Lời Minh Thệ - Lễ Nhập Môn Cầu Đạo (Viện Sử Cao Đài)


1. Minh thệ là gì?
Chính là nói tắt của thành-ngữ “Minh sơn thệ hải” tức là lời hẹn với núi, thề với biển hay còn nói là thề non hẹn biển. Là sự thề thốt đinh-ninh không dám sai lời. Nếu chỉ chính bản thân mình ước hứa e rằng có thể quên đi nên phải nhờ những chứng nhân khác làm chứng cho lời nguyện, lời hứa của mình. Ca dao Việt-Nam rằng:
"Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành."

Ở đây lời thề của người Tín hữu Cao-Đài trước khi được nhận làm Môn-Đệ của Đấng Chí-Tôn (Ông Thầy Trời). Tức nhiên vào cửa Đạo phải có lời tuyên hứa nguyện trung thành với Đạo-pháp, gọi là lời Minh thệ. Sở dĩ phải có lời Minh thệ là vì tâm lý của nhơn sanh hay thay đổi nên quyền Chí-Tôn phải buộc, cũng vì ích lợi của chúng sanh: Muốn được làm Môn-đệ phải:

1 - Xét mình cho kỹ trước khi vào Đạo.
2 - Khi vào Đạo rồi phải đủ Đức tin và Chí-thành.
3 - Nâng mình vào đường lối cao-thượng.

Phải cao thượng hơn chốn trần gian hèn kém và đau khổ này. Sau cùng phải tu làm sao để đạt được ngôi Thần Thánh Tiên Phật và cả ngôi Trời nữa, mà Đức Thượng-Đế sẵn-sàng giao cho người có tâm đức, nhơn nghĩa…
Hồi lúc mới khai Đạo, Thầy dạy: Các Môn đệ đi từ người đến trước bàn Ngũ Lôi mà thề:

2 . Lời Minh thệ:
Tên gì ? Họ gì ? “Thề rằng: "Từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư Môn-đệ gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì Thiên tru địa lục” (36 chữ)
Lập Minh thệ tức là làm Lễ nhập môn. Chỉ với 36 chữ này là định cho sự thăng đọa đó: Nếu giữ đúng lời Minh Thệ thì thăng về Tam thập lục thiên tức là “Ba mươi sáu cõi Thiên Tào”, trái lại thì Tam thập lục động lại mời.

Hai chữ "Nhập môn" chính nghĩa là vào cửa. Nhập là vào, môn là cửa. Vào cửa Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ-Độ vậy. Muốn làm Môn-đệ của Đấng Cao-Đài trước nhứt phải làm Lễ Nhập-môn. Tại sao sự tu-hành mà còn phải bắt buộc quá vậy?

Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ-pháp có giải rành:
" Buổi Chí-Tôn đến tạo Quốc-Đạo cho nòi giống Rồng Tiên này chính Ngài cầm Cơ đi đến các Tỉnh, kêu từ nhà, gọi từ đứa con, cho không biết bao nhiêu bài khuyến dạy, tạo thành Tôn-giáo CAO ĐÀI là QUỐC ĐẠO. Tưởng chưa có người nào đem cả tinh thần, tâm đức mà thi ân cho ai dường ấy. Đức Chí-Tôn đến độ rỗi, lập giáo rồi lại bắt Minh thệ.
Hỏi tại sao Ngài lại bắt Minh thệ, buộc con cái phải hiệp đồng cùng nhau, mỗi người có một chút Đức-tin. Thầy bảo qui Đức-tin ấy lại, phải có tâm đức, tin tưởng, yêu ái lẫn nhau, phải nhìn nhận có Thầy, có Đức-tin nơi Thầy" (TĐII/42)

Lại nữa vì tính cách quan trọng hơn là Thầy còn giao cho cả ngôi Trời nữa kìa!
Đức Hộ Pháp thuyết đạo ngày 12/7/Mậu Tý (1948):
" Phương ngôn của Pháp có câu: "Aide-toi le ciel t'aidera" (Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp cho) và Tiên Nho chúng ta nói "Tận nhơn lực tri thiên mạng" điều nầy hiển nhiên chơn thật lạ lùng chúng ta rán cố gắng hết sức mình thì Chí Tôn mới ban cho cái huyền linh của Ngài, nếu không rán không thế gì hưởng được, mấy em nhận biết điều ấy, chúng ta do Chí Tôn kêu gọi đặng gầy dựng, ta phải cố gắng, vì lẽ không thăng tức ta phải đọa. Mấy em nhớ, Ðạo của mấy em chúng Qua đã tạo dựng cho mấy em đặng ngày kia mấy em tiếp theo Chơn Truyền Luật Pháp thay thế cho mấy Qua đặng truyền nghiệp cho hậu tấn.
Người Pháp nói "Chaque soldat a un bâton de maréchal dans son sacoche", nghĩa là: Mỗi tên lính đều có cây giản của ông Thống Chế trong bị của họ, Qua nói rằng: Mỗi vị Tín đồ đều có cái mão của Giáo Tông và Hộ Pháp đội trước trên đầu, không lấy được là lỗi tại mấy em, chẳng lẽ có một người mà người đó chết rồi là diệt tiêu nền Ðạo.
Ngày kia không có gì vui hứng cho Qua hơn, khi thấy xuất hiện trong mấy em, khi Qua đã già vô tịnh thất an dưỡng tinh thần, mà thấy đặng mấy em ở dưới bước lên ngồi địa vị cao trọng của Ðạo, nếu Qua được hưởng hạnh phúc thấy như vậy thì vui sướng của Qua vô cùng tận."

3 . Ý-nghĩa lời Minh thệ:
(Thông tri số 104/ CTĐ ngày 27-1 Tân-Mão (dl4-3-1951) của Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài do Lại viện ban hành số 171/ SL ngày 6-5 Canh-Tuất (dl 9-6-1970)
Ý-nghĩa lời Minh thệ trên đây là một lời tuân hứa nhứt quyết theo cùng Đấng Thượng-Đế, để trọn tâm thi hành Thiên-Đạo và cam kết làm tròn phận sự theo lời Minh thệ.
- Điều thứ nhứt: "Thề rằng: Từ đây biết một Đạo Cao-Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng" Là trọn nhìn một Đạo Cao-Đài của Đức Chí-Tôn, ngoài ra không đặng xu-hướng theo ngoại giáo, gây nên sự rắc rối chia ly và làm mất Đức-tin nơi cửa Đạo.
- Điều thứ nhì: " Hiệp đồng chư Môn-đệ gìn luật lệ Cao Đài ". Tín-đồ nhập môn rồi phải tuân hành y Luật pháp chơn truyền của Đại-Đạo là: "Tân luật, Đạo Luật, Pháp Chánh-Truyền…" và thi-hành các qui điều giáo huấn của Hội-Thánh để làm tròn phận sự mình. Ấy là phương hiệp đồng nhứt trí của toàn Đạo: Tín đồ, Chức việc, Chức sắc, Hội-Thánh để nhặc gìn luật lệ Cao-Đài của Đấng Chí-Tôn.
- Điều thứ ba: " Như sau có lòng hai thì Thiên tru địa lục ". Ăn ở hai lòng bất trung, bất chánh, dối Thầy phản bạn và làm những việc trái với luật lệ của Đại-Đạo cùng hành động vô nhân, vô nghĩa, mất sự thương yêu, mất điều tín nhiệm, gieo rắc những điều ngờ vực, hiềm khích giữa tình đồng Đạo và manh tâm bội nghịch cùng Hội Thánh sẽ chịu luật công bình của trời đất tru diệt (nghĩa là trời giết đất giết).

* Minh thệ đối với Luật vô vi:
Là Thiên điều của Chí Tôn cùng các Đấng thiêng liêng: Phật, Tiên, Thánh, Thần cầm quyền trị thế. Là một ân huệ được chọn làm Môn-đệ của Đấng Chí-Tôn. Khi giữ trọn lời Minh thệ sẽ được các Đấng hộ trì, ban ân lành, đạo tâm sáng suốt, trọn vẹn đức tin, đến ngày thành công đắc Đạo được ghi tên vào Tiên-tịch.
* Minh thệ đối với Luật hữu hình Hội-Thánh.
Là một giá trị uy-tín đối với Đạo và Hội-Thánh. Khi giữ trọn lời Minh thệ sẽ được tín nhiệm, kính nễ, bảo trợ, hưởng mọi đặc ân với Luật công bằng Hội-Thánh.

Lời Minh thệ Nhập môn cầu Đạo là một điều rất quan hệ của người giữ Đạo và một lời hứa trọn vẹn tín thành với Hội-Thánh cùng các Đấng Thiêng-liêng một kiếp sanh hiện tại và tương lai, phước hay tội cũng do nơi lời Minh thệ này.
Vậy toàn Đạo Nam Nữ nên thận trọng tuân y theo lời Minh thệ. Chức sắc hữu quyền: các cơ quan, chư vị khâm châu, Đầu tộc Nam Nữ phải thông truyền lời dẫn giải Minh thệ này cho toàn Đạo tuân hành”.

4. Thông tri của Ngọc Chánh Phối-sư.
Tiếp theo đây là Thông-tri của Ngọc Chánh-Phối sư Đề ngày 22-11 Bính-Ngọ (dl 2-1-1967)
“Hội Thánh xin nhắc nhở chư Chức-sắc, Chức-việc cầm quyền Hành-Chánh-Đạo ở trung-ương cũng như địa phương nên nhớ lời Minh thệ trước bửu pháp Ngũ-lôi và các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật cầm quyền trị thế và làm tròn Thiên Đạo mà dìu-dắt đoàn em đều là con cái của Đức Chí-Tôn tận con đường Thánh-Đức trong khuôn viên Luật pháp chơn truyền của nền Đại-Đạo.
" Lời Minh thệ đối với vô vi là Luật Thiên-điều rất quan hệ cho Chức-sắc Thiên-phong, Chức Việc, Bàn-trị-sự cũng như lời Minh thệ của người mới nhập môn cầu Đạo là lời hứa trọn vẹn tín thành cùng các Đấng Thiêng-liêng và Hội-Thánh “không đổi dạ đổi lòng”. Nếu giữ tròn lời Minh thệ cho đến ngày thành công đắc Đạo được ghi tên vào Tiên-tịch, nhược bằng trái lại thất thệ vì “lòng một dạ hai” thì rất uổng một kiếp sanh may duyên gặp Đạo ".

5. Tính cách quan trọng của lời Minh thệ.
Vì tầm mức quan trọng của lời Minh thệ dường ấy nên Hội Thánh lúc nào cũng ân-cần nhắc nhở.
Đến khi lâm chung bài Kinh cầu hồn khi hấp-hối có câu này và chính đây là sự quyết-định do lời Minh-thệ:
" ! Tên họ …Thành tâm cầu nguyện,
Nguyện Chí-Tôn linh hiển độ sanh.
Ăn-năn sám hối tội tình,
Xét câu Minh thệ gởi mình cõi thăng."

Lời Thầy cũng dạy bảo trong buổi khai Đạo rằng:
" Chư Môn-đệ đã lập Minh Thệ rồi, ngày sau tùy Âm chất mỗi đứa mà thăng, hay là tội lỗi mà giáng, song buộc mỗi đứa phải độ cho đặng ít nữa mười hai người ". (TNII/12)

Bởi Cao-Đài Đại-Đạo ngày nay Đức Chí-Tôn có dạy rõ: trên có Tam thập lục Thiên (36 từng trời), dưới có Tam Thập Lục động (36 cõi đất) đó là tượng trưng hai cảnh đọa thăng của con người. Vì vậy mà lời Minh thệ có 36 chữ. Điều ấy chứng tỏ rằng ai giữ đúng chơn truyền của Đại-Đạo thì đường Tiên thong-thả:
" Ba mươi sáu cõi Thiên-tào,
Nhập trong Bát-quái mới vào Ngọc-Hư."

Còn nếu người nào thất thệ với Đức Chí-Tôn thì Tam thập Lục Động lại mời. Đức Hộ-Pháp cũng nói:
" Về phần Môn-đệ của Đức Chí-Tôn từ buổi đem thân vào cửa Đạo, trong lúc Nhập môn đã quì trước Bửu điện có Bàn Ngũ-Lôi mà lập Minh thệ. Vậy mà:
Than ôi! Cho những người thề như vậy mà cũng không để trọn Đức tin nơi Đức Chí-Tôn lại thối bước ngã lòng, cởi áo Đạo dẹp khăn tu, mong mỏi xu-hướng theo con đường tục lụy, cho nên mới gây ra con đường lằn súng mũi đạn ngày nay.
Vậy thì ai là người thất thệ với Chí-Tôn thì phải sớm thức tỉnh tâm hồn, ăn-năn sám hối cầu xin Đại-Từ Phụ cùng các Đấng Thiêng-Liêng Từ bi ân xá tội-lỗi tiền khiên thì họa may đặng chung hưởng ân huệ của Chí-Tôn ban cho sau này" (ĐHP: 15-9 Bính-Tuất 1946)

Do đó mà phải xét mình trước khi vào Đạo để chính mình nhận định cho kỹ, hầu tạo cho được Đức tin và sự chí thành. Kinh có dạy: " Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp ".
Khi vào Đạo rồi tự mình nâng cao phẩm giá mình vào lối cao thượng. Cao thượng hơn người thường nhơn còn nhiều hèn kém và lao khổ này.


6 . Đạo mở tức là Cơ Đại-Ân-xá của Đức Chí-Tôn:
Ngài Bảo-Đạo Hồ-Tấn-Khoa có nói:
" Người mới Nhập môn vào Đạo Cao-Đài lập Minh thệ thì đặng hưởng hồng-ân là thọ phép Giải oan. Phép này rửa sạch tội tiền khiên của mình từ trước.
Phép này cũng là một Đại Ân xá những tội tình, nhưng từ ngày Nhập môn về sau thì phải gìn giữ đừng gây thêm tội mới cho đến ngày chết tức là ngày trở về với Đức Chí-Tôn (Đại-Từ-Phụ) thì được nhẹ nhàng rất nhiều rồi.
Ngoài Bí-Pháp giải-oan này Đức Chí-Tôn còn ban cho Pháp Tắm Thánh, pháp làm hôn phối và đặc biệt nhứt là phép xác và phép độ thăng.
Người Tín-hữu Cao-Đài nào giữ được 10 ngày chay trong mỗi tháng đổ lên được thọ truyền bửu pháp tức là hưởng được phép xác, cắt hết 7 dây oan-nghiệt. Linh-hồn không còn bị ràng buộc với thi hài bởi 7 dây oan-nghiệt nữa nên được xuất ra nhẹ-nhàng về cõi Thiêng-liêng hằng sống.
Còn phép độ thăng là để giúp cho linh hồn những Chức-sắc được nhập vào Bát-Quái-Đài dễ-dàng hơn ".

II . Không đi vào con đường Tam Kỳ Phổ Độ thì không thể gì đi con đường nào vô Cực Lạc Thế Giới.
Sau đây xin chép lại Bài: Đức Hộ Pháp xuất vía về Bạch Ngọc Kinh và Cực Lạc Thế Giới, thấy Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh, tức là Chơn linh của Đức Từ Hàng Bồ Tát giáng trần, vào năm Đạo thứ 2, tức là năm Đinh Mão (1927):
"Lúc mở Đạo ở Nam Vang (Tần quốc), Đức Hộ Pháp xuất Chơn thần về Thiên đình, qua Bạch Ngọc Kinh và CLTG, thấy Cửu phẩm Liên Hoa, nên thuật y câu chuyện lại cho Ngài Thái Thơ Thanh nghe như vầy:
" Đương lúc mơ màng, Chơn thần liền xuất đi thấy ngồi trên một cái xe ngựa, day qua thấy cảnh Thất thập nhị Địa, qua đến Tứ Đại Bộ Châu, nhìn thấy Đức Chí Tôn đứng trên Tòa Kim Khuyết, Đức Lý Giáo Tông cũng đứng bên bàn, kế Chức sắc Thiên phong, mấy vị Đạo tâm đứng hầu Ngài.
Chừng sắp trận Đại chiến với Quỉ Vương trên Thiên đình, Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thắng trận, chúng Quỉ đều chạy tan vỡ, rồi kéo nhau qua CLTG, chừng đến cửa Niết Bàn thì thấy Ngài Thái Thơ Thanh cầm bửu kiếm ngồi trên lưng con Kim Mao Hẩu, trấn thủ CLTG.
Lúc ấy Đức Hộ Pháp hỏi Ngài Thái Thơ Thanh rằng:
- Anh về trên nầy hồi nào vậy?
Ngài Thái Thơ Thanh trả lời:
- Tôi phải về trước để rước chư Hiền hữu.
Đức Phạm Hộ Pháp ngó ra ngoài thấy các vị Đại Đức đứng lao nhao lố nhố, đoàn ba lũ bảy, đến yêu cầu Ngài Thái Thơ Thanh cho họ nhập vào CLTG.
Ngài Thái Thơ Thanh không cho ai vào cửa hết, làm Đức Hộ Pháp động lòng, hỏi rằng:
- Tại sao Anh không cho họ vào?
Ngài Thái Thơ Thanh trả lời:
- Ngài không nhớ hồi đó chúng ta độ họ không đặng sao? Nếu người nào không nhập môn làm môn đệ của Đức Chí Tôn thì không thể gì vào được, vì các đạo giáo đều bị bế, chỉ có Đại Đạo Chánh Truyền dưới quyền của Di-Lạc Vương tận độ, mà điều trọng yếu hơn hết là không có lịnh của Ngọc Hư Cung, tôi đâu dám cho họ vào. Nếu tôi cho họ vào, họ bị cây Giáng Ma Xử của Anh thì Anh nghĩ sao? Không cho họ vào là cứu Linh hồn của họ vì họ có công tu.

Nếu cưỡng lại mà cho vào thì họ sẽ bị lửa Thái Cực trong chữ VẠN đốt cháy ra tro mạt, mình lại có tội nữa mà chớ. Tốt hơn hết là để họ trở lại Thanh Tịnh Đại Hải Chúng mà đợi thời gian, rồi họ sẽ tái kiếp, sẽ tu, rồi về sau. Hữu duyên mới gặp Tam Kỳ độ.

Đức Hộ Pháp ngó vào cửa CLTG thấy chữ VẠN quay cuồng trông như cái chong chóng, hào quang chiếu diệu sáng ngời. Không có lịnh cho vào, mà chơn linh nào vào gần đó thì bị đốt tiêu ra tro mạt nên thảm thương thay cho các vị Đại Đức đã dày công tu luyện mà khi về đến cõi Tây phương, chẳng đặng nhập vào cõi CLTG.
Nên họ phát ra nhiều tiếng rên siết rầm rĩ, họ xúm nhau, đoàn năm lũ bảy, kẻ thì tụng kinh, người thì đánh chuông cầu nguyện, kẻ đánh mõ vang dậy.
Phần thì con Kim Mao Hẩu hả miệng nhăn răng le lưỡi rất dữ tợn, nên không vị nào dám đến gần cửa CLTG.
Ấy là đúng theo Thánh giáo của Đức Chí Tôn đã tiên tri hồi mới Khai Đạo năm Bính Dần, các Đạo bị bế lại, thảm thương cho các con, tu có công mà thành chẳng đặng. Nếu không đi vào con đường Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thì không thế gì nhập vào CLTG cho đặng.

Chừng tới giờ Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ kéo cờ về tới cửa CLTG, thì Ngài Thái Thơ Thanh, ngồi trên lưng Kim Mao Hẩu, tay cầm bửu kiếm, chỉ ngay chữ VẠN thì cửa CLTG hóa ra to lớn rộng rãi vì chữ VẠN đã ngừng quay. Đức Hộ Pháp dẫn đầu đi vào trước, kế là những vị Đại Đạo Tam Kỳ và Đức Lý Giáo Tông tiến vào, sau mỗi vị đều có dấu hiệu cờ cùng sắc phục khác nhau.
Lần lượt liên tiếp, Đức Lý Giáo Tông dẫn vào 9 ức nguyên nhân, chừng vào xong, kiểm soát lại, Đức Hộ Pháp nghe trong Niết Bàn hô lớn lên rằng: Còn thiếu một ức nữa. Đức Hộ Pháp vội vàng muốn trở lại trần gian đặng độ tiếp cho đủ, thì có lịnh của Đức Chí Tôn phán rằng:
- Không hề chi đâu con, Cửu nhị ức Nguyên nhân mới độ về có 9 ức, thì lần lượt sau cũng độ hết đặng. Chừng nghe xong, Đức Hộ Pháp mới yên lòng.
Nhưng còn nghe văng vẳng bên tai rằng: " Phương pháp độ rỗi chỉ khuyên lơn các Chơn linh, dầu Nguyên nhân hay Hóa nhân, đoạt được chữ HÒA với chữ NHẪN, mới về cửa nầy được. Dầu cho vạn kiếp sanh dày công tu luyện mà còn ganh ghét thì sẽ bị vào tay Chúa Quỉ, không trông mong gì về cùng Thầy được."

Đến đây, Đức Hộ Pháp ghi nhớ tỉ mỉ, để rồi biên chép lại cho các Chức sắc Kim Biên xem và đem về Tòa Thánh Tây Ninh cho Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh biết rõ tự sự.
Đức Ngài dạy sao ra nhiều bổn để lưu truyền đến ngày sau trau thân học Đạo."


III . Muốn trốn bom nguyên tử phải chun trong đám đậu nành mà trốn. Đức Hộ-Pháp thuyết Đạo như vầy:
" Hôm nay, Bần-Đạo giảng về "Luật nhân quả vay trả của nhân-lọai" trong thời-kỳ Hạ nguơn hầu mãn bước sang thời kỳ Thượng-nguơn Thánh-Đức.
" Các con ráng ẩn-nhẫn để Ông Trời hát từ màn cho các con coi; các con trông cho đời mau tới, tới chừng tới các con khóc mẹ, khóc cha luôn. Bần-Đạo nói thật cái quyền năng vô đối của Đức Chí-Tôn một nháy mắt không còn một sanh mạng nơi quả địa cầu này, không cần một tích-tắc đồng hồ, những nhân nào quả ấy trả cho rồi đặng lập đời Thánh-đức mà thôi.
Một ngày kia Trung-Cộng và Căm-bốt (Cambodge) chết không còn một con đỏ, bởi vì Cambodge nghe lời xúi giục của người ta thành ra phải chết hết.

Các con biết sau này sắc tộc, sắc tộc đánh nhau; Tôn giáo, Tôn giáo đánh nhau. Đài-loan từ Hồng-Kông tản cư qua Việt-Nam trước, bởi vậy người hành ác mà mình theo họ, mình ôm eo ếch họ rồi họ trật chân, sút tay, họ té chết thì mình cũng chết theo họ mà thôi, thành ra người Miên (Campuchia) còn có bao nhiêu giống bên Việt-Nam đó thôi, các con ráng thương giùm họ.
Nói về Trung-Cộng là đứa con cưng của Đức Chí Tôn, nên Đức Chí-Tôn mới cho Lão-Tử, Khổng-Tử và Mạnh-Tử giáng trần dạy Đạo: làm lành lánh dữ, nhưng hiện nay Trung-Cộng theo cái thế sắc thủ đắc nguyên tử, sức mạnh là trên hết, tất cả mộng làm bá chủ hoàn cầu. Các con nhớ rằng: dữ tận hiền thăng, mạnh thua yếu được, nhu-nhược trường tồn“xỉ cương tắc chiết” nhơn-lọai trả quả với nhau, các con chịu cái nạn chung, trả từ đời Hồng-bàng đến giờ. Tổ-phụ ta khi xưa cũng ác tâm lắm, ỷ mạnh hiếp yếu, diệt chủng những nước yếu hèn nên phải chịu LỤÂT NHƠN-QUẢ ngày nay.
Bần-Đạo lấy làm mừng cho nước Việt-Nam trả hết món nợ tiền khiên mà Tổ-tiên chúng ta vay từ thuở bị nô lệ, nay không còn nô-lệ nữa. Vậy thời oan trái đã trả xong. Các con để tâm suy nghĩ; ngó thấy ở dưới thế-gian này ai mạnh cho bằng Tần-Thủy-Hòang, Thành-Cát Tư Hãn? Có ai mưu sĩ cho bằng Tào-Tháo?
Còn Đức Thích-Ca, Đức Chúa Jésus-Christ không có một tấc thép trong tay để bảo vệ lấy thân mà làm bá chủ hòan cầu mới là lạ cho chớ!
Hành ác trả ác, hành thiện trả lại thiện mà thôi, “Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu” (tuy lưới Trời lồng lộng mà chẳng lọt một mảy lông) không bao giờ sai chạy.
Bần-Đạo nói ra đây các con ráng mà nhớ: các con đừng có mộng làm giàu cho mắc công; các con bây giờ sống trên nắp thùng nổ của bom nguyên tử, dù muốn dù không các con phải chịu ăn bom nguyên-tử mà thôi, các con muốn trốn bom nguyên-tử phải chun trong đám đậu nành mà trốn chớ không trốn đâu khỏi hết.

Sau này nước Việt-Nam còn sống nhiều nhờ biết chay lạt tu-hành, còn các nước khác chỉ còn sống lưa thưa mà thôi vì họ hành ác chạy đua võ-trang giết người hàng lọat, nên Đức Chí-Tôn mới phạt họ. Năm ngàn năm trở lại đây, biết bao nhiêu Đấng xuống trần dạy Đạo, khuyên nhủ cho người ta biết làm lành lánh dữ, nhưng tánh nào tật nấy, dữ cũng vẫn dữ mà thôi. Họ không có hiền bảo người ta hiền làm sao cho được?
Trước khi dạy người, ta phải hiền trước để làm gương mẫu; hiền lành trước đi thì người khác mới noi theo, nên Đức Chí-Tôn mở Đạo lấy THƯƠNG-YÊU làm gốc: CÔNG-BÌNH, BÁC-ÁI.
Ngày nào cả nhân-lọai trên mặt địa cầu này biết nhìn-nhận Đức Chí-Tôn là Đấng Cha chung thời ngày ấy mới được Hoà-bình vĩnh-cữu.
Tóm lại ai hành ác mặc họ, Tín đồ Cao-Đài ráng lo tu, chay lạt, đi cúng hằng ngày, phải nhiều thời, nhiều pháp, nhiều kinh, cầu xin Đức Chí-Tôn giảm tội cho họ. Nếu họ biết ăn năn hối cải mà làm lành lánh dữ, bằng không phải trả giá rất đắc." (ĐHP thuyết 15-6-Mậu-Tý 1948)
Viện Sử Cao Đài
 Về Hạnh Đường