẦU: Chúng ta ở vào thế kỷ văn minh vật chất, thêm gặp
buổi khó khăn, con người mảng chật vật về kiếp sống còn, lo cho hiện tại chưa
kham, ít ai được tâm trí rảnh rang nghĩ tới những việc cao xa, sâu kín.
Cái trạng huống ấy còn kéo
dài, nhiều người rồi đây không khỏi bị lôi cuốn theo làn sóng duy vật mà bỏ hẳn
tinh thần đạo đức bỏ cả quan niệm thiện ác.
Nhận thấy cái viễn cảnh
ấy, chúng tôi chẳng quản tài sơ trí thiển, soạn in quyển nhỏ nầy với những bằng
chứng về Luân Hồi Quả Báo, để anh chị em cùng xem mà suy nghiệm.
Vốn không phải một công
trình sáng tác, mà là một công trình sưu tập, sưu tập những giáo lý và học
thuyết của các đấng tiền nhân, sưu tập những chuyện xưa tích nay về "KIẾP LUÂN HỒI" và "LUẬT NHƠN QUẢ" có thể gây ảnh
hưởng sâu xa cho nhơn tâm thế đạo giữa sức cạnh tranh của hai thuyết Duy Tâm và
Duy Vật.
Thừa biết có nhiều khuyết
điểm không thể tránh, chúng tôi cầu xin các bực cao minh đại đức vui lòng điểm
xuyết, cho quyển sách nhỏ nầy được đầy đủ hơn trong kỳ tái bản.
Mùa Xuân năm Bính
Thân
NGUYỄN TRUNG HẬU và PHẠM TẤN ÐÃI
Kiến thức cơ bản ngắn gọn về sáu cõi luân hồi
Linh hồn là điểm linh
quang bất diệt. Từ ngàn xưa, nhơn loại vẫn tin như thế. Sự tin tưởng ấy chính
là một tín điều, làm căn bản cho các tôn giáo.
Qua nhiều thế hệ, tôn giáo
vì bị diên cách mà thất kỳ truyền, cho tới ngày nay, tôn giáo kém lần uy tín
tinh thần, khiến cho lòng người hoang mang thắc mắc, rồi đâm ra ngờ vực cái tín
điều cố hữu ấy. Gia dĩ vào thế kỷ 20 nầy, khoa học vật chất phát triển rất mau,
những tìm tòi và phát minh khoa học đã biến cải điều kiện sanh tồn theo quan
niệm mới và đã hoàn thiện đời sống vật chất của nhơn loại.
Tuy nhiên, nếu khoa học
thắng lợi về phương diện vật chất, nó lại làm càng lu mờ cái tín ngưỡng về linh
hồn, thành thử ít người chịu quan tâm đến phần linh diệu của mình, không cần
tìm hiểu sau khi lìa khỏi xác phàm, linh hồn sẽ ra sao. Họ bận lo cho kiếp hiện
tại, cho những cận lợi nhãn tiền, mặc cho kiếp tương lai mà họ không tin là có.
Thêm vào đó, những phát
kiến gần đây của thiên văn học, địa chất học, nhơn loại học đã đánh đổ những
bịa đặt quá đáng của một vài tôn giáo, gây thành mối tương phản giữa đức tin và
lý trí.
Phải Hiểu Khái Niệm Về Sự "Tái
Sinh"
Tóm lại, một phần vì sức
bành trướng của khoa học, một phần vì lập thuyết mập mờ của vài tôn giáo, nhơn
sanh quá chú trọng về vật chất, bỏ quên hẳn về tinh thần. Dầu các nhà tín
ngưỡng chơn chánh có đem tài hùng biện tranh luận với các nhà khoa học trên địa
hạt triết lý cách nào đi nữa tưởng cũng không thể đem thắng lợi về mình. Phải
tìm một phương pháp khác: QUAN SÁT và THỰC NGHIỆM. Phải tìm đủ bằng cớ minh
chứng linh hồn là một điểm linh quang hiện hữu và có thể linh hoạt ngoài cơ
thể.
May thay! Những bằng chứng
ấy đã có và không khó để xác nhận, nếu người ta chịu khảo sát một cách vô tư
những hiện tượng như huệ nhãn (clairvoyance), huệ nhĩ (clairaudionce), thần
giao cách cảm (télépathie), linh cảm (prémonition), xuất thần (dédoublement)
vân vân…
2 .
Bằng chứng
Ngay từ năm 1882, Hội Anh
quốc Nghiên cứu Tâm linh (Société Anglaise des Recherches Psychiques) đã dày
công khảo sát và nghiên cứu hàng ngàn hiện tượng siêu hình. Việc làm tiêm tất
ấy khiến giới trí thức phải quan tâm rồi quen lần với những hiện tượng xảy ra
chứng tỏ linh hồn có thật. Nên nói rằng Hội Nghiên cứu nầy gồm nhiều danh nhơn
trong giới khoa học và thần học của nước Anh vào thế kỷ 19.
Tháng ba năm 1922, giáo sứ
Charles Richet (người Pháp) đem trình tại văn phòng Khoa học Hàn lâm viện
(Académie des Sciences) một tác phẩm của ông, nhan đề "SIÊU LINH HỌC KHÁI LUẬN" (Traité de métaphysique), trong
đó ông chứng thực những hiện tượng nói trên.
Các nhà thông thái như
Grookes, Alfred Russel Wallace, Myer Sir Oliver Lodge, Lombroso đều công nhận
thuyết Thần linh là đứng đắn, có thể giải quyết các vấn đề siêu việt về những
hiện tượng siêu linh.
3 .
Xuất thần
Năm 1884, ông Cố đạo Huc,
sau khi du lịch bên xứ huyền bí Tây Tạng, về Ba Lê (Paris) có thuật lại cho một
người bạn nghe một chuyện ly kỳ mà ông đã thấy tạn mặt hồi ông ngụ tại chùa
Koumboum. Ông nói: "Một hôm đương
ngồi đàm đạo với một nhà sư, bỗng tôi thấy vùng nín thinh, dường như lắng nghe
điều gì, đoạn nói: "Tôi phải đi
mới được". Ngạc nhiên, tôi hỏi: "Ông
đi đâu? Và vừa nói chuyện với ai?" Ông đáp: "Ði lại chùa X, ông Thầy Cả chùa ấy cần nói chuyện với tôi, nên
mới gọi tôi".
Từ Koumboum đến chùa X rất
xa, đi bộ phải mất vài ngày, nhưng nhà sư đi bằng cách xuất thần. Ông vào tịnh
phòng, tôi vô theo. Ông bảo một sãi khác đóng cửa lại. Vài phút sau, ông sãi
cho tôi biết rằng nhà sư đã đi rồi. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Cửa phòng đóng chặt, đi
làm sao được?
- Ông xuất thần đi như
chớp nhoáng, đâu phải đi bằng xác phàm.
Ba ngày sau, vì chưa thấy
động tịnh, tôi hỏi tin tức thì nghe nói chiều hôm ấy nhà sư về. Thật vậy, mặt
trời vừa lặn, tôi nghe từ trên mây có tiếng bảo mở cửa. Tôi dòm lên thấy nhà sư
bay xuống rồi vô phòng.
Vài hôm sau, người ta đưa
ông Cố đạo Gabet và tôi ra khỏi biên giới Koumboum vì chúng tôi tò mò quá.
* * *
Cũng về hiện tượng xuất thần,
cách đây lối 25 năm, chúng tôi được nghe một chuyện cũng kỳ bí như chuyện trên
do một nhà giáo già thuật lại. Lúc ấy ông làm hiệu trưởng một trường công tại
ngoại ô Saigon, một người đáng kính và đáng tin cậy.
Ông thuật chuyện dưới đây:
"Hồi tôi còn trẻ lối
hai mươi mấy tuổi, tôi cùng vài bạn lên viếng núi Ðiện Bà (Tây Ninh). Vừa đến
chân núi, chúng tôi gặp ông sãi tu tại động Linh Sơn, đương đi dạo dưới núi.
Không ai biết tên ông, chỉ biết ông là người Chàm (Chiêm Thành), nên gọi ông
Chàm thôi.
Khi chúng tôi lên tới
động, ông Chàm đã chực sẵn tiếp rước chúng tôi. Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng thầm
nghĩ có lẽ ông biết đường đi tắt nên lên động trước hơn.
Hầu chuyện được một lúc,
ông lại bảo chúng tôi: "Xin mấy ông
ngồi chơi giây lát tôi có việc phải đi".
Nói đoạn, ông lặng thinh
cúi mặt xuống bàn như ngủ. Chúng tôi ngơ ngẩn không hiểu đâu vào đâu cả. Tuy
nhiên, chúng tôi vẫn ngồi yên lặng đợi chờ, không dám làm kinh động giấc nhấp
của ông. Một lát lâu, ông ngước mặt lên, thì kỳ dị thay! Trên bàn chất đầy nào
là nhang, đèn, trà tàu và bánh in mà ông bảo mới đi Cholon mua về.
Thuật dứt câu chuyện huyền
bí ấy, nhà giáo cười nói: "Ðó là
chuyện thật tôi thấy tận mặt. Thấy sự mầu nhiệm ấy, tôi muốn tu quá, ngặt vì
tuổi còn thơ, gia đình còn ràng buộc chưa thể thi hành theo ý nguyện".
Về sau nhà giáo tu thật. Ông nhập môn Ðại Ðạo
Tam Kỳ Phổ Ðộ và hành đạo một cách sốt sắng.
Còn ông Chàm, sau khi đắc quả, có giáng cơ với
danh hiệu Huệ Mạng Trường Phan và cho bài thi tứ tuyệt dưới đây:
Tây Ninh tu luyện động Linh Sơn,
Chẳng quản mùi đời thiệt với hơn.
Trăm đắng ngàn cay đành một kiếp,
Công hầu, vương bá có chi hơn?"
* * *
Nhờ cơ bút, người phàm có
thể thông công với những linh hồn giải thể đương linh hoạt ở cõi hư không mà
người đời quan niệm về đẳng cấp, gọi là Thần, Thánh, Quỉ, Ma…
Ở nước Pháp, các nhà Thần
linh học còn dùng phương pháp thiết thực hơn để chứng nhận một cách đích xác sự
hiển hiện của linh hồn bằng cách chụp ảnh và lấy dấu tay của những người chết
hiện hồn về. Cuộc thí nghiệm nầy được tổ chức rất châu đáo để phòng ngừa những
sự gian lận hoặc ảo ảnh.
Và sau những cuộc thí
nghiệm, nhiều nhà bác học còn điều tra lại nhiều lần rồi mới chịu tin chắc, mặc
dầu những nhà duy vật cố tâm xuyên tạc.
4 . Thần giao cách cảm
Tờ báo International
Psychic Gazette có tường thuật hiện tượng dưới đây:
Bà Maria Szabo ở tại một
làng của nước Hung gia lợi (Hongrie), gần Ezegedin.
Bà có một người con trai
sang lập nghiệp ở Mỹ quốc đã 20 năm mà vẫn bặt tin tức, cho nên ai cũng tưởng
nó đã bỏ thây nơi đất khách.
Một đêm vào đầu tháng tám
dương lịch, bà mẹ đương ngủ vùng thức dậy la lên: "Chính nó, chính con tôi trở về!".
Con gái bà nghe la lật đật
chạy đến phòng bà, thì bà bảo vừa nằm mộng thấy con trai bà chống tay dựa lan
can một chiếc tàu, bà còn nói thêm rằng gò má bên trái của nó có một cái thẹo.
Cả nhà đều cho bà nói mê, không quan tâm đến. Qua chiều ngày sau, quả thiệt con
trai bà từ Mỹ quốc trở về. Nó cho biết trong lúc tàu tiến gần duyên hải Âu
Châu, nó chống tay dựa lan can mà trí tưởng đến mẹ già. Lúc bấy giờ ai nấy đều
nhận thấy trên gò má bên trái của nó có một cái thẹo dài, hỏi nó thì nó bảo
trong thời gian lưu ngụ tại Hiệp Chủng Quốc (Etas Unis) nó bị thương trong một
cuộc ấu đả.
Theo truyện trên đây,
chúng ta nhận định rằng trong khi người con trai đem hết tinh thần ý chí tưởng
tới mẹ già, thần của y xuất về thăm mẹ, và bà ấy vốn có linh cảm mới thấy được
con trong giấc mộng.
5 .
Một ông giáo sĩ hiện hồn về
Tờ Thần Linh Tạp Chí
(Revue spirite) xuất bản vào tháng Giêng năm 1932, cho biết tờ The Tivo Words có
thuật một hiện tượng kỳ quái đã xảy ra tại Manchester (Anh quốc), nơi tịnh viện
mà 38 năm về trước ông giáo sĩ Sharrock đã lìa trần. Những người ở nơi tịnh
viện đêm nào cũng thấy ông ấy hiện hồn về, thét rồi họ phải báo cáo cho Mục sư
J. Drescher hay biết. Mục sư liền ban phép lành và rải nước thánh cho tịnh viện
ấy. Rồi người ta tụng kinh cầu siêu cho linh hồn giáo sĩ Sharrock tại nhà thờ
mà trước kia giáo sĩ đã hành sự.
Mục sư Drescher lại tuyên
bố: "Tôi không cho rằng những hiện
tượng như thế có tánh cách xấu. Giáo hội Công giáo nhìn nhận sự hiện hồn sở dĩ
có là: hoặc người chết còn để lại nơi thế gian một công trình đương bỏ dở, hoặc
để nhắc nhở người rằng một thế giới khác đương chờ chúng ta bên kia màn bí
mật".
6 .
Ðứa bé mắt thần
Báo Wahres Leben, xuất bản
tại thành phố Leipzig (nước Ðức) vào tháng 2 năm 1929, dưới ngòi bút của ông
Willi Dobberkan, có thuật chuyện một đứa bé có thần nhãn. Hiện tượng nầy đã
đuợc nhà khoa học huyền bí là bác sĩ Petro Niel tại thành Madrid (Tây Ban Nha)
khảo cứu kỹ càng. Dưới đây là những điều được quan sát mà ông đã trình bày
trước mặt các thính giả chuyên môn:
"Ðó là một đứa bé bảy tuổi, ngó xuyên qua các
vật, dường như cặp mắt nó phát ra những quang tuyến Roentgen.
Ðứa bé ấy tên Benito Paz, con một nhà giáo người Tây
Ban Nha, hồi lên năm, bỗng nhiên nó đọc được những trang chữ trong một quyển
sách gấp lại và để trước mặt nó. Lúc đầu, cha nó nghi nó đã học thuộc lòng
trước. Rồi ông thử nó nhiều cách: nhơn ông đã đánh mất một nút áo, bảo nó kiếm
thì nó nói nó thấy ở trong hộp đựng thuốc lá của ông. Ðúng như vậy. Ðoạn ông
lấy những điếu thuốc đem giấu nhiều chỗ, nó vẫn chỉ đúng chỗ giấu. Lúc bấy giờ,
nhà giáo mới chịu tin và dẫn nó đến Bác sĩ Petro Niel ở thành Madrid, cho ông
ấy quan sát và thí nghiệm. Bác sĩ bèn giấu nhiều vật trong những cái trấp bằng
kim khí, rồi bảo nó mô tả từng vật một, đoạn ông bắt nó đọc những bức thơ đựng
trong ba bốn phong bì để chồng cái nầy lên cái kia, ông còn bắt nó mô tả những
vật đựng trong mấy túi áo ông. Có điều lạ là đứa bé có thể thấy và đọc xuyên
qua giấy, giấy bồi, hàng vải và kim khí, nhưng vật nào để trong hộp hay rương
bằng cây thì nó không thấy được."
7 .
Trục phách người sống
Trong lúc người Á Ðông, vì
thiếu phương pháp hoặc thiếu tánh háo kỳ, nên thờ ơ với những hiện tượng siêu
hình, thì người Mỹ hay người Âu lại dùng cách thí nghiệm để chứng chắc rằng
trong bản thân con người vốn có linh hồn và thể phách.
Năm 1893, đại tá Rochas,
tác giả quyển sách "Những kiếp sống
liên tục" (Les vies successives) có dùng một cô đồng để để trục phách
cô ấy.
Sau khi ở vào trạng thái
thôi miên, cô ấy không biết mình là ai nữa, không còn nhớ gì cả, nhưng pháp đàn
hay biết điều chi thì cô cũng hay biết y theo. Bỗng phía bên mặt cô hiện ra một
luồng thanh khí vận tròn, đồng thời, phía bên trái cũng xuất hiện một luồng
hồng khí, đoạn hai luồng ấy hòa lẫn nhau qua phía bên trái biến thành một tướng
tinh giống in hệt cô ấy. Ðó là phách của cô được trục khỏi bản thân. Ai nhẹ
bóng vía (voyant) có thể thấy đặng.
Nếu đưa một miếng đường
vào miệng cái phách ấy, thì cô biết ngọt, còn đưa tùng hương (nhựa thông) cô ấy
lại dùn mình. Nói tắt là cô và phách của cô vẫn đồng một cảm giác.
Người ta có thể chụp hình cái phách, nhưng việc nầy chưa
đủ bảo đảm cho mọi người tin là vì
không biết tại sao khi thì chụp được, khi lại không ăn ảnh.
Gần đây ông H. Durville, Tổng Thư ký Viện Từ
Khí học cũng có nghiên cứu về thần phách và được kết quả cụ thể. Ông dùng thôi
miên làm cho một người kia ngủ, rồi trục phách người ấy ra khỏi xác phàm, đoạn ông điều khiển
cái phách ấy sang qua phòng khác.
Bấy giờ ông mới bắt đầu thí nghiệm về giác quan của người ngủ. Ông đem một tờ
báo sang phòng cho phách xem, thì nơi phòng
bên cạnh, người ngủ lại đọc được. Những vật gì đem để gần phách, thì cái xác nằm trơ
trơ bên phòng kia vẫn mô tả hình trạng đúng y.
Cái phách lại nghe được
tiếng đồng hồ tíc tắc, lời nói thầm thì bên mình, biết được mùi Ammoniaque, dầu
thơm và các mùi khác, nó nếm dầu xổ, đường sulfate de guinsire, nước bông cam,
rồi truyền các sự cảm xúc ấy cho xác thân không sai một mảy.