Tang Lễ Và Thực Hành Lễ Tang (VSCĐ)

I - TRAI KỲ 10 NGÀY.
Các vị Chức Việc (cùng các phẩm tương đương) và Đạo Hữu, nếu giữ Trường Chay hoặc Thập Trai, thì được đối phẩm với Nhơn Thần và Địa Thần.

- Chức Việc được đối phẩm với Nhơn Thần.
- Đạo Hữu được đối phẩm với Địa Thần.

Chức vị trên đây, khi qui vị, thì được hưởng đầy đủ Kinh Tận Độ và được Chức Sắc hành pháp làm Phép Xác, phép Đoạn Căn và phép Độ Thăng.

- Khi vừa tắt thở thì được dộng chuông Báo Tử ở Đền Thánh hay Thánh Thất, Nam 7 tiếng, Nữ 9 tiếng.
- Trong Lễ Cầu Siêu, được tụng 2 bài kinh: Kinh Cầu Siêu (Đầu vọng bái…) và Kinh Khi Đã Chết Rồi (Ba mươi sáu cõi…), tụng xen kẽ như vậy 3 lần. Khi dứt, niệm câu Chú CHÍ TÔN 3 lần.
- Khi thuyền Bát Nhã đưa Linh cữu đến Báo Ân Từ (hoặc Điện Thờ PHẬT MẪU ở địa phương), Linh Vị được thỉnh vào bái lễ Đức PHẬT MẪU: Có đổ một hồi chuông.

- Khi thuyền Bát Nhã đưa Linh Cữu đến Đền Thánh (hoặc Thánh Thất ở địa phương), Linh Vị được thỉnh vào bái lễ Đức CHÍ TÔN: Có đổ một hồi chuông, không đổ trống.
- Được làm Tuần Cửu, Tiểu Tường và Đại Tường. Từ khi qui vị đến lúc làm Lễ Đại Tường, Bàn Trị Sự đã Thượng Sớ đủ 12 lần (con số 12 là con số riêng của Đức CHÍ TÔN):
- 1 lá Sớ Tân Cố khi vừa mới qui vị.
- 9 lá Sớ Tuần Cửu: một lá Sớ cho mỗi kỳ Cúng Cửu.
- 1 lá Sớ trong ngày Lễ Tiểu Tường.
- 1 lá Sớ trong ngày Lễ Đại Tường.   

II - TRAI KỲ 6 NGÀY.
Những vị Đạo Hữu nam nữ giữ Lục Trai, hay nói chung giữ Trai Kỳ dưới 10 ngày, thì thuộc hàng Vong thuờng.

Những vị nầy, khi qui liễu, không được hưởng đủ Kinh Tận Độ.
- Có thượng Sớ Tân Cố (tại Thánh Thất hoặc tư gia).
- Không được dộng chuông báo tử.
- Hành lễ Tế Điện theo Vong thuờng.
- Không được làm Phép Xác, phép Đoạn Căn.
- Khi làm Lễ Cầu Siêu, chỉ tụng một bài Kinh Cầu Siêu (Đầu vọng bái Tây Phương Phật Tổ…) và tụng Di Lạc Chơn Kinh mà thôi, không tụng xen bài Kinh Khi Đã Chết Rồi.
- Tụng Kinh Đưa Linh Cửu
- Không làm Tuần Cửu, Tiểu Tường hay Đại Tường. Tới ngày Tuần Cửu, Tiểu Tường, Đại Tường thì thân nhơn người qui liễu đến Thánh Thất sở tại xin làm Lễ Cầu Siêu. Cầu Siêu thì chỉ tụng bài Kinh Cầu Siêu (Đầu vọng bái Tây Phương Phật Tổ…), tụng 3 lần, khi dứt niệm Danh THẦY 3 lần. Sau đó tụng Kinh Di Lạc, tụng càng nhiều càng tốt.

Ghi chú: Những vị Đạo Hữu còn giữ Đạo nhưng Trai Kỳ không đủ 6 ngày cũng vẫn được làm Lễ Tang giống như trên.

III - TANG LỄ CỦA CHƯ ĐẠO HỮU SA NGÃ, VÀ NHỮNG NGƯỜI NGOẠI ĐẠO MUỐN CẦU SIÊU THEO LỄ ĐẠO.

1) - Trong quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo (Phần Tiểu Dẫn - Mục Cầu Hồn và Cầu siêu cho người chưa nhập Môn Cầu Đạo):      

“Những người chưa Nhập môn cầu Đạo chẳng luận giàu sang hay nghèo hèn, già cả hay trẻ bé, cùng đã có Nhập Môn rồi bị sa ngã bỏ Đạo, mà đến giờ chót của người biết hồi tâm tin tưởng Đức CHÍ TÔN, hay là người chết rồi mà thân tộc tin tưởng Đức CHÍ TÔN, đến rước chúng ta cầu hồn cùng là cầu siêu thì chúng ta cũng nên thi ân giúp đở linh hồn ấy siêu thoát. Ấy là một điều phước đức độ linh hồn con cái Đức CHÍ TÔN y theo Chơn Truyền tận độ.

Song cách thể hành Đạo, Chức sắc và Chức việc phải làm y như vầy:”
a - Về việc Cầu Siêu:
- Nếu ở gần Thánh Thất thì Cầu siêu nơi Thánh Thất.
- Nếu ở xa Thánh Thất thì thiết lễ Cầu siêu nơi nhà Chức sắc hoặc Chức việc gần đó.
- Nếu người trong thân chịu Nhập môn thì dễ hơn. Chức Việc cứ thượng Tượng cho Nhập môn rồi thiết lễ tang sự luôn.

Ghi Chú: Làm Lễ Cầu Siêu thì:
- Cúng Đức Chí Tôn (Thời nào dâng Bửu nấy)
- Tụng Kinh Cầu Siêu (Cả Tang Quyến cùng quì)
- Tụng Di Lạc Chơn Kinh (Bàn Trị Sự và Tang Quyến cùng quì).

b - Về việc Cầu Hồn:
Làm tại nhà tang chủ hay Nhà Quàn. Cầu hồn thì duy tụng bài Kinh Cầu Siêu:
“Đầu vọng bái Tây Phương Phật Tổ,
 “A Di Đà Phật độ chúng dân v.v…”

Điều trọng yếu hơn hết là trọn Tang môn phải giữ Trai Giới trong mấy ngày linh cữu còn tại tiền thì mới làm Bạt tiến cho linh hồn giải thoát đặng”.

Tối lại cả Đạo Hữu và gia quyến của người lâm chung phải thành tâm tụng Kinh Di Lạc cho tới ngày di Linh Cữu.

2) - Theo quyển Quan Hôn Tang Lễ của Hội Thánh ban hành năm 1976.
Việc Hành lễ như sau: Hành lễ Bạt tiến, không làm Phép Xác.
- Tụng bài kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối (Rắp nhập cảnh. . .) (1)
- Thượng Sớ Tân Cố tại tư gia, nếu có nhập môn.
- Tụng bài Kinh Tẩn Liệm (Dây oan nghiệt…).
-Tụng kinh Cầu Siêu “Đầu vọng bái … ”, tụng 3 lần, niệm Chú CHÍ TÔN 3 lần, không tụng bài Kinh Khi Đã Chết Rồi (Ba mươi sáu cõi… ), tụng Di Lạc Chơn Kinh.

(Về qui định tổng quát việc Cầu Siêu: Giống như Điểm 1 về Cầu Siêu trong Phần Tiểu Dẫn - Kinh Thiên Đạo Thế Đạo).

- Khi di Linh cửu đến Báo Ân Từ và Đền Thánh không có đổ chuông.
- Không làm Tuần Cửu, Tiểu Tường hay Đại Tường. Tới ngày Tuần Cửu, Tiểu Tường, Đại Tường thì thân nhơn người qui liễu đến Thánh Thất sở tại xin làm Lễ Cầu Siêu (Đầu vọng bái Tây Phương Phật Tổ…), tụng 3 lần, khi dứt niệm Danh THẦY 3 lần. Sau đó tụng Kinh Di Lạc, tụng càng nhiều càng tốt.

Chú thích:

(1) Theo Quyển Quan Hôn Tang lễ thì những Đạo Hữu sa ngã và người ngọai Đạo muốn Cầu siêu theo Lễ Đạo, được hưởng Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối (Rấp nhập cảnh. . . ). Tuy nhiên theo Phần Tiểu Dẫn của Hội Thánh trong Quyển Tân Kinh thì dạy là “Cầu hồn thì duy tụng bài Kinh Cầu Siêu (Đầu vọng bái Tây Phương Phật Tổ . . . .).

V - TANG LỄ CHO NHI ĐỒNG.
Theo Quyển Tang Lễ của Ngài Trương Tiếp Pháp.

Đối với trẻ em từ 10 tuổi trở lên nếu Trường Chay hoặc Thập Trai thì làm các Nghi Tiết Tang Lễ giống Y như cho cấp Chức việc BTS và các cấp phẩm tương đuơng . , được hưởng đủ Kinh và được làm Phép Xác… Còn trẻ em 10 tuổi trở xuống thì chỉ Thượng Sớ và Cầu Siêu mà thôi.    

 (Tài liệu Lớp Hạnh Đường (1970, 1973) cho chức việc BTS Nam, nữ có trích dẫn từ Quyển Tang lễ nầy về phần Tang Lễ cho trẻ em).

Theo qui định trên thì Tang Lễ cho Nhi đồng như sau:
* Trẻ em con nhà Đạo từ 10 tuổi trở lên dưới 18 tuổi giữ trọn Trai Giới, nếu qui vị thì làm các Nghi Tiết Tang Lễ như sau:
- Được Thượng Sớ Tân Cố.
- Được hưởng đủ Kinh.
- Được làm Phép Xác.
- Được làm Tuần Cửu, Tiểu Tường và Đại Tường.

* Trẻ em 10 tuổi trở xuống, có giấy Tắm thánh thì chỉ Thượng Sớ và Cầu Siêu mà thôi.

Ghi chú:

1) - Trong Quyển Quan Hôn Tang lễ do Hội Thánh ban hành năm 1976 (Có phê duyệt của Đức Lý), không thấy có qui định hoặc hướng dẫn về Phần Tang Lễ cho Nhi đồng.

2) - Theo Châu tri  61 đề ngày 18 tháng 8 năm Mậu Dần (Dương lịch: 10-10-1938), do ba vị Q. Thái Chánh Phối Sư, Q. Thượng Chánh Phối Sư và Q. Ngọc Chánh Phối Sư (Thái Phấn Thanh, Thượng Chữ Thanh, Ngọc Trọng Thanh) ký ban hành, có Đức Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài phê chuẩn, thì:

“Con nít 3 tuổi trở sắp lên giữ được 10 ngày chay hoặc trường chay thì được làm Phép Xác y theo Tân Kinh. Tuy nhỏ tuổi mặc dầu mà Chơn Linh trong sạch, lại biết tùng theo Luật Pháp của ĐỨC CHÍ TÔN, nên được hưởng ân huệ ấy”.

VI - KHÔNG GIỮ TRAI GIỚI THEO PHẨM.

1 - Chức Việc Không Giữ Đủ Thập Trai.
Chức Việc không giữ đủ Thập trai, khi qui vị, lễ tang được thực hiện theo nghi Bạt Tiến (nghĩa là dâng lên Đức CHÍ TÔN và các Đấng Thiêng Liêng xin cứu giúp linh hồn), nơi Thánh Thất không dộng chuông báo tử.

2 - Chức Sắc Không Giữ Trai Giới Theo Phẩm.
Những vị Chức Sắc từ phẩm Lễ Sanh hoặc tương đương trở lên, khi qui vị:

* Nếu giữ trường trai thì được đưa vào Khách Đình hay Báo Ân Từ hành lễ tang theo hàng phẩm.
- Phẩm Lễ Sanh hay tương đương: Nghi hàng Thiên Thần tại Khách Đình.
- Phẩm Giáo Hữu hay tương đương đổ lên: Nghi hàng Thánh tại Báo Ân Từ.

* Nếu giữ Thập trai thì hành lễ tang tại tư gia hoặc tại Khách Đình theo hàng phẩm.

* Nếu giữ không đủ thập trai thì để tại tư gia hành lễ tang theo nghi Bạt Tiến, lạy theo hàng Vong Thường.

VII - VÀI TRƯỜNG HỢP  KHÁC.
1 - Cựu Chức Việc.
Chư Chức Việc nam nữ mãn nhiệm khi lâm chung thì đuợc tẩn liệm với Đạo Phục giống như lúc còn sanh tiền, nghĩa là Đạo Phục không có dây ren, không có sắc lịnh Tam Thanh (theo như Thông Tri số 12/ĐS/TT ngày 19-1 1970 của Hội Thánh qui định Đạo Phục cho Chức việc Nam Nữ mãn nhiệm).

2 - Người Bị Sét Đánh.
Người bị sét đánh chỉ được hành lễ tang phần Thế Đạo: Có Tế Điện, không Cầu Siêu (vì Chơn Thần đã bị tiêu diệt), không tụng Kinh Đưa Linh cữu, không tụng Kinh Hạ Huyệt, có Vãng Sanh Thần Chú (3lần), niệm chú THẦY 3 lần, không làm Tuần Cửu, Tiểu Tường hay Đại Tường.

3 - Người Tự Vận.
Người tự vận thì không được hành lễ theo phép Đạo, dầu có Nhập Môn, có Sớ Cầu Đạo và ăn chay đủ cũng vậy. Nghĩa là: Không hành lễ phần Thiên Đạo mà cũng không hành lễ phần Thế Đạo.

Chưa tới số mà tự hủy mình, nên không về với Đức CHÍ TÔN đuợc, phải chờ nơi Thanh Tịnh Đại Hải Chúng cho đến khi tới số mới được xét xử.

Trong Kinh Sám Hối (các Đấng giáng Cơ ban cho vào năm 1925 trước ngày khai Đạo) có dạy:
" Dương gian ngỗ nghịch lăng loàn,
Liều mình tự vận, không màng thảo ngay.
Xuống Địa ngục, đọa đày hành mãi,
Đúng số rồi còn phải luân hồi."

Ghi chú:

1) - Thanh Tịnh Đại Hải Chúng là một nơi ở cõi Hư Linh, dưới quyền độ rỗi và giáo hóa của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát và Thất Nương Diêu Trì Cung. Khai Đạo Cao Đài (thuộc Tam Kỳ Phổ Độ), Đức CHÍ TÔN cho “Đóng Địa ngục, mở tầng Thiên”, nên những tín đồ không giữ tròn Luật Đạo khi qui liễu Chơn Hồn sẽ được đưa đến cõi Thanh Tịnh Đại Hải Chúng tạm ở đó để được giáo hóa.

Tòa Tam Giáo Ngọc Hư Cung sẽ xem xét tội phước của mỗi Chơn Hồn để định phận. Trong khi chờ đợi như thế, các Chơn Hồn có thể tu luyện thêm, và có Thất Nương Diêu Trì Cung đến đây độ rỗi.

2) - Trong Quyển LỜI PHÊ CỦA ĐỨC HỘ PHÁP có một đoạn nói về Thanh Tịnh Đại Hải Chúng như sau :

* Tờ đề ngày 3-11 Canh Dần của Nguyễn Văn Thế và 16 vị nữa đồng đứng dâng cả công quả của mấy vị ấy để chuộc tội cho ông Võ Văn Đợi là Sư Huynh của họ ở Đạo Núi.

LỜI PHÊ của ĐỨC HỘ PHÁP:
“Đợi bị phế vị là nó dám từ chối Thập Nhị Đẳng cấp thiêng liêng, ngày nay theo Thiên Điều nó phải tái kiếp mà hành Đạo lại, nếu nó đặng ở Thanh Tịnh Đại Hải Chúng mà tu hành nơi cõi Hư Linh cũng là may phước cho nó. Còn quyền Thiêng Liêng thưởng phạt là do Quyền Ngọc Hư Cung có phải của Bần Đạo đâu mà xin Bần Đạo.

Còn dâng công quả cho Đợi chỉ có vợ con của Đợi mới đặng. Còn của mấy em, ai thèm đâu mà dâng”.
HỘ PHÁP
(Ấn Ký)

VIII - TANG LỄ SAU NGÀY LỄ ĐƯA CHƯ THÁNH.
Sau ngày đưa Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật triều Thiên, từ 23 đến 30 tháng chạp âm lịch, các Đấng cầm quyền cai trị Càn Khôn Thế Giới đều lên Ngọc Hư Cung chầu lễ Đức CHÍ TÔN.

* Chức Sắc Đại Thiên Phong từ phẩm Đầu Sư và các phẩm tương đương trở lên qui Thiên, tang lễ được cử hành tại biệt điện trong vòng 3 ngày (không di Liên Đài vào Báo Ân Từ hay Đền Thánh, cũng như không đưa ra Cửu Trùng Thiên).

Thượng Sớ Tân Cố:
- Tại Giáo Tông Đường đối với Chức Sắc Cửu Trùng Đài.
- Tại Hộ Pháp Đường đối với Chức Sắc HTĐ và Phước Thiên.

* Chức Sắc Thiên Phong từ phẩm Chánh Phối Sư đổ xuống Giáo Hữu và các phẩm tương đương qui vị, tang lễ được cử hành tại tư gia, không di Linh Cữu vào Báo Ân Từ  hay Đền Thánh, không chèo hầu, chỉ chèo đưa (Nếu không có tư gia thì hành lễ tại Khách Đình).

* Lễ Sanh và các phẩm tương đương, Chức Việc và Đạo Hữu khi qui liễu thì hành lễ cúng tế tại tư gia (Nếu không có tư gia thì hành lễ tại Khách Đình).

Các cuộc lễ Tế Điện, Cầu Siêu, hành pháp Độ Thăng, an táng, đều được tụng Kinh như thường lệ (Theo quyển Quan Hôn Tang Lễ do Hội Thánh ban hành).

Tóm Lại:
Theo quyển Quan Hôn Tang Lễ do Hội Thánh ban hành:

Khi làm Lễ Tang sau ngày Đưa Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật triều Thiên, vẫn đọc đủ các bài Kinh như thường lệ: Cúng Thầy, Cầu Siêu, Phép Xác, Đăng Điện, Tế Điện,..v.v… Nói chung, làm y như trước ngày 23 tháng Chạp, chỉ có điều là:
- Hành lễ tại tư gia hay Khách Đình.
- Không vào Báo Ân Từ hay Đền Thánh để cầu nguyện (ở địa phương không vào Điện Thờ Phật Mẫu hay Thánh Thất),

* Đặc biệt: Hằng ngày không có cúng THẦY, khi hữu sự mới cúng để thỉnh cầu.

*  *  *

PHẦN PHỤ LỤC

NGHI TIẾT HÀNH LỄ TANG

Trích nguyên văn từ “Quyển QUAN HÔN TANG LỄ”
(Hội Thánh Lưỡng Đài Chung quyết ngày 7-11 Ất Mão / DL. 9-12-75 và
Đức Lý phê chuẩn Rằm tháng 11 - Ất Mão / DL. 17-12-1975)

TANG LỄ
CỦA CHỨC VIỆC VÀ ĐẠO HỮU
(Nam, Nữ)
_____

Phẩm: Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự, Luật Sự, Hành Thiện, Thính Thiện, Tân Dân, Minh Đức, Giáo Nhi, Nhạc Sĩ, Lễ Sĩ, Đầu Phòng Văn Khoa mục, Thơ Ký, Tá Lý, Đạo Hữu và Đạo Sở.

Sơ Giải: Chức vị trên đây, nếu giữ trường trai hoặc thập trai, thì được làm Phép xác, hành lễ Tế điện theo nghi cúng vong thường, và được làm tuần cửu, Tiểu Tường, Đại Tường, bài thài theo hàng vong thường.

A - Nghi Tiết Hành Lễ.
1 - Hấp Hối: Tụng bài Kinh Hấp Hối (Rắp nhập cảnh...).
2 - Tắt Hơi: Tụng bài kinh Khi Đã Chết Rồi (Ba mươi sáu … ).
3 - Tại Đền Thánh hoặc Thánh Thất: Dộng chuông cảnh cáo, Nam 7 tiếng, Nữ 9 tiếng.
4 - Thượng Sớ Tân Cố: Dâng sớ nơi Đền Thánh hoặc Thánh Thất hay Tư gia cũng được.
5 - Nhập Mạch: Tụng bài Kinh Tẩn Liệm (Dây Oan Nghiệt…). Thân nhơn muốn đem Linh cữu vào Khách Đình hay để nơi tư gia tùy ý (Nếu muốn đem vô Khách Đình thì phải xin phép Hội Thánh).
6 - Thành Phục: Thì phải hành lễ Đức CHÍ TÔN, Cáo Từ Tổ tế điện, đọc Ai chúc (vợ tế chồng hay con tế cha v.v…). Nếu có thân bằng cố hữu tế lễ thì làm nghi châm chước.

Phụ chú: Khi Cáo Từ Tổ có mâm Tang phục đặt phía trước bàn thờ hành lễ, xong di mâm Tang phục đến trước Bàn Vong, những người thọ Tang quì trước Bàn Vong cầu nguyện. Vị Chức Sắc hoặc Chức Việc hữu trách mặc sắc phục phát tang cho Tang quyến.
Chánh Tế: Đọc bài Ai chúc (Vợ tế Chồng, Con tế Cha,.v.v…)
Phụ Tế: Nếu có thân bằng cố hữu tế thì làm nghi châm chước.
7 - Cầu Siêu: Tụng bài Kinh Cầu Siêu (Đầu vọng bái…), tụng xen bài Kinh Khi Đã Chết Rồi (Ba mươi sáu cõi…), tụng mỗi bài 3 lần, niệm Chú CHÍ TÔN 3 lần. Kế tiếp tụng Di Lạc Chơn Kinh
8 - Lễ An Táng: Hành lễ châm chước. Cầu Siêu tụng kinh như trên, một vị Chức sắc hành Pháp xác, lễ khiển điện, di linh cữu ra thuyền Bát nhã đưa đi đến Báo Ân Từ. Thỉnh linh vị vào bái lễ Đức PHẬT MẪU (đổ 1 hồi chuông). Đến Đền Thánh cũng thỉnh linh vị vào bái lễ Đức CHÍ TÔN (cũng có đổ 1 hồi chuông) trở ra đi an táng nơi Nghĩa Địa.

B - Trật Tự Đưa Đám.
1 - Bảng Đại Đạo
2 - Phướng Thượng Sanh
3 - Bàn Vong, theo sau là Bàn Đưa
4 - Đồng nhi tụng Kinh Đưa Linh, có đờn
5 - Thuyền Bát Nhã chở Linh cữu
6 - Tang quyến
7 - Chức sắc, Chức việc, Đạo hữu nam nữ.

* Tại Nghĩa Địa:
Đọc Ai điếu (nếu có). Đồng nhi tụng bài Kinh Hạ Huyệt và Chú Vãng Sanh 3 lần. Khi dứt niệm Chú CHÍ TÔN 3 lần.
GIẢI TÁN

TANG LỄ
ĐẠO HỮU GIỮ LỤC TRAI
( NAM NỮ )

Sơ Giải:  Những vị nầy không được làm Phép xác, Cầu Siêu thì tụng bài kinh “Đầu vọng bái… ” và tụng Di Lạc Chơn Kinh mà thôi. Hành lễ Tế điện theo nghi cúng Vong thường. Không có làm Tuần Cửu, Tiểu Tường và Đại Tường (theo Tân Kinh).

Khi tới ngày Tuần Cửu, Tiểu Tường, Đại Tường, thì thân nhơn người qui liễu đến Thánh Thất sở tại xin hành Lễ Cầu Siêu.

Cầu Siêu thì chỉ tụng bài kinh “Đầu vọng bái…” và tụng Di Lạc Chơn Kinh mà thôi. Còn như làm lễ tại tư gia thì cũng tụng hai bài Kinh trên đây. Tụng nhiều chừng nào càng tốt chừng nấy.

A - Nghi Tiết Hành Lễ.
1 - Hấp Hối: Tụng bài kinh Khi Hấp Hối (Rấp nhập cảnh … ).
2 - Tắt Hơi: Tụng bài kinh Khi Đã Chết Rồi (Ba mươi sáu cõi…).
3 - Thượng Sớ Tân Cố: Tại tư gia hoặc Thánh Thất.
4 - Tẩn Liệm: Tụng bài Kinh Tẩn Liệm (Dây oan nghiệt…).
5 - Thành Phục: Nếu để nơi tư gia thì hành lễ Đức CHÍ TÔN, Cáo Từ Tổ, Phát tang. Còn đem vào Khách Đình thì cũng hành lễ Đức CHÍ TÔN.

Hành lễ Tế điện, nghi cúng vong thường. Nếu có thân bằng cố hữu tế lễ thì làm nghi châm chước.

6 - Cầu Siêu: Tụng bài Kinh Cầu Siêu (Đầu vọng bái…), tụng 3 lần, niệm Chú CHÍ TÔN 3 lần. Tiếp tụng Di Lạc Chơn Kinh.
7 - Lễ An Táng: Hành lễ châm chước, tụng Kinh Cầu Siêu, khiển điện, di Linh cữu ra Thuyền Bát Nhã.

Đi đến Báo Ân Từ, thỉnh Linh vị vào bái lễ Đức PHẬT MẪU, đến Đền Thánh cũng thỉnh Linh vị vào bái lễ Đức CHÍ TÔN, trở ra đi an táng.

B - Trật Tự Đưa Đám.
1 - Bảng Đại Đạo
2 - Phướng Thượng Sanh
3 - Bàn Vong
4 - Đồng nhi tụng Kinh Đưa Linh, có đờn
5 - Thuyền Bát Nhã chở Linh cữu
6 - Tang quyến
7 - Chức Việc, Đạo hữu Nam nữ.

* Tại Nghĩa Địa:

Nếu có Ai điếu thì đọc.Hạ Huyệt: Tụng Kinh Hạ Huyệt và Chú Vãng Sanh 3 lần, niệm Chú CHÍ TÔN 3 lần.
GIẢI TÁN
TANG LỄ
ĐẠO HỮU SA NGÃ
& NGƯỜI NGOẠI ĐẠO MUỐN CẦU SIÊU THEO LỄ ĐẠO
________

(Thi hành theo Tân Kinh)
1 - Về việc Cầu Siêu, nếu gần Thánh Thất thì Cầu siêu nơi Thánh Thất.
2 - Nếu ở xa Thánh Thất thì thiết lễ Cầu siêu nơi tư gia của Chức sắc hoặc Chức việc gần đó.
3 - Nếu người trong thân quyến chịu nhập môn thì dễ hơn, Chức sắc cứ đến thượng Tượng cho nhập môn rồi thiết lễ tang sự luôn.

Sơ Giải: Hành lễ Bạt tiến, không làm Phép Xác, tụng kinh Cầu Siêu “Đầu vọng bái … ”, không tụng bài Kinh Khi Đã Chết Rồi (Ba mươi sáu cõi… ), tụng Di Lạc Chơn Kinh.

A - Nghi Tiết Hành Lễ:
1 - Hấp Hối: Tụng bài kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối (Rắp nhập cảnh … ).
2 - Thượng Sớ Tân Cố: Tại tư gia, nếu có nhập môn.
3 - Tẩn Liệm: Tụng bài Kinh Tẩn Liệm (Dây oan nghiệt…).
4 - Thành Phục: Lễ cầu nguyện Đức CHÍ TÔN, Cáo Từ Tổ, thành phục Phát tang, lễ Tế điện cúng vong thường. Nếu có thân bằng cố hữu tế lễ thì làm lễ châm chước, Đồng nhi đọc Ai chúc.     
5 - Cầu Siêu: Tụng bài Kinh Cầu Siêu (Đầu vọng bái …), tụng 3 lần, niệm Chú CHÍ TÔN 3 lần. Tụng Di Lạc Chơn Kinh.
6 - Lễ An Táng: Hành lễ châm chước, tụng Kinh Cầu Siêu, khiển điện, di Linh cữu ra thuyền Bát nhã. Đi đến Báo Ân Từ thỉnh Linh vi vào bái lễ Đức PHẬT MẪU. Đến Đền Thánh cũng thỉnh Linh vị vào bái lễ Đức CHÍ TÔN, trở ra đưa đi an táng.

B - Trật Tự Đưa Đám:
1 - Bảng Đại Đạo
2 - Phướn Thượng Sanh
3 - Bàn Vong
4 - Đồng nhi tụng Kinh Đưa Linh, có đờn
5 - Thuyền Bát Nhã chở Linh cữu
6 - Tang quyến
7 - Chức Việc, Đạo hữu Nam nữ.

* Hạ Huyệt: Tụng Kinh Hạ Huyệt và Vãng Sanh 3 lần, khi dứt niệm Chú CHÍ TÔN 3 lần.

GIẢI TÁN.
HẾT
Hạnh Đường