Bước Đầu Học Đạo Dành cho Tân Tín Đồ Cao-Đài - 1 / 8 (HT. Nguyễn Văn Hồng)


Chương 1
Nhập môn cầu Đạo
MINH THỆ
Lời của Hội Thánh

"Phàm con người phải biết có chi trên đầu. Cái không trung trên đầu ta đó là Trời. Đấng cầm quyền trên ấy là Đấng Tạo Hóa, là Ngọc Hoàng Thượng Đế, là Chúa Tể cả càn khôn thế giới.
Nay Đấng Tạo Hóa lấy danh lập Đạo là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát,
dùng huyền diệu Tiên gia đến dựng nơi nước Nam ta một nền Chơn Đạo rất cao thượng mà độ rỗi nhơn sanh khỏi luân hồi, gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Đức Thượng Đế, vì thương yêu nhơn loại, đến độ rỗi chúng ta, lại còn gọi mình là Thầy, kêu chúng ta là môn đệ. Vậy nên chúng ta phải hết lòng kính mến và sùng bái Đấng Tạo Hóa và hết dạ tín ngưỡng cái Đạo rất huyền vi mầu nhiệm của Đấng Chí Tôn.”. - (Trích phần đầu Tiểu Tự của Tân Luật)

I . Câu chuyện Nhập môn cầu Đạo :

Trong một xóm nghèo ở ngoại ô Thị Xã VL có vợ chồng ông Hai Thiệt đều theo Đạo Cao Đài, căn nhà của hai ông bà đang ở là nhà xưa, lợp ngói âm dương, cột gỗ và vách ván đều hư mục gần hết, cửa nẻo xệch xạc, trong nhà không có gì quí giá ngoài hai bàn thờ : bàn thờ giữa nhà để thờ Đức Chí Tôn, bàn thờ bên cạnh để thờ Tổ Tiên. Hai ông bà đều già, gần 70 tuổi, không còn sức lao động, sống được là nhờ vợ chồng đứa con gái làm nghề bán gạo lẻ tại chợ nhỏ CL, cung cấp lương thực tạm đủ để nuôi sống ông bà, vợ chồng đứa con gái ấy không khá giả chi, chỉ đủ tay làm hàm nhai. Vả lại ông bà Hai Thiệt đều ăn chay trường, cũng ít tốn kém. Hai ông bà đều siêng năng cúng kiếng tại nhà, hàng xóm thường nghe tiếng chuông mõ nhẹ nhàng phát ra từ ngôi nhà cũ kỹ ấy. Khi đến ngày mùng 1 hay rằm, ông bà Hai Thiệt thường tới Thánh Thất hay Điện Thờ Phật Mẫu để chầu lễ Đức Chí Tôn hay Đức Phật Mẫu, cách nhà của ông bà khoảng hai ngàn thước.
Những người trong xóm đều rất cảm mến ông bà Hai Thiệt, vì tánh nết hiền hậu và thật thà.

Trong số láng giềng có ông Út Mô thường qua nhà nói chuyện chơi. Gia đình Út Mô không có Đạo, chỉ thờ ông bà, rất có cảm tình với ông bà Hai Thiệt, nên cũng có cảm tình với Đạo Cao Đài.

Thình lình ông Hai Thiệt bị cảm nặng, nằm một chỗ không dậy nổi. Ông Út Mô thấy có nhiều vị Đạo Cao Đài mặc áo trắng quần trắng đến thăm ông Hai Thiệt bịnh, có xách theo đường sữa và trái cây tặng cho người bịnh. Vài ngày sau, bịnh ông Hai Thiệt trở nặng hơn, khó bề thang thuốc.

Ông Út Mô thấy có vài vị Đạo Cao Đài mặc đạo phục nghiêm chỉnh, đem theo mấy đứa con gái nhỏ tuổi làm đồng nhi đến nhà ông Hai Thiệt để tụng Kinh Hấp Hối cho ông. Chừng một lúc sau, ông Hai Thiệt thở hơi cuối cùng. Mọi người đều không cầm giọt lệ.

Ông Út Mô cảm thấy thương xót ông Hai Thiệt, nghĩ rằng gia đình ông rất nghèo, bà Hai thì già, không còn sức lao động, đứa con gái làm chỉ đủ ăn, làm sao lo hòm rương và làm đám tang cho ông Hai Thiệt. Ông Út Mô đang lo lắng nghĩ cách giúp đỡ thì bỗng nhiên Út Mô thấy nhiều người Đạo Cao Đài chở đến nhà ông Hai Thiệt một cái hòm, thấy cũng khá tốt, có đủ đồ tẫn liệm, có vài ông mặc áo đạo tỳ đi theo lo việc tẫn liệm. Mấy ông cúng vái nơi bàn thờ giữa, rồi đến chỗ xác ông Hai Thiệt nằm, đồng nhi tụng kinh rồi mấy ông đạo tỳ liệm xác ông Hai Thiệt vào quan tài.

Một nhóm người đạo khác, đủ cả nam nữ, chở tới bàn ghế, chén dĩa, son nồi nấu nướng, rồi phân công ra, người đi chợ mua rau cải củ đậu, người lo chẻ củi đun bếp, người lo dựng rạp, trải bàn, sắp ghế. Còn các vị trong ban nhạc thì chở nhạc cụ tới gồm: cặp trống, đờn cò, đờn kìm, kèn, mõ, vv... rồi có người đi mua đồ cúng gồm : nhang, đèn sáp, bông, trái cây, rượu, trà cũng vừa mang tới.

Những người đạo đến giúp đám tang làm việc rất trật tự, mỗi người một việc rất ăn khớp nhau, làm rất quen tay, không nghe một tiếng nói lớn, không một tiếng chửi thề, không một tiếng cười giỡn, mọi người đều tỏ dấu bi ai.

Hôm sau, ông Út Mô thấy một nhóm thanh niên của Đạo Cao Đài đến đám tang, vào nhà thay quần áo lễ sĩ màu xanh đậm, đội mão lễ sĩ trắng có thêu hoa thị đen phía trước, để làm lễ cúng tế. Ban nhạc đánh trống và đờn, đồng nhi tụng kinh, lễ sĩ hiến lễ, hai tay cung tròn ngang mày, cầm dĩa cúng phẩm, chân bước đi rập ràng theo tiếng trống, bước tới, rồi đi xen qua lộn lại hay xây vòng theo bài bản rất trật tự, tập luyện rất công phu, đem cúng phẩm dâng lên bàn vong.

Các người đạo đi đám thì mặc toàn áo dài trắng, quần trắng, nữ để đầu trần, nam thì đội khăn đóng đen, đứng hầu xung quanh nghiêm trang, trật tự, đồng nhi tụng kinh giọng trầm bổng bi ai, lúc nhanh lúc chậm, tạo thành một khung cảnh tôn nghiêm, huyền bí.

Đặc biệt vào buổi sáng hôm sau, ông Út Mô thấy một vị Chức sắc mặc áo rộng đỏ, đầu đội mão tròn cũng màu đỏ, giữa mão có thêu một con mắt, đến làm phép cho người chết. Đồng đạo đến dự rất đông, đứng vào hai bên phía trước quan tài, nam bên trái, nữ bên phải. Vị Chức sắc cúng nơi bàn thờ giữa xong thì đến đứng trước quan tài, ra hiệu lịnh cho đồng nhi tụng kinh. Út Mô để ý thấy vị Chức sắc ấy đi rất chậm quanh quan tài, bước đi chắc chắn, nghiêm nghị, tay mặt cầm cành dương rẩy nước làm phép, sau đó đi vòng thứ nhì, tay trái cầm cây kéo như lựa chỗ rồi cầm kéo cắt khơi khơi trong không khí, đi giáp vòng rồi trở lại đứng trước quan tài, kế đó có người phụ lễ đưa cho ông bó nhang đang cháy để ông tiếp tục làm phép. Khi ông làm phép xong thì đồng nhi tụng kinh vừa dứt. 

Ông Út Mô hỏi một người đạo, ông Chức sắc mặc áo đỏ ấy làm phép gì vậy ?  Vị ấy trả lời : Đó là ông Giáo Hữu đến làm phép xác, phép cắt dây oan nghiệt và phép độ thăng cho ông Hai Thiệt, để linh hồn của ông sớm được siêu thăng lên cõi thiêng liêng. Buổi lễ diễn ra rất trật tự, trang nghiêm, đầy vẻ thiêng liêng.

Buổi lễ làm phép vừa xong, ông Út Mô thấy một chiếc xe có hình dáng là một con rồng, đầu xe làm hình đầu rồng, cuối xe làm hình đuôi rồng, mình xe làm nhà vàng, trước và sau xe đều có cắm cờ đạo 3 màu : vàng, xanh, đỏ. Chiếc xe nầy sơn và vẽ hình con rồng màu vàng rất đẹp, đậu trước nhà ông Hai Thiệt. Ông Út Mô hỏi một người đạo thì được biết đây là tượng trưng chiếc thuyền Bát Nhã chở xác người chết đem chôn nơi nghĩa địa.

Trong nhà lúc đó, đồng nhi tụng kinh, hết bài kinh nầy tới bài kinh khác, sau đó đứng dạt ra hai bên để ban đạo tỳ vào đứng trước quan tài làm lễ, có người chỉ huy cầm nhịp gõ lớn làm hiệu lịnh, các đạo tỳ đi vòng qua lộn lại rồi đi xen kẻ rất trật tự, có tập luyện thuần thục. Bàn vong được dẹp bỏ, các đạo tỳ vào đứng quanh quan tài, chuẩn bị khiêng quan tài ra đặt lên thuyền Bát Nhã.

Đoàn đưa đám tang khởi hành, đi đầu là tấm bảng lớn bằng vải đen có thêu 6 chữ lớn màu trắng “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”, tiếp theo là một người cầm phướn 3 màu vàng xanh đỏ, trên phướn có hai chữ nho, đi tiếp theo là bàn vong, hai bên có hai hàng đồng nhi vừa đi vừa tụng kinh, kế đó là thuyền Bát Nhã đặt trên 4 bánh xe chạy chậm chậm nối theo, tang gia đi tiếp theo và sau cùng là các đồng đạo nam nữ đi tiễn đưa. Ông Út Mô để ý thấy không có việc rải giấy tiền vàng bạc khi đám tang đi dọc đường...... (Nghi thức của đám tang sẽ được trình bày đầy đủ chi tiết trong Chương 24 sau cùng)

Út Mô quan sát đám tang của Hai Thiệt do Đạo Cao Đài tổ chức, đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, không ngờ Hai Thiệt nghèo như vậy mà Đạo Cao Đài tổ chức cho ông một đám tang rất long trọng, đầy đủ nghi lễ, trật tự trang nghiêm, bi ai, trong sự trợ giúp hết sức nhiệt tình của đồng đạo, với tính cách là làm công quả. Dù gia đình giàu có ở ngoài đời, chịu tốn nhiều tiền, cũng không thể tổ chức được một đám tang tốt đẹp như vậy.

Ông Út Mô cảm thấy rất khâm phục Đạo Cao Đài và trong trí ông lóe lên tư tưởng : hay là mình xin gia nhập vào Đạo Cao Đài.

Ông Út Mô suy nghĩ mấy ngày, rồi quyết định xin nhập môn vào Đạo Cao Đài. Ông liền tìm đến Thánh Thất, nói rõ ý muốn của mình, được người đạo đưa vào gặp vị Lễ Sanh Cai Quản Thánh Thất.

Ông Út Mô nói :
- Xin ông Lễ Sanh cho tôi theo Đạo Cao Đài.

Ông Lễ Sanh hỏi : - Bạn vui lòng có thể cho biết lý do nào khiến bạn muốn nhập môn vào Đạo Cao Đài ?

Út Mô thành thật trình bày : - Thưa ông Lễ Sanh, tôi tên là Nguyễn Văn Mô, ở kế cận nhà ông Hai Thiệt vừa mới mất đó, tôi thấy ông Hai Thiệt là người Đạo Cao Đài, rất hiền lành nhưng rất nghèo, được Đạo Cao Đài tổ chức cho một đám tang rất long trọng, lại giúp đỡ tiền bạc vật chất đủ hết, làm cho tôi rất kính phục Đạo Cao Đài, nên tôi muốn xin nhập vào Đạo Cao Đài.

Ông Lễ Sanh nói : - Tu theo Đạo Cao Đài phải cúng kiếng hằng ngày, như bạn đã thấy ông Hai Thiệt đó, phải ăn chay và đi làm công quả cực lắm ! Bạn chịu nổi không ?

Út Mô mạnh dạn đáp :
- Người ta làm nổi thì nhứt định tôi cũng làm nổi.

Ông Lễ Sanh gọi một em công quả đến, bảo em đạp xe gấp, gọi ông Chánh Trị Sự và Thông Sự nơi hương đạo của ông Út Mô đến Thánh Thất vì ông Út Mô đến xin nhập môn cầu đạo.

Vị Lễ Sanh nói tiếp :
- Trong lễ nhập môn cầu đạo, bạn phải lập minh thệ trước Thiên bàn thờ Đức Chí Tôn. Lập minh thệ là nói lên lời thề nguyện của mình quyết tâm theo đạo.

Ông Lễ Sanh liền lấy ra một tờ giấy nhỏ, trên đó có in sẵn lời Minh Thệ, đưa cho Út Mô xem, rồi nói tiếp :
- Bạn phải đem sanh mạng của bạn ra mà thề với Đức Chí Tôn, quyết tâm theo Đức Chí Tôn tu hành, không lui lại đường đời hay tẽ qua ngả khác, bạn có chịu không ?
- Thề với Đức Chí Tôn thì tôi chịu thề liền.
- Tôi đọc lời Minh Thệ, bạn nhìn vào giấy dò theo : “ Tên họ của bạn, tuổi của bạn, thề rằng : từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục.”

Thiên tru Địa lục là Trời Đất giết chết đó. Bạn dám thề không ?
- Thề với người khác thì tôi sợ, còn thề với ông Trời thì tôi bằng lòng.

Lúc đó, ông Chánh Trị Sự và Thông Sự của Hương đạo ông Út Mô ở cũng vừa tới Thánh Thất. Ông Lễ Sanh nhờ hai vị nầy tiến dẫn Út Mô nhập Đạo. Sau đó ông vào phòng thay đạo phục rồi cùng Út Mô lên Chánh điện của Thánh Thất. Ông Chánh Trị Sự chỉ cho Út Mô thấy Thiên bàn thờ bức họa vẽ Thiên Nhãn tượng trưng Đức Chí Tôn Thượng Đế, ý nghĩa là Trời thấy hết biết hết mọi việc của con người, không có gì mà giấu giếm được Trời.

Ông Chánh Trị Sự hướng dẫn Út Mô cách bắt Ấn Tý và cách lạy Đức Chí Tôn. Ông Thông Sự thì giúp việc lên đèn, đốt nhang trên Thiên bàn và hầu chuông, vì người phụ trách lễ vụ vắng mặt.

Kế ông Lễ Sanh mặc đạo phục vàng, mão trắng có thêu Thiên Nhãn phía trước, bước vào Chánh điện, làm lễ Đức Chí Tôn, cầu nguyện, lạy xong thì đứng dậy, xá rồi bước ra nói :
- Ông Chánh Trị Sự hướng dẫn Anh Út vào làm lễ.

Ông Chánh Trị Sự nói :
- Anh Út vào đứng trước Chánh điện, mặt hướng lên Thiên bàn, hai tay bắt Ấn Tý, xá 3 xá, quì xuống :
. đưa Ấn Tý lên giữa trán, niệm : Nam mô Phật,
. đưa ấn Tý qua màng tang trái niệm : Nam mô Pháp,
. rồi đưa qua bên phải, niệm : Nam mô Tăng,
. đem Ấn Tý xuống đặt giữa ngực, niệm :
  Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát,
. cúi đầu, niệm tiếp :  (mỗi niệm mỗi cúi đầu)
  Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát,
  Nam mô Lý Đại Tiên Trưởng kiêm Giáo Tông Đại
                                           Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,

  Nam mô Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân,
  Nam mô chư Phật chư Tiên chư Thánh chư Thần.

Ông Chánh Trị Sự bảo Út Mô đưa Ấn Tý lên trán cầu nguyện : “ Tôi tên Nguyễn Văn Mô, … tuổi, hôm nay tự nguyện xin nhập môn vào Đạo tu hành.”

Kế đó bảo Anh Út Mô lạy Đức Chí Tôn 3 lạy, mỗi lạy 4 gật, mỗi gật niệm : Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Phải gật chậm chậm để kịp câu niệm.

Ông Lễ Sanh bảo Anh Út Mô cầm tờ giấy có in câu Minh Thệ, đọc lớn lên : Tôi tên . . . . . . . tuổi . . . . . vv . . .

Xong đặt tờ giấy xuống, tay bắt Ấn Tý trở lại, lạy Đức Chí Tôn 3 lạy 12 gật như đã hướng dẫn, đứng dậy, xá Đức Chí Tôn 3 xá, quay lại xá chữ Khí 1 xá rồi lui ra.

Ông Út Mô mới làm lễ lần đầu nên rất lọng cọng, vị Chánh Trị Sự phải sửa tới sửa lui, nhưng ai cũng vậy, vì chưa quen.  Thế là buổi lễ Nhập môn vào Đạo Cao Đài của ông Út Mô đã xong.

Ông Chánh Trị Sự đưa Út Mô trở lại văn phòng, đến bàn viết, lấy sổ bộ ra ghi tên Nguyễn Văn Mô vào,  cấp cho ông Út Mô một giấy Sớ Cầu Đạo Tạm, rồi nói :

- Bây giờ, Anh Út là tín đồ của Đạo Cao Đài, anh cần tập cúng lạy cho quen, bắt đầu tập ăn chay mỗi tháng 6 ngày, rồi học thuộc Kinh Cúng Tứ thời. Anh phải may một bộ đạo phục : áo dài trắng, quần trắng, khăn đóng đen. Sau thời gian 6 tháng, anh làm tròn bổn phận Đạo hữu thì anh sẽ được cấp Sớ Cầu Đạo Thiệt Thọ, dùng cho đến mãn đời, khi chết cũng phải đốt đem theo.  Anh nên sở hữu 4 quyển sách căn bản để học đạo buổi đầu:
* Kinh Thiên Đạo - Thế Đạo,
* Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I-II,
* Pháp Chánh Truyền.
* Tân Luật.

Tôi sẽ cung cấp cho anh các sách nầy. Anh là Đạo hữu trong Hương đạo của tôi, có việc gì thì anh liên lạc với tôi, hoặc với hai ông Phó Trị Sự và Thông Sự nơi ấp đạo của anh, chúng tôi sẽ giúp cho.        . . . . . . . . . . . .

II . Giải thích lời Minh Thệ :

Lời Minh Thệ nầy do Đức Chí Tôn giáng cơ lập ra, chớ không phải do một người phàm nào đặt để, nên có tính cách thiêng liêng huyền bí.

Câu Minh Thệ gồm 36 chữ, số 36 là bội số của 12, mà số 12 là số riêng của Đức Chí Tôn.
Tên họ  . . . . . . .  Tuổi . . . . . . . .
Thề rằng : " từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi  dạ đổi lòng, hiệp đồng chư  môn đệ, gìn  luật  lệ  Cao  Đài,  như  sau  có  lòng  hai  thì  Thiên tru  Địa  lục."

1 *  Biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế :
“ Là trọn nhìn một Đạo Cao Đài của Đức Chí Tôn, ngoài ra không đặng xu hướng theo ngoại giáo, tà quyền, lập nên phe đảng, chia rẽ tâm lý, gây nên sự rắc rối chia ly  làm mất đức  tin  trong cửa Đạo."

2 * Hiệp đồng chư môn đệ  gìn luật lệ Cao Đài :
“ Tín đồ nhập môn rồi phải tuân hành luật pháp chơn truyền của Đại Đạo là : Tân Luật, Đạo Luật, Pháp Chánh Truyền, vv... và thi hành các qui điều giáo huấn của Hội Thánh để làm tròn phận sự mình. Ấy là phương hiệp đồng nhứt trí của toàn đạo, tín đồ, Chức việc, Chức sắc Hội Thánh để nhặt gìn luật lệ Cao Đài của Đấng Chí Tôn."

3 * Như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục :
“ Ăn ở hai lòng, bất trung bất chánh, dối Thầy phản bạn và làm những việc trái với luật lệ của Đại Đạo, cùng hành động vô nhân vô nghĩa, mất sự thương yêu, mất điều tín nhiệm, gieo rắc những điều ngờ vực hiềm khích giữa tình đồng đạo và manh tâm bội nghịch cùng Hội Thánh, sẽ chịu luật công bình của Trời Đất tru diệt (giết phạt).
“ Minh Thệ đối với luật vô vi tức là Thiên điều của Chí Tôn và các Đấng Phật Tiên Thánh Thần cầm quyền trị thế là một ân huệ được chọn làm môn đệ của Đấng Chí Tôn.
“ Khi giữ tròn lời Minh Thệ sẽ được các Đấng hộ trì, ban ân lành, đạo tâm sáng suốt, trọn vẹn đức tin, đến ngày thành công đắc đạo, được ghi tên vào Tiên tịch (Bộ Tiên).
“ Minh Thệ đối với luật hữu hình của Hội Thánh là một giá trị uy tín đối với Đạo và Hội Thánh. Khi giữ tròn lời Minh Thệ sẽ được tín nhiệm kính nể, bảo trợ hưởng mọi đặc ân với luật công bình của Hội Thánh.
“ Lời Minh Thệ nhập môn cầu Đạo là một điều rất quan hệ của người giữ Đạo và là một lời hứa trọn vẹn tín thành với Hội Thánh cùng các Đấng thiêng liêng.
“ Một kiếp sanh ở hiện tại và tương lai, phước hay tội, cũng do nơi lời Minh Thệ nầy.
“ Vậy, toàn đạo nam nữ nên trân trọng gìn theo lời Minh Thệ.” (Trích văn thư của Hội Thánh:
Dẫn giải lời Minh Thệ nhập môn cầu Đạo ngày 27-1-Tân Mão, dl 4-3-1951)

III . Tại sao phải Minh thệ ? Có ích lợi gì ?

“ Bần đạo nói thật, buổi Đức Chí Tôn đến tạo Quốc Đạo cho nòi giống Rồng Tiên nầy, chính Ngài cầm cơ đi đến các tỉnh kêu từ nhà, gọi từ đứa con, cho không biết bao nhiêu bài khuyến dạy, tạo thành một nền tôn giáo Cao Đài là Quốc Đạo. Bần đạo tưởng chưa có người nào đem cả tinh thần tâm đức mà thi ân cho dường ấy, Đức Chí Tôn đến độ rỗi, lập giáo, rồi lại bắt Minh thệ.

Hỏi tại sao Ngài lại bắt Minh thệ ? Là buộc con cái phải hiệp đồng cùng nhau. Mỗi người có một chút đức tin. Thầy bảo qui đức tin ấy lại, phải có tâm đức tin tưởng, yêu ái lẫn nhau, phải nhìn nhận có Thầy, có đức tin nơi Thầy. Hại thay ! Có nhiều đứa con của Ngài cũng nghe, cũng tìm Đạo, cũng thọ giáo, cũng Minh thệ đủ phép tắc, biết bao nhiêu khi mới đến cùng Thầy, quì dưới chơn Thầy, mà hễ ra khỏi chơn Ngài rồi thì lại phản phúc Ngài và con cái của Ngài.” (Trích Thuyết Đạo của Đức Phạm Hộ Pháp)

Mục đích của Minh thệ là gì ?
- Về phần người: Minh thệ cốt để người tín đồ dứt khoát tư tưởng mà thủ tín với lời thề, không dám làm điều gì trái với lời thề tức là trái với luật đạo, để hết lòng lo lập công bồi đức, trau tâm luyện tánh mà đạt đến phẩm vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.

- Về phần thiêng liêng: Người có lập Minh thệ thì các Đấng thiêng liêng mới nhìn nhận là môn đệ của Đức Chí Tôn, tức là tín đồ của Đại Đạo, mới hộ trì không cho tà ma khuấy phá, gây trở ngại bước đường tu tiến.

Minh thệ có ích lợi gì ?
Khi lập Minh thệ rồi mới được làm môn đệ của Đức Chí Tôn, mới hưởng được hồng ân của Chí Tôn ban cho :

* Thứ nhứt, môn đệ giữ tròn luật đạo, ăn chay 10 ngày trong một tháng thì vào hàng Đạo hữu, đối phẩm Địa Thần trong Cửu phẩm Thần Tiên.

* Thứ nhì, môn đệ giữ tròn luật đạo, ăn chay 10 ngày mỗi tháng thì khi qui liễu được làm Phép Xác, Phép Đoạn Căn, Độ Thăng, làm Tuần Cửu, Đại Tường, Tiểu Tường, để đưa chơn hồn đi lên qua 12 từng Trời, bái kiến các Đấng Tiên Phật, bái kiến Đức Phật Mẫu và Đức Chí Tôn, sau đó được Tòa Tam Giáo Ngọc Hư Cung định phận.

Ngoài ra, từ xưa tới nay, muốn đạt những thành công vĩ đại thì bổn thân người đó phải có chí khí kiên cường bất khuất vượt qua các trở ngại lâm nguy; còn muốn đạt đến phẩm vị Tiên, Phật thì phải có lời Đại nguyện, giống y lời Minh thệ :
- Trước khi thành Phật A-Di-Đà, Ngài có 49 điều Đại nguyện.
- Thái Tử Sĩ Đạt Ta lúc mới xuất gia, có phát ra 4 điều Đại nguyện.

Vậy, việc Minh thệ là một việc làm rất có ích và rất có ý nghĩa đối với mỗi tín đồ Cao Đài, về phương diện phàm trần cũng như về phương diện thiêng liêng.

IV . Lập Minh thệ có trái với tự do tín ngưỡng không ?
Từ ngày lập đạo, Đức Chí Tôn chưa hề bắt buộc người nào theo Đạo cả. Đức Chí Tôn chỉ vạch ra cho nhơn sanh thấy con đường nào chánh, con đường nào tà, con đường nào chơn thật đưa đến giải thoát khỏi luân hồi, con đường nào quanh co đưa đến tội tình sa đọa. Nhơn sanh hiểu biết rõ như thế để giác ngộ, rồi đi con đường nào hay không đi là tùy  ý  nhơn sanh lựa chọn và định đoạt.

TNHT : Nếu kẻ nào biết hiểu Thánh Ngôn của Thầy nơi miệng các con mà tỉnh ngộ thì số hằng sống của nó vốn còn, còn chẳng thì thôi, để chúng nó theo Tà quái.
Rõ ràng Đức Chí Tôn để nhơn sanh tự định đoạt đời mình, Chí Tôn chỉ đem lòng thương yêu hướng dẫn.
TNHT : Đạo là quí, của quí chẳng bán nài, các con đừng thối chí.

Như vậy nhơn sanh tự do chọn lựa tín ngưỡng, hoặc không tín ngưỡng tùy ý, không bắt ép hay nài nỉ ai cả.
Nhưng lập Minh thệ là sự biểu lộ quyết tâm theo Đạo tu hành đến trọn đời. Đừng bao giờ nghĩ rằng, theo Đạo Cao Đài để thử nghiệm hay có mục đích vụ lợi, mượn danh Đạo tạo danh đời.

Theo Đạo là một đại sự trong cuộc đời mình, nhập môn cầu Đạo và lập Minh thệ là một khúc quanh vô cùng quan trọng trong cuộc đời mình, nên cần phải cân nhắc cẩn thận, tìm hiểu cho kỹ lưỡng, xét nét cho thật nghiêm chỉnh các phương diện.

Đạo Cao Đài không bắt buộc ai theo Đạo, nhưng khi đã giác ngộ theo Đạo thì buộc phải theo trọn đời bằng việc lập Minh thệ, không cho người tín đồ Cao Đài thối lui trở lại đường đời, mà phải tiến mãi trên con đường Đạo, để được trúng tuyển vào Đại Hội Long Hoa trước khi xảy ra cuộc Tận Thế thay đổi cuộc diện nơi Địa cầu 68 nầy.

Tại sao khi ở ngoài vòng thì không buộc, mà khi đã vào cửa Đạo rồi thì lại buộc ?
Bởi vì thời kỳ nầy là mạt kiếp của Hạ Nguơn Tam Chuyển, bước qua Thượng Nguơn Tứ Chuyển lập đời Thánh đức, nhơn loại phải trải qua một cuộc Đại Phán Xét cuối cùng, để chấm dứt một chu kỳ tiến hóa cũ, bắt đầu một chu trình tiến hóa mới. Do đó, Đức Chí Tôn đại khai ân xá cho các đẳng chơn hồn, nếu ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về ngôi vị cũ. Thời kỳ nầy cần phải tu gấp, tu rút, không còn thời giờ để chần chờ nữa. Bởi vậy Đức Chí Tôn buộc Minh thệ là thể lòng thương yêu vô lượng của Đấng Cha Lành, buộc con cái phải gấp rút tu hành để kịp trở về cùng Ngài.

Địa cầu nầy sắp phải chịu một lần đổi thay, nhơn loại bị nạn chết chóc đủ cách sầu thảm, 10 phần chỉ còn sống có 1 phần mà thôi. Số nhơn loại sống sót là những người đủ trình độ đạo đức, đủ bác ái công bình, để các Đấng lập đời Thánh đức, tạo lập một xã hội đại đồng.

Cho nên việc lập Minh thệ là một quyền lợi tất yếu của người tín đồ Đạo Cao Đài.
Đương nhiên luật công bình thiêng liêng mở ra có thưởng ắt có phạt. Nếu thực thi đúng theo lời Minh thệ thì chắc chắn sẽ được thiêng liêng ân thưởng như đã trình bày bên trên, còn nếu không giữ đúng lời Minh thệ hay làm ngược lại lời Minh thệ thì ắt bị phạt.

Cho nên, theo Đạo là để chí cốt tu hành, còn nếu cảm thấy không thể giữ được lời Minh thệ thì chưa nên theo Đạo. (Trích trong Cao Đài Từ Điển của Đức Nguyên)

V . Thất Thệ thì sao ?

Thế nào là Thất Thệ ?  Thất Thệ là làm mất lời thề, tức là không giữ được lời thề, không thực thi đúng lời thề, là vi phạm lời thề.

Trong phần II của bài nầy (đã trình bày ở các trang trước) : “Giải thích lời Minh Thệ” của Hội Thánh có ba mục : 1*, 2*, 3*, nếu không giữ đúng theo ba mục nầy thì phạm vào tội Thất Thệ.

Như Thất Thệ có bị Thiên tru Địa lục không ?
Đáp : Theo nguyên tắc thì phải bị Thiên tru Địa lục đúng theo lời thề, nhưng đối với một ông Cha hiền từ là Đại Từ Phụ, chỉ biết hăm he phạt nặng cho con cái sợ sệt mà lo tu hành, chớ có bao giờ Ngài giết chết con cái của Ngài. Những người thất thệ chỉ bị đọa vào Phong Đô, tức Cõi Âm Quang, để học đạo, nơi đó có Thất Nương DTC giáo hóa nữ phái và Địa Tạng Vương Bồ Tát dạy nam phái cho biết rõ lẽ đạo, đâu là phước, đâu là tội. Khi đã thức tỉnh biết rõ thì các Đấng nơi ấy cho đi đầu thai chuyển kiếp để trả quả theo đúng luật công bình thiêng liêng, đồng thời lo tu hành để được Đức Chí Tôn cứu vớt.

TNHT: Hồng ân của Đại Từ Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn hồn sa đọa hằng hà, mỗi ngày xem chẳng ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy, đó là mấy Đạo hữu tín đồ thất thệ. (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 165)

Sau đây là kết quả việc Thất thệ của một tín đồ, tại Hương đạo Bá Hữu, Phận đạo đệ nhứt, có Phúc Trình dâng lên Hội Thánh.

Nội dung Phúc Trình, xin chép ra sau đây :
“ Chúng tôi là Bàn Trị Sự đương quyền Hành Chánh Hương đạo Bá Hữu thuộc Đệ I Phận đạo, đồng kính phúc trình một việc như sau :

Kính bạch Hội Thánh,
Nguyên trong Hương đạo chúng tôi có vị Đạo hữu Lê Văn Lòng 60 tuổi, qui vị ngày 17-giêng-Đinh Mùi, nhưng vị nầy trước kia còn sống thì có tánh hiền lương chơn thật, biết lập công bồi đức cùng Đạo, nhưng ông còn thiếu sự chay lạt và cúng kiếng. Ông không biết nên ngày qui vị của ông, Bàn Trị Sự chúng tôi hành lễ theo Châu Tri số 61 của Hội Thánh, thì có người con trai lớn của ông là Lê Văn Sen 29 tuổi, thợ hồ, yêu cầu Bàn Trị Sự chúng tôi hành lễ đủ kinh cho thân phụ người rồi thì sẽ ăn chay trong 81 ngày và tụng kinh trong Tuần Cửu, nhưng nói mà thông qua chớ không ăn chay, nên 10 giờ đêm ngày 17-3-Đinh Mùi, ông Lê Văn Lòng về nhập xác cho con về việc nói trên và cung khai các việc như sau:

Do sự chứng kiến của Liên gia trưởng và nhiều người lân cận nói lại, ông về mách bảo vợ con biết là ông thất thệ, hồi còn sống không ăn chay, nên bị tội ở Khách Đình của Hội Thánh, để chờ ngày thưởng phạt  của các Đấng.

Ông nói với vợ con rằng: Yêu cầu Bàn Trị Sự tụng kinh cho ông 3 đêm Sám Hối xin tội giùm ông, ông mới đặng siêu thăng, và ông đính chánh ông có hai tên: Nguyễn Văn Lòng tự là Lê Văn Bộ, mới đúng trong Bộ thiêng liêng và khi dâng sớ cầu nguyện cũng viết y như vậy.

Ông còn nói: Linh hồn ông hiện giờ còn ở lưng chừng, muốn đi đâu phải xin phép mới có người hướng dẫn, và muốn vô nhà nào cũng không được vì nơi gia đình tư nhân có thờ Chí Tôn thì không dám vô vì ở đó có Thần Thánh, mà ông là người có tội, vì ông không giữ đúng lời Minh Thệ khi  nhập môn  cầu đạo.
Ông Trưởng liên gia hỏi thêm ông: Hiện giờ ở Khách Đình có một mình ông hay có ai nữa không ?
Ông trả lời: Trùng trùng điệp điệp, những người thất thệ lưng chừng như ông còn ở đó mấy chục năm nay.
Ông nói đến đây rồi khóc òa lên và nói cho vợ con tin làm bằng chứng là cái mả của ông, mưa lở một phía bên trái, gần đầu. Việc nầy cũng đúng sự thật.
Đến đây ông xuất đi luôn.
Bá Hữu, ngày 18 tháng 3 năm Đinh Mùi (1967).
(Bàn Trị Sự ký tên)

VI . Phần kết :

Những người đến nhập môn vào Đạo Cao Đài phần lớn không phải do hiểu biết giáo lý của Đạo, hay có đức tin Thượng Đế, mà là do cảm phục sự linh hiển hay sự cao cả của Đạo trong việc phụng sự bất vụ lợi giúp ích nhơn sanh.

Như trường hợp của ông Út Mô đã kể nơi phần I, ông cảm phục Đạo Cao Đài tổ chức một đám tang cho người đạo nghèo với đầy đủ nghi lễ, trong trật tự trang nghiêm và huyền bí, với tinh thần làm công quả bất vụ lợi, khiến cho người nghèo được làm đám cũng long trọng như người giàu. Ông cảm phục lẽ đó mà nhập môn vào Đạo.

Ông Út Mô chưa có đức tin tôn giáo, chưa có tín ngưỡng Trời Phật, chỉ thấy một mặt thể hiện tốt đẹp về nghi thức đám tang mà ông theo Đạo.

Nhưng đó là cái duyên rất cần thiết cho một người đến với Đạo. Nếu chưa có cái duyên nầy thì ông Út Mô chưa đến với Đạo.

Do đó, các Chức sắc trong cơ Phổ Độ của Đạo Cao Đài cần phải thuyết minh giáo lý cho các tín đồ hiểu rõ, để chuyển từ cái mê tín (là cái duyên) thành chánh tín thực sự, hoàn toàn tin tưởng Đạo Cao Đài là chánh đạo có một giáo lý chơn thật đủ sức giải thoát con người ra khỏi biển khổ luân hồi, tin tưởng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu là hai Đấng Cha Mẹ chung của toàn cả chúng sanh, luôn luôn thương yêu và tìm cách cứu độ chúng sanh.

Riêng bản thân của người Đạo hữu Cao Đài, ngoài việc cúng kiếng và làm công quả, phải dành nhiều thời giờ để học luật pháp và giáo lý của Đạo có in trong các kinh sách thì mới hiểu rõ chơn truyền của Đạo, mới có đức tin vững chắc và mới không bao giờ xa Đạo hay bỏ Đạo mà thất thệ với Đức Chí Tôn.

*  Giải nghĩa vài từ ngữ đã dùng :
1 . Tại sao tín đồ Đạo Cao Đài gọi Đức Chí Tôn là Thầy ?
Đức Chí Tôn là từ mà tín đồ Đạo Cao Đài thường gọi Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, hay vắn tắt là Thượng Đế, Ông Trời, là Đấng Chúa tể CKVT và vạn vật.

Đức Chí Tôn giáng cơ dạy đạo, xưng mình là Thầy, gọi các người nhập môn vào đạo là các con, là chư môn đệ.

Vì thế, các tín đồ Cao Đài đều là môn đệ của Đức Chí Tôn và gọi Đức Chí Tôn là Thầy.

Đức Chí Tôn là cha của linh hồn, Đức Phật Mẫu là mẹ của chơn thần, nên chúng ta gọi Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ và Đức Phật Mẫu là Đại Từ Mẫu, là hai Đấng Cha Mẹ chung thiêng liêng của toàn cả chúng sanh.

2 . Cõi Âm quang là gì ? ở đâu ?
Trong TNHT I-II hợp nhứt, bài Thánh Ngôn số 159 và 165, Bát Nương và Thất Nương có giải rõ về Âm quang. Đây là cõi giữa Thiên đường và Địa ngục, được Đức Chí Tôn lập ra, sau khi đóng Địa Ngục mở tầng Thiên vào thời ĐĐTKPĐ trong Đại Ân Xá của Ngài.

Thời trước, các linh hồn phạm tội bị giam vào Địa ngục để quỉ sứ hành hình như đã nói trong Kinh Sám Hối, nhưng khi Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài cũng là Đại Ân Xá kỳ ba, Đức Chí Tôn phế bỏ Địa ngục, lập ra một cảnh mới là cõi Âm quang, để đưa các linh hồn tội lỗi đến đó  học đạo.

Thất Nương DTC dạy dỗ các nữ tội hồn, Địa Tạng Vương Bồ Tát giáo hóa các nam tội hồn. Ở cõi Âm quang chỉ có giáo hóa chớ không có trừng phạt.

Khi các tội hồn thức tỉnh, biết lẽ thiện ác thì được cho đi đầu kiếp nơi cõi trần để trả quả và tu hành, để được siêu thăng về cõi thiêng liêng.

3 . Chánh tín và mê tín là gì ?
Chánh tín là tin tưởng đúng đắn, chơn chánh.
Mê tín là tin tưởng mù quáng, quàng xiên, lầm lẫn.
Chánh tín thì chánh niệm, mê tín thì vọng niệm.
Chánh tín là tin tưởng tuyệt đối lời giáo huấn của Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Tiên, Phật là chơn thật, tin tưởng luật công bình thiêng liêng của Trời Đất.

Mê tín thì không tin luật công bình, luôn luôn vụ lợi, cầu cúng nhiều để Thần Thánh ban phước cho mình và gia đình mình. Thần Thánh công bình đâu bao giờ ăn hối lộ mà cầu cúng như vậy.
Muốn chuyển Mê tín qua Chánh tín thì chỉ có một cách là học đạo cho thấu đáo mà thôi.

4 . Cửu phẩm Thần Tiên :
Cửu phẩm Thần Tiên là 9 phẩm vị từ Thần đến Tiên, kể ra: Địa Thần, Nhơn Thần, Thiên Thần,
Địa Thánh, Nhơn Thánh, Thiên Thánh,
Địa Tiên,    Nhơn Tiên, Thiên Tiên.

Theo PCT :
* Đạo hữu giữ tròn Minh Thệ và Tân Luật thì được đối phẩm Địa Thần.
* Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự, làm tròn phận sự thì được đối phẩm Nhơn Thần.
* Lễ Sanh đối phẩm Thiên Thần.
* Giáo Hữu đối phẩm Địa Thánh. vv . . . .

Chương 2

CÁCH LẠY

I . Ấn Tý - Cách bắt Ấn Tý :
1 . Ấn Tý là gì ?
Ấn là dấu hiệu đặc biệt về mặt đạo có tác dụng huyền bí do hai bàn tay kết lại tạo ra. Tý là chi đầu tiên trong Thập nhị Địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, vv . . . .
Trên bàn tay trái, vị trí của Tý ở tại chân ngón áp út, Sửu ở chân ngón giữa và Dần ở chân ngón trỏ.
Ấn Tý là cái ấn mà ngón tay cái của bàn tay trái co lại chỉ vào chi Tý rồi nắm lại, bàn tay mặt ốp bên ngoài mà ngón cái chỉ vào chi Dần của bàn tay trái.

2 . Cách bắt Ấn Tý :
Ấn Tý là cái ấn đặc biệt của Đạo Cao Đài, cách bắt như sau : (Xem hình vẽ 1,2,3,4)
- Hình 1 : vị trí của ba Địa chi : Tý, Sửu, Dần trong thập nhị Địa chi nơi bàn tay trái.
- Hình 2 : ngón cái co lại đặt tại chi Tý, ý nghĩa là : Thiên khai ư Tý (Trời mở ra ở hội Tý).
- Hình 3 : nắm bốn ngón tay trái lại, bên trong có ngón cái làm như cái hột ở giữa.
- Hình 4 : bàn tay mặt ốp bên ngoài nắm tay trái ấy, ngón cái của bàn tay mặt đặt vào vị trí chi Dần của tay trái, ý nghĩa : Nhơn sanh ư Dần (Người sanh ra ở hội Dần).
Hay
Hai tay bắt như vậy gọi là Ấn Tý.
Cách bắt Ấn Tý có ý nghĩa về sự tạo thành Trời Đất và Nhơn loại, theo quan niệm của người xưa ở đông phương: Thời gian tạo thành càn khôn vũ trụ và vạn vật được chia làm 12 khoảng, mỗi khoảng thời gian được gọi là Hội và đặt tên theo Thập nhị Địa chi : Hội Tý là Hội đầu tiên, kế đến Hội Sửu, sau đó là Hội Dần, vv. . . .
· Thiên khai ư Tý : Trời mở ra ở hội Tý.
· Địa tịch ư Sửu :  Đất mở ra ở hội Sửu (tịch là mở).
· Nhơn sanh ư Dần : Người sanh ra  ở hội Dần.
· Các hội tiếp theo là sự tiến hóa của trời, đất, người và vạn  vật đến chỗ hoàn hảo.

Ấn Tý là ấn đặc biệt của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà Đức Chí Tôn đặt ra. Cho nên trong thời ĐĐTKPĐ, mỗi khi lạy, chúng ta đều phải bắt Ấn Tý, trong tất cả các trường hợp, dù đó là lạy Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu, lạy các Đấng Thần Thánh Tiên Phật, hay lạy Cửu Huyền Thất Tổ, lạy Vong phàm.

II . Cách lạy và xá :

Lạy là gì ? Lạy là tỏ ra bề ngoài lễ kỉnh trong lòng.
Tay trái tượng trưng Dương, tay mặt tượng trưng Âm, hai tay chấp lại tượng trưng Âm Dương hiệp nhứt phát khởi càn khôn, hóa sanh vạn vật.

Hai tay chấp lại bắt theo Ấn Tý tạo hình như một trái cây, tượng trưng sự kết quả của hai thời kỳ Phổ Độ trước là : Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ.

- Thời Nhứt Kỳ Phổ Độ : Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy cách bắt tay : Bàn tay trái nắm lại, ngón cái để ngoài, bàn tay mặt ốp vào bên ngoài, hai ngón cái đặt song song sát nhau, giống như cái bông búp. Khi lạy thì đứng chấp tay nơi ngực, cúi người xuống thấp, hai bàn tay chống lên đất, hai đầu gối lần lượt quì xuống, cúi đầu gần sát đất. Xong rồi rút hai tay lên, kế chống một gối, đặt hai tay lên gối rồi đứng dậy. Lạy như vậy gọi là phủ phục.

- Thời Nhị Kỳ Phổ Độ : Đức Phật Thích Ca dạy cách bắt tay và lạy như sau : Hai bàn tay xòe ra và chấp lại cho hai lòng bàn tay ốp sát vào nhau, giống như cái hoa sắp nở, khi lạy thì cúi người xuống thấp, mở hai bàn tay ra đặt ngửa trên mặt đất, giống như cái hoa nở (gọi là hoa khai), cúi đầu xuống cho trán chạm vào lòng hai bàn tay, xong rút tay lên chấp lại như cũ và đứng dậy.

- Thời Tam Kỳ Phổ Độ : Đức Chí Tôn dạy chúng ta chấp hai tay bắt Ấn Tý, giống như trái cây có cái hột bên trong (gọi là kết quả), quì xuống, cúi đầu và mở hai bàn tay ra đặt úp lên mặt đất, hai ngón tay cái gác tréo nhau (Hình 5), giống như chúng ta gieo hột giống xuống đất, trán cúi xuống chạm nhẹ lên mô bàn tay, rồi cất người lên.

Tóm lại, Ấn Tý của Đạo Cao Đài có hai ý nghĩa :
* Một là biểu thị ba thời kỳ đầu tiên tạo dựng CKVT (gồm Trời, Đất, Người) của Đức Chí Tôn Thượng Đế.
* Hai là tượng trưng sự kết quả của hai thời kỳ Phổ Độ trước (Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ).

Cách xá : 
Khi đứng xá, hai tay bắt Ấn Tý, đưa lên trán, ý nghĩa là kỉnh Thiên (Trời), xá sâu xuống, ý nghĩa là kỉnh Địa (Đất), rồi rút Ấn Tý lên đặt nơi ngực, ý nghĩa là kỉnh Nhơn (Người). Xá như vậy nhắc chúng ta kính Tam Tài : Thiên, Địa, Nhơn.

Chỉ xá trước khi lạy và sau khi lạy xong, phải xá sâu xuống. Lưu ý là giữa hai lạy, không có xá nhỏ xen vào.

1. - Cách lạy Đức Chí Tôn :
- Đứng thẳng người, mặt hướng vào Thiên bàn, tay bắt Ấn Tý, xá sâu 3 xá, quì xuống (chân trái bước tới, chân phải quì xuống, chân trái quì theo), đặt ấn Tý trước ngực.

- Lấy dấu Phật Pháp Tăng :
. Đưa ấn Tý lên giữa trán niệm : Nam mô Phật.
. Đưa qua màng tang trái, niệm : Nam mô Pháp.
. Đưa qua màng tang mặt, niệm : Nam mô Tăng.

(Khi đưa ấn Tý qua Pháp hay qua Tăng, nhớ giữ cái đầu luôn luôn thẳng đứng, đừng nghiêng đầu qua nghiêng đầu lại)

- Đưa ấn Tý xuống đặt giữa ngực, cúi đầu và niệm :
. Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
. Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.
. Nam mô Lý Đại Tiên Trưởng kiêm Giáo Tông ĐĐTKPĐ
. Nam mô Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân.
. Nam mô chư Phật chư Tiên chư Thánh chư Thần.

- Đưa ấn Tý lên giữa trán cầu nguyện Đức Chí Tôn.
- Lạy xuống lần thứ nhứt, nhớ hai bàn tay mở ra úp xuống, hai ngón cái gác tréo nhau (Hình 5), đầu gật xuống :
. gật thứ 1 niệm :
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
. gật thứ 2 : cũng niệm y như vậy.
. gật thứ 3 : cũng niệm y như vậy.
. gật thứ 4 : cũng niệm y như vậy.

Xong rồi cất mình lên, vẫn quì.
- Lạy xuống lần thứ nhì, lần lượt gật 4 gật, mỗi gật cũng niệm câu Chú của Thầy y như vậy.
- Lạy xuống lần thứ ba, làm y như lần lạy thứ nhì.
Như vậy, có 3 lần lạy (tức là lạy 3 lạy), mỗi lạy gật đầu 4 gật, mỗi gật niệm “Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát”. Câu niệm đó gọi là câu Chú của Thầy. Tổng cộng lạy 3 lạy, 12 gật, 12 lần niệm.

Lạy xong, đứng dậy, xá sâu xuống 3 xá.
Nếu nơi Thánh Thất thì có bàn thờ Đức Hộ Pháp, phải quay lại, xá chữ KHÍ 1 xá.

Nếu không phải nơi Thánh Thất, không có bàn thờ Đức Hộ Pháp và chữ KHÍ thì khỏi quay lại xá. Xong lui ra.
Thật ra, phải lạy Đức Chí Tôn 12 lạy, nhưng Đức Chí Tôn ân xá, chỉ cho lạy 3 lạy và 12 gật, mỗi gật thay thế một lạy.  Số 12 là số riêng đặc biệt của Đức Chí Tôn.

Lưu ý : Nhận thấy có một vài vị, khi lạy xong, cất mình lên, rút tay bắt ấn Tý đặt lên ngực, lại xá nhỏ xuống một cái. Cái xá nhỏ nầy thừa.

2. - Cách lạy Đức Phật Mẫu :
Khi đến Điện Thờ Phật Mẫu, chúng ta vào chánh điện, đứng thẳng người hướng vào bàn thờ Đức Phật Mẫu, tay bắt ấn Tý, xá sâu 3 xá vừa cúi đầu, rồi quì xuống.
. Đưa ấn Tý lên trán, xá sâu xuống một xá, vừa xá  vừa niệm : Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.
. Rút ấn Tý đặt trở lên ngực, rồi đưa lên trán, xá sâu xuống lần thứ nhì, vừa xá vừa niệm :
Nam mô Cửu vị Tiên Nương.
. Xá sâu xuống lần thứ ba, vừa xá vừa niệm :
Nam mô Bạch Vân Động chư Thánh.
. Đưa ấn Tý lên trán cầu nguyện với Đức Phật Mẫu. . Lạy xuống 3 lạy, mỗi lạy 3 gật, mỗi gật niệm :
Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.

Như vậy, lạy 3 lạy, 9 gật, 9 lần niệm danh hiệu của Đức Phật Mẫu.
Lạy xong đứng dậy, xá 3 xá, day ngược ra sau, xá cái phông màu trắng 1 xá. Cái phông ấy tượng trưng Khí Sanh quang mà Đức Phật Mẫu dùng để nuôi sống chúng ta. Xá xong lui ra.

3. - Cách lạy Tiên, Phật :
Trước khi lạy, vào đứng, bắt ấn Tý, xá 3 xá, rồi quì xuống, nếu có cầu nguyện chi thì đưa ấn Tý lên trán cầu nguyện, xong lạy xuống 3 lạy, mỗi lạy gật 3 gật, mỗi gật niệm danh hiệu của Đấng ấy.
Thí dụ : Lạy Đức Phật Thích Ca thì niệm : Nam mô Tây Phương Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn.
Lạy Cửu vị Tiên Nương thì niệm : Nam mô Cửu vị Tiên Nương.

4. - Cách lạy Thần, Thánh :
Trước khi lạy, vào đứng, bắt ấn Tý, xá 3 xá, rồi quì xuống, nếu có cầu nguyện chi thì đưa ấn Tý lên trán cầu nguyện, xong lạy xuống 3 lạy trơn (không gật), mỗi lạy  niệm danh hiệu của Đấng ấy.
Thí dụ : Lạy Bạch Vân Động chư Thánh thì mỗi lạy  niệm : Nam mô Bạch Vân Động chư Thánh.
Lạy Thần Hoàng Bổn Cảnh thì mỗi lạy niệm : Nam mô Thần Hoàng Bổn Cảnh.

5. - Cách lạy Cửu Huyền Thất Tổ :
Giống y như lạy Thần, Thánh, nghĩa là 3 lạy trơn, mỗi lạy niệm : Nam mô Cửu Huyền Thất Tổ.

6. - Cách lạy Vong phàm :
Vong phàm là vong linh của người phàm tục.
Người phàm tục là người chưa giác ngộ lẽ đạo, chưa có tín ngưỡng Trời Phật hay tôn giáo, chưa tin tưởng con người có một linh hồn bất diệt.

Trong PCT Chú Giải, phần Quyền hành của Chánh Phối Sư, người phàm tục được định nghĩa như sau :
PCT : “ Kẻ ngoại giáo, Tả đạo Bàng môn, người vô đạo, riêng nắm quyền hành thế tục, nghịch cùng chơn lý chánh truyền, mượn thế lực phàm tục mà diệt lành dưỡng dữ, mê hoặc nhơn sanh, lưu luyến trần thế, trên không biết Trời, dưới không kỉnh Đất, lấy người làm lợi khí đặng vụ tất công danh, quyền quyền thế thế, chẳng kiêng nể luân hồi, ham vật chất hơn tinh thần, lấy vinh hoa của kiếp sanh làm sở nguyện, như thú vật, cây cỏ, sắt đá, chỉ biết sống mà không biết sống làm gì, còn không hay, mà mất cũng không biết. Ấy là hạng phàm, gọi là đời đó vậy. “
Lạy Vong phàm gồm 4 lạy : 2 lạy quì và 2 lạy đứng, thực hành như sau :
Trước khi lạy, vào đứng, hai tay bắt ấn Tý, xá 3 xá.
Quì xuống, nếu có cầu nguyện chi thì đưa ấn Tý lên trán cầu nguyện, xong lạy xuống 2 lạy trơn (không gật).

Hai lạy quì  ý nghĩa là 1 lạy kính Thiên và 1 lạy kính Địa.
Xong rồi đứng lên, tay vẫn bắt ấn Tý, cúi mình lạy xuống theo lối phủ phục, chống đầu gối đứng dậy, rồi lạy xuống như vậy một lần nữa. Đó là 2 lạy đứng dành cho phần người, ý nghĩa là 1 lạy Âm và 1 lạy Dương. Xong thì xá 1 xá rồi  lui ra.

7. - Cách lạy Chức sắc, Chức việc, Đạo hữu đã qui liễu :
Cách lạy tùy theo phẩm tước của vị Chức sắc ấy đối phẩm với hàng nào trong Cửu phẩm Thần Tiên.
a) Chức sắc đối phẩm Phật vị và Tiên vị : gồm  Đức Giáo Tông, Đức Chưởng Pháp, Nam Đầu Sư, Nữ Đầu Sư, Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh, Thập nhị Thời Quân.
Lạy theo cách lạy Tiên, Phật, nghĩa là 3 lạy 9 gật, mỗi gật niệm danh của Chức sắc ấy.
Thí dụ : Lạy Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung thì niệm : Nam mô Đức Quyền Giáo Tông.
(Ở đây không dùng Thánh danh Thượng Trung Nhựt vì Thánh danh nầy là của phẩm Đầu Sư).
Lạy Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu thì niệm : Nam mô Nữ Đầu Sư Hương Hiếu.
Lạy Đức Phạm Hộ Pháp thì niệm : Nam mô Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn.
Lạy Đức Cao Thượng Phẩm thì niệm : Nam mô Đức Cao Thượng Phẩm.
Lạy Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa thì niệm : Nam mô Trần Khai Pháp Chơn Quân.....vv...

b) Chức sắc đối phẩm Thánh vị :
Đối phẩm hàng Thánh vị gồm các phẩm Chức sắc :
- Bên Cửu Trùng Đài, từ Chánh Phối Sư đổ xuống tới hàng Giáo Hữu,
- Bên Hiệp Thiên Đài, từ phẩm Tiếp Dẫn Đạo Nhơn đổ xuống tới Truyền Trạng,
- Bên Cơ Quan Phước Thiện thì từ phẩm Thánh Nhơn đổ xuống tới phẩm Chí Thiện,
- Và các phẩm Chức sắc tương đương trong các cơ quan khác của Đạo như : Bộ Nhạc, Ban Kiến Trúc, Ban Nhà Thuyền, Ban Thế Đạo, vv . . .  (Xem Bảng Đối phẩm nơi cuối Chương Phước Thiện)

Cách lạy giống y như lạy Thánh, nghĩa là 3 lạy trơn, mỗi lạy niệm phẩm tước và Thánh danh của vị ấy, nếu không có Thánh danh thì niệm Thế danh.

c) Lễ Sanh, Chức việc Bàn Trị Sự và Đạo hữu :

- Lễ Sanh và các phẩm Chức sắc tương đương được đối phẩm Thiên Thần, nên khi qui liễu, được lạy theo hàng Thần vị, nghĩa là 3 lạy trơn.

- Chức việc BTS gồm : Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự làm tròn nhiệm vụ thì được đối phẩm Nhơn Thần; Đạo hữu giữ tròn bổn phận và ăn đủ 10 ngày chay mỗi tháng được đối phẩm Địa Thần; các phẩm nầy và các phẩm tương đương khi qui liễu thì được lạy theo hàng Thần vị : 3 lạy trơn.

Điều nầy rất hợp lý, vì theo PCT : Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự đối phẩm Nhơn Thần; Đạo hữu đối phẩm Địa Thần, nên các phẩm nầy đều thuộc Thần vị.

Nếu cho rằng các phẩm nầy khi qui liễu là Vong phàm thì trái với PCT, hơn nữa 3 phẩm Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự là Hội Thánh Em (Đầu Sư Em, Giáo Tông Em, Hộ Pháp Em), thay mặt Hội Thánh Anh, cầm quyền hành đạo nơi hương đạo thì không thể xem là Vong phàm được.

PCT : (Đoạn nầy trích trong Quyền hành Chánh Phối Sư)
“ Trong Cửu Trùng Đài có Đầu Sư thì đối với phẩm Địa Tiên; Chưởng Pháp thì đối với phẩm Nhơn Tiên; Giáo Tông thì đối với phẩm Thiên Tiên; Tam Trấn Oai Nghiêm thay quyền Phật vị tại thế nầy. Ấy vậy, các Đấng ấy đối phẩm cùng các Đấng Trọn lành của Bát Quái Đài.

Giáo Tông giao quyền cho Đầu Sư, Đầu Sư lại phân quyền cho Chánh Phối Sư (Hay !) lập Đạo đặng độ rỗi nhơn sanh; cũng như Hộ Pháp giao quyền cho Thượng Sanh và Thượng Phẩm.
Còn Chánh Phối Sư và Phối Sư đối phẩm Thiên Thánh;  Giáo Sư đối phẩm Nhơn Thánh; Giáo Hữu đối phẩm Địa Thánh; Lễ Sanh đối phẩm Thiên Thần; Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự đối phẩm Nhơn Thần, chư Tín đồ đối phẩm Địa Thần. (Hay !)
Ấy vậy, các vị  ấy đối phẩm vào hàng Thánh của Bát Quái Đài là cầm quyền lập Đạo.”

d) Chức sắc và Đạo hữu thất thệ, làm đám tang theo cách Bạt tiến :

Trong trường hợp nầy, dầu ở phẩm cấp nào, chúng ta  cũng lạy theo hàng Vong phàm, nghĩa là 2 lạy quì và 2 lạy đứng.

8. -  Lạy người sống :
Khi con cháu lạy cha mẹ hoặc ông bà còn sống, hay trò lạy thầy còn sống, thì đứng hướng vào vị đó, chấp hai tay ấn Tý, xá 1 xá, rồi lạy 2 lạy đứng theo lối phủ phục, lạy xong xá 1 xá.

Chúng ta nhớ, trong tất cả cách lạy thời ĐĐTKPĐ, hai tay phải bắt ấn Tý, vì ấn Tý là ấn của ĐĐTKPĐ.

III . Giải thích các từ ngữ đã dùng :

Tại sao có 3 thời kỳ phổ độ ?
Bởi vì từ khi xuất hiện loài người trên mặt địa cầu nầy, Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu cho 100 ức nguyên nhân giáng trần để khai hóa nhơn loại. (1 ức = 100 000)

Số nguyên nhân ấy khi sống nơi cõi trần, ăn thực phẩm của cõi trần nên bị qui phàm, không thể trở về được với Chí Tôn và Phật Mẫu. Đức Chí Tôn thương xót, mở ra Nhứt Kỳ Phổ Độ để cứu độ các nguyên nhân nầy.
* Các tôn giáo lớn thuộc Nhứt Kỳ Phổ Độ mở ra vào thời thái cổ gồm :
- Nhiên Đăng Cổ Phật mở Phật giáo ở Ấn Độ.
- Brahma Phật mở đạo Bà La Môn ở Ấn Độ
- Thái Thượng Đạo Tổ mở Tiên giáo ở Trung hoa.
- Vua Phục Hy khởi đầu Nho giáo ở Trung hoa.
- Thánh Moïse mở Do Thái giáo ở nước Do Thái.

Các tôn giáo nầy chỉ cứu độ được 6 ức nguyên nhân, nên vẫn còn 94 ức nguyên nhân bị đọa trần.
Đức Chí Tôn lại thương xót, nên mở ra Nhị Kỳ Phổ Độ để tiếp tục cứu độ các nguyên nhân còn lại.
* Các tôn giáo lớn thuộc Nhị Kỳ Phổ Độ mở ra vào thời thượng cổ, gồm :
- Phật Thích Ca mở Phật giáo ở Ấn Độ.
- Lão Tử mở Tiên giáo ở Trung hoa.
- Khổng Tử chấn hưng Nho giáo ở Trung hoa.
- Chúa Jésus mở Thiên Chúa giáo ở Do Thái.

Các tôn giáo kỳ nầy cứu độ được 2 ức nguyên nhân.
Như vậy, số nguyên nhân còn bị đọa trần là 92 ức.

* Đức Chí Tôn mở lòng đại từ đại bi lần chót, khai Tam Kỳ Phổ Độ tại nước Việt Nam, gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài, kéo dài 700 ngàn năm, để tận độ  92 ức nguyên nhân còn bị đọa trần.

Đây là lần cứu độ chót, nếu các nguyên nhân không giác ngộ tu hành, không trở về được cõi TLHS thì không còn kêu ca hay trách móc vào đâu được nữa.

Chương 3

ĂN CHAY

I . Định nghĩa - Trai kỳ - Trường trai.
1 . Định nghĩa :
Ăn chay là ăn các loại thực phẩm phát xuất từ thảo mộc hay được chế biến từ thảo mộc.
Thí dụ : Ăn các loại rau cải, hoa quả, củ đậu, tàu hủ, tương chao, các loại nấm, vv . . .
Trái với Ăn chay là Ăn mặn.
Ăn mặn là ăn các loại thực phẩm phát xuất từ động vật hay được chế biến từ động vật. Động vật là nói chung các loài vật cử động : bò, bay, máy, cựa.
Thí dụ : Ăn thịt heo, gà vịt, bò, cá, tôm, cua, ba tê, lạp xưởng, hột vịt lộn, cá mòi hộp, vv.....

2 . Trai kỳ :
Chữ “chay” do chữ Hán là “trai” nói trại ra. Trai có nghĩa là trong sạch, thanh tịnh.

Trai kỳ là ăn chay kỳ, tức là ăn chay một số ngày nhứt định trong mỗi tháng âm lịch, những ngày còn lại thì được ăn mặn.

Có hai loại trai kỳ : Lục trai và Thập trai.
- Lục trai là ăn chay mỗi tháng 6 ngày, đạo Tiên gọi là Nguơn Thủy Lục trai, do Đức Nguơn Thủy lập ra.
Sáu ngày chay qui định trong tháng âm lịch là :
1,  8,  14,  15,  23,  30.

Nếu tháng âm lịch thiếu, không có ngày 30 thì ăn chay ngày 29 thế vào cho đủ 6 ngày chay.
- Thập trai là ăn chay mỗi tháng 10 ngày, đạo Phật gọi là Chuẩn Đề Thập trai, do Đức Phật Chuẩn Đề lập ra.

Mười ngày chay qui định trong tháng âm lịch là :
1,  8,  14,  15,  18,  23,  24,  28,  29,  30.

Nếu tháng âm lịch thiếu, không có ngày 30 thì ăn chay ngày 27 thế vào cho đủ số 10 ngày chay.

3 . Trường trai :
Trường trai là ăn chay trường, tức là ăn chay hoài từ ngày nầy qua ngày khác (không có ngày nào ăn mặn).

Theo Tân Luật, các tín đồ còn trong cấp Hạ thừa thì ăn chay kỳ tức là ăn 6 ngày hoặc 10 ngày trong tháng; còn các tín đồ trong bực Thượng thừa thì ăn chay trường.

Trong bực Hạ thừa, ăn chay 6 ngày trong một tháng là giai đoạn tập sự để cho quen dần với việc ăn chay, không nên giữ hoài như vậy, mà sau đó phải ráng tiến lên ăn chay 10 ngày trong một tháng thì mới được nhìn nhận là tín đồ thiệt thọ chánh thức của Đạo Cao Đài, mới thọ hưởng được các bửu pháp khi qui liễu, tức là các phép bí tích độ hồn trong cơ tận độ của Đức Chí Tôn; nếu còn ăn chay 6 ngày trong một tháng thì không hưởng được những điều nầy và tang lễ chỉ làm bạt tiến mà thôi.

(Làm bạt tiến là làm lễ đề cử dâng lên các Đấng thiêng liêng xin cứu giúp vong hồn cho được siêu thăng). (Xem Chương chót : Tang lễ)

Hai bực tín đồ: 10 ngày chay và 6 ngày chay trong một tháng, chỉ khác nhau có 4 ngày chay, mà quyền lợi trong Đạo rất khác biệt nhau. Chúng ta rất nên lưu ý.

Ăn chay nửa năm : Đối với người ăn chay 10 ngày trong một tháng, nếu ăn chay thêm 3 tháng có rằm lớn trong 1 năm (tức là tháng giêng, tháng 7 và tháng 10) thì tổng cộng ăn chay được nửa năm trong một năm.

(Ăn chay luôn 3 tháng thì được 90 ngày, còn lại 9 tháng, ăn chay mỗi tháng 10 ngày thì được 90 ngày. Tổng cộng ăn chay được : 90 ngày + 90 ngày = 180 ngày, tức là nửa năm).

4 . Ngũ vị tân còn gọi là Ngũ huân :
Ngũ vị tân là 5 thứ có vị cay nồng và mùi hôi. (Tân là cay). Ngũ vị tân gồm : hành, hẹ, tỏi, kiệu, nén.
Bên Phật giáo, khi ăn chay thì cữ Ngũ vị tân.
Tu theo Tiên giáo, khi ăn chay, không kiêng cữ các thứ nầy, hễ là thảo mộc thì được ăn.

Trong Thánh Ngôn Sưu Tập, Quyển 1, đàn cơ ngày 16-1-1926, ông Quí Cao giáng cơ gọi Ngũ vị tân là Ngũ kỵ, tức là 5 thứ cấm kỵ không cho ăn đối với Phật giáo.

Ông Quí Cao viết rằng :
“ Ngũ kỵ là : hành, tỏi, sả, ớt, tiêu.
Theo Phật giáo thì kỵ, Tiên giáo thì không.
Phật vì tích Mục Liên Thanh Đề  gọi là uế vật, là phi.
Tiên đạo cho dùng các thảo mộc, chẳng kỵ vật chi.”

Trong quyển sách Thiên Đạo của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu có viết về việc nầy như sau :
“ Trong Trời Đất không có chi là tuyệt đối, thì sự ăn chay tất nhiên cũng không nên tuyệt đối.
Cái nguyên tắc của sự ăn chay là ăn toàn những chất thuộc thảo mộc, thì năm thứ: hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu, gọi là Ngũ huân, vẫn là thảo mộc.
Có cữ chăng là những bậc công cao quả dày, tham thiền nhập định, vì nó có tính cách kích thích và thương tổn tinh thần.

Người mới học đạo cần phải lao động trong trường công quả thì chưa buộc phải kiêng cữ, nhưng ai kiêng cữ được cũng nên.
Vậy, việc ăn chay cũng như việc tu hành, không nên thái quá mà cũng không nên bất cập.”

5 . Người ăn chay trường có phải cữ trầu thuốc không ?
Để giải đáp vấn đề nầy, chúng ta phân bực tu Thượng thừa ra hai nhóm :

1. - Các Chức sắc còn nhiệm vụ phổ độ nhơn sanh.
Nhóm nầy hoạt động gần gũi với nhơn sanh, đi đứng nhiều, giao tiếp nhiều, nên Tân Luật không bắt buộc phải cữ Ngũ vị tân và không cấm ăn trầu hút thuốc. Tuy nhiên, nên cữ Ngũ vị tân vì cái hại của nó là làm cho tánh của mình thêm nóng nảy, cũng như cần phải cữ ăn trầu và hút thuốc vì nó gây thêm phiền toái và làm hại sức khỏe. Đã là Chức sắc của Hội Thánh thì nên kiêng cữ các thứ kể trên để làm gương tốt cho nhơn sanh.

2. - Nhóm tu thượng thừa luyện đạo trong Tịnh Thất.
Trong Tân Luật, phần Tịnh Thất, điều thứ 6 có ghi:
“ Nhập Tịnh Thất rồi phải tuyệt trầu thuốc và không được ăn vật chi ngoài mấy bữa cơm.”
Ngũ vị tân làm cho linh hồn yếu ớt; ăn trầu, hút thuốc thì hại kim đơn. Hành giả tu thiền định, luyện đạo cần phải kiêng cữ tuyệt đối các thứ kể trên.

II . Ích lợi của việc ăn chay :

1. Ăn chay thì giữ được Ngũ Giới Cấm dễ dàng.
Ngũ Giới Cấm là giới luật rất quan trọng đối với người tu ở bực thượng thừa. Không giữ tròn Ngũ Giới Cấm thì không thể đắc đạo được.

Người ăn chay trường thì giữ được Ngũ Giới Cấm dễ dàng, vì :
- Ăn chay trường thì tránh được sát sanh trong sự ăn uống. Đã không nỡ giết hại sanh vật để ăn thịt thì cũng đâu nỡ giết chúng để làm trò chơi. (Bất sát sanh)
- Hễ không ăn thịt thì cũng dễ cữ rượu, vì rượu thịt luôn luôn đi kèm nhau như bóng với hình. (Bất tửu nhục)
- Không ăn thịt uống rượu thì lòng dục lắng xuống, nên không nghĩ đến tà dâm, phá hại gia cang của người. (Bất tà dâm)
- Nhờ ăn chay trường mà lòng tham vật chất không có cơ hội nẩy nở. Đã tu rồi thì còn cầu chi tiền tài, của cải, vì khi chết, linh hồn đâu có đem theo được các thứ đó, chỉ đem theo công đức và tội lỗi mà thôi. Do đó việc trộm cướp hay gian lận tài vật rất ít khi xảy ra. (Bất du đạo)

- Nhờ ăn chay trường mà tâm hồn trở nên thanh cao, tránh được việc nói dối lường gạt người, gây đau khổ cho người mà đem lợi lộc về cho mình. (Bất vọng ngữ)

2 . Ăn chay để thanh lọc bản thể, tinh khiết chơn thần:
Những thức ăn mặn là huyết nhục của các loài động vật nên chỉ bổ dưỡng cho thể xác con người, vì thể xác con người cũng là huyết nhục.

Các thức ăn chay là rau đậu, trái cây, ngũ cốc; các thứ nầy nhờ hấp thụ trực tiếp ánh sáng mặt trời, dưỡng khí, đạm khí của không khí, lại hấp thụ các chất khoáng trong lòng đất, nên các thức ăn chay có hai tác dụng bổ dưỡng :
- Bổ dưỡng xác thân nhờ những chất khoáng hấp thu trong đất và đạm khí  trong không khí.
- Bổ dưỡng chơn thần nhờ hấp thu ánh sáng và dưỡng khí.

Như thế, chúng ta phải nhận rằng, với chế độ ăn chay đầy đủ gồm nhiều rau đậu và trái cây, ăn chay rất tốt so với ăn mặn, vì nó bổ dưỡng cả thể xác và chơn thần.

Người ăn chay trường lâu năm tạo được vừng hào quang trong sáng nơi đỉnh đầu, chơn thần cũng được trong sáng, tinh tấn, nên nhẹ nhàng hơn không khí. Đến kỳ thoát xác, chơn thần xuất ra khỏi thể xác một cách dễ dàng và bay khỏi bầu không khí đến các cõi thiêng liêng.

Người ăn mặn thì chơn thần mờ tối, trọng trược, vì ăn huyết nhục của thú cầm, nên nặng nề, không thể bay thoát khỏi bầu khí quyển được.

Thánh ngôn của Đức Chí Tôn dạy rõ rằng :
“ Nó (chơn thần) vẫn là chất tức hiệp với không khí Tiên Thiên, mà trong khí Tiên Thiên thì hằng có điển quang. Cái chơn thần buộc phải tinh tấn, trong sạch, mới nhẹ hơn không khí, ra khỏi ngoài càn khôn đặng.
Nó phải có bổn nguyên chí Thánh, chí Tiên, chí Phật, mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng.
Phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất chơn thần tinh khiết.

Nếu như các con còn ăn mặn, luyện đạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng. Như rủi bị huờn thì đến khi đắc đạo, cái trược khí ấy vẫn còn, mà trược khí thì lại là vật chất tiếp điển, thì chưa ra khỏi lằn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt.

Còn như biết khôn thì ẩn núp tại thế mà làm một bậc Nhơn Tiên  thì kiếp đọa trần cũng còn chưa mãn.
Vì vậy mà Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo.”  (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 20)
Bát Nương giáng cơ giải về cõi Âm Quang, cho biết : Muốn qua khỏi cửa Âm Quang thì phải ăn chay trường.

“ Ấy là một cái quan ải, các chơn hồn khi qui Thiên, phải đi ngang qua đó. Sự khó khăn bước khỏi qua đó là đệ nhứt sợ của các chơn hồn. Nhưng tâm tu còn lại chút nào nơi xác thịt con người, cũng nhờ cái sợ ấy mà lo tu niệm. Có nhiều hồn chưa qua khỏi đặng, phải chịu ít nữa đôi trăm năm, tùy chơn thần thanh trược. Chí Tôn buộc trường trai cũng vì cái quan ải ấy.” (TNHT1-2 hợp nhứt, B 159)

3 . Ăn chay là luyện tập Bi, Trí, Dũng :
- Loài vật nào cũng biết ham sống sợ chết như người, biết chỗ nguy hiểm thì tránh né hay trốn chạy để bảo tồn sự sống. Khi sắp bị giết chết, chúng biết sợ sệt và rên la đau đớn. Không giết hại chúng nó để ăn thịt là thể hiện lòng thương yêu, đức tánh từ bi. Do vậy, việc ăn chay là để tập cho tánh  BI  càng ngày càng phát triển.

- Khi ăn chay, chúng ta mới sáng suốt nhận định rằng, loài thú vật cũng được Thượng Đế ban cho nó sự sống như con người, nó chỉ là đàn em kém tiến hóa hơn con người mà thôi. Sau nhiều lần chuyển kiếp, chúng nó cũng sẽ tiến hóa lên thành người như chúng ta. Do đó, không giết hại chúng là để phát triển đức tánh sáng suốt trong con người chúng ta, tức là phát triển thể  TRÍ.

- Trước sự hấp dẫn của các món rượu thịt thơm ngon, cũng như sự mời mọc nài ép của bạn bè, ta can đảm từ khước, tức là ta có hùng tâm dũng chí, không để dục vọng thấp kém lôi kéo. Như vậy, ta có được cái  DŨNG.

Vậy, sự ăn chay là để phát triển ba đức tánh : BI, TRÍ, DŨNG trong con người chúng ta, để cuối cùng, ba đức tánh ấy phát triển rực rỡ cao tột thì đắc thành Tiên Phật.

4 . Ăn chay là để tránh quả báo luân hồi :
Việc giết hại mạng sống của con vật tạo thành một ác nghiệp. Sau nầy, hồn của con vật ấy sẽ đòi chúng ta phải trả món nợ sát mạng đó, và theo luật công bình thiêng liêng, chúng ta phải luân hồi tái kiếp để đền trả mối nợ oan nghiệt ấy.

Còn việc ăn chay, tuy cũng có giết hại mạng sống loài thảo mộc, nhưng tội nầy nhẹ hơn nhiều so với việc giết hại thú vật, vì loài thảo mộc kém tiến hóa rất nhiều so với thú cầm.

Hơn nữa, việc sát hại thảo mộc để nuôi sống xác thân của chúng ta, được chúng ta đền trả lại bằng xác thân của chúng ta khi chết.  Khi chết, xác thân của chúng ta được vùi chôn trong lòng đất, rồi dần dần sẽ tan rã thành những chất bổ dưỡng nuôi sống thảo mộc. Khi sống thì ta ăn thảo mộc, khi chết thì thảo mộc ăn lại xác thân ta. Thế là hòa, không ai nợ ai. Như vậy, việc ăn chay giúp chúng ta không mắc nợ oan nghiệt, mà không mắc nợ oan nghiệt thì thoát khỏi luân hồi.

5 . Ăn chay để kềm chế Lục dục Thất tình :
Ăn chay, ăn những thức ăn thanh đạm, không chứa máu thịt của loài động vật, nên làm dịu bớt bầu máu nóng trong người, dục vọng nhờ đó cũng giảm bớt cường điệu.

Lục dục Thất tình lúc nào cũng đòi hỏi xác thân làm cho nó thỏa mãn, nhưng nhờ ăn chay, chúng ta  kềm chế được nó, rèn luyện nó hướng tới mục đích thanh cao.

Thay vì chúng ta muốn giết một con gà để làm thành món ăn khoái khẩu, chúng ta nên lấy thức ăn thích hợp của gà rải cho nó ăn, để chúng ta nhìn nó đang sung sướng vui vẻ vì khoái khẩu. Chúng ta nhìn cái vui và cái sung sướng của con gà để chúng ta có được cái vui mừng cao thượng của kẻ ban ơn.

III . Giải đáp một số câu hỏi về ăn chay.

1.-)  Ăn tôm, cua, sò, ốc được kể là ăn chay không ?
Ăn tôm cua sò ốc, tức là ăn thịt các loài động vật. Chúng nó cũng có sanh mạng và sự sống. Phải bắt giết chúng nó thì mới ăn thịt được, rõ ràng ta phạm tội sát sanh, nên ăn tôm cua sò ốc dứt khoát không phải là ăn chay, mà đó là ăn mặn. Có người còn ngụy biện nói rằng vì chúng nó có máu trắng. Dù máu trắng nhưng chúng nó là loài động vật có tri giác, biết tìm thức ăn, biết chống cự hay trốn chạy ẩn núp khi mạng sống của chúng bị đe dọa.

2. -) Ăn chay có được dùng bơ, sữa, mật ong, trứng gà không?

Về bơ (beurre) và phô-ma (fromage), ta phân biệt hai loại : Bơ thực vật (beurre végétale) và Bơ động vật (beurre animale).

- Bơ thực vật làm bằng các chất béo của thực vật như đậu phộng, dừa, trái bơ; sữa thực vật như sữa đậu nành, sữa đậu phọng ... Bơ và sữa thực vật là thức ăn chay hoàn toàn, người ăn chay trường dùng rất tốt.
- Bơ động vật và phô-ma là hai loại được chế tạo từ sữa bò, sữa trâu. Dùng các thứ nầy không mang tội sát sanh, nên người ăn chay trường có thể dùng các thứ đó làm thức ăn chay. Tuy nhiên về phương diện thanh và trược thì bơ, phô-ma và sữa động vật có tính chất trược hơn các thức ăn thảo mộc.

Do đó, bên Phật giáo vẫn cho phép dùng bơ và sữa động vật làm món ăn chay.
Nó có nguyên nhân xa xưa là lúc Thái tử Sĩ-Đạt-Ta từ bỏ lối tu khổ hạnh, chuyển qua lối tu trung đạo, Ngài kiệt sức, bất tỉnh, nằm chết giấc dựa cội cây bồ đề. Có một thiện nữ được báo mộng trước, hôm ấy chuẩn bị bình bát sữa tìm đến cội bồ đề, cúng dường cho Phật. Khi Phật tỉnh lại, Phật cầm bình bát sữa uống cạn, nhờ vậy, Phật dần dần phục hồi sức khỏe.

Về mật ong :
Mật ong do các con ong hút mật hoa hay hút chất đường rồi dùng nước miếng của nó tạo thành. Mật ong là thực phẩm hoàn toàn chay, rất bổ dưỡng, dùng cho người ăn chay trường rất tốt.
-  Về trứng  gà, trứng vịt, trứng cút :
Nếu các loại trứng có trống, tức là có chứa sẵn một mầm sống trong đó, để theo thời gian sẽ phát triển thành một sinh vật mới, khi dùng chúng làm thức ăn, tức là chúng ta sát hại mầm sống ấy, ắt phạm tội sát sanh.

Nếu trứng không trống, khi ta dùng thì không phạm tội sát sanh. Tuy vậy, trứng vẫn là chất trược, không làm cho chơn thần chúng ta trong sáng và thanh nhẹ, nên cần phải cẩn thận, không nên lạm dụng, tốt nhứt là không nên dùng.

Đối với những vị đang lập công trong trường thi công quả, việc ăn chay trường không nên quá bảo thủ khắt khe, nhứt là những khi đau ốm, cần phải phục hồi sức khỏe mau chóng để lo làm công quả, thì việc dùng thêm các loại bơ, sữa động vật, hay các loại trứng không trống, là một điều có thể thông cảm được vì không phạm giới sát sanh, nhưng chúng ta vẫn nhớ rằng các thức ăn ấy có chất trược, không tốt cho chơn thần.

Một điều mà chúng ta cần lưu ý là việc ăn chay là hành động tự giác tự nguyện vì lợi ích cho bản thân của chúng ta, chớ không phải lợi ích cho Đức Chí Tôn hay Phật Mẫu.

3)  Ăn chay trường có thành Tiên, Phật không ?
Nếu chỉ có ăn chay trường mà không làm công quả thì không thể thành Tiên, Phật đặng. Người ăn chay trường ấy, khi chết, chơn thần và linh hồn được trong sạch nhẹ nhàng, được siêu thăng lên các cõi Trời, hưởng sự an nhàn, nhưng không có ngôi vị là Tiên, hay Phật.

Muốn thành Tiên, Phật thì buộc phải có công quả.
“ Người dưới thế nầy muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật, muốn cho đắc đạo phải có công quả. Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo.” (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 17)

Muốn có công đức thì phải làm công quả.
Việc ăn chay trường chỉ tạo được chơn thần trong sáng, làm công quả mới đắc thành Tiên,  Phật.

Nhưng ngược lại, nếu có đầy đủ công quả mà không ăn chay trường thì cũng không thể thành Tiên, Phật được, vì chơn thần trọng trược không thể bay khỏi bầu khí quyển mà lên cõi thiêng liêng. Hơn nữa, vì ăn mặn nên còn bị linh hồn các con vật đòi các món nợ oan nghiệt, nên chúng nó buộc chặt chơn thần người đó không cho bay lên cõi TLHS.
Cho nên, muốn đắc thành Tiên Phật thì phải có đủ hai điều kiện : 1.- Đầy đủ công quả.  2.- Ăn chay trường.

4) Ăn chay thì thanh, ăn mặn thì trược, tại sao ?
Có nhiều nguyên do, kể ra sau đây :
a. - Về cấp tiến hóa : Thảo mộc ở cấp tiến hóa thấp hơn động vật, chỉ có Sanh hồn; còn động vật thì ở cấp tiến hóa cao hơn, có được hai phần hồn là : Sanh hồn và Giác hồn. Do đó, loài động vật khi đau đớn biết rên la, khi sợ hãi biết chạy trốn.

b. - Về sự sinh sản và di truyền nòi giống : Loài thảo mộc có nhị đực và nhị cái ở trong cùng một cái hoa hay trên cùng một thân cây, nhờ ong bướm hay gió thổi mà nhị đực rơi vào nhị cái, kết thành trái và hột để di truyền nòi giống.

Loài động vật thì con đực và con cái là hai thân thể khác nhau, chúng có lòng dục nên tìm gặp nhau  giao phối, để sanh sản. Khi sanh sản thì máu huyết tiết ra dơ dáy.

Do đó, loài động vật thuộc Hậu Thiên Cơ ngẫu nên trọng trược, còn loài thảo mộc thuộc Tiên Thiên Cơ ngẫu nên thanh nhẹ.

c. - Về sự sinh sống: Loài thảo mộc sống nhờ hấp thu ánh sáng mặt trời và hấp thu các tinh chất của không khí và của đất, nên thảo mộc chứa nhiều sinh tố và khoáng chất.

Loài động vật sống nhờ ăn thảo mộc hay ăn thịt lẫn nhau, nên thịt của nó chứa ít sinh tố và có chất độc.

Do đó, chúng ta ăn loài thảo mộc thì vừa bổ dưỡng chơn thần vừa bổ dưỡng thể xác, còn ăn thịt thú cầm thì chỉ bổ dưỡng thể xác mà lại làm cho chơn thần  ô trược.

d. - Về tính dẫn điện :
Khi thoát xác, chơn thần của người ăn chay trường thì trong sáng, nhẹ nhàng, bay lên thoát qua lớp không khí dễ dàng; còn chơn thần người ăn mặn thì trọng trược mờ tối, nên không thể bay lên cao được, lại nữa, vì chơn thần trọng trược nên có tính dẫn điện tốt, dễ bị sét đánh tiêu tan khi bay lên cao.

5) Thảo mộc có mạng sống, nên ăn chay cũng sát sanh, thì hơn ăn mặn chỗ nào ?
Thảo mộc là một loài trong chúng sanh, nó cũng có mạng sống, nhưng mạng sống của nó nhỏ bé hơn mạng sống của thú cầm, vì nó chỉ có một phần hồn là  Sanh hồn, và ở cấp tiến hóa thấp hơn thú cầm. Do đó, việc sát hại thảo mộc ít tội tình oan nghiệt hơn sát hại thú cầm.

Vả lại, muôn loài vạn vật phải ăn mà sống. Để giải quyết cái ăn nầy, Thượng Đế dùng “ Vạn linh phụng sự Vạn linh”, tức là dùng loài sanh vật nầy làm thực phẩm nuôi sống loài sanh vật kia, và loài sanh vật nào bị hy sinh nhiều nhất thì lại sanh hóa nhiều nhất để quân bình cuộc sống trong CKVT.

Thảo mộc và ngũ cốc là hai thứ sanh vật mà Thượng Đế dành để nuôi sống con người, nên cấu tạo cơ thể của con người không có móng vuốt và không có răng bén nhọn chơm chởm. Nếu con người ăn thịt thú cầm là do dục vọng muốn tìm khẩu vị khác lạ mà thôi.

Vậy con người ăn thảo mộc là thuận Thiên ý, nhờ đó con người mới tiến hóa nhanh. Còn ăn thịt động vật là do dục vọng của con người bày đặt thêm ra, trái với Thiên ý, nên nó trì kéo con người chậm bước tiến hóa.

Việc sát hại sanh mạng của con thú để làm thức ăn nuôi sống thân ta tạo thành một oan nghiệt. Hồn con thú ấy chờ khi ta chết, sẽ đến đòi mạng và kéo níu chơn thần chúng ta không cho siêu thăng về cõi thiêng liêng.

Còn việc sát hại loài thảo mộc để làm thức ăn nuôi sống thân ta, thì ta sẽ lấy xác thân ta khi chết để làm thức ăn cho thảo mộc, sự vay trả như thế là đồng đều, nên không tạo ra oan nghiệt.

6) Ăn chay có được phép ăn bù vào ngày khác không?

Hôm nay là ngày mùng 8 nhằm ngày ăn chay, nhưng vì tiệc tùng với người đời hay vì bạn bè nài ép, nên ăn mặn, rồi qua ngày hôm sau, ăn chay bù trở lại.  Việc đó thế nào ?

Chúng ta thấy rõ người ấy có tinh thần muốn ăn chay cho đúng các ngày theo luật định, nhưng vì một lý do vui vẻ nên không ăn được.

Như vậy là mình quá dễ dãi với sự đòi hỏi của xác thân, xem những lời nài ép của bè bạn quan trọng hơn lời Minh thệ giữ gìn Luật Đạo của mình. Đó là một sai lầm.

Việc ăn chay bù là để vớt vát lại nhưng nó chứng tỏ lương tâm mình không thắng nổi sự lôi cuốn của dục vọng thể xác. Thể xác thì thúc đẩy mình ăn uống rượu thịt vui say, mình chiều theo nó là mình yếu kém hơn nó, đầu hàng nó.  Từ sự thua nhỏ dần dần dẫn tới thua lớn, và vật dục sẽ làm trì trệ bước đường tiến hóa của mình, khiến chúng ta phải bị kẹt lại trong thời kỳ Chuyển thế, không kịp bước vào Nguơn Thánh đức.

9) Nhiều người ăn chay mà lời nói còn hung dữ quá ! Hành động còn thâm độc quá ! Tôi không cần ăn chay, miễn tôi làm lành làm phước là đủ rồi.
- Quả đúng như vậy. Nhưng đâu phải vì họ ăn chay mà họ trở nên hung dữ và thâm độc. Chúng ta nên nghĩ rằng : Nếu họ không ăn chay thì họ còn hung dữ và thâm độc hơn gấp bội. Nhờ ăn chay mà họ đã bớt tánh hung dữ nhiều lắm rồi đó.

Họ là người mới tập tễnh bước vào đường tu, hoặc là kẻ giả tu không chừng. Nhưng ta so sánh với họ làm gì ! So sánh với người kém hơn ta thì có ích lợi gì cho sự tiến hóa của ta, của linh hồn ta ? Hay chỉ để thỏa mãn tánh ích kỷ, cống cao ngã mạn của ta ? Chúng ta muốn dừng lại ở mức tiến hóa nầy, hay muốn tiến hóa cao hơn nữa ?

Tại sao chúng ta không nhìn lên các bậc chơn tu có đầy đủ đức hạnh ? Chúng ta cần phải học hỏi và bắt chước các vị ấy thì chúng ta mới tiến hóa nhanh được.

10)  Ăn chay thì lòng phải chay là sao ?

Chay, chữ Hán là “trai” nghĩa là trong sạch. Lòng chay là lòng trong sạch. Đó là lòng biết quí trọng đạo đức, bác ái và công bình. Nếu ăn chay mà lòng không chay, tức là không biết ý nghĩa của việc ăn chay, hay biết mà không tin tưởng, thì không khác chi người không tiền mua cá thịt, đành phải ăn tương rau dưa muối vậy thôi, đâu có ích lợi gì cho đường đạo đức !

IV . Giải thích vài từ ngữ đã dùng.

1 . Sự tích Ngũ vị tân theo Phật giáo :
Bà Thanh Đề là mẹ của ông Mục Kiều Liên, khi đến chùa lễ Phật, không mang theo cúng phẩm nên các vị tăng tiếp khách đón tiếp lạnh nhạt. Trong lúc đó, những vị mang nhiều phẩm vật đến cúng chùa thì được các tăng đón tiếp niềm nở, trà nước đầy đủ. Bà Thanh Đề đem lòng oán giận, nên sau đó, bà làm một mâm bánh bao nhưn thịt mang đến cúng dường thì các tăng thấy vậy ra tiếp đón rất niềm nở, trà nước đầy đủ.

Khi các tăng báo cáo lên Hòa Thượng trụ trì, Hòa Thượng biết rõ sự việc nên cấm nhặt chư tăng không được dùng các bánh bao nầy và phải đem đổ bỏ sau chùa.

Thời gian sau, nơi chỗ đổ các bánh bao nhưn thịtù, mọc lên 5 thứ cây có vị cay nồng và hôi hám. Đó là 5 thứ cây : hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu. Hòa Thượng trụ trì cho đó là uế vật, cấm chư tăng không được dùng làm thức ăn vì chúng kích thích lòng dục và tánh nóng nảy của con người.

2 . Tam hồn :
Theo luật tiến hóa của chúng sanh thì :
- Vật chất gồm đất, đá, nước, không khí được Thượng Đế tạo ra trước tiên, sau đó, vật chất tiến hóa lên thành loài thảo mộc, được Thượng Đế ban cho một phần hồn gọi là Sanh hồn, làm cho thảo mộc có sự sống.
- Kế đó, thảo mộc tiến hóa lên thành loài thú cầm thì Thượng Đế ban thêm cho nó một phần hồn nữa gọi là Giác hồn để tạo cho nó sự hiểu biết và bảo vệ sự sống.

Vậy loài thú cầm đã có được hai phần hồn là : Sanh hồn và Giác hồn.
- Sau cùng, loài thú cầm tiến hóa lên thành người nguyên thủy và được Thượng Đế ban thêm cho một phần hồn nữa gọi là Linh hồn để con người có sự sống, có sự hiểu biết, có sự suy nghĩ và có tánh linh.

Như vậy con người có được Tam hồn gồm : Sanh hồn, Giác hồn và Linh hồn. Linh hồn là quan trọng nhứt vì nhờ nó mà con người linh hơn vạn vật.

3 . Tam thể xác thân.
Về phương diện tu hành, trong thân thể của con người có ba thể gọi là Tam thể xác thân.
- Thứ nhứt là thể xác, do cha mẹ phàm trần sanh ra và được nuôi dưỡng bằng thực phẩm phàm trần.

- Thứ nhì là chơn thần, tức là xác thân thiêng liêng, do Đức Phật Mẫu lấy nguyên khí nơi Diêu Trì Cung tạo thành. Chơn thần nầy làm khuôn mẫu cho thể xác và khi xuất ra khỏi thể xác thì lấy hình ảnh của thể xác. Trung tâm của chơn thần là não bộ và cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, đạo gia gọi là Nê hoàn cung.
- Thứ ba là chơn linh hay linh hồn, do Đức Chí Tôn lấy một điểm linh quang của Thái Cực ban cho.

Chơn linh điều khiển chơn thần, chơn thần điều khiển thể xác. Chơn linh không trực tiếp điều khiển thể xác. 

Chương 4

THỜ PHƯỢNG

I . Thiết lập Thiên bàn tại tư gia

Khi đã nhập môn vào Đạo,  người tín đồ cần phải lo thiết lập Thiên bàn tại tư gia của mình để thờ phượng Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng.

Trước hết phải chọn một chỗ trang trọng và tinh khiết nhứt trong căn nhà của mình để thiết lập Thiên bàn, nhưng cũng nên lưu ý là nơi thiết lập Thiên bàn phải thuận tiện cho việc cúng kiếng của mình. Nếu lập ở nơi cao quá, mỗi lần rót nước đốt nhang cúng phải bắc thang leo lên; hay là ở phố lầu, thiết lập Thiên bàn ở từng lầu cao nhứt, nơi đó rất tinh khiết nhưng mỗi lần cúng phải đi lên mấy từng lầu, thì việc cúng kiếng của mình có phần khó khăn, không được thường xuyên vì bản chất của con người mình với xác phàm vốn thường lười biếng.

Kế đó, chọn mua một cái khánh thờ, bên dưới có đóng bực tam cấp thì rất tốt. Kiểu khánh thờ nầy được

Cách bài trí trên Thiên bàn tại tư gia :

Đó là 12 món bắt buộc phải sắp đủ trên Thiên bàn.
Phía dưới Thiên bàn đặt : 1 cái mõ và 1 cái chuông. nhiều người đạo ưa chuộng nên có đóng sẵn để bán nơi các cửa hàng đồ gỗ ở trong vùng có nhiều tín đồ Cao Đài.

Liên lạc với ông Chánh Trị Sự của Hương đạo mình để nhờ ông thỉnh một tấm Thánh tượng Thiên Nhãn - Ngũ Chi để thờ. Tấm Thánh tượng nầy do Hội Thánh in ra và được Hội Thánh trấn Thần trước khi phát ra cho bổn đạo thỉnh về thờ tại tư gia.

Cách sắp đặt các món trên Thiên bàn như hình vẽ kế bên.

Không kể chuông và mõ, trên Thiên bàn có tất cả 12 món, sắp đặt theo hình chữ CHỦ (chữ Nho) . Chủ là làm chủ, còn đọc là Chúa : Chủ tể càn khôn vũ trụ, làm Chúa chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
1
4-------2-------3
6-8-7-9-5
10------12------11

Trong Đạo Cao Đài thường dùng số 12 để chỉ những gì thuộc Đức Chí Tôn, vì số 12 là số riêng của Thầy.

Về sự thờ phượng, Đức Chí Tôn dạy như sau :
 “ Phần nhiều trong các con chẳng để lòng thờ kính Thầy, tưởng cho đem thờ Thầy vào nhà là chủ ý cầu một việc lợi riêng chi cho gia quyến vậy thôi, chớ chẳng hiểu là một nguồn trong sạch để rửa các lỗi phàm tục của các con.

Nhiều đứa lại còn mờ hồ, đã thờ Thầy mà chưa chắc ý rằng thờ đặng chi và mở Đạo có ích gì ? Than ôi !  Đã bước chân vào đường đạo hạnh mà chẳng để công tìm kiếm học hỏi cho rõ ngọn nguồn thì làm phận sự môn đệ như thế có ích chi cho nền Thánh giáo đâu ? “ (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 70)

II . Ý nghĩa cách sắp đặt trên Thiên bàn :

1. Thánh tượng Thiên Nhãn - Ngũ Chi : (Xem mục III : Ý nghĩa Thánh tượng Thiên Nhãn - Ngũ Chi).
2. Đèn Thái Cực : Đèn Thái Cực tượng trưng ngôi Thái Cực của Đức Chí Tôn. Ngôi Thái Cực là một khối Đại linh quang, là khởi điểm của càn khôn vũ trụ, mà mỗi linh hồn của chúng ta là một điểm Tiểu linh quang chiết ra từ khối Đại linh quang ấy.

Đèn Thái cực phải luôn luôn được đốt sáng, dầu có cúng hay không cúng, vì đèn Thái Cực còn tượng trưng cho cái tâm của ta, đó là ngọn tâm đăng nên phải đốt sáng  luôn luôn cho cái tâm của ta thường sáng.

Bổn đạo trong nước Việt Nam chúng ta từ lâu nay đã dùng đèn dầu làm đèn Thái cực, nhưng đối với các bạn đạo đang ở các nước tiên tiến như Mỹ, Úc, Âu châu, nơi đây chánh quyền cấm sử dụng đèn dầu vì phòng ngừa hỏa hoạn, nên bổn đạo nơi đó phải dùng đèn điện làm đèn Thái cực. Đèn dầu hay đèn điện đều có trong đó đủ cả âm dương, nhưng điều quan trọng là tạo ra một đốm lửa thường sáng để tượng trưng Thái cực, chúng ta phải chăm sóc thường xuyên, khi tắt thì sửa chữa và đốt lại ngay.  
 “ Thầy đã nói với các con rằng : Khi chưa có chi trong càn khôn thế giới thì Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mới lập ra càn khôn thế giới.”  (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 140)
3. Cặp đèn Lưỡng nghi :  Cặp đèn Lưỡng nghi tượng trưng hai nghi Âm và Dương do Thái Cực biến hóa tạo ra. Hai nghi đó là Dương quang và Âm quang.

Khi cúng Đức Chí Tôn thì đốt lên cặp đèn Lưỡng nghi, cúng xong thì tắt, còn đèn Thái Cực thì phải đốt sáng luôn luôn.

Chúng ta từ lâu nay đã dùng đèn dầu hay đèn sáp làm cặp đèn Lưỡng nghi, nhưng đối với các bạn đạo đang ở các nước tiên tiến như Mỹ, Âu châu, Úc châu, họ bị cấm không được dùng đèn dầu, nên phải dùng hai bóng đèn điện làm cặp đèn Lưỡng nghi.

Cặp đèn Lưỡng nghi dùng đèn dầu hay đèn điện đều được, miễn là hai đèn đó phải cùng cở và có độ sáng như nhau.

[Nếu dùng đèn điện làm cặp đèn Lưỡng nghi, chúng ta dùng 2 bóng đèn tròn lớn 220V-60W, ghép nối tiếp, dây nối luồn vào bên trong chân đèn, rồi nối với nguồn điện 220V qua một công tắc điện. Đèn sẽ cháy hơi lu nhưng rất bền, không đứt, vì mỗi bóng chỉ chịu điện thế 110V. 

Còn bóng đèn dùng làm đèn Thái cực thì mua bóng nhỏ 220V-3W kiểu trái ớt, ghép nối tiếp với một diode nhỏ 220V, nó cháy lu nhưng rất bền, không đứt dù nguồn điện lên xuống bất thường. Không được dùng bóng đèn chớp chớp] 

4 . Ba ly rượu : Khi cúng, dùng rượu trắng tinh khiết rót vào 3 ly, mỗi ly rót 3 phân rượu.
Rượu tượng trưng KHÍ, mà Khí là chơn thần.
Đức Chí Tôn dùng rượu tượng trưng chơn thần của chúng ta là muốn chơn thần cường liệt như rượu mạnh vậy.

Tại sao chỉ rót 3 phân rượu vào mỗi ly ?  Khi cúng đàn tại Thánh Thất, ly rượu do lễ sĩ dâng dâng lên phải rót đủ 9 phân, và người tiếp lễ cầm nhạo rượu do lễ sĩ dâng lên, rót thêm vào 3 ly rượu có sẵn trên Thiên bàn cho đủ 9 phân rượu trong mỗi ly là tại sao ?

Ba ly rượu đặt hàng ngang trên Thiên bàn có ý nghĩa giống như 3 cây nhang cắm hàng ngang trong lư hương (Án Tam tài),  là để tượng trưng Tam tài : Thiên, Địa, Nhơn (Trời, Đất, Người).
Ly rượu giữa tượng trưng Trời, 3 phân rượu tượng trưng Tam bửu (3 báu) của Trời là : Nhựt, Nguyệt, Tinh.
 Ly rượu bên tách trà tượng trưng Đất, 3 phân rượu nầy tượng trưng Tam bửu của Đất là : Thủy, Hỏa, Phong.
Ly rượu bên tách nước trắng tượng trưng Người, 3 phân rượu tượng trưng Tam bửu  của Người là : Tinh, Khí, Thần.

Khi lễ sĩ  dâng ly rượu và nhạo rượu lên trong lễ cúng Tiểu đàn hay Đại đàn tại Thánh Thất, người tiếp lễ cầm nhạo rượu lên rót thêm vào 3 ly rượu nầy cho đủ 9 phân, vì số 9 là số căn bản của Thiên Địa Nhơn :
- Trời có trên hết là Tam thập lục Thiên (36 từng trời), phía dưới có Cửu Trùng Thiên (9 từng trời). Số 36 là bội số của số 9 căn bản.  - Đất có Thất thập nhị Địa (72 địa cầu). Số 72 là bội số của 9. - Người thì có Cửu khiếu (9 lỗ), khi tu hành thì tiến hóa lên Cửu phẩm Thần Tiên, cũng lấy số 9 làm căn bản.

Vả lại, theo Số học, ba số : 36, 72, 9 có ước số chung nhỏ nhất  là 3, có ước số chung lớn nhứt là 9, cho nên, trước khi cúng thì rót 3 phân rượu, đến khi dâng Tam bửu thì rót rượu thêm cho đủ 9 phân rượu,  có ý nghĩa như vừa trình bày. (Bội số là số lớn hơn nhiều lần, Ước số là số nhỏ hơn nhiều lần).

5 . Tách nước trắng và nước trà :
- Tách nước trắng, đặt bên tả của Thiên bàn, tượng trưng Dương. Chúng ta dùng nước thiên nhiên như : nước mưa, nước giếng, nước sông, nước phông tên. Các thứ nước nầy chỉ cần lọc cho tinh khiết, trong suốt, không nấu sôi.
- Tách nước trà, đặt bên hữu Thiên bàn, tượng trưng  Âm. Nên dùng loại trà tốt, thơm tho.

Khi rót nước trắng hay trà, phải rót cho đủ 8 phân.
Hai tách nước trắng và nước trà, tượng trưng Âm Dương, nên thường gọi chung là hai tách nước Âm Dương.

Nước trà còn có một ý nghĩa khác : nước trà tượng trưng THẦN, một trong Tam bửu của con người. Thần là chơn linh, linh hồn. Đức Chí Tôn dùng trà tượng trưng chơn linh là muốn chơn linh của ta điều hòa như trà vậy.

Tại sao rót 8 phân nước Âm Dương ?
Tách có 8 phân nước trắng tượng trưng 8 lượng của Nghi Dương, tách có 8 phân nước trà tượng trưng 8 lượng của Nghi Âm. Hai tách nước âm dương hiệp lại tượng trưng 16 lượng, tức là 1 cân, số 1 tượng trưng Thái cực.  (1 cân = 16 lượng)

Vậy, đèn Thái cực và hai tách nước âm dương tượng trưng  Thái cực phân Lưỡng nghi, theo quan niệm về vũ trụ của người đông phương, cũng là  quan niệm của Đạo Cao Đài.

Mặt khác, nước trà tượng trưng Thần tức là linh hồn của chúng ta. 8 phân nước trà tượng trưng Bát phẩm chơn hồn đầu kiếp xuống cõi trần làm chúng sanh. Còn 8 phân nước trắng tinh khiết tượng trưng Bát công đức thủy trong Ao Thất bửu nơi CLTG cõi thiêng liêng.  (8 công đức của nước trong Ao Thất bửu là : lắng sạch, trong mát, ngọt ngon, nhẹ dịu, nhuần trơn, an hòa, uống vào thì hết đói khát lo âu,  bổ khỏe các căn của xác thân).

Hai tách nước trà và nước trắng nầy sau khi cúng xong có thể được Chức sắc đổ chung lại với nhau để hành pháp luyện thành Cam lồ thủy, dùng trong các bí tích : phép xác để tẩy trược chơn thần cho được trong sạch nhẹ nhàng, và phép giải bịnh để tẩy các trược khí trong cơ thể người bịnh.

Tóm lại, tất cả những món đặt trên Thiên bàn đều có tính cách tượng trưng, để nói lên quan niệm về giáo lý và triết lý của Đạo Cao Đài.
* Cái quan trọng của hai tách nước âm dương là ở chỗ nước trà và nước trắng, chớ không phải ở cái tách hay cái chung đựng nó; tách có quai hay không quai, bằng sành sứ, nhựa hay thủy tinh đều dùng được cả.
* Tương tự như thế, cái quan trọng của ba ly rượu là ở chất rượu tinh khiết, chớ không phải nơi cái ly hay cái chung đựng rượu. Cái ly ấy có thể thấp hay có chưn cao, làm bằng ngọc quỳnh, sành, sứ, thủy tinh hay bằng nhựa, kể cả bằng kim loại,  đều dùng được cả.
* Cũng tương tự như thế, cái quan trọng của đèn Thái cực là tạo ra một đốm lửa thường sáng để tượng trưng Thái cực, chớ không phải ở chỗ cái đèn làm bằng chất gì, đốt bằng dầu hay bằng điện. Cho nên các bạn đạo ở các nước Âu Mỹ dùng đèn điện làm đèn Thái cực, thiết nghĩ  không có gì là sai trái.

6. Bình hoa : Nếu chúng ta tìm đủ 5 sắc hoa tươi cắm vào bình thì rất tốt, vì bài thài Dâng hoa có câu : Năm sắc hoa tươi xin kỉnh lễ. Nếu không đủ 5 sắc hoa tươi thì dùng mấy sắc hoa cũng đều tạm được. Năm sắc hoa dùng để tượng trưng Ngũ hành và Ngũ tạng của ta :
Màu hoa :           Trắng               Vàng                Xanh                Đỏ                   Đen
Ngũ hành :          KIM                THỔ                MỘC              HỎA               THỦY
Ngũ tạng :           Phế                  Tỳ                    Can                 Tâm                 Thận

Các hoa màu trắng, vàng, xanh, đỏ dễ tìm, nhưng không có hoa màu đen, nên dùng hoa màu sậm thế vào như hoa màu tím sậm hay đỏ sậm.

Năm sắc hoa tượng trưng Ngũ tạng, tức là tượng trưng cho thân thể của ta, mà thân thể của ta là TINH (một trong Tam bửu : Tinh, Khí, Thần).
Dùng Hoa tượng trưng thân thể ta vì Đức Chí Tôn muốn thấy xác thân của chúng ta tốt đẹp như cái hoa.

7. Dĩa trái cây : Nếu có đủ 5 thứ trái cây (Ngũ quả) thì rất tốt. Ngũ quả là kết quả của các sắc hoa nên tượng trưng kết quả của việc tu hành của chúng ta.

(Chúng ta cần lưu ý là: Không được dùng trái cây giả hay bông hoa giả làm bằng nhựa để chưng cúng trên Thiên bàn, mà phải dùng bông hoa thật và trái cây thật).
Vậy, ba món trên Thiên bàn : Hoa, Rượu, Trà có ý nghĩa tượng trưng Tam bửu của con người:
- Hoa tượng trưng Tinh, tức là thể xác của ta.
- Rượu tượng trưng Khí, tức là chơn thần của ta.
- Trà tượng trưng Thần, tức là linh hồn của ta.

8 . Lư hương: Lư hương là đồ dùng bằng sành hay bằng thau, trong đó đựng tro, để cắm nhang.
Khi cúng Đức Chí Tôn thì ta đốt 5 cây nhang cắm vào lư hương nầy. (không bao giờ đốt 3 cây hương)

III . Ý nghĩa Thánh tượng Thiên Nhãn - Ngũ Chi

1 . Thiên Nhãn: Trên Thánh tượng có vẽ một con mắt trái ở trên cao hơn hết để thờ, gọi là Thiên Nhãn, nghĩa là con mắt của Trời. Con mắt nầy hiện ra trong mây, phát ra các tia hào quang chung quanh.

Thờ Thiên Nhãn có nhiều ý nghĩa sau đây :
- Chĩ vẽ 1 con mắt (chớ không vẽ một cặp mắt) vì chỉ có 1 Thượng Đế, chỉ có 1 Thái Cực. “ Khí Hư Vô sanh ra có 1 Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực.”
- Vẽ con mắt trái, vì bên trái thuộc Dương, Đức Chí Tôn là chủ Dương quang nên mắt trái  tượng trưng  Đ. Chí Tôn.
- Phải vẽ con mắt mở để chỉ rằng Đức Chí Tôn thấy rõ tất cả, biết rõ tất cả, không có gì giấu giếm được Trời. Câu nói : Hoàng Thiên hữu nhãn hay Trời cao có mắt, đều ở trong ý nghĩa ấy. Trong Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế có câu : Càn kiện cao minh, Vạn loại thiện ác tất kiến. Nghĩa là : Càn là Trời, ngôi Càn mạnh mẽ cao tột, sáng tỏ, ắt hẳn thấy rõ điều thiện điều ác của muôn loài.
Thánh tượng Thiên Nhãn và Ngũ Chi.

- Thờ Thiên Nhãn có ý nghĩa đại đồng. Bất cứ sắc dân nào, dân tộc nào cũng biết vẽ con mắt để thờ, nên hình con mắt không có tính cách phân biệt quốc gia, chủng tộc, nên có tính chất chung, tức là đại đồng.

Như Phật giáo vẽ hình Đức Phật Thích Ca để thờ với hình dáng người Ấn Độ; Thiên Chúa giáo vẽ hình Đức Chúa Jésus với hình dáng người Do Thái, nên có tính cách phân biệt về dân tộc, thờ người ngoại quốc, vv . . . Vẽ hình con mắt để thờ thì tránh được các ý tưởng phân biệt trên.

Hơn nữa, Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ của toàn cả chúng sanh, không riêng cho một sắc dân nào. Khi thờ con mắt là Đức Chí Tôn muốn cho nhơn loại không còn phân biệt nhau về quốc gia hay chủng tộc, nhìn nhau là anh em một nhà, đều là con cái của Đức Chí Tôn và Phật Mẫu.

- Ý nghĩa thiêng liêng :
Đức Chí Tôn có dạy trong TNHT, ngày 13-1-Bính Dần (dl 25-2-1926), với 5 câu chữ Nho, chép ra như sau :
Nhãn thị chủ Tâm,
Lưỡng quang chủ tể,
Quang thị Thần,
Thần thị Thiên,
Thiên giả Ngã dã.

Giải nghĩa vắn tắt :
* Con mắt là chủ của cái tâm, Thiên nhãn là chủ của Thiên tâm, mà Thiên tâm là Thái Cực là Đại Linh quang, nên Trời là chủ của Thái Cực.
* Hai ánh sáng là chúa tể. Lưỡng quang ấy là Lưỡng nghi: Âm quang và Dương quang, nên làm chủ tất cả.
* Ánh sáng ấy là Thần. Thần nầy là chơn linh của ông Trời, tức là Đại Linh quang của Đức Chí Tôn.
* Thần ấy là Trời.           * Trời ấy là Ta vậy.
Vậy, thờ Thiên Nhãn là thờ Trời.

2 . Ngũ Chi :
Phía dưới Thiên Nhãn là một ngôi sao lớn, đó là sao Bắc đẩu, trung tâm của CKVT. Đây là nơi ngự của Đức Chí Tôn nên phải vẽ Thiên Nhãn ngay phía trên sao Bắc đẩu.
Hai bên sao Bắc đẩu có vẽ mặt trời và mặt trăng. Hợp lại là Nhựt, Nguyệt, Tinh. Đó là Tam bửu của Trời.

Các Đấng ngồi bên dưới kể ra từ trên xuống dưới :
- Đức Phật Thích Ca ngồi giữa, đắp y vàng, ngồi kiết già trên tòa sen, là Giáo chủ Phật giáo.
- Đức Lão Tử, ngồi bên tay mặt của Đức Phật Thích Ca, mặc áo đạo màu xanh, tay cầm phất chủ, râu bạc trắng, đầu để trần. Ngài là Giáo chủ Tiên giáo.
- Đức Khổng Tử, ngồi bên tay trái của Đức Thích Ca, mặc áo đạo màu hồng, râu bạc trắng, đầu đội mão. Ngài là Giáo chủ Nho giáo.
Như vậy, ở hàng ngang nầy là hình của Ba Đấng Giáo chủ Tam giáo thời Nhị Kỳ Phổ Độ.
- Đức Lý Thái Bạch, ngồi hàng giữa, ngay phía dưới Đức Phật Thích Ca, có râu dài và đen, đầu đội mão cánh chuồng. Ngài là một vị Đại Tiên Trưởng, giữ chức Nhứt Trấn Oai Nghiêm, thay mặt Đức Lão Tử, cầm quyền Tiên giáo thời ĐĐTKPĐ. Đức Lý Thái Bạch còn được Đức Chí Tôn giao phó kiêm nhiệm Giáo Tông ĐĐTKPĐ.
- Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, ngồi phía tay mặt của Đức Lý Thái Bạch, là vị Nữ Phật ngự trên tòa sen, đắp y màu vàng, đầu đội mũ ni, tay mặt cầm tịnh bình có nhành dương liễu, tay trái bắt ấn. Ngài là Nhị Trấn Oai Nghiêm, thay mặt Đức Phật Thích Ca, cầm quyền Phật giáo thời ĐĐTKPĐ.
- Đức Quan Thánh Đế Quân, ngồi phía tay trái của Đức Lý Thái Bạch, ngài đội mão, mặc áo đạo màu xanh,  râu dài và đen, tay trái đang lật xem quyển Kinh Xuân Thu. Ngài là Tam Trấn Oai Nghiêm, thay mặt Đức Khổng Tử, cầm quyền Nho giáo thời ĐĐTKPĐ.
Ba Đấng : Lý Thái Bạch, Quan Âm Bồ Tát, Quan Thánh Đế Quân, là Tam Trấn Oai Nghiêm của Đạo Cao Đài, cầm quyền Tam giáo thời ĐĐTKPĐ.
- Đức Chúa Jésus (Gia Tô Giáo chủ), ngồi hàng giữa, ngay dưới Đức Lý Thái Bạch, tóc đen, râu ngắn đen,  tay mặt chỉ trái tim bác ái tỏa hào quang. Ngài là Giáo chủ của Thiên Chúa giáo thời Nhị Kỳ Phổ Độ.
- Đức Khương Thượng Tử Nha, ngồi hàng giữa, ngay phía dưới Đức Chúa Jésus, không đội mão, râu bạc trắng, mặc áo bát quái màu vàng, tay mặt cầm cây roi Đả Thần (Đả Thần tiên), tay trái cầm cây Hạnh Huỳnh kỳ. Ngài cầm Bảng Phong Thần, đứng đầu Thần vị.
- Bảy cái ngai, đặt phía dưới các Đấng, sơn son thếp vàng : ngai giữa lớn nhứt là ngôi Giáo Tông, 3 ngai kế dưới dành cho 3 vị Chưởng Pháp ba phái Thái Thượng Ngọc, 3 ngai  kế dưới nữa dành cho 3 vị Đầu Sư ba phái. Bảy ngai nầy tượng trưng 7 Chức sắc cao cấp nhứt của CTĐ cầm quyền Đạo Cao Đài trong cơ phổ độ nhơn sanh của Đức Chí Tôn.

Chúng ta đã thấy, các Đấng ngồi theo hàng ngang thì cầm quyền Tam giáo, thời Nhị Kỳ Phổ Độ và thời Tam Kỳ Phổ Độ, còn các Đấng ngồi ở giữa, theo hàng dọc từ trên xuống dưới là :
. Đức Phật Thích Ca tượng trưng Phật đạo,
. Đức Lý Thái Bạch tượng trưng Tiên đạo,
. Đức Chúa Jésus  tượng trưng  Thánh đạo,
. Đức Khương Thượng tượng trưng Thần đạo.
. 7 cái ngai của 7 Chức sắc cao cấp nhứt của CTĐ tượng trưng Nhơn đạo.

Vậy theo hàng giữa nầy, 4 Đấng ấy và 7 cái ngai tượng trưng Ngũ Chi Đại Đạo : Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo.

Do đó, Thánh tượng Thiên Nhãn trên được gọi là : Thánh tượng Thiên Nhãn - Ngũ Chi.
Sự trình bày Thánh tượng Thiên Nhãn - Ngũ Chi  của Đạo Cao Đài gồm đủ các Đấng Giáo chủ các tôn giáo thời Nhị Kỳ Phổ Độ và Tam Trấn Oai Nghiêm của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nói lên tôn chỉ của Đạo Cao Đài là : Tam giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt.

Hai bên Thánh tượng Thiên Nhãn - Ngũ Chi trên Thiên bàn thường có cẩn đôi liễn chữ Nho, viết ra sau đây:
( - - - - - - )
(- - - - - - -)               

 Hạnh ngộ  Cao  Đài  truyền Đại  Đạo,
 Hảo phùng Ngọc Đế   ngự  trần  gian.
Đôi liễn nầy là cặp trạng trong bài thi của Đức Chí Tôn có in trong TNHT, nghĩa là :
- May mắn gặp được Đức Cao Đài truyền ra nền Đại Đạo,
- Tốt đẹp thay gặp Đấng Thượng Đế giáng xuống cõi trần.

1  ]  [   ]  [  3  ]  [  4  ]  [  5  ]  [  6  ]  [  7  ]  [  8  ]  Đến Hạnh Đường