Tìm hiểu ý nghĩa lời dạy "Ngưng hết cơ bút truyền Đạo" (Đạt Tường)


 Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển thứ nhứt có bài Thánh ngôn áp cuối, đàn ngày mùng 2 tháng 5 năm Đinh Mão 1927 [1]:
“Còn cuối kỳ tháng Sáu đây thì Thầy phải ngưng hết cơ bút truyền Đạo. Các con sẽ lấy hết chí thành đã hun đúc bấy lâu mà lần hồi lập cho hoàn toàn mối Đạo. Này là mấy lời đinh ninh sau rốt khá lưu tâm.”

Lời Thánh ngôn này của Đức Chí Tôn, về sau đã trở thành đề tài có nhiều ý kiến khác biệt nhau ngay trong nội bộ nhà đạo Cao Đài! Sự khác biệt ý kiến này thậm chí đã dẫn đến quan điểm và thái độ cực đoan: không chấp nhận sử dụng quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển thứ hai! Đi tìm ý nghĩa thật sự của đoạn Thánh ngôn này để giải tỏa thành kiến là điều thật sự cần thiết biết bao!
“Phân tích cụ thể một tình hình cụ thể” [2] là thái độ khách quan khoa học để có thể hiểu đúng bản chất của sự việc. Từ đó, những quyết định xử lý mới hy vọng có được sự chính xác và hiệu quả.


1 . Trước tiên chúng ta hãy đọc Lời Tựa đã được chư vị Tiền Khai viết ngay từ khi phát hành Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Bổn Thứ Nhứt từ năm 1928: “… Nay Hội Thánh nhơn công trích lục những Thánh ngôn giáng cơ dạy Đạo, in làm hai bổn để truyền bá cho mọi người thông hiểu…”
Như thế ngay từ đầu, chư vị Tiền Khai đã có kế hoạch thực hiện hai bổn Thánh Ngôn. Nhưng do những biến động đạo đời nên mãi đến giữa thập niên 60, sau gần bốn mươi năm, quyển Thánh Ngôn Bổn Thứ Hai mới được ra mắt! [3]

2 . Thật may mắn, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Bổn Thứ Hai có đăng lại đàn dạy “ngưng hết cơ bút truyền Đạo” nhưng có bổ sung 2 chi tiết: một dòng ở đầu bài “đàn tại Phước Thọ” và một câu ở cuối bài:
“… Ấy là điều quý báu đó. Thầy cho con tự định thâu sớ mà cho nhập môn như các chỗ khác.”
Lời Thánh ngôn “tự định thâu sớ mà cho nhập môn” giúp cho chúng ta hiểu đối tượng của vấn đề ngưng cơ bút truyền đạo có liên quan chặt chẽ đến việc cho phép nhập môn với những
người cầu Đạo.
Bối cảnh ban đầu của Cao Đài giáo khi xưa là hình thức thâu nhận tín đồ qua cơ bút. Người xin phải có phê chuẩn chấp thuận của Đức Chí Tôn và sau “Lễ Thánh Thất – Khai Minh Đại Đạo” vào Rằm tháng 10 Bính Dần, Cao Đài giáo chánh thức ra mắt nhân sanh, Đức Lý Giáo Tông cũng có quyền pháp này.

3 . Căn cứ theo thời điểm hiệu lực của lời Thánh ngôn “Còn cuối kỳ tháng Sáu đây thì Thầy phải ngưng hết cơ bút truyền Đạo”, chúng ta hãy tìm: có hay không các Thánh ngôn vào cuối tháng 6 Đinh Mão và ngay sau đó. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được các đàn cuối tháng 6 nhưng lại tìm được đàn vào ngày đầu tháng 7 Đinh Mão. Hôm đó Đức Chí Tôn giáng đàn ở làng Long Thành– Tòa Thánh Tây Ninh: [4]
“Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Giáo Đạo Nam Phương.
Các con, Thầy thâu nhập môn đệ, cho Thánh bút kỳ này là chót. Định ngưng cơ phổ độ, từ đây do theo Tân Luật mà hành đạo và thâu nhập chúng sanh. Nhưng nếu có chuyện bí yếu chi về nền Đạo và về đường trách nhậm của các con thì Thầy sẽ lấy từ bi mà khuyến dạy…[5]
– Thiên phong nơi Sađéc, Thầy sẽ dạy anh Trung con. Còn chư môn đệ muốn cầu Chức sắc, con đọc.
– Tạ: Phái Thái. Cao Sơn Tiên, nay phong Giáo Hữu.
Trang bạch: – Chư Nữ tín đồ chưa nhập tịch Thánh.
– Thầy lấy từ bi cho chức Lễ sanh cả thảy, phải gắng cho xong phận sự, bằng không thì tội sẽ định bằng hai cho những kẻ không trọn lòng thành kỉnh về đạo đức nghe.
Trang bạch: (…)
– Giáo Hữu cho chư môn đệ, trừ ra Nhâm và Kiệm. Thị Lợi cũng Giáo Hữu.
Trang bạch: (…)
– Được con, Thầy cho thượng sớ.
Trang, Thầy thâu nhập hết chư nhu. Con giải sơ cách hành đạo và ái kỉnh cho cả thảy biết. Thầy ban ơn cho các con. Thầy thăng” [6]
Qua nội dung của đàn này cho chúng ta thấy hôm đó là lần cuối cùng Đức Chí Tôn ban ân trực tiếp thâu nhận người xin nhập môn và ban phong chức sắc. Thầy dặn dò từ nay cứ "do theo Tân Luật mà hành đạo [7] và thâu nhập chúng sanh."
Tuy nhiên trong Thánh ngôn chép tay của Ngài Thái Thơ Thanh lại có đàn "Thu duc ngày 18–8–1927":
“Thầy vì lòng từ bi hay thương môn đệ phong tịch lần này là chót vì Tân Luật đã hoàn toàn, nếu chẳng do theo thì Lý Bạch chẳng kêu nài, Quan Thánh và Quan Âm cũng hiệp sức mà dâng kêu nài về sự ấy.
Vậy sau này có ai đáng công thì do Tân Luật mà công cử, còn phần phong tịch thì có Lý Giáo Tông tiến cử, Thầy mới nhận phong nghe.” [8]
Chính thức việc “ngưng cơ bút truyền Đạo”, lần cuối cùng Ơn Trên ban phong chức sắc qua cơ bút. Hôm đó có gần 30 vị nam nữ được phong Giáo Hữu và Lễ Sanh. Từ đây, mọi việc
phải làm theo Tân Luật.


4 . Thời hạn và nội dung ý nghĩa "ngưng hết cơ bút truyền Đạo" Chúng ta hãy tìm hiểu thời hạn thực hiện "cơ bút truyền Đạo" theo Thánh ý của Thầy.
– Trung tuần tháng Chạp, 12–12 Bính Dần (16 Janvier 1927), Đức Lý Giáo Tông có dạy:
“Đạo vốn nơi cơ bút mà phát thành, vậy Lão khuyên cẩn thận cho lắm. Đời với đạo chẳng đồng, tuy biết có đời mới có đạo, có đạo mới nên đời, nhưng đời hằng nghịch lẫn. Vậy Lão tỉ thí như trong bọn của chư hiền hữu muốn toan phản loạn, nắm cơ viết đùa ra hay là quỷ nhập viết ra rằng Thầy xui hiền hữu làm giặc, thì Đạo phải thế nào?

Trả lời…
(Cười) Nếu nói dễ dàng dường ấy còn luận đến làm gì.
Như Lão chẳng vì Thầy dặn bảo thì đã cấm cơ bút rồi. Vậy
Đạo chưa thành, Lão kỳ tới cuối tháng Sáu năm tới thì cấm tiệt
cơ bút…” [9]
– Ngày 13 tháng 5 Đinh Mão 1927, Thầy có dạy:
" Trong nội tháng Sáu đây, thì trách nhiệm của mấy đứa phò loan gần hoàn toàn.
Vậy Trung con nhơn chút ít giờ dư, kể từ đây đặng đi với mấy em đến mấy Thánh thất đặng Thầy có lời cho một ít môn đệ yêu dấu đặng chúng nó để ý, do theo lời mà hành sự cho đến cùng…" [10]

4.1. Về việc thâu nhận người xin nhập môn:
Tình hình thâu nhập môn đệ sau một tháng Đại Lễ Thánh Thất–Khai Minh Đại Đạo rất khả quan. Vào cuối tháng 11 Bính Dần, một hôm, Thầy cho biết số lượng tín đồ được thâu qua cơ bút sắp “gần đủ số”.  [11]
" Ngọc Hoàng Thượng Đế Viết Cao Đài giáo đạo Nam phương.
(Chúng sanh xin cầu Đạo)
(…) Vậy các con muốn cho chúng sanh cầu Đạo thì Thầy cho phép, song từ đây phải làm sớ như Minh Thệ mà xin nhập môn đặng có thế phổ độ cứu vớt chúng sanh thêm một chút ít nữa.
Thầy cho các con hay trước rằng: Đại Đạo tại Nam Kỳ gần đủ số rồi, hễ đủ số rồi thì phải bế lại mà hành Đạo. Còn một phần thì đi ngoại quốc phổ thông nền Chánh đạo. Thầy toàn thâu cả chúng sanh nam nữ."

Lời Thánh ngôn cho thấy ban đầu những người đến hầu đàn được Đức Chí Tôn điểm danh và thâu nhận. Sau đó số người đến hầu trong mỗi đàn “truyền Đạo” càng lúc càng đông.
Để tập cho các môn đệ bài học về trật tự nghi lễ đối với các Đấng Thiêng Liêng nên từ cuối tháng 11 Bính Dần Thầy dạy bắt đầu từ đây bộ phận nghi lễ phải sắp đặt trước cho có trật tự, làm hai bảng danh sách những người xin nhập môn, nam nữ riêng biệt.
Khi có lệnh dạy thượng sớ, vị chứng đàn dâng danh sách đã chuẩn bị lên cho Ơn Trên xem xét.
Khi đó, việc nhập môn cầu Đạo trở thành một hiện tượng xã hội. Hàng vạn quần chúng rần rộ đi dự lễ hội ở Gò Kén và xin cầu Đạo trong thời gian 3 tháng Khai Minh Đại Đạo như lời Thầy đã dạy khi chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ Thánh Thất.
Sau đó, ở các đàn phổ độ ở nhiều tỉnh Nam kỳ được tiếp tục thực hiện. Đi hầu đàn, cầu xin nhập môn để được điểm danh đã trở thành phong trào trong đời sống xã hội. Vì thế có một số người a dua, chạy theo chứ chưa phải thật tâm cầu đạo, cho nên đã có lần vào đầu trung tuần tháng Chạp Bính Dần, Đức Lý Giáo Tông răn đe:
“Như Lão chẳng vì lời Thầy dặn bảo thì đã cấm cơ bút rồi. Vậy Đạo chưa thành, Lão kỳ tới cuối tháng 6 năm tới thì cấm tuyệt cơ bút.” [12]
Sang cuối tháng Giêng Đinh Mão 1927, Tân Luật đã được chư Tiền Khai hoàn tất dâng trình lên Đức Lý Giáo Tông và Đức Chí Tôn. Đức Giáo Tông có dạy:
" Đại Đạo ngày nay, Luật đã hoàn toàn, đáng lẽ Lão xin phép Đức Từ Bi chiếu theo đặng thâu nhập môn đệ, cấm cơ bút thâu nhận sanh linh, nhưng số người hữu căn chưa đủ, nên phải đợi cho hiệp theo Thiên thơ. Chừng đặng đủ số định cho kẻ hữu phần thì ngày ấy chẳng còn lo chi việc phổ độ nữa." [13]
Qua những Thánh ngôn của Thầy và Đức Lý, cho thấy thời hạn của "Cơ bút thâu nhận sanh linh… theo Thiên thơ" đã nhiều lần sớm được nhắc đến ngay trong khi đại lễ Khai Minh Đại
Đạo đang diễn ra.
Sau đại lễ ấy, Thầy tập dần cho chư vị Chức sắc thực hành nghi thức nhập môn và thủ tục hành chánh đạo.
" Vậy, lúc này, những môn đệ mới phải lập thệ giữa Thầy mà nhập Đạo.
Còn cơ bút, dịp nào Thầy truyền lịnh sẽ thi hành.
Mỗi lần ai đến cầu Đạo, phải giao lý lịch cho chủ đàn, rồi phải chạy khai về Tòa Thánh.
Bản, con hiểu không? Cứ lập đàn cúng, không cơ bút chi.
Thầy đã hối các con ban hành Tân Luật đặng cho dễ. Như ngày nay về sau không cơ bút thì cứ theo Luật mà hành sự cho đến ngày Thầy định đoạt sẽ hay." [14]
Trong đàn ngày 14 tháng 7 năm 1927 là ngày 16 tháng 6 Đinh Mão, nửa tháng trước kỳ hạn đã dạy sẽ ngưng cơ bút truyền Đạo, Đức Lý có dạy:
" Phần nhiều chư Thiên phong lắm sai sót phận sự. Thưởng phạt lối sau này do nơi dứt kỳ cơ bút tháng Sáu đây…
Còn việc phổ độ Long Thành cho Nghĩa hay rằng chừng có chư nhu đến cầu [cơ] sẽ cho chư đạo hữu hay mà đến.
Còn một kỳ nữa là kỳ chót đó.” [15]
– Trong tháng 6 Đinh Mão, Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt sau 3 lần xin yết kiến De la Brosse mới được chấp thuận.
Thấy viên Thống Đốc e ngại hoạt động cơ bút, nương theo lệnh của Đức Chí Tôn sẽ ngưng cơ bút truyền Đạo vào cuối tháng 6 này, Ngài Thượng Đầu Sư hứa “Chỉ đi phổ độ bằng lời nói và kinh sách” như các tôn giáo khác.
Đồng thời Ngài hứa nạp lý lịch của 12 vị Thời Quân và chịu trách nhiệm nếu các vị này cầm cơ đi phổ độ các nơi. Thống Đốc đồng ý.
Ngài Đầu Sư liền về Tòa Thánh ra ngay Bố Cáo để đạo hữu các nơi đặng yên lòng. [16]

4 . 2 .  Về việc Thiên phong chức sắc:
Một nội dung thứ hai của “cơ bút truyền Đạo” cũng được Thầy đề cập đến là việc Thiên phong chức sắc. Lúc vừa lập Đạo vào dịp Tết Bính Dần cho đến sau Đại lễ Thánh Thất – Khai Minh Đại Đạo, từng chức sắc đều được Đức Chí Tôn trực tiếp ban phong. Vì thế chúng ta thấy cụm từ "Thiên phong" thường được gắn liền với cụm từ Chức sắc.

Đức Lý Giáo Tông Nhứt Trán Oai Nghiêm

Những ngày tháng gần kỳ hạn “ngưng hết cơ bút truyền Đạo”, Đức Chí Tôn thúc giục:
“Trung – bạch về việc cử Lễ Sanh.
Hay, con phải lo cho các nơi đều lập Họ đặng công cử với nhau y theo Tân Luật.” [17]
Thật ra, sau đàn mùng 1 tháng 7 Đinh Mão, chúng ta có tìm được một đàn với nội dung dạy về việc phong tịch cho chư Chức sắc. Như chúng ta đã biết, ngọai trừ Chức sắc nữ phái chỉ có chữ Hương trong tên đạo, còn với nam phái từ phẩm Lễ sanh trở lên được phân vào ba phái Thái, Thượng, Ngọc.
Theo lời dạy của Thầy, vì lòng từ bi hay thương chìu môn đệ cầu xin nên ban ơn lần chót, kể từ lúc đó vào giữa tháng 7 Đinh Mão trở đi việc cầu phong Chức sắc và phong tịch đều phải qua thủ tục công cử đã quy định trong Tân Luật.
“Trung, Thơ, Lâm Thị ái nữ, ba con.
Thầy vì lòng từ bi hay thương môn đệ, phong tịch lần này là chót vì Tân Luật đã hoàn toàn. Nếu chẳng do theo đó thì Lý Bạch hằng kêu nài; Quan Thánh và Quan Âm cũng hiệp sức mà dâng kêu về sự ấy. Vậy sau này nếu có ai đáng thì do Tân Luật mà công cử.
Còn về phong tịch thì có Lý Giáo Tông tiến cử, Thầy mới nhậm phong nghe.”  [18]

Chúng ta dễ dàng tìm thấy những thí dụ về việc cầu phong và phong tịch về sau này:
Thí dụ 1:
Đàn cầu phong tại Đền Thánh Tòa Thánh Tây Ninh đêm 17–10 Đinh Dậu (1957).
Hiền hữu Bảo Thế đọc danh sách cầu phong Sĩ Tải.
1 . Trần Văn Ngôn, chấm phong Sĩ Tải.
2 . Nguyễn Văn Còn, sắc phong Lễ Sanh phái Thái, sẽ giúp đắc lực cho Cửu Trùng Đài.
3 . Trần Thanh Danh, chấm phong Sĩ Tải.
4 . Nguyễn Thành Tám, sắc phong Lễ Sanh phái Thượng.
5 . Trương Ngọc Anh, chấm phong Sĩ Tải.
6 . Trần Minh Hiếu, sắc phong Lễ Sanh phái Ngọc.
7 . Nguyễn Văn Như, chấm phong Sĩ Tải.
8 . Lê Minh Khuyên, chấm phong Sĩ Tải.
Hiền muội Hương Hiếu:
Đọc danh sách cầu phong Lễ Sanh: (…)
Đọc danh sách cầu phong Giáo Sư: (…)

Thí dụ 2:
Trường hợp cầu phong Chức sắc Hiệp Thiên Đài của Hội Thánh Tây Ninh cho các ông Lê Quang Tấn và Lê Minh Khuyên được Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc ban ân phẩm vị Chức sắc, đàn tại Cung Đạo Đền Thánh:
a . Đàn cầu đêm 17–10 Ất Tỵ (09–11–1965):
Bần Đạo lấy làm hân hoan được Đức Lý Đại Tiên nhường cơ để phong thưởng chư đệ.
Sĩ Tải Lê Minh Khuyên.
– Thăng nhứt cấp.
Sĩ Tải Lê Quang Tấn tự Trường.
– Thăng nhứt cấp, sau sẽ định vị.
b . Đàn cầu đêm 15–11 Tân Hợi (01–01–1972):
“Lê Quang Tấn, Truyền Trạng thăngThừa Sử.
– Lê Minh Khuyên, Truyền Trạng– Thừa Sử.”
c . Đàn cầu đêm 15–11 Ất Mão (17–12–1975):
“Lê Quang Tấn, Thừa Sử cầu thăng Giám Đạo.
– Đình đãi một thời gian.
Lê Minh Khuyên, Thừa Sử cầu thăng Giám Đạo.
– Chấp thuận.
Qua đây chúng ta thấy trong vòng 10 năm có nhiều vị được Hội Thánh cầu thăng phong ba lần nhưng không phải tất cả đều được chấp thuận. Trong đó có một nhân vật khá nổi danh sau này.

4. 3 . Về việc hướng dẫn thực hành các pháp truyền đạo:
Đọc kỹ các Thánh ngôn trong thời gian khoảng một năm rưỡi từ khi Thầy “Lập Đạo” cho đến kỳ hạn “ngưng hết cơ bút truyền đạo” (từ mùng 1 Tết Bính Dần đến giữa năm Đinh Mão) chúng ta thấy Đức Cao Đài đã trực tiếp thực hiện và truyền dạy nhiều hình thức thể pháp và bí pháp cho chư vị Tiền Khai được thị phạm.
Các pháp này về sau đã được áp dụng rộng rãi trong nghi lễ Cao Đài. Cho dầu về sau đã có sự phân ra chia thành nhiều chi phái nhưng những nghi thức căn bản này vẫn không thay đổi theo thời gian.
Qua cơ bút trong giai đoạn trực tiếp độ dẫn và thâu nhận môn sanh cũng như Thiên phong chức sắc, Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông đã truyền dạy lý thuyết thực hành về lễ bái đồng thời trực tiếp thực hành nhiều hình thức về nghi lễ như lễ nhập môn, lễ nhạc hay các pháp môn tận độ như các nghi thức:
trấn thần, phép giải bệnh,… [19]

4. 4 . Với những vị có quan điểm căn cứ vào Thánh ngôn, Thầy đã ngưng cơ bút phổ độ từ giữa năm Đinh Mão– 1927, xin được gợi ý vài điều cần suy nghĩ thêm:
– Qua nội dung đàn vừa trích dẫn và đàn ngày mùng 6 tháng 11 Đinh Mão, Thầy trách:
Trước khi ngưng cơ, Thầy đã cho lịnh dùng cơ bút thể nào?
Thầy tưởng mỗi Thiên Phong đều đặng Thánh ngôn của con đã ban hành.” [20]

Như thế sau việc ngưng cơ bút thâu nhận sanh linh vẫn còn có lập đàn khi hết sức cần như lời Thầy đã dặn ngay trong đàn ngày mùng 1 tháng 7 Đinh Mão:
“Nhưng nếu có chuyện bí yếu chi về nền Đạo và về đường trách nhậm của các con thì Thầy sẽ lấy từ bi mà khuyến dạy.”
Nếu không có các đàn sau ngày mùng 1 tháng 7 Đinh Mão thì một số điều đã được ghi trong luật lệ Đại Đạo đã không thể có! Như phần tổ chức Cửu Trùng Đài ở hai bậc cuối là chức việc
và tín đồ đã được Đức Lý Giáo Tông bổ sung qua Đạo Nghị Định ban hành trong năm 1930 [21] hay luật về Thập Hình, v.v.
– Hay Tân Kinh Tận Độ vong linh gồm những bài kinh Cúng Cửu, Tiểu và Đại Tường, v.v. mãi đến giữa năm 1935 mới được Ơn Trên ban cho [22] và được ban hành kèm theo nghi thức ghi trong bộ luật Mậu Dần 1938. Nếu đã hoàn toàn ngưng cơ thì làm sao có được những bài kinh này cùng nghi thức tương ứng! Trong thực tế sau đó hầu như các Hội Thánh Cao Đài đều áp dụng nghi thức Tân Kinh tận độ này.
– Một điều cực kỳ quan trọng khác, Cao Đài luôn thể hiện lý Âm Dương, cơ bút đã lưu truyền giáo pháp phổ độ qua Thánh Ngôn Hiệp Tuyển thì đồng thời cũng lưu truyền giáo pháp tuyển độ qua Đại Thừa Chơn Giáo (1936). Nếu thật sự đã hoàn toàn ngưng cơ từ cuối kỳ tháng sáu Đinh Mão thì cái thâm sâu vi diệu nhất của Cao Đài giáo đã không thể có và lưu truyền.

KẾT LUẬN.

– Tóm lại, qua những Thánh ngôn ngày nay chúng ta tìm được đã giúp đạo hữu hiểu chính xác hơn ý nghĩa của việc "Ngưng hết cơ bút truyền đạo" là gì. Đó là một giai đoạn đặc biệt của thời kỳ Khai Nguyên Lập Đạo – Khai Đạo, qua cơ bút trong các buổi đàn cơ Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông “thâu nhập môn đệ”, “Thiên phong chức sắc” và hướng dẫn thực hành các “nghi thức tận độ” như: trấn thần, nhập môn, giải bệnh, lễ nhạc…
Ngay từ cuối năm Bính Dần, Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông đã báo trước kỳ hạn sẽ “cấm tuyệt” việc thực hiện cơ bút thâu nhận sanh linh.
– Kể từ tháng 7 Đinh Mão, các chức sắc khi hành chánh đạo phải cố gắng làm theo Tân Luật đã vừa được ban hành ngày 01–6–1927. Việc thâu nhận người xin nhập môn và việc cầu thăng phong chức sắc, phong tịch Đạo đều phải áp dụng theo Tân Luật. Từ đây, Đức Lý Giáo Tông chỉ chấm duyệt danh sách cầu phong hay cầu thăng được Hiệp Thiên Đài dâng trình đúng theo thủ tục Tân Luật đã định.

– Nếu cơ bút đã thật sự phải ngưng vào thời điểm đó thì cơ cấu tổ chức và giá trị tận độ của Cao Đài giáo không được trọn vẹn như thực tế hiện nay vì:
• 1930: Sáu Đạo Nghị Định đầu tiên xác định bộ khung hoàn thiện của cơ cấu tổ chức qua Pháp Chánh Truyền hoàn chỉnh và bộ máy tổ chức Cửu Viện. (Trách nhiệm hành chánh nam, nữ phân định rạch ròi).
• 1935: Tân kinh siêu độ (Cửu cửu, Tiểu tường, Đại tường) mới được ân ban cho sanh chúng.
• 1936: Kinh Đại Thừa Chơn Giáo mới ra đời.
Trong 12 năm đầu tiên, nếu không còn cơ bút thì Cao Đài chỉ là một tôn giáo khập khiễng về nội dung (Giáo pháp, Giáo luật) và cơ cấu tổ chức (Giáo hội).
Nếu không có cơ bút hướng dẫn, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không thể chỉ trong một thời gian ngắn đã phát triển thành một tôn giáo có chiều sâu tâm linh vi diệu, có sự tăng trưởng vượt bực trên đường phổ độ chúng sanh, đóng góp cho đời một hệ tư tưởng Đại đồng Nhân bản hoàn toàn mới lạ không thể lẫn lộn với các hệ tư tưởng Đông Tây dầu xa xưa hay hiện đại!
Yếu tố Đại Đạo là tư tưởng có tính chất độc đáo mới lạ hoàn toàn có khả năng dẫn dắt và lèo lái thời đại theo định hướng tìm lại được sự cân bằng giữa hai nhu cầu phát triển văn minh khoa học cực kỳ diệu ảo song hành cùng nếp sống văn minh đạo đức lấy Nhân Bản làm chủ đích.
CHUNG

[1] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 1, 1928, đàn ở Phước Thọ, 01 Juin 1927, tr. 84.
[2] . Karl Marx, Triết học Duy Vật Biện Chứng.
[3]. Thời kỳ thập niên 30, nhà Đạo phân để hóa ra nhiều Hội Thánh hầu nhanh chóng phổ độ nhơn sanh thoát qua cảnh trạng tối tăm của đại chiến thế giới lần thứ hai của thập niên 40! Đến thập niên 50, chiến tranh đấu tranh giành độc lập của dân Việt ở vào giai đoạn cao trào!
[4]. Sau khi trả lại Thiền Lâm Tự (chùa Gò Kén), dời đến địa điểm mới theo chỉ dẫn
của Đức Lý.
[5]. Đoạn này Đức Chí Tôn Thiên phong Lễ sanh và Giáo hữu cho một số nam nữ tín hữu.
[6]. Thánh Ngôn chép tay, Hương Hiếu, tr. 186–187.
(7). Việc thăng cấp Chức sắc, Chức việc là một trong những việc hành đạo.
[8]. Trong Thánh Ngôn Sưu Tập không có bài này nhưng có trong Đạo Sử Nhựt Ký [lại để ngày 22–8 Đinh Mão (17–9–1927) không hợp lý vì quá xa “cuối kỳ tháng 6”. Và ngược lại, trong phần của Thái Đầu Sư không có bài đàn rạng mùng 1 tháng 7 Đinh Mão.
[9]. Thái Thơ Thanh, Thánh Ngôn chép tay, tờ 389.
[10]. Thái Thơ Thanh, Thánh Ngôn chép tay, Séance du 12 Juin 1927, tờ 315.
[11]. Hương Hiếu, Thánh Ngôn chép tay, tr. 83.
[12]. Hương Hiếu, Đạo Sử II, Thứ Bảy, 12–12 Bính Dần (15–01–1927), tr.171.
[13]. 27–01 Đinh Mão (28–02–1927).
[14]. Thánh Ngôn Sưu Tập số 72, 07–02 Đinh Mão (10–3–1927), Phò loan: Bảo Pháp– Hiến Pháp, tại Đàn Phú Nhuận.
[15]. Thái Thơ Thanh, Thánh Ngôn chép tay, tờ 323.
[16]. Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, Đạo Sử Nhựt Ký quyển 1, tr. 388–390.
[17]. Thái Thơ Thanh, Thánh Ngôn chép tay, 19–7–1927, tờ 318.
[18]. Thái Thơ Thanh, Thánh Ngôn Chép tay, Thánh thất Thủ Đức, 21–7 Đinh Mão (18–8–1927), tờ 339B.
[19] . Xin mời xem quyển Khái Lược Văn Hóa Sử Cao Đài.
Sau đại lễ Khai Minh Đại Đạo, Thầy tập dần cho chư vị Chức sắc thực hành nghi thức nhập môn và thủ tục hành chánh đạo.
“Vậy, lúc này, những môn đệ mới phải lập thệ giữa Thầy mà nhập Đạo. Còn cơ bút, dịp nào Thầy truyền lịnh sẽ thi hành. Mỗi lần ai đến cầu Đạo, phải giao lý lịch cho chủ đàn, rồi phải chạy khai về Tòa Thánh.
Bản, con hiểu không? Cứ lập đàn cúng, không cơ bút chi. Thầy đã hối các con ban hành Tân Luật đặng cho dễ. Như ngày nay về sau không cơ bút thì cứ theo Luật mà hành sự cho đến ngày Thầy định đoạt sẽ hay.”
[20]. Đức Chí Tôn, đàn Chợ Lớn, 06–11 Ðinh Mão (29–11–1927).
[21]. Hội Thánh ban hành sáu Đạo Nghị Định vào ngày mùng 3 tháng 10 Canh Ngọ (1930).
[22]. Lời dẫn Kinh Thiên Đạo Thế Đạo của Tòa Thánh Tây Ninh.
 Về Hạnh Đường