Tài Liệu Thực Hành của Chức Việc Bàn Trị Sự - 1/2 (Tòa Thánh Tây Ninh)


LỜI MỞ ĐẦU.
Tập tài liệu thực hành của Chức Việc Bàn Trị Sự nầy được biên soạn lại dựa theo nội dung Tài liệu Huấn luyện Chức Việc Bàn trị sự nam nữ khóa Hạnh đường năm Canh Tuất (1970) do Hội Thánh Lưỡng Đài tổ chức.

Hiện nay Quy Chế hành Đạo đã được Chính phủ công nhận theo Hiến chương Đaị Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh, đã được sửa đổi, bổ sung thông qua tại Đại Hội Hội Thánh năm Nhâm Ngọ 2002.
Kết hợp những tài liệu sẵn có của Đạo đã được Hội Thánh phổ biến thực hành như sau: Quan Hôn Tang Tế năm 1956: Đạo Luật Mậu Dần 1938; Quan Hôn Tang Lễ năm 1975; Bát Đạo Nghị Định - Nghi tiết thực hành cúng lễ của Đạo năm 1991.

Thể theo nhu cầu của chức việc nam nữ nội bộ Hương Đạo Từ Quang. Tôi xin mạo muội tập hợp những nội dung phù hợp từ các tài liệu nêu trên, đồng thời hệ thống, sắp xếp lại các ý cho đúng theo từng chương, mục đã định.
Về phương pháp thục hành Nghi lễ Hôn, Tang, Tế. Tôi có nêu ra đầy đủ chi tiết hướng dẫn cụ thể trình tự cuộc lễ, đáp từ cảm ơn.

Do kinh nghiệm và trình độ nhận thức còn hạn chế, nếu có những ý từ nào sai sót, kính mong được sự góp ý để sửa chửa.

Trích dẫn lời Huấn từ của Đức Thượng Sanh – Chủ tọa buổi Lễ Khai giảng khóa huấn luyện Chức việc Bàn Trị Sự nam nữ Châu Thành Thánh Địa nơi Hạnh Đường, năm Canh Tuất 1970:

Thưa Quý Chức việc Bàn Trị sự Nam, Nữ!
Hội Thánh hằng để ý chăm nom dìu dắt quý vị, Chức Sắc, Giảng viên không nài khó nhọc ra công chỉ dẫn, dạy dỗ đàn em cho có đủ tài, đủ hạnh hầu phục vụ đắc lực nhơn sanh trên đường tu hành, thì quý vị nên gắng lo trau giồi trí thức cho được minh mẫn, sáng suốt để ngày sau có thể lập vị xứng đáng cho mình trong cửa Đại Đạo.
Thiết tưởng dầu cho trong giới nào, từ cổ chí kim ai cũng lấy sự học tập làm phương pháp đào tạo nhân tài, nhứt là trong các Tôn giáo, sự học hỏi lại càng cấp thiết cho người Tu sĩ do câu: “Tự giác nhi giác tha”, phải đủ sáng suốt hoặc thông hiểu một cách mù mờ, tức nhiên tránh không khỏi sự lạc đường sai hướng và trên bước đường lạc lầm của mình, mình sẽ kéo theo cả một đoàn người do mình làm hướng đạo.
Đức Chí Tôn có dạy: “Dầu làm Vua, làm Thầy, làm Công nghệ, là Đạo sĩ cũng phải có chí lớn mới mong thành tựu đặng”.

Chúng ta nên quan niệm rằng trước khi lập chí, chúng ta cần phải lo học hỏi để trở nên sáng suốt, tức là đem trí não ra khỏi vòng mờ tối vậy.
Hội Thánh hằng để tâm lo lắng, muốn cho quý vị trở nên những nhơn vật xứng đáng đối với mặt Đạo, cũng như mặt Đời vì quý vị là những cộng sự viên cần yếu của Hội Thánh, đại diện cho Hội Thánh nơi địa phận mình trấn nhậm, tuy ở vào địa vị hạ cấp của guồng máy Hành chánh Đạo, nhưng quý vị có nhiệm vụ trọng yếu không kém gì các Chức sắc cao cấp của Hội Thánh. Hơn thế nữa quý vị là những người thân cận hằng ngày với Tín đồ, hòa mình với nhơn sanh, chia vui sớt nhọc với bổn Đạo trong mọi trường hợp, thì quý vị chẳng nên khinh thường cái trách vụ cao đẹp của mình.
Mặc dù ở vào hạ từng cơ sở, nhưng nếu trong Ấp hoặc Hương Đạo có điều xáo trộn trên dưới thiếu sự êm ấm, điều hòa, tín hữu có điều bất mản, nhân tâm ly tán mất hẳn tình đoàn kết tương thân thì ở nơi cấp trên Hội Thánh cũng chịu ảnh hưởng không hay, khó giữ vững uy tín đối với mặt đời và bổn Đạo.
Bởi thế, đem thắng lợi vẻ vang về cho Đạo hay làm cho Đạo thất bại, mang tai tiếng cũng đều do nơi hành vi của quý vị.

Đã mang danh là Hội Thánh em, quý vị nên thận trọng giữ gìn tư cách đứng đắn, làm cho người đời kính nể, người Đạo tin cậy, đối đãi với toàn thể tín hữu nơi địa phận mình như tình huynh đệ trong gia đình, đem tình thương chan rưới khắp cả bổn Đạo, giúp đở nương nhờ lẫn nhau, thực hành câu: “Nhứt gia hữu sự bá gia ưu”. Được vậy dù cuộc đời chua cay bi đát đến mức nào, quý vị cũng không đến nổi lâm vào cảnh khó khăn nan giải.
Điều cần nhứt là phải giữ trọn hiếu với ĐỨC CHÍ TÔN ĐẠI TỪ PHỤ, giữ trọn trung thành với Hội Thánh, ngoài ra gắng công học hỏi, noi gương Thánh trước, Hiền xưa mà rèn luyện đức tính tốt lành. Tiền tài châu báu có nhiều giá trị ở đời, nhưng đức tính tốt lành có giá trị hơn nữa. Tiền tài châu báu có thể bị chúng cướp giựt chớ đức tính tốt lành không thể nào mất được và khi xác thân trở về cát bụi, những đức tính tốt lành sẽ theo linh hồn ta để nâng cao địa vị ta nơi Thiêng liêng.

Đức Chí Tôn có dạy bài thi nầy rằng:
Được vàng chớ khá gọi là may,
Vàng hết tội kia chất dẫy đầy.
Bỏ đức bỏ nhân bao kiếp đọa,
Khuyên con giữ Đạo đến cùng Thầy.”

Phân biệt được lẽ cao thấp giữa tinh thần và vật chất, quý vị nên quý trọng cái Thiên chức của mình và gắng công làm tròn Thiên chức ấy.
Muốn làm tròn Thiên chức quý vị nên thực thi mấy điều sau:
1 . Thực hành trọn vẹn Tứ đại điều quy ấn định nơi Chương V Tân Luật.
2 . Phải giữ dạ vô tư mà cư xử với bổn Đạo, không vì ai giàu mà trọng đãi, ai nghèo mà khinh khi.
3 . Chỉ thi hành những việc do Hội Thánh ra lịnh bằng văn kiện chính thức, không nên chia phe, phân nhóm làm mất sự đoàn kết thân mật trong bổn Đạo và gây khó khăn cho Hội Thánh.
4 . Nếu có điều khó khăn không giải quyết được phải thỉnh giáo Bề trên không nên phán định sơ suất.
5 . Trong trường hợp nào cũng phải giữ uy tín của mình và nâng cao uy quyền của Hội Thánh.

Nếu quý vị tuân hành đúng theo lề lối ghi trên đây, tôi tin chắc quý vị sẽ thành công mỹ mãn và sẽ được người Đạo cũng như người Đời kính phục.

Đã dấn thân vào trường thi công quả, quý vị phải chịu khó nhọc làm cho cái vốn đạo đức của mình ngày càng tăng lên mãi, phải biết ưa thích công việc mình làm thì việc làm mới có thành quả tốt đẹp và sẽ đem hạnh phúc đến cho mình, vì hạnh phúc không cốt làm gì ta thích, mà thích việc gì ta làm.
Cái vốn đạo đức mà quý vị cố gắng góp nhặt và dành dụm, ngày sau sẽ giúp cho quý vị được mãn nguyện, vì quý vị sẽ đạt đến địa vị trọng yếu trong hàng Thánh Thể Đức Chí Tôn và ngày đó quý vị sẽ không tiếc công học hỏi cần cù nơi Hạnh đường mà quý vị đang hiện diện trong cuộc Lễ Khai giảng hôm nay.
Thưa quý vị, trước khi dứt lời nhơn danh Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, tôi xin chúc quý vị tiến triển khả quan trên đường học vấn và cầu nguyện Đức Chí Tôn và Phật Mẫu ban ơn cho toàn thể quý vị nam nữ.
NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.


NỘI DUNG TÀI LIỆU
I . Chương một: HÀNH CHÁNH ĐẠO
Bổn phận, Quyền hành. Luật công cử.
II . Chương hai: NGHI LỄ HÔN TANG TẾ
Phương pháp tổ chức và thực hành các nghi tiết Hành Lễ Hôn, Tang, Tế.
III . Chương ba: LUẬT PHÁP ĐẠO
Tân luật, Pháp Chánh Truyền, Thập Hình Đức Lý, Bát Đạo Nghị định, Đạo luật.

BỔN PHẬN – QUYỀN HÀNH – LUẬT CÔNG CỬ Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự.

A. BỔN PHẬN

1. BỔN PHẬN CHỨC VIỆC BÀN TRỊ SỰ ĐỐI VỚI HỘI THÁNH
Thánh giáo Đức Chí Tôn dạy:
Thầy dùng Lương sanh mà cứu vớt Quần sanh, cả Lương sanh ấy Thây dụng quyền Thiêng liêng dạy dỗ, trước un đúc nơi lòng một khiếu Từ bi cho tâm địa có tình ái vật ưu sanh theo tánh đức háo sanh của Thầy, dùng lợi khí phàm tục để độ người phàm tục.
Những lương sanh ấy hiệp lại làm một lập thành Hội Thánh là xác thân phàm, tức là hình thể hữu vi của Thầy tại thế để thể Thiên hành hóa, làm gương mẫu mà giáo hóa dìu dắt con cái của Thầy trên đường Đạo và đường Đời trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ để Thầy tránh phải hạ trần như lúc Nhứt kỳ và Nhị kỳ Phổ độ”.
Bổn phận của Chức việc Bàn trị sự phải tuân mạng lịnh của Hội Thánh truyền dạy, không được trái với sở định Bề trên, chẳng nên lấy ý riêng của mình mà canh cải bất tùng giáo hóa. Phải giữ lễ nghĩa khiêm cung đối với Chức sắc Hội Thánh, cho vẹn toàn bổn phận làm em, dầu Người có kém tài kém trí đi nữa, đàn em cũng chẳng nên khinh bỉ, vi lịnh. Khinh khi vi lịnh người tức là buộc vào mình cái tội bất tuân Luật Pháp.
Thảng như Chức Sắc bề trên cầm quyền Hành Chánh của Đạo rủi có làm việc chi ngộ bất cập lượng, sai xiển một đôi điều không phù hạp với luật thương yêu và quyền công chánh thì bổn phận đàn em được phép gián can với lễ độ của tình huynh đệ nhứt gia, chỉ rõ những việc làm khuyết điểm để cho đàn anh suy độ mà cải cách hành vi phù hạp nhơn tâm, thuận tùng Thiên lý.
Một điều nên ghi nhớ trong Tứ đại điều quy là: “Dưới gián trên đừng thất khiêm cung”, mà lỗi đạo làm em và bị phạm luật Đạo.
Tóm lại bổn phận Chức Việc Bàn Trị Sự đã mang danh là Hội Thánh em, mà đối với Hội Thánh cùng Chức Sắc đàn anh bề trên được như vậy, thì bao giờ Hội Thánh cũng tín nhiệm và thương yêu đàn em có tâm vì Đạo và cũng làm tròn sứ mạng thiêng liêng của một Chức Việc đối với Hội Thánh.

2 . BỔN PHÂN CHỨC VIỆC BÀN TRỊ SỰ ĐỐI VỚI BỔN ĐẠO
Chức Việc Bàn Trị Sự là người đã mang nơi mình một trọng trách thay cho Hội Thánh, thân cận với nhơn sanh trong Hương Đạo, thì bổn phận của mỗi vị cần phải thực thi đúng theo trách nhiệm của mình y trong Pháp Chánh Truyền, tóm lược sau đây:
Chánh Trị Sự: Mỗi Hương Đạo có một vị Chánh Trị Sự thay mặt Hội Thánh làm đầu cho tín đồ, gọi là Đầu Hương Đạo, làm anh cả trong địa phận ấy, chịu trách nhiệm về phần Đời và phần Đạo đối với Hội Thánh.

Vì vậy Chánh Trị Sự là người đầy đủ Đạo hạnh, hiểu biết về Luật Pháp chơn truyền của Đại Đạo, có đủ năng lực dìu dẫn bổn Đạo được trong ấm ngoài êm, chăm nom giúp đở sanh hoạt của môn đệ Thầy, giúp khó trợ nghèo, coi cả Tín đồ như em ruột.
Phó Trị Sự: Là người thay mặt cho Chánh Trị Sự trong một Ấp, gọi là Tri lý Đạo để lo về phần Hành Chánh Đạo, đặng phép sửa đương giúp đỡ, dìu dắt dạy dỗ chư tín đồ trong địa phận trấn nhậm.

Về mặt xã hội, giúp đỡ bổn đạo trong xóm ấp được tương thân tương trợ, gặp người hoạn nạn thì Phó Trị Sự phải sốt sắng kêu gọi bổn đạo chung tâm trợ giúp. Phó Trị Sự có quyền giáo hóa chớ không có quyền sửa trị.
Thông Sự: Là người thay mặt Chánh Trị Sự trong một Ấp, gọi là Thông lý Đạo để lo về phần luật lệ.

Thông Sự có quyền răn dạy người Đạo phạm luật pháp của Đạo bằng cách giải thích khuyên lơn, nếu đôi ba lần mà người phạm lỗi không biết ăn năn chửa cải thì Thông sự có quyền phúc sự lên Chánh Trị Sự khuyên giải hoặc định phạt Sám hối.

B. QUYỀN HÀNH
Chức Việc Bàn Trị Sự có ba phẩm yếu trọng là: Thông Sự, Phó Trị Sự và Chánh Trị Sự.
THÔNG SỰ: Là người cầm luật pháp, nên trong Pháp Chánh Truyền gọi là Hộ Pháp Em, nghĩa là đồng quyền đồng thể, không hơn không kém, nhưng Hộ Pháp cầm quyền toàn Đạo khắp Thế giới, còn Thông Sự chỉ trong địa phận một ấp mà thôi, vì thế mới gọi là Hộ Pháp em.

PHÓ TRỊ SỰ: Là người cầm quyền Hành Chánh tức là Chánh trị Đạo, ở Pháp Chánh Truyền gọi là Giáo Tông Em, hể quyền trên lớn lao bao nhiêu thì quyền dưới cũng thế, nhưng Phó Trị Sự chỉ cầm quyền một ấp Đạo. Hai vị Phó Trị Sự và Thông Sự đều đồng thể cùng nhau không ai lớn ai nhỏ, cũng như Giáo Tông và Hộ Pháp, song quyền hành riêng biệt, Phó Trị Sự có quyền về Hành Chánh Đạo, còn Thông Sự có quyền về Luật lệ.

Phó Trị Sự và Thông Sự có quyền ứng cử chức Chánh Trị Sự.
CHÁNH TRỊ SỰ: Là người cầm quyền Luật Pháp và Hành Chánh tức là Chánh trị Đạo; tại sao Người cầm hết hai quyền? Bởi vì Chánh Trị Sự là Đầu Sư Em nên phải kiêm cả hai quyền và làm đầu trong một Hương Đạo, trong Luật pháp cấm Người không cho đi ngoài ranh giới Chánh Trị Sự khác.

Ngoài ra Luật pháp còn nghiêm cấm không cho công cử Chánh Trị Sự nội dung, Chánh Trị Sự Đầu văn phòng hoặc Chánh Trị Sự phổ tế.

C. LUẬT CÔNG CỬ
Mỗi tín đồ khi được nhập môn thiệt thọ nghĩa là sau khi đổi Sớ cầu Đạo tạm rồi đều có quyền đầu phiếu công cử và ứng cử Phó Trị Sự và Thông Sự, nhưng Nam, Nữ riêng biệt.
Phó Trị Sự và Thông Sự phải chịu cho tín đồ trong Ấp Đạo xúm nhau công cử, mà trong một Hương Đạo chia nhiều Ấp Đạo. Mỗi Ấp Đạo có một Thông Sự và Phó Trị Sự làm đầu.

Ứng cử viên Phó Trị Sự và Thông Sự phải là người Đạo Hữu giữ thập trai có Đạo tâm, sốt sắn và có năng lực hành sự.
Chánh Trị Sự phải chịu cho toàn cả Phó Trị Sự và Thông Sự xúm nhau công cử, chớ không phải để cho tín đồ xúm nhau công cử (Tín đồ chỉ được mời đến dự kiến để phê bình, chỉ trích hoặc đồng ý ứng cử viên và ký tên vào vi bằng công cử)
Chức Chánh Trị Sự phải có làm Phó Trị Sự hoặc Thông Sự mới được ra ứng cử.
Nhiệm kỳ đầy đủ của Phó Trị Sự và Thông Sự là 10 năm.
Nhiệm kỳ của Chánh Trị Sự là 5 năm.
Đắc cử rồi mà vô cớ phế phận không trọn nhiệm kỳ đắc cử thì không được kể công nghiệp, mặc dù có viện lý do. Chánh Trị Sự mãn một nhiệm kỳ được quyền ra ứng cử và tái cử lại một nhiệm kỳ nữa.
Chức Việc Bàn Trị Sự làm tròn trách nhiệm, mãn nhiệm kỳ được dự vào sổ cầu phong phẩm Lễ Sanh.

II . CHƯƠNG HAI: LỄ NGHI TẾ TỰ

PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC & THỰC HÀNH NGHI LỄ QUAN HÔN TANG TẾ

A . HÔN LỄ

Theo xưa có 6 (sáu) lễ phân ra như sau:
1 . LỄ NẠP THÁI: Là Lễ Cha Mẹ đi coi Dâu và dắt Con trai đi coi Vợ.
2 . LỄ VẤN DANH: Là Lễ Hỏi cho biết tên họ và tuổi tác cô gái.
3 . LỄ NẠP KIẾT: Là Lễ trình bày tuổi tác và vận mệnh tốt của đôi trai gái.
4 . LỄ NẠP TRƯNG: Là Lễ đem hàng lụa, tiền bạc, phẩm vật đến nhà Gái để làm sự chứng chắc hai đàng kết hôn với nhau, theo ta là lễ Hỏi hay lễ Sính.
5 . LỄ THỈNH KỲ: Là Lễ trình bày ngày làm lễ Cưới cho bên đàng Gái biết.
6 . LỄ THÂN NGHINH: Là lễ Cưới, rước cô Dâu về nhà Chồng.

Sáu Lễ trên là tục lệ của người Trung hoa. Hôn lễ theo người Việt Nam hiện nay tổ chức hai Lễ là: LỄ HỎI và LỄ CƯỚI.
Phương pháp thực hành Hôn Lễ theo Tôn giáo Cao Đài như sau:
* Mỗi khi bổn Đạo có Hôn sự, phải thỉnh Bàn Trị Sự hay Ban Cai Quản Họ Đạo đến Chứng sự hoặc hướng dẫn cách thức hành Lễ, sắp xếp nhân sự, nghi lễ châu đáo đúng theo phép Đạo.
* Nam hôn và nữ hôn mỗi bên phải chọn một người trong thân tộc trọng tuổi, còn đủ Vợ Chồng làm người Trưởng tộc (Nam và Nữ). Như trong thân tộc không có người, chọn người ngoài cũng được nhưng phải có điều kiện là cao niên, Vợ Chồng còn đủ, ngưới có Tư cách.
Trưởng tộc là người Trưởng phái đoàn của mỗi bên trong lễ Hỏi, lễ Cưới. Giữa hai Họ có điều chi chưa thỏa thuận, thì nhờ Trưởng tộc hai bên giải quyết.
* Phẩm vật nhà Trai phải Tấn lễ sang nhà Gái gồm có: Một mâm trầu cau, hai chai rượu lễ, một đôi đèn là Chánh lễ; các mâm bánh, trái cây, trà rượu là Phụ lễ; và nữ trang cho cô Dâu trong lễ hỏi phải có đôi bông tai (ví như cái hoa con gái), phần đồ trang sức thì tùy khả năng của hai Gia đình.
Sau đây là diễn tiến hướng dẫn lễ Hỏi và lễ Cưới của vị Đại diện mỗi Tộc họ nhà Trai và nhà Gái.

1 . LỄ HỎI
Đến ngày đã định, họ nhà Trai sang nhà Gái mang theo đủ phẩm vật đã sắm sang tươm tất. Vị đại diện cho Tộc họ nhà Trai kiểm điểm lại các mâm lễ phẩm, vật phẩm cùng nữ trang cho cô Dâu, xem có đầy đủ hay chưa, tiếp theo là kiểm tra khay hộp trình lễ, trong hộp lớn sắp xếp sẵn sáu miếng trầu têm và hai cái chung nhỏ, trong hộp nhỏ để đồ trang sức như bông tai, nhẩn, vòng lắc... Kế đến là sắp xếp nhân sự sang nhà Gái, chuẩn bị vào nhà hành Lễ theo thứ tự như sau: Đầu tiên là người Rễ phụ bưng khai lễ đi theo sự hướng dẫn của người Đại diện dẫn lễ, kế đến là Trưởng chánh, Trưởng tộc, Ông Bà chủ hôn (Ông chủ hôn cầm hai chai rượu lễ bao giấy điều), chàng Rễ hai tay bưng hộp đôi đèn để trước ngực, nhóm người bưng mâm trầu cau và các mâm phụ lễ, kế sau là gia đình thân Tộc và Quan khách.
Đến nhà Gái, vị Đại diện cùng Rễ phụ vào trước để trình Lễ xin nhập Gia; được sự chấp thuận của Trưởng tộc nhà Gái, vị Đại diện nhà Trai và Rễ phụ bưng khay lễ trở ra, cùng với vị Đại diện nhà Gái rước Họ nhà Trai nhập gia hành Lễ. Qua sự hướng dẫn của Đại diện nhà Gái, phái đoàn nhà Trai vào Kỉnh lễ Thiên bàn, sắp đặt các mâm lễ phẩm đúng vị trí trước bàn thờ Gia tiên, khay lễ đặt ngay giữa đầu bàn việc cùng với hai chai rượu lễ và hộp đựng đôi đèn, Hội đồng gia tộc hai họ phân ngôi Chủ, Khách an tọa; hai bên bàn việc.
Qua phần trình Lễ vật tấn hôn hành lễ Hỏi của vị Đại diện Nam đường; vị Đại diện Nữ đường trình bày lại những lễ phẩm trên thông qua ông bà Chủ hôn cùng Hội đồng Gia tộc Nữ đường chấp nhận cho phép được tiến hành chương trình lễ Hỏi tuần tự theo các nghi thức sau:
1 . Kỉnh Lễ Thiên bàn cầu nguyện Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng liêng: ban bố Hồng ân cho đôi Hôn nhân được bền duyên tơ tóc, hạnh phúc trọn đời. Trong phần này, thỉnh Trưởng chánh Nam Nữ đôi bên kỉnh lễ trước, kế đến Ông Bà Nam Nữ chủ hôn kỉnh lễ, sau cùng là phần kỉnh lễ của chú Rễ.
2 . Kỉnh lễ Tổ Quốc (Quốc Vương Thủy Thổ): Khay lễ được đem ra đặt trên bàn thờ Tổ Quốc, vị dẫn lễ rót rượu, chú Rễ đứng trước Bàn thờ kỉnh ba xá.
3 . Lễ lên đôi đèn kỉnh lễ Cửu huyền Thất tổ: Chủ hôn (hoặc vị Trưởng tộc) lên đôi đèn kỉnh lễ cầu nguyện nơi Thiên Bàn, kế đến cầu nguyện và đặt trên bà thờ Gia tiên, song song đó, người nhà dở những mâm phụ lễ, sắp bánh trái ra đĩa cùng rượu trà đặt trên bàn thờ cúng. Vị dẫn lễ rót đôi chung rượu (từ khai lễ đem lên cùng 6 miếng trầu têm); chàng Rễ làm lễ bái cầu nguyện Cửu huyền Thất tổ chấp thuận và ban phúc lành cho hai cháu.
4 . Kỉnh lễ Ông bà tại tiền: Khai lễ được đem đến trước nơi Ông hoặc Bà ngồi; chàng Rễ rót rượu lên Ông hoặc Bà uống chấp nhận mối Lương duyên hai Trẻ. Xong, chàng Rễ hướng khay lễ kỉnh hai lạy (hoặc hai xá nếu được miễn lạy).
5 . Kỉnh lễ Cha Mẹ hai bên: Chàng Rễ rót rượu vào hai chung dâng mời hai Cha và hai Mẹ uống. Xong, kỉnh hai hai lạy (hoặc hai xá nếu được miễn lạy).
6 . Lễ Kỉnh ra mắt Bác Chú Cô Dì Cậu Mợ Dượng Thím và các Anh chị bên vợ: Vị dẫn lễ lên tiếng kính mời các bậc trên đến nơi khay lễ cho cháu Rễ, em Rễ làm lễ ra mắt, mời uống chung rượu mừng thành viên mới của gia đình.
Đến đây phần hành lễ của chú Rễ đã xong, Vị dẫn lễ xin phép hai Họ cho cô Dâu ra trình diện hai Họ; nhận đôi bông tai và đồ trang sức (nếu có thêm) do chính tay bà Mẹ chồng đeo cho con Dâu. Xong, cô Dâu đến trước Thiên bàn Kỉnh lễ, kế đến day ra bàn việc hướng khay lễ kỉnh hai xá ra mắt Họ hàng thân tộc Hai họ. Xong, kỉnh lễ ra mắt Ông Bà, Cha Mẹ, Thân tộc và anh chị bên Chồng.
7 . Lễ dở mâm trầu: (Trước khi làm lễ nầy, vị Đại diện nhà Trai Trình lễ xin tiến hành lễ dở mâm trầu). Hai ông Suôi cùng dở mâm trầu, xếp trầu cau vào hai cái đĩa do hai Con bưng sẵn, dâng lên bàn thời Gia tiên, đồng thời khui chai rượu rót vào chung; hai ông Suôi kỉnh lễ cầu nguyện Cửu huyền Thất tổ ban phúc lành cho hai Trẻ.
Lễ Hỏi (Đính Hôn) đến đây là kết thúc; vị Đại diện nhà Gái trình lễ đáp từ, thay mặt Chủ hôn nam nữ cảm ơn toàn thể thân Tộc, Họ hàng, Thân hữu hai Họ, đồng thời kính mời dùng tiệc liên hoan thân mật.
Tiệc xong, đến phần dùng bánh nước tráng miệng, Hội đồng Gia tộc và Chủ hôn Nam Nữ vào nơi bàn lễ dùng bánh nước, đồng thời vị Đại diện trình lễ nạp tài cho lễ Cưới và nháp định ngày giờ tốt cử hành lễ Cưới để hai bên cùng bàn bạc thống nhất,
Sau cùng vị Đại diện nhà Trai trình lễ kiếu từ thỉnh Họ hồi Gia. Xong lễ Hỏi.

2. LỄ CƯỚI

Được tổ chức cả hai bên: Bên đàng Trai là Lễ Thành Hôn; bên đàng Gái là Lễ Vu Quy.
Đến ngày giờ y sự hứa hẹn, Họ nhà Trai mang Lễ vật Tấn hôn sang nhà Gái tiến hành lễ Cưới và rước Dâu về Tư gia hành lễ Thành hôn. Các nghi tiết hành lễ y như lễ Hỏi, chỉ khác là cô Dâu và chú Rễ hành lễ lập song (lễ Hỏi chỉ một mình chú Rễ hành lễ).
Trước khi vào chương trình hành lễ; Vị dẫn lễ cho cô Dâu bước ra cùng chú Rễ làm thủ tục trao Nhẫn Cưới vào ngón tay áp út của nhau, đồng thời chú Rễ đeo nữ trang như dây chuyền, vòng vàng (nếu có), trang điểm cho cô Dâu xong, đôi Tân hôn cùng hành lễ lập song từng nghi tiết theo sự hướng dẫn lễ của vị Đại diện.
Sau phần đáp từ cảm ơn của vị Đại diện nhà Gái, hai Họ dùng bánh nước giải lao, chờ đến giờ vị Đại diện nhà Trai trình lễ rước Dâu và thỉnh Họ nhà Gái đưa Dâu sang nhà Trai tiếp tục hành lễ Thành hôn. Nghi thức hành lễ bên nhà Trai được thực hiện y như bên nhà gái (nhưng không có lễ lên đôi đèn và dở mâm trầu).
Đàng trai mở tiệc khoản đãi. Mãn tiệc, vị Đại diện nhà Gái ra lễ kiếu từ. Xong lễ cưới.

Nội Dung Các Phần Trình Lễ Của Vị Đại Diện Nhà Trai Khi Sang Bên Nhà Gái

1 . Trình Lễ nhập gia:

– Kính Quý Trưởng chánh, Quý Trưởng tộc, Ông Bà Chủ hôn Nữ đường.
Hôm nay Nam đường chúng tôi y sự hứa hẹn của hai Gia đình; mang Lễ vật sang Nữ đường tiến hành lễ Hỏi (Đính hôn hoặc lễ Cưới) cho hai trẻ... và... Tôi được Đại diện bên Nam đường kính trình lễ này, xin được chấp thuận cho nhập gia hành lễ.

2 . Trình Lễ vật Tấn hôn Hành lễ:
– Kính Hội Thánh!
– Kính Chính quyền địa phương!
– Kính Thưa Quý Trưởng chánh, Quý Trưởng tộc cùng Quý Họ hàng Thân tộc, Ông bà Chủ Hôn Nữ đường!
– Kính Quý Lưỡng tộc!
Trước tiên Họ Nam đường chúng tôi xin được trân trọng kính chào toàn thể Quý tộc Nữ đường lời chào đoàn kết và thân ái.
– Kính Quý tộc!
Qua quá trình quen biết tìm hiểu nhau, hai Cháu (em)... và... đã tâm đồng ý hiệp cùng nhau. Đồng thời Cha Mẹ, Gia đình hai bên đã đồng thuận tác hợp mối lương duyên và đã định được hôm nay là ngày lành tháng tốt cử hành lễ Hỏi (Đính hôn hoặc lễ Cưới) cho hai Trẻ. Giờ lành đã đến, y sự hứa hẹn; Nam đường chúng tôi mang Lễ vật Tấn hôn sang Nữ đường hành lễ gồm những phần như sau:
Phần chánh lễ gồm có: Một mâm trầu cau, một đôi đèn và hai chai rượu lễ.
Phần phụ lễ gồm có các mâm: Bánh, trái, rượu trà dâng cúng lễ Gia tiên.
Phần nữ trang chính là một đôi bông tai cùng số nữ trang phụ trang điểm cho cô dầu là:...

Xin được kính trình qua quý tộc Nữ đường được tường và chấp nhận.
Phần trình lễ của Tôi đã xong. Giờ xin nhường lời cho ông Đại diện Nữ đường tiến hành nghi thức hành lễ hôm nay. Nay kính!

3 . Trình Lễ dỡ Mâm trầu:
– Kính trình quý Trưởng chánh, Trưởng tộc, quý thân Tộc, Ông bà Chủ hôn Nữ đường!
Theo cổ lệ thì lễ dỡ mâm trầu được tiến hánh sau ba ngày gọi là lễ Phản bái. Nhưng nay lễ nầy đã được chế giảm do không phù hợp nếp sống sinh hoạt văn hóa mới hiện nay. Do vậy, Nam đường kính trình lễ nầy xin Quý tộc chấp thuận cho tiến hành lễ dỡ mâm trầu bên Nữ đường hôm nay, trước kính dâng cúng Cửu huyền Thất tổ, sau mời hai Họ dùng để mừng lương duyên hai Trẻ luôn được thủy chung bền chặt mãi mãi, hánh phúc trọn đời.

5 . Trình lễ thỉnh Họ cáo từ:
– Kính Hội Thánh, Chính quyền địa phương, Kính thưa quý Trưởng chánh, quý Trưởng tộc, cùng quý Họ hàng Thân tộc, Ông bà Chủ hôn Nữ (hoặc Nam) đường!
Buổi lễ Hỏi (hoặc Cưới) của hai Trẻ hôm nay được tiến hành và kết thúc tốt đẹp, hài hòa; thắm đượm tình đoàn kết thân ái của hai gia đình, Họ Nam (hoặc Nữ) đường rất vui mừng và cảm ơn rất nhiều sự tiếp đãi ân cần chu đáo của quý Tộc Nữ (hoặc Nam) đường đã dành cho chúng tôi. Giờ đây bửa tiệc liên hoan thân mật đã xong. Nam (hoặc Nữ) đường chúng tôi xin phép trình lễ thỉnh Họ kiếu từ hồi gia; đồng thời xin kính chúc Quý tộc nữ đường (nam đường) được dồi dào sức khỏe, an khang và mọi thành đạt trong cuộc sống. Nay kính!

Phần Dẫn Lễ Của Vị Đại Diện Nhà Gái

1 . Dẫn chương trình hành lễ Cưới (hoặc Hỏi):
– Kính Hội Thánh, Kính Chính quyền địa phương!
– Kính thưa quý Trưởng chánh, quý Trưởng tộc, quý Thân tộc Họ hàng, Ông Bà chủ hôn hai Họ!
– Kính quý Lưỡng tộc!
Qua sự Đính ước, hứa hẹn và đồng thuận của hai Gia đình; đã định được hôm nay là ngày lành tháng tốt cử hành Hôn lễ cho hai cháu là:... nam… sánh duyên cùng… nữ…
Vị đại diện Nam đường đã trình lễ Tấn hôn hành lễ gồm những phẩm vật sau:
Phần chánh lễ là: Một mâm trầu cau, một đôi đèn và hai chai rượu lễ.
Phần phụ lễ gồm các mâm: Bánh, trái, rượu trà trước cúng lễ Gia tiên sau mời hai Họ dùng lấy thảo.
Phần nữ trang cho cô Dâu gồm:…

Vậy tôi xin được trình bày lại cho quý Hội đồng Gia tộc được tường và nhận lễ, đông thời cho phép được tiến hành các nghi thức hành lễ bên Nữ đường hôm nay.
– Kính thưa Lưỡng tộc!
Được sự ủy nhiệm của Chủ hôn Nữ đường; Tôi xin phép được trình qua Quý tộc chương trình hành lễ hôm nay như sau:
Phần 1: Kỉnh lễ Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng.
Phần 2: Kỉnh lễ Quốc Vương Thủy Thổ.
Phần 3: Lễ lên đôi đèn và Kỉnh lễ Cửu Huyền Thất tổ.
Phần 4: Kỉnh lễ Ông Bà tại tiền.
Phần 5: Kỉnh lễ Cha Mẹ đôi bên.
Phần 6: Lễ ra mắt Bác, Chú, Cô, Dì, Cậu, Mợ, Dượng, Thím và Anh Chị.
Phần 7: Chúc hôn và tặng quà (nếu có) của bạn bè cô dâu.
Phần cuối: Đáp từ cảm ơn của Đại diện chủ hôn Nữ đường.

Xin trình qua quý Lưỡng tộc chấp thuận cho phép hành lễ theo tuần tự.
Trước tiên là phần Kỉnh lễ Thiên bàn, kính mới Quý thân tộc Họ hàng, quý Quan khách hai Họ đồng đứng lên hướng về Thiên bàn để đồng hòa tâm cầu nguyện cho hai Trẻ được trọn đời hạnh phúc. Kính mời nhị vị Trưởng chánh Nam Nữ của hai Họ kỉnh lễ trước. Kế đến là hai Ông Suôi và hai Bà Suôi kỉnh lễ, sau cùng là phần kỉnh lễ của đôi Tân hôn… Xong, xin kính mời quý lưỡng tộc an tọa.

2 . Phần kỉnh lễ Tổ Quốc:
Để tưởng nhớ công ơn các bậc Tiền nhân, Anh hùng Dân tộc đã dày công dựng Nước và giữ Nước để cho chúng ta có được cuộc sống ấm no hạnh phúc ngày hôm nay. Kính trình Nhị vị Trưởng chánh cho phép đem khay lễ lên bàn thờ Tổ quốc và hai Cháu kỉnh lễ (xá ba xá).

3 . Tiếp theo là lễ lên đôi đèn và kỉnh lễ Cửu huyền Thất tổ:
Xin mời Ông chủ hôn (hoặc sở cậy vị Trưởng tộc) thắp lên đôi đèn (chờ cháy cho đều), đến Thiên bàn cầu nguyện và bái lễ, xong đem sang cắm đặt trên bàn thờ Gia tiên. Chủ Rễ và cô Dâu đồng xá ba xá, quỳ xuống cầu nguyện: “Con kính lạy Cửu Huyền Thất tổ hộ trì, ban ân cho hai con được hạnh phúc trọn đời.

4 . Kỉnh lễ Ông Bà tại tiền:
Khay lễ được đem đến trước nơi Ông hoặc Bà ngồi, rót rượu vào chung, hai Cháu dâng rượu mời Ông hoặc Bà: “Chúng con kính dâng ông… hoặc bà… uống chung rượu mừng cho hai Cháu được bền duyên tơ tóc”. Xong hướng khay lễ kỉnh hai lạy (hoặc hai xá nếu được miễn lạy).

5 . Kỉnh lễ Cha Mẹ đôi bên:
Cha Mẹ là bậc đã sinh thành, dưỡng dục và dạy dỗ cho con mạnh khỏe lớn khôn và được thành nhơn chi mỹ, tác hợp lương duyên cho hai con ngày hôm nay, Cô dâu dâng rượu mời Cha Mẹ chồng, chú rễ dâng mời Cha Mẹ vợ: “Con kính dâng Cha Mẹ uống chung rượu mừng ngày thành thân hạnh phúc của hai con”. Xong hướng khay lễ lạy hai lạy (hoặc xá nếu được miển lạy).

6 . Lễ ra mắt Bác, Chú, Cô, Dì, Cậu, Mợ, Dượng, Thím và Anh, Chị:
Khay Lễ được để tại bàn việc, đôi Tân hôn rót rượu dâng mời từng người. Xong hướng khay lê xá hai xá.

7 . Phần tặng quà và chúc hôn (nếu có) của bạn bè, thân hữu đôi Tân hôn.
8 . Cảm tưởng Đáp từ của dại diện Chủ hôn:
– Kính Hội Thánh!
– Kính Chính Quyền đại phương!
– Kính Quý Thân tộc Họ hàng cùng Quý quan khách hai Họ.
Buổi lễ Cưới bên Nữ đường đến đây là kết thúc mỹ mãn, hài hòa và trang trọng. Thay lời Ông bà Chủ hôn xin chân thành cảm ơn rất nhiều thịnh tình của Quý Thân tộc Họ hàng, Quý Quan khách hai Họ đã vui lòng dành thời giờ quý báu đến tư gia tham dự Hôn lễ, chia vui cùng gia đình và đồng chúc mừng cho đôi Tân hôn được trọn đời hạnh phúc.
Do vậy, tôi xin được rót đôi chung rượu lễ nầy, cho phép hai Cháu kính đôi xá để tỏ lòng thành kính tri ân, đồng thời kính chúc quý hai Họ được nhiều sức khỏe và đạt thành mọi ý nguyện trong cuộc sống. Nay kính!

9 . Trình Lễ thỉnh Họ nhà Gái cáo từ:
– Kính thưa Quý Thân tộc Họ hàng cùng Ông bà Chủ hôn Nam đường!
Hôm nay tộc Nữ đường chúng tôi đã đưa Dâu xuất giá theo Chồng, làm tròn bổn phận Dâu thảo Vợ hiền, gìn đạo nhơn luân, trọn câu tùng đức của người Phụ nữ, duy trì nề nếp gia phong gia giáo của Dân Tộc Việt Nam.
Phần hành Lễ bên Nam đường đã tiến hành và kết thúc tốt đẹp trạng trọng và hài hòa. Nữ tộc chúng tôi đã được sự tiếp đãi ân cần chu đáo và giờ đây bữa tiệc liên hoan thân mật đã xong; Chúng tôi xin phép kiếu từ hồi gia, đồng thời xin cám ơn và trân trọng thân tình của quý Nam tộc, kính chúc quý tộc luôn được dồi dào sức khỏe, An khang, Hạnh phúc và Thịnh Vượng. Nay kính!

B . NGHI TIẾT HÀNH LỄ CẦU BỊNH VÀ LỄ NGHI TANG LỄ

1 . PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH LỄ CẦU BỊNH:
Hành lễ trong ba đêm, Bàn Trị Sự căn dặn người trong gia quyến cũng như Bịnh nhơn phải giữ chay trọn ba đêm để giữ thanh tịnh, thành tâm cầu nguyện cho người bịnh được quý thể khương cường, vạn bịnh hồi xuân, gia tăng phước thọ.
Đêm thứ nhứt: Vào Dậu thời thiết Lễ cúng Đức Chí Tôn có thượng sớ và dâng Tam bửu: Bông, Rượu, Trà do Chánh Trị Sự dâng sớ. Khi bắt đầu hành lễ phải lên nhang đèn bàn thờ Ông Bà cho trong gia quyến Bịnh nhơn cầu nguyện rồi sẽ nhập đàn.

Buộc trong gia quyến phải cúng THẦY để cầu nguyện. Khi cúng Thầy xong (chưa bãi Đàn). trong gia quyến đỡ người bịnh đến trước Thiên bàn cho Bịnh nhơn lạy cầu nguyện; Vị chứng Đàn vào quỳ cầu nguyện Đức Chí Tôn thỉnh ly rượu giữa để rửa mặt cho Bịnh nhơn, kế tiếp thỉnh hai ly nước Âm dương ký tế lại thành Ma Ha Thủy, cầu nguyện Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng Ban Ân lành cho bịnh nhơn uống để quý thể khương cường, vạn bịnh hồi xuân, gia tăng phước thọ; xong, ký tế lại (nghĩa là kê sát hai miệng ly đỗ thống nhứt xuống ly riêng).
Người bịnh lạy cầu nguyện một lượt với vị chứng Đàn. Xong Vị chứng Đàn đứng lên xá, đến bên bịnh nhơn đang quỳ, cầm ly rượu đỗ vào tay người bịnh bảo rửa mặt, kế tiếp cho uống ly nước đã ký tế (phải niệm câu chú của Thầy rồi uống vào) Xong người bịnh lạy đứng lên, cùng vị chứng Đàn xá bước ra. Bãi Đàn.
Tiếp tục nhập Đàn tụng kinh Di Lạc và ba biến kinh Cứu khổ.
Đêm thứ hai: Cũng vào Dậu thời thiết Lễ cúng Thầy nhưng không có thượng sớ và chỉ dâng trà mà thôi (nhưng Tam bửu vẫn đủ) và việc hành lễ y như đêm thứ nhứt.
Đêm thứ ba: Hành Lễ như đêm thứ hai, nếu Gia quyến thỉnh cầu tụng kinh Sám hối, Chức Việc Nam, Nữ vào trước Thiên Bàn cầu nguyện, xong bước ra đứng hai bên chứng lễ, để trọn cho gia quyến quỳ đọc kinh Sám hối. Trước khi bãi đàn, đại diện gia quyến (hoặc chức việc thay lời) để lời đáp từ cám ơn. Mãn Lễ.
Nội dung đáp từ Lễ Cầu bịnh:
– Kính Bạch Hội Thánh!
– Kính Quý Chức Sắc, Chức Việc, Quý cô bác anh chị Đồng Đạo Thân bằng quyến thuộc, láng giềng tứ cận, cùng quý em ban đồng nhi.
Đêm nay là đêm thứ ba trong Ba đêm liên tiếp, Gia đình cùng Tổ Nghi lễ… đã thiết lễ cũng cầu kinh giải bịnh cho vị… đã lâm trọng bịnh (Do tuổi già sức yếu) diệu dược bất năng thuyên dũ.
Nhận lời thỉnh cầu của Gia đình, chư quý hiền và quý vị đã dành thời giờ quý báu, chẳng ngại đêm hôm khó nhọc, đến nơi tư gia ba đêm nay để dự Lễ cúng thời, tụng kinh và đồng hòa tâm cầu nguyện Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng ban bố hồng Ân cho vị… được quý thể khương cường, vạn bịnh hồi xuân, gia tăng phước thọ.
Với nghĩa cử tinh thần cao quý như vậy, đã thể hiện tình Đồng Đạo, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau thực hành nhân nghĩa đạo đức. Thay lời gia đình và Tổ Nghi lễ địa phương xin chân thành cám ơn rất nhiều thịnh tình quý báu nầy của quý hiền và quý vị.
Kính cầu nguyện Ơn trên ban trọn Ân lành cho chư quý hiền và quý vị được nhiều sức khỏe, hầu vững tâm vững bước trên đường Tạo công lập vị, phụng sự tốt cho Đạo Pháp. Nay kính!

2 . PHƯƠNG PHÁP HÀNH LỄ CẦU HỒN KHI HẤP HỐI:

Bàn Trị Sự lo sắp đặt nghi tiết cúng Thầy trước (dù chưa đúng giờ cúng thời).
* Dầu đúng thời cúng hay không, gần thời nào dâng cúng bửu ấy (Mặc dù dâng một bửu nhưng phải có đầy đủ Tam bưu trên Thiên bàn):
– Từ 21 giờ đến 3 giờ và từ 9 giờ đến 15 giờ: Dâng Rượu.
– Từ 3 giờ đến 9 giờ và từ 15 giờ đến 21 giờ: Dâng Trà.
* Sau khi cúng Thầy xong, vị chứng Đàn và hai vị chức việc (Phó-Trị-Sự với Thông Sự) vào lạy Thầy cầu nguyện rằng: “Chúng con là Bàn Trị Sự đương quyền Hành chánh sở tại được lời thỉnh cầu của vị (1)… đến đây cầu hồn cho vị Đạo hữu (2)… đã hấp hối; mong nhờ Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, các Đấng Thiêng Liêng ban ân cho người được nhẹ nhàng linh hồn”.
Nguyện xong lạy ba lạy, đứng dậy vị chứng Đàn bước lấy hai cây đèn cầy sáp (để trên dĩa), đốt cháy xá Chí Tôn rồi đưa cho hai vị hầu, vị chứng Đàn ngó ngay Thiên Nhản tịnh thần bắt ấn tý vào ngực, cùng hai vị cầm đèn đến trước đầu bịnh nhơn, ngó ngay mỏ ác của người hấp hối kêu tên nói rằng: “Nầy vị Đạo Hữu… Tôi vâng lịnh Đức Chí Tôn đến tụng kinh cho linh hồn Đạo Hữu nhẹ nhàng siêu thăng tịnh độ, vậy Đạo Hữu phải tịnh thần mà nghe và phải cầu nguyện nơi Đức Chí Tôn ban ân lành cho”. Nói xong, Đồng nhi khởi đọc bài kinh: “Rấp nhập cảnh Thiêng liêng hằng sống…” (Tụng ba lần, khi dứt niệm câu chú của Thầy ba lần).
Đoạn vị chứng Đàn cùng hai vị chức việc cầm đèn trở lại Thiên bàn xá Chí Tôn ba xá mới tắt đèn và vị chứng Đàn mới được xả ấn Tý.
Điều lưu ý nếu trong khi cầu hồn hấp hối mà bịnh nhơn tắt hơi (chết); Đồng nhi tiếp tụng luôn bài kinh đã chết rồi là “Ba mươi sau cõi Thiên tào…”. Tụng ba lần, và niệm ba lần câu chú của Thầy.
Hai cây đèn sáp hành lễ cầu hồn phải để liên tục trong cuộc hành lễ liên tiếp đến khi hết thôi. Không nên dùng vào việc khác.

3 . PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH THƯỢNG SỚ TÂN CỐ VÀ NGHI TIẾT
HÀNH LỄ TẨN LIỆM:

Sau khi hành lễ cầu hồn khi đã chết rồi xong, Bàn Trị Sự bảo Hiếu quyến hoặc Thân quyến của người qui vị đến Thánh Thất Họ Đạo sở tại (hoặc Đền Thánh) vào thời cúng gần nhất để quỳ cúng thời Thượng Sớ Tân cố cho người qui vị (phải đem theo Sớ cầu Đạo của người chết đến để bộ phận Nghi lễ ở đây ghi tên họ vào bộ Tử, viết sớ Tân cố và linh vị cho người qui vị). Cúng thời xong người nhà nhận Linh vị đem về nhà hành Lễ tang.
Đồng thời tại nơi tư gia cũng thiết lễ cúng thời (như lúc cầu hồn) xong mới tiến hành nghi thức Tẩn liệm.
Trước khi Tẩn liệm vào quan tài; vị chứng Đàn cùng hai vị chức việc hầu lễ vào trước Thiên bàn lạy Thầy; đồng thời tất cả người trong gia quyến cũng vào lạy Thầy, cầu nguyện Ơn Trên ban Ân lành cho vong linh người quá cố. Lạy xong đứng dậy, vị chứng Đàn lấy hai cây đèn sáp (đã dùng hành lễ cầu hồn trước đó) đốt cháy, xá Chí Tôn rồi đưa cho hai vị hầu, bước ra đến trước đầu người chết, chứng lễ nhập mạch; Đồng nhi khởi kinh Tẩn liệm. Tất cả tang quyến đến chỗ người chết quì lạy xác một lần; Đồng nhi tụng kinh xong, tang quyến lạy xác một lần nữa, vị chứng đàn cùng hai vị hầu lễ trở về Thiên bàn xá Chí Tôn, tắt đèn xả Ấn.
Các chi tiết hành lễ vừa nêu trên, từ phẩm Chánh Trị Sự trở xuống Đạo Hữu thì vị chứng đàn là Chánh Trị Sự thực hành. Còn từ phẩm Chức Sắc: Lễ sanh và các phẩm tương đương trở lên, thì phương pháp cầu hồn hấp hối và khi đã chết rồi đến tẩn liệm, Bàn Trị Sự chỉ Hành lễ theo nghi thức như trên; phần chứng đàn trước đầu người hấp hối, đã chết phải nhượng cho vị chức sắc Đầu Họ hoặc Đầu Tỉnh Đạo nếu có thỉnh đến.

4 . PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH TANG LỄ:
Sau khi Tẩn liệm xong, Bàn Trị Sự phải thiết lập linh sàng (Bài linh vị) do Chức việc nam phái đảm trách:
– Bàn vong đặt trước đầu quan tài, phướn Thượng Sanh đặt bên tả bàn vong (bên trái từ trong nhìn ra) khi người qui vị từ hàng phẩm Lễ sanh và tương đương đổ xuống Đạo Hữu. Còn nếu người chết là hàng phẩm Giáo Hữu và phẩm tương đương đổ lên thì đặt phướn Thượng Phẩm bên hữu.
– Trước bàn vong treo cao tấm bản Đạo.
– Trên nắp quan tài trải một tấm Phủ quan (chú ý Thiên nhản trong tấm phủ quan phải day đúng hướng người qui vị nằm) do vị Chánh Trị Sự cầu nguyện thỉnh từ Thiên bàn: “Con xin được thỉnh tấm phủ quan đắp lên quan tài vị cố Đạo-Hữu… để Đức Chí Tôn ôm ấp con cái của Người vào lòng”.

a . Lễ Cáo từ Tổ:
Trước khi hành lễ, Bàn Trị Sự phải thiết lễ cúng Đất Đại Ngũ phương, sắp đặt sẵn trên bàn thờ Cửu huyền Thất tổ một mâm cơm canh, trước bàn thờ đặt sãn một mâm đựng đồ tang phục (toàn bộ số tang phục đã được chức việc Nữ phái soạn sẵn, sắp đạt đầy đủ và thứ tự để việc phát tang được mau và trật tự). Tất cả con cháu quì cúng phải kỉnh lễ Đức Chí Tôn trước, kế đến hành lễ cúng Cửu huyền theo từng nghi tiết do Lễ sĩ xướng như sau:
Tử tôn tựu vị (con cháu bước vào)
Giai quì (xá ba xá quì xuống)
Phần hương
Nguyện hương
Thượng hương (vị tiếp lễ đốt nhang đưa cho con cháu cầu nguyện)
Cúc cung bái (lạy ba lạy)
Châm tửu (vị tiếp lễ rót rượu)
Cúc cung bái (ba lạy)
Châm tửu
Cúc cung bái
Ai chúc (Đồng nhi đọc bài kinh “Cầu Tổ phụ qui liễu” một lần, tiếp đọc bài kinh Cứu khổ ba lần (đọc đến đoạn: “Ngũ bá A la hán cứu độ” đọc tiếp: “chơn linh Cửu huyền thất tổ siêu thăng tịnh độ”.
Cúc cung bái
Châm tửu
Cúc cung bái
Điểm trà (tiếp lễ châm trà)
Cúc cung bái
Hưng bình thân (đứng lên)
Tử tôn dĩ hạ giai xuất (con cháu bước ra)
Lễ thành (xong lễ)

b . Lễ phát tang – cúng vong:
Lễ Cáo từ tổ xong, đem mâm tang phục qua để trước bàn vong; hai vị Lễ sĩ chấp sự hướng dẫn nghi tiết hành lễ như sau;
Chủ nhơn tưu vị (Người được thọ tang bước vào đứng trước bàn vong theo thứ tự lớn trước nhỏ sau)
Giai quì (tất cả quì xuống)
Phần hương – Nguyện hương – Thượng hương
Cúc cung bái (Nếu người chết đủ trai thì ba lạy, không đủ trai thì bốn lạy)
Ngũ phục chi nhơn các phục kỳ phục (Vị Chức Việc chủ lễ mặc Đại phục bước vào phát tang)
Hưng bình thân (Tất cả tang quyến đứng lên)
Quán y phục (Mỗi người mặc tang phục của mình tại chỗ đứng)
Quì (Vận tang xong tất cả quì xuống)
Cúc cung bái (ba lạy hoặc hai lạy)(*)
Châm tửu – Cúc cung bái (ba lạy hoặc hai lạy)
Châm tửu
Cúc cung bái
Ai chúc (Đồng nhi đọc bài kinh tế theo đối tượng được quì tế, một trong bốn bài Kinh chánh tế)
Cúc cung bái (ba lạy hoặc hai lạy)
Châm tửu
Cúc cung bái
Điểm trà
Cúc cung bái (ba lạy hoặc bốn lạy)
Hưng bình thân (Tất cả đứng lên)
Tang chủ dĩ hạ giai xuất (xá bước ra)
Lễ thành (xong lễ).
Chú ý: Đây là nghi tiết thành phục kết hợp cúng vong (cúng triêu là cúng cơm sáng hoặc cúng tịch là cúng cơm chiều tối); vì do chương trình hành lễ Đăng điện cầu siêu đến buổi chiều hoặc ngày hôm sau mới tiến hành.
Nếu chương trình Thành phục và Đăng điện cầu siêu liên tiếp thì Lễ sĩ chấp sự xướng đến (*) xong, xướng tiếp:
– Hưng bình thân (tất cả đứng lên)
– Xuất chủ ngoại nghi (tất cả tang quyến xá ba xá bước ra hai bên, chuẩn bị hành lễ tiếp theo).

c. Lễ Đăng điện – Chánh tế:

Nghi thức Đăng điện có Sáu Lễ sĩ hiến lễ, cách đăng điện và đồng nhi thài các bài thài theo ấn định của từng phẩm cấp trong Đạo.
Tại tư gia chỉ thực hiện lễ Đăng điện cúng tế một lần không phân biệt; các phẩm khác chỉ thực hiện theo nghi châm chước.

  Hạnh Đường                                                                                         [1]  [2]