Nghi Thức và Ý Nghĩa Tổ Chức Lễ Nhập Môn Minh Thệ cho Tân Tín đồ. (Tòa Thánh Tây Ninh)

Bước đầu tiên để một người thường trở thành một tín đồ Cao Đài là phải Nhập Môn cầu Đạo.Đây là một nghi lễ hữu hình nhưng nó có giá trị đối với tâm linh và Hội Thánh.Nghi Lễ này hầu hết các tôn giáo khác đều làm.Người Nhập Môn phải quỳ trước Thiên bàn và nói lên lời Minh Thệ của mình như sau:
" Tôi tên........ tuổi...... thề rằng: Từ đây biết một Đạo CAO ĐÀI NGỌC ĐẾ, chẳng đổi dạ thay lòng, hiệp đồng chư môn đệ gìn luật lệ CAO ĐÀI, như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục " (TNHT_Q1, trang 15)

Xin tạm dịch ra Anh ngữ để dùng cho người ngoại quốc không hiểu tiếng Việt khi Minh thệ: " My name is....year old.Swearing that: From now on,I beliew only CAODAIS's religion.Gathering all CAODAIS's rule's.Later,if I betray then my soul will be destroyed by Three Divine Judges ".

Nghi lễ Nhập Môn Minh Thệ của người tín đồ Cao Đài, bí pháp Đạo gọi là Hoà ước Thiên Nhân nghĩa là ký Hiệp ước giữa Trời và Người.
Về mặt hữu hình, trước nhất nó có ý nghĩa của một lời tuyên thệ công khai rằng: Người tín đồ bằng lòng đặt mình trong kỷ luật của Hội Thánh.Hành động này hoàn toàn tự do có ý thức, không ai bắt buộc mình cả.Rồi tự khép mình trong kỷ luật ấy.

Vì danh dự của tập thể, vì sự tôn trọng lời hứa đó mà các bạn Đạo, Chức việc, Chức sắc bề trên mới có thể và có quyền can thiệp vào đời sống tư riêng của mình, buộc phải sửa đương cho nên Hiền nên Thánh.Đúng với lời Thánh Thi của Đức CHÍ TÔN đã khuyên nhủ: " Chẳng quản đồng Tông mới một nhà, Cùng nhau một Đạo tức một Cha, Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi, Dạy lẫn cho nhau đặng chữ Hòa ". 

Thoảng như mình không gia nhập Đạo Cao Đài thì những người kia chỉ là xa lạ, đâu ai có quyền về đời sống của mình mà ngăn cản, khuyên bảo việc dữ, điều lành. Vã lại, chung sống với nhau trong đoàn thể, anh ngã em nâng, đâu cũng là bạn hữu một điều lợi trước mắt, cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Thánh Nhơn có câu: " Tứ hải giai huynh đệ " hay " Hợp quần nên sức mạnh " là vậy.
Về phương diện vô hình, là một điều tối quan trọng cần phải đặc biệt lưu tâm : Sau khi lập lời Minh Thệ chịu làm môn đệ Đấng Cao Đài, Đức Chí Tôn nhơn danh Ngọc Hoàng Thượng Đế, Chú tể cả càn khôn vạn loại, Ngài phong cho người đệ tử được vào hàng Thần vị (Đại Thần) được hưởng ân huệ " xóa bỏ tội tình truyền kiếp " để chơn hồng người đệ tử nhẹ nhàng nhờ sự giải bớt sự trả vay của quả kiếp; từ nay chỉ lo lập công mà đoạt vị.
Hơn nữa, thể theo lòng đại từ, đại bi của Đức CHÍ TÔN, các Dấng Thiêng Liêng sẽ theo phò hộ, ban cho nhiều đặc ân thuộc Bí Truyền Chơn Pháp như: Phép Giải Oan, Phép Hôn Phối, Phép Giải Bịnh và ân huệ sau cùng của cuộc đời được hưởng Phép Cầu Hồn, Cầu Siêu, Phép đoạn căn tức Phép cắt 7 dây Oan nghiệt, hầu hưởng phước thanh nhàn nơi cõi thiêng liêng hằng sống.
Đã được hưởng đầy đủ quyền lợi trong kiếp sinh và tự an lạc vĩnh cửu cho linh hồn, thì lẽ đương nhiên người đệ tử CAO ĐÀI phải có trách nhiệm với Đấng Cao Đài. Trách nhiệm đó Ngài không buộc chúng ta phải làm việc gì quá sức phàm, mà chỉ buộc: " Hiệp đồng chư Môn Đệ, gìn luật lệ Cao Đài" mà thôi.
Đừng có lòng một dạ hai, có nghĩa là đừng chia phe phân phái, khuấy phá mối Đạo Trời, cản trở cơ phổ độ chúng sanh. Nếu thật tâm tu hành, không vì tư tâm ngã kiến, không vụ danh, vụ lợi, thì việc trung thành với HỘI THÁNH, với Luật Pháp Chơn Truyền, để xây dựng và bảo tồn đại nghiệp Đạo, thiết nghĩ chẳng có gì khó khăn cả.
Về phương diện Hành Chánh Đạo, sau khi lễ Minh Thệ Nhập Môn người tân tín đồ được Chức Việc Bàn Trị Sự đem tên họ ghi vào Bộ Đạo, cấp cho một Sớ Cầu Đạo tạm. Sau sáu (6) tháng tập sự làm quen với các sinh hoạt Tôn giáo như: Cúng lạy, ăn chay.... nếu chứng tỏ được tinh thần hướng thiện của mình, người tân tín đồ sẽ được cấp Sớ Cầu Đạo Thiệt Thọ, thay Sớ Cầu Đạo tạm, xử dụng trong phạm vị Tôn Giáo suốt cuộc đời. Đến khi chết sẽ được đốt gỡi theo lễ Thượng Sớ Tân Cố, với lời ghi chú " tùng thị pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ với chức vị tín đồ, Chức Việc  hay Chức Sắc.v.v... để linh hồn người quá cố sử dụng khi vào bái mạng Ngọc Hư Cung". Xin chú ý: trong DI LẠC CHƠN KINH có đoạn: " Nhược hữu chúng sanh văn ngũ ưng đương thoát nghiệt, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng tùng thị Pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ, tất đắc giải thoát luân hồi..." là vậy.

Trên Sớ Cầu Đạo mỗi tín đồ có ghi tên hai người tiến dẫn, tức là người đã giới thiệu trong lễ Minh Thệ,Hai người tiến dẫn có trách nhiệm suốt đời với người mới nhập môn.Sau này nếu người tín đồ đó lập được công đức lớn, người tiến dẫn cũng chung hưởng một phần công nghiệp, còn nếu làm điều đại tội trong cửa Đạo, có lẽ người tiến dẫn cũng phải có phần nào trách nhiệm về mặt tinh thần.Tuy luật lệ hữu hình không ràng buộc nghiêm khắc như vậy, nhưng về mặt tâm linh quả thật có như thế.Cho nên khi đã kết nghĩa làm bạn Đạo với nhau phải biết giữ gìn cho nhau khỏi bị sa ngã, đối xử với nhau bằng sự thành thật, tín nhiệm và hòa hiệp là những điều căn bản y như lời Kinh Dâng Hương đã dạy: " Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp...".

Đặt vấn đề trách nhiệm tinh thần cho người tiến dẫn giới thiệu thiết nghĩ cũng cần nhắc lại lời dạy của Đức Chí Tôn để quý vị tiến dẫn người nhập môn khỏi phải e dè mà hăng hái dấn thân vào trường công quả.

* Đức CHÍ TÔN đã xác nhận rằng " Lập Tam Kỳ Phổ Độ này Ngài mở một trường thi công quả cho nhơn sanh đến mà tranh thủ địa vị.
NGÀI dạy: "THẦY hằng nói với các con rằng: Một trường thi công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc thì phải đi tại cửa này mà thôi". (TNHT Q1 trang 34).

Rồi NGÀI lại chỉ cho cách làm công quả là phải độ rỗi chúng sanh: "THẦY đã đến chung cùng với các con, các con duy có TU mà đắc Đạo phải đoái lại bá thiên vạn ức nhơn sanh còn phải trầm luân nơi khổ hải chưa thoát khỏi luân hồi, để lòng từ bi mà độ rỗi" (TNHT Q1 trang 14).

NGÀI lại dạy rõ: " Ít nửa mỗi tín đồ độ rỗi 12 người. Hể bao nhiêu môn đệ độ rỗi của mỗi đứa thì là họ hàng của mỗi đứa.Hiểu à!. Chứng ấy về đến Bạch Ngọc Kinh thì gia tộc mỗi đứa đều phân biệt, nếu chẳng độ rỗi thì về với hai bàn tay không ".
" Còn chư môn đệ đã lập Minh Thệ rồi ngày sau âm chất mỗi đứa mà thăng hay tội lỗi mà giáng,song buộc mỗi đứa phải độ cho đặng ít nửa là 12 người" (TNHT Q1 trang 42).

* Còn về phương diện vô hình,khi người tín đồ lập Minh Thệ rồi thì sẽ được Thần linh theo phò hộ, nếu có thật tâm cải tà quy chánh.Đây là điểm hệ trọng,con người có thể dối gạt được người phàm, nhưng không thể nào dối gạt được Thần linh.Thần linh đến phò hộ chúng ta bằng sự giao cảm, nên nếu không thật tâm tu hành dầu đã nhập môn cũng sẽ chẳng thấy một ân huệ nào cả, vả lại nếu không dám hứa nhập môn theo Đạo trước mặt Thần linh thì Thần linh không nhận mình là đệ tử.Ấy là lẽ đương nhiên.

Lúc mới khai Đạo tại Cần Giuộc có một đàn cơ, Đức Chí Tôn giảng dạy như sau: " Quỷ vương đến truớc Bạch Ngọc Kinh xin hành xác và thử thách các con, THẦY chẳng cho hành xác, chúng nó hiệp Tam Thập Lục Động toan hại các con, nên THẦY sai Quan Thánh và Quan Âm đến giữ gìn các con, nhưng phần đông chưa lập Minh Thệ, nên Chư Thần Thánh Tiên Phật không muốn nhìn các con," (TNHT Q1 trang 37).

Như vậy chúng ta may duyên gặp TAM KỲ PHỔ ĐỘ, được nhập môn Minh Thệ làm đệ tử của Đức CHÍ TÔN là làm học trò của Ông THẦY TRỜI, thật là một diễm phúc vô cùng.

Hạnh Đường Truyền Thống Tòa Thánh Tây Ninh  
BiênTập HT . Huỳnh Tâm
Nhóm thực hiện ấn loát bởi Lê Thị Ngọc Vân.