Bước đầu tiên để một người thường trở thành tín đồ
Cao Đài là phải nhập môn cầu Đạo. Đây là một nghi lễ hữu hình nhưng nó có giá
trị về mặt tâm linh và Hội Thánh, cũng như hầu hết các tôn giáo đều làm.
Người chứng lễ là một vị
Chức Sắc đương quyền hành chánh ở cấp nào cũng được. Tại các địa phương hẻo
lánh, không có Chức Sắc hành Đạo thì vị Chánh Trị Sự cũng được phép chứng lễ
nhập môn.
II - SỚ CẦU ĐẠO
Sau nghi lễ, người xin
nhập môn đã chính thức trở thành tín đồ Cao Đài và được cấp một giấy chứng nhận
gọi là "Sớ Cầu Đạo Tạm".
Sau sáu tháng tập sự làm quen với các sinh hoạt tôn giáo như cúng lạy, ăn
chay... nếu chứng tỏ được tinh thần hướng thiện của mình, người tân tín đồ sẽ
được cấp "Sớ Cầu Đạo Thiệt Thọ"
thay cho Sớ Cầu Đạo Tạm.
Sớ Cầu Đạo Thiệt Thọ này
sẽ dùng trong suốt cuộc đời mình, khi chết sẽ được đốt đi, ý nghĩa là để gởi
theo cho linh hồn người chết sử dụng. Trên Sớ Cầu Đạo có ghi tên hai người tiến
dẫn mình tức là người đã giới thiệu, hướng dẫn mình đi vào cửa Đạo. Hai người
tiến dẫn có trách nhiệm suốt đời đối với người mới nhập môn. Sau này nếu người
tín đồ lập được công đức lớn, người tiến dẫn cũng chung hưởng được một phần
công nghiệp, còn nếu làm điều đại tội trong cửa Đạo, người tiến dẫn cũng phải
chịu một phần trách nhiệm. Tuy luật lệ hữu hình này không ràng buộc nghiêm khắc
như vậy, nhưng về mặt tâm linh quả thật có như vậy. Cho nên khi đã kết nghĩa
làm bạn Đạo với nhau, phải biết giữ gìn cho nhau khỏi bị sa ngã, đối xử với
nhau bằng sự thành thật tín nhiệm và hòa hiệp, là những điều căn bản y như lời
kinh đã dạy: “Đạo gốc bởi lòng thành tín
hiệp…”
III - TẠI SAO PHẢI NHẬP
MÔN
- Làm lễ nhập môn có ích
lợi gì?
- Tại sao phải minh
thệ?
Về mặt hữu hình, trước
nhất nó có ý nghĩa của một lời tuyên thệ công khai rằng người tín đồ bằng lòng
đặt mình trong kỷ luật của Hội Thánh. Hành động này hoàn toàn tự do, có ý thức,
không ai bắt buộc mình cả. Rồi vì tự mình khép khuôn trong kỷ luật ấy, vì danh
dự của tập thể, vì sự tôn trọng lời hứa mà các bạn đạo, Chức việc, Chức sắc bề
trên mới có thể và có quyền can thiệp vào đời sống tư riêng của mình buộc phải
sửa đương cho nên Hiền, nên Thánh. Thoảng như mình không gia nhập vào Đạo Cao
Đài thì những người kia chỉ là xa lạ, đâu ai có quyền can dự vào đời sống của
mình, ngăn cản, khuyên bảo việc dữ, điều lành. Vả lại, chung sống với nhau
trong đoàn thể, anh ngã em nâng, đâu đâu cũng có bạn hữu là một điều lợi trước
mắt về cả tinh thần lẫn vật chất.
Còn về phương diện vô
hình, khi người tín đồ lập thệ rồi thì sẽ được Thần linh theo phù hộ, nếu họ
thật tâm cải tà quy chánh. Đây là điểm hệ trọng, con người có thể dối gạt được
người phàm nhưng không thể nào dối gạt được Thần linh. Thần linh đến phù hộ
chúng ta bằng sự giao cảm, nếu không thiệt tâm tu hành, dầu đã nhập môn cũng
chẳng thấy một ân huệ nào cả. Vả lại, nếu không dám hứa nhập môn theo Đạo trước
mặt Thần linh thì Thần linh không nhận mình làm đệ tử. Ấy là lẽ đương nhiên.
Lúc mới khai Đạo tại Cần
Giuộc, có một Đàn cơ Đức Chí Tôn giảng dạy như sau: “Quỉ vương đến trước Bạch Ngọc Kinh xin hành xác và thử thách các con,
Thầy chẳng cho hành xác, chúng nó hiệp Tam Thập Lục Động toan hại các con, nên
Thầy sai Quan Thánh và Quan Âm đến giữ gìn các con. Nhưng phần đông chưa lập
minh thệ nên chư Thần, Thánh, Tiên, Phật không muốn nhìn nhận” (TNHT.QI.
1969.Tr.37)
IV - GIẢI OAN TẮM THÁNH
Còn một điều ích lợi nữa
về mặt thần quyền, là sau khi lập thệ rồi, nếu may duyên gặp được vị Chức sắc
có thọ truyền bửu pháp sẽ được làm "Phép Giải Oan" để rửa sạch tội
tình oan nghiệt đã gây ra từ trước. Tâm thần của người tín đồ sẽ cảm thấy nhẹ
nhàng hơn trước. Bí pháp này nhằm đem đến cho thể xác ân điển thiêng liêng
thanh khiết, xua đuổi tà khí ra khỏi xác thân. Đức Chí Tôn có dạy: “Chơn thần của các con gặp tà khí thì khó
chịu nên Thầy xuống điển nhiều đặng ngăn tà mị, một đôi khi phải nhập xác vì
điển xuống nhiều. Cũng một lẽ ấy mà mỗi lần lập thệ đều có nhập xác”.
Đối với trẻ sơ sinh, cha
mẹ có bổn phận phải đem nó đến Thánh Thất hay Đền Thánh để làm "Phép Tắm Thánh". Điều thứ 12
chương Thế Luật của Bộ Tân Luật ĐĐTKPĐ ghi rõ: “Đứa con nít khi được một tháng sắp lên phải đem đến Thánh Thất sở tại
mà xin làm lễ Tắm Thánh và ghi vào Bộ Sanh của bổn đạo”. Sau nghi lễ này,
đứa trẻ được gọi là tín đồ về mặt pháp lý. Nó được cấp giấy chứng nhận được gọi
là “Giấy Tắm Thánh”. Cha mẹ phải có bổn phận gìn giữ giấy này cho đến khi nó
trưởng thành.
Theo luật lệ hiện hành của
Hội Thánh, đến năm 18 tuổi, đứa trẻ được coi là trưởng thành. Nó phải làm lễ
nhập môn minh thệ và đem giấy Tắm Thánh đổi lấy Sớ Cầu Đạo Thiệt Thọ. Hội Thánh
sẽ ghi tên nó vào Bộ Đạo chính thức từ đây. Sở dĩ có sự ràng buộc này là vì khi
còn bé thơ, cha mẹ đem nó đi Tắm Thánh, nó chưa có ý thức gì về hành động này
cả. Việc làm hoàn toàn do cha mẹ nó hoàn toàn định đoạt. Giờ đây đứa bé đã
trưởng thành, nó có ý thức và trách nhiệm đối với mọi hành động của nó. Nó được
hoàn toàn tự do xác định rằng nó muốn theo Đạo Cao Đài hay không tùy ý nó.
Thoảng như nó nhất quyết từ chối không theo Đạo, luật lệ của Hội Thánh cũng
không buộc tội cha mẹ nó hoặc nó. Nếu không nhập môn, không có Sớ Cầu Đạo thì
kể là không có Đạo.
Còn về mặt thần quyền, bí
pháp Tắm Thánh cũng có nghĩa như phép Giải Oan, nghĩa là đem ân điển thiêng
liêng truyền vào cơ thể hài nhi để giúp nó phát triển dễ dàng cả về tâm linh
lẫn thể chất theo chiều hướng tốt đẹp. Đối với trẻ người ta coi là vô tội, ít
nhất từ khi mới sinh ra, nên dùng chữ “Tắm
Thánh” chứ không dùng chữ “Giải Oan” vì
nó chưa gây nên oan nghiệt gì cả.
- Tại sao cha mẹ có bổn
phận phải đem con đi làm lễ Tắm Thánh?
Khi một Chơn linh xuống trần quyết
định lựa chọn gia đình có đạo đức
để đầu thai làm con, Chơn linh ấy xét thấy có nhiều hy vọng để được bậc cha
mẹ nuôi dưỡng mình suốt thời kỳ thơ ấu trong nếp
sinh hoạt đạo đức, hy vọng được hưởng ân huệ của Đức Chí Tôn ban cho trong Tam
Kỳ Phổ Độ này, được Chí Tôn ân xá tội tình từ kiếp trước. Nếu bậc cha mẹ không đem trẻ con đi Tắm Thánh, nó sẽ không được hưởng
ân lành của Đức Chí Tôn ban cho và con đường tấn hóa của nó có thể gặp trở ngại
vì những quả nghiệp xấu mà nó đã gây ra từ bao kiếp trước và vì chưa được ân xá
nên phải trả theo luật công bình thiêng liêng vậy. Trách nhiệm ấy về phần cha
mẹ gánh chịu trực tiếp vì bậc cha mẹ là người hiểu Đạo mà không lo tròn bổn
phận đối với con trẻ, làm chậm trễ bước đường tấn hóa của các Chơn linh xuống
trần.
(Trích từ "Đời
Sống Người Tín Đồ Cao Đài", HT Nguyễn Long Thành, Ấn bản 2015).
Về Hạnh Đường