Đại Đạo Nhập Môn - 3/4 (Nguyên-Thủy)


CHƯƠNG II
Phần chính yếu
1 - Đạo Cao-Đài là một TÂN TÔN-GIÁO
Đạo Cao-Đài là một Tôn-giáo mới khai mở vào ngày rằm tháng 10 năm Bính-Dần (dl: 19-11-1926) nên gọi là một nền Đạo mới, hay là một Tân Tôn-giáo.
Đức Hộ-Pháp nói về Tân giáo Cao-Đài như vầy:
“Đạo Cao-Đài tức là ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ ĐỘ khai sáng vào thời-kỳ này là do Thiên-cơ tiền định và cũng hợp với lời tiên-tri của các Đấng Giáo-Chủ đã khai mở các Đạo-giáo trên thế-giới.

“Theo Phật-giáo, Lão-giáo và Khổng-giáo thì đều dạy rằng: thời-kỳ này là thời-kỳ Hạ nguơn khiến đời tận diệt để chuyển xây trở lại Thượng-nguơn Thánh-đức với một kỷ-nguyên mới. Đặc biệt Đức Thích-Ca Mâu-Ni khi lập giáo có cho biết đến năm 2.500 kỷ-nguyên Phật-giáo, là thời-kỳ để cho Đức Di-Lạc ra đời mở Hội-Long-Hoa lập một kỷ-nguyên mới đó vậy”.
Qua lời dạy của Thầy với câu đối liễn này, Thầy ban cho đặng treo lên vào ngày Khai Đạo rằm tháng mười năm Bính Dần (dl: 19-11-1926) tại Từ-lâm-Tự như vầy:
- Di-Lạc thất bá thiên niên khởi khai Đại-Đạo.
- Thích Ca nhị thập ngũ thế chung lập Thiền môn.

Có nghĩa rằng người khởi khai mối Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ này là Đức Phật Di-Lạc làm Chưởng giáo trong viễn trình bảy trăm ngàn năm (700.000). Riêng Đức Phật Thích  Ca  thì  Đạo  Phật  của Ngài  đã  kết  thúc mối  Đạo Thiền
trong hai ngàn năm trăm năm rồi. (nhị thập ngũ thế là 25 lần một trăm năm, tức là 2.500 năm).
Điều này ta quả quyết rằng nhiệm kỳ của Phật giáo đã mãn, nghĩa là nguyên nhân chánh là bị Thất kỳ truyền. Bởi vì lâu ngày rồi những người thừa hành làm cho lệch dấu chơn truyền đi. Trước mắt ta thấy các vị trên mình khoác áo nhà tu, nhưng chỉ là đi tụng kinh mướn, ăn tiền ngọ (tức là đòi hỏi tiền cúng), đốt vàng mã, giấy tiền vàng bạc, giấy áo quần, làm âm công cho người chết. Bày trò cúng kiến bằng xác động vật như heo quay, gà quay, thậm chí đến cho mướn heo quay đặng cúng Bà Chúa Xứ, một con heo như vậy cứ đem cúng đi cúng lại như thế không biết bao nhiêu lần. Bày trò phóng sanh bằng cách bắt chim nhốt vào lồng rồi kêu người ta phóng sanh để tạo âm đức. Thật là một sự mê muội khôn lường như vậy mà cũng có người nghe theo. Phải chi con vật tự nhiên nó bị nạn, vướng mắc vào nơi mà nó không tự cứu được, mình tìm cách cứu nó. Đằng này người ta tìm mọi cách bắt chúng nó nhốt đầy lồng rồi bảo ta cứu nó, nếu ta cứu nó thì ta cứ mở lồng thả đi không trả tiền thì mới gọi là cứu. Thử hỏi người nghe theo mà làm việc “phóng sanh” như vậy có phải là mắc mưu bọn người lừa đảo, lợi dụng mê tín hay không? Còn gieo truyền đến mọi người nhẹ dạ, dễ nghe. Thử hỏi lòng thành đặt ở đâu ? Sai ở chỗ nào?
- Thứ nhứt là cúng xác động vật là một điều sai trái  với thời Tam kỳ Phổ Độ rồi. Hãy nghe Thần Hoàng Mỹ Lộc vâng lịnh Đức Chí-Tôn truyền cho nhơn sanh rằng:
 “Từ thuở TA vưng chiếu chỉ đến trấn nhậm nơi đây, Ta một tấm lòng lo cho lê thứ đặng an cư lạc nghiệp, thạnh vượng mùa màng; mỗi mỗi đều hằng lo lắng cho chúng sanh nơi phần trách nhiệm. Nay có lịnh Ngọc Hoàng chiếu chỉ cho phép Ta giáng cơ mầu nhiệm mà tỏ nền Ðạo là quí trọng cho lê thứ hiểu. Lê thứ đâu rõ thấu việc Trời đã định hơn mấy chục ngàn năm nay. Lê thứ nghe: Kỳ Hạ Nguơn hầu mãn nhơn vật vì tai nạn mà phải tiêu tan, mười phần còn lại có một mà thôi. Than ôi! Buồn thôi! Nghĩ vì Thiên cơ đã định vậy, thế nào mà cải cho đặng, duy có mở tấm lòng từ thiện ăn năn sám hối, lo việc tu hành; đồng với nhau cả quốc dân mà quì lụy khẩn cầu coi Trời đoái tưởng đến chăng ? Bởi thế nên Ngọc Ðế và chư Phật, chư Tiên, chư Thánh mới lập hội Tam Kỳ Phổ Ðộ đặng có cứu vớt chúng sanh, đương linh đinh nơi biển khổ. Nếu gặp thuyền Bát Nhã mà không xuống, không theo thì chắc thế nào cũng chơi vơi mé biển. Còn phần viên chức sắc cúng tế, bảo lên quì trước Đại điện cho Ta tỏ lòng thi ân cho chúng nó. Vui thay! Mừng thay! Cả nhơn dân đều biết Ðạo, duy còn một chút ít mà thôi. Từ đây ta hết dạ hết lòng mà lo lắng, săn sóc chăm nom hơn khi trước nữa, Ta tỏ cho chức sắc hiểu, tại sao mà Ta lo hết bổn phận ? Ấy là từ đây Ngọc Ðế truyền lịnh cho Ta phải theo phò chư Cao-đạo-hữu, nên Ta lo lắng bội phần, hơn khi trước; mỗi khi có việc chi tai biến hay là có những bịnh truyền nhiễm, thì đến đây Ta sẽ dạy cho mà lánh những điều tai hại. Còn việc tế Lễ Cúng, Ta muốn dùng đồ chay hay là cây trái, chớ sát sanh. Ta cũng tỏ cho chư Chức sắc hiểu rằng: Tế tự là tại sao? Phàm có lòng tin mới cúng chớ, cúng là lấy có lễ đó, gọi là kỉnh trọng. Chớ Thần, Thánh nào ăn của ai. Bởi thế nên ai dùng vật thực mà cúng, tốt hơn nên dùng trái cây. Ai có lòng thì tế lễ chi chi Ta cũng chẳng trách đặng, vì cựu lệ bày đến ngày nay. Nay ta muốn theo Thánh ý của Ngọc Ðế. Vậy chức sắc liệu làm sao?... Trả lời thử? Cười…!

Thứ hai là Đạo Phật đã thất kỳ truyền, nhiều năm làm lệch mối chơn truyền nên giờ này nhân loại phải chịu
sự thanh lọc của Đức Thượng Đế trong buổi Hạ nguơn.
Đức Chí Tôn giáng tại Hộ Pháp Đường ngày 03-05-Ất Mùi (dl: 28-6-1955) qua bài thi khoán thủ như vầy:
CAO  thăng tuyệt đối khí Hư vô,
ĐÀI  bóng nêu danh của tín đồ.
TIÊN dược phá mê trần mộng ảo,
ÔNG  nào mất Đạo chết phơi khô.!
Nay là buổi đại nạn 大難 của nhân loại. Đại nạn là gì?
- Đại nạn là một tai nạn lớn. Có nhiều trường hợp: một là nạn của cá nhân, hai là nạn của quốc dân, của nhân loại.
Về cá nhân: “Thầy, các con. Trung, con ôi ! Thầy không biết còn lời gì mà nói với con nữa. Cái đại nạn của các em con tránh đà không khỏi rồi, thì cũng là tại con đó chút, chẳng biết gìn giữ  lấy em nên ra đến đỗi. Đại lụy!  (Anh Trung bạch Thầy có phải những Thiên phong chăng)  -Phải, những đứa con đã biết rồi, Thầy không nên nói trước mặt. TRUNG !  Con biết trị chúng nó thì chúng nó đâu đến đỗi mắc tội Ngọc Hư Cung. Con sợ hại nhỏ mà con để gây nên hại lớn. Thầy thương tâm vì tánh chiều lòn của con lắm, song biết lòng từ bi, con nên cam phiền, chớ Thầy không nỡ giận. Từ đây, con buộc mình dùng quyền mà trị lấy em mới được nghe ! Nhớ lời Thầy.
 Hai là thảm họa toàn cầu,cả thế giới phải gánh chịu:
 Ngày 14 tháng 11 năm Ðinh-Mão, Ðức Lý Giáo Tông mới giáng cơ thì xem hình như Ngài có đại nộ, mà chẳng hiểu Ngài giận việc chi, Ngài mới cho một bài Thánh Giáo như vầy:
“Hỉ chư Ðạo-Hữu, chư Ðạo-Muội, chư chúng sanh, hảo hội hiệp. Thảm cho nhơn loại! Khổ cho nhơn loại! Ðời quá dữ, tội tình ấy, hình phạt kia cũng đáng đó chút. Lão vì thương yêu nhơn sanh hội 10 ngày nơi Bạch Ngọc Kinh cải cho qua nạn nhơn loại, nhưng luật Thiên Ðình chẳng dễ chi sửa đặng. Nạn tiêu diệt hầu gần, hết chém giết lẫn nhau, đến buổi bịnh chướng sát hại. Lão thấy hình phạt phải châu mày, nhưng ôm lòng rán chịu, lạy lục khẩn cầu; chư Ðạo Hữu đâu rõ thấu, ngơ ngơ ngáo ngáo như trẻ không hồn, thấy càng thảm thiết. Lão tưởng chẳng cần nói chi một nước nhỏ nhen đã đặng danh Thánh-Ðịa là nước Nam nầy, mà Lão xin không đặng tội cho Thành Sài Gòn, Chợ-Lớn, Gia Ðịnh, Huế, Hải Phòng, Hà Nội... Thảm! Thảm! Thảm!"
Thần Hoàng Mỹ Lộc được lịnh Chí-Tôn đến báo ngày 15-11-Bính Dần (dl: 18-1-1927)  “Lê thứ nghe: Kỳ Hạ Nguơn hầu mãn nhơn vật vì tai nạn mà phải tiêu tan, mười phần còn lại có một mà thôi. Than ôi! Buồn thôi! Nghĩ vì Thiên cơ đã định vậy, thế nào mà cải cho đặng, duy có mở tấm lòng từ thiện ăn năn sám hối, lo việc tu hành; đồng với nhau cả quốc dân mà quì lụy khẩn cầu coi Trời đoái tưởng đến chăng ?”

2 - Vì Tam Giáo thất chơn-truyền
Cao-Đài mới xuất hiện:

Có thấy được sự suy-đồi của Tam-giáo qua thời gian làm cho mất cái chơn-truyền, Cao-Đài Đại-Đạo mới ra đời để cứu nguy cho nhân-loại, mà khởi điểm là nền Đạo tại Việt Nam. Như vậy thì liệu sự thất chơn-truyền ấy do đâu ? Bởi đâu ? Vì đâu ?
Đức Hộ-Pháp nói: “Những cơ-quan và những hành-vi hiện-tượng của các Tôn-giáo đương-nhiên ngày nay như dường biến thành cổ-vật, nên đã mất cái hay để giúp đời tự-trị, tự giác, tâm hồn thiếu nơi an-ủi, tư-tưởng mất pháp chuẩn thằng, trí thức không phù hành-động, biểu sao đời không trở nên một trường náo-nhiệt, rắc-rối, khó-khăn, rồi giục cho cả nhơn sanh dong ruổi trên con đường duy-vật mà quên hẳn cái quyền vi-chủ của trí-thức tinh-thần.
“Ôi, thử nghĩ cái ngày nào trí-thức tinh-thần đã tiều tụy, thì cái lương-tri, lương-năng cũng do đấy mà tiêu-tàn, thì con người đứng giữa cõi trần-hoàn này phải trở nên bao nã ?
.. “Tưởng lại, tương-lai của Đạo Cao-Đài do nơi cái sở hành và cái tư-tưởng cao-thượng của nó, ngày nay nó có thể hứa với nhơn-sanh rằng: một ngày nào chúng ta sẽ hưởng điều hạnh-phúc ấy”
Quả thật, “Đức Chí-Tôn hoằng-khai Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ tức là thành lập một trường công-quả tại thế gian này để cho tất cả nhơn-sanh thi đua lên nấc thang tiến-hóa tột phẩm thiêng-liêng, cao thấp tùy nơi sở-hành của mỗi người muốn cùng chẳng muốn”.

3 - Tại sao gọi là Đạo Cao-Đài?

Đã nói là Cao thì không còn chi cao hơn nữa để tôn tặng Đức Thượng-Đế là Đấng tối cao, tối đại. Ngày nay chính Đấng Thượng-Đế mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ xưng danh là “Ngọc-Hoàng Thượng-Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát Giáo Đạo Nam phương” có nghĩa rằng Đấng Chúa tể nhân-loại từ xưa đến giờ ai cũng biết đến dưới danh Ngọc-Hoàng Thượng-Đế, trong thời kỳ này Ngài mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ xưng là Cao Đài Tiên Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát dạy Đạo ở phương Nam, tức là miền Nam Việt-Nam của chúng ta.

1/ - Danh niệm CAO-ĐÀI
CAO-ĐÀI là cái Đài cao, xưa muốn cầu Thần Tiên thì cất một cái Đài cao bằng tranh lá rồi lên đó để cầu-đảo gọi là thảo-đài. Nay chính Đấng Thượng-Đế đến với nhân loại mở Đại-Đạo nơi đất nước Việt-Nam chính là mở cơ Đại-Ân-Xá lần ba để độ dẫn 92 ức nguyên-nhân còn đắm mê hồng-trần.
Danh xưng “CAO-ĐÀI TIÊN-ÔNG ĐẠI-BỒ TÁT MA-HA-TÁT” là gồm cả Tam-giáo gọi là “Tam Giáo Qui Nguyên”:
- Cao-Đài là tượng-trưng cho Nho-Giáo.
Tiên-Ông là chỉ Tiên-Giáo.
Đại Bồ Tát Ma Ha Tát chỉ Phật Giáo.
Chính Đấng Thượng-Đế đã giải-thích về việc xưng danh ấy. Thầy dạy:
“Các con coi bậc Chí-Tôn như Thầy mà hạ mình đặng độ-rỗi nhơn-sanh là thế nào, phải xưng là môt vị Tiên-Ông và Bồ-Tát là hai phẩm chót của Tiên Phật. Đáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm tối-cao tối trọng, còn Thầy thì khiêm-nhượng là thế nào. Vì vậy mà nhiều kẻ Môn-đệ cho Thầy là nhỏ. Cười..!.
“Hạnh khiêm-nhường là hạnh của mỗi đứa con, phải noi theo gương Thầy mới độ rỗi Thiên-hạ đặng. Các  con  phải khiêm-nhường sao cho bằng Thầy. Thầy lại nói  buổi lập Thánh-Đạo, Thầy đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không tội-lỗi, đâu đến nhọc công Thầy.
“Ấy vậy, các con ráng độ kẻ tội lỗi là công lớn làm cho Thầy vui lòng hơn hết.”

2/ - Ý nghĩa chữ CAO-ĐÀI ?
Có nhiều Hội-giáo đã lập thành có trót trăm năm trước khi mở Đạo đặng dạy lần cho Vạn-quốc rõ thấu Chánh truyền.
“Ngày nay Thầy mới đến lập một cái CAO-ĐÀI  高臺 nghĩa là Đền thờ cao trọng hay là Đức-tin lớn tại thế này (La haute Église ou plus grande foi du Monde) làm nên nền Đạo; lại mượn một sắc dân hèn-hạ nhỏ-nhít của hướng Á-Đông là An-nam ta, đặng cho trọn lời tiên tri “Đạo xuất ư Đông”     và cho trúng Thánh-ý chìu lụy hạ mình của Thầy lập thành Hội-Thánh, làm hình thể Thiêng-liêng của Thầy hầu cầm cho đặng dùi trống Lôi Âm giục giọng truy hồn, nắm cho chặt chày chuông Bạch Ngọc đặng trổi hơi định-tánh làm cho cả con cái của Thầy thức tỉnh, nhìn Thầy mà trở về quê cũ” (Pháp-Chánh-Truyền)

Hiện-tượng Đức Chí-Tôn đến mở Đạo Cao-Đài là do thuở trước cổ-nhân muốn cầu chư Tiên, Phật phải cất một cái Đài cao bằng tranh lá gọi là thảo-đài.
Ngày nay, Chí-Tôn lập Cao-Đài để làm Tòa ngự của Thần, Thánh, Tiên, Phật đến hồng-trần này làm Bạn cùng người, hiệp cả loài người làm một.
Đức Hộ-Pháp cũng xác nhận rằng: “Nếu giờ phút này thiên-hạ đừng cho ta dị-đoan, chúng ta có thể nói Đức Chí-Tôn biết tình trạng nhơn-loại đã đến mức tự diệt nhau nên Ngài đến tạo nền Chơn-giáo của Ngài, tức nhiên ĐẠO CAO-ĐÀI, cho nhơn-loại gìn giữ phần hồn đặng định chuẩn-thằng cái sống của họ, đừng cho nó đến cảnh điên của nó, mà họ đến cảnh điên tức đến cảnh tự diệt.
Đức Chí-Tôn đến  đặng cho huờn thuốc phục-sinh đặng cho nhơn-loại sống lại là Đạo-đức tinh-thần của Đức Chí-Tôn tạo cho họ, ĐẠO CAO-ĐÀI chính là cái sống linh-hồn nhơn-loại, bảo vệ tánh mạng tức nhiên Chơn-thần của họ, đặng họ tránh cái nạn tiêu-diệt”. 

4 - Đạo xuất ư Đông

Đạo là nguồn sống của vạn-vật, vạn loại, cũng tối cần như ánh sáng của mặt trời chiếu xuống trái đất này vậy: Sáng, mặt trời khởi mọc ở phương Đông lặn ở phương Tây. Rồi ngày hôm sau cũng tiếp-tục trong cái chu kỳ đó.
Do vậy mà trước đây Phật là trước: khởi khai ở Ấn Độ, kế đến Trung-Hoa có Khổng, Mạnh, Lão, Trang. Tinh-thần triết-lý của các Tôn-giáo này đã làm chủ thế giới trên mấy ngàn năm. Nay đã giáp vòng của trời đất. Đức Chí-Tôn mới khởi khai mối Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ Độ tại Châu Á.. Châu Á sắc da vàng thuộc Thổ. Thổ ở trung ương, ứng với Ngũ hành, cho nên vòng xây chuyển từ Á sang Âu, nay lại quay về Châu-Á nữa đó là Thiên địa tuần-hườn châu nhi phục thủy Đạo xuất ư Đông là vậy.
Cũng như nền Đại-Đạo này khởi khai ở miền Đông Nam-Việt là tỉnh Tây-Ninh rồi phát-triển lần ra Gia-Định, Chợ-Lớn, Thủ-Dầu-Một trong năm đầu, tới mấy năm sau mới lan rộng ra miền Tây, An-Giang chẳng hạn, đó là qui luật của đất trời nên Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ Độ Đức Chí Tôn Khai Đạo tại Tây-Ninh của Nam Việt-Nam là một điều Thiên-thơ đã định vậy.
Lý Đạo được biểu tượng qua hình ảnh của “Long Mã phụ Hà-Đồ” đặt trên nóc của Nghinh Phong Đài tức là trong phạm vi của Cửu Trùng Đài vậy. Con vật linh này có mình ngựa mà đầu rồng, nên kêu là Long Mã (Long là rồng,  là ngựa). Sở dĩ có cái dáng là đang chạy từ Đông sang Tây, rồi lại ngó ngoáy về Đông, là ý nói rằng trước đây Đạo phát xuất từ hướng Đông, là châu Á, như: Phật-giáo, Đức Thích-Ca Mâu-ni khai ở Ấn-Độ. Qua 2500 Phật giáo thất kỳ truyền.
Tương đương với thời điểm này các Đấng Giáo Chủ mở Đạo ở Á châu: như Khổng-Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử cũng dần dần mờ nhạt vì các Môn-Đồ của các Ngài không làm theo lời dạy của Thầy mà có nhiều biến cải, làm cho Chánh giáo biến dạng.
Đức Chí-Tôn mới cho Đức Thánh Jésus-Christ mở Đạo ở Phương Tây. Qua 2000 năm Đạo Thánh cũng bị các Môn-đồ làm lệch dấu chánh truyền.
Nay Đức Chí-Tôn vì cảm lòng thành kỉnh của  dân tộc Việt-Nam hết lòng sùng thượng Phật Trời, nên Đức Chí-Tôn mới mở cho một nền Đạo nhà là Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ, chính là một ân phước. Đấy là Đức Ngài đã chọn mặt gởi vàng. Vậy chúng ta là con dân Việt-Nam phải hết lòng trân trọng nguồn Đạo quí hóa này.
Hãy nhìn Long mã có 4 chân nhưng chỉ có ba chân đặt xuống tượng cho Tam giáo, còn một chân dở hổng lên ấy là định cái tâm cho một tam giác đều này. Tâm ấy là Thượng Đế đang chế ngự, tức là nền Đại-Đạo mà Đức Ngài đến Qui Hiệp trong tình thương yêu tha thiết

5 - Chi chi cũng tại Tây-Ninh đây mà thôi:

Đạo Cao-Đài đã khởi khai tại Tây-Ninh, địa điểm là Chùa Gò-Kén còn gọi là Từ-Lâm-Tự. Ngày Khai Đại-Đạo là đêm 14 rạng ngày rằm tháng 10 năm Bính-Dần (dl: 19-11-1926). Thế nên tất cả Luật Pháp Đại-Đạo như Tân Luật, Pháp-Chánh-Truyền, phong thưởng Chức-sắc đều khởi nguyên từ đây. Do đó nơi đây là gốc Đạo, nên được gọi là  Tây-Ninh Thánh-Địa.
Từ đây về sau bất cứ một dân tộc nào muốn tìm hiểu về Tôn-giáo Cao-Đài phải tìm về Tây-Ninh là gốc Đạo, vì thế Tòa-Thánh Tây-Ninh là cội nguồn Đại-Đạo.
Thầy dạy: “Con nghe: nơi nào Thầy ngự, thì nơi ấy là Thánh Địa. Thầy đã ban sắc cho Thần Hoàng Long Thành, thăng lên chức Văn-Xương vào trấn-nhậm làng Hiệp Ninh dạy dỗ dân vô Đạo. Thầy ban trọn quyền thưởng phạt đặng răn làng ấy cho đến ngày biết ăn-năn cải-hóa …Vậy thì làng Long-Thành các con khá an lòng.
“Còn Tòa-Thánh thì Thầy muốn cho có nhơn-lực hiệp cùng Thiên-ý, ấy là hạnh của Thầy, các con nên xem gương mà bắt chước.
“Từ Thầy đến lập Đạo cho các con đến giờ, Thầy chưa hề một mình chuyên-quyền bao giờ. Các con lựa chọn nơi nào mà Hội-Thánh vừa lòng ắt đẹp lòng Thầy. Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn-toàn Tòa Thánh, chi chi cũng tại Tây-Ninh đây mà thôi; Các con đã hiểu Thánh-Ý Thầy phải cần-kiệm, mỗi sự chi vì phương tiện mà thôi ”  (TNI/98)
Một khi địa điểm xuất phát được xác định thì cứ theo chiều véc-tơ mà nhắm tới, ta không cần tìm hỏi Đông Tây Nam Bắc nào cả. Tại sao khi đã nhập môn làm Môn đệ của Chí-Tôn rồi mà cũng chưa chắc ý. Nếu Thầy mở Đạo ở nơi khác thì cần gì phải nhấn mạnh rằng “chi chi cũng tại Tây-Ninh đây mà thôi”.Nếu nói rằng Thầy khiến cho lập ra 12 Chi Phái là “con số huyền diệu của Thầy", thà tốt hơn Thầy cứ giữ y như cũ, nghĩa là cứ giữ Tam giáo: Phật, Thánh, Tiên như hai kỳ Phổ độ trước, có phải đỡ nhọc công, mà nay Thầy phải phế hết Bạch Ngọc Kinh và Huỳnh Kim Khuyết xuống trần lo Qui Hiệp như vầy ?

6 - Đức Chí-Tôn đến xưng danh là AĂÂ

Khi Đức Chí-Tôn mới đến chỉ xưng danh AĂÂ mà thôi. Lý do là Ngài muốn tạo một sự gần-gũi thân quen với các ông Cư, Tắc, Sang là những Môn-Đệ đầu tiên (sau đắc phong là Thượng-Phẩm, Hộ-Pháp, Thượng-Sanh) để dạy  cho ba ông về lý Đạo.
Riêng Đức Chí-Tôn với danh xưng là AĂÂ tức nhiên là 3 chữ cái (nguyên-âm) của vần Quốc ngữ Việt Nam, mà vần quốc-ngữ này lại khởi nguyên từ vần của La tinh (Âu-châu), thế là dụng ý của Ngài họp cả Đông-Tây thu về một mối, Tam-Tài: Thiên, Địa, Nhơn, toàn vẹn, mà Ngài là Cha Chưởng-quản nắm pháp Thiên-điều vào tay là Thượng-Đế.
Người Việt-Nam mình hay nói “Nhứt quá tam” nghĩa là từ một đến ba mà thôi, chứ không quá, vì đến số 3
là đủ một chu-kỳ. Bởi đến bốn là đã biến-hóa ra rồi.
Nay Đức Chí-Tôn đến, Ngài xưng danh là AĂÂ, tức là con số Tam, mà Tam là Càn-khôn vũ-trụ định thể. Ba chấm nói rõ ra là con số 3. Số thiêng-liêng tạo đoan vạn-vật.
Con số 3 cũng là con số hoàn tất. Bởi đó là nguyên lý cấu tạo càn khôn vũ trụ và vạn vật  “Một mà ba, ba mà một”  là vậy.

Thời truân khó của dân tộc Việt-Nam nên Đức Chí-Tôn đến,  Thầy nói:
“Thầy có hội chư Tiên Phật mà thương nghị về sự lập Đạo tại Đại Nam Việt-Quốc. Các con khá nghe lời Thầy dặn, chớ khá nghịch lẫn nhau, phải đồng một lòng một dạ mà lo chấn-hưng đạo-đức, tuy bây giờ phân chia nhiều nhánh nhiều chi chớ ngày sau cũng có Một mà thôi. Các con dầu bên nào cũng thương nhau như con một nhà chớ khá ganh gỗ chê bai nhau” (TNI/110)
           “Vì mỗi việc khó-khăn trắc-trở là lúc sơ khai, vậy Thầy khuyên các con ráng thành tâm hành Đạo, mà Đạo không phải giữ bằng lỗ miệng đâu”(TNI/71)

7 - Thầy dùng Quốc ngữ làm chánh tự:

Nay Đức Chí-Tôn mở Đạo Cao-Đài dùng huyền diệu Cơ Bút giáng linh để mở mối chánh-truyền cho toàn thế giới miễn có người biết thông-thần-lực thì sẽ được lời giáng dạy của Thượng-Đế. Tuy nhiên ngôn-ngữ Việt Nam vẫn là gốc vì Tân-luật, Pháp-chánh-truyền, Thiên thơ Thầy đã lập sẵn nơi cửa Đạo này rồi, sau này các nước trên thế giới muốn cần biết đến những điều bí-yếu bí-trọng ấy phải lấy căn bản làm gốc do ở Việt-Nam, mà Tây Ninh là nơi phát xuất mối Đạo Cao-Đài này, nên Thầy có nói “chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi” .
Và điều ấy cũng cho thấy rằng “Thầy dùng quốc ngữ làm chánh tự” tức là dùng ngôn ngữ Việt-Nam để truyền bá Đạo sau này xem như là quốc-tế-ngữ. Vậy chữ quốc-ngữ hay chữ Việt-Nam là phương tiện để truyền bá nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vậy.
Trong dịp Đức Chí-Tôn nói chuyện với Hòa Thượng Như-Nhãn, có dạy rằng:
“Như-Nhãn Hiền-đồ, Thầy không muốn nói với con bằng tiếng Hớn-Ngôn vì tiếng An-Nam từ đây Thầy cho là tiếng Chánh-tự đặng lập Đạo của Thầy; nên  buộc phải nói rõ với con; con đã giúp Thầy gìn-giữ Thích-Đạo nguyên luật từ thử mới còn đặng như vầy, không thì ra Bàn-môn Tả Đạo rồi”.
Hơn nữa tiếng Việt-Nam hiện giờ gốc ở tiếng La tinh nên rất thuận tiện cho người Âu-Châu muốn nghiên cứu kinh sách Cao-Đài, vốn cùng một gốc mà ra nên sự học hỏi sẽ không khó về hình thức của chữ viết.
Bên cạnh đó: Tinh thần Tôn giáo của Việt-Nam đã chịu ảnh hưởng nhiều ở Trung-Hoa qua ngàn năm lệ thuộc, cho nên ý nghĩa của văn tự đều nằm trong văn hóa Trung-Quốc. Vì vậy sự trao đổi về văn-chương, Đạo pháp sẽ không khó cho người Á đông hiểu biết ý nghĩa cao sâu.
Nhờ vậy mà Việt-Nam là cửa ngõ tiếp nạp các luồng tư tưởng từ Đông sang Tây, cho nên tương lai văn hóa cũng như chữ viết của Việt-Nam sẽ trở thành quốc tế ngữ hay thế-giới-ngữ cũng không phải là chuyện lạ. Có vậy mới truyền bá được Đạo trời khắp cùng thế giới, tức là văn-chương chữ Việt sẽ chở Đạo đi khắp  các nơi, cũng là một tôn giáo Đại-Đồng.
Nay buổi Đạo trời khai mở, Đức Thượng-Đế muốn
độ toàn vạn-linh sanh chúng nên Ngài dùng lời văn giản-dị cốt cho mọi trình-độ dù ai đọc qua cũng hiểu biết.
Đức Hộ-Pháp có nói rằng: “Tôi thấy phần nhiều sách vở của nhiều người đạo hữu viết ra chẳng dùng lý lẽ giản-dị lại dùng văn mắc-mỏ,  ý tứ rất cao-kỳ, làm cho phần đông coi không hiểu thấu nên không bổ ích chi cho Đạo hết. Rất đỗi Thầy còn phải dùng tiếng nói dễ-dàng rẻ rúng mà làm thi dạy Đạo thay! Nhờ vậy mà văn-từ của Thầy ai coi cũng hiểu. Tôi xin chư đạo-hữu coi cách hành văn của Thầy, đọc lại mấy bài thi Thầy dạy Đạo thì sẽ thấy rõ  ý tứ dầu cao kỳ, mà câu văn ai cũng hiểu. Tôi dám chắc rằng tuy vậy mặc dù mà cái ngòi văn tuyệt bút rõ ràng, càng hiểu càng thấu tứ lại càng thâm-thúy vô cùng. Tôi nhớ có một phen kẻ nghịch Đạo để lời dèm pha biếm nhẻ rằng văn-từ của Thầy xem rất thường tình,  tôi chấp bút phân-phiền cùng Thầy.
Thầy dạy rằng:
“Con ôi! trong anh em của con phần dốt nhiều hơn phần hay chữ, đứa ám muội đông hơn đứa thông-minh; Thầy đến chăm-nom dạy-dỗ đứa ngu-dốt hơn là đứa hay giỏi; thà là đứa sáng khôn quá hiểu mà chê Thầy hơn là đứa dốt nghe Đạo Thầy không rõ lý.
“Thầy cười rồi tiếp nữa rằng: Thầy muốn Đạo của Thầy làm thế nào cho trẻ con lên ba tuổi cũng hiểu đặng, con nghĩ sao con?  Lại cười nữa.
“Tôi hiểu lòng nhơn-từ quá lẽ của Thầy cũng bắt tức cười theo”. (Phương tu Đại-Đạo của Đức Hộ-Pháp)

8 - Thầy đến lập cho Việt-Nam
một nền chơn Đạo

Dân tộc Việt-Nam vốn là dân tộc sùng thượng Trời Phật, luôn tưởng đến một Đấng cao cả, nghĩ rằng Đấng ấy có đủ quyền hành ban phước và tha tội nên ngày nay Thầy đã đến lập cho nước Việt-Nam này mối Đại-Đạo Tam-Kỳ để đáp lại sự sùng kính ấy:
“Thầy vẫn đã thường nói rằng: Thầy đến lập cho các con một nền chơn Đạo tức là mỗi sự chi dối trá chẳng phải là của Thầy. Thầy đến là chủ ý để dạy cả nhơn sanh đặng Hòa Bình chớ chẳng phải đến đặng giục nghịch lẫn nhau. Thầy lại thường nói rằng sự sang trọng vinh hiển của các con chẳng phải nơi thế gian này”.
“Thầy lại đến lập trong nước các con một nền Chánh Đạo đủ tư cách độ rỗi chúng sanh. Các con và cả dân tộc các con. Vì nơi Đạo mà đặng đoạt đến phẩm vị cao thượng; cái phẩm vị ấy do nơi đâu mà có ?”
“Là bởi đạo đức của các con, đạo đức thắng hung bạo là thường tình, các con hằng thấy sự đời là vậy!”
Thầy cũng cho biết lòng thương của Thầy đã dành cho sự hiếu đạo của Việt-Nam rất nhiều.
Xưa sanh linh lắm lần hy sinh vì Đạo, song chẳng đặng ân tứ cho bằng các Môn đệ Thầy ngày nay. Các con còn hờn nữa mà ngán lòng dừng bước. Càng khổ hạnh, càng thương tâm thì lòng càng nôn-nóng. Khổ hạnh vì mấy chục triệu sinh linh thì cái khổ ấy có nên tiếc chăng?”
Thầy đã dạy, Thầy chỉ một lòng mơ ước cho các con biết Thương-Yêu nhau trong Thánh-Đức của Thầy, sự Thương-Yêu là chìa khóa mở Tam-Thập Lục Thiên, Cực Lạc Thế-Giới và Bạch-Ngọc-Kinh. Kẻ nào ghét sự Thương-Yêu thì chẳng hề qua khỏi cửa luân-hồi. Có câu này nữa “Mọi sự khó-khăn Thầy gánh vác, chỉ cậy các con Thương-Yêu, gắng công độ-rỗi” (TNII/43)
9 - Thánh ngôn dạy về sự quan trọng của việc ăn chay

Thánh ngôn Thầy dạy:“Kẻ nào trai giới mười ngày đổ lên được thọ truyền bửu pháp” tức là khi thóat xác được cắt bảy dây oan nghiệt cho được nhẹ-nhàng để thăng về Thượng giới. Nhưng phần đông quên rằng đây chỉ là bước đường mà Đức Chí-Tôn chuẩn bị cho nhơn sanh quen dần trong cách ăn uống, không thái quá mà cũng không bất cập. Đạo khai tới ngày nay là 85 năm tròn, chả lẽ ta cứ mãi trong vòng tập sự, chuẩn bị hoài hay sao.? Học trò nhỏ còn tranh đua lên lớp, còn đây toàn là học trò Tiên mà còn chậm bước e uổng phí một kiếp sanh may duyên gặp Đạo lắm hay sao?
Bài thi của Đức Hộ-Pháp cho trước khi nhập tịnh vào Trí huệ Cung năm 1954, lời rằng:
Gắng tu cho kịp Hội-Long-Hoa
Đạo đức không chuyên khổ lắm mà.
Chay lạt để ngừa loài khí độc.
Mê man bất tỉnh trận kỳ ba.
Người hiền cứu sống ra phò Chúa.
Kẻ dữ bạo tàn xác quạ tha,
Thân Dậu tới đây rồi sẽ biết.
Đinh ninh vẹn giữ mấy lời Ta.
Thất Nương giáng ngày 3-2-Đinh Hợi (dl: 23-2-1947)
                       
Nhơn đạo rày đã suy vi,
Chay lạt  dời đổi  còn chi  tu hành.
Mang câu thất hiếu đã đành,
Bao nhiêu công quả biển gành rã tan.
Trong Tam thể xác thân của người nếu còn ăn mặn thì bị trược chất kéo níu. Đến giờ thoát xác thì bị luật hấp dẫn của đất nó giữ lại nên Chơn-thần không thoát ra được Khi thoát xác mà chơn-linh nào phạm tội lại càng đau đớn hơn nhiều vì lằn âm-điển của đất luôn luôn lôi kéo, có phải vì “loi  d’actraction”(Là luật hấp dẫn) không ?
-Phải đó, vì cớ mà bị luân-hồi chuyển kiếp đó!
Đức Hộ-Pháp giải rõ thêm: “Dầu cho một cái Bông, chúng ta chưa chắc là một vật, nếu chúng ta bẻ nó một cách vô lối, rủi phải nhằm một sanh mạng của Phật thì khó mà tu lắm!
“Con thú, chúng ta nói là một vật mà biết đâu trong nó là một vị Bồ-tát đương chuyển kiếp, nếu mình ăn thịt nhằm nó một ngày kia  nó về trển nó ngồi ngang mình, nó nhắc kiếp trước Phật có ăn thịt tôi, nhắc nội bao nhiêu đó cũng đủ mang bầu quảy gậy mà tái kiếp nữa. Chúng ta ngó thấy nơi thế gian này, hằng-hà sa-số con vật, mà biết đâu trong con vật lại có một vị Phật Bồ-Tát đương tái kiếp để tạo liên-đài, rủi thay ta ăn nhằm thì khó đạt vị lắm !
 Vì cớ cho nên Đức Chí-Tôn biểu chúng ta Trường trai là phải vậy  (TLHS /166).
Hơn nữa sự cắt dây oan nghiệt phải có sự truyền pháp hẳn hòi, mà người đứng ra hành pháp phải qua một giai đọan luyện pháp: phải trường trai, tuyệt dục, tâm thanh tịnh, bác ái…thì bùa mới linh, pháp mới hiển. Rủi chúng ta không gặp may duyên, mà hồn cứ chờ người ta cắt cho thì có phải ỷ lại vào người khác không ? “Dưa cây cây ngã, dựa người người chết”. chi bằng chúng ta lo tu hành, trau tâm luyện tánh tức là “Tự cắt dây oan nghiệt” cho mình trước đi. Nếu gặp người đức cao đạo trọng thì được trợ duyên chứ có hại gì đâu! Tu thân là trước!

10 - TU theo Đạo Cao-Đài là Phụng-sự:

“Cơ-quan Phụng-sự ấy Đức Chí-Tôn biểu chúng ta dâng cả Thi hài, Trí não, Tâm hồn đặng làm cơ quan phụng-sự cho nhân-lọai, bảo-tồn khuôn luật tạo đoan vững chắc tức nhiên dắt chúng ta đi trên con đường Chánh-Đạo đó vậy”.
Đức Hộ-Pháp nói: Ngày giờ này, Đức Chí-Tôn đến, Ngài chỉ Bí-pháp có một điều là: “Các con không cần tìm kiếm triết-lý cao-siêu hơn nữa, các con tìm kiếm cái sống của toàn thể Bạn đồng sanh của các con, rồi kính-trọng phụng-sự cái sống ấy. Hễ các con tận tâm phụng-sự cái sống của Vạn-linh, thì Cơ quan Giải-thoát của các con Thầy đã để nơi tay của các con đó vậy”.
Phụng sự là gì ? Phụng-sự cũng có nghĩa là giúp đỡ một cách chơn-thành, không vì danh, lợi; không có tánh vị-kỷ, hoàn toàn vị tha. Nói một cách nôm-na, phụng sự là làm tôi-tớ, để phụng sự cho ai thì đối tượng đó hoàn toàn là ông chủ, trọn quyền sai khiến; còn người phụng-sự phải vâng phục như tôi tớ, dù phải hy-sinh. Phụng-sự là một vòng nối tiếp, phụng-sự từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới.      

1/ - Phụng sự từ dưới lên trên như:
Đất phụng sự cây: Thấp nhứt là loài kim thạch, điển hình là đất. Đất phải hy-sinh cho cây (thảo mộc), cây ăn luồn trong đất, rút-rỉa chất sanh, tức là mầu-mỡ để nuôi sống cây cối. Đất chưa hề than một lời về sự ăn mòn,  rút-rỉa của thảo mộc. Đất chịu tan biến rã-rời để vun bón cho cây.
Cây phụng sự thú: cây nhờ đất mà sống tươi tốt, để làm món ăn ngon lành cho cầm thú và con người. Cả cánh đồng mênh-mông cây cỏ tràn đầy mặt đất sẵn-sàng phụng-sự cho muôn thú. Thú mặc tình thong-thả  gậm lấy cỏ ngon mầm ngọt.
 - Thú phụng-sự người:  Đất phải hy-sinh đặng phụng sự cho cây, tất nhiên là thảo mộc, cây phải hy-sinh đặng phụng sự cho thú, tức nhiên nó phải hy-sinh đặng nuôi thú, mà loài người đứng đầu trong loài thú, chớ không có chi khác nữa. Vì cớ cho nên Cổ-luật buộc thú phải hy-sinh phụng-sự cho người, phụng-sự không đi quá mức hy-sinh đặng nuôi loài người. Bởi vì lẽ lầm hiểu về chơn-pháp ấy mà nhơn-sanh đã thực nhục (ăn thịt).
- Người phụng-sự trời: Giờ tới một mức nữa, người phải hy-sinh đặng phụng-sự cho Trời, chắc là cả thảy đều nhớ cổ-luật của Thượng-cổ, khi tế Trời họ đem người ra họ giết, rồi họ thiêu như con thú kia vậy. Con người có luật ấy một thời hạn cũng khá lâu. Khi dùng người làm tế-vật đặng hiến cho Đức Chí-Tôn, nếu Bần Đạo hiểu theo các Đạo-Sử thì đã có gần 40.000 năm về pháp-luật ấy, thử nghĩ coi các nhơn-mạng buổi nọ đã đem làm con vật hiến cho Đức Chí-Tôn nhiều lắm rồi vậy. Mới đây chừng lối 6.000 năm, đời của Jacob trước sáu ngàn năm theo Đạo-luật của Hébreux tức nhiên luật của Do Thái phải giết vật để tế Đức Chúa Trời, luật đó tới nay có lẽ  vẫn còn đó vậy. “Đức Chí-Tôn có đòi hỏi chăng?
- Không! Tôi dám chắc không! Vì chính mình Ngài tạo ra Vạn-linh và phụng-sự vạn linh, có lẽ đâu Ngài đòi nhơn-loại phải làm con tế vật, tế cho Ngài. Bao giờ chúng ta cũng thấy luật phụng-sự cho vạn-linh đi từ vật loại đến nhơn-loại.

2 - Trên phụng sự dưới:
- Ong Chuá phụng-sự ong con “Chúng ta thấy việc của con  ong, con mối. Con ong chúa thật sự ra phụng-sự dẫy đầy hơn hết, đứng đầu hơn hết, vì làm Chúa nên phải có nhiều phụng-sự, nó phải chịu sanh-sản làm nòi giống nó, sanh-sản mãi mà thôi. Cũng như thượng-Cổ trước lối 150.000 năm và trước nữa thì loài người cũng vậy. Đạo pháp trong Phật-giáo để lụng lại, các Đấng duy chủ của các sắc dân, chủng-tộc do tiếng Phạn gọi là “Manu” cũng một kiểu vở con ong, con mối. Con mối Chuá phụng-sự cho cả một ổ mối, hơn ai hết, bởi vì chính mình con mối Chúa đã sản-xuất chủng-tộc của loài mối.
- Vua phụng-sự quần-linh: Chúng ta thấy lụng lại một triều-chính của xã-hội nhơn-quần đã lập quốc, tức nhiên lập một nền chánh-trị tương liên, một quốc-gia vô trong khuôn-khổ của một quốc-thể, một văn-hiến đều chịu một luật-pháp ấy, mà luật-pháp ấy muốn thi-hành thì phải có triều-chính. Thật sự ra triều-chính mà Vua phải phụng sự cho quần-linh tức nhiên phụng-sự cho lê dân. Một mình Ông phụng-sự cho toàn thể lê dân không thể được nên phải lập triều-chính từ Tể-tướng dĩ chí cho đến bực hạ quan. Chánh-trị một quốc-gia là thay thế hình ảnh cho Vua đặng phụng-sự cho lê-dân mà thôi. Chúng ta ngó thấy trong vật loại như con mối Chúa, con ong Chúa cũng làm Chúa, cũng phụng-sự, trong phụng-sự kia cũng lập một triều chính đặng có phương-pháp phụng-sự cho nó. Nhà Vua cũng vậy, lập triều-chính đặng biến thân cho muôn ngàn triệu, đặng phụng-sự cho toàn thể lê-dân. Mối Chúa cũng vậy.
- Trời phụng-sự Vạn-linh:  Bây giờ Đức Chí-Tôn,
Ngài phụng-sự cho vạn-linh toàn cả trong càn-khôn vũ trụ. Ngài đã dùng cái gì,  Ngài dùng phương-pháp phụng sự Vạn-linh là lấy đời, lấy Vạn-linh phụng-sự cho Vạn linh. Chúng ta ngó thấy Đức Chí-Tôn nuôi cây, nuôi thú; thú để phụng-sự cho người. Ngài dùng căn-bản đó để phụng-sự cho đời, cũng như nhà vua dùng lê-dân lập triều-chính đặng phụng-sự cho lê-dân.
“Đức Chí-Tôn ngày giờ này đến lập Đạo muốn phụng-sự cho cả toàn nhơn-sanh nơi  mặt địa cầu 68 này, Ngài phải làm thế nào? Ngài cũng phải mượn loài người phụng-sự cho Ngài, Ngài phải dùng loài người đặng làm Thánh-thể cho Ngài là lập triều-chánh của Ngài. Chúng ta ngó thấy Đức Chí-Tôn đến lập Đạo, lập Đạo phải lập Hội Thánh đặng phụng-sự, luật-định phụng-sự, vì phụng-sự ấy mới làm Chúa. Ông vua cũng vì phụng-sự cho dân mới làm Vua. Bây giờ Đức Chí-Tôn vì phụng-sự cho Vạn-linh mới làm Trời. Ngài phải lập Hội-Thánh tức nhiên Ngài lập Thánh-thể của Ngài. Triều-chính tức nhiên Thánh-thể của Ngài chớ không có gì lạ. Muốn cho Hội-Thánh cầm quyền thống-trị đặng phụng-sự cho Vạn-linh Ngài phải lập triều chính, triều-chính là ngôi Thần, Thánh, Tiên, Phật, đó vậy. Ngài lập Thánh-thể cũng như thế ấy; vì cớ cho nên chúng ta ngó thấy Thánh-thể Đức Chí-Tôn tức nhiên Hội-Thánh có  đủ phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật,  tại thế này.
“Không có cái chi mà chúng ta cầu muốn hay là dùng công-nghiệp mà Người không trả, không bồi thường, vì Ngài đã mượn chúng ta làm Thánh-thể cho Ngài đặng Ngài phụng-sự cho Vạn-linh thì Ngài phải trả, phải bồi thường, nếu muốn cho người ta theo thì phải lập vị cho họ, thì họ mới theo. Đức Chí Tôn Ngài đến ký Hoà-ước với loài người, nhứt là dân-tộc Việt-Nam trước cái đã:  Mấy người làm Thánh thể cho Tôi, đặng Tôi phụng-sự cho Vạn linh, thì Tôi sẽ lập vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, lại cho mấy người.  Nếu các người chịu thì ký Hòa-ước với Tôi, hễ các người làm tôi cho con cái của Tôi cho vừa sức của Tôi muốn hay vừa ý của Tôi định, thì Tôi sẽ trả lụng lại là lập ngôi vị cho mấy người trong Thánh-thể ấy.  Tôi đã định phẩm-vị Thần, Thánh, Tiên, Phật; Tôi đã lập vị sẵn cho mấy người mà mấy người đoạt được tại mặt thế này, tới chừng về cõi vô-hình Tôi không chối-cải gì hết, trái lại còn trả hơn khi chúng ta phụng-sự cho Vạn-linh tại mặt thế này nữa là khác”.
Luật phụng-sự là vậy, nếu ta biết đem áp-dụng cho người với người thì còn gì tốt đẹp bằng! Mọi người lo cho nhau, là mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người một cách thực sự. Cái khó của đạo pháp là “Tri hành hợp nhứt”. Muốn phụng-sự tốt đẹp phải có động-cơ dâng hiến, thúc đẩy, mà xăng nhớt cho động cơ dâng hiến kia, nhu cầu là hình-ảnh Đức Chí-Tôn.
Đức Hộ-Pháp nói: “Còn một cái trọng yếu hơn nữa là phải nhớ luôn luôn phụng sự Đức Chí-Tôn, công nghiệp ấy không bao giờ mất, bởi Ông già đó chẳng chịu thiếu nợ ai hết, trái lại nếu chúng ta có phương thế lập vị chúng ta rồi mà chúng ta còn dư thừa công nghiệp đối với Ngài”. Ngoài ra “Người Tu-hành mục-đích đem cái ân cho người chớ không phải đợi người làm ân cho mình; nghĩa là mình phải lo sự ấm no cho bá tánh tức là lo cho ta, bởi Đức Chí-Tôn đã dành phần cho ta một nhiệm vụ đặc biệt là ta phải Phụng-sự cho vạn-linh để giải khổ cho loài người trong lúc họ đang lâm nàn kêu cứu; khi ta làm xong phận sự thì không còn ai chối cải rằng ta không phải là ân-nhân của xã-hội, chừng ấy ta không muốn về Tây phương họ cũng lập bàn hương-án để đưa ta đặng đền ơn cứu tử”.      
11 - Hiệp Tam bửu

Người tín hữu Cao-Đài mỗi phen vào đảnh lễ Chí Tôn đều có lấy dấu và niệm; câu niệm đầu tiên Phật- Pháp- Tăng gọi là điểm Tam-qui, tức là:
-  Nam-mô Phật.
-  Nam-mô Pháp.
-  Nam-mô Tăng.
Đó là ý-nghĩa của Tam ngôi vậy, nhưng Tam ngôi này không bao giờ phân ra, ấy chứng tỏ sự hiệp Tam bửu trong Đạo-pháp. Đứng đầu tiên hết là Chí-Tôn tức là Phật nắm cả cơ-quan bí mật tạo thành Càn khôn vũ trụ. Đạo này luật thế này, Đạo kia luật thế khác, nhưng không khác hơn Phật-giáo.
   Như Thánh-giáo Gia-Tô cũng có ba ngôi (la Trinité):
- Le Père (Đức Chúa Cha) 
- Le Fils (Đức chúa con)
- Le Saint Esprit (Đức chúa Thánh Thần)
- Đức Chúa Cha là Phật,
- Đức Chúa Con là Pháp,
- Đức Chúa Thánh Thần là Tăng.
Không đạo-giáo nào thuyết-minh rõ-ràng cơ tạo đoan lấy thuyết hỗn độn sơ khai phân chia:
- Khí chi khinh thanh thượng phù giả vi thiên,
- Khí chi trọng trược hạ ngưng giả vi địa.
(Hễ khí nhẹ bay lên làm trời, khí nặng rơi xuống làm đất)
Trong vũ-trụ này có hai quyền-năng vô đối:
1 - là ngôi Chí-Tôn.
2 - là ngôi Phật-Mẫu.
Người ta không nói, nhưng luật thiên-nhiên dù ở trong vật tối thiểu hay tối đại vẫn có một Luật mà thôi. Biết đâu Chí-Tôn và Phật-Mẫu theo lời của Đức Nguyệt Tâm Chơn-Nhơn  thì hai quyền-năng âý vô đối, sản sinh ra cả Càn khôn vạn loại và tạo ra ba ngôi đầu tiên là.
1/ - Đấng    Brahma-Phật.
2/ - Đấng      Shiva- Phật.
3/ - Đấng   Krishna-Phật.
Còn gọi là Tam thế Phật. Các hình ảnh biểu-tượng này được đặt trên nóc Bát-Quái-Đài Toà Thánh Tây Ninh. Người Đạo Cao-Đài ngày nay được biết danh các Ngài qua bài kinh Di-Lạc được tụng đọc hằng ngày:
“Thượng Thiên Hỗn-nguơn hữu: Brahma-Phật, Shiva-Phật, Krishna-Phật.
Ba ảnh tượng này đứng xây lưng đâu cật nhau trên nóc Bát-Quái-Đài Đền-Thánh Tòa-Thánh (Tây-Ninh) với một sứ-mạng trong Tam Kỳ Phổ-độ là:
1/-Đức Brahma-Phật đứng trên con Thiên nga (ngỗng trời) ngó tới, âý là ngôi thứ nhứt, tượng-trưng ngôi Thánh-Đức, thuộc về cơ sanh hóa, ấy là Đấng tự-hữu hằng hữu, hữu nguyên hữu thủy của vạn loại.
2/ - Đức Shiva-Phật đứng trên Thất-đầu-xà ngó qua phía hữu, ấy là ngôi thứ nhì tượng trưng phần âm dương, cơ sanh hoá cũng là cơ hủy diệt, ấy là ngôi bảo tồn .         
3/ - Đức Krishna-Phật đứng trên con Giao long (cá hóa rồng) ngó về phía tả, âý là ngôi thứ ba, tượng trưng cuộc tuần hoàn, tiên tri cho nhân loại biết việc trí-xảo thuộc cơ tranh-đấu, cũng là cuối Hạ-nguơn Tam chuyển khởi đầu Thượng-nguơn Tứ chuyển.
Tóm lại, các nhà khảo-cứu và Thần-linh-học (nhứt là Thông thiên học) cho biết rằng:
Các vị: Brahma-Phật, Shiva-Phật, Krishna-Phật, là ba ngôi của Đức Thượng-Đế được gọi là Tam vị Nhứt Thể
với bảng tóm lược dưới đây:
   * Veda gọi Ngài là:
- Brahma  (Thần sáng tạo)
- Shiva     (Thần hủy diệt)
- Krishna  (Thần  bảo tồn)

* Cơ Đốc giáo gọi Ngài là:
-  Đức Chúa Cha  (Dieu le Père)
-  Đức Chúa Con  (Dieu le Fils)
- Đức Chúa Thánh-Thần (Dieu le Saint Esprit)

* Phật-giáo gọi Ngài là:
-  A-Di-Đà-Phật (Amitabha)
-  QuanThế-Âm (Avaloki.Teshvara)
-  Đại Thế Chí   (Manjushiva)

* Nho-giáo gọi Ngàì là:
-  Ngôi Thái cực
-  Ngôi Lưỡng-Nghi,
-  Ngôi Tứ-Tượng.

* Thông-Thiên-Học gọi Ngài là:
-  Đệ nhứt Thượng-Đế  (Premier Logos)
-  Đệ nhị Thượng-Đế    (Deuxième Logos)
-  Đệ Tam Thượng-Đế  (Troisième Logos)
Nay, Đức Cao-Đài Thượng-Đế đến với dân-tộc Việt Nam mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, Ngài tự nói rõ ngôi vị là:
“Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong Càn Khôn thế giới thì khí Hư-vô sanh ra có một Thầy và Ngôi của Thầy là Thái-cực. Thầy phân Thái-cực ra Lưỡng-Nghi, Lưỡng-nghi phân ra Tứ-tượng, Tứ-tượng biến ra Bát-quái, Bát-quái biến hóa vô cùng mới lập ra càn khôn thế giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn-vật là: Vật-chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm gọị là chúng sanh” (TN II /170)
Chính cái thể pháp của Đạo Cao-Đài đã đủ cả tam ngôi ấy: Về mặt Tôn-giáo “Là một cơ cấu hữu-vi thì cũng không ngoài luật ấy, nên trước tiên cần có đủ chủ hướng là Tinh-thần ấy là Tín-ngưỡng, chủ Tinh-thần ấy là linh hồn của Đạo-giáo, mà linh hồn của Đạo Cao-Đài là Đức Chí Tôn chủ về cực Dương .
Một Tôn-giáo muốn sống bền vững và phát triển tốt đẹp thì Tôn giáo ấy có đủ Tam-bửu: TINH- KHÍ- THẦN.
- Về Thần: thì khi lập Đạo Cao-Đài, Thần đã sẵn có do Đức Chí-Tôn làm chủ linh hồn của Đạo-giáo.
- Về Khí thì buổi phôi thai chưa mấy tựu thành nên Đức Chí-Tôn mượn hình thể Diêu-Trì-Cung làm  Khí.
- Về Tinh là hình thể của Đạo Cao-Đài tức là ba chi: PHÁP- ĐẠO- THẾ  tượng trưng là: Hộ-Pháp, Thượng Phẩm, Thượng-Sanh.
Lúc nền Đạo mới phôi thai thì Đức Chí-Tôn và Đức Phật-Mẫu có giáng cơ dạy cách thức lập lễ Hội-Yến Bàn đào vào ngày rằm tháng tám năm Ất-Sửu (1925)  nơi căn phố tư gia của Đức Cao-Thượng-Phẩm và dạy cả Cửu vị Nữ Phật dưới quyền chủ tọa của Đức Phật-Mẫu, còn  bên trên thì có Đức Chí-Tôn hành pháp vô-vi lập thành hình thể hữu-vi của Đạo Cao-Đài có đủ  Tinh- Khí- Thần, hợp nhất trong một bàn Hội-Yến, mà Bàn Hội-yến ấy về phần vô-vi chủ yếu là trường sanh bất tử.
Do đó Hội-Yến Diêu-Trì-Cung mà Đức Chí-Tôn cho lập trong cửa Đạo Cao-Đài này là cốt yếu hội đủ cả ba bửu pháp: TINH- KHÍ- THẦN để lập thành một cơ cấu trường sanh bất tử  tức là sự trường tồn vĩnh cửu của Đạo Cao-Đài  đó vậy.

12 - Lập ngôn:

Người đời dù đã tu hay chưa tu cũng quan-trọng ở sự lập ngôn. Sự lập ngôn chính là khởi ở cái miệng, từ đó phát ra lời nói. Do  vậy  một  người đạo-đức  phải biết đến tinh-thần người  “Giữ Đạo” của nền Đạo như thế nào.
Trên tinh-thần đạo-pháp khó nhứt là người giữ Đạo, tức là từ khi mới Nhập-môn cho đến khi có được một sự hiểu biết thuần-thục cũng giống như một người mới khởi học vỡ lòng mà nhìn lên chương-trình Trung-học, Đại học, vẫn là con đường dài. Nhưng, con đường thiên-lý đều khởi bằng những bước chân đầu tiên. Vậy thì, chúng ta hãy đặt bước chân đầu tiên lên công việc của  người “Giữ Đạo”.

Đây là lời dạy Đạo của Đức Quyền Giáo-Tông trong tập “Phương châm hành Đạo” Và trọng yếu là vấn đề  “Giữ Đạo”. Ngài nói:
“Kỳ Hạ-nguơn này là buổi hiệp Tam giáo làm một, hầu đem về căn bổn cho hiệp lẽ tuần hoàn; Đức Ngọc Hoàng Thượng-Đế lại dùng Huyền-diệu Tiên-gia giáng cơ giáo Đạo, thế thì chúng ta lấy làm hữu duyên, hữu phước mới sanh nhằm đời Đạo mở; muôn năm ngàn kiếp mới có một lần như vậy, nếu chẳng thành tâm tu niệm thì rất uổng cho cơ hội này lắm đó.
Nhập-môn cầu Đạo là để làm lành lánh dữ, dưỡng tánh tu tâm, lập công bồi đức, cứu độ nhơn  sanh; chớ không phải vào Đạo để cậy lấy phần đông, rồi kết phe lập đảng mà ỷ thế hiếp cô, cùng là xui mưu làm loạn. Kẻ vào Đạo chỉ mưu việc quấy như vậy là muốn gây rối cho nền Đạo tức là kẻ nghịch Đạo đó.
Muốn “Giữ Đạo” cho tròn bổn phận, người Nhập môn rồi phải do theo “Tân luật” lại cần phải “làm lành lánh dữ” và “trau giồi hạnh đức”.
Sự lập ngôn có một nguồn gốc sâu xa mà Thánh nhân đã tiên liệu sẵn từ lâu rồi, nay Đạo Cao Đài cũng thế:
Chữ ngôn  (7 nét), ngôn là lời nói. Chính lời trong miệng nói ra là biểu hiện rõ thất tình: Hỉ, Ái, Lạc, Dục, Ai, Ố, Nộ. Nhưng điều làm cho mọi người vừa lòng chắc hẳn là do ba mối cảm tình: Hỉ, Ái, Lạc. Do vậy mà ba đầu rắn ở sau tượng của Hộ-Pháp trên Thất-đầu-xà mới ngẩng lên trước chữ Khí ở Bán nguyệt Ngũ Lôi Đài (Hiệp Thiên Đài- Tòa Thánh Tây Ninh).
Ca dao việt Nam đã từng dạy cho rằng:
Lời nói không mất tiền mua,.
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Lại nữa nó còn có giá trị bí pháp về con số 7 nữa. Đầu tiên Thất Nương Diêu Trì Cung đến với ba vị Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh để giáo hóa và mở đường xuất Thánh không phải là không duyên cớ. Nay, người tín hữu Cao Đài hiến lễ Đức Chí-Tôn ngồi giữa hai con số 7 là: mắt nhìn lên 7 ngai của Chức sắc Cửu Trùng Đài Nam phái, sau lưng là Thất đầu xà; người ở giữa hai khoản này mang trong người Thất tình, Cúng lạy để chuyển tâm tư biến thành Thất Bửu. Tất cả đều nhất quán, đi từ pháp môn một cách tuyệt vời.

13 - Làm phải làm lành tức là Làm lành lánh dữ
Kinh dạy rằng:
Trong Tam-giáo có lời khuyến dạy,
Gốc bởi lòng làm phải làm lành.
Đức Quyền Giáo-Tông dạy về làm lành lánh dữ:
Có người thuở nay không làm điều chi bất nhơn thất đức, cứ một lòng ăn thật ở ngay; như vậy có đủ gọi là “làm lành lánh dữ” không ?
- Không đâu ! Người ấy chỉ có biết lánh dữ mà thôi, nghĩa là chỉ có biết giữ mực công-bình của nhân-loại vậy thôi; chớ chưa có chi gọi là làm lành.
Muốn trọn hai chữ  “làm lành”  phải  cứu nhơn độ thế. Kinh Phật dạy Cứu nhơn độ thế mà không giải rành là sao, thành ra nhiều vị tu-hành không để ý đến, chỉ biết có một phép Từ-bi thanh tịnh là gốc.
Sao gọi là  cứu nhơn độ thế ?
- Cứu nhơn độ thế là cứu-cấp những người đang hồi khốn cùng, hoạn-nạn; ai đói mình cho ăn, ai khát mình cho uống, ai đau mình giúp thuốc, ai thác mình thí hòm, ai lạc nẻo mình chỉ đường, ai buồn rầu mình an-ủi, ai kiện thưa tranh chấp mình kiếm chước giải hòa; bắc cầu bồi lộ cho hành khách tiện bề qua lại; in thí kinh-điển, thiên thơ  cho mọi người coi theo hầu cải tà qui chánh,…
Vậy mới gọi là cứu nhơn độ thế, song chẳng nên bất cập mà cũng đừng cho thái-quá. Bất cập là khi nào mình giúp cho người không trọn, có trước không sau, làm cho người sau rồi cũng phải khốn-cùng, hoạn-nạn như trước vậy .
Thái-quá là đụng ai giúp nấy, không xét coi kẻ ấy đáng giúp hay chăng?  Vì ở đời lắm người  giả dối, quanh năm chỉ ỷ lại người nhơn-thiện mà no cơm ấm áo; giúp-đỡ cho những kẻ ấy là giúp cho họ dễ bề làm biếng, tiện thế ở không, tức là chưởng ác cho họ vậy .
Vả lại cứu nhơn độ thế, phải tùy duyên tùy sức mới đặng: giàu cứu độ theo phận giàu, nghèo cứu độ theo phận nghèo. Theo lời giải trước kia; Cứu nhơn độ thế có nhiều cách: có của thí của, không của thí công, của công ví đặng thiệt lòng, cân lại cũng đồng âm chất”.

14 - Trau-giồi đức hạnh

Người giữ Đạo không những gọi  làm lành lánh dữ là đủ, lại còn phải trau giồi đức hạnh thì nhơn cách mới hoàn-toàn. Đức hạnh là điều cần nhứt của bậc tu hành. Thành Tiên, thành Phật cũng nhờ đức-hạnh, vì thuở nay chưa từng nghe có Tiên Phật nào mà không hoàn toàn đức hạnh:
- Thái Thượng khuyên lập Đức,
- Khổng Thánh dạy tu thân.
Lập đức, tu thân là căn bổn của Tôn-giáo.  Muốn vẹn bề
đức hạnh ngoài ra Đạo Tam cang, Ngũ thường ta lại cần phải giữ sao cho đặng khiêm-nhượng, nhẫn-nại, thuận hòa, kiên-tâm, thanh liêm, thì mới gọi là khắc-kỷ, mới gấm ghé đặng phẩm Thần Tiên vậy”.
Tinh thần của Đại-Đạo ngày nay là Nho Tông chuyển thế, nên tư cách người tu cần phải trau giồi đức hạnh hơn bao giờ hết.
Vì người tu phải có một thể xác tinh anh, tráng kiện như một bông hoa. Đó là TINH. Một trí não sáng suốt, trong sạch tượng cho KHÍ. Một tâm hồn đạo đức là THẦN Nay người Tín hữu dâng ba món báu ấy cho Chí-Tôn tượng là HOA- RƯỢU- TRÀ là vậy. Đức Hộ-Pháp nói:
“Tỷ như một người kia tìm Đạo, người ta thấy mình dâng ba món ấy mà mình gọi là ba báu, rồi người ta để mắt thấy Bông-Rượu-Trà người ta để dấu hỏi, ba món ấy báu lắm hay sao? Báu ấy là báu gì ?
Bần Đạo đã giảng ba cái đó tượng trưng cho báu vật của ta là:
- Thứ nhứt thân phàm xác thịt của chúng ta đây, thuộc về Tinh; Bông tượng trưng xác thịt.
- Thứ nhì là trí não của ta, khôn ngoan hơn vạn vật gọi là Khí;  Rượu tượng trưng cho trí não.
- Thứ ba là Trà tượng trưng cho linh hồn của chúng ta là cái hằng sống thiêng liêng của chúng ta, nó mới gọi là ba cái báu. Thật ra chúng ta suy nghĩ coi không có gì quí hơn xác thịt ta, trí óc ta và linh hồn ta hơn hết.
Giờ phút này Đức Chí Tôn đến biểu chúng ta dâng
Tam Bửu : Bông- Rượu- Trà; tưởng đâu là gì, thiên hạ nói báu gì đâu ba món ấy gọi là báu. Ai ngờ ba món báu ta dâng cho Ngài là báu vật, bởi vì Ngài là Chúa của ta, Ngài tạo sinh ta, Ngài là Cha của ta về phần hồn và phần xác, Ngài đòi ba món quyền sở hữu của Ngài cho ta, lấy ba món báu của ta đó vậy”.

15 - Tu Chơn Dưỡng Tánh:
Lời Kinh dạy:
Phép Tiên Đạo tu chơn dưỡng tánh,
Một cội sanh ba nhánh in nhau
Làm người rõ thấu lý sâu,
Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh kinh.

Thế nào là Tu chơn?
Tu chơn là giữ cho được cái Tâm chơn chánh, thật thà để đoạt cho được đến Chơn-như. Muốn đoạt cho được mục-đích lý tưởng âý phải sửa tánh trau tâm hằng ngày, hằng bữa. Bởi Tâm con người ví như sự nhảy-nhót của con vượn, còn tánh thì nhạy bén, lướt nhanh như con ngựa, Thánh-nhân nói là “Tâm viên ý mã”. Do vậy mà người tu rất khó tập trung tư tưởng, nhất là khi cúng hay bị phân tâm, hay nghĩ việc này liền chuyển sang việc khác.
Thế nên sự tu-hành đối với Đạo-pháp rất nên thận trọng trong từng cử-chỉ, lời nói, việc làm, mỗi mỗi đều  phải giữ ý, giữ lời một cách nhặt-nhiệm. Tuy nhiên dù có khó-khăn nhưng cũng có phương-pháp tập luyện.
Qua lời dạy của Đức Hộ-Pháp, Giáo-Chủ Đạo Cao Đài trong quyển “phương tu Đại-Đạo” rằng:
“Phép Tu chẳng phải luyện nội tinh-thần theo đạo hạnh mà thôi, mà cái thân thể mình đây cũng phải tùy tùng phù hợp Đạo-tâm, thể Đạo chơn-chánh bởi gương mình, hễ chúng sanh ngó  Đạo nói mình,  xem mình  cho là Đạo mới phải”. Đức Hộ-Pháp đã vạch sẵn con đường tu (1935)
Người Tu-hành
Chẳng ham danh lợi chẳng mê trần,
Thạch động thanh nhàn thân độ thân.
Biển Bắc mặc dầu con sóng bũa,
Non Nam chi quản đám mây vần
Ngày ăn hai bữa nuôi tinh huyết,
Đêm ngủ ba canh dưỡng khí thần.
Quyết đoán công-phu thân vận động.
Đường Tiên cửa Phật mới mong gần

Đây là một bài thơ thật đơn giản về tứ văn, nhẹ nhàng về tình cảm, nhưng thật ra gói gọn một bí pháp thâm sâu, huyền diệu vô cùng: Hai câu đầu nói về cái tâm thanh tịnh tức đạt được ba con số 0, ấy là 3.000 công quả,
Ngày ăn hai bữa nuôi tinh huyết,
Đêm ngủ ba canh dưỡng khí thần.
Hai câu trên biểu hiện hai con số: 2 và 3, ấy là Người nắm trọn hai quẻ Càn Khôn trong tay rồi.Bởi càn  ba vạch (3)
Khôn  (6 vạch, tức bằng 2 lần quẻ càn). Độ lệch 2,3 vậy.
Người tu hành đạt đến điểm cao tuyệt ấy là đắc Đạo; tức nhiên là sống biết vì người, quên mình mà phụng sự cho nhơn sanh, cho vạn linh, tức là phụng sự cho Chí Linh gọi là vô kỷ. Làm ân cho người mà không nghĩ đến công gọi là vô công. Tất cả các việc làm này tuy nhọc nhằn, nhưng phụng sự không vì danh mà làm là vô danh, không vì lợi mà làm ấy là đã thực hiện được ba con số không, gọi là vô kỷ, vô công, vô danh. Viết ba con số (000) rồi đặt số 3 phía trước thành ra con số 3.000 mà Đức Hộ-Pháp bảo phải thực hiện cho được “ba ngàn công quả” chính là đây. Dầu buổi ban đầu còn đếm, còn ghi, còn tính toán, xem như bước đầu học Đạo, theo từ nấc thang mà hành đạo.

16 - Tâm tình Thiên phụ:

Đức “Ngọc-Hoàng Thượng-Đế kim viết Cao-Đài Tiên Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát Giáo Đạo Nam-phương” là danh xưng của Đức Chí-Tôn, Đại-Từ-Phụ, là Chúa Tể của Càn Khôn vũ-trụ đã đến với nhân-loại mở nền Đại Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nơi đất nước Việt-Nam, giáng linh bằng Huyền-diệu Cơ Bút, Ngài dạy bằng những lời thân thương như tình Cha con ngọt ngào quí mến:
            “Thầy vẫn đã thường nói với các con rằng: Thầy đến lập cho các con một nền Chơn Đạo, tức là mỗi sự chi dối trá  là chẳng phải của Thầy. Thầy đến là chủ ý để dạy cả nhơn sanh đặng Hòa-bình chớ chẳng phải đến đặng giục nghịch lẫn nhau. Thầy lại thường nói sự sang trọng vinh hiển của các con chẳng phải nơi thế giới này.
Thầy lại đến lập trong nước các con một nền Chánh giáo đủ tư cách độ rỗi chúng sanh. Các con và cả dân tộc các con vì nơi Đạo mà đặng đoạt đến phẩm-vị cao thượng; cái phẩm-vị ấy do đâu mà có?
Là bởi đạo-đức các con, đạo-đức thắng hung bạo là thường tình; các con hằng thấy sự đời thường vậy. Thầy là Đấng cầm quyền thưởng phạt há lại không quyền hành mà làm mọi việc một mình Thầy đặng sao, lại phải sở cậy tay phàm? Chẳng qua là đạo-đức thiếu kém của các con, nó làm cho các con bị phạt. Từ đây phải tin-tưởng một Thầy và nghe lời Thầy dặn: giữ đạo-đức cho bền, còn ngoại trừ sự chi nghịch với Chơn Đạo là mưu chước tà quái”  (Thánh-ngôn I/14-12- Bính Dần)

Thầy dạy tiếp:
“Con duy có TU mà đắc Đạo, phải đoái lại bá thiên vạn ức nhơn-sanh còn phải trầm luân nơi khổ hải chưa thoát khỏi luân hồi, để lòng Từ-bi mà độ rỗi.
Nay tuy các con chưa thấy đặng hành-vi mầu nhiệm mà chính mình Thầy đã đến nói, các con nên tin nơi Thầy mà cho rằng lời Thầy dạy là chân thật. Nếu các con đợi đến buổi chung qui, hồn ra khỏi xác mới thấy cơ mầu nhiệm đặng thì chừng ấy đã muộn rồi. Vậy các con khá tuân lịnh dạy”.
Chính cái “hành vi mầu nhiệm” là cái màn bí mật của Thượng Đế chưa vén lên cho nhân loại thấy được là sự sống chết của con người. Bởi nó nhặt nhiệm quá, quan trọng quá, mà loài người đến thế này phải tu. Tu để thấy được lẽ huyền vi mầu nhiệm ấy, tu để tìm biết được cái thế giới vô hình kia. Tu để biết được tại sao con người đến thế này làm gì mà cứ mãi luân hồi sanh tử. Sự luân hồi này đều định quyết do bàn tay của Đức Thượng Đế mà thôi. Đó là nấc thang tiến hóa cho loài người và cả vạn linh đó.

Vậy Sống chết là gì ?
Chết là chấm dứt một kiếp người; Sống là mở ra cho một kiếp ngườiTùy theo tuổi đời đã thụ hưởng được. Tuổi đời thì không giới hạn. Bất cứ tuổi nào cũng có người chết. Nếu nói rằng “Chết là hết” là đúng về hai phương diện: về phương diện hữu hình thì chết tức là hết một kiếp hữu hình này rồi, phải để cho người ta chôn cái xác thân này vào lòng đất lạnh. Về phương diện chữ nghĩa thì CHẾT có phần cuối của chữ là HẾT, nhưng phía trước chữ này có chữ CH (đọc là chờ), tức nhiên dầu chết, nhưng còn chờ sự phán xét của luật Thiên điều: hoặc thăng, hoặc đọa tùy theo công quả trong kiếp sanh định vị.
- Sống là gì?  Từ xưa đến giờ chữ Nho thường có chiết tự, vì tất cả đều cho rằng chữ Nho (Hán) là một linh tự, còn chữ Quốc ngữ của chúng ta không phải là một linh tự sao? Có chứ! Vì nếu không phải là một Linh tự thì tại sao Đức Chí-Tôn “lấy Quốc Ngữ làm chính tự?” Ta thử phân tích chữ “SỐNG”.Bởi trong chữ SỐNG đã có chữ “SỐ” đứng trước. Tức nhiên bất cứ người hay vât khi bắt đầu có sự sống là đã có định số rồi. Lẽ dĩ nhiên là người có kẻ giàu sang, kẻ bần hàn không phải tự ý mà muốn được. Tuy nhiên, phía sau chữ số còn có vần “NG” (đọc là “ngờ”) nghĩa là phía sau cái “SỐ” này còn tùy duyên, tuỳ cảnh, tùy phước đức của ông bà, tổ phụ mà chơn linh đó giáng vào, hay là khi lớn lên biết TU cũng là một cách cải số đó vậy. Ví dụ như với con vật: Mèo hay chó thì số phận thiên định cho nó rồi, nhưng nó còn may rủi nữa là nếu vào trong gia đình phúc hậu thì nó được đối đãi như đứa con cưng, mà người nghèo khó bì được sự ân cần săn sóc đó. Sự chuyển đổi ấy là do chữ “Ngờ” phía sau vậy.
Đức Hộ-Pháp nói: “Ngày xuân nói đến tiếng xuân, miệng nói tiếng xuân là nói tiếng SỐNG. Vạn-vật ngày xuân nầy là sống, là ngày phục sinh. Qua mơ ước tâm hồn của cả thảy trong một năm già cỗi; trong lúc xuân đến, cây cối nở lá nở bông, tốt tươi trở lại, tức nhiên là được phục sinh lại thì cả tâm hồn của chúng ta cũng phục sinh như thế.”
Đức Ngài luận về SỐNG– CHẾT rằng: “Phải biết làm sao cái chết thật, mà phải biết làm sao cái sống là thật. Cái sống và cái chết, ta cũng nên tìm hiểu điều ấy. Vả chăng chúng ta sanh ra có hai cái sống và có hai cái chết. Chúng ta ngó thấy xác thịt của chúng ta không phải là cái sống, bởi vật thể nó phải chịu tiêu hủy tức nhiên nó phải chết, mà thiệt cái chết của nó chẳng phải chết vì cái xác thịt mà thôi, mà chết vì danh giá, kiếp sống của mình, cái lời nói là chết. Còn bây giờ cái sống không phải cái xác thịt chúng ta đã ngó thấy trước mắt, bất quá con người sanh ra một trăm năm là nhiều rồi chết trước mắt. Ấy vậy cái sống thật chỗ nào? Cái sống thật của chúng ta là cái sống về tinh thần hiện tại của chúng ta cho trường tồn, tức nhiên nói về linh hồn chúng ta vậy. Cái đó mới thiệt sống, cái sống với linh hồn là cái sống thật, sống với xác thịt tức nhiên sống giả. Bây giờ còn cái sống nữa, sống thế nào đồng sống cả vạn loại, cả cái sống Đại Đồng, sống trong cái sống ấy mà muốn đồng sống, chúng ta phải hiệp làm một cùng vạn loại, biết nó là cái sống của mình, biết mình là cái sống của nó. Cái sống ấy là cái sống của Đức Chí Tôn nắm trong tay của Ngài đó vậy. Cái sống trên cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống của Ngài đã tạo dựng cho nó, trước khi ta đến đầu kiếp làm con người ở mặt thế gian này, cái sống ấy phải sống…Đạo giáo Cao Đài Đức Chí Tôn để bí pháp ấy trong Thánh-Thể của Ngài. Ngài nói những kẻ nào dám chết về đời, sống vì Đạo, những kẻ ấy mới đáng làm Thánh-Thể của ta nơi mặt thế gian này. Cả toàn Thánh Thể đã hiểu lắm, tới phẩm Giáo-Hữu phải chết, chết vì đời, rồi sống lại sống vì Đạo. Tức nhiên Đức Chúa Jésus-Christ nói cao sâu rằng: Nếu ai đã biết ai, đã biết cái sống của chúng ta đã ban cho mà dám hy sinh cái kiếp chết của họ, là cái xác thịt này thì mới đạt đặng cái sống trường tồn vĩnh cửu, tức nhiên Thiêng Liêng Hằng Sống của Cha ta đã dành để….Bần Đạo thuyết điều ấy cốt yếu nói cả toàn thể con cái của Đức Chí Tôn, dầu cho hàng tín đồ nam nữ dĩ chí Đại Thiên-Phong cũng vậy, mỗi phần tử Thánh-Thể của Ngài phải biết cái mạnh của mình là cái sống thật, cái yếu của mình là cái sống giả, phải có can đảm hy sinh cái chết, cái thi hài thúi tha của ta đây  mà đạt cho đặng cái danh hằng sống và chúng ta đặng ngôi vị Thiêng Liêng Hằng Sống nơi cửa Thiêng Liêng kia của Ngài đã dành để, tức nhiên là đại nghiệp của Ngài đã chia chung cho mỗi đứa con. Đức Chí Tôn nói rằng: Thầy dành để đại nghiệp cho các con, Thầy không có quyền đem cho kẻ khác duy có kẻ nào từ bỏ, thì Thầy mới có quyền đem cho kẻ khác mà thôi. Cái sống đó mới sống thật, sống trường tồn, sống vĩnh cửu. Sống Thiêng Liêng Hằng Sống của Đức Chí Tôn mới thật sống đó.”
Thầy dạy: 13-6-Bính Dần  (Jeudi 22 Juillet 1926)
“Sự chết, thường thế gian gọi chết là hết, là vì dốt không biết Đạo nên tưởng lầm. Khắp trong nhân loại trên mặt địa cầu nầy phần đông vì kính thờ Tà quái, mà Tà quái vốn chứa sự chết thì tức nhiên chúng nó ở trong vòng sự chết là phải tiêu diệt, thì bao giờ biết đặng sự hằng sống là gì.. Cười... Nếu Thầy không đến kịp, thì các con cũng vẫn bị trong vòng sự chết. Tà mị cũng như một hột lúa bị hẩm mà thúi, thì thế nào mọc đặng mà sanh bông trổ trái ? Còn bậc chơn tu tỉ như một hột giống tốt, hễ gieo xuống thì cây lên, cây lên thì trổ bông, trổ bông rồi sanh trái mà biến biến sanh sanh càng tăng số. Vì vậy mà các con phải bỏ xác trần, mà bông trái thiêng liêng các con sanh hóa chơn thần, chơn thần lại biến hằng muôn thêm số tăng lên hoài. Ấy là Ðạo. Bởi vậy một chơn thần Thầy mà sanh hóa thêm chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần và toàn cả nhơn loại trong Càn Khôn Thế Giới, nên chi các con là Thầy, Thầy là các con. Như kẻ bên Phật Giáo hay tặng Nhiên Ðăng là Chưởng Giáo, Nhiên Ðăng vốn sanh ra đời Hiên Viên Huỳnh Ðế.
Người gọi Quan Âm là Nữ Phật Tông, mà Quan Âm vốn là Từ Hàng Ðạo Nhân biến thân. Từ Hàng lại sanh ra lúc Phong Thần đời nhà Thương.
Người gọi Thích Ca Mâu Ni là Phật Tổ, Thích Ca vốn sanh ra đời nhà Châu.
Người gọi Lão Tử là Tiên Tổ Giáo, thì Lão Tử cũng sanh ra đời nhà Châu.
Người gọi  Jésus là  Thánh Ðạo Chưởng Giáo,  thì Jésus lại sanh nhằm đời nhà Hớn.
Thầy hỏi vậy chớ ai sanh ra các Ðấng ấy?
Khí Hư Vô sanh có một Thầy. Còn mấy Ðấng Thầy kể đó ai sanh ? Ấy là Ðạo. Các con nên biết.
Nếu không Thầy, thì không có chi trong Càn Khôn Thế Giới nầy, mà nếu không có Hư Vô Chi Khí thì không có Thầy”.
Thi văn dạy Đạo có câu:
“Ngảnh lại hỏi người là chắc đó, 
“Trăm năm là tuổi chết rồi chôn.

17 - Tạo đại nghiệp gia đình cho một sắc dân gọi là Tân Dân của Chí Tôn

Đức Hộ-Pháp nói: “Trọng hệ hơn hết là cái huyền vi bí mật của Ðền Thánh nầy, buộc lòng Qua phải lên giảng.
Mấy em có biết tương lai nền Chơn-giáo nầy của mấy em là tạo đại nghiệp gia đình cho một sắc dân gọi là Tân-Dân của Chí-Tôn, để nơi mặt thế nầy, là Thần-Thông Nhơn. Mấy em kiếm hiểu hai tiếng Thần-Thông, dầu không thấu lý mà nghe nói tiếng ấy cũng hiểu sự quan hệ của nó ra sao. Ấy vậy, muốn tạo một tinh thần tới Thần Thông cho sắc dân Tân-Dân của Chí-Tôn đem đến mặt địa-cầu nầy, do trong mấy em hiện tượng ra mà mấy em không tầm cái giống Thần-Thông thì làm sao tạo Tân-Dân ấy cho được. Cả huyền vi bí pháp của Chí-Tôn để tạo Thần-Thông-Nhơn ấy, mắt mấy em nhìn thấy không biết hình ảnh thì làm sao đạt thành được.
Mấy em sẽ làm Cha, làm Mẹ của đám Thần Thông Nhơn ấy mà không có hột giống làm sao tạo hình cho đặng. Còn như Qua đây là Hộ-Pháp khi lên Ngai đứng có mấy công chuyện mà quên trước quên sau, đó là buổi mới khai Ðạo. Còn mấy em dầu khó khăn đi nữa, nay Ðạo đã 22 năm mà còn quên thì không biết nói làm sao đặng. Mấy em có thấy đâu khi vô Ðền-Thánh, đền nầy gọi là Ðền-Thánh, thì thế nào mấy em phải hiểu. Qua đứng trên Ngai lấy hết tư tưởng của mấy em, cái giọng của mấy em cầu kinh Qua ôm hết dâng lên cho Ðức Chí-Tôn. Dâng đây, không phải là tiếng thường, ấy là cái Thiên-thiều; Ngài hưởng rồi, Ngài trả lại cho mấy em cái Thiên-tinh. Có như vậy thì địa cầu nầy mới an tịnh, mới thái bình được. Mấy em ôi! Nếu cúng mà giọng đọc thô bỉ, không đồng một nhịp-nhàng thì mong gì cái thiều-quang của Càn Khôn Vũ Trụ điềm-tĩnh đặng an hưởng.
Qua đứng trên Ngai, Qua thấy trên Nê-Hoàn-Cung của mấy em, nếu định tâm, thì có một hào quang xung lên đều đều, mọi người đều có cả hào quang đó, có một vị Phật ôm hết đem vào Bát-Quái-Ðài, hiệp với đạo hào quang trong quả Càn-Khôn đoạn đem trở ra bao trùm chỗ ngồi của mấy em, mà mấy em không thấy được, cho nên khi mấy em hầu lễ, nếu biết hưởng cái ơn Thiêng-Liêng ban cho đó, thì tinh thần được an tịnh, hạnh phúc biết bao, nếu biết thọ hưởng cái hồng ân đó, cũng như lúc mấy em đói rồi có ai liệng cho đồ ăn, mà không biết hưởng, thì làm sao no đặng, tức phải đói.

18 - ĐẠI ÂN XÁ  大恩
E: General amnesty of God
F: Amnistie générale de Dieu
Việt Nam hân-hạnh được đón nhận nền Đại-Đạo trước tiên để rồi thông truyền cho cả thế giới một nền Tân Tôn giáo với chủ-nghĩa Đại-Đồng để hưởng Cơ Đại-Ân Xá lần ba của Đức Thượng-Đế. Tức là mọi sự khổ não, mọi hình luật khó khăn từ xưa đến giờ, nay được Đức Chí Tôn mở ra nền Đại Đạo là được giảm nhẹ hoặc tha thứ cho tất cả.
Đại-Ân-xá là gì?  Tức là một cuộc Ân-xá lớn (tiếng Pháp gọi là Troisième Amnistie de Dieu en Orient). Mỗi nguơn hội Đức Chí-Tôn với lòng Từ-bi tha-thiết thương con cái của Người không nỡ để chìm đắm nơi sông mê bể khổ, nên mỗi nguơn hội Đức Chí-Tôn có mở một kỳ Phổ Độ để cứu vớt nhơn-sanh và rước các Nguyên-nhân tức là nguyên linh đã xuống trần nay đem trở về ngôi vị cũ. Như thế thì mỗi Kỳ Phổ Độ đều có mở một cuộc Ân xá, mở cửa dễ dàng cho các Đẳng chơn hồn có đủ phương lập vị. Nền Đạo này là Cơ Đại-Ân-Xá tận độ chúng sanh nên Cao-Đài xưng là Đại-Đạo. Vì chủ-nghĩa tối cao của Đại-Đạo chẳng những là QUI TAM-GIÁO HIỆP NGŨ CHI mà thôi, mà phải làm thế nào dầu bậc Đế Vương ngoài thế cũng phải bái phục, phải tùng Đạo, phải dò theo các cơ thể của Đạo, phải nhờ Đạo mới mong trị an thiên hạ đặng.
Vậy mới gọi là HIỆP NHỨT! Vậy mới gọi là ĐẠI ĐẠO! Đại-Đạo ngày nay cũng là Phật-Đạo vì gồm hết Tam giáo Nho- Thích- Đạo và Thích-Ca cũng là Thầy, Thầy là Thích-Ca”.
Riêng Đức Quyền.Giáo Tông nói cùng Thế giới rằng: “Chúng tôi quả quyết không có gì lầm-lẫn trong sứ mạng ấy. Đặt mình vào bổn-phận, chúng tôi khẩn-thiết yêu-cầu quí Ngài thông truyền cho toàn thể nhân-loại thế giới hiểu biết việc làm của chúng tôi, để mọi người hiểu rằng:
Giờ ĐẠI-XÁ của Thượng-Đế đã điểm và sự thống hiệp của con cái Đấng Tạo-hóa là để Phụng-sự cho Hòa bình hơn là tiếp-tục tìm kiếm kế-hoạch thống trị thế giới. Muốn được vậy, chỉ cần sao cho tất cả người đời biết Thương-yêu đồng chủng và giữ-gìn hạnh-đức đúng theo đường lối mà Chí Tôn đã vạch. Chúng tôi chắc rằng: hơn ai hết, quí vị Đế Vương, Quốc-vương, Quốc trưởng, Giáo chủ…đều muốn cho thần-dân và thuộc hạ đang sống dưới quyền uy của quí vị đều được sống mà không bị ám-ảnh bởi một sự sợ-hãi triền-miên và một trận chiến-tranh tương-lai mà các vũ khí tối-tân sẽ gây nên những sự tàn phá và những sự ghê tởm không tả xiết” .
 Kinh Phật-Mẫu xác nhận rằng:
    “Vô  Địa ngục, vô quỉ quan,
   “Chí-Tôn ĐẠI XÁ nhứt trường qui nguyên”.
        Nay là buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ cũng gọi là Đại-Ân-xá lần ba của Đức Thượng-Đế. Chí-Tôn Ân-xá tội tình đem cả con cái về hiệp một cùng Ngài. Thử hỏi vậy từ xưa tới giờ có cuộc Ân xá nào không? Tất nhiên là có; tuy nhiên những lần trước nhân lọai không được hạnh-phúc như lần này. Chỉ trong hai tiếng "Phổ-Độ" cũng đủ cho thấy rõ ý nghĩa ấy: phổ là phô-trương, bày tỏ ra cho mọi người đều biết, còn độ là độ rỗi, cứu vớt sanh chúng khỏi chốn u-ám, tối-tăm sa đọa để đem về cảnh thanh nhàn hạnh-phúc. Vì thế nên mỗi Nguơn hội đều có mở một kỳ Phổ-độ tức là một kỳ Ân-xá.
- Thượng-nguơn Tam chuyển mở Nhứt kỳ Phổ-độ.
- Qua Trung-nguơn thì mở Nhị-kỳ Phổ-độ.
- Nay Hạ nguơn Tam chuyển thì mở Tam-kỳ Phổ-Độ.
Như vậy thì mỗi kỳ Phổ-độ đều có mở một cuộc ân xá; nhưng tại sao trong Tam-kỳ Phổ-Độ lại gọi là Đại-Ân xá ? Tức là một cuộc Ân-xá lớn. Bởi vì nay Đức Chí-Tôn mở Đạo kỳ ba này còn cho Kinh tận độ người sống và độ luôn cả linh-hồn người chết. Đức Chí-Tôn còn mở rộng cửa cho các đẳng linh hồn dầu cho nguyên-nhân, hóa nhân hay quỉ-nhân cũng đều được cứu độ hết. Để thiệt thi cuộc Ân-xá này, Đức chí-Tôn có ban cho các môn Bí pháp: Tắm Thánh, giải oan, phép Hôn phối và cắt bảy dây oan nghiệt cùng phép Độ thăng cho hàng Chức sắc Nam cũng như Nữ. Để thực thi cuộc Đại-Ân-xá này Đức Chí Tôn còn dạy Đức Hộ-Pháp tạo Bát-Nhã-thuyền và sắp đặt nghi-lễ chèo thuyền (chèo hầu và chèo đưa). Với lòng từ bi vô biên, vô lượng Đức Chí-Tôn còn cho đóng cửa Địa ngục và bãi bỏ hết những khổ hình đã đặt để từ xưa đến giờ nơi cửa Thập Điện Diêm cung để cho các chơn hồn kể từ nay chiếu luật vay trả ở tại mặt thế này cho đến khi nào sạch hết oan khiên thì sẽ đặng ân-thưởng.
Đức Chí-Tôn còn quyết:  “Khai cơ tận-độ Cửu Tuyền diệt vong” nghĩa là đối với nhân-lọai kể từ ngày hôm nay tức nhiên từ ngày mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ cho mãi mãi tới tận thế cái Địa-ngục dưới kia đã bị tiêu diệt rồi, Thập điện Diêm Cung đến rước người nó đã bị vong-phế rồi, người không còn sa xuống cửa địa-ngục, không còn chịu dưới quyền cửa Thập Điện Diêm cung, cái đó là trọng hệ hơn hết".
Đức Hộ-Pháp cũng cho biết tiếp: “Mỗi nguơn niên, theo ta hiểu biết cái đại nghiệp của càn khôn vũ-trụ với triết lý nhà Phật, thì cả tinh-thần lẫn vật-chất của vạn linh đều thay đổi mới. Theo cái triết lý ấy thì ngày nay là ngày các chơn hồn đặng quyền Chí Tôn Ân-xá,  nếu không nói rằng hưởng được một sự tấn hóa đặc ân hơn nữa! Bần-Đạo không cần nói, buổi buộc thì khó, buổi mở thì dễ, Đức Chí-Tôn Ngài đến để hai chữ ÂN XÁ thì chúng ta đóan hiểu rằng: “Ngài đã đến rồi !” và Ngài biết con cái của Ngài đã chịu khổ nhiều rồi, đã có nhiều phương pháp giải khổ của Ngài đến giao nơi mặt địa cầu này. Từ thử đến giờ cái thống khổ tâm hồn nhơn lọai bao nhiêu thì Ngài thống khổ bấy nhiêu, Ngài đến đem Long-Hoa-Hội cốt để bảo-thủ hai chữ Ân-xá. Trong bao nhiêu đó,  chúng ta cũng đủ thấy lòng thương-yêu vô tận của Ngài thế nào!
Bần Đạo nói thật thời buổi này chúng ta không tìm phương giải thóat cho Cửu-Huyền Thất Tổ thì không thời buổi nào có năng lực độ rỗi Cửu-Huyền Thất Tổ của mình cho đặng, không có buổi nào đặng hạnh phúc làm đặng như vậy.  Bởi thế nên tòan cả con cái của Đức Chí-Tôn có lòng yêu ái nồng-nàn hòai vọng gịot máu mảnh thân mình giờ phút này là giờ phút nên để trọn tâm thanh tịnh đặng cầu-nguyện siêu thóat cho Cửu-Huyền Thất Tổ. Bần-Đạo dám nói giờ phút này, mấy người không có thể không nhỏng-nhẻo với Đức Chí-Tôn được. Ngài sẵn-sàng để hai chữ ÂN-XÁ thì mấy người xin cái gì thì Ổng cũng cho cái nấy”.
Thật ra cuộc Đại-Ân-xá này với mục đích độ tận chúng sanh trong hai phương diện độ sanh và độ tử.
Trong lúc còn tại thế này thì Đức Chí Tôn dùng đủ mọi phương diện để độ rỗi và dìu-dẫn cả con cái của Ngài được sống cho nên Đạo và khi chết rồi thì có đủ Kinh Tận độ linh hồn cùng ban những Bí Pháp đặng rửa tội và đưa linh hồn đi đến nơi đến chốn.
Ai là người hữu duyên, hữu phước được sanh vào thời-kỳ này khá sớm mau thức tỉnh quay đầu hướng thiện về cửa Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ để được những hồng ân của Đức Chí-Tôn trong muôn ngàn năm một thuở. Nếu để lỡ, trễ kỳ Đại-Ân-xá này không biết mấy muôn ngàn kiếp nữa mới đặng hưởng hồng ân một lần.
Theo Giáo-lý của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ thì lần Ân-xá này Đức Chí-Tôn không những Ân-xá cho tất cả nhân sanh dưới mặt đất này mà còn ân-xá cho tất cả các thú cầm nữa. Vì vậy trong ngôi Đền Thánh có tạc hình bốn loại linh thú: Long, Lân, Qui, Phụng. Các loại thú này tuy dưới hình thức trang trí, mỹ thuật, nhưng cũng là được phép chầu Chí-Tôn trước, rồi những loại thú nào biết hồi đầu hướng thiện sẽ được một trong bốn loài  đại diện đó dẫn vào Bạch Ngọc-Kinh.
Chính nó cũng được dự vào trong bảng Đệ Tam Thiên nhơn Hòa-ước mà Tam-Thánh đã đưa tay ký cùng Đức Chí-Tôn, là quyền sống của Vạn linh sẽ được bảo vệ trong tình Bác-Ái và Công-Bình qua hình ảnh của cây bút lông chim (tượng trưng cho loài Thượng cầm) trên tay của Đức Victor-Hugo, tức là Ngài cầm lông ngỗng mà làm cây viết, viết lên hàng chữ pháp: DIEU et HUMANITÉ,  AMOUR  et  JUSTICE.
Và loài  Hạ thú (là hình ảnh bút lông thỏ) trên tay Đức Trạng-Trình Nguyễn-Bĩnh-Khiêm còn đó. Ngài dùng bút lông thỏ viết lên tám chữ Nho: Thiên Thượng, Thiên hạ, Bác-ái, Công bình.  -   -   -  Chứng thực qua lời Kinh Sám hối rằng:
Thượng cầm, hạ thú lao xao,
Côn trùng thảo mộc loài nào chẳng linh.?
Nó cũng muốn như mình đặng sống,
Nỡ lòng nào tuyệt giống dứt nói,
Bền công Kinh sách xem coi,
Vô can sát mạng thiệt thòi rất oan.
Thế nên, giới Cấm này phải giữ gìn cho lắm. Nay, buối Tam-Kỳ Phổ-Độ Đức Chí-Tôn đến lập nền Đại Đạo, tức nhiên mở cơ Đại-Ân-xá lần ba, Hộ-Pháp thay quyền Đức Chí-Tôn tại thế mà đưa tin Cứu thế, Ngài phải làm cho đươc công việc này là làm sao tuyệt-đối trong luật pháp không còn án tử-hình. 
Đức Thượng-Sanh nói: “Phải sợ Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu hơn sợ mích lòng người thì mới hẳn là vô tư, còn vị nể cá nhân hơn tôn trọng Luật Đạo thì chẳng phải là tư cách của người cầm quyền. Vì cán cân công bình một khi đã chênh lệch thì đạo đức không còn tồn tại mà việc làm chỉ là tác động quá tầm thường của kẻ phàm tục”.

19- “Khi kỳ tâm tất thị khi Thiên.
Thiên bất khả khi hồ!

Đức Hộ-Pháp thuyết ngày 26-06-Mậu Dần (1938):
 “Con người biết tôn-sùng Trời thì phải biết kính trọng Thần nhân-tâm, có câu “khi kỳ tâm tất thị khi Thiên. Thiên bất khả khi hồ!” 欺其心必是欺天.天不可欺乎
“Mọi nhà thờ Thiên-Nhãn sùng bái hằng ngày đặng xét mình, coi các điều tội lỗi. Thoảng như trong tâm giục khởi làm việc chi bất bình thì sợ có quyền-năng của Trời răn phạt, nên thờ Thiên-Nhãn là một phương mầu nhiệm cho mọi người biết tùng thiên-lý.
“Kỳ hạ-nguơn này Đức Chí-Tôn giáng cơ dạy Đạo không có chơn-linh giáng sanh nguyên hình như các vị Giáo-chủ trước nữa. Nếu sự thờ phượng riêng một vị Giáo-chủ như buổi trước thì không đủ thống nhất đặng tín-ngưỡng của nhơn-sanh trong hoàn-cầu thế-giới. Cho nên thờ Thiên-Nhãn là cơ-quan hiệp cả chơn-thần của toàn vạn linh và hiệp Tam-Bửu: Tinh- Khí- Thần vi nhứt. Ấy là cơ mầu-nhiệm siêu phàm nhập Thánh. Từ khi các Tôn giáo bị bế:  Âm thạnh dương suy, nên Thần chẳng hiệp cùng Tinh- Khí được, vì vậy nên người tu hữu công mà không đắc quả.
“Nay Đức Chí-Tôn khai Đại-Đạo đem Chơn Thần huờn nguyên cùng Tinh Khí là cơ mầu-nhiệm cho chúng sanh đắc Đạo. Ai biết noi theo chơn-truyền luật pháp giữ trai kỳ 10 ngày trở lên đến ngày  công viên  quả mãn đặng thọ truyền bửu pháp, Chơn Thần siêu thăng.
“Trong buổi hạ-nguơn chuyển thế Đức Chí-Tôn khai Đạo dạy thờ Thiên-Nhãn là thờ chơn-thần của Chí Linh cho hiệp cùng vạn-linh tức là thờ ngôi Thái Cực, là thờ Thầy vậy”.
Sở dĩ trên thế giới ngày nay đi đến chỗ loạn lạc chiến tranh khốc liệt, chết chóc đau thương là chỉ vì họ xem thường đạo đức làm món hằng tâm, tức là Chơn linh không đủ sức điều khiển hai cái thể xác kia, cũng vì cái văn minh vật chất tuyệt đỉnh mà họ coi rẻ lương tâm mình. 

Con người vốn có ba thể xác thân là:
- Đệ nhứt xác thân là xác thịt này đây do cha mẹ phàm thể tạo ra, nuôi sống nó bằng thức ăn, vật thực. Sự sống của nó là trái tim.
- Đệ nhị xác thân là Chơn thần, tức là cái trí khôn ngoan mà mọi người đều có, nhưng cao thấp còn tùy căn cơ của mỗi người. Chơn thần này là do Phật Mẫu ban cho. Khi ra đời phải học hỏi mới khôn, tức nhiên món ăn cho chơn thần là trí thức, là sách vở, là túi khôn của loài người dành để, lưu truyền từ đời này đến đời khác. Nó làm trung gian cho hai thể kia.
- Đệ tam xác thân còn gọi là Chơn linh hay Linh hồn cũng đồng một nghĩa. Linh hồn do Đức Chí-Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế ban cho điểm linh tâm sáng suốt để làm chủ vạn linh, cũng là đứng đầu cả chúng sanh.
Thế nên kỳ ba Phổ độ này Đức Chí-Tôn không giữ nguyên Tam giáo như hai kỳ Phổ Độ trước mà Đức Ngài lập Tam Trấn Oai Nghiêm thay quyền Tam Giáo là có cớ:
- Thứ nhứt là trong tinh thần Tam Giáo Qui nguyên: Phật- Tiên- Thánh không còn đứng riêng lẻ. Nếu còn riêng lẻ thì không đủ sức trấn phục Ngũ châu, thống nhất toàn cầu, không đi đến Đại-Đồng Thế giới được.
Tam Trấn Oai Nghiêm ngày nay biểu tượng cho ba đức: BI-TRÍ-DŨNG. Phải có lòng BI như Phật Quan Âm, phải có TRÍ mưu như Đức Thái Bạch Kim Tinh, trừ giặc mà không tổn phí binh lực. Dũng mãnh như Đức Quan Thánh là thể hiện chí quân tử, không giết người dưới ngựa.
Làm thế nào  mà mọi người phải tâm phục, khẩu phục.
Ngày nay, thế giới thừa tiền lắm bạc để cung phụng cho xác thân thứ nhứt đủ đầy, mà quên hẳn con đường tục lụy đang chờ. Đến khi giựt mình tỉnh giấc thì mới kêu Trời, Trời không cứu kịp. Thậm chí ngày nay Liên Hiệp Quốc mới hốt hoảng kêu cứu, vì khí hậu toàn cầu cứ ấm dần lên, cho rằng vì nuôi và ăn gia súc, gia cầm nhiều, mà chính đó gây nên thiên tai, động đất, lụt lội, núi lỡ, đất nứt, bão bùn, bão cát, bão lụt, bão tuyết, bão lửa, bão mặt trời…đủ thứ…dường như nó không chừa người quyền quí cao sang, không kiêng nễ người danh vọng, nhưng có thể chừa người đạo cao đức dày mà thôi. Thế giới đang kêu gọi phải trường trai. Mới nghe qua như tiếng bom nổ giữa bầu trời nước Nhựt là hai quả bom nổ từ Hiroshima và Nagashaki làm chấn động cả toàn cầu. Vì từ xưa nay chưa hề nghe Liên Hiệp Quốc hay nói đúng hơn là quyền Đời kêu gọi TRƯỜNG TRAI như thế bao giờ. Bởi:
Trí lự con người quá cao cường đủ khả năng chế ra bom đạn giết người hằng loạt mà lòng họ dường như chẳng chút đau thương. Chính vì chỗ đó mà họ khô cạn tình thương đối với Bạn đồng sanh, quên tình đồng chủng, cả đến đồng bào ruột thịt nữa. “Năm sông đua chảy năm sông cạn” ấy là Ngũ thường ở con người đã bị khô cạn trước. Đến “bảy núi nổi tan bảy núi dời” chính là thất tình của người ngày nay cũng biến dời luôn, thay đổi luôn, luân thường đạo lý mất rồi, thuần phong mỹ tục tìm đâu chẳng thấy, chỉ thấy nhơ nhuốc, dị hợm, người chẳng ra người, hầu như họ từ một hành tinh lạ mới xuất hiện. Ôi, hết chỗ nói ! Nhất là giới nữ ngày nay quá khêu gợi tánh dâm ô, bảo sao hậu quả ngày nay không là như thế, như thế !
Phải chăng là một sự thử thách lòng thiết thạch can trường của người Nam đang trên đường tu giống như Ngài Tam Tạng đi đến đâu đều bị yêu tinh nhền nhện theo chăng tơ  vây bũa người chăng.? Tại sao các bạn không thấy dị hợm chút nào hết? Hình như các bạn hãnh diện vì cái lõa lồ, lộ liễu một cách quá đáng như thế chăng? Thật ra tôi rán nén lòng từ lâu rồi, bây giờ thì hết nhịn nín nỗi…
Thưa các Bạn trẻ, trước khi các bạn ra đường có nhìn lại gương một lần cuối hay không ? Chắc cha mẹ, ông bà cũng hết nói nỗi rồi, cũng đành ngậm bồ hòn mà thôi.
Trở lại trong ba món báu nầy, cái Trí (Chơn-thần) lại đứng vào phần trung-gian rất quan-trọng trong người, để liên-hiệp giữa xác thân với Chơn-linh, đồng-thời dìu dẫn xác thân trên đường tấn-hóa. Hay nói rõ hơn chính Đệ Nhị xác thân làm trung-gian cho Đệ Nhứt xác thân cùng với Đệ Tam xác thân, mà định vị cho hồn người khi xuất ra khỏi xác, hậu quả là thăng hay đọa là cũng bởi đó.
Con người cứ mãi luân-hồi chuyển kiếp nơi cõi phàm trần, sanh sanh tử tử là vì chúng ta không học hỏi về phần đạo-đức, trau-luyện cho trí tuệ được thông-minh, sáng-suốt nên dễ bị Đệ Nhứt xác thân lôi cuốn vào vòng lục-dục thường tình, để đến chỗ mê-muội, sa vào đường hắc ám tội lỗi, vì đó mà càng ngày càng xa lánh Chơn thần, nên nói là Tinh- Khí- Thần không hiệp nhứt là bởi cớ ấy. Nếu Tinh, Khí, Thần không hiệp nhứt thì người tu hành không mong chi đắc Đạo.
Trong Dịch có câu này: “Tam  nhân  hành  tắc  tổn nhứt nhân, nhứt nhân hành tất đắc kỳ hữu” 三人行則損一 ,一人 其友 (nghĩa là ba người đi thì mất một người, một người đi thì được bạn).

Ba người ấy là ai? Tức nhiên chỉ ba cái xác thân trong người chúng ta là: xác thân, trí não và linh hồn. Như ta đã biết cái nhiệm vụ trọng yếu của ba xác thân này, duy có xác thứ nhì là Chơn thần đây là trung gian, làm cầu nối.
Do vậy mà người tu hành đắc Đạo cùng chăng cũng do nơi Chơn-thần biết nghe theo lời đạo-đức để được thăng tiến. Việc xử thế tiếp vật cũng do trí não phán-quyết mà thôi. Thế nên câu trên nói rằng: đi ba người thì mất một người, tức nhiên khi sống thì ba xác thân này luôn có trong người, gọi là “đồng hành”, nhưng khi người chết thì phải bỏ xác thứ nhứt, hồn về Trời, do câu kinh:
“Hồn Trời hóa trở về Thiên cảnh,
“Xác đất sanh đến lịnh phục hồi”
Ấy là lúc xác thân bị chôn vùi trong đất thì chơn thần liền bay theo chơn linh nhập vào cảnh hằng sinh, tự toại, đó là người tu hành đạo đức được về cảnh thăng.
Chơn thần chính là Trí-não có được khôn ngoan, biết nuôi nấng xác thân cho được khỏe mạnh, là dùng những món ăn tinh khiết, học hỏi theo Kinh sách có lợi về mặt tinh thần. Khi hồn xuất ra khỏi xác thì được nhẹ nhàng thăng về Thượng giới.
Nếu trái lại Chơn-thần quá nghe theo sự đòi hỏi của Đệ Nhứt xác thân thì khi hồn lìa khỏi xác bị xác thân lôi cuốn vào đất do luật hấp-dẫn của đất luôn nặng-nề bao phủ. Có những tội hồn phải bị sự lôi kéo như vậy hàng ngàn năm, thứ nhất là còn ăn thịt động vật, chơn thần chịu ô trược, nặng nề, không thể bay theo chơn linh mà lên cõi cao hơn được. Bấy giờ chơn linh phải lơ lửng đợi chờ mãi.
Chỗ này nói là “đi một người thì được bạn”. Như vậy cho ta thấy rõ rằng: một khi xác thân của cát bụi trở về cát bụi rồi, thì cái xác thứ nhì chỉ còn “một mình”, nếu người còn sống biết giữ “Ẩm thực tinh khiết, Tư tưởng tinh khiết” thì chơn thần này bay theo chơn linh, qua câu “Kêu chơn hồn vịn níu chơn linh”. Nếu Chơn thần nhẹ nhàng thì “vịn níu” quá dễ dàng. Nhưng hại nỗi chính nó không nhẹ thì vịn níu vào đâu, đành phải bị lôi cuốn theo cái xác thúi hôi này thôi, cũng phải “được bạn” nhưng là bạn xấu, ngàn năm chịu ô trược.
Vì lẽ đó Tôn giáo ra đời, Phật Tiên Thánh giáng phàm kêu gọi ăn chay, tu hành, đạo đức, làm phải làm lành. Nhưng chúng sanh cứ đặt điều kiện: nào phải giàu có, của dư ăn dư để, con cái thành tài, rảnh rang nợ nần, 60 tuổi mới tu. ..Thưa bạn quá muộn rồi, nhưng chưa trễ.!
Hỏi vậy tại sao ngày nay loài gia súc, gia cầm, loài thủy sản, cho đến động vật hoang-dã chết hàng muôn, hằng ngàn…mà con người ăn phải thứ dịch bịnh đó cũng chết theo nó, là do đâu? Và nếu người cũng chết như vậy thì có phải quăng tất cả những người cùng sống chung mà đốt như động vật hay không? Người hữu trách, các cơ quan Y-tế có trù liệu phương sách nào chưa ? Hay chỉ tới đâu rồi giải quyết tới đó ? E rằng sự kiện này quá muộn đó
 Do bởi loài động vật cũng hưởng được sự Ân xá của Đức Chí-Tôn, chúng nó chỉ mang xác thú này trong một chu kỳ trả quả đó mà thôi, chứ không còn phải chịu dao thớt của bàn tay người cắt cổ, nhổ lông, bầm xắc rồi kho, xào, nấu, nướng…Xong còn phải chịu vào trong bụng người nằm đó là “nghĩa địa thú vật” tức là đệ nhứt tỳ chờ cho đến khi con người này thật sự chết, thì tất cả mới ra “nghĩa địa thứ nhì gọi là đất Nhị Tỳ” thì khi ấy các loài động vật chúng nó mới được hóa kiếp luôn.
Nay, chúng động vật bị dịch bệnh như vậy, người quá ghê sợ nên đem thiêu hủy, chúng hóa kiếp ngay để còn được thăng tiến theo luật tiến hóa của Bát hồn nữa chứ
Nếu không thì chịu một thời gian quá lâu dài.
Hỏi vậy nếu loài người không biết kiêng sợ, thì:
- Thứ nhứt là ăn thịt động vật phải chịu sự truyền nhiễm, sinh ra mọi thứ bệnh, nếu không chết liền vì những loại bệnh quá nặng lây từ con vật qua như: bệnh heo tai xanh, bò long mồm lở móng, cá tôm, ngao sò ốc hến bị nhiễm bởi môi trường nước bẩn...thì cũng sinh ra bệnh béo phì..vì thức ăn dinh dưỡng mà con vật ăn vào chưa tiêu hóa hết thì đã lên bàn mổ rồi, người ăn vào sẽ ảnh hưởng mạnh vì những thứ ấy mà sinh “béo phì”. Rồi những dạng người này sống cũng bị mệt mỏi và không làm nên việc gì,  chỉ lấy cái “mập” ở đời, kèm theo một tủ thuốc mà thôi.
- Thứ hai là ăn cái mạng sống của vật thì phải đền mạng cho nó chứ. Thế nên chữ “Ăn mặn” mà xưa nay chúng ta quen dùng tức là nói trại ra từ chữ “Ăn mạng” mà ra, nghĩa là ăn động vật là ăn mạng sống của sinh vật đó, nhưng ăn thì không ngại mà nói lên thì nghe gớm ghiết quá, vì sự gớm ghiết ấy mà người dùng tất cả cái khôn ngoan mà chế biến thức ăn, ướp gia vị cho thơm tho, ngon ngọt rồi kho, xào, nấu, hấp, chưng, đủ thứ cho hấp dẫn, dễ ăn…chứ thật ra là để đánh lừa cặp mắt cho không thấy máu chảy đỏ ngòm, gạt mũi cho không nghe mùi tanh hôi của thú, cho tai không nghe tiếng kêu than khóc của vật khi giãy chết…Nếu chúng ta xét kỹ thì loài động vật vì sự sinh tồn mà con vật lớn ăn con vật bé một cách tự nhiên: đói kiếm ăn, vật chết, cắn cổ, ăn tươi nuốt sống rồi lăn ra ngủ, chẳng cần biết để dành để để gì cả. Vô tư như thế!
Loài ngưới có khác, biết Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí,Tín. Thế nên biết kiêng mạng sống của sanh vật là đàn Em của mình chưa tấn hóa. Và một khi:
- Nuôi con vật mà mình giết, ăn nó là bất Nhân.
- Nuôi động vật cưng yêu nó, đến lớn giết đi là bất Nghĩa.
- Làm thịt động vật để cúng tế là phạm  tội bất Lễ
- Hằng ngày nó quen hơi mến tiếng mình mà giết là bất Tín
- Mình ỷ khôn mà không lòng nhân hậu gạt nó để chia đàn xẻ nghé, là bất Trí. Hỏi mình sẽ nghĩ gì?
Tinh- Khí-Thần gọi là Tam-bửu của người:
Hạng người không biết đạo-đức, chối Chúa, phỉ báng Phật pháp, trên không kỉnh trời dưới không kiêng đất, vừa hiểu chút khoa học đã thấy mình đang nên Thần, nên Thánh. Thật ra những kẻ ấy đã bị luật Thiên điều hành phạt, đến “Thần Tiên thấy vậy cũng chau mày”.
Nhưng bởi còn bức màn vô minh có bao giờ họ biết:
“Lồng lộng lưới trời tuy xếu xáo,
“Thưa mà chẳng lọt mảy lông mày”.
Làm người phải hiểu rằng trong người chúng ta có ba báu vật phải biết trân trọng ấy là:  Tinh- Khí-Thần  gọi  là Tam-bửu của người:
 Tinh là xác thân hữu hình do cha mẹ sinh ra, phải ăn mới sống, phải mặc mới lành.Thế nên cứ vì nạn áo cơm  mà suốt đời phải thí thân làm ra tiền của. Lắm lúc quá sa đà lại làm nhiều điều thất đức bất lương, dầu qua được luật
Pháp đời nhưng cũng vẫn còn phép Thiên điều chờ tội.
“Dầu qua dương pháp luật hình Diêm-Vương”
Khí là cái Trí khôn ngoan mỗi người đều có. Người nhờ có trí mới đủ tài liệu biện thấp cao hoặc nghĩ đến mưu sâu kế dày, mà chính đó là cái bẫy của đời dễ mắc vào vòng tội lỗi. Nhưng nếu quá chiều theo dục vọng đê hèn thì hoạ sâu khó tránh.
Thần tức là Chơn linh hay cũng gọi là linh hồn  do Đức Thượng-Đế ban cho điểm linh quang để làm hành trang tiến hoá trong con đường đạo đức, nhưng nếu không đủ sức điều khiển, chủ động thì cũng dễ xu hướng theo vật dục khiến sai, mà phải chịu muôn năm sầu khổ.

Hạnh Đường                                                                                       [1]  [2]  [3]  [4]